Bà Chantawipa Apisuk, người sáng lập ra Empower kể: ban đầu đây chỉ từ một câu lạc bộ Anh văn dành cho các cô gái hành nghề bán dâm ở Patpong, rồi cảm thông tình cảnh bi đát và luôn bị giới chủ chà đạp mà các cô phải chịu đựng, bà cùng những nhà hoạt động xã hội Thái quyết định thành lập một tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ họ và Empower ra đời từ đó.
Cứ đến giờ cao điểm vào “ca” của những cô gái bán dâm thì cũng là lúc các nhân viên, tình nguyện viên của Empower chia nhau xuống phố; xâm nhập vào tận các quán bar, CLB thoát y vũ để tìm hiểu, tiếp cận, kịp thời giúp đỡ cho các cô gái ở khu đèn đỏ. “Chúng tôi gọi họ là những “sex worker”, những người chấp nhận làm công việc lao động tình dục vì lý do này hay lý do khác; nhưng hầu hết do cuộc sống khó khăn, đưa đẩy họ vào công việc khốn khổ, nhục nhã này khiến họ có những nỗi niềm rất cần được sẻ chia, giúp đỡ…” - bà Chantawipa cho biết.
“Đừng nhìn những gương mặt tươi tỉnh, khiêu gợi của họ sau lồng kính kia mà nghĩ rằng họ chỉ là những con búp bê vô cảm. Đằng sau sự hào nhoáng của con phố Patpong là những phận đời đầy nước mắt” - Nooti , một tình nguyện viên Empower, nói.
Chúng tôi theo Nooti phóng xe sang bên kia sông đến khu Somdet Phra vào lúc 2 giờ sáng. Căn phòng trọ của các sex worker lung linh ánh nến. Ba cô gái đang ngồi quây quần bên chiếc bàn với một chiếc bánh sinh nhật cắm nến và một ít thức ăn nguội. Hai chai Remy Martin đều đã cạn quá nửa. Các cô đã khá say. Hôm nay là sinh nhật thứ 21 của Sarila, cô gái làm ở hộp đêm Electric bar. Trong trang phục áo pull, quần jean, trông cô xinh xắn như một nữ sinh viên. Trò chuyện một lúc, chúng tôi mới biết Sarila hóa ra là sinh viên thật. Quê ở tận tỉnh biên giới Mae Hong Son xa xôi, hiện cô đang học năm thứ 3 ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Bangkok.
Cha mẹ Sarila mất sớm, gia đình chỉ còn hai chị em cô. Ngoài giờ học ban ngày, ban đêm Sarila buộc phải làm cái nghề bán thân để có tiền trang trải học phí và lo bữa ăn cho mình cũng như phải gửi về nuôi cô em gái còn đi học ở quê nhà. Bobumi, ngồi cạnh Sarila, có thân hình chuẩn của một người mẫu, đến từ vùng nông thôn tỉnh Nong Khai ở đông bắc Thái. Cô đã trở thành một sex woker khi mới 15 tuổi. Chính cha mẹ ruột Baboumi đã “bán” cô cho một nhóm ma cô chuyên đi săn lùng các thiếu nữ ở vùng nông thôn để đưa về Bangkok kinh doanh thân xác. Vậy nhưng bốn năm nay, Bobumi vẫn gửi tiền đều đặn về quê lo cho cha mẹ già. Bobumi đang theo học phổ cập văn hóa vào ban ngày do tổ chức Empower mở cho các sex worker.
Thành viên còn lại của bữa tiệc sinh nhật này là một cư dân Bangkok, 23 tuổi, đã chia tay với chồng hai năm nay. Thất nghiệp, không đủ tiền nuôi con nên cô chấp nhận làm công việc này một thời gian để tìm việc khác. Con cô, đứa trẻ 2 tuổi đang nằm ngủ ở góc phòng. Bữa nào đi khách qua đêm, người mẹ trẻ này lại nhờ các bạn “đồng nghiệp” hay các tình nguyện viên trông con giúp… Các cô đều xem những tình nguyện viên Empower là chị em trong gia đình mình.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
====================
Giữa vòng xoáy không lối thoát
Nakyramy, một sex worker từng làm việc ở một tụ điểm body massage ở Patpong ví von rằng, quãng thời gian hành nghề ngắn ngủi của các cô giống như một ngôi lóe sáng rồi vụt tắt. Dù có nổi tiếng đến mấy, kiếm được tiền bao nhiêu rồi cuối cùng cũng tay trắng.
Không ít người trong số họ kết thúc cuộc đời trong nghèo đói, bệnh tật và sự rẻ rúng của xã hội. “Chỉ mới vài năm trước, tôi từng là hoa khôi của con phố này. Có đêm kiếm được hàng ngàn USD. Nhưng những đồng tiền đó được dùng vào những canh bạc, thuốc lắc và ma túy để rồi nó giết lần giết mòn tuổi xuân của tôi” - Nakyramy thú nhận.
Không có việc làm lại nghiện ma túy, Nakyramy phải sống bằng những đồng tiền vay mượn xem như bố thí của các “đồng nghiệp” cũ. Mới đây, cô phát hiện ra mình bị nhiễm HIV khi có đứa con trai đầu lòng với một người đàn ông lớn tuổi, xa lạ. Naktramy bảo rằng, cô muốn có một đứa con để hủ hỉ khi tuổi về già mà không cần đứa bé có cha. “Bây giờ đã chấm hết tất cả, không còn chút hi vọng ở tương lai. Tôi cảm thấy rất có tội với con mình vì đã gieo cho con một căn bệnh hiểm nghèo khi nó mới lọt lòng mẹ”- Nakyramy nghẹn giọng.
Theo tình nguyện viên Nooti, cái vòng đời lẩn quẩn nghèo đói – ô nhục của các sex worker khiến không ít những đứa con gái của họ lại tiếp tục trở thành gái mại dâm khi đến độ tuổi trưởng thành. Bởi chúng là kết quả của những cuộc tình thoáng qua của các sex worker hay là nạn nhân đáng thương từ các gia đình tan vỡ mà người mẹ rồi sa chân vào nhà thổ. Hầu hết những đứa trẻ ấy thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ.
Như Tata Simon, vừa tròn 18 tuổi, quê ở Chiang Rai, làm việc ở hộp đêm Bell ở khu Patpong, đã “nối nghiệp” mẹ được ba năm nay. Tuổi thơ của Tata là những ngày sống vất vưởng trong sự cưu mang của bạn bè cùng nghề với mẹ. Kể với chúng tôi, Tata nói cô vẫn con nhớ rất rõ những lần chứng kiến mẹ mình đi về nhà cùng những gã đàn ông xa lạ trong trạng thái say mèm... Khi không thể hành nghề được nữa, mẹ của Tata được nhận làm lao công quét dọn cho chính hộp đêm bà từng làm gái làng chơi. Một lần, trong trạng thái say xỉn bà bị xe hơi tông chết. Tata lại chọn cái “nghề” của mẹ để mưu sinh.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
===================================
Nơi cứu vớt những trẻ thơ bất hạnh
Bà Prakong Vithaysai là bác sĩ khoa dị ứng và miễn dịch học thuộc bệnh viện Đại học Y dược thành phố Chiang Mai.
Vào thời điểm đại dịch HIV/AIDS bùng phát tại Thái Lan những năm đầu thập kỷ 1990, bệnh viện nơi bà làm việc hầu như không có trang thiết bị và con người phục vụ cho việc điều trị, tuyên truyền chống lại căn bệnh thế kỷ này.
Vậy mà ngày nào bệnh viện cũng phải đón nhận những đứa trẻ vô thừa nhận bị mẹ vứt bỏ ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Đau lòng hơn, hầu hết các cuộc xét nghiệm máu để thử HIV các cháu bé đều cho ra kết quả dương tính. Số trẻ ra đời nhiễm bệnh cứ đông thêm như chính số lượng gái mại dâm chuyên nghiệp cũng đang bùng phát giai đoạn này để kịp phục vụ “công nghệ du lịch tình dục” ở Thái Lan.
Không thể để mặc những sinh linh nhỏ bé ấy, bà Prakong đã xin phép ban giám đốc bệnh viện được tự tay chăm sóc những đứa bé bất hạnh. Bà đã làm những công việc mà các bác sĩ khác không dám đụng tay tới: lau máu, rửa rốn, bón thức ăn cho bé... Sau mấy năm trời bà sống bên giường bệnh của những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS, câu chuyện “bà tiên” Prakong đã bắt đầu được thế giới biết đến.
Câu chuyện này đến tai một triệu phú người Thụy Sĩ. Sau nhiều lần thư từ qua lại với bà Prakong, triệu phú có tấm lòng nhân ái đó đã quyết định bay đến Chiang Mai trực tiếp trao cho bà Prakong một khoản tiền lớn để bà có thể thực hiện mơ ước lớn nhất đời mình là thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ mồ côi bị nhiễm HIV/AIDS. Số tiền này cộng với khoản tiền do Prakong và chồng bà quyên góp trong nhiều năm đã giúp hình thành Support the Children Foundation (SCF) - tổ chức hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ nhiễm HIV/AIDS lớn nhất Thái Lan, chính thức ra đời từ ngày 2-9-1992.
Những đứa trẻ vô thừa nhận, phần đông là con của các sex worker đã giải nghệ cũng như đang hành nghề ở các nhà thổ của Thái Lan được đưa về nuôi dưỡng trong bốn ngôi nhà biệt lập, được SCF mua ở trung tâm thành phố Chiang Mai. Chúng được cung cấp thuốc điều trị, được các bác sĩ và y tá chăm sóc hàng ngày, được học hành vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác. Bà Parkong cùng các nhân viên của mình còn tìm được nhiều bà mẹ của các đứa bé để giúp họ một số vốn hay tìm cho họ một công việc mưu sinh như trồng nấm, nuôi heo…, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống để từ đó có điều kiện quay lại thăm con mình.
Hôm chúng tôi đến thăm SCF, ở đây không còn đứa trẻ nào vì qua sự vận động của SCF chúng đã được các gia đình có tấm lòng nhân hậu ở Chiang Mai nhận về làm con nuôi. Ngôi nhà nay đã trở thành văn phòng liên lạc thư tín của SCF nhưng vẫn còn dấu vết của vườn trẻ ngày nào: những chiếc xe đạp trẻ con trong khu vườn nhỏ trước nhà, những con thú nhỏ bằng gỗ, vài chiếc giường trẻ xinh xinh và trên tường dán đầy các bưu thiếp do các bé gửi tặng Prakong vào các dịp lễ.
Tổ chức SCF đã trở thành nơi tư vấn, giúp đỡ và ngăn ngừa HIV/AIDS đối với các cô gái bán dâm. Các nhóm tình nguyện viên của SCF đã mở hàng ngàn chiến dịch tuyên truyền chống HIV/AIDS. Bản thân bà Prakong cũng đã từng đi đến tận các nhà thổ, hộp đêm để vận động các sex worker sử dụng bao cao su. “Giúp các cô gái bán dâm phòng chống, ngăn ngừa ngay từ đầu hiểm họa HIV/AIDS là giúp giảm đi những đứa trẻ đã bị đánh mất cả tuổi thơ, cuộc đời vì hậu quả mà mẹ chúng gây ra”, bà Prakong kết luận.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét