Tự đánh giá mình - Thước đo đầu tiên của kỹ năng sống
Nhiều bạn trẻ có khát vọng tự khẳng định mình trong cuộc sống. Trong số đó, không ít bạn nghĩ rằng mình đã rất chuyên nghiệp, rất “pro”. Thế nhưng thực tế, phải chăng có nhiều bạn trẻ đã đánh giá về khả năng cũng như tính cách của mình một cách chính xác?
Nhiều bạn đánh giá chưa chính xác về bản thân mình nên đã có nhiều chuyện bi hài trong cuộc sống.
Tôi là ai?
Nguyễn Ng., cựu sinh viên kinh tế từng vài lần thành công với các dự án thời sinh viên nên rất tự tin ở khả năng của mình. Ng. mở một công ty quảng cáo khá bề thế ở Quận 1 với một cái tên nước ngoài khá kêu. Sản xuất phim truyền hình, phim quảng cáo và các game show chuyên nghiệp và đẳng cấp... là những gì Ng. tự giới thiệu về mình cũng như công ty mình. Ng. tung tất cả các chiêu đánh bóng bằng cách giới thiệu một game show và đơn phương ký hợp đồng sản xuất trong khi nhà tài trợ chưa làm thỏa thuận ghi nhớ.
Ngặt nỗi, đối tác là một nhãn hàng sữa đầy kinh nghiệm đã nắm rất rõ thực lực của cộng sự qua quy trình điều tra nên họ từ chối vào giây phút cuối. Tất cả những khoản chi của dự án không thể khấu hao... Bấm bụng sản xuất được 26 kỳ, số vốn ít ỏi của Ng. tan theo mây khói. Sau tám tháng làm chủ, Ng. phải trở lại làm thuê để chờ đợi cơ hội mới. Chúng ta không lấy câu chuyện thất bại của Ng. để trách Ng., nhưng phải chi Ng. biết lượng sức mình, phải chi Ng. biết đánh giá về mình một cách nghiêm túc hơn thì mọi chuyện đã có kết cục khác.
Kết quả những nghiên cứu về tự đánh giá bản thân cho thấy tỉ lệ tự đánh giá sai về mình là rất cao. Chỉ có xấp xỉ 20% số người vị thành niên đánh giá về mình khá chính xác. Vì sao ư? Vì một điều rất đơn giản là có quá nhiều người không có thói quen tự nhìn nhận về mình một cách công tâm.
Nhiều bạn trẻ hay có thói quen tưởng rằng mình là “nhân vật trung tâm” nên rất cảm tính khi tự lượng sức mình mà thiếu tính tương tác với các đối tượng khác nhau trong cuộc sống. So sánh với môi trường sinh viên, có thể mình nổi bật. So sánh với những dự án học đường hoặc những dự án có tính chuyên nghiệp không cao, mình rất tự tin chiến thắng, nhưng khi bước chân vào môi trường làm việc thật sự, thì việc tự đánh giá về mình lại mang ý nghĩa tích cực và “thời sự”.
Thông điệp tôi là ai - một thông điệp tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại thật sự khó để có thể làm rõ. Làm thế nào để biết mình là ai trong cuộc sống, mình có những gì... đó không phải là điều ai cũng có thể thẩm thấu. Để biết chính xác về mình không thể chỉ thông qua người khác mà trước hết, tự mình hãy “nghe ngóng” nội lực của bản thân. Mỗi ngày, hãy tự soi gương ít nhất ba lần, sự huyễn hoặc về sắc đẹp của bạn sẽ được giảm bớt.
Hãy so sánh mình với những người thật tệ hại và những người thật sự giỏi, bản thân mình sẽ cảm thấy mình là một người rất bình thường chứ không hề phi thường trong cuộc sống.
Kỹ thuật định lượng cá nhân
Muốn giải mã chính xác tôi là ai, tôi như thế nào, tôi có gì..., hãy đặt cái tôi trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Tôi là ai so với bạn bè, tôi là ai so với cha mẹ, tôi là ai so với thầy cô, tôi là ai ở cơ quan, tôi là ai trong tập thể... Những thông điệp này được giải mã và làm cho cái tôi được “hoạt hóa” một cách đích thực và chính xác trong từng hoàn cảnh cũng như trong từng mối quan hệ, từ đó chủ thể sẽ biết cách ứng xử sao cho thật sự phù hợp và hiệu quả...
Hãy thường xuyên đặt hình của mình bên cạnh hình của người khác, hãy biết tìm ra một điểm rất lạ, rất đẹp ở người khác, bạn sẽ cảm thấy mình không còn là người quá kiêu ngạo và hung hăng...
Muốn biết được thế mạnh và điểm yếu của mình, hãy chịu khó dùng một chiếc cân “cổ” để chia nhỏ những viên đá hài lòng và không hài lòng thành hai phía. Viên đá hài lòng ở một phía và phía còn lại là những viên đá không hài lòng.
Khi công tâm đánh giá, bạn sẽ cảm thấy mình là người rất bình thường và bạn cũng đã đánh giá được một cách chính xác mình là ai, mình có gì trong cuộc sống. Mọi thách thức sẽ qua đi, chỉ còn mình bạn ở lại, vậy nên hãy tự đánh giá về mình một cách chính xác, bạn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc.
Nhận thức đúng tôi là ai sẽ giúp cho bạn đánh giá chính thực lực của mình để phấn đấu nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Sự phấn đấu này có kế hoạch và chiến lược chứ không phải là sự liều lĩnh và mạo hiểm quá mức.
Không thể phủ nhận rằng sự mạo hiểm sẽ đem lại những giá trị rất đặc biệt nhưng cơ hội may mắn không thể chia đều cho mỗi người. Chắc chắn rằng khi đánh giá đúng về mình thì ngay cả khi thực hiện những việc mạo hiểm, bạn vẫn có thể cầm chắc kết quả khả quan.
HUỲNH VĂN SƠN
Bơi giữa mục tiêu cuộc đời
Là nhân viên trợ lý cho một công ty nước ngoài, Xuân nổi tiếng xinh xắn và thông minh. Vì là người có triển vọng, Xuân được điều chuyển qua khá nhiều vị trí khác nhau. Ở mỗi vị trí nhất định, Xuân đều hoàn thành từ xuất sắc đến trên mức xuất sắc.
Mục tiêu ảo
Phấn đấu hơn 10 năm với mức lương ngấp nghé ngưỡng 5 con số tròn trĩnh được tính bằng tiền đôla Mỹ, ai cũng bảo Xuân thực sự thành công. Quyết chí phấn đấu hết mình để chuẩn bị cho chức danh Phó tổng giám đốc, Xuân quyết hy sinh tất cả.
Có lần, Xuân tuyên bố chỉ cần công việc không bỏ mình là đủ. Có ai ngờ rằng, hàng đêm đối mặt với bức tường trống vắng, đối diện với những cuộc gọi của mẹ hối thúc lập gia đình, đối diện với lời chia tay chính thức từ phía người yêu khi đã hơn 10 lần khất lễ cưới... Xuân cảm thấy hoang mang.
Do một mình phải quán xuyến quá nhiều việc từ tài chính đến nhân sự, gần đây Xuân đâm ra cáu gắt. Nhân viên nào làm không vừa ý thì lập tức Xuân đùng đùng nổi giận, tóc tai dựng ngược, mặt đỏ như lửa, giọng thì chát chúa hơn cả chuối “non xanh”. Từng nhân viên bỏ ra đi, những người thân cũng dần dần ngán ngẩm, nhiều người thân rất mực kiên nhẫn cũng cảm thấy Xuân đã trở thành một người hoàn toàn khác...
Công việc cũng không hẳn tuyệt vời nhưng tâm hồn và đời sống tinh thần của Xuân có vẻ sa sút trầm trọng. Tiến hay lùi, tiếp tục hay tạm dừng đều là những câu hỏi lựa chọn khó có thể khả thi... Những câu hỏi thường trực trong suy nghĩ như: tôi cần gì, đâu là điều tôi muốn, tôi nên làm gì đây... Xuân cũng không thể trả lời.
Không chỉ Xuân mà nhiều bạn trẻ cũng băn khoăn và căng thẳng khi đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình. Chưa bao giờ việc định hướng cuộc sống lại cần thiết như lúc này. Không hẳn vì nhiều người định hướng sai nhưng trước nhiều áp lực và thách thức của cuộc sống, trước nhiều ngã rẽ, trước rất nhiều những cơ hội lựa chọn và đánh đổi thì việc định hướng đúng đắn và hợp lý trở thành một thách thức không nhỏ. Có thể nói, đây là một kỹ năng sống rất cần thiết.
Trường hợp của Nguyên lại là một trường hợp điển hình khác. Cứ 10 ngày Nguyên lại phải vào bệnh viện để điều trị nhưng anh kiên quyết không giao lại công ty cho ai cả. Nguyên tâm sự rằng đó chính là tim óc của mình nên không thể giao khoán hay chuyển tiếp cho người khác. Sơ đồ cuộc đời của Nguyên đã được chính Nguyên vẽ rất hoành tráng. Nguyên phải là một doanh nhân nằm trong top 50 người thành đạt trước tuổi 30, phải nổi tiếng trên lĩnh vực truyền thông, phải có một gia đình thực sự hạnh phúc, phải có vài căn biệt thự thật độc đáo, đem lại cho người thân một cuộc sống tốt, phải... và nhiều phải khác.
Vật lộn với các dự án, “đấu đá” trí não với các đối thủ, giao lưu bằng các chế độ “phết phẩy” với các khách hàng xong, Nguyên vẫn cảm thấy chán nản. Câu hỏi cố gắng vất vả để làm gì chính Nguyên cũng không thể trả lời được. Hai tháng liên tục khó ăn, khó ngủ cộng thêm căng thẳng và thách thức trong công việc, Nguyên lâm bệnh thực sự và bác sĩ chẩn đoán anh bị kiệt sức kèm theo rối loạn ám ảnh.
Trong giấc ngủ chập chờn, Nguyên vẫn bị ám ảnh về các kế hoạch kinh doanh, anh liên tục hỏi rằng kế hoạch này, sự kiện này xong chưa, “link” quảng cáo như thế nào... Sau khi giải quyết xong bề nổi về sức khỏe, Nguyên tìm đến nhà tư vấn để tìm hiểu về chính mình...
Thực ra, những “triệu chứng” như: không thể kiềm chế cảm xúc, không thể vượt qua áp lực công việc cũng như áp lực của mục tiêu, không thể chế ngự tinh thần với những thất bại trong cuộc sống sẽ làm cho tâm lý bạn rơi vào trạng thái bất ổn. Cơ sở và căn nguyên khá quan trọng của tình trạng này là việc đặt ra mục tiêu cuộc đời bạn đang có vấn đề.
Hiện tượng này dẫn đến trạng thái tâm lý “thiếu kiểm soát” thái độ và hành vi. Khi điều này xảy ra, cơ chế tâm lý tự vệ hay cơ chế tâm lý “xung đột thường trực” sẽ rất dễ dàng trở thành “bạn đường” của bạn. Tình hình càng lúc càng trầm trọng nếu chính chủ thể không ý thức được cũng như không có những can thiệp kịp thời bằng các liệu pháp tâm lý.
Không thể trách Nguyên hay Xuân về những khát vọng trong cuộc sống nhưng có lẽ, các bạn ấy đã tự dồn ép mục tiêu sống của chính mình. Hai bạn đã không thể phân biệt đâu là mục tiêu trước mắt và đâu là mục tiêu lâu dài; đâu là mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trung hạn và mục tiêu dài hạn.
Lẽ đương nhiên, bạn càng không được phép thiếu cân nhắc để định lượng một cách rạch ròi, riêng rẽ đến mức chính xác mục tiêu của chính mình trong cuộc sống. Một mục tiêu sống hợp lý nhất thiết phải là mục tiêu cân bằng dựa trên thực lực của cá nhân, nhu cầu hàng đầu của chính mình, những giá trị thực sự chiếm ưu thế. Mục tiêu quan trọng nhất của con người chắc chắn là hạnh phúc, nhưng điều rất quan trọng là hạnh phúc được hiểu ra sao, như thế nào?
Nguyên tắc đặt mục tiêu cuộc sống
Một nguyên tắc rất đơn giản để có thể đánh giá mục tiêu của chính bạn trong cuộc sống là mục tiêu ấy có cụ thể hay không, mục tiêu ấy có đo được, mục tiêu ấy có thực sự nhận được sự đồng thuận của chính bạn cũng như của những người khác, mục tiêu ấy có mang tính thực tiễn - khả thi và thời hạn hoàn thành mục tiêu đó như thế nào là vừa sức. Không thể cấm cản những khát vọng và ước mơ, cho nên sự tranh cãi về vấn đề mục tiêu mang tính lãng mạn hay mục tiêu vừa sức vẫn đang diễn ra.
Thế nhưng, nếu nói đến lý tưởng và ước mơ thì nhất thiết tính lãng mạn phải thực sự được bừng sáng còn những mục tiêu cuộc đời phải được hoạch định sao cho rõ ràng, chính xác và thật chi tiết. Hoạch định mục tiêu cuộc đời vừa sức là khuynh hướng nhiều người đang ủng hộ. Lẽ đương nhiên, nếu bạn thực sự tích cực và tự tin cũng như bạn có tài năng thực sự, bạn hoàn toàn có quyền đặt ra mục tiêu cao.
Cũng chính những cơ sở ấy cho phép bạn nâng tầm mục tiêu của mình cũng như nhanh chóng làm chủ hoàn cảnh để hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, đừng quá huyễn hoặc kỳ vọng quá mức ở chính mình hay thiết lập những mục tiêu hoang tưởng.
Trước khi hoạch định mục tiêu cuộc đời, hãy nghiêm túc trả lời rằng liệu thiếu điều đó, bạn có thể sống được hay không để không quá tạo áp lực với mình.
HUỲNH VĂN SƠN
Home »
Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống.
» 02: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
02: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
Posted by +84987002345
Posted on 07:16
with No comments
Nhãn:
Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét