Home » » Người Việt - Phẩm Chất Và Thói Hư Tật Xấu 08

Người Việt - Phẩm Chất Và Thói Hư Tật Xấu 08

Đời sống tinh thần suy đồi trống rỗng


(Vũ Văn Hiền, Thanh nghị số đặc biệt,
vài vấn đề Đông Dương, năm 1945)

Ở các làng quê đâu đâu cũng thấy một sự mê muội bướng bỉnh gian dối, đâu đâu cũng thấy những thói rượu chè cờ bạc khao vọng ma chay kiện cáo. Sự nghèo nàn về tinh thần và từ khi nền học cũ đã tàn, sự thiếu thốn về luân lý đổ thêm vào sự đói rét và ốm đau để làm cho người dân quê Việt Nam cực kỳ khổ sở.

Sở dĩ mọi cải cách thất bại vì dựa trên nguyên tắc không hợp thời "các làng xã cần được hoàn toàn tự trị". Khi giao việc cai trị trong làng cho những người sống trong làng (tức mỗi làng là một đơn vị tự túc về cai trị) các làng càng trở nên cô lập, không chung sống với lân bang, mỗi làng thường không đủ năng lực làm việc gì cho to tát.

Các chức vụ chỉ để thỏa mãn lòng khát khao danh vọng của dân quê. Thật ít khi người ta thấy nhiều người lãng phí thời giờ và nghị lực vào những công việc hão huyền như trong một làng Việt Nam. Và thật khó lòng tìm ở một nơi nào khác nhiều bộ phận vô ích như làng xứ ta.
Dễ dãi trong quan hệ

(Phan Khôi, cái quyền sở hữu trung lập, Sài Gòn, năm 1930)

Người An Nam mình có tính hay xuề xoà(1) ra chỗ đồng tiền phân bạc thế nào xong thì thôi không có nè nóc(2) gì cho lắm. Cái tính ấy ở đời nay là tính xấu. Vì khi xuề xoà của mình chẳng nói làm chi, cón khi mà xuề xoà đến của người ta thì họ không có nể đâu, nói ngay trước mặt mình rằng chú là đồ ăn cắp.

(1) Làm ra vui vẻ, không quản thiệt hơn.
(2) Chưa rõ nghĩa. Có thể hiểu là suy bì hơn thiệt (?)
Chê bai bừa bãi, sinh nghi kỵ nhau
(Phan Khôi, cái ảnh hưởng của Khổng giáo

ở nước ta, Thần chung, Sài Gòn, năm 1930)

Phủ huyện nào cũng đều có hội Văn chỉ, các hội ấy làm giềng mối chủ trương dư luận cả xã hội, người ta quen gọi là cái nền danh giáo hay ca quan thanh nghị(1). Chẳng những người trong hội cho đến người thường ở ngoài, nếu có làm việc gì nhắm tới luân lý trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội.

Người An Nam mình kém học ít nghe cạn nghĩ lại thêm không biết phán đoán, mà cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm(2) nhiều khi thất thiệt, bị người ta lợi dụng mà gieo điều nghi kỵ, thành ra ngờ vực nhau chia rẽ nhau.

(1) Bàn bạc, xét đoán, đánh giá người đời.

(2) Khen chê.

Lớp trẻ hỗn xược, thô lỗ
(Nguyễn Văn Huyên, Vấn đề

nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, năm 1939)

Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục. Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược vì thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách và nghe đi nghe lại câu răn dạy của đạo nho "Tiên học lê hậu học văn".

Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu. Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn các dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết hiệu quả của nó trong một số môi trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét