Mail Yahoo - người hùng công nghệ của thập niên 90 đã và đang đi xuống "mạnh mẽ" cả về công nghệ, tư duy lẫn tầm ảnh hưởng. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Yahoo đã thay đổi cách sử dụng Internet của thế giới. Những đột phá của hãng công nghệ này đã khiến cuộc sống của người sử dụng Internet (đặc biệt tại Việt Nam) trở nên tươi đẹp hơn. Tuy nhiên, sự bất tiện, bảo thủ, chậm tiến của Yahoo mà điển hình là Yahoo! Mail khiến nó càng ngày càng bị "khinh rẻ".
Hãy nhớ lại khoảng 8 - 9 năm trước, Yahoo! Mail thực sự là dịch vụ thư điện tử tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất thế giới thời điểm đó. Trong khi các dịch vụ khác vẫn đang "vật lộn" tìm giải pháp sao cho phương thức gửi thư nhanh chóng, thuận lợi nhất thì Yahoo - khi đó còn là "đầu tàu" của làng công nghệ thế giới - đã đưa ra giao diện người dùng thân thiện, đẹp và tiện dụng. Nhưng quan trọng hơn, lợi thế lớn của Yahoo luôn là dung lượng: 25MB (2002 - khi Gmail chưa ra mắt), 100MB (giữa năm 2004), 250MB (cuối năm 2004 - Hotmail vẫn là 2MB, Gmail vẫn là Beta). Rồi đến tháng 5/2007: Yahoo gây shock với quyết định ra mắt hòm thư "dung lượng vô hạn".
Dường như, thành công đến quá nhanh và dễ dàng đã khiến Yahoo chủ quan, tự thỏa mãn. Giao diện một thời được coi là tân tiến, hoàn hảo song không có gì thay đổi lớn trong suốt thời gian dài đã khiến Yahoo! Mail trở nên tụt hậu nhanh chóng trong thế giới công nghệ vũ bão như hiện nay, đặc biệt là khi đặt cạnh các đổi thủ, chẳng hạn như Gmail - sản phẩm của "ông trùm tìm kiếm".
Tốc độ chậm chạp
Không ai hiểu Yahoo đã làm gì với giao diện của mình khiến nó lại ì ạch đến vậy. Một loạt Flash, hình ảnh vô tác dụng chạy khắp màn hình; hay còn tích hợp tính năng đọc báo... vào giao diện mail, điều này có thể giúp Yahoo tăng số lượng truy cập của trang tin nhưng bù lại nó làm hãng mất đi rất nhiều khách hàng không chấp nhận được sự chậm chạp này.
Thử nghiệm ngay trên máy tính tác giả đang viết bài này tại thời điểm hiện tại, trong khi Gmail mất chưa đến 10s tính từ lúc đánh thông tin đăng nhập đến lúc xuất hiện giao diện hòm thư thì thử nghiệm tương tự với Yahoo, quá trình ngày "ngốn" 30s.
Quan trọng hơn, tốc độ tải mail của Yahoo là cực kỳ chậm chạp. Đặc biệt là những mail chứa ảnh, Flash, do không có cơ chế "chặn" nên chúng sẽ làm tốc độ càng chậm hơn.
Giao diện bất tiện
Người dùng quan tâm gì khi đăng nhập mail? Đương nhiên là check mail - câu trả lời quá đơn giản và hiển nhiên nhưng dường như Yahoo cố tình không hiểu. Khi người dùng đăng nhập thành công, điều đầu tiên họ nhìn thấy là một loạt tin tức, cập nhật... liên quan đến tài khoản của mình và... tin tức thế giới: Quá nhiều và phức tạp cho một hòm thư điện tử.
Hãy nhìn vào đối thủ Google, ngay khi đăng nhập, người dùng sẽ thấy ngay Inbox cá nhân. Có người sẽ nói ngay: "Mất công gì một cú click đâu" nhưng với những kết nối không ổn định, việc đăng nhập mail đã khó khăn thì việc chuyển tab đôi khi khiến người ta không thể load được thông tin mong muốn. Rõ ràng, điểm này Yahoo thua hẳn đối thủ.
Tính năng và sự tiện dụng
Một tính năng quan trọng của Gmail cũng như hầu hết các dịch vụ khác đều đã nhóm mail thành các "cuộc hội thoại". Cụ thể, chúng nhóm các mail trả lời cùng một chủ đề vào một "địa điểm" khiến người dùng có thể tiện theo dõi. Tuy nhiên, tác giả không hiểu sao đến giờ này Yahoo vẫn chưa làm điều này. Các mail trả lời rời rạc khiến người dùng, đặc biệt là những người phải xử lý hàng chục mail một ngày, "chóng mặt". Tất nhiên, họ có lý do của riêng mình nhưng đây cũng là lý do khiến cho người dùng không thích Yahoo.
Kém ổn định
Không biết do "đen đủi" hay lý do gì mà tỷ lệ mất thư, gửi không thành công khi dùng Yahoo! Mail là cực kỳ cao và xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, "nhẹ nhàng" hơn, người dùng phải chấp nhận việc "chậm" khi gửi và nhận mail là cực lớn.
Theo PLTP
Việc gửi nhận mail khó khăn cộng thêm cơ chế chặn "spam mail" quá "mạnh mẽ", khiến không ít dịch vụ online khuyến cáo người dùng không nên sử dụng tài khoản Yahoo! mail đăng ký dịch vụ.
Với những lý do trên, có lẽ là quá đủ để bạn "tạm biệt" Yahoo! Mail và đến với các dịch vụ khác tân tiến hơn. Hoặc nếu còn nghi ngờ, GenK.vn khuyên độc giả hãy thử sử dụng một hoặc hai dịch vụ khác để cảm nhận.
Theo PLTP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét