Thần giao cách cảm là gì nhỉ, mà bữa ấy sau 3 tuần nghỉ hè xa cách, một buổi chiều em đang lúi húi nhổ cỏ rau ngoài đồng cùng mẹ thì giọng nói quen thuộc ấy bất ngờ chào mẹ...
Hà Nội chiều nay như lạnh hơn, những cơn gió như mơn man nhiều hơn lên khuôn mặt những người qua lại trên bất cứ nẻo đường con phố. Cái rét thật gần, và gió càng diết da hơn khi nó mơn man đủ để khuôn mặt em tê tái. Em đã nghe ai đó nói rằng “Mối tình đầu như đi trên cát, bước nhẹ mà sâu…”.
Phải vậy không anh nhỉ? Bởi em thấy rõ lắm, cơn gió lạnh mùa đông mơn man đùa giỡn trên khuôn mặt em rất nhẹ nhàng nhưng để lại cái lạnh tái tê chạy dọc cơ thể, chạy dọc vào miền ký ức của một thời thân thương lắm.
Đi trên cây cầu Long Biên này …dưới kia là dòng sông đỏ nặng, cái gió mơn man lướt nhẹ càng làm em thấy nhớ quê hương đến nao lòng, nhớ đến những ấu thơ mà chỉ nghĩ đến thôi đã đủ để em ướt nhòa đôi mắt. Ở nơi ấy em có ký ức về cha về mẹ, ở nơi ấy em được nhìn thấy dòng sông Lục hiền hoà mát rượi chạy qua ngôi làng thân yêu của mình và ở nơi ấy em lại được nhìn thấy những kỷ niệm yêu thương của chúng mình, những kỷ niệm mà hơn 10 năm qua đi nhưng em vẫn cảm thấy thật hạnh phúc, thật tự hào với bố mẹ với anh chị và với lớp cháu con đang ngày dần lớn.
Ngày ấy huyện mình chỉ có một trường cấp 3 duy nhất, và lẽ đương nhiên khi học hết cấp 2 chúng mình thi vào cấp 3 trường huyện. Mười sáu tuổi em ngô nghê lẫm chẫm bước vào một giảng đường mới, bước vào một giai đoạn mà các anh chị lớn tuổi vẫn bảo là “thời thơ mộng nhất của một đời người”. Mười sáu tuổi em ngô nghê không biết mình nặng bao nhiêu cân, cao bao nhiêu centimet như các em nhỏ bây giờ…mà chỉ đơn giản biết mình được đi học.
Mười sáu tuổi anh cũng đâu có khác… nhỏ xíu dáng người và khuôn mặt đỏ bừng lên khi bất giác bị một bạn gái nào đó hỏi “cấp 2 bạn học trường nào thế”.
Mười sáu tuổi em và anh bước vào chung một lớp, chung những giờ giảng bài và thật lạ… mình lại ngồi chung một bàn anh nhỉ.
Có lẽ do vóc dáng nhỏ nhỏ mà cô giáo chủ nhiệm đã sắp chỗ cho chúng mình ngồi luôn bàn đầu, Anh nhớ không bàn đầu ấy có mình em là con gái – anh – Ngọc gấu và Vũ si nê. Một tuần đầu lạ trường lạ lớp, hai đứa mình và nhiều đứa trong lớp nữa cứ ú ớ như trẻ tập nói, không biết làm quen nhau ra làm sao vì ngại lắm.
Tuần thứ hai chúng mình bắt đầu vào học những giờ giảng bài của thầy của cô, chỉ khi bắt đầu học thì mới hết ú ớ bởi khi ấy lớp mình mới hỏi nhau, chuyện trò với nhau qua bài giảng của cô và thầy.
Em nhớ ngày ấy lớp mình vào học được 3 tuần thì cô chủ nhiệm tổ chức họp lớp để bầu chọn lớp trưởng. Chẳng biết thế nào mà bữa ấy cùng với sự đồng thuận của cả lớp mà em được cô bầu làm lớp trưởng, tim đập chân run, tay loạng quạng…vì em biết mình làm gì có tố chất lãnh đạo cơ chứ, còn phải tiên phong trong nhiều thứ nữa…
Mà em thì sáng nào cũng phải dậy sớm thồ rau muống, hành hoa hoặc rau cải cho mẹ lên chợ rồi mới vào lớp thì làm sao có thể đảm bảo đi học sớm nhất lớp được, mỗi lần đóng tiền em gần như đóng cuối lớp vì nhà em nghèo lắm… em sợ những điều ấy và xin cô đề nghị bạn khác trong lớp. Nhưng bữa đó cô và cả lớp đã động viên em và nhất là anh, em còn nhớ như in hôm đó sau một hồi quanh co từ chối thì anh đã lấy quyển sách cầm trên tay thúc nhẹ vào người em
- Ấy làm lớp trưởng đi, tớ tin là ấy làm được nhất lớp này đấy!
Anh không chỉ nói bằng miệng mà ánh mắt đầy khích lệ khiến em cảm thấy thật nhẹ nhàng khi cuối cùng cả lớp quyết định bầu em. Em còn nhớ đôi mắt đen sáng, vầng trán cao và nụ cười hiền hậu của anh hôm ấy, nó hằn sâu vào tận con tim khối óc của em hơn 10 năm qua, và hơn hết bởi em vẫn nhớ lời bố nói ngày ấy khi anh và lớp mình vào thăm nhà em, lần đầu sau 4 tuần học chung:
- Út ơi bố thích cậu bạn ngồi bàn đầu cùng con lắm!
- Sao bố thích vậy?
Bố cười hiền bảo rằng: “Đàn ông mà trán cao vuông rộng sân đình, mày ngài mắt sáng, ấn đường cao dầy, nụ cười đôn hậu thì đều là bậc quân tử cả!”
Em lúng liếng mắt cười và chạy ào đi làm cùng mẹ mà chẳng nghĩ gì hơn đến những điều bố nói.
Nghỉ hè năm lớp 10 là một khoảng thời gian thật dài vì khi ấy em và anh mới biết rằng hình như chúng mình thích nhau. Bởi cái cảm giác nhớ nhung mơ màng về anh cứ bám theo em vào trong cả bữa ăn giấc ngủ. Không có điện thoại như thời bây giờ, không thể liên lạc được với anh mà lại càng không thể đạp xe ra nhà anh chơi vì con gái miền quê mình đâu được phép bạo dạn như thế… thành ra những nhớ nhung đó càng cồn cào diết da hơn. Lần đầu tiên trong đời ngoài những nhớ thương anh chị đi học xa nhà, cô bé mười bẩy tuổi đã ướt nhòe mi mắt khi nhớ về anh, nhớ cậu bạn ngồi chung bàn với nụ cười trìu mến và đôi mắt cười biết nói.
Không có một buổi chiều nào ra đồng tưới rau cho mẹ mà em không nhớ đến anh, ngay cả những bước chân quẩy gánh cũng du dương nhẹ nhàng như nỗi nhớ về anh, những phút giây thẫn thờ ngồi bên bờ sông trôi lững lờ mà lòng tự hỏi “không biết cậu ấy đang làm gì nhỉ, có nhớ đến mình không mà chẳng biết bạn ấy có thích mình không nữa?”
Mẹ nhiều lần nhìn trộm em lắm, tủm tỉm cười bởi có lẽ mẹ biết em đang mộng mơ về một điều gì đó, con gái mười bẩy mà!
Ôi niềm thương nỗi nhớ thủa bắt đầu yêu khiến con người ta trở nên ngô nghê đến lạ…từ ánh mắt và những nghĩ suy cũng run lên thật khẽ khi vô tình ta nghe đến một cái tên của ai đấy giống tên của người mà mình đang thầm thương trộm nhớ… Và suốt 3 tuần đầu của mùa hè năm đó em gặm nhấm một mình với nỗi nhớ về anh, không biết chia sẻ cùng ai mà thậm chí không dám đối diện với bản thân bởi lẽ đang học mà yêu với đương thì có lỗi với những luống cầy của bố, hổ thẹn với những gánh rau của mẹ biết bao…vì đang là học sinh mà yêu thì chuyện lớn lắm!
Thần giao cách cảm là gì nhỉ, mà bữa ấy sau 3 tuần nghỉ hè xa cách, một buổi chiều em đang lúi húi nhổ cỏ rau ngoài đồng cùng mẹ thì giọng nói quen thuộc ấy bất ngờ chào mẹ:
- Cháu chào bác ạ
- Ừ! Bác chào cháu, ra chơi với Út hả?
- Vâng!
Em luýnh quýnh ngước nhìn anh và thấy rõ nhịp tim mình đập nhanh lắm, ngay cả khi đứng dậy chào nhau em cũng thấy mình thật vụng về run rẩy:
- Ờ chào, sao biết mình ngoài này thế
- Mình vào nhà bố chỉ ra ngoài này, sao gầy thế?
- Ừ, mùa hè mà
Hai đứa lại nhìn nhau mà chẳng biết nói gì thêm...
Bỗng mẹ bảo “Hai đứa ra bờ sông mà ngồi, ra cho biết làng Út có con sông đẹp như thế nào”…
- Cậu thấy làng mình đẹp không?
- Đẹp thật, đứng ở bờ sông nhìn vào làng mới thấy đẹp Út ạ, mà sao làng Út có nhiều cây đa cổ kính thế
- Ừ, thì đã bảo làng tớ rất đẹp mà
- Sông này chảy qua Huyện Sơn động, qua huyện mình rồi chảy ra Sông Thương nhỉ
- ừ, cả làng mình mùa màng đều nhờ vào con sông này đấy
- Thế này đến mùa hoa cải nở chắc làng Út đẹp lắm, hoa cải vàng và trắng nở bên bờ sông thì chắc phải viết nên thơ mất
- Đẹp lắm cậu ạ…mà này sao tự dưng lại ra nhà tớ chơi thế
- Uh, hình như tớ và Út có thần giao cách cảm đấy vì tự dưng thấy nhớ đến Út nên tớ vào thôi…tớ cứ thấy nhớ Út từ cái hôm nghỉ hè!
Suốt buổi tối đó em cứ ngẩn ngơ nghĩ về anh, tuổi mười bẩy không còn đặt lưng xuống giường là ngủ nữa mà mắt thì nhắm nhưng ý nghĩ cứ mơ màng về anh, mỉm cười ngượng ngùng với chính mình khi nghĩ đến lời anh nói lúc về “Mai Út lại cho tớ vào làng Út chơi nhé”.
Mình gần gũi thân thiết với nhau hơn từ cái chiều hôm ấy, không chỉ giản đơn là chuyện trường chuyện lớp mà mình đã bắt đầu chia sẻ với nhau những chuyện thân thiết hơn, kể cho nhau nghe về những chuyện rất nhỏ của mỗi gia đình..
Và cuối cùng bố mẹ em cũng bắt đầu hoài nghi về chúng mình khi thấy hết hè rồi, vào năm học mới rồi mà chiều chiều anh vẫn vào nhà đi làm cùng em và mẹ, cũng tưới rau cuốc đất cho mẹ như ai...
Bố hỏi em “Thế cái cậu kia sao hay vào nhà chơi thế hả con - ở nhà cậu ấy buổi chiều không phải làm gì à? Không làm gì thì phải lao đầu vào mà học chứ, chiều nào cũng vào là có ý như thế nào?”.
Em nhăn răng cười hề hà với bố và bắt đầu hỏi chuyện huyên thuyên để thăm dò dư luận xem sao"
- Bố ơi nếu đang học cấp 3 cùng nhau mà thích thích nhau thì có làm sao không hả bố?
- Có làm sao chứ! Thứ nhất là ảnh hưởng đến việc học, thứ hai là không tốt
- Ô! Không tốt cụ thể nó là như thế nào?
Bố xoa đầu em cười hề hà bảo:
- Út ơi, con và bạn ấy quý nhau phải không? Như thế cũng không có gì là xấu đâu nhưng bố không thích lắm. Bố tiếp xúc với cậu ấy rồi …rất quân tử đấy nhưng mà ở tuổi này các con nên giữ tình bạn trong sáng là tốt nhất.
- Dạ, thì bọn con vẫn trong sáng mà…con thấy quý bạn ấy!
- ừ, bố đồng ý cho hai đứa thân thiết nhưng con phải nhớ một điều là ở tuổi này việc học vẫn là quan trọng nhất, con sẽ thấy hạnh phúc đủ đầy khi con học hành đến nơi đến chốn, tình cảm của các con sẽ giữ trọn mãi mãi trong nhau đến suốt cuộc đời nếu như các con chân thành với nhau, trong sáng với nhau…nếu sau này hai đứa không còn thích nhau nữa.
Giờ ra chơi hôm đấy em đã kể cho anh nghe những tâm sự của bố với em, anh im lặng… có hai kẻ ngồi bàn đầu cứ im lặng nhìn nhau:
- Lớp trưởng ơi, bố cậu tuyệt vời nhỉ, cụ dạy cứ như sấm truyền ấy
- Sao, cậu mỉa mai gì vậy?
- Ơ lung tung thế, bố Út làm tim tớ run lên đây này, bố mẹ dậy như thế thì bọn mình cố gắng học nhé… mà sau này ra trường nhỡ không còn thích nhau nữa thì Út cứ cho tớ vào nhà chơi nhé, vì nói thực vào nhà ấy thường xuyên tớ thấy trân trọng và yêu quý bố mẹ Út lắm.
Bỏ lại anh một mình ngồi trong lớp, mắt mũi cay cay em chạy vụt ra ngoài nghêu ngao đùa nghich với tụi lớp mình cho hạnh phúc vơi đi, vì lúc ấy em thấy mình nghẹt thở, nghẹt thở vì thấy anh cũng yêu thương bố mẹ em, nghẹt thở vì anh bảo chúng mình cùng nhau học tập tốt nhé, nghẹt thở vì mình đang yêu và được yêu…
Và rồi lớp mình biết chuyện tình yêu của hai kẻ bàn đầu, thôi thì đủ thứ chuyện buồn cười diễn ra trong lớp.
Đầu tiên là bọn lớp mình xin cô xắp xếp lại chỗ ngồi, đổi cô lớp trưởng xuống bàn cuối ngồi để còn tiện quan sát cả lớp, dạo này lớp mình thư tay thư chân nhiều quá…rồi là giờ tiếng Anh nào cô giáo cũng gọi lớp trưởng đọc mẫu mà bạn lớp trưởng ngồi bàn đầu đọc thì ở dưới lớp không nghe thấy gì cả; rồi là xắp xếp lại chỗ ngồi để các thành viên trong lớp có dịp gần gũi nhau hơn. Ủng hộ lớp cô tiến hành làm luôn và thế là bàn đầu chia tách.
Từ hôm đấy sổ ghi đầu bài của lớp mình lại được các cô đánh dấu thêm một tội nữa “Quyết A, Hằng …trong giờ học thường xuyên quay ngang quay ngửa nhìn xuống cuối lớp”.
Anh thường quay xuống nhìn em và bị cô nhắc liên tục đúng không, và cả bọn lớp mình nữa thực ra chúng nó quay ngang quay ngửa là để dò xem hai kẻ bàn đầu ấy nhìn nhau như thế nào đấy… em lạ gì.
Cũng vì chia tách mà suốt khoảng thời gian ấy mình đã cho nhau những dấu ấn khó phai của tình yêu học sinh khờ dại, những lá thư hộc bàn viết vội những nhớ nhung trách móc giận hờn, cả những ghen tuông rất đỗi trẻ con khi mà anh nhìn xuống cuối lớp không bắt gặp thấy ánh mắt của em… rất nhiều rất nhiều những giận hờn trẻ con mà em đã cất đầy trong ký ức.
“Học vẫn là việc quan trọng nhất” câu nói của bố luôn là động lực giúp chúng mình cố gắng học và gìn giữ một mối tình trong sáng, thấm thoát mà ba năm học đã kết thúc.
Ngày ấy chia tay cả lớp mình nấu chè đỗ xanh rất ngon, màu xanh của hy vọng…màu hy vọng cả lớp mình ra trường sẽ mãi nhớ về nhau, hy vọng dù thành đạt hay không thành đạt thì cả lớp mình đều là những công dân có ích, và trong những hy vọng ấy em luôn hy vọng mình sẽ có nhau đến suốt cuộc đời…
Hôm đấy có một người vì đùa nghịch vui quá mà phải đi cấp cứu – người đó chính là em. Em va vào cạnh cửa lớp …máu chảy be bét khắp mặt, anh đã cởi chiếc áo đồng phục lớp mình ra lau cho em và để cầm máu. Hôm đó lên viện em phải khâu tám mũi trên khuôn mặt xinh đẹp của mình. Anh, nhỏ Xuyên và nhỏ Hằng thì khóc tu tu vì thấy máu chảy nhiều quá, thương em quá…
Và giờ đây mỗi khi soi mình trước gương, sờ lên vết sẹo ngày ấy em thấy không chỉ có khuôn mặt em trong gương mà em thấy nụ cười ánh mắt của cả lớp mình, của anh được gói trọn trong vết sẹo ấy, cảm giác hạnh phúc và cả những thổn thức về ngày xưa của chúng mình luôn tồn tại trong em mỗi ngày.
Em sẽ giữ mãi vết sẹo ấy để sau này khi về già em sẽ không bị lẫn, vì nó sẽ giúp em nhớ về những kỷ niệm ấu thơ, kỷ niệm về bạn bè, kỷ niệm về bố mẹ thân yêu của mình. Vết sẹo ấy sẽ giúp em nhớ mãi về anh, nhớ về người đàn ông của buổi chiều hôm ấy bên bờ sông thơ mộng đã cầm tay và mi nhẹ lên mắt em…đó là cử chỉ gần gũi nhất mà suốt thời gian yêu nhau anh đã dành tặng.
Bố mẹ ngày ấy có lẽ là người hạnh phúc nhất vì cả hai chúng mình đều có giấy gọi nhập học của một giảng đường lớn hơn, hai đứa mình vẫn tự nhủ dù còn yêu hay không yêu thì vẫn luôn là bạn tốt, bố mẹ sẽ vẫn là của chung vì cái duyên này bố vẫn bảo “biết đâu kiếp trước anh cũng là con của bố mẹ”. Xa mặt thì cách lòng cũng từ đấy mà mình thưa gặp nhau, thưa những tâm sự và thưa đi những nhớ nhung da diết, bởi cả hai chúng mình không riêng gì ai cả đều thấy được nhiều thứ quyến rũ hơn…
Không một lời chia tay…nhưng sự im lặng từ hai phía đã dần dần tách chia chúng mình. Anh vẫn vào thăm bố mẹ mỗi khi về thăm nhà, vẫn nhìn em hiền hòa nhưng đôi mắt ấy em không còn thấy lửa yêu trong anh nữa và em cũng bắt đầu thay đổi, cũng không còn thiết da nồng nàn như cái thủa ban đầu ấy. Có lẽ chỉ còn tình yêu với bố mẹ là sợi dây gắn kết chúng mình còn gần bên nhau, bởi anh vẫn yêu thương và tôn kính bố mẹ em, vẫn muốn được chạy vào lòng bố mẹ mỗi khi có dịp. Đó cũng là lý do mà đến tận bây giờ chúng mình vẫn thân thương nhau, tôn trọng nhau dẫu không còn những cái cầm cay, những cái hôn nhẹ lên bờ mi thủa ấy.
Năm ấy anh gặp lại em, gặp lại mẹ trong cái tết thật buồn…mẹ bị ốm và anh đã kìm nén thật nhiều những cái nấc nghẹn khi biết mẹ ốm suốt một thời gian mà anh không quan tâm đến mẹ chỉ vì những hờn giận trẻ con của bọn mình. Sau tết một thời gian mẹ đã đi xa mãi mãi… Khoảng thời gian đó anh đi lại thăm nom mẹ nhiều hơn dẫu chúng mình chỉ còn là bạn, mẹ vẫn gọi đùa anh rằng “Con rể hụt của mẹ về à” …top9xy.wap.sh
Còn lại mình bố với những cô đơn hiu quạnh, anh về thăm nhà nhiều hơn và vào thăm bố nhiều hơn, mỗi khi về thăm nhà bố vẫn kể cho em nghe những lần bố và anh hút thuốc lào và uống rượu, hàn huyên đủ thứ chuyện của chúng mình và hàn huyên về mẹ rồi bố lại khóc và anh cũng khóc… Anh cũng thương em nhiều hơn nhưng đó chỉ còn là tình bạn phải không anh?
Và rồi anh gọi điện cho em rằng anh chuẩn bị làm đám cưới, và rằng mẹ bạn ấy cũng bị bạo bệnh giống mẹ em nên anh muốn làm đám cưới trước khi bà mất, anh muốn thấy bà yên lòng nhắm mắt khi thấy con gái của mình đã có một bờ vai, và rằng anh sẽ về thưa chuyện cùng bố em…
Ôi bố nhận xét đúng quá, anh quả là một người đàn ông trách nhiệm và quân tử. Nhưng anh chưa kịp thưa chuyện cùng bố thì một lần nữa hạnh phúc lại vụt bay, bố đã theo mẹ đi nhẹ nhàng như cơn gió thoảng… Chẳng có đớn đau nào dầy xéo lên cơ thể bố, nhưng đớn đau của sự mất mát ấy lại dai dẳng theo em và anh mãi mãi… Anh đã thưa chuyện với bố bằng nén nhang và chén rượu nhạt, hai người quân tử giờ chỉ còn hàn huyên với nhau bằng những làn khói hương nghi ngút.
Hơn mười năm qua đi anh lấy vợ và em cũng đã chọn cho mình một bến đỗ, nhưng điều hạnh phúc hơn cả là từ đấy bất cứ việc lớn nhỏ gì trong gia đình em anh đều có mặt, sự có mặt của anh là một điều gì bí ẩn lắm với các cháu trong nhà. Riêng với anh chị thì đó là một điều gì đó rất gần, bởi anh cũng yêu thương bố mẹ em như tình yêu của các anh chị dành cho bố mẹ. Tất cả xuất phát từ tấm lòng chân thành, xuất phát từ tình yêu đầu khờ dại của chúng mình ngày ấy.
Giờ thì các cháu nhà mình quý anh lắm và luôn nghĩ chú như một thành viên trong gia đình vậy, giờ chúng cũng bước vào cái tuổi như ngày xưa của chúng mình và chúng cũng hiểu lắm câu chuyện tình yêu của em và anh. Em không cảm thấy xấu hổ khi kể cho chúng nghe về chuyện xa xưa ấy dẫu rằng em cũng đã có gia đình riêng của mình, bởi lẽ tình yêu ấy thật thánh thiện biết bao, nó đã ban tặng cho em những kỷ niệm êm đềm về cái thủa ban đầu yêu và được yêu, ban tặng cho em niềm tin vào tình yêu của của hai người khác giới, ban tặng cho em cái tình lớn lao hơn cả tình yêu với anh đó là sự tôn kính của anh dành cho bố mẹ, ban tặng cho em một trái tim không có hận thù không có những vết thương cào xé tâm hồn và thể xác.
Anh biết không em hạnh phúc vô cùng khi câu chuyện tình yêu của chúng mình đã luôn là động lực của mấy nhóc nhà anh chị khi chúng đang bước vào tuổi yêu.
Cảm ơn anh nhé tình yêu đầu đời của em, cảm ơn anh nhé tình bạn lớn lao sau tình yêu thủa ban đầu ấy... Để mỗi chiều thứ sáu em lại nhận được dòng tin nhắn từ máy anh chuyển đến “Út ơi mai anh về thăm quê em có gửi gắm gì các bác không, tuần sau vợ chồng em qua nhà anh chơi nhé” và thỉnh thoảng những tiếng bíp…bíp “Hoa cúc rẻ quá…hehe, muốn mua tặng Út một bó mà mang qua thì xa quá, để hôm nào vợ chồng anh cho Bống sang chơi rồi mua luôn thể nhé”…
Mối tình đầu ơi, sẽ mãi cho nhau những phút giây ấm lòng này anh nhé
(st)
Có những mối tình ra đi chỉ để lại dằn vặt...
yêu thương không có nghĩa là cứ phải ở cạnh nhau như vợ chồng đến cuối đời...
Em sẽ vẫn sống, vẫn hi vọng, vẫn yêu thương anh, yêu thương cuộc đời, dù rằng bên em không còn anh nữa.Bởi vì những gì mình dành cho nhau đã nhiều hơn cả sự yêu thương...
[Ngân Nguyễn]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét