Giá trị của lời xin lỗi

Xin lỗi không phải là một nét tế nhị có tính xã hội. Nó là một lễ nghi quan trọng, một cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan. Nó cũng là cách thừa nhận một hành vi mà nếu bỏ qua, có thể làm hại đến mối liên hệ nào đó.


Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận và ngăn chặn các hiểu lầm có thể có trong tương lai. Trong lúc xin lỗi không thể xóa bỏ nỗi đau có thực đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nếu nó được nói ra một cách chân thành và có hiệu quả thì nó có thể hóa giải các mặt tiêu cực của các hành động gây lỗi.
Tác dụng hàn gắn của việc xin lỗi
Người có cảm giác bị xúc phạm trước đó có cảm giác như được “hàn gắn vết thương” khi người gây ra lỗi nhận ra lỗi của mình. Khi chúng ta nhận một lời xin lỗi, chúng ta sẽ không còn cảm thấy người kia như là một hăm dọa cho cá nhân mình nữa. Xin lỗi sẽ làm chúng ta quên cơn giận của mình, có thể giúp ta không “nhảy bổ” vào sự giận dữ một cách dễ dàng đối với người đó trong tương lai. Xin lỗi mở cánh cửa của sự tha thứ, giúp chúng ta cảm thông với người gây ra lỗi.

Những lợi ích cho cả đôi bên


Khi chúng ta lỡ xúc phạm đến người nào, đặc biệt nếu người đó là cha mẹ ruột, thì sự hối hận và xấu hổ khiến chúng ta khó chịu bần thần. Khi xin lỗi và chịu trách nhiệm về hành động của mình, chúng ta có thể gột bỏ được mặc cảm tự trách móc và có tội. Xin lỗi có khả năng làm “dịu” đi những bản tính xấc xược nhất. Khi chúng ta có can đảm nhìn nhận là chúng ta sai và vượt qua cái “vướng vướng” ngang tàng khi muốn xin lỗi, chúng ta đã phát triển được tính tự trọng.

Xin lỗi làm chúng ta hòa hợp trở lại trên bình diện cảm xúc với bạn bè và người thân. Khi gây ra lỗi ta có thể thấy giữa mình và nạn nhân của ta có một khoảng cách. Nhưng khi xin lỗi xong, chúng ta cảm thấy thanh thản hơn và lại thân thiện với nạn nhân như xưa.

Và xin lỗi có tác dụng như “vũ khí phòng ngừa từ xa”, vì xin lỗi khiến ta cảm thấy khiêm tốn hơn, nên nó có thể nhắc nhở chúng ta đừng có tái phạm lỗi khiến ta... có thể lại phải đi xin lỗi nữa.

Ý định và thái độ khi xin lỗi


Ý định và thái độ của người xin lỗi rất quan trọng. Chúng được người kia cảm nhận không thông qua lời nói. Nếu lời xin lỗi không chân thành, người kia sẽ thấy… xin lỗi cũng như không.

Ý định xin lỗi, vì thế có vai trò to lớn. Bạn không nên xin lỗi nếu có ai đó bảo đây là việc đúng phải làm, hay vì người kia đang mong bạn xin lỗi... cho hả giận hay tại vì bạn có một ý rất “gian tà” là sẽ được hưởng cái gì đó cho lời xin lỗi hôm nay. Xin lỗi đi từ trái tim đến trái tim, thẳng băng và không đóng kịch. Nếu không, xin lỗi sẽ rỗng tuếch và vô nghĩa.

Một lời xin lỗi chân thành có khi mạnh như bom nguyên tử, có khả năng biến đổi đời người, cho cả người xin lỗi và kẻ nhận lời xin lỗi.

Xin lỗi như thế nào?

Nếu bạn là người rất khó xin lỗi ai, thì những gợi ý sau đây có thể giúp bạn: một lời xin lỗi có ý nghĩa bao giờ cũng có dấu ấn của ba chữ r: regret (hối tiếc), responsability (trách nhiệm), remedy (chữa trị).

Hối tiếc là bạn muốn cho người đó biết thật ra trong thâm tâm, bạn đâu có muốn xúc phạm người đó. Cần cho người đó biết sự hối tiếc này, vì nó chứng tỏ bạn thừa nhận là mình đã sai. Trách nhiệm là bạn ngầm bảo chỉ có bạn chịu lỗi, không đổ lên đầu ai khác. Một thái độ rất can đảm. Chữa trị là thái độ chân thành muốn sửa sai, vì thế bạn thấy con cái (còn nhỏ) xin lỗi cha mẹ bao giờ cũng lí nhí kèm theo câu: “Con không dám tái phạm nữa”.

Nếu ba yếu tố quan trọng đó mà không có trong lời nói và thái độ xin lỗi của bạn thì người kia sẽ thấy có “cái gì đó” trống rỗng trong lời xin lỗi của bạn.

Chúc bạn luôn sống thanh thản và lần sau sẽ không tiếp tục mắc lỗi 


                                                      ( Thanh Hùng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét