Tín là sự tin cậy lẫn nhau, là không thất hứa, là phải thực hiện đúng đúng cam kết. Chữ tín trước hết phải giữ chính mình. Người không giữ được Chữ tín với bản thân là kẻ bạc nhược, thiếu bản lĩnh, không bao giờ có nghiệp lớn. Nó không dám chịu trách nhiệm với mình thì cũng không hy vọng gì họ dám chịu trách nhiệm với người khác.
Cho nên chữ tín thường đi đến với danh dự, mà danh dự là sự bảo đảm cho sự nghiệp nếu đấy quả là sự nghiệp nếu đấy quả là sự nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Vậy nên, tuy không được đưa lên đầu trong Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) những người xưa quan niệm thiếu chữ Tín chưa thể là kẻ quân tử ở đời.
Giờ đây đạo quân tử đã bị lãng quên, bị loại khỏi những chuẩn mực của đạo lý và lối sống. Nghĩa là chữ Tín cũng thay đổi, có thời ít người còn nhớ đến. Cho đến khi giông bão đi qua, người ta mới hiểu giông bão chỉ là nhất thời, những giá trị thật được đúc kết bằng xương máu cả nghìn đời vẫn bền vững qua những biến cải, như biển vẫn mãi là biển sau bão tố. Chữ Tín trở về thường trực trong tâm thức xã hội.
Ai cũng phải giữ chữ tín nhưng giữ chữ tín như thế nào, mỗi người mỗi khác.
Người có quyền chức phải giữ Tín với dân, trong đó có cấp dưới của mình. Biết bao triều đại suy tàn, mục nát bởi đã bội tín với lời thể thuở dựng cờ khởi nghĩa, mang gươm mở nước hoặc trong các cuộc hưng phế cung đình. Nguyễn Trãi nói: làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Đẩy thuyền qua sóng cả hay lật thuyền đều là dân.
Ngẫm như thế mới hay những kẻ thoái hóa biến chất tham nhũng, quan liêu, hà hiếp dân lành đều thuộc loại bội tín với ân nhân của mình. Những kẻ hống hách, độc tài trong công sở, tu sở, những kẻ bán đúng hạn hàng trong các doanh nghiệp cũng thuộc loại này.
Nhưng người bình thường, nói rộng hơn là mọi thành viên trong xã hội, cũng phải trọng chữ tín. Làm sao có thể có một người lãnh đạo tốt, một tổ chức xã hội lành mạnh nếu các thành viên không nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, không tôn trọng lời hứa, lừa gạt cấp trên và lừa gạt nhau. Trên chiến trường hay trong cuộc sống, nguy hiểm nhất không phải là đối phương trước mặt, mà là những kẻ phản bội. Không phải vô cớ mà đạo lý Việt Nam coi lừa thầy phản bạn là một tội ác về đạo đức không thể tha thứ.
Đề cao chữ Tín nhưng xưa nay người ta lại chê cười kẻ ngu tín. Ngu tín là nhắm mắt mà tin, không kể gì đến lẽ phải. Ngu tín là một nhược điểm lớn của con người, nguồn gốc của biết bao bi kịch cá nhân và của cả nhũng giai đoạn lịch sử không ngắn. Ngu tín cũng là nguồn gốc của sự trì trệ, bảo thủ đến nỗi con người mới chỉ đến được trình độ phát triển ở mức này.
Vũ Duy Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét