Tại sao cuộc đời lại đau khổ, bất trắc, chông chênh? Vì không vừa ý mình. Những gì buồn phiền, tức tối mới làm chúng ta khổ, còn vui lòng vừa ý thì đâu có khổ. Mang tâm trạng buồn bực, nóng giận đâu có sướng, nhưng sao chúng ta lại chuốc nỗi buồn, tạo cơn giận làm đau khổ cho nhau?
Tại vì chúng ta đòi hỏi, đòi cái này theo ý mình, hỏi cái kia theo sở thích mình, không vừa ý thì khổ. Thế thôi. Như hôm nay chúng ta thích ăn bún cà ri mà người nhà thích ăn bún chả giò, tiền lại không đủ làm hai món. Thế nên trưa lên mâm cơm, nếu thức ăn là bún cà ri thì ta vui. Ta vui thì người nhà không vui. Nếu thức ăn là bún chả giò thì ta không vui. Ta buồn nhưng người nhà lại vui. Từ đó có buồn vui theo sở thích, theo nhu cầu đòi hỏi của mình. Cái gì mình không chấp nhận, mình cũng bắt người ta không chấp nhận.
Tại vì chúng ta đòi hỏi, đòi cái này theo ý mình, hỏi cái kia theo sở thích mình, không vừa ý thì khổ. Thế thôi. Như hôm nay chúng ta thích ăn bún cà ri mà người nhà thích ăn bún chả giò, tiền lại không đủ làm hai món. Thế nên trưa lên mâm cơm, nếu thức ăn là bún cà ri thì ta vui. Ta vui thì người nhà không vui. Nếu thức ăn là bún chả giò thì ta không vui. Ta buồn nhưng người nhà lại vui. Từ đó có buồn vui theo sở thích, theo nhu cầu đòi hỏi của mình. Cái gì mình không chấp nhận, mình cũng bắt người ta không chấp nhận.
***************
Sự thật tương đối này không phải chúng ta không biết, nhưng khi mê biết mà cố phạm, đến lúc đau khổ bởi cái cố phạm của mình thì lại tiếc nuối.Đẹp cũng đẹp tương đối, xấu cũng xấu tương đối, thương cũng thương tương đối, mà ghét cũng ghét tương đối. Ví dụ khi mình thương ai, mình bắt buộc người đó chỉ thương một mình mình thôi, không muốn người đó thương người thứ hai. Khi phát hiện người đó thương người thứ hai mình nổi giận lên, nói đủ câu, đủ cách cho người ta khổ. Nhưng nếu lỡ mình thương người thứ hai thì mình im ru. Cuộc đời là tương đối, là thay đổi, tại sao người ta thay đổi mình không chấp nhận, còn mình thay đổi thì được. Người ta có điều gì không đúng mình chê trách, phiền hà. Mình có điều không đúng thì im lặng cho qua. Như thế là không đúng với luật tương đối của thế gian.
Tâm ý của con người cũng sớm đổi chiều thay, nay vầy mai khác. Như sáng nay gọi xe đi Bạc Liêu, khi xe tới nói tôi mệt quá không đi. Chủ xe phàn nàn tại sao gọi xe mà không đi, nếu không đi thì đừng gọi. Vậy mà ta cũng không nhận lỗi của mình, còn nói ông ấy khó khăn, đi hay không là quyền của tôi. Nếu có lý do riêng không đi được thì cũng phải ứng xử sao cho hợp lẽ, đâu thể gàn dở như vậy. Cho nên người biết chấp nhận cuộc đời tương đối thì sống dễ dàng. Hôm qua người ta thương mình, nhưng ngày nay không thương nữa, thì thôi. Tự nhủ thầm cuộc đời tương đối, việc gì phải buồn? Như vậy hết buồn, sống bình thường. Đó là ta có một sức mạnh chịu đựng trước mọi bất trắc, mọi thay đổi của cuộc đời. Sống trong luật tương đối mà ta đòi cái tuyệt đối, đó là đi trái luật của cuộc đời, trái lại với thực tế.
Nắm được quy luật tương đối, ta sống giữa cuộc đời, làm đủ mọi việc với lòng rộng mở nên rất vui. Đã là tương đối mà lúc nào ta cũng ép nó theo ý mình, theo không được thành ra khổ. Người đối với ta tốt tới đó là hết mức rồi, nhưng mình lại muốn tốt hơn nữa, người kia không thể đáp ứng được thì ta lại nổi giận. Như vậy không được. Cũng như mình sống tới đó là hết lòng mà người đòi thêm, ta cũng đành chịu. Lòng mình lòng người đều khác nhau, chỉ cần sống hết tình là được, xin đừng đòi hỏi thêm. Chúng ta phải hiểu mỗi mỗi đều có tầm nhìn tương đối, cảm thông như thế thì cuộc sống hài hòa, dễ chịu, chẳng có gì trái nghịch nhau. Chúng ta cùng trân trọng, giữ hoà khí trong cuộc sống là điều tốt nhất.
Cho nên chỉ cần mở rộng tầm nhìn, thấy rõ cuộc đời không có gì chắc thật, bền vững bởi vì nó tương đối. Ta không mộng mơ những chuyện không hiện thực, không từ chối những chuyện trước mắt, không đòi hỏi người khác phải sống đúng như ý của mình. Nhờ hiểu thấu lý tương đối của cuộc đời, ta chuyển hóa được chính mình. Từ khó khăn gút mắc biến thành dễ chịu, cởi mở, không làm khổ cho nhau nữa, như vậy là hạnh phúc rồi, cuộc sống thanh thản biết chừng nào.
(Trích từ "Cuộc sống tương đối" - Hạnh Chiếu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét