Hướng dẫn sử dụng nước mắt

[IMG]
“Nước mắt thể hiện được nhiều mặt những trạng thái tâm lý một cách tự nhiên và chân thực của con người. Nó cũng chính là môn bài đắc lực giúp con người vượt qua những cấm địa khó lường và khắc nghiệt nhất.”


  Xoay quanh giọt nước mắt có rất nhiều những câu chuyện thú vị đáng bàn ra tán vào. Chúng ta hãy xem các giọt nước mắt từ cổ chí kim có ý nghĩa như thế nào. Nước mắt của các chính trị gia không bị xem là yếu đuối, nhu nhược mà ngược lại còn thể hiện được rõ cái tâm, cái tài và cái tầm của bậc cao nhân, đối nhân xử thế bằng sự chân thành và mềm mỏng. Thế nên trong cuộc đời chính trường của mình, vị nào cũng có ít nhất vài giọt nước mắt làm nên lịch sử. Dụng ít mà cốt đạt được hiệu quả ngàn vàng. Tào Tháo là tên dụng nước mắt điêu luyện hơn cả. Điển hình là sau khi Tào Tháo bại trận Xích Bích từ đường Hoa Dung trở về Nam Quận mở yến tiệc chiêu đãi các mưu sĩ, đương buổi tiệc đông đủ thì Tào ngửa mặt lên trời kêu gào thảm thiết. Các tướng sĩ cười hỏi sao lúc thất thủ ngài không khóc bây giờ đã trở về bình an thì mới khóc. Tào Tháo nói: “Ta khóc cho Quách Phụng Hiếu! Nếu như Quách Phụng Hiếu còn sống thì quyết không để ta mắc phải thất bại lớn thế này!”. Nói rồi vừa đấm ngực vừa khóc: “Thương thay Phụng Hiếu! Đau thay Phụng Hiếu! Tiếc thay Phụng Hiếu!”. Các mưu sĩ khác vì thế lấy làm xấu hổ vô cùng. La Quán Trung miêu tả đoạn này đã khắc họa rõ nét cái tài của Tào Tháo. Giọt nước mắt vừa thể hiện lòng đau xót Quách Gia, vừa khiến cho các tướng sĩ còn sống thấy được sự an ủi và trọng dụng, vừa hổ thẹn vừa noi gương Quách Gia mà trung thành vì nghiệp lớn.
 
Napoleon đã bật khóc khi tướng De Saix hy sinh trong trận Marengo. Tổng thống Bush người đưa ra thuật ngữ “trục ma quỷ” khai ngòi cho chiến tranh Iraq lại thường nghẹn ngào khi nói chuyện về con số thương vong trong chiến tranh hay khi đi thăm nạn nhân các vụ thiên tai. Bác Hồ khóc khi sửa sai Cải cách ruộng đất đã làm cho sai lầm đau đớn nhất trong lịch sử nước ta dịu xuống. Tất thảy mọi người cùng tha lỗi và chấp nhận bỏ qua kí ức kinh hoàng, làm lại cuộc đời. Trong văn học, Nam Cao cho rằng “Nước mắt là châu của loài người” nên không ít lần ông để cho những nhân vật của mình khóc. Hộ trong Đời Thừa khóc tức tưởi như một quả cam bị bóp mạnh phọt nước ra khi thấy cái dáng Từ gầy háp nằm nghiêng ru con trên võng. “Người đàn bà làng chài” trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu không đổ lấy một giọt nước mắt khi cam chịu để người chồng đánh đập, nhưng lại khóc khi đứa con nhìn thấy cảnh tượng ấy. “Như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”. Đàn bà khóc chỉ khóc khi tình yêu hóa tủi nhục. Còn giọt nước mắt nhìn nghiêng một bên của A Phủ lại là giọt nước mắt giải phóng bản ngã, đem lại giá trị chân lý cao cả cho con người, thắp lên ngọn lửa tan chảy cái gió và rét dữ dội của đêm mùa đông trên núi cao Hồng Ngài. Nước mắt trong truyền thông có thể đưa một người lên đỉnh cao cũng có thể dồn một người xuống đáy vực thẳm. Người hâm mộ khóc khi ca sĩ rời nhóm bị xem là khóc mướn và bị lên án về nhân cách giới trẻ. 

Giọt nước mắt đang làm cho cách con người ta nhìn nhau bị méo mó. Và khi cả Thế Giới khóc cho thảm họa động đất, sóng thần, nổ lò hạt nhân ập xuống Nhật Bản mà những con người của Quốc Gia này vẫn kiên cường, không gục ngã, giọt nước mắt ấy là khâm phục và thương xót tha nhân. Vậy mà vẫn còn chỗ cho những bài “hot girl buồn và hối hận vì nhận xét gây Shock về Nhật Bản” nhan nhản trên báo mạng. Giọt nước mắt còn đánh tiếng cho lỗ hổng về nhận thức và phản ứng của thế hệ.  

Với tôi, khóc không chỉ khai thông tuyến lệ mà còn là hành vi đẹp đẽ nhất thể hiện sự tồn tại có nhân tính của con người. Mà đã là hành vi thì luôn có thể điều chỉnh. Mỗi chúng ta ai cũng sở hữu một công cụ đắc lực nhất, bạn có thể chọn sử dụng hoặc không sử dụng nó.  

“Nước mắt để giải tỏa đau thương dồn nén chứ không dùng để dồn nén đau thương.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét