Trong công việc, mỗi người luôn có những ý kiến khác nhau cũng như đồng nghiệp mỗi người mỗi tính. Chính vì thế, để có thể hòa đồng với các đồng nghiệp không phải là chuyện dễ dàng.
Cư xử với đồng nghiệp đòi hỏi bạn phải thật khéo léo để không gây xung đột trong công sở, đồng thời phải thể hiện rõ quan điểm, lập trường của riêng mình.
Sau đây là năm gợi ý “gỡ rối” khi có mâu thuẫn với đồng nghiệp:
1. Đồng nghiệp… nói nhiều
Người nói nhiều thường không có ý xấu. Trái lại họ rất thân thiện và muốn chia sẻ mọi suy nghĩ của mình với bạn. Tuy nhiên, nếu những “ông tám, bà tám” này cứ nói ra rả bên tai chỉ khiến bạn không thể tập trung vào công việc.
Để khắc phục vấn đề này, thay vì nói thẳng hay lớn tiếng với họ, hãy tỏ ra đang trách cứ bản thân mình và nói với đồng nghiệp rằng vì bạn mải mê nghe chuyện của họ mà không thể tập trung được.
Hãy thể hiện cho họ biết bạn rất hứng thú khi nghe những câu chuyện đó nhưng vào một thời điểm khác chứ không phải trong giờ làm. Sau đó, nếu bạn thật sự thích thú với câu chuyện đó, hãy hẹn họ ăn trưa vào một ngày nào đó trong tuần và thoải mái “tám” chuyện với họ.
2. Đồng nghiệp thích buôn chuyện
Với những đồng nghiệp này, liệu chúng ta có nên lắng nghe họ? Câu trả lời là có. Sự thật là những đồng nghiệp thích “buôn chuyện” gần như biết mọi thứ về mọi người và họ luôn muốn chia sẻ. Lắng nghe họ cũng là một cách tốt để nắm bắt những tin tức mà bạn có thể chưa biết được.
Tuy nhiên, cần lưu ý những câu chuyện của họ thường chỉ là tin đồn, có đúng, có sai. Chính vì thế, chúng ta cần lắng nghe trong sự hoài nghi. Lắng nghe nhưng im lặng. Đừng để mình cũng trở thành “bà tám”, “ông tám”. Đặc biệt là khi chủ đề cuộc nói chuyện là vấn đề riêng tư, nhạy cảm của một đồng nghiệp khác, ví dụ như họ kể cho bạn về chuyện vợ chồng của một đồng nghiệp, hãy khéo léo thay đổi chủ đề hoặc nói rằng bạn rất ngại bàn tán sau lưng người khác.
3. Đồng nghiệp “thích than thở”
Những người này rất dễ nhận ra tại nơi làm việc. Nếu không than thở về sức khỏe hay chuyện nhà cửa, họ cũng rầu rĩ về công việc, công ty hay sếp của bạn. Đương nhiên, một vài thứ họ phàn nàn cũng có thể hợp lý, nhưng nếu suốt ngày cứ nghe những lời rên rĩ như thế sẽ dễ khiến bạn bị…stress.
Với những người này, thường thì họ không cần lời khuyên nên bạn không cần đưa ra những lời khuyên với họ. Ngược lại, mỗi khi họ cất lời than vãn thì hãy khéo léo thay đổi chủ đề của cuộc nói chuyện. Đồng nghiệp có thể sẽ hiểu được dụng ý của bạn khi việc này lặp lại nhiều lần.
4. Đồng nghiệp hay thoái thác
Tại hầu hết các công sở bạn sẽ gặp một số người luôn muốn thoái thác công việc của mình cho người khác. Không nói đến những người có lý do chính đáng như quản lý hay trưởng nhóm, những người chúng ta đề cập đến ở đây thường là những người lười biếng hoặc không thể hoàn thành tất cả mọi việc của mình nên muốn dựa dẫm, sai khiến người khác.
Nếu có thời gian để giúp đỡ đồng nghiệp thì bạn có thể chia sẻ với họ một số việc. Tuy nhiên, nếu đó là công việc họ nên làm và cần phải làm nhưng lại lười nhác thì bạn hãy thẳng thắn từ chối lời đề nghị ấy. Nói với đồng nghiệp rằng bạn có công việc riêng của mình và phải giải quyết.
5. Đồng nghiệp thích tranh công
Những người thích tranh công thường không bao giờ chịu nhìn nhận công lao của người khác mà chỉ muốn giành lấy vinh quang cho riêng mình. Họ vui vẻ nhận tất cả lời khen mà không quan tâm đến việc họ không thể hoàn thành công việc đó một mình.
Nếu chẳng may bạn trở thành “nạn nhân” những người này thì hãy xem đó là một sai lầm và rút kinh nghiệm. Hãy đề cập thẳng thắn với đồng nghiệp về vấn đề này và yêu cầu họ cho những người khác biết sự đóng góp của bạn.
Nếu họ không thực hiện hay chuyện này lại tiếp diễn, hãy chứng tỏ cho mọi người thấy vai trò của bạn trong công việc. Sau đó, nếu được giao làm việc với người này, bạn hãy từ chối thẳng thừng.
Thiên Hương (Theo careerplanning)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét