Mấy ngày nay, nghe mọi người tranh luận trên báo chí liệu người Việt có vô cảm, nhưng tôi có thể khẳng định, người Việt không hề vô cảm. Mà ngược lại, mà người Việt luôn giàu cảm xúc, sống có tình, có nghĩa.
Trong cuộc đời, tôi may mắn được chứng kiến rất nhiều những điều tốt đẹp không chỉ đối với bản thân, mà với nhiều con người, nhiều số phận. Có những việc làm nhân nghĩa, có những câu chuyện về lòng tốt mà nó sẽ đeo đẳng con người ta đến suốt cuộc đời.
Tôi còn nhớ mãi hồi học lớp 5, đúng vào dịp tôi được đi thi học sinh giỏi Toán của tỉnh thì mẹ tôi ốm nặng. Bố tôi thì công tác ở xa nên cả năm mới về thăm nhà được đôi lần. Hồi ấy, ở quê tôi nghèo lắm, gia đình chở con đi thi bằng xe đạp, chở gạo, chở củi lóc cóc, chứ nhà trường không có điều kiện thuê ô tô như bây giờ. Mẹ con tôi cầm chắc là dịp đó tôi phải ở nhà. Còn tôi, lúc đó dù không nói ra vì sợ mẹ buồn, nhưng cũng buồn ghê gớm. Bao nhiêu háo hức, nôn nóng của một đứa trẻ hơn 10 tuổi lần đầu tiên được xuống thành phố, được đi thi một kỳ thi là khá quan trọng đối với chúng tôi lúc bấy giờ, thế là hết.
Rồi một tối, có một người đàn ông đi chiếc xe đạp cà tàng, quần áo khá cũ kỹ, trông dáng khắc khổ hỏi thăm đường vào nhà tôi. Ông phân bua là xe bị hỏng giữa đường phải dắt bộ, và đường vào nhà tôi phải hỏi thăm nhiều nên ông đến quá muộn. Thì ra, ông là bố của một bạn học cùng lớp với tôi, ông nói rằng về thấy con gái bảo tôi không đi thi được vì mẹ ốm nặng, nên ông đến vừa là để thăm mẹ tôi, vừa để chở tôi đi thi. Lúc đó, vì mừng vui quá đỗi, nên tôi không để ý mẹ tôi thỉnh thoảng lại lấy tay lau nước mắt.
Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện về lòng tốt mà hồi bé tôi được chứng kiến. Còn mẹ tôi, đến tận bây giờ, thỉnh thoảng vẫn lấy những câu chuyện như vậy để kể lại cho các cháu nội, ngoại của bà.
Đó là chuyện cách đây gần 30 năm. Còn mới đây thôi, tôi và người thân về thăm quê, trên đường Láng- Hòa Lạc, chúng tôi dừng chân để ăn sáng. Quán ăn khá bình dân, bàn kê ở ngoài vỉa hè và có rất nhiều khách ra vào. Những người phục vụ là các cô cậu bé trạc 14-15 tuổi, trông gầy gò, quần áo cũ kỹ.
Khi chúng tôi rời đó cả trăm cây số, mới chợt nhớ ra là để quên ví tiền trên bàn. Trong ví có khá nhiều tiền và giấy tờ quan trọng. Đến hôm sau, dù không chắc là sẽ nhận lại được những gì đã bỏ quên, nhưng tiện đường chúng tôi vẫn quay lại.
Khi tôi ngỏ ý muốn tìm lại cái ví để quên, chị chủ quá đon đả nói ngay chị đang giữ hộ. Chị nhận được chiếc ví từ một người phục vụ của cửa hàng. Khi tôi ngỏ ý muốn tặng cháu bé một ít tiền, cháu cương quyết từ chối và nói rằng, cháu chỉ nhận những đồng tiền do công sức mình bỏ ra, còn trả lại của rơi là việc bình thường.
Càng cảm động khi qua chị chủ quán, tôi biết rằng gia đình cháu rất khó khăn, mẹ đang nằm viện vì bị ung thư giai đoạn cuối.
Đó chỉ là những câu chuyện nhỏ trong vô số những chuyện về lòng tốt tôi đã gặp, nhưng nó cứ luôn ẩn hiện, như đức tin trong tôi vào một cuộc sống tốt đẹp: Trong cuộc đời này, lòng tốt quanh ta vẫn còn nhiều lắm.
Mà đúng vậy. Nếu không thế, thì xã hội này sẽ trở nên lạnh lẽo, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa bởi sự thờ ơ, vô cảm. Lòng tốt, việc thiện, điều nhân ẩn hiện khắp nơi trên đất nước chúng ta. Chẳng vậy mà, sau mỗi trận thiên tai, người dân cả nước lại chung tay quyên góp ủng hộ đồng bão lũ hàng ngàn tỉ đồng, giúp đỡ hàng vạn, hàng triệu con người rơi vào cảnh không nhà cửa, không cơm ăn áo mặc có thể phục hồi cuộc sống.
Còn nhớ, đợt bão lũ cách đây 3 năm, báo điện tử VOV mở đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ, có một thanh niên còn khá trẻ, chở đầy một xe ô tô mì tôm đến báo để ủng hộ. Anh nói anh làm theo nguyện vọng của đứa con gái 6 tuổi của mình. Hôm cháu đang ăn cơm, xem tivi thấy cảnh những bạn nhỏ vùng bão không có cơm ăn, ngồi co ro trong trời mưa bão, cháu đã òa khóc, bỏ dở bát cơm và nghẹn ngào rằng, “bố mua mì tôm để giúp các bạn đi”. Câu chuyện của một cháu bé 6 tuổi làm chúng tôi cứ trăn trở mãi.
Và chuyện mới đây, trong một đợt hiến máu tình nguyện, tôi đã chứng kiến một bạn sinh viên đi hiến máu lần đầu ngất đi vì sợ khi nhìn người khác lấy máu. Nhưng khi tỉnh lại, bạn nhất quyết đòi được hiến máu, vì nói rằng, máu của bạn đang rất cần cho những em bé ung thư.
Và cũng không phải ngẫu nhiên, mỗi năm có hàng triệu người hiến máu. Nhiều người hiến máu đến hàng chục lần, điển hình như ông Vũ Ngọc Linh (TP HCM) với 65 lần hiến máu, bà Kiều Thị Lệ Hoa (Tây Ninh) với 50 lần tham gia hiến máu, anh Đặng Ngọc Hiệp, Bí thư Đoàn phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang với gần 30 lần… Nhiều người đã vận động cả gia đình, dòng họ tham gia hiến máu. Họ làm việc đó cũng vì họ sống có tình có nghĩa, biết đau trước nỗi đau của đồng loại và ý thức được những việc mình phải làm.
Và nếu không có cảm xúc, làm sao lại có chuyện nhiều em nhỏ, khi thấy bạn mình bị nước cuốn trôi, đã lao mình ra giữa dòng nước dữ cứu bạn. Cứu được bạn lên bờ thì chính bản thân các em đã không cứu nổi mạng sống của mình. Mới đầu tháng 12 này thôi, em Nguyễn Quốc Dũng, lớp 10A2, Trường THPT Chu Văn An, Thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đi đi tham quan cùng lớp, thấy bạn bị trượt chân rơi xuống thác, em đã lao ra cứu bạn rồi tử nạn.
Rồi chuyện những chiến sĩ công an, vì nhiệm vụ nhưng quan trọng hơn là họ vì trách nhiệm với cộng đồng, đã hy sinh thân mình để đem lại sự bình an cho người dân. Câu chuyện cách đây mấy năm về những dòng nhật ký mà người cha, Trung úy Nguyễn Thành Dũng (cảnh sát hình sự Công an TP HCM) gửi lại cho con trước lúc lìa xa cõi đời, khi mới 37 tuổi chắc nhiều người vẫn còn day dứt. Anh bị nhiễm HIV trong một lần sau một lần truy bắt tội phạm và người vợ của anh cũng mất ít lâu sau đó do bị lây HIV từ chồng…
Cách đây hơn 1 năm, hành động gần như vô thức, bất chấp nguy hiểm của bé gái 3 tuổi khu phố Hải Hoà, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) lao vào cứu em bị ong đốt, vẫn làm nhiều người xúc động. Cháu bé đã đi xa mãi, nhưng hành động thánh thiện của bé, khiến nhiều người phải trăn trở, nghĩ suy.
Những tấm gương hy sinh thầm lặng như vậy ở trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều, cũng bởi còn nhiều lắm những con người sống có cảm xúc, có tình nghĩa. Và trên hết, họ biết sống vì mọi người và trân trọng giá trị của cuộc sống.
Vô cảm hay có cảm xúc là những trạng thái trong diễn biến tình cảm của con người. Ranh giới giữa có cảm xúc và vô cảm đôi khi rất mong manh. Chỉ cần một cái tặc lưỡi, một cử chỉ, hành động rất nhỏ là đã khiến người ta ở một trong hai trạng thái của cảm xúc.
Nhưng, những trạng thái tình cảm đó lại được hình thành ngay từ bé. Nếu một đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ mình vô cảm trước nỗi đau hay thờ ơ trước việc làm sai trái của người khác, thì không cần đợi sau này lớn lên, mà ngay sau đó nó cũng sẽ có hành động y như vậy.
Vì thế, cũng không thể phủ nhận, bây giờ ra đường, không hiếm gặp những chuyện thờ ơ, vô cảm. Đó là việc thấy người bị nạn, nhiều người vô cảm lướt qua, thậm chí còn tranh nhau cướp đồ của người bị nạn.
Trong nhiều gia đình, đứa trẻ sống ích kỷ, không quan tâm đến ai, ngay cả với bố mẹ mình. Không phải do lỗi của trẻ con, mà chúng đã cóp nhặt được qua cuộc sống hàng ngày về sự quan tâm của cha mẹ mình đối với ông bà, người thân và mọi người xung quanh.
Ở trong trường học, đạo thầy trò cũng đang mất dần bởi thay vào đó là những toan tính về nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo về thành tích và những chuyện phi giáo dục…
Còn ở nơi công sở, người ta quen với lối sống an phận thủ thường, mũ ni che tai, miễn là “không ai đụng đến mình, thì mình không đụng đến ai”...
Thế giới có muôn màu, cuộc sống cũng vậy. Xấu-tốt, thiện-ác, thật-giả... dù đan xen, nhưng đó chính là sự vận động của cuộc sống. Và quan trọng, trong mỗi con người, nếu biết lấy cái tốt để chế ngự cái xấu, việc thiện chế ngự cái ác, cái thật chế ngự cái giả… thì điều thiện, việc nhân sẽ được nhân lên rất nhiều./.
Hòa An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét