Không ai tự nhiên nên người, song người ta trở nên người (Homo, fit, non est).
Người ta thường lầm lẫn ý nghĩa hai danh từ “nên người” và “làm nên”.
Một người xoay ở đâu được một món tiền to, tậu nhà, tậu xe, được người hàng xóm trầm trồ đưa làm mẫu cho con cháu : “Đấy, con người ta cũng bằng tuổi bây mà xem, người ta đã nên thân với đời”. Vâng, người ấy đã làm nên với đời thật, song có thể bảo người ấy đã “nên người” chăng, nếu phần trí thức của họ là miếng đất hoang vu hoặc phần tâm đức của họ là một vũng sình lầy?
Đây là một bác sĩ du học ở ngoại quốc mới về quê. Cha mẹ đến mừng cho đứa con đã nên thân với đời. Nhưng nếu người bác sĩ ấy mang thân xác về quê mà chỉ còn một lá phổi, thử hỏi có thể bảo ông ta đã nên người chăng?
Đây là một nhà văn đã làm nên một sự nghiệp văn chương. Nhưng nếu nhà văn ấy sống cuộc đời bê tha, vô liêm sỉ, lợi dụng chút tài hoa lừa dối bạn bè cùng những người hâm mộ, có thể bảo nhà văn ấy đã xứng đáng làm người chăng?
Một người chỉ làm nên ở một điểm hoặc một phần nào, thí dụ về chức nghiệp hay về tiền bạc, còn những phần khác lại khiếm khuyết hay hư hỏng. Những người như thế, dù tài năng hay địa vị họ cao đến đâu, cũng không thể bảo họ đã nên người, một người xứng đáng làm người với tất cả ý nghĩa của nó.
Năm xưa, một tờ báo bên Pháp bình phẩm về một phi công có tài nhưng đã hợp tác với quân Đức : “Là một vị phi công đại tài nhưng là một người thấp kém”.
Cũng bởi quan niệm làm người như thế nên nhạc sĩ trứ danh Beethoven nói : “Tôi thích làm một người xứng đáng hơn làm một nhạc sĩ trứ danh”. Ông Roosevelt, cựu Tổng thống Mỹ nói về một giáo sư danh tiếng : “Ông ấy đã hơn là một nhà bác học, vì ông đã là một người với tất cả ý nghĩa của nó”.
Có thể nói một người đã nên người là khi họ biết làm phát triển con người họ một cách điều hòa và đầy đủ về tất cả những phương diện : thể chất, trí thức, tâm đức và xã hội.
Một người toàn diện là một người có một thân thể tráng kiện, một khối óc sáng suốt, một lý tưởng phấn đấu.
Người ấy không phải là y sĩ, nhưng cũng biết cách giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, biết chọn thức ăn, biết cách cầm máu, biết làm hô hấp nhân tạo, biết phép nuôi con.
Người ấy không phải là lực sĩ, nhưng có thể cử tạ vài mươi cân, mang bao bị trên vai, đi bộ đôi ba chục cây số, có thể ở ngoài trời giữa đồng mà không sợ trúng cảm gió, có thể, nếu cần, thức liền hai ba đêm để làm xong một công việc mà không ốm đau, có thể nhảy xuống sông cứu người sắp chết đắm.
Người ấy không phải là tu sĩ, nhưng luôn luôn tìm hiểu những thị dục, những chỗ yếu của mình, có đủ sáng suốt để phân biệt đâu là hạnh phúc thanh cao, đâu là thú vui thấp hèn, hoặc có thể làm một cách âm thầm những công việc bất vụ lợi, mong đem lại đôi chút hạnh phúc cho người xấu số hơn mình.
Người ấy không phải là thi sĩ, nhưng rất có thể cảm thông cái Đẹp của vũ trụ cũng như cái khổ của nhân loại. Tim họ có thể hòa nhịp với những khúc nhạc của gió chiều dạo trên lá trúc, cũng như đôi khi họ cũng nhỏ như những giọt nước mắt không đâu để khóc thay cho thiên hạ.
Người ấy không phải là chiến sĩ, nhưng họ rất hiểu về luật Sắt của Tạo vật : Luật chiến đấu. Họ chiến đấu để chinh phục con người của họ, chiến đấu chinh phục cuộc đời.
Biết rõ giá trị của cần cù lao động và của sức cố gắng, họ dám liều lĩnh nếu cần liều lĩnh. Thành công, họ không vênh váo, vì họ biết đó là kết quả rất tự nhiên của sự cố gắng. Bị ngã quỵ, họ không sờn lòng, vì họ rất yêu đời, tin ở đời, tin ở sự tiến bộ không ngừng của nhân loại… vì họ biết rằng chỉ có những người không làm gì cả mới không thất bại.
Người ấy dù là một tay thợ hay là một người làm công cũng có một giá trị trong xã hội. Vì chỉ có nhân phẩm mới đáng làm tiêu chuẩn để đánh giá một người.
Và trong xã hội nào, người ta cũng cần đến những người ấy. Thời xưa, ông Diogène xách đèn giữa thanh thiên bạch nhật để đi tìm một người; ở thế kỷ thứ 19, ông Jouffroy đã thốt tiếng than : “Chúng ta thiếu người”. Phải chăng là những người như thế?
Có bạn sẽ bảo : Đó là người lý tưởng trong tiểu thuyết! Không, đó là một người chúng ta có thể chung đụng hàng ngày.
Đó là hạng người mà nền giáo dục có phận sự hun đúc. Vì có ai tự nhiên mà nên người, song người ta trở nên người nhờ sự giáo dục khôn ngoan và hợp lý.
Ngày xưa, người học trò tốt là người có trí nhớ dẻo dai, có thể trả thuộc lòng cho thầy nghe những bài học thường khi vô dụng.
Ngày xưa, đứa con ngoan là đứa con nhu mì, thiệt thà, nước da trắng như bột, thích sống quanh quẩn trong gia đình.
Ngày nay, với đời sống hoạt động cần nhiều tranh đấu, muốn nên người, muốn sống với tất cả ý nghĩa thực của cuộc đời, người bạn trẻ phải được hun đúc theo một lề lối giáo dục mới. Vì “giáo dục một người là gì? Phải chăng là rèn tập cho họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh”.
Đương nhiên, dù xưa hay nay cũng thế, người tốt là người biết nhân, lễ, nghĩa… Song với cuộc sống đầy tranh đấu hiện nay, là một người nết na, nhu mì chưa đủ, phải là người quả quyết, đầy tự tin; là người hiền đức chưa đủ, phải là người hoạt động, đầy nghị lực; là người biết lo tròn bổn phận chưa đủ, phải là người có nhiều sáng kiến để làm hơn bổn phận của mình phần nào; là người có thiện chí chưa đủ, phải là người có nhiều ý chí…
Những giá trị cũ không phải hoàn toàn bị phá giá, nhưng chúng ta phải thừa nhận thêm những giá trị mới. Và chúng ta hãy thử tìm một con đường giáo dục mới…
Phạm Cao Tùng
Người ta thường lầm lẫn ý nghĩa hai danh từ “nên người” và “làm nên”.
Một người xoay ở đâu được một món tiền to, tậu nhà, tậu xe, được người hàng xóm trầm trồ đưa làm mẫu cho con cháu : “Đấy, con người ta cũng bằng tuổi bây mà xem, người ta đã nên thân với đời”. Vâng, người ấy đã làm nên với đời thật, song có thể bảo người ấy đã “nên người” chăng, nếu phần trí thức của họ là miếng đất hoang vu hoặc phần tâm đức của họ là một vũng sình lầy?
Đây là một bác sĩ du học ở ngoại quốc mới về quê. Cha mẹ đến mừng cho đứa con đã nên thân với đời. Nhưng nếu người bác sĩ ấy mang thân xác về quê mà chỉ còn một lá phổi, thử hỏi có thể bảo ông ta đã nên người chăng?
Đây là một nhà văn đã làm nên một sự nghiệp văn chương. Nhưng nếu nhà văn ấy sống cuộc đời bê tha, vô liêm sỉ, lợi dụng chút tài hoa lừa dối bạn bè cùng những người hâm mộ, có thể bảo nhà văn ấy đã xứng đáng làm người chăng?
Một người chỉ làm nên ở một điểm hoặc một phần nào, thí dụ về chức nghiệp hay về tiền bạc, còn những phần khác lại khiếm khuyết hay hư hỏng. Những người như thế, dù tài năng hay địa vị họ cao đến đâu, cũng không thể bảo họ đã nên người, một người xứng đáng làm người với tất cả ý nghĩa của nó.
Năm xưa, một tờ báo bên Pháp bình phẩm về một phi công có tài nhưng đã hợp tác với quân Đức : “Là một vị phi công đại tài nhưng là một người thấp kém”.
Cũng bởi quan niệm làm người như thế nên nhạc sĩ trứ danh Beethoven nói : “Tôi thích làm một người xứng đáng hơn làm một nhạc sĩ trứ danh”. Ông Roosevelt, cựu Tổng thống Mỹ nói về một giáo sư danh tiếng : “Ông ấy đã hơn là một nhà bác học, vì ông đã là một người với tất cả ý nghĩa của nó”.
Có thể nói một người đã nên người là khi họ biết làm phát triển con người họ một cách điều hòa và đầy đủ về tất cả những phương diện : thể chất, trí thức, tâm đức và xã hội.
Một người toàn diện là một người có một thân thể tráng kiện, một khối óc sáng suốt, một lý tưởng phấn đấu.
Người ấy không phải là y sĩ, nhưng cũng biết cách giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, biết chọn thức ăn, biết cách cầm máu, biết làm hô hấp nhân tạo, biết phép nuôi con.
Người ấy không phải là lực sĩ, nhưng có thể cử tạ vài mươi cân, mang bao bị trên vai, đi bộ đôi ba chục cây số, có thể ở ngoài trời giữa đồng mà không sợ trúng cảm gió, có thể, nếu cần, thức liền hai ba đêm để làm xong một công việc mà không ốm đau, có thể nhảy xuống sông cứu người sắp chết đắm.
Người ấy không phải là tu sĩ, nhưng luôn luôn tìm hiểu những thị dục, những chỗ yếu của mình, có đủ sáng suốt để phân biệt đâu là hạnh phúc thanh cao, đâu là thú vui thấp hèn, hoặc có thể làm một cách âm thầm những công việc bất vụ lợi, mong đem lại đôi chút hạnh phúc cho người xấu số hơn mình.
Người ấy không phải là thi sĩ, nhưng rất có thể cảm thông cái Đẹp của vũ trụ cũng như cái khổ của nhân loại. Tim họ có thể hòa nhịp với những khúc nhạc của gió chiều dạo trên lá trúc, cũng như đôi khi họ cũng nhỏ như những giọt nước mắt không đâu để khóc thay cho thiên hạ.
Người ấy không phải là chiến sĩ, nhưng họ rất hiểu về luật Sắt của Tạo vật : Luật chiến đấu. Họ chiến đấu để chinh phục con người của họ, chiến đấu chinh phục cuộc đời.
Biết rõ giá trị của cần cù lao động và của sức cố gắng, họ dám liều lĩnh nếu cần liều lĩnh. Thành công, họ không vênh váo, vì họ biết đó là kết quả rất tự nhiên của sự cố gắng. Bị ngã quỵ, họ không sờn lòng, vì họ rất yêu đời, tin ở đời, tin ở sự tiến bộ không ngừng của nhân loại… vì họ biết rằng chỉ có những người không làm gì cả mới không thất bại.
Người ấy dù là một tay thợ hay là một người làm công cũng có một giá trị trong xã hội. Vì chỉ có nhân phẩm mới đáng làm tiêu chuẩn để đánh giá một người.
Và trong xã hội nào, người ta cũng cần đến những người ấy. Thời xưa, ông Diogène xách đèn giữa thanh thiên bạch nhật để đi tìm một người; ở thế kỷ thứ 19, ông Jouffroy đã thốt tiếng than : “Chúng ta thiếu người”. Phải chăng là những người như thế?
Có bạn sẽ bảo : Đó là người lý tưởng trong tiểu thuyết! Không, đó là một người chúng ta có thể chung đụng hàng ngày.
Đó là hạng người mà nền giáo dục có phận sự hun đúc. Vì có ai tự nhiên mà nên người, song người ta trở nên người nhờ sự giáo dục khôn ngoan và hợp lý.
Ngày xưa, người học trò tốt là người có trí nhớ dẻo dai, có thể trả thuộc lòng cho thầy nghe những bài học thường khi vô dụng.
Ngày xưa, đứa con ngoan là đứa con nhu mì, thiệt thà, nước da trắng như bột, thích sống quanh quẩn trong gia đình.
Ngày nay, với đời sống hoạt động cần nhiều tranh đấu, muốn nên người, muốn sống với tất cả ý nghĩa thực của cuộc đời, người bạn trẻ phải được hun đúc theo một lề lối giáo dục mới. Vì “giáo dục một người là gì? Phải chăng là rèn tập cho họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh”.
Đương nhiên, dù xưa hay nay cũng thế, người tốt là người biết nhân, lễ, nghĩa… Song với cuộc sống đầy tranh đấu hiện nay, là một người nết na, nhu mì chưa đủ, phải là người quả quyết, đầy tự tin; là người hiền đức chưa đủ, phải là người hoạt động, đầy nghị lực; là người biết lo tròn bổn phận chưa đủ, phải là người có nhiều sáng kiến để làm hơn bổn phận của mình phần nào; là người có thiện chí chưa đủ, phải là người có nhiều ý chí…
Những giá trị cũ không phải hoàn toàn bị phá giá, nhưng chúng ta phải thừa nhận thêm những giá trị mới. Và chúng ta hãy thử tìm một con đường giáo dục mới…
Phạm Cao Tùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét