Home » » Luật nhân quả

Luật nhân quả

"Tạo hóa luôn luôn bình đẳng và công bằng. Chúng ta gieo gì thì gặt nấy" - Andrew Matthews.

Newton phát hiện ra định luật "Lực và phản lực". Nói cách khác mọi tác động đều có phản lực tương đương. Nếu chúng ta gieo gì thì gặt nấy. Nếu chúng ta trồng khoai, chúng ta sẽ không gặt được ngô. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải nhớ rằng quy luật này ứng nghiệm với tất cả những gì chúng ta làm, tất cả những kinh nghiệm chúng ta có.





Chúng ta không tránh khỏi quy luật này. Sức khỏe, tinh thần, sự thành đạt và các mối quan hệ cá nhân, tất cả đều diễn tiến theo một phương trình như nhau, đòi hỏi chúng ta phải hóa giải. Điều thú vị của quy luật này là ở chỗ với những nỗ lực của chúng ta, chúng ta không bao giờ biết được khi nào sẽ thu được kết quả hay lợi ích gì. Nhưng may mắn sẽ luôn đến với bạn mặc dầu không rõ sẽ đến khi nào song chắc chắn sẽ góp phần làm cho cuộc sống của bạn thú vị hơn, sôi nổi hơn.

Hơn nữa, những gì chúng ta có được bây giờ là kết quả, thành quả của những nỗ lực của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự hạnh phúc và hài lòng với tình bằng hữu thắm thiết hay mối quan hệ yêu thương, đó là vì chúng ta đã chuẩn bị đất kỹ để gieo hạt. Nếu chuyện làm ăn của chúng ta đang đâm chồi nảy lộc, đó là vì chúng ta nỗ lực mới có được.

Nếu chúng ta quan tâm đến người, thì người sẽ quan tâm đến chúng ta. Nếu chúng ta nói tốt về họ, thì họ sẽ nói tốt về ta. Nếu chúng ta lừa dối họ, thì chúng ta sẽ bị họ lừa dối.

Nếu chúng ta hãnh diện về những thành công của người khác thì chúng ta sẽ thật sự vui thích và hạnh phúc với những thành công của mình. Nếu như chúng ta nói dối, thì chúng ta sẽ bị người nói dối. Nếu chúng ta chỉ trích, phê phán, thì chúng ta sẽ bị người ta chỉ trích. Nếu chúng ta yêu người thì chúng ta sẽ được người yêu.

Theo dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy một nguyên tắc triết lý được thể hiện theo những cách khác nhau. Nhưng tựu trung chỉ đề cập đến một vấn đề : "Bạn sẽ được người đối xử như bạn đã từng đối xử với họ."

Trên một phần mộ Ai Cập cổ có niên đại 1600 trước công nguyên có ghi dòng chữ : "Người mưu tìm hạnh phúc cho người khác cũng chính là người hạnh phúc".

Khổng Tử cho rằng : "Những gì mình không muốn người ta làm cho mình thì đừng nên làm cho người".

Nhà triết học Aristote có câu : "Chúng ta nên đối xử với thiên nhiên như chúng ta mong thiên nhiên đối xử với chúng ta".

Trong kinh thánh có đoạn viết : "Hãy làm cho người ta điều mà bạn muốn họ làm cho bạn".

Những nguyên tắc này được kiểm nghiệm rất rõ trong các mối quan hệ của chúng ta và trong quá trình gặt hái những thành quả trong những hoàn cảnh khác nhau.

Con người tồn tại trong hoàn cảnh và lệ thuộc vào ngoại cảnh nhưng con người có một năng lực sáng tạo vô song và biết lợi dụng hoàn cảnh để phát triển tính cách, hay thế mạnh vốn có của mình để trở thành người làm chủ được bản thân.

Dĩ nhiên phải có thời gian, con người mới tự hoàn thiện và làm chủ được bản thân, song hoàn cảnh thay đổi theo ta, tức là sự thay đổi tâm lý và suy nghĩ của con người quy định hoàn cảnh mà con người tồn tại.

Có rất nhiều người thường đứng lặng người và trầm trồ ngưỡng mộ những người tài ba, kiệt xuất và thầm ước "Giá như tôi có cái tài đó" hay "sự may mắn đó" nhưng họ không bao giờ hiểu được sự thành công đó là kết quả của sự miệt mài nỗ lực bao nhiêu năm tháng. Chúng ta hay nghe nói đến sự thành công của những ca sĩ qua một đêm biểu diễn nhưng để có được sự thành công này, thực sự họ đã phải khổ luyện trong suốt hàng mấy tháng hoặc mấy năm trước đó.

Điều thú vị của Tạo Hóa là ở chỗ sản lượng thu hoạch được bao giờ cũng nhiều hơn hạt giống. Chẳng hạn khi bạn gieo trồng một hạt bí ngô, bạn không chỉ thu lại một hạt bí, mà là cả xe bí ngô. Quy luật này ứng nghiệm với tất cả những gì chúng ta làm, nhưng trước tiên chúng ta cần phải chuẩn bị đất và gieo mầm.


Trích từ  "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi"  –  Andrew Matthews

0 nhận xét:

Đăng nhận xét