Kiểu cãi cọ theo hình thức cứ gân cổ lên cho mình là đúng, người khác là sai mà không đi đến biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề, là điều thường thấy ở những cặp bạn trẻ, lứa tuổi mà các nhà tâm lý nhận xét là “hiếu thắng và nông nổi”.
Bạn đã biết cách hạ nhiệt xung đột chưa?
Đấy là nhận định của GS Sybil Carere tại ĐH Washington (Mỹ). Ông lưu ý các bạn trẻ cần nhận ra và tránh những điều sau:
1. Giữ cơn tức giận, rồi bất thần xổ tung ra vào một dịp khác. Nhiều người không “nuốt trôi cục giận” mà găm giữ, “ngâm trong bụng”, còn bề ngoài tỏ ra bình thản, chịu đựng. Hành động kiểu này khiến người kia tưởng rằng họ đã nhận thức được sai trái, hoặc đã “ngậm bò hòn làm ngọt” để giữ hòa khí. Thế nhưng, ngày khác, trong một cuộc cãi cọ kịch liệt nào đó, những “cục giận” sẽ được xổ tung ào ạt, không kiềm chế nổi. Lúc này, câu chuyện trở nên không kiểm soát nổi.
Giải pháp xử lý : Nếu như một trong hai người có khuynh hướng né tránh các cuộc xung đột, hãy lên kế hoạch dành một “lịch” định kỳ để gợi mở lại tất cả những gì đã làm các bạn đau đầu trong thời gian qua.
2. Làm quan tòa kết tội. Đó là trường hợp khi một trong hai người cố né tránh xung đột thì người kia lại xung thiên nộ khí, trở thành quan tòa tra vấn, hạch sách, kết tội.
Giải pháp : Người hay né tránh bằng cách im lặng nên học cách “phát ngôn”. Còn người hay “kết tội” nên thay đổi lối diễn đạt. Ví dụ, thay vì đay nghiến: “Cái tivi chết tiệt đó có cái gì hay ho đâu mà vừa đi làm về đến nhà là ông đã ôm riết lấy nó, bỏ mặc mẹ con tôi sống chết thế nào cũng mặc kệ?”, có thể nói: “Anh ơi, thằng cu Tý nãy giờ cứ ngóng mãi bố về để giảng bài cho nó đấy”.
3. Quá phóng đại sự việc. Luôn trầm trọng hóa vấn đề, phóng đại sự việc khiến đối phương tức giận.
Giải pháp : Nếu giữa lúc cãi nhau mà bạn đưa ra được một câu đùa vui làm cả hai cùng giảm stress thì đừng ngần ngại trong việc chia sẻ nó. Một nụ cười (dù vẫn còn hơi ấm ức trong bụng) sẽ làm tình hình lắng dịu ngay.
4. Phải chiến thắng bằng mọi cách. Khi bạn tập trung mọi nỗ lực để đè bẹp đối tượng và chứng tỏ mình là người chiến thắng, là luôn luôn đúng, bạn đã không đặt mối quan hệ tình cảm của hai người lên hàng đầu.
Giải pháp : Hãy dẹp bỏ cái tôi qua một bên và đặt cái “chúng ta” lên trên hết. Mục tiêu của bạn là phải tìm ra sự thỏa hiệp làm cả hai cùng hài lòng, cùng chiến thắng. Thay vì móc mỉa, phủ nhận lý luận của đối phương, hãy thử khám phá xem cô ấy (anh ấy) suy nghĩ như thế nào, rồi đặt câu hỏi: “Làm cách gì để có một giải pháp mà cả anh và em đều đồng ý?”.
5. Không biểu đạt tình yêu ra ngoài. Dĩ nhiên khó mà biểu hiện được tình yêu trong khi bạn đang lên cơn giận dữ. Nhưng nếu như làm được điều đó, bạn sẽ chứng tỏ được rằng tình yêu của bạn dành cho người yêu hay vợ (chồng) còn mạnh mẽ hơn những chuyện cãi cọ vặt vãnh đó.
Giải pháp : Dùng những từ yêu thương và làm sáng tỏ vấn đề, rằng dù rất giận nhau, nhưng yêu nhau vẫn là điều quan trọng hơn. Sự âu yếm, dỗ dành rất có ích, ngay cả trong cơn nóng giận.
6. Luôn luôn thủ thế. Khi bạn thốt ra những câu đại loại như: “ừ, tôi như vậy đấy, rồi sao?” thì đấy là dấu hiệu cho thấy bạn đã đóng sập cánh cửa giao tiếp đối với người bạn đời.
Giải pháp : Hãy nói, hãy mở rộng cõi lòng nếu một trong hai người có dấu hiệu thủ thế. Hãy để đầu óc thư giãn một chút, thở sâu lấy lại sự cân bằng.
7. Thái độ tàn nhẫn, thù hằn. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nhận được những câu nói đau đớn như nhát dao đâm vào trong tim. Hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn ngôn từ mỗi khi mở miệng. Bạn có thể chọn cách xé nát mối quan hệ bằng những ngôn từ độc ác, vô tâm, hoặc có thể nuôi dưỡng, chăm sóc mối quan hệ bằng những từ nghiêm nghị, nhưng tràn đầy tính xây dựng và yêu thương.
Giải pháp : Trước khi bạn sẵn sàng tung ra một chuỗi những từ xấu xa, châm chích, coi thường, hãy tự hỏi bản thân: “Liệu tôi có dám dùng những từ tương tự với bạn thân hay với sếp không? Vậy tại sao chồng (vợ) là những người đầu gối, tay ấp thân thương vô cùng với tôi lại phải chịu sự bất công quá đỗi như vậy
Nhân Anh (Tiền Phong)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét