Ánh Châu, 33 tuổi, làm quản lý một khách sạn lớn ở TP HCM, trong ngày cưới cô mặc chiếc áo đầm đắt tiền và đeo chiếc nhẫn hột xoàn đáng giá, nhưng cô vẫn vô cảm!
Chỉ 2 giờ trước khi cử hành hôn lễ, cô còn đi tắm biển với 2 em gái với tâm trạng thản nhiên như không hề có đám cưới. Cô quen chồng mình, một nhà kinh doanh, đã 4 năm trước khi quyết định kết hôn. Dù anh không làm trái tim cô xao xuyến, cô vẫn quyết định cưới anh.
Châu nói: “Chúng tôi là bạn tốt của nhau, tôi nghĩ anh có thể là người chồng và người cha tốt, dù tôi không yêu anh. Chúng tôi cử hành hôn lễ, thề hứa chung thủy, nhưng tôi không hề nhìn anh. Tâm hồn tôi trống rỗng”.
Sau 5 năm kết hôn, cô có 2 đứa con nhưng cuộc sống tẻ nhạt, đã khiến cô muốn thoát khỏi cảnh hôn nhân không tình yêu. Cô tâm sự: “Tôi thường muốn anh ấy lừa dối tôi để có cớ thoát ra”.
Cuối cùng, chồng cô cảm thấy không thể có hạnh phúc nên đã đồng ý chia tay.
Ánh Châu không phải là phụ nữ đầu tiên nói: “Tôi lầm!”. Theo nghiên cứu mới đây của nhà trị liệu tình dục Jennifer Gauvain, ở Denver, Colorado, Hoa Kỳ 30% số phụ nữ ly hôn đều nói rằng họ biết vậy nhưng họ vẫn phạm sai lầm khi chấp nhận kết hôn với người mà mình không chút xúc cảm.
Vấn đề hiển nhiên: Nếu bạn biết mình kết hôn không đúng người, tại sao bạn vẫn đồng ý? Điều đó không chỉ gây tổn thương cho chính mình mà còn làm tổn thương cả người khác!
Từ xưa, phụ nữ được giáo dục bằng một ấn tượng không thực tế về những gì hỗ trợ tình yêu. Các cô gái thích đọc truyện thần tiên, cô gái được hoàng tử cứu và họ kết hôn chỉ vì ân nghĩa. Rồi khi lớn hơn, họ vẫn gặp những câu chuyện lãng mạn trong tiểu thuyết hoặc phim ảnh, trong đó tình yêu luôn chiếm ưu thế, bất kể hoàn cảnh nào. Do đó, phụ nữ đinh ninh rằng tình yêu luôn có khả năng tác động mạnh như một phép nhiệm màu, ngay cả trong những tình huống gay go nhất! Có điều khả nghi về đồng hồ sinh học.
Trường hợp của Ánh Châu là điển hình. Cô không sẵn sàng kết hôn. Tuổi tác không thể xác định sự trưởng thành, vì trưởng thành có 2 phương diện: Thể lý và tâm lý. Trưởng thành thể lý chưa chắc đã trưởng thành tâm lý. Tuổi 30 ở phụ nữ là tuổi chín muồi, nhưng lại bị coi là “quá lứa lỡ thì” nếu chưa yên bề gia thất.
Quan niệm “khe khắt” của xã hội cũng tác động mạnh đến tâm lý phụ nữ, dẫn đến nhiều cô “nhắm mắt đưa chân”, thậm chí có những cô dám “theo” một người đàn ông không hề quen biết về một đất nước xa lạ, dù ngôn ngữ bất đồng.
Đó như cuộc “chạy đua hôn nhân” vậy. Nhiều bi kịch đã xảy ra, nhiều “tấm gương” đã và đang xảy ra nhưng người ta vẫn liều, không chịu “soi”. Có những trường hợp đáng thương, nhưng có nhiều trường hợp kết hôn chỉ vì muốn an phận thủ thường hoặc muốn “đổi đời”.
Trường hợp khác, Ngọc Bích, 25 tuổi, bỏ nhà đi biệt ngay khi hai họ đã chuẩn bị tiệc cưới vào sáng hôm sau. Vài năm sau Bích dẫn 2 con về xin lỗi cha mẹ và để các cháu nhận ông bà ngoại. Chuyện đã rồi. Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất. Có lẽ do ở “thế bí” vì thân gái dặm trường, cô vội quen và chấp nhận ai đó, kết cục cuối cùng cũng... đường ai nấy đi!
Trong cuốn "Emotionally Engaged" (Xúc cảm Đính hôn), tác giả Allison Moir-Smith viết: “Phụ nữ thường quên rằng hôn nhân không chỉ là tổ chức đám cưới lớn. Đó còn là quá trình chuyển từ đời sống độc thân sang đời sống hôn nhân.
Kết hôn là điều quan trọng của đời người”. Quả thật có những điều bất ngờ, không thể tính trước. Hôn nhân cũng vậy: Phận gái thuyền quyên mười hai bến nước. Tuy nhiên, phải tự hỏi trái tim mình trước, đừng để phải thốt lên câu: “Tôi lầm!” rồi than thân trách phận và đổ lỗi cho số phận, vì đâu phải “hồng nhan” thì luôn “bạc phận”?
Trầm Thiên Thu (Báo Phụ Nữ VN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét