“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Xuất Hành 20:12)
Có lẽ tất cả chúng ta, ai cũng đã một đôi lần được nghe những câu hát thật dễ thương của Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu viết về Ba Mẹ:
“Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa, Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực. Ba Mẹ là lá chắn che chở suốt đời con. Vì con là con Ba, con của Ba rất ngoan. Vì con là con Mẹ, con của Mẹ rất hiền. Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền, Con đừng quên con nhé! Ba Mẹ là quê hương.” (Cho con. Thơ: Tuấn Dũng.)
Hằng năm, cứ đến tháng năm, thế giới dành riêng Chúa Nhật thứ hai trong tháng để mừng “Lễ Mẫu thân.” Giữa dòng đời ngược xuôi, cuốn trôi như thác lũ, mục đích của ngày lễ này là để nhắc nhở mọi người “Đừng quên con nhé! Ba mẹ là quê hương”. Hãy hướng về Phụ mẫu thân yêu để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với công lao “Dưỡng dục, Sinh thành”.
Vào thời Cựu Ước, khi dân Do Thái đang trên hành trình tiến về miền đất Hứa, Thiên Chúa đã ban cho dân sự 10 Điều răn. Đây là những “giới luật” nhằm giúp con người sống có nề nếp, trật tự, ngõ hầu được an bình và hạnh phúc lâu dài.
I. Bổn phận trở thành Giới luật.
Mười Điều răn là luật pháp và cũng là giao ước của Đức Chúa Trời với tuyển dân của Ngài gồm có hai phần: Phần thứ nhất có bốn điều là những tiêu chuẩn cho mối liên hệ giữa con người đối với Thiên Chúa. Phần thứ hai gồm sáu điều còn lại là những tiêu chuẩn cho mối liên hệ “Đối nhân” mà trước hết là bổn phận của con cái đối với cha mẹ.
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Hành 20:12).
Thế gian đã bị băng hoại vì tội lỗi và Kinh Thánh cho biết rằng : “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa; ai có thể biết được?” (Giê 17:9). Vì thế, ngay trong mối quan hệ vô cùng thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái, một khởi đầu cho tất cả những mối quan hệ gia đình và xã hội cũng đã bị tội lỗi làm cho vẩn đục. Thực tế cho thấy có nhiều bậc cha mẹ có công sinh thành nhưng lại không chu toàn trách nhiệm dưỡng dục. Có nhiều phụ mẫu đã lạm dụng quyền hành, đối xử tàn nhẫn, bất nhân với con cái. Ngược lại, cũng có rất nhiều con cái đối xử bạc ác, vô ơn đối với cha mẹ.
Lòng hiếu kính đối với cha mẹ, một bổn phận vốn mang ý thức tự nguyện, phản ánh nét đẹp cao quý của tình người đã trở thành Giới Luật (đòi hỏi một sự chấp hành triệt để, thưởng phạt công minh.) Đặc biệt là chỉ riêng giới răn này Thiên Chúa kèm theo một lời hứa để cho những ai thực thi, sẽ được hưởng ân phúc “trường thọ”.
II. Lòng Hiếu Kính
Theo Đạo lý của người Việt nam, việc hiếu kính, phụng dưỡng mẹ cha, tôn quí ông bà là bổn phận thiêng liêng mà cháu con phải gìn giữ “Một lòng thờ Mẹ, kính Cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.” Cho nên một khi được kể là thiêng liêng thì việc tỏ lòng hiếu kính trở thành mối quan hệ tình cảm máu thịt, một chu kỳ thương yêu khắn khít luân chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều quan trọng là cách thể hiện làm sao và thể hiện như thế nào để đẹp lòng Cha mẹ thì vẫn luôn là niềm trăn trở đối với những người còn Mẹ còn Cha và đôi khi trở thành nỗi ân hận, tiếc nuối trong những trường hợp Mẹ Cha đã đi vào yên nghỉ.
Người xưa đã để lại lời giáo huấn chí tình qua câu ca dao : “ Nuôi con cho được vuông tròn, Mẹ Thầy dầu dãi, xương mòn gối long. Con ơi cho trọn hiếu trung, Thảo ngay một dạ kẻo luống công Mẹ Thầy.”
Sự hiếu kính cha mẹ được bày tỏ qua ba điều cơ bản : Lòng biết ơn, sự hiếu thảo và thái độ tôn kính.
1. Lòng biết ơn: Lòng biết ơn công lao dưỡng dục, sinh thành là động cơ dẫn đến sự hiếu kính. Cha mẹ đã nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc từng đứa con cho được lớn khôn thành người với bao nhiêu nước mắt và mồ hôi…Chưa kể đến những lúc con cái ốm đau, Cha phải chạy tiền thuốc thang, những đêm khuya Mẹ phải thức canh cho con tròn giấc ngủ…Cho đến một ngày, khi chúng ta cũng được làm cha, làm mẹ thì :“Nuôi con mới biết sự tình, Thảm thương Cha mẹ nuôi mình khi xưa.” (Ca dao)
2. Sự hiếu thảo: Sự hiếu thảo được thể hiện qua hành động thực tế : Vâng lời và phụng dưỡng.
a) Vâng lời: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục Cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Col 3:20). Vâng phục cha mẹ cũng như vâng phục bất kỳ một thẩm quyền nào mà Thiên Chúa đặt để trên chúng ta không phải là một sự vâng phục mù quáng. Sự vâng phục đó phải được đặt trên nền tảng của Kinh thánh.
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm.” (Eph 6:1) Vâng phục cha mẹ trong Chúa là vâng lời cha mẹ trong tất cả mọi sự, miễn là sự vâng lời đó không trái nghịch với Lời Chúa. Khi cha mẹ có những ý muốn hoàn toàn trái nghịch với Lời Chúa, chúng ta được phép không vâng theo, nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta có thể bất kính với cha mẹ. Thái độ và lời nói của chúng ta đối với cha mẹ phải luôn luôn khiêm nhu , hòa nhã và kính trọng.
Một vị Mục sư vẫn thường xuyên bị tra hỏi và đánh đập, nhưng hôm nay lính gác lại đưa ông vào phòng để nói chuyện. Tên lính nói : “Tôi muốn biết về niềm tin của anh, xin anh hãy nói cho tôi biết về 10 Điều Răn.” Ngạc nhiên đến sửng sốt, vị mục sư bắt đầu chia sẻ 10 Điều răn. Khi ông nói đến Điều thứ 5 “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.” Viên sĩ quan liền ngắt lời “Dừng lại, nếu anh tin rằng việc hiếu kính cha mẹ là một điều quan trọng thì hãy nhìn vào góc phòng kia.” Mục sư quay lại và thấy Mẹ của mình, một bà lão đang bị xích xiềng, thân thể bầm dập vì đòn roi đang nằm im, ngất lịm. Lính gác nói : “Hãy nhìn xem mẹ anh chịu khổ thế nào! Nếu anh khai ra những bí mật của Hội thánh thì anh và mẹ của anh sẽ được tự do. Nếu anh để bà phải chết dưới sự tra tấn của chúng tôi, có nghĩa là anh vi phạm Điều Răn hiếu kính cha mẹ, huyết của bà sẽ đổ trên đầu anh.”Mục sư quay sang nhìn mẹ, bà vừa mới hồi tỉnh sau khi bị ngất vì những đòn tra tấn. “Mẹ ơi, con phải làm gì?” Bà cụ trìu mến nhìn con và nói : “Từ ngày con còn thơ ấu, mẹ đã dạy con phải yêu Chúa và yêu Hội thánh của Ngài. Đừng phản bội Chúa, mẹ sẵn sàng hy sinh vì Danh Ngài.” Như được tiếp thêm sức mạnh, vị mục sư quay lại nhìn viên sĩ quan và nói với sự can đảm, quả quyết : “Ông đã nói rất đúng, sự hiếu kính thì trước hết phải biết vâng lời mẹ của mình.”
Câu chuyện cho chúng ta thấy gương mẫu đức tin và tình yêu hy sinh, tận hiến của một người mẹ Cơ đốc. Chúng ta cũng học được lòng hiếu kính của vị mục sư thể hiện qua sự vâng lời vượt trên cả nỗi đau thương, mất mát, để trọn lòng tín trung với Chúa.
b) Phụng dưỡng: "Con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời." (I Tim 5:4)
Sự hiếu thảo bày tỏ qua những hành động thực tế, phải biết giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ, đừng đùn đẩy cho nhau…Câu ca dao “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, Con nuôi Cha mẹ kể tháng kể ngày.” Phản ánh một thực trạng phũ phàng về sự phụng dưỡng của con cái dành cho cha mẹ.
Hiếu thảo là phải biết phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống; nếu không, khi họ qua đời rồi thì chẳng làm gì được nữa! Chỉ còn chăng là nỗi ân hận, nhớ tiếc mà thôi!..Hãy nghe tâm tình thảo hiếu của người thiếu nữ trong ca dao đối với Mẹ Cha như thế nào! “Ơn hoài thai như Biển, Ngãi dưỡng dục như sông. Em nguyện ở vậy không chồng, Lo nuôi Cha mẹ, hết lòng Đạo con.” Tuy nhiên, nếu chỉ lo phụng dưỡng thì vẫn chưa đủ. Đối với cha mẹ, ngoài lòng thương yêu, cần phải có thái độ tôn kính. Trong đối nhân xử thế, dân gian có câu “Cách cho hơn của đem cho.” Huống chi là đối với đấng bậc sinh thành.
3. Thái độ Tôn kính: “Con mắt nhạo báng cha mình, khinh sự vâng lời đối với mẹ mình, các con quạ của trũng sẽ móc mắt ấy, và các chim ưng con sẽ ăn nó đi” (Châm ngôn 30:17)
Tôn kính có nghĩa là tôn trọng và kính phục. Theo quan điểm của Kinh Thánh, thì những người con bất hiếu sẽ bị hình phạt rất nặng. Ngày xưa, “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” (Lêvi 20:9)
Nếu Luật pháp ngày nay vẫn áp dụng điều luật này, thì xã hội loài người sẽ ra sao? !
Sự tôn kính cha mẹ còn được thể hiện qua cách sống của chúng ta. Việc gìn giữ “danh thơm, tiếng tốt” cho gia đình để Cha mẹ luôn tự hào về con cái cũng chính là cách thể hiện lòng hiếu kính. “ Cha người công bình sẽ có sự vui vẻ lớn, và người nào sanh con khôn ngoan sẽ khoái lạc nơi nó. Ước gì Cha và Mẹ con được hớn hở, và người đã sanh con lấy làm vui mừng.” (Châm 23:24,25)
III. Bổn Phận Dạy Con: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, hầu cho được phước và sống lâu trên đất.” (Êphêsô 6:1-3)
Mặc dầu vấn đề “hiếu kính” là bổn phận của con cái, nhưng trách nhiệm của các bậc cha mẹ là phải biết dạy dỗ và hướng dẫn, nhất là làm gươngcho con cái mình về sự thảo hiếu. “Nếu mình hiếu với mẹ cha, Chắc con cũng hiếu với ta khác gì? Nếu mình ăn ở vô nghì, Đừng mong con hiếu làm gì uổng công?”. (Ca dao)
Những thành quả mà chúng ta có được ngày nay là do công lao Cha Mẹ đã một đời gian lao, vất vả. Sự thật này như dòng chảy từ đời nọ tràn sang đời kia. Dù cuộc sống có đổi thay thế nào thì ơn Cha, nghĩa Mẹ luôn luôn “…Như núi Thái sơn, như nước trong nguồn…” Cho nên mỗi chúng ta hôm nay, ai có diễm phúc còn Cha, còn Mẹ trên đời, xin hãy tìm mọi cơ hội, thời giờ để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn dành cho Cha mẹ. Nếu có những thiếu sót, lỗi lầm nào đối với Cha mẹ, hãy can đảm nói lời xin lỗi để được thứ tha, dù vẫn biết rằng Mẹ Cha thì luôn luôn sẵn lòng tha thứ vì yêu con cái mình.
Ước mong mọi người luôn biết sống theo lời Chúa, “Hiếu kính Cha mẹ” để Danh Ngài được vinh hiển và hạnh phúc gia đình được bền vững lâu dài. Amen!
Mục sư Hoàng Siêu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét