Nghệ thuật diễn thuyết

Một trong những sự khác biệt lớn nhất mà con người có được với muôn loài khác, đó là khả năng giao tiếp và năng lực trí não. Chúng ta thường giao tiếp bằng hình ảnh hoặc ngôn ngữ.
Ngoài việc giao tiếp với thế giới bên ngoài, chúng ta còn thường xuyên giao tiếp nội tâm, tức là giao tiếp với chính bản thân mình.

Để đạt được bất cứ mục đích nào trong cuộc sống, chúng ta không thể sống một mình mà phải luôn tương tác với rất nhiều người khác nữa. Chính vì vậy khả năng trình bày và thuyết phục mọi người đóng một vai trò quan trọng cho thành công của mỗi người. Từ việc một người mẹ thuyết phục con cái ăn uống đến việc thầy cô giáo đứng trên bục giảng dạy dỗ học sinh hay như một người bán hàng muốn thuyết phục người mua hàng, có lúc nào mà chúng ta không cần phải trình bày về một thứ gì đó.

Có rất nhiều cấp độ của giao tiếp như trao đổi, trò chuyện, thuyết trình, giảng dạy, huấn luyện nhưng hình thức giao tiếp đòi hỏi nghệ thuật cao nhất đó chính là “diễn thuyết” hay “nói chuyện trước đám đông”. Một trong những câu chuyện về nghệ thuật diễn thuyết phải nhắc đến trường hợp của Barack Obama. Từ một người vô danh, sau bài diễn thuyết của ông trước Đại hội Đảng Dân chủ năm 2004, sau một đêm, tên của ông đã được nhắc đến trên toàn thế giới như là một trong số những gương mặt chính trị sáng giá nhất nước Mỹ. Và chỉ 4 năm sau cái đêm đó, ông đã bước lên đỉnh cao quyền lực một cách ngoạn mục nhất. Người ta nói đến khả năng thành công của ông là nhờ diễn thuyết giỏi.
Vậy “diễn thuyết” có điều gì thú vị? Làm thế nào để trở thành một nhà diễn thuyết giỏi? Bạn đã bao giờ đi xem ca nhạc? Đó là bạn xem các ca sĩ mà mình yêu thích “diễn thuyết” bằng âm nhạc với những bản nhạc và dàn nhạc cùng hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại. Vì sao bạn lại đi xem ca nhạc? Đó là vì bạn muốn được thay đổi trạng thái, bạn muốn được giải trí để có một tâm trạng vui vẻ hơn nữa. Nhưng nếu bạn thực sự muốn đi nghe một ai đó diễn thuyết, diễn thuyết thực sự, bạn không chỉ thay đổi trạng thái, bạn còn có thể thay đổi nhận thức và thay đổi chính cuộc đời của bạn.

Theo tôi, diễn thuyết là nghệ thuật của nghệ thuật. Nhiều chủ doanh nghiệp, nhiều nhà chính trị, lãnh đạo, các nhà quản lý của chúng ta không hẳn là diễn thuyết giỏi. Hằng ngày các bạn thử chứng kiến trên truyền hình, các cuộc hội thảo…đâu đâu cũng dễ thấy “buồn ngủ”. Thậm chí rất nhiều người đang thành đạt cũng đã nói với tôi rằng họ thực sự “sợ hãi” mỗi khi đứng trước đám đông.

Điều đầu tiên của nghệ thuật diễn thuyết đó chính là sự tự tin. Để có được sự tự tin, bạn cần phải đối mặt với sự sợ hãi, sự rèn luyện về kiến thức, kỹ năng và sự chuẩn bị kỹ càng về rất nhiều phương diện. Là con người, ai cũng đều có sự sợ hãi, sự sợ hãi chính là bản năng của mỗi người. Thường thì chúng ta sợ không được đầy đủ hoặc không được yêu, chúng ta sợ bị từ chối, sợ bị mọi người cười chê và sợ mất thể diện…

Điều thứ hai của nghệ thuật diễn thuyết là bạn phải chọn được cho mình một chủ đề để nói. Tôi đã từng phạm rất nhiều sai lầm trong quá trình rèn luyện trên con đường diễn thuyết, đó là chọn những chủ đề mà người nghe không thích. Mặc dù tôi đã chuẩn bị hoặc luyện tập rất kỹ nhưng khi bước vào diễn thuyết vẫn bị khán giả tẩy chay. Tôi bước xuống khỏi sân khấu với cảm giác ê chề, xấu hổ. Để vượt qua những cảm giác đó và học hỏi từ thất bại tôi luôn cần ít nhất là một tuần. Chủ đề bạn muốn nói phải là chủ đề người nghe muốn nghe, bạn phải đem lại những giá trị và lợi ích nào đó mà người nghe mong đợi.

Điều thứ ba của nghệ thuật diễn thuyết mà tôi nhận thấy là bạn phải biết cách mở đầu và kết thúc. Cho dù phần nội dung của bạn có thành công đến đâu nhưng nếu bạn không biết cách mở đầu và kết thúc ấn tượng thì bài diễn văn của bạn cũng “vứt đi” mà thôi. Đó là điều tôi đã từng phải trả giá cho đến khi tôi học được điều này, những phút đầu tiên sẽ tạo cho khán giả ấn tượng họ có muốn nghe bạn hay không và những phút cuối cùng sẽ xem họ có nhớ đến bạn hay không.

Điều thứ tư, đó là sự chuẩn bị. Khi bạn đã chọn cho mình được chủ đề, việc chuẩn bị sẽ quyết định thành bại của người diễn giả. Bạn phải chuẩn bị những gì? Người nghe sẽ thích nghe những gì mới mẻ, họ thích nghe quan điểm hay “câu chuyện” của chính bạn chứ không phải sự rao giảng. Chính vì vậy bạn phải là người có kiến thức, sự trải nghiệm, chân thành. Bạn phải chuẩn bị những điều đó thật kỹ. Bạn phải dành nhiều thời gian suy nghĩ và luôn biết cách “thêm thắt” để mở rộng câu chuyện mà bạn muốn trình bày.

Điều thứ năm, đó là năng lực kể chuyện. Ai biết cách kể chuyện hay, người đó sẽ chiếm được trái tim của người nghe. Câu chuyện của bạn cần phải có ý nghĩa. Có thể rất cảm động nhưng cũng có thể rất hài hước, cái đó phụ thuộc vào khả năng riêng của bạn.

Điều thứ sáu, đó là bạn cần phải tạo cho mình một phong cách riêng cho mình. Đừng bắt chước người khác. Tôi rất “dị ứng” với sự bắt chước. Hãy tìm ra cái gì riêng nhất của bạn và cứ thế mà thực hiện.

Cuối cùng tôi muốn chia sẻ với bạn một công thức tối quan trọng: Đó là công thức 7+38+55. 7% những gì bạn tác động đến người nghe đó là nội dung những gì bạn nói. 38% sự ảnh hưởng của bạn là giọng nói của bạn, giọng của bạn thế nào, ngữ điệu thế nào, nhấn nhá ra sao sẽ tác động đến người nghe rất nhiều. 55% còn lại là ngôn ngữ phi ngôn từ: hội trường, nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng, môi trường, cách ngồi và ngôn ngữ cơ thể của bạn. Bạn cần phải cử động cơ thể nhiều hơn nhưng nhớ là theo cách của bạn. Đừng “bắt chước” , nếu không ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ kệch cỡm và buồn cười lắm đấy.
                                  (Sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét