Home » » Bí Mật Tình Yêu 1 - Nghịch lý tình yêu

Bí Mật Tình Yêu 1 - Nghịch lý tình yêu

"Ngọn lửa tình yêu cháy rực hơn khi lòng căm hờn bị dập tắt" - Ella Wheeler Wilcox

Có một nghịch lý trong tình yêu: chúng ta thường xúc phạm và làm tổn thương những người ta yêu quý nhất. Ta liên tục chỉnh sửa những lỗi lầm của họ, nghi ngờ những quyết định của họ, đánh giá thấp những gì họ đạt được…

Thậm chí, có khi ta còn đòi hỏi, kỳ vọng và đặt ra những tiêu chuẩn quá cao đối với họ, chỉ để thỏa mãn niềm kiêu hãnh của bản thân mình. Sẽ chẳng có gì sai trái khi mong muốn những người mình yêu thương trở thành người tốt nhất, giỏi nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều đó nếu lúc nào cũng sẵn sàng tuôn ra những lời trách móc thậm tệ, những câu chê bai khắc nghiệt, những lời phê phán cay độc.

Cách đây vài năm, một cô giáo tâm sự với tôi rằng dù cô đã giảng dạy rất nhiệt tình, quan tâm đến học sinh rất chu đáo,… nhưng lớp học vẫn buồn tẻ. Các em học sinh tỏ ra không hứng thú trong tiết học của cô, thờ ơ với những câu hỏi và gợi ý… Đến tham quan lớp học của cô một vài lần, tôi đã hiểu được vấn đề. Đó là bởi cách cư xử thiếu tế nhị của cô giáo: thay vì nhẹ nhàng nhắc nhở khi các em chưa hiểu bài, thì cô lại chú tâm bắt các em phải trả lời: Các em đã làm gì mà không nghe giảng, tại sao lại không hiểu bài? Cô không thể kiên nhẫn khi các học sinh của mình không thể tiếp thu bài ngay, vì theo ý cô, cô đã mất rất nhiều công sức trong việc chuẩn bị cho bài giảng, và đã giảng kỹ như thế thì không thể có ai đó không hiểu bài được. Hơn thế nữa, khi mở rộng vấn đề, phân tích thêm về bài học, cô lấy chính các khuyết điểm, sai sót của các em học sinh trong lớp làm ví dụ với những lời bình mỉa mai khiến các em cảm thấy bị xúc phạm.

Một anh bạn của tôi cũng đã từng rất ngỡ ngàng với đề nghị chia tay của người bạn gái vì lý do: cô ấy không thể chịu nổi sự đả kích đầy ác ý của anh mỗi khi cô phạm sai lầm. Đúng lúc cô cần anh an ủi, động viên thì anh lại dội gáo nước lạnh lên cô bằng những lời trách móc cay đắng mà theo ý anh là: chỉ để cô ấy tốt hơn mà thôi.

Phê bình là một nghệ thuật phức tạp và tế nhị. Khi muốn phê bình một ai đó, chúng ta phải chắc rằng động cơ của mình là mang tính xây dựng, việc làm của mình là cần thiết và phải đặt mình vào vị trí của họ để có thể hiểu được tác động của những lời nói ấy. Một động cơ đúng cũng không thể bào chữa cho cách làm sai, vì vậy chúng ta cần phải rất khéo léo và chân thành.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét