Home » » CLDC&TYCS - HGTH1 - Đừng sợ đối mặt với nỗi sợ hãi

CLDC&TYCS - HGTH1 - Đừng sợ đối mặt với nỗi sợ hãi

"Lòng can đảm giúp chúng ta chống lại nỗi sợ hãi, tìm cách khống chế nó, chứ không phải giúp chúng ta chối bỏ sự tồn tại của nó" - Mark Twain

“Cuộc đời gần như là hoàn hảo!", tôi tự nhủ và cám ơn số phận đã rất ưu ái với tôi. Quả thật tôi đã và đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng. Hơn một năm qua, tôi là ngôi sao trong một vở nhạc kịch ăn khách của sân khấu Paris tráng lệ.

Tôi được giao vai trong bốn vở nhạc kịch của một hãng phim nổi tiếng. Và hơn hết, tôi có rất nhiều bạn tốt, những người tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ chuyện trò.

Lúc đó là năm 1922. Tôi đã không hiểu vì sao mà bao nhiêu may mắn lại nhanh chóng từ biệt tôi như vậy.

Sau này, ôn lại những gì đã xảy ra tại rạp des Bouffes-Parisiens vào buổi tối hôm ấy, tôi nhận thấy đã có những dấu hiệu cảnh báo trước đó. Trong nhiều tháng trời, tôi đã làm việc quá sức, lại thiếu ngủ thường xuyên. Đôi khi, tôi cảm thấy mình như người kiệt sức - đầu óc nặng trịch, bao hứng khởi tan biến đi đâu hết cả. Thế mà tôi chẳng hề lưu tâm. “Chắc chỉ mệt mỏi chốc lát thôi”, tôi tự nhủ, rồi lại bước ra sân khấu, tự ép mình diễn thật hay đúng như những gì khán giả mong đợi.

Tuy nhiên, tối hôm ấy sự việc không diễn ra bình thường như mọi tối. Trước đó, vào bữa trưa kéo dài hàng giờ với bạn bè, tôi đã ngu ngốc đắm mình trong rượu ngon và ních thật căng bụng. Tôi tranh thủ chợp mắt vài phút với hy vọng sẽ tỉnh táo lại trước giờ diễn. Thế nhưng khi đến rạp hát, đầu tôi cứ phừng phừng như bốc lửa. Trước đây tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng xây xẩm như thế này. Tôi cố gắng xua tan nó khi chờ nghe gọi đến lớp diễn của mình. Dù vậy khi nghe gọi, những lời này như đến từ một nơi xa xăm nào đó. Tôi bước ra sân khấu, xướng lên lời thoại quen thuộc của vai tôi diễn. Nhưng rõ ràng có điều gì đó không ổn. Tôi có thể nhận thấy điều đó qua ánh mắt của người bạn diễn.

Khi tôi hát tiếp đoạn thứ hai, sự ngạc nhiên trong tôi đã chuyển thành lời báo động và tôi kinh hoàng nhận ra rằng mình đã hát nhầm lời của cảnh ba thay vì cảnh một! Tôi cố gắng hết sức lấy lại bình tĩnh nhưng vô vọng. Đầu tôi lúc ấy đột nhiên rối tung. Tôi như kẻ mất hồn.

Người bạn diễn hát đỡ lời tôi một cách khéo léo, anh ấy thầm thì nhắc tôi những chữ đầu của mỗi đoạn tôi phải hát và cứ thế, những người khác cũng lần lượt nhắc tôi trong những cảnh sau. Buổi diễn tối hôm đó đã kết thúc mà chỉ những người ở sau cánh gà mới biết chuyện gì đã xảy ra.

Sau buổi diễn, các bạn đồng nghiệp cười xòa và an ủi tôi rằng đó chỉ là sự bất ổn nhất thời. Tôi cũng muốn tin như vậy, nhưng tôi đã thật sự hoảng loạn.

Điều gì sẽ đến nếu sự cố tối nay chỉ là một sự mở đầu? Một diễn viên kịch không nhớ nổi lời thoại của mình - điều này có nghĩa là sự nghiệp tiêu tan. Một dấu chấm hết cho một nghề nghiệp đã đưa tôi thoát khỏi những quán café tồi tàn ở Montmartre - nơi tôi đã phải hát để kiếm sống qua ngày - để đến những rạp hát sang trọng nhất của Paris tráng lệ kèm với tiền thù lao hàng ngàn đô-la mỗi tuần.

Ngày hôm sau, tôi đọc đi đọc lại lời thoại của mình, ôn lại từng câu ca, lời hát mà tôi đã thuộc làu cả năm qua. Nhưng đến tối, nỗi kinh hoàng quay trở lại và đi kèm theo nó là cơn ác mộng đeo đẳng tôi nhiều tháng liền. Đứng trên sân khấu, tôi thấy mình không tài nào tập trung được vào lời thoại phải nói lúc ấy mà đầu óc cứ mải chạy theo những lời thoại của một vài cảnh sắp tới và cố gắng chuẩn bị để nói những lời này. Tôi hết ngập ngừng thì lại nói lắp bắp. Sự thoải mái, tự nhiên đã giúp tôi trở thành diễn viên danh tiếng, nay đã không còn nữa. Rồi tôi thấy xây xẩm mặt mày, sàn diễn và mọi vật như quay vòng trước mắt tôi. Tôi thực sự sợ hãi khi nghĩ đến cảnh mình bị ngã gục ngay trên sàn diễn.

Tôi đi khám hết bác sĩ này đến chuyên gia khác. “Suy nhược thần kinh”, họ nói rồi chích thuốc, dùng điện từ xoa bóp cho tôi, bắt tôi theo chế độ ăn kiêng đặc biệt. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Người ta bắt đầu bàn tán xôn xao rằng sự nghiệp diễn viên của tôi đang trượt dốc. Tôi cố tránh gặp bạn bè vì tôi chắc họ cũng đã biết tình trạng bất ổn của tôi.

Nhưng khi tình trạng đầu óc choáng váng xảy ra thường xuyên hơn, tôi biết rõ rằng sự suy sụp thần kinh là không thể tránh khỏi. Và nó đã đến thật. Lúc đó, mọi thứ với tôi thế là hết. Cả thế giới trước mắt tôi sụp đổ tan tành.

Bác sĩ yêu cầu tôi đi nghỉ tại một khu điều dưỡng ở Saujon, một ngôi làng nhỏ bé ở miền tây nam nước Pháp. “Thế giới của Maurice Chevalier đã vỡ vụn”, tôi thở dài, “và chẳng còn nơi nào có thể hàn gắn lại những mảnh vỡ ấy nữa”.

Tuy nhiên, lúc đó tôi đã không thể ngờ đến sự tinh tường và lòng nhẫn nại của vị bác sĩ già tài giỏi tại Saujon. Đọc xong hồ sơ bệnh án của tôi, bác sĩ Robert Dubois vạch ra một phương án điều trị đơn giản chỉ bằng nghỉ ngơi và thư giãn.

- Sẽ chẳng ăn thua gì đâu, - tôi uể oải nói, - tôi hết thời rồi.

Nhưng rồi trong nhiều tuần sau đó, theo lời bác sĩ, tôi thả bộ một mình dọc theo những con đường làng do ông vạch ra. Và dần dần tôi tìm thấy những nét yên bình trong vẻ đẹp của thiên nhiên; sự yên bình vẫn luôn tồn tại trong tôi mà tôi đã quên bẵng đi. Rồi cũng đến một ngày, bác sĩ Dubois khẳng định với tôi rằng thần kinh của tôi đã bình phục hoàn toàn. Tôi rất muốn tin ông nhưng trong lòng còn ngờ vực. Giờ đây sự hoảng loạn trong tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn thấy mình chưa đủ tự tin.

Một buổi chiều, bác sĩ Dubois đề nghị tôi trình diễn giúp vui cho một nhóm người nhân ngày hội làng. Cứ nghĩ đến chuyện phải đối mặt với khán giả - bất cứ khán giả nào - là tôi thấy đầu óc mình trở nên mụ mẫm. Tôi vội vàng từ chối lời đề nghị đó.

- Tôi biết anh có thể làm được, Maurice, - bác sĩ nói, - và anh phải chứng tỏ điều này cho chính bản thân anh. Đây là cơ hội tốt để anh khởi đầu đấy!

Tôi thấy thật kinh hãi.

- Có gì bảo đảm là tâm trí tôi sẽ không rối tung lên như trước?

- Chẳng có điều gì bảo đảm cho anh cả. - Bác sĩ Dubois chậm rãi nói, và ông tiếp tục với một câu nói mà đến hôm nay tôi vẫn nghe thấy văng vẳng bên tai mình như ba mươi năm trước - Đừng sợ phải đối mặt với nỗi sợ hãi!

Mãi đến khi ông giải thích, tôi mới hiểu hết ý câu nói đó của ông.

- Anh sợ lại phải bước lên sân khấu, do đó anh tự nói với mình thế là hết. Nhưng sợ hãi không bao giờ là nguyên nhân rời bỏ sàn diễn của anh cả; nó chỉ là một cái cớ mà thôi. Khi một người dũng cảm gặp phải nỗi sợ hãi, anh ta thừa nhận sự tồn tại của nó - và rồi vững bước vượt qua mà không còn lưu tâm đến nó nữa.

Ông dừng lại ở đó và đợi câu trả lời của tôi. Mãi một lúc lâu sau, tôi mới cất tiếng.

- Tôi sẽ thử xem!

Tôi quay về phòng mà tim đập loạn xạ khi nghĩ đến những gì đang chờ đón tôi phía trước. Trong những ngày kế tiếp, tôi trải qua những giờ phút căng thẳng hồi hộp khi cứ nhai đi nhai lại lời bài hát mà tôi sẽ trình diễn. Rồi thử thách cuối cùng đã đến - tôi đứng sau cánh gà của một sân khấu nhỏ đợi đến lượt mình ra diễn.

Ngay tức thời, nỗi sợ hãi lại vây lấy tôi, bất giác tôi muốn quay lưng và bỏ chạy thật nhanh. Nhưng từng lời nói của vị bác sĩ cứ vọng mãi bên tai tôi: “Đừng sợ phải đối mặt với nỗi sợ hãi!”. Và đúng lúc đó, dàn nhạc nghiệp dư của làng trỗi nhạc ra hiệu đã đến phần biểu diễn của tôi. Tôi bước ra sân khấu và bắt đầu cất tiếng hát.

Mỗi một lời tôi hát, mỗi một câu tôi ca, tối hôm đó, là cả một sự cố gắng đến khổ sở. Nhưng lần này, trí nhớ đã không chơi khăm tôi nữa. Khi bước xuống khỏi sân khấu trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, tôi cảm thấy niềm vui chiến thắng nâng bổng mình lên. Tối hôm đó, tôi đã không át đi được nỗi sợ hãi; đơn giản, tôi chỉ thừa nhận sự có mặt của nó và rồi tiếp tục công việc của mình mà không lưu tâm đến nó nữa. Biện pháp đó thật hữu hiệu.

Rốt cuộc tôi đã nhìn thấy con đường giúp tôi quay lại với sự nghiệp của mình. Tôi tự nhủ, có thể tôi sẽ chẳng bao giờ lấy lại sự tự tin mà mình hằng có, bởi điều gì đã xảy ra một lần bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra lần nữa. Nhưng giờ đây, tôi có thể sống cùng với nó, và tôi quyết tâm chứng tỏ mình sống chung được với nó.

Con đường quay lại Paris thật không dễ dàng chút nào. Tôi chọn Melun, một  thành phố nhỏ cách thủ đô vài dặm làm nơi khởi nghiệp trở lại. Tôi đến một rạp hát nhỏ và xin gặp người chủ rạp. Ông ta giật mình và ngạc nhiên nhìn tôi, và khi tôi đề nghị được hát với một số tiền thù lao nhỏ nhoi, ông nghĩ rằng tôi đang đùa. Nhưng tôi thuyết phục rằng tôi muốn nhờ ông giúp tôi trở lại sàn diễn, ông mới gật đầu ưng thuận. Và cứ theo cách này, tôi lại bắt đầu những buổi biểu diễn của mình hết thành phố này đến thành phố khác. Mỗi buổi biểu diễn là một cuộc đấu tranh đau đớn và khổ sở trong tâm trí tôi.

“Vậy là mình vẫn còn sợ à?”, cứ mỗi lần như thế tôi lại thì thầm với mình, “Thế thì đã sao?”.

Cuối cùng, tôi tiếp tục lẩm bẩm những lời này khi đứng chờ lớp diễn của mình tại một hí viện lộng lẫy, mới xây dựng ở Paris, sẵn sàng đối mặt với khán giả thủ đô. Tối hôm ấy khi màn sân khấu hạ xuống cũng là lúc một chân trời mới mở ra trước mắt tôi. Tôi cúi chào liên tục trong tiếng vỗ tay vang dội cả hí viện rộng lớn. Thành công, sự thành công mà tôi đã từng có và từng mất, giờ đây đã quay trở lại với tôi.

Từ buổi tối hôm ấy và cho đến mãi bốn thập kỷ sau đó, tôi đã tiếp tục công việc mà tôi yêu thích - mang tiếng hát đến cho khán giả ở khắp đất nước. Trong suốt thời gian đó, tôi cũng đã trải qua nhiều khoảnh khắc sợ hãi, và đúng như lời người bác sĩ già tài ba ở Saujon đã nói: “Chẳng có điều gì bảo đảm cho anh cả”. Nhưng cảm giác đe dọa đó không bao giờ còn có thể khiến tôi từ bỏ sự nghiệp ca hát nữa.

Đã bao lần trên đường đời, chúng ta đã để nỗi sợ hãi biến thành chướng ngại vật ngăn trở bước tiến của mình? Chúng ta thấy được điều mình mong muốn đang ở phía trước, nhưng thay vì thừa nhận nỗi lo sợ vẫn hiện hữu trong lòng và vẫn sẵn sàng tiến bước, chúng ta lại luôn viện đủ mọi lý do để rồi cuối cùng ngán ngại và quay lui cam chịu thất bại.

Chính kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi rằng: Nếu chúng ta cứ mong đợi một khoảnh khắc tuyệt hảo, khi mà mọi chuyện được bảo đảm tuyệt đối an toàn và chắc chắn, thì giây phút đó sẽ không bao giờ tới. Và khi đó, những ngọn núi cao sẽ không còn ai chinh phục, những cuộc tranh đua không có người chiến thắng và hạnh phúc vĩnh cửu sẽ chẳng đến với ai.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét