Home » » DCNTHKBGGN - CS5 - Vượt qua bức tường câm lặng

DCNTHKBGGN - CS5 - Vượt qua bức tường câm lặng

"Không gì ngăn được người có thái độ đúng đắn đạt được mục đích của mình; và không gì có thể giúp kẻ có thái độ sai lệch đạt được điều đó" - Thomas Jefferson

Cuộc phiêu lưu của tôi bắt đầu vào tháng 10 năm 1966 khi cô Neff - bác sĩ trị liệu của tôi - dẫn tôi vào căn phòng cũ kỹ không cửa sổ của cô ấy. Đó là một phụ nữ  30 tuổi, cao khoảng 1,5 mét, nhưng có khả năng khiến những học viên khuyết tật được coi là “bất hợp tác” tại trường Dr. J. P. Lord phải run sợ. Là một trong số đó, tôi sợ đến chết được mỗi khi cô đến gặp tôi mà chẳng hề báo trước. 

Tôi vốn được gán cho biệt danh là “thằng nhóc đáng ghét” bởi tôi thường không thực hiện đúng yêu cầu của bác sĩ trị liệu. Tôi còn có vẻ như rất bất trị chỉ vì tôi hoàn toàn không hợp tác với các bác sĩ của mình, kết quả là sau nhiều năm áp dụng các phương pháp trị liệu, tôi vẫn chưa thể đi lại, nói chuyện hay cử động tay chân.

Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao mình phải nỗ lực nhỉ? Cô Neff đã từng nói với cha mẹ tôi rằng: “Chúng tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể, tất cả những gì chúng tôi đã áp dụng với những trường hợp tương tự, và nếu vẫn không có kết quả, chúng tôi sẽ tìm kiếm một phương án mới”. Nhưng tất cả các phương pháp, từ cổ truyền đến tân tiến đều chẳng ăn thua gì với tôi.

Hôm ấy, dù không phải giờ trị liệu của mình, tôi vẫn bị đẩy vô văn phòng của cô Neff. Tôi sợ chết điếng và không khỏi hoang mang. Mình lại làm gì sai đây? Họ đã bó tay với chứng bệnh của mình rồi chăng? Hay là mình sắp bị đuổi khỏi trường? Tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt.

Cô Neff đặt tôi ngồi trước bàn cô, còn cô ngồi phía sau bàn, trên một chiếc ghế không tay vịn. Thay vì la mắng tôi như tôi vẫn tiên đoán, cô cho tôi xem vài tấm hình được sao chép lại bằng máy rônêô, trên đó là hình của một vật gì đó từa tựa như cái súng cao su dáng lớn nhưng có vẻ kém sắc sảo bị bào tròn ở phần được phân nhánh. Tôi thấy nó thật là lố bịch. Rồi cô cho tôi xem hình một đứa nhóc đang đánh máy với dụng cụ kỳ cục đó được gắn trên đầu.

Thì ra trong thời gian hội nghị giáo viên diễn ra năm đó, cô Neff cùng với một nhà trị liệu về ngôn từ, nhà trị liệu về thể chất và cô Clanton - giáo viên mới của lớp tôi - đã tham dự thêm một cuộc họp nữa tại một ngôi trường đặc biệt khác ở thành phố Iowa. Tại đây, họ đã thấy một sinh viên dùng dụng cụ này để ghi chép bài học.

“Đây là công cụ trị liệu ngôn từ”, cô Neff nghiêm nghị nói, “chứ không phải là đồ chơi hay vũ khí. Chúng tôi nghĩ em có thể sử dụng nó nếu em muốn nhưng sẽ rất khó khăn đấy. Nếu tôi thấy em dùng nó để đâm thọc ai đó thì tôi sẽ tịch thu ngay, hiểu không?”.

Tôi khó nhọc gật đầu.

Cô nói tiếp: “Tại cuộc họp phụ huynh sắp tới, tôi sẽ hướng dẫn để mẹ em về nhà tập thêm cho em những bài tập luyện cơ cổ. Tôi khuyên em nên tập ở nhà vào mỗi sáng vì lúc đó em còn thấy khỏe. Sẽ mệt đấy, nhưng em có thể làm được”.

Sau khi cô Neff thuyết giáo với tôi xong là đến lượt cô Clanton. Khác với những bác sĩ trị liệu khác, vị bác sĩ này chưa từng chứng kiến nhiều thất bại của tôi nên cô chỉ nói một câu đơn giản: “Tôi nghĩ em làm được mà, phải không?”.

Tôi khẽ gật đầu. Thế là cuộc hành trình thoát khỏi sự biệt giam của tôi bắt đầu. Mỗi sáng tôi đều thực hiện những bài tập cơ cổ trước khi đến trường. Sau khi gia đình một người bạn làm giúp tôi một cái máy trị liệu, tôi đã sử dụng dụng cụ đó để lật những trang sách đóng gáy lò xo, để chỉ vào hàng chữ trên tấm bảng ngôn ngữ  rất phức tạp do bác sĩ trị liệu ngôn từ đưa ra, và dĩ nhiên để tập cả những bài tập cổ “ngộ nghĩnh”. Thật không thể mô tả cảm giác ngây ngất trước những thành công đầu tiên trong đời mình. Cứ như một giấc mơ vậy! Trước khi có dụng cụ trị liệu ấy, mọi biện pháp các bác sĩ thử cho tôi đều không hiệu quả vì tôi không hợp tác, nên đã phải bỏ cuộc vì tuyệt vọng. Nhưng giờ đây mọi sự đã khác!

Tôi hoàn toàn tin vào cô ấy. Nếu cô bảo rằng tôi có thể bay, thì tôi cũng chẳng ngần ngại gì mà không nhảy ra khỏi tòa nhà Empire State, đập mạnh đôi tay khẳng khiu của mình cho đến khi nào rơi xuống vệ đường mới thôi. Cô ấy vừa là bạn mà cũng là một người thầy. Tôi còn nhớ cô đã cùng chơi bóng chày với lớp tôi như thế nào để “đền bù” lại  một giờ nghỉ giải lao buồn tẻ mà chúng tôi đã phải ngồi trong im lặng để xem một vở kịch câm. Vì vậy tôi cố gắng hết sức để làm vui lòng cô, không để tâm lắm đến thất bại trong phương án điều trị mới này.

Giáo viên và các bác sĩ trị liệu của tôi cho rằng tôi rất thông minh bởi vì họ đã quan sát đôi mắt tôi, để ý những biểu hiện trên gương mặt tôi mỗi khi tôi chăm chú nghe giảng. Nhưng cô Clanton lại nói với cha mẹ tôi rằng: “Chúng tôi không có cách nào để kiểm tra kiến thức mỗi môn học của cậu bé cả”.

Đỉnh cao của cuộc phiêu lưu này là khi cô Neff đặt tôi vào chiếc ghế tựa có tay vịn. Cô ấy phải buộc chặt tôi vì tôi không thể tự giữ thăng bằng.  Rồi cô ấy dùng một miếng vải để cột một cây bút trên đầu tôi, sau đó cô đẩy tôi đến chỗ đặt một chiếc máy đánh chữ màu đen cổ lỗ sĩ. Tôi cược là cái máy ấy từng được Thomas Edison  sử dụng.

Cô Neff bảo tôi mở cái máy cũ kỹ đó ra. Thật ngạc nhiên, tôi làm được một cách nhanh chóng! Cô bảo tôi đánh máy tên mình. Tôi cũng làm được. Cô bảo tôi gõ các ký tự alphabet, tôi cũng làm tốt. Cùng lúc đó, các bác sĩ trị liệu về ngôn ngữ và thể chất cùng cô Clanton cũng đã được mời đến phòng trị liệu chức năng và lặng lẽ chia sẻ vinh quang với tôi.

Mọi người tập trung trong căn phòng cũ kỹ không có cửa sổ - kể cả bản thân tôi - nghĩ rằng khả năng giao tiếp của tôi tới đó là hết mức. Nhưng chúng tôi đã lầm. Năm tháng trôi qua, khả năng giao tiếp của tôi phong phú hơn và phát triển nhờ đang sống trong kỷ nguyên vi tính.

So với việc chinh phục ngọn Everest hay vượt đại dương bằng bè gỗ thì cuộc hành trình của tôi thật nhỏ nhoi nhưng đối với tôi, đó là cả một kỳ tích. Nhờ đó, Thượng đế có thể giúp tôi chinh phục những ngọn núi cao hơn và vượt qua được đại dương rộng lớn. Vì giờ đây, Người đã giúp tôi phá vỡ biên giới câm lặng đã giam giữ tôi suốt 11 năm trời.

                         - William L. Rush

0 nhận xét:

Đăng nhận xét