Home » » Phớt lờ tất cả & bơ đi mà sống: 40 chìa khóa mở cánh cửa sáng tạo- Hugh Macleod

Phớt lờ tất cả & bơ đi mà sống: 40 chìa khóa mở cánh cửa sáng tạo- Hugh Macleod

Tác giả: Hugh Macleod
Nguyên tác: Ignore Everybody
Dịch giả: Lê Khánh Toàn
Nhà xuất bản Lao động Xã hội 2010

Về tác giả:

Hugh Macleod là một họa sĩ, chuyên thiết kế quảng cáo, vẽ tranh biếm họa. Ông lập ra Blog Gapingvoid.com năm 2001.

Năm 2004, ông viết How to be Creative - tiền thân của Ignore Everybody. 

Phớt Lờ Tất Cả Và Bơ Đi Mà Sống

“Khi tôi nói ‘Bơ đi mà sống’ thì không có nghĩa là bơ tất cả mọi người, mọi lúc, và mãi mãi. Không, ý kiến phản biện của mọi người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đương nhiên rồi. Nói đúng hơn, trong thời gian ban đầu, ý tưởng càng tốt thì càng "kỳ cục" đối với người khác, kể cả những người mà bạn yêu quý và kính trọng. Vì vậy, lúc đầu sẽ có một khoảng thời gian bạn phải nỗ lực một mình, không có đến một phần mười số người ủng hộ cần có. Chuyện này hoàn toàn bình thường và bạn cần phải lường trước.”

Hugh Macleod là một họa sỹ truyện tranh, chuyên thiết kế quảng cáo và vẽ tranh biếm họa. Ông lập ra blog gapingvoid.com năm 2001, đưa lên cả tranh biếm họa và các bài viết của mình. Ông đã sáng tạo ra kiểu vẽ tranh biếm họa lên mặt sau tấm danh thiếp, để sẵn sàng vẽ bất cứ lúc nào, ngay khi ý tưởng vừa xuất hiện. Năm 2004, ông viết Ignore Everybody trên blog – sự kết hợp giữa tranh biếm họa và những chỉ dẫn thiết thực về những bí kíp thúc đẩy sáng tạo,  đã được người đọc tải về đến hàng triệu lượt.

Với 40 phần, thực ra là 40 bài học ngắn gọn, súc tích, kết hợp với tranh biếm họa và các “châm ngôn” hài hước nhưng ý nghĩa, cuốn sách chính là câu trả lời cho các câu hỏi không ngừng đặt ra trong đầu chúng ta suốt quá trình làm việc:
Làm thế nào để những ý tưởng mới xuất hiện được trong thế giới đầy hoài nghi và e sợ rủi ro này?

Làm thế nào để khơi nguồn cảm hứng?

Làm thế nào để xác định được ranh giới giữa những điều sẵn sàng thực hiện và những gì không?....

Mỗi câu hỏi đều có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc độc giả ngấu nghiến cuốn sách này xong là có thể khơi mở được ngay lập tức nguồn lực sáng tạo trong mình và tung trải nó ra ngoài thế giới.

Những bí kíp đó chỉ tiếp thêm cho bạn nguồn năng lượng để làm việc chăm chỉ hơn, sáng tạo hơn, nghiêm túc hơn. Để những bạn trẻ không ảo tưởng rằng nghệ sĩ được phép la cà ở các quán bar suốt cả ngày, mong đợi Nàng Thơ bất ngờ gõ cửa, ban cho một nguồn cảm hứng vô tận, khiến họ viết ngay ra được tác phẩm bất hủ và một bước lên đỉnh vinh quang. Mà sáng tạo là lao động chân chính, nảy sinh trong quá trình làm việc chứ không phải trong lúc ngủ mơ chờ Thần Tài gõ cửa.

Cuốn sách cũng có thể sẽ là câu trả lời hoặc giúp các bạn trẻ khẳng định lựa chọn của mình về việc có nên đánh đổi công việc hiện thời để theo đuổi sở thích cá nhân hay ngược lại; để không rơi vào tình cảnh lúng túng, băn khoăn giữa hai con đường đó để rồi chẳng thu được kết quả gì.

Nội dung chính

1. Bơ đi mà sống

Ý tưởng của bạn càng độc đáo, người khác càng khó đưa ra được cho bạn lời khuyên tốt đẹp. Có thể bạn bè yêu quí bạn nhưng họ chẳng muốn bạn thay đổi chút nào, vì một khi bạn thay đổi, động lực của họ đối với bạn cũng thay đổi. Tình hình còn tồi tệ hơn nếu như đấy là đồng nghiệp của bạn. Đối với thị trường, họ sẽ chớp lấy bất cứ cơ hội nào có được để phản bác ý tưởng của bạn.

Ý tưởng tốt sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong quan hệ. Đấy là lý do tại sao ý tưởng tốt luôn bị vùi dập từ trong trứng nước.

2. Ý tưởng không cần phải lớn. Chỉ cần là của chính bạn

Làm việc gì không dính dáng đến tiền bạc, không nhằm mục đích gây ấn tượng, không vì sự nghiệp, không thuộc về bất cứ ai. Đó là thay đổi.
Ý tưởng của bạn không cần phải vĩ đại, chỉ cần nó chính là của riêng bạn, bạn sẽ có nhiều tự do để thực hiện những điều kỳ diệu, càng kỳ diệu càng có nhiều người tâm đắc, bước đầu nhỏ nhoi của bạn càng lớn dần lên như quả cầu tuyết.

3. Đầu tư thời gian

Đối với tôi, có một chân trong “cuộc sống thực tế”, có một nguồn thu nhập để không chịu áp lực làm việc theo đòi hỏi thị trường, thêm vào đó, được làm bất cứ cái gì tôi thích. Ngày qua ngày cho phép tôi vững bước trên con đường dài, cho riêng mình chứ không cho bất cứ ai khác là điều hết sức quan trọng. Tôi sẽ sử dụng nó một cách hiệu quả, đầu tư thời gian, duy trì lâu tới mức cần thiết, và rốt cuộc thì những điều kỳ diệu có khả năng thay đổi con người sẽ xảy ra.

4. Ý tưởng tốt thường có “tuổi thơ” lẻ loi

Ý tưởng càng tốt thì càng “kỳ cục” đối với người khác, cho nên, ý kiến phản biện của mọi người đóng vai trò vô cùng quan trọng, và lúc đầu sẽ có một khoảng thời gian bạn phải nỗ lực một mình. Khi ý tưởng qua được “tuổi thơ lẻ loi”, bắt đầu thu hút được sự chú ý của mọi người, và bỗng nhiên, cả đám người ra sức xin tham gia triển khai. Có lẽ đây là hành vi kỳ lạ nhất của con người trong lĩnh vực kinh doanh.

5. Nếu phụ thuộc vào một cổ phần lớn “từ trên trời rơi xuống”, kế hoạch kinh doanh của bạn có thể sẽ thất bại

Không có gì tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Có những nhà xuất bản muốn bạn cống hiến 110%, nhưng không chịu trả công tương xứng cho bạn. Thấy tên mình in trên sách thì cũng thích thật, nhưng đấy không phải là mơ ước của tôi. Nhờ có internet, giờ đây bạn có thể tự xây dựng sự nghiệp của mình. Làm ăn lớn thì tốt thôi nhưng sự tự chủ quan trọng hơn nhiều.

6. Bạn phải chịu trách nhiệm về trải nghiệm của chính mình

Bạn tìm được ý tưởng lớn sau nhiều năm vất vả, đấu tranh và hoài nghi. Nhưng làm thế nào bạn biết được đó có phải là “ý tưởng lớn” hay không? Không biết được ! Nhưng dù sao đi nữa bạn cũng vẫn sẽ thực hiện. Chủ nhân của những ý tưởng loại hai thì tin rằng thứ rác rưởi của mình là câu chuyện thần thoại vĩ đại. Đó là điều giúp cho ý tưởng loại hai sống sót lâu hơn.

7. Mỗi người sinh ra đều có khả năng sáng tạo; mỗi người đều được phát cho một hộp chì màu từ nhà trẻ

Bạn thấy nôn nóng muốn được làm một cái gì đó, đại loại như viết kịch bản, vẽ tranh, viết sách, kinh doanh… Nhưng bạn không biết là mình có tài gì hay không. Bạn cũng chẳng biết gì về nhà sản xuất phim, nhà xuất bản, nhà đầu tư mạo hiểm… Thật chán ngắt và buồn tẻ! Bỗng giọng nói thì thầm của chiếc bút chì màu ngày xưa ở nhà trẻ cất lên: “Không sợ! Sao lại phải sợ!”. Có những điều bạn chưa nói, có những việc bạn chưa làm, có những ngọn đèn cần phải bật lên và cần phải được chăm sóc cẩn thận ngay từ bây giờ. Hãy lắng nghe giọng nói thì thầm đó, nếu không nó sẽ vụt tan biến và mang theo một phần lớn cuộc đời bạn.

8. Giữ nghề kiếm cơm

Phải cân bằng nhu cầu kiếm sống đàng hoàng (tiền), đồng thời phải duy trì được sự tự chủ trong sáng tạo của bản thân (tình). Hai khía cạnh căng thẳng này luôn đóng vai trò trung tâm, không bao giờ lệch bên nào cả. Khi bạn công nhận điều này, sự nghiệp của bạn sẽ tiến nhanh hơn. Tôi không biết tại sao lại thế. Nhưng những người không chịu chia tách cuộc sống theo cách này, họ chẳng bao giờ thành công cả.

9. Công ty ngăn cản sáng tạo sẽ không còn khả năng cạnh tranh với những công ty ủng hộ sáng tạo

Loại hình công ty hiện đại và khoa học đầu thế kỷ XX đã hy sinh sức sáng tạo, nhường chỗ cho lợi ích của “thành viên nhóm”. Điều này đã tạo ra hàng triệu con sán người sống bám và phè phỡn trên sức sáng tạo của người khác. Nếu bạn là người sáng tạo, nếu bạn có thể tư duy độc lập, và có khả năng kết nối đam mê, vượt qua được nỗi sợ hãi mắc sai lầm, giờ đây, các công ty đang cần bạn hơn bao giờ hết. Ai cũng có sáng tạo, chỉ mình bạn mới có thể quyết định là có mang điều đó theo mình hay không.

10. Mỗi người đều tự tạo ra đỉnh Everest của riêng mình để vượt qua

Bạn chưa bao giờ trèo lên đỉnh Everest của bạn? Có khó khăn gì chăng? Hay bạn không muốn làm việc này chút nào? Lời khuyên lớn nhất mà tôi có thể đưa ra với bất cứ ai là: “Hãy chấp nhận đỉnh Everest của riêng bạn. Như thế là bạn đã thắng một nửa trận chiến rồi”. Xông lên thôi.

11. Càng tài giỏi, người ta càng ít cần đến những thứ hỗ trợ

Chẳng có mối liên hệ nào giữa sức sáng tạo và quyền sở hữu thiết bị cả. Trên thực tế, khi người nghệ sĩ dấn sâu hơn vào lĩnh vực của mình và trở nên thành công hơn. Công cụ tốt chỉ mang lại cho những kẻ loại hai thêm một cây cột để núp mà thôi. Cột chẳng giúp ích gì cả, mà chỉ cản đường. Trong kinh doanh, trong nghề nghiệp, ta luôn đặt câu hỏi “Đây có phải là một cây cột hay không?”. Hỏi để phát hiện chúng và đám cột càng nhanh chóng biến mất.

12. Đừng tìm cách chống lại đám đông; hãy tránh xa họ ra

Tôi có một công việc ổn định, tôi chỉ vẽ biếm họa để giải khuây vào buổi tối. Không có động cơ thương mại nào, không cần phải làm hài lòng tay môi giới nào, không phải theo khuôn mẫu nghệ sĩ, lối sống nào. Muốn vẽ sau danh thiếp, tôi cứ vẽ. Muốn dùng từ ngữ bậy bạ, tôi cứ dùng. Muốn vẽ hình ảnh trừu tượng, điên rồ, tôi cứ tiến hành. Điều này mang lại cho tôi rất nhiều tự do. Chính tự do sẽ đưa bạn đến nơi nào bạn muốn.

Vẽ biếm họa mang lại cho Hugh Macleod nhiều tự do - một trong những chìa khóa mở cánh cửa sáng tạo

13. Nếu chấp nhận đau thương, nó sẽ chẳng còn làm bạn đau đớn nữa

Ngay cả khi không thành công, bạn cũng học được rất nhiều điều giá trị, kỳ diệu, không tưởng tượng được. Khi không hành động - dù bạn biết rất rõ là mình có cơ hội - còn đau đớn hơn nhiều so với bất cứ thất bại nào.

14. Đừng bao giờ so sánh bên trong mình với bề ngoài người khác

Gã chủ tiệm đồ cổ mà tôi biết rất yêu những món đồ cổ, nhưng ông còn tìm mua thêm những lò sưởi cổ để phục chế rồi bán. Ông mong bán những chiếc lò sưởi phục chế này vì chúng to lớn, cồng kềnh. Tôi nói: “Tại sao ông không bán những món đồ cổ để được nhiều tiền hơn?”.

Ông bảo: “Nguyên tắc đầu tiên của kinh doanh là không bao giờ bán đi những thứ mình yêu thích”. Tôi cũng vậy, nghề quảng cáo chính là chiếc lò sưởi thôi, những bức biếm họa mới là một thú vui của tôi.

15. Nên chết trẻ

Những tấm gương thi vị nhưng không hoàn thiện đã làm cho một số bạn trẻ chìm đắm trong đống nôn mửa của chính mình. Càng ngày họ càng tàn phá cuộc đời mình và ngày càng tỏ ra thảm hại. Người nghệ sĩ càng thông minh và tài năng thì càng ít khả năng chọn con đường này.

Đứa trẻ nào cũng đánh giá thấp khả năng cạnh tranh của mình, đánh giá quá cao cơ hội của bản thân, và bám chặt ý nghĩ có một cách khác để biến ước mơ thành hiện thực mà không cần phải lao động vất vả, nên sức cạnh tranh của họ dần dần tan biến.

16. Điều quan trọng nhất một người sáng tạo có thể nắm bắt thành thạo là xác định được nơi vạch ra đường chỉ đỏ phân chia giữa những gì anh sẵn sàng thực hiện và những gì không

Đường chỉ đỏ sẽ phân định ranh giới cho sự tự chủ của bạn, xác định lãnh địa sáng tạo của riêng bạn. Mỗi người đều có đường chỉ đỏ của riêng mình. Mỗi người đều có riêng một lý thuyết tình và tiền. Khi ai đó “chịu đau khổ vì nghệ thuật” tức họ không biết đường chỉ đỏ ấy nằm ở đâu. Đường chỉ đỏ giúp ta thấy được ai là bạn bè chân chính của mình. Có người thấy dễ, có người thấy khó. Đời thật chẳng công bằng gì cả!

17. Thế giới không ngừng thay đổi

Có thể, công việc của bạn chỉ có giá trị bằng một nửa hoặc bị triệt tiêu sau năm, mười năm nữa. Rất nhiều người lâm vào cảnh khốn khổ. Thế giới bên ngoài thật lạnh lẽo.

Chắc bạn nghĩ tài năng, sự cần cù, internet, công nghệ mới sẽ cứu được mình? Không hề!

Dù xã hội mới có phát triển thế nào đi nữa, điều duy nhất mà thực tế mới không thể tước đoạt được khỏi tay bạn chính là niềm tin. Những người bạn tin tưởng và tin tưởng bạn sẽ giúp bạn có cơm ăn. Bạn cần phải sáng tạo, vì cách làm cũ đã chết.

Tăng cường hơn nữa mối quan hệ với những người sáng tạo, tránh xa bọn đần độn, kẻ cầu an.

18. Công trạng mua được. Đam mê thì không

Loài người sở hữu cái mà tôi gọi là “gene khó chịu” khiến chúng ta hết sức bất mãn với vị thế của mình, dù vị thế đó có mỉm cười nhân hậu với chúng ta đến đâu. Gene khó chịu khiến chúng ta sáng tạo ra nhiều thứ, cần phải hiểu rằng nó chính là yếu tố nguyên sơ nhất. Mong muốn thay đổi thế giới không phải là tiếng gọi cao quý, nó là tiếng gọi bản năng. Thật đáng buồn, bạn đồng ý ngửa tay nhận tiền chỉ để ngồi yên trong cái hang góc - văn - phòng.

19. Tránh xa “đội quân bình nước”

“Đội quân Bình nước” là khái niệm chỉ cả lũ nhân viên sáng tạo chúng tôi bị giám đốc sáng tạo vắt kiệt đến tận giọt sức cuối cùng, và đến khi không còn gì nữa thì vứt bỏ không thương tiếc.

Tôi nói với bạn đồng nghiệp: “Tớ phải nghỉ việc thôi. Lý do duy nhất họ muốn giữ tớ ở đây là vì tớ vẫn còn trẻ và chấp nhận lương thấp. Nhưng khi một trong hai yếu tố đó không còn nữa thì tớ chỉ là đồ bị thịt mà thôi”.

20. Hát bằng giọng của chính mình

Chẳng có ai thạo hết mọi nghề được cả. Các họa sĩ, doanh nhân thành công đều tìm cách phá vỡ những hạn chế của bản thân, hướng lợi thế vào những điểm yếu của mình. Đừng đổ lỗi, hãy ngậm miệng lại và bắt tay vào việc, thời gian không chờ đợi ai cả.

21. Chọn phương tiện nào không quan trọng

Việc vẽ biếm họa của tôi là để có một cuộc sống bình thường, một thú vui bên lề. Điều đó khác xa với những nghệ sĩ, hình thức nghệ thuật mà họ chọn đã trở thành tôn giáo đối với họ. Rất nghiêm túc. Rất quan trọng. Nếu bạn có tài năng đặc biệt thì nhu cầu theo đuổi tài năng đó trở nên quan trọng. Một số bạn trẻ gắn bó với “nghệ thuật” của mình chỉ vì nó thú vị, gợi cảm, thời thượng. Khi còn trẻ, bạn có thể bay bổng được, nhưng khi tuổi trẻ chưa kịp trôi qua mà quỷ sứ đã đến đòi nợ rồi, thật sự rất đau lòng.

22. Bán hàng khó hơn bạn nghĩ

Khi mới ra trường, tôi liên hệ các công ty quảng cáo để xin việc. Tay giám đốc sáng tạo đề nghị cho ông xem các bản vẽ của tôi, ông thú nhận, các bản vẽ của tôi chẳng giúp gì cho ông cả, vì thị trường mục tiêu là các bà nội trợ trung lưu, hãy giảm tông xuống một chút. Giảm chất lượng để sản phẩm của bạn trở nên “thương mại” hơn chỉ khiến mọi người bớt thích nó đi mà thôi.

23. Chẳng ai quan tâm đâu. Mình làm cho bản thân mình thôi

Ai cũng bận bịu với cuộc sống của mình nên không thể quan tâm đến quyển sách, bức tranh, kịch bản v.v.. của bạn được, đặc biệt là khi chúng chưa hoàn thành. Còn những người không quá bận rộn thì bạn lại chẳng muốn họ xuất hiện trong đời mình chút nào.

Đem tác phẩm của mình ra làm một thương vụ lớn với người khác là nụ hôn của thần chết.

24. Thật phí thời gian khi lo lắng về cuộc đối đầu giữa “thương mại với nghệ thuật”

Thương mại và nghệ thuật là vấn đề tranh cãi. Đối với tôi, việc một tác giả bán nhiều sách hoặc ít sách không quan trọng, chúng chỉ là những vật vô giá trị, là trò tiêu khiển bên ngoài. Vấn đề là bạn định làm gì với quãng thời gian ngắn ngủi còn lại trên cõi đời này. Hai tiêu chí hoàn toàn khác nhau.

25. Đừng lo không tìm được cảm hứng. Trước sau gì nó cũng đến thôi

Cảm hứng đến trước khát vọng sáng tạo, chứ không phải ngược lại. Vì thế, tôi quyết định vẽ biếm họa trên lưng danh thiếp vì tôi có thể mang chúng theo mình. Khi có cảm hứng vẽ thì tôi tạt vào ghế đá công viên hoặc quán cà phê để vẽ. Không gắng sức. Cảm hứng chẳng bao giờ xuất hiện vào thời điểm thuận lợi, cũng như chẳng kéo dài được lâu. Nếu bạn nhìn vào tờ giấy trắng mà không thấy gì nảy ra trong đầu, bạn nên đi làm việc khác. Cố gắng sáng tạo khi không có hứng chẳng khác gì nói chuyện chỉ để mà nói.

26. Bạn phải tìm ra cách riêng của mình

Một trong những yếu tố làm nên nghệ sĩ lớn chính là học cách hát không phải bằng giọng của bất kỳ ai mà bằng giọng của chính mình. Thứ khiến cho nghệ thuật trở nên vĩ đại là chất nhân văn, chứ không phải là hình thức. Giọng hát chứ không phải dáng hình. Hãy dành toàn tâm toàn ý vào đó, bạn sẽ tìm được giọng hát của riêng mình.

27. Viết bằng cả trái tim

Dù bạn viết cho một người, năm người, một ngàn người, một triệu người hay hàng triệu người, thực ra chỉ có một cách kết nối chân chính duy nhất. Cách duy nhất thật sự hiệu quả: Viết bằng cả trái tim.

28. Cách tốt nhất để được phê duyệt là không cần phê duyệt

Khi tôi mới vào làm việc tại tạp chí Punch, ông biên tập biếm họa cho tôi xem cả một chồng thư của nhiều họa sĩ biếm họa nổi danh trước đây, với giọng rầu rĩ, tuyệt vọng nài nỉ được xuất bản. Ông bật cười một cách tinh quái: “Làm thế nào để không được xuất bản, hãy viết cho tôi một bức thư chết tiệt như vậy”. Điều này hoàn toàn đúng với tất cả nghệ thuật lẫn kinh doanh và với tất cả những gì đáng sở hữu.

29. Sức mạnh ư, chẳng ai cho đâu. Bạn phải giành lấy nó thôi

Không cần bất cứ điều gì từ người khác chính là cách để bạn vươn tới vị trí giỏi nhất thế giới.

30. Bất kể bạn chọn cái gì, quỷ sứ vẫn có phần của nó

Van Gogh không bao giờ bán được bức tranh nào trong suốt cuộc đời của mình. Nhưng giá tranh của ông tăng vọt không lâu sau cái chết của ông. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một người xả thân vì lý tưởng. Bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ hoài nghi. Phần bất biến nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này - đấy chính là phần con người.

31. Phần khó nhất của sáng tạo là quen với trạng thái sáng tạo

Lúc tôi học năm cuối đại học, nhà đạo diễn Tim Burton đã nói với tôi: “Nếu cậu có đam mê sáng tạo thì nó sẽ chẳng bao giờ mất đi đâu được. Tôi cũng vừa mới quen được với ý nghĩ xử lý với nó”.

32. Thực hành tiết kiệm

Là người sáng tạo, bạn phải học được cách bảo vệ tự do của chính mình. Điều đó bao gồm cả việc bạn giải phóng bản thân khỏi tính tham lam.

33. Đừng để công việc già theo bạn

Trong kinh doanh, nhiều người nói rằng họ có hai mươi năm kinh nghiệm, trong thực tế họ chỉ có một năm kinh nghiệm, lặp đi lặp lại hai mươi năm.

Thật buồn khi phải chứng kiến điều này xảy ra với bạn bè mình, khi điều này xảy ra với mình thì còn buồn hơn nữa.

34. Nghèo đói thật khổ

Tiền không là tất cả, nhưng phủ nhận tầm quan trọng của thế giới vật chất quanh bạn là tự tách mình ra khỏi thực tế. Và cuối cùng, thế giới sẽ trừng phạt bạn rất nặng nề vì chính điều đó.

Vậy thì “sáng tạo” hay “tiền bạc”? Chọn cái nào cũng sai cả. Điều tốt đẹp nhất trên đời là được làm một con người hiệu quả. Đôi khi điều đó đòi hỏi phải có tiền, đôi khi không. Hãy sẵn sàng để đón nhận cả hai.

35. Cẩn thận khi biến sở thích thành nghề nghiệp

Tôi có người bạn, anh ta làm kế toán cho một công ty, nhưng đặc biệt anh ta say mê các món đồ cổ bằng bạc. Cuối cùng anh bỏ việc kế toán và chuyển qua làm cho trung tâm đấu giá, chuyên về định giá đồ bạc. Thời gian sau, tôi được tin anh bị mất việc và đang nghiện rượu nặng. Trước kia anh ta có cả công việc lẫn sở thích. Rồi đột nhiên anh ta chỉ còn công việc chứ không còn sở thích nữa. Một người đàn ông bao giờ cũng cần cả hai thứ. Còn bây giờ, con người lúc nào cũng muốn có một sở thích. Biết làm gì? - Nhậu!

36. Hãy thưởng thức hương vị vô danh khi còn có thể

Khi bạn đã “thành công”, công trình của bạn sẽ không bao giờ còn như trước nữa.

Các “ông sao” kể chuyện chinh phục đỉnh cao, phần họ luôn kể một cách hào hứng là phần trước khi thành công, còn sống ở tầng hầm, không có điện, ăn “thức ăn của chó” để thực hiện sự đột phá của mình. Một người tài năng tạo ra được sự kỳ diệu và tuyệt vời khi còn trẻ tuổi, trong nghèo đói, cô đơn. Nhưng khi đã nổi tiếng thì tạo ra đủ thứ bẩn thỉu là thứ họ tiếp tục vững bước bù cho những năm tháng nghèo đói. Đấy là giấc mơ.

37. Bắt đầu viết Blog

Blog (hoặc bất cứ phương tiện xã hội nào bạn chọn) có thể đánh đổ đội ngũ gác cổng dễ đến kinh ngạc.

Tôi có một người bạn ở Pháp, tên là Marie. Vài năm trước cô có viết một cuốn tiểu thuyết về tình dục và nội tâm (một loại đang ăn khách tại Pháp). Cô tâm sự về nỗi khổ và tuyệt vọng của cô mong tìm ra một nhà xuất bản. Thậm chí, có tay biên tập ngỏ lời muốn giúp đỡ cô xuất bản với điều kiện là phải ngủ với hắn. Thật là chó má!

Tôi nói: “Đưa lên mạng đi! Cậu sẽ nhận được lời mời xuất bản trong vòng sáu tháng. Tin tớ đi! Tôi đã thành công với cách làm này và các nhà xuất bản sau đó đã tiếp cận tôi. Kết thúc có hậu”. Đáng buồn là cô không áp dụng phương pháp blog. Cô đang kẹt trong kiểu cách văn hóa Pháp. Vì làm như vậy, giới văn chương Paris cho là vụng về.

38. Ý nghĩa mới quan trọng, còn con người thì không

Có hàng nghìn, hàng vạn, hàng tỉ cánh cửa đi vào sáng tạo, nhưng bạn phải tìm cho ra cánh cửa duy nhất của riêng mình. Cánh cửa này có thể nhỏ, có thể lớn, cái gì cũng được. Ý nghĩa mới là quan trọng. Nó sẽ tạo ra của cải cũng như tiếng cười và niềm vui, tạo ra tình thương và cộng hưởng với những người khác, nhưng nó sẽ không dung thứ cho những kẻ ngu đần, ăn bám và yếm thế!

Nhưng làm sao biết được ngả đường nào có ý nghĩa đối với mình? Đây là một cuộc phiêu lưu và hãy chấp nhận tất cả những gì thuộc về nó. Với một chút luyện tập, trước sau gì bạn cũng hòa nhập với dòng chảy đấy thôi. Con người không quan trọng, bạn phải gắn chặt với những thực tế hàng ngày như bất kỳ sinh vật nào khác. Phần lớn những thứ thực sự có ý nghĩ vẫn hiện hữu quanh điều trần tục bạn làm.

39. Khi đã trở thành hiện thực, giấc mơ không còn là giấc mơ nữa

Trước kia, tôi không hề có ý định trở thành họa sĩ biếm họa chuyên nghiệp. Tôi không hề có ý định sử dụng internet. Nhưng không hiểu sao hai cái đó trộn vào với nhau để trở thành người chia sẻ suy nghĩ của mình về thế giới mới mẻ và táo bạo này. Tuổi trẻ có nhiều giấc mơ, nhưng phải hiểu rằng mơ ước cũng có cuộc sống riêng, và chúng chẳng tốt lắm trong việc làm theo chỉ dẫn. Hãy yêu thương, trân trọng và nuôi dưỡng chúng, nhưng đừng bao giờ trở thành nô lệ của chúng. Nếu không, bạn sẽ giết chết chúng từ trong trứng nước, trước khi chúng có cơ hội trở thành hiện thực.

40. Không có gì thuộc về khoa học tên lửa

Tóm lại, bạn cần: “Làm việc chăm chỉ, kiên trì. Sống giản dị và kín tiếng. Giữ thái độ khiêm tốn. Luôn lạc quan. Tạo ra vận may của chính mình. Hãy tử tế. Hãy lịch sự”. 
 -----HẾT-----

0 nhận xét:

Đăng nhận xét