Chất lượng của tư duy tạo nên chất lượng cuộc sống
Tinh thần trong cuộc sống thường nhật
Tinh thần trong cuộc sống thường nhật
“Đừng bao giờ chịu nhượng bộ nếu không muốn đánh mất phẩm chất riêng của mình.
Đừng bao giờ chịu đầu hàng, nếu không, bạn sẽ đánh mất số phận của bạn.
Đừng bao giờ cho người khác cái tệ nhất nếu bạn muốn phát triển được cái tốt nhất của mình.
Hãy nhớ rằng: "Chúng ta chỉ nhận được những gì mà chúng ta đã cho đi".
Vậy thì, hãy dâng tặng những gì tốt nhất mà chúng ta có.”
Anthony Strano
- Tinh thần trong cuộc sống thường nhật, nói ngắn gọn, là biết cách sống. Chính sự hiểu biết này đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc.
Một đời sống tinh thần trong sáng thật sự không phải là những hành động sùng bái, hay những nghi thức cúng bái, mà là thái độ sống tích cực đối với chính bản thân và những người khác. Điều đó làm cho cuộc sống trở thành niềm hân hoan và cũng là một cuộc đấu tranh trong chính bản thân chúng ta.
Hạnh phúc hay bất hạnh không được tạo ra bởi những yếu tố vật chất bên ngoài mà nó xuất phát từ bên trong mỗi người. Vật chất không mang lại hạnh phúc, cũng không mang đến nỗi bất hạnh. Căn bệnh lớn nhất của ý thức loài người là chỉ hướng ra bên ngoài như một phương tiện mưu cầu hạnh phúc mà quên đi sự tự kiểm nghiệm những giá trị và quan điểm cá nhân, ai cũng chỉ mong chờ điều tốt nhất từ bên ngoài, như một sự may mắn.
Chỉ mong đợi điều tốt nhất thì chưa thể tìm thấy hạnh phúc. Người khác hay vật chất bên ngoài không thể mang đến cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra niềm hạnh phúc cho chính mình. Ngoại cảnh có thể đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn và kích thích nhưng chỉ có chúng ta mới tạo nên cuộc sống của chúng ta.
Khám phá bản thân sâu hơn, mỗi chúng ta sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị bên trong mình. Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể bắt đầu tạo nên cuộc sống như chúng ta mong muốn. Ngược lại, chúng ta không tìm thấy sự giải thoát khỏi những cuộc khủng hoảng tinh thần do chính bản thân hoặc các tác nhân bên ngoài tạo nên.
Ngày nay, dường như đời sống xảy ra ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng, điều đó có nghĩa là đang tồn tại một ngõ cụt hay một nỗi thất vọng trong tinh thần một số cá nhân.
Khi chúng ta thật sự là con người thì cuộc sống có ý nghĩa là sống hơn là tồn tại. Sống và vượt qua những trở ngại - đó là niềm hân hoan để yêu đời và yêu người.
Chất lượng của tư duy và cuộc sống
- Hãy nghĩ về một hạt giống. Nó giống như một điểm sáng - bé nhỏ nhưng chứa đựng tiềm năng của sự sống. Một suy nghĩ cũng giống như thế. Một suy nghĩ là một hạt giống chờ đợi sự nảy mầm. Một hạt giống có thể mang đến cả sự tích cực lẫn tiêu cực, phụ thuộc vào trạng thái, quan điểm và tính cách của người gieo trồng hay của chính bản thân chúng ta. Suy nghĩ tạo nên những cung bậc cảm xúc và thái độ. Sự kết hợp của những điều này được gọi là ý thức. Ý thức là khả năng suy nghĩ, lập luận và biểu đạt. Tất cả những điều này bắt đầu chỉ bằng một suy nghĩ.
Bạn có bao giờ dừng lại để quan sát những suy nghĩ của mình? Bạn có bao giờ nghĩ tới việc đặt một dấu chấm hỏi cho suy nghĩ của mình? Hầu hết chúng ta đều để cho chúng "chạy lung tung", lang thang khắp các ngõ ngách trong tâm trí. Những suy nghĩ rơi vãi, không được kiểm soát như một chiếc xe đang phóng nhanh, nếu không kịp đạp thắng, tai nạn có thể xảy ra. Một tâm trí không được kiểm soát thì đầy căng thẳng, lo lắng. Điều này có thể gây ra nhiều tổn hại cho tinh thần lẫn thể chất của chúng ta.
Chúng ta cần biết dừng lại nếu muốn tâm trí hoạt động một cách tự nhiên. Bản chất tự nhiên của tâm trí là bình an và một tâm trí bình an sẽ mang lại sự sáng suốt. Khi nhìn sự việc một cách thông suốt, chúng ta sẽ không làm lãng phí năng lượng tinh thần của mình. Tâm trí ta không bị chồng chất nặng nề bởi những suy nghĩ không cần thiết. Căn bệnh tai hại nhất của tâm trí chính là suy nghĩ quá mức, đặc biệt là suy nghĩ quá nhiều về người khác: người ta làm gì, lẽ ra người ta phải làm gì, họ đã nói gì, ta muốn họ phải nói gì, tại sao họ cứ nói thế... Những suy nghĩ này bào mòn sự thanh thản vốn có trong tâm trí ta.
Nghĩ quá nhiều cũng giống như ăn quá nhiều. Sự nặng nề khiến cơ thể cũng như tâm trí không thể duy trì được sự nhẹ nhàng và linh động. Chúng ta dễ bị mắc kẹt vào những điều vụn vặt, và dần dà, những điều vụn vặt này trở thành những điều to tát mà chúng ta không thể rũ bỏ được. Khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều, chúng ta thường thổi phồng sự việc và phản ứng quá đáng. Và điều đó khiến chúng ta tạo ra những cảm xúc tiêu cực.
Quan sát sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tiếp nhận qua lời nói, cảm xúc và thái độ, cũng sẽ tốt hơn nếu so với việc tham gia quá đáng hay phản ứng thái quá. Việc quan sát mang lại cho ta lòng kiên nhẫn và sự sáng suốt để suy nghĩ và hành động thích hợp. Quan sát cũng tạo nên một sự tập trung vào nội tâm và cho phép nhìn thấy sự thật.
Chúng ta thường bị tác động bởi lời nói và ý kiến của người khác. Vì vậy, để sự bình yên trở về với tâm trí, chúng ta cần cuộc hành trình hướng nội. Cuộc hành trình này giúp chúng ta lấy lại sự quân bình và không lãng phí sức lực. Chúng ta cần học nghĩ trước khi nói, quan sát trước khi hành động. Nếu không, sự quá khích của suy nghĩ, lời nói và hành động cuối cùng sẽ tạo nên sự rối loạn về tình cảm, thần kinh và thể chất. Sự rối loạn này dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, cảm giác bất ổn và sợ hãi.
Nếu không tự kiểm soát được bản thân mình thì chúng ta sẽ bị người khác làm việc này. Lúc đó, có thể ta sẽ phản ứng lại, sẽ than vãn, sợ hãi hoặc khó chịu vì sự kiểm soát. Vì vậy, chúng ta hãy học cách quan sát nội tâm, đi vào nội tâm và làm chủ bản thân.
Ai đó đã nói rằng tâm trí chúng ta nằm ngay ở lưỡi. Điều đó có nghĩa là suy nghĩ có quan hệ mật thiết với lời nói. Chúng ta sẽ nói những gì mình suy nghĩ. Lời nói tích cực hay tiêu cực cũng đều ảnh hưởng đến người khác. Nếu ta nói những lời nặng nề hay chỉ trích, người khác sẽ phản ứng lại, họ sẽ trả lại chúng ta những gì họ nhận được. Có thể xem như đó là trò đánh bóng bàn về lời nói và cảm xúc. Có khi, lời qua tiếng lại trở nên dữ dội như một trận đấu võ đài chứ không còn đơn giản, nhẹ nhàng như một trận bóng bàn nữa.
Chúng ta suy nghĩ như thế nào thì sẽ nhận thức như thế ấy, và chúng ta nhận thức như thế nào thì cuộc đời chúng ta sẽ như thế ấy. Hãy tưởng tượng chúng ta đang gieo một hạt giống suy nghĩ trong sáng và tích cực. Nếu chúng ta tập trung vào suy nghĩ này, dồn sức lực cho nó, tương tự như mặt trời trao năng lượng cho cây cỏ trên mặt đất, suy nghĩ đó sẽ thức giấc, chuyển mình và bắt đầu lớn lên. Khi ta có những lời nói và hành động tích cực, phẩm chất của ta - cũng như một hạt giống đủ điều kiện về dinh dưỡng và sự chăm sóc - sẽ thức dậy, chuyển mình và trưởng thành. Vì vậy, chúng ta hãy gieo những suy nghĩ tích cực.
Mỗi sáng, trước khi bắt đầu hành trình một ngày mới, chúng ta hãy dành một vài phút ngồi trong tĩnh lặng và gieo hạt giống bình yên. Bình yên là sự hài hòa và quân bình. Bình yên là sự tự do, thoát khỏi gánh nặng của sự tiêu cực và lãng phí. Bình yên là sức mạnh nguyên thủy vốn có trong ta, là sự tĩnh lặng bất tử cho sự tồn tại của chúng ta. Hãy để bình yên tìm thấy mái nhà của nó trong lòng chúng ta.
Hãy để suy nghĩ đầu tiên trong ngày của bạn đơn giản chỉ là được bình yên. Hãy gieo hạt giống này. Tưới cho nó bằng sự quan tâm, chăm sóc, và bạn sẽ thu họach được vụ mùa của sự điềm tĩnh.
Sức mạnh của niềm tin
Sự thay đổi trong nhận thức có thể mang lại những chân trời mới cho cuộc đời chúng ta. Không có thay đổi thì không thể có tiến bộ. Thay đổi thành công mang lại sức lực phấn chấn và sự hăng hái làm việc cũng như ý chí vươn lên. Chúng ta đừng bao giờ từ bỏ hy vọng hay nghĩ rằng những thói quen của quá khứ đeo bám quá chặt. Suy nghĩ tích cực, cùng với sự nhẹ nhàng bền chí, có thể là phép mầu biến những điều không thể thành có thể.
Suy nghĩ tích cực dựa trên niềm tin thực thụ là quá trình kết hợp giữa sự hiểu biết và những trải nghiệm thực tế. Người ta thường nói niềm tin có thể dời được cả núi non. Niềm tin không phải là hy vọng mù quáng hay là một phương thức tiện lợi lâu đời dùng để ngụy trang cho sự thiếu suy nghĩ độc lập. Niềm tin cũng không phải là lời biện bạch cho sự thiếu hiểu biết. Một khi chiêm nghiệm thực tế về phẩm giá cao quý và bản chất thực sự của bản thân, chúng ta sẽ nảy sinh niềm tin, rằng mình có quyền được hưởng sự bình đẳng, tự do, hạnh phúc như một tài sản thừa kế vĩnh viễn, có quyền được yêu thương và được đối xử công bằng.
Những quyền này chỉ có thể đạt được thông qua tính khiêm tốn và tôn trọng những quy luật vĩnh cửu của vũ trụ. Những quyền này tỏ rõ khi chúng ta bắt đầu cảm thấy đồng nhất với bản chất thực sự trong tâm linh của mình. Ý thức mới này xây đắp cho chúng ta niềm tin vào việc chúng ta có thể trở thành người như thế nào và đâu là đích đến của cuộc đời chúng ta.
Tin vào các giá trị tinh thần cho phép chúng ta tin vào chính mình. Với sự tin tưởng đó, chúng ta có thể bỏ qua quá khứ và dũng cảm đón nhận những thử thách của cuộc đời để tiến về phía trước. Lòng dũng cảm mang lại cho chúng ta sự tự tin để biết rằng mình có thể đạt được những gì và để có thể đặt ra thêm các mục tiêu mới. Tinh thần tin tưởng vào tương lai tốt đẹp sẽ luôn cho phép ta chiến thắng. Mỗi bước đi của niềm tin sẽ mở ra một chương mới trong cuộc đời chúng ta.
Trở về cội nguồn
Cội nguồn là phần nền móng đã bị che khuất, là trụ cột. Phần này luôn bị che lấp nhưng lại mang trách nhiệm chống đỡ mọi cấu trúc. Một tòa nhà, bất kể là cũ hay mới và cho dù được xây dựng đẹp đến đâu chăng nữa, cũng cần đến một nền móng bền chắc nếu muốn trụ vững.
Trong mỗi con người cũng có một nền móng không nhìn thấy được. Phần thể xác, lời nói và hành động là phần cấu trúc bên ngoài được nhìn thấy, còn cội nguồn là bản chất bên trong, là nền móng cho sự phát triển về thể chất và tâm hồn. Tiến trình của "cái chết" xảy ra khi nguồn năng lượng không nhìn thấy được này rời bỏ cơ thể chúng ta. Vẫn là miệng nhưng không nói, vẫn là mắt nhưng không thấy, vẫn là một cơ thể nhưng không cử động. "Rường cột" vẫn còn đó nhưng phần "nền móng" đã ra đi.
Chỉ đến khi nào tìm hiểu thấu đáo cội nguồn sự tồn tại con người, chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu và thay đổi chính mình. Khoa tâm lý học đã nỗ lực đạt đến những điều sâu xa này và đã giúp chúng ta hiểu được thế giới nội tâm, gồm cả các dạng hoạt động của tiềm thức lẫn ý thức. Nhưng để thật sự hiểu được chính bản thân, chúng ta phải quay trở về điểm khởi đầu, tức quay về tìm hiểu cội nguồn của mình.
Như đã nói ở trên, mỗi suy nghĩ của chúng ta là một hạt giống được sản sinh từ tâm hồn. Tâm hồn không là đối tượng của sự thay đổi như đối với thể xác. Tâm hồn vốn không thuộc về thế giới vật chất nhưng lại là nền móng của ý thức. Tâm hồn là sự sống, là cội rễ của nhân cách, suy nghĩ, khát vọng và cảm xúc con người.
Sâu thẳm trong hạt giống đã chứa đựng hình hài của cây. Trong điều kiện thích hợp, thuận lợi, cây sẽ nảy mầm, vươn mình ra cuộc sống bao la, rộng lớn. Cũng giống như thế, tâm hồn nắm giữ nền tảng nhân cách riêng của từng người và nhân cách này được biểu lộ qua hành động.
Trên con đường tìm kiếm cuộc sống tinh thần, chúng ta cố tìm đến phần bất tử trong nhân cách con người. Không màng đến những tiêu cực ta đã tích lũy trong lòng, bản chất cơ bản của chúng ta là thanh cao.
Tâm hồn - cái tôi thật sự của mỗi người - từ thuở ban sơ rất trong sáng và không mang tội lỗi. Bước trên con đường đời sống tinh thần nghĩa là chúng ta sẽ phải trải qua những chiêm nghiệm về cái tốt đẹp nguyên thủy này. Từ sự trải nghiệm thực tế, chúng ta sẽ có một bước nhảy vọt về ý thức - như một sự khai sáng. Sự khai sáng là một chuyển biến mới mang lại sự tự tin và niềm hy vọng. Với những điều này, chúng ta sẽ làm thêm được nhiều việc có ích trong cuộc sống, và kết quả là chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Chúng ta được hồi sinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét