Người xưa vẫn thường an ủi các cô gái phải chịu cực khổ làm dâu bằng câu nói. Có làm dâu mới được là mẹ chồng. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong xã hội ngày nay đã khác hẳn quan niệm cũ thời phong kiến, nhưng vẫn là một vấn đề không thể lẩn tránh khiến phần lớn phụ nữ quan tâm.
Vậy làm thế nào để giải quyết ổn thỏa quan hệ mẹ chồng nàng dâu, xây dựng được mối thân tình với đối phương để kéo dài những ngày dễ chịu khi mới về nhà chồng?
Hãy xác lập quan điểm yêu "chim và tổ”
Bạn đừng nhầm lẫn là yêu tổ chim. Hai cái đó là khác nhau hoàn toàn đấy. Chồng và mẹ chồng ví như con chim với cái tổ, bạn cũng chỉ là một con chim nhỏ mà thôi, nhờ có cái tổ ấm mà con chim chồng bạn trưởng thành, yên ổn trong mấy chục năm. Nay được hưởng quả ngọt, lẽ nào bạn lại định dỡ tổ? Nếu có được quan điểm như thế, bạn sẽ quan tâm đến mẹ chồng từ những chi tiết nhỏ nhất để rồi từ đó không đòi hỏi mẹ chồng phải yêu thương hay chiều chuộng mình này nọ. Một miếng trầu, một quả cau tự tay bạn mua biếu mẹ chồng, hẳn sẽ làm bà vui lòng. Bà sẽ không tủi thân cho rằng con bà bất hiếu, có vợ quên mẹ. Như vậy, bắt đầu từ bạn, quan hệ gia đình sẽ được hài hòa.
Luôn đứng về phía mẹ chồng
Đó là nguyên tắc tưởng như vô nguyên tắc, xin chớ bỏ qua! Ở đây đòi hỏi một chút khôn lanh. Nói chung, các bà mẹ chồng thường coi con dâu là kẻ ngoài biên chế. Để sớm được bà thu nạp, bạn hãy nhanh chóng đưa bà vào mê hồn trận, làm cho bà cảm thấy bạn còn vâng lời bà hơn cả con đẻ. Mọi vấn đề nên theo ý bà. Ví dụ: Kiên quyết ủng hộ chế độ dinh dưỡng của bà, kiên quyết không đứng về các thành viên khác trong gia đình bắt mẹ chồng uống thuốc giảm béo khi bà không muốn. Mấu chốt ở đây là tạo ra không khí thân thiện, hòa hợp, trong đó bạn là một thành viên của nhà chồng.
Lời nói của mẹ chồng khó nghe
Làm con dâu nếu rơi vào trường hợp như vậy nên nghĩ rằng mẹ chồng đang có những điều ấm ức ở trong lòng và nên tìm cách để làm nguôi cơn giận, dùng lời lẽ hòa nhã, thân thiện để cảm hóa mẹ chồng, chủ động bày tỏ sự ân cần, quan tâm đến bà. Những cử chỉ lời nói như vậy sẽ có tác dụng cảm hóa dần, cuối cùng bà sẽ không nói những lời khiến bạn phải khó chịu nữa.
Chớ có tranh phải trái
Nhà nào chả có những vấn đề vặt vãnh đưa ra bàn cãi, tranh luận. Là con dâu, bạn hãy nhớ rằng, gia đình là nơi trọng tình, không trọng lý, không nên cãi lý trong gia đình. Việc nhà có đúng có sai nhưng không nhất thiết phải làm cho ra nhẽ mới thôi. Mẹ chồng có bảo Mặt trời mọc ở phương Tây thì bạn cũng cứ tán đồng dù bạn biết rõ là nó mọc ở phương Đông, không cần phải cải chính, sửa sai mà khiến bà mất mặt. Nên nhớ rằng: Mất thể diện với con dâu là điều mà các bà mẹ chồng không muốn nhất.
Chớ đòn càn hai mũi ở giữa
Chớ nói xấu mọi người theo kiểu đòn càn hai mũi, bạn sẽ dễ lâm vào tình trạng cô lập không ai chia sẻ.
Người mẹ nào cũng yêu chiều con, bà có thể chửi bới con, nhưng quyết không chấp nhận ai nói xấu về con. Do đó, trước mặt mẹ chồng, dù đùa với chồng bạn cũng phải cẩn thận kẻo gánh vạ. Nếu chồng và bạn cãi cọ, mâu thuẫn, dù mẹ chồng có khuyên bạn hay tỏ ý thông cảm với bạn về sự không phải của chồng, thì tốt nhất bạn chỉ gật đầu vâng theo, chớ nên nhân dịp đó ra sức lên án, tố cáo chồng, thận trọng kẻo ươm mầm mống bất mãn cho mẹ chồng.
Một điều quan trọng hơn là: Tối kỵ nói xấu, làm tổn thương mẹ chồng trước mắt chồng.
Bày tỏ tình cảm thay chồng
Thỉnh thoảng lại chuyển tới mẹ chồng tình cảm kính yêu của chồng với mẹ, dù anh ta chả bộc lộ điều đó. Người làm mẹ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả vì con cái, dẫu có phải móc cả tim gan ra vì con trai, bà cũng vui lòng. Nhưng con trai bà thường rất vụng về trong nói năng cư xử với mẹ, thậm chí phát ngôn thiếu suy nghĩ khiến bà đau lòng. Lúc này, phương pháp tốt nhất của bạn là cùng bà ôn nghèo kể khổ, phải nuôi con vất vả ra sao, rồi con trai (chồng bạn) vốn hiếu kính mẹ thế nào. Khi đó bà sẽ thấy được an ủi vì bạn đã không cướp mất con trai bà, hơn nữa bà còn phải thấy có con dâu, bà đã được thêm sự quan tâm, chăm sóc.
Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét