Home » , » Chiếc lá biết bay - Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo (Phần 1).

Chiếc lá biết bay - Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo (Phần 1).

Chiếc lá biết bay - Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo (Phần 1).

Lời tác giả Chiếc là biết bay là tập truyện ngắn thiếu nhi của Trọng Bảo do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành quý III năm 2012. Với 16 truyện ngắn nho nhỏ viết cho thiếu nhi, tập truyện chia làm hai phần. Phần thứ nhất là những truyện đồng thoại rất ngắn viết về thiên nhiên, cây cỏ và loài vật, phần thứ hai là những truyện ngắn viết về số của phận trẻ em trong cuộc sống thường nhật hiện nay. ...
Chiếc lá biết bay - Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo (Phần 1).
Chiếc lá biết bay - Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo (Phần 1).
Chiếc lá biết bay - Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo (Phần 1).

Chiếc lá biết bay
Tập truyện thiếu nhi của Trọng Bảo. Phần 1 & 2


          Lời tác giả         
          Chiếc là biết bay là tập truyện ngắn thiếu nhi của Trọng Bảo do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành quý III năm 2012. Với 16 truyện ngắn nho nhỏ viết cho thiếu nhi, tập truyện chia làm hai phần. Phần thứ nhất là những truyện đồng thoại rất ngắn viết về thiên nhiên, cây cỏ và loài vật, phần thứ hai là những truyện ngắn viết về số của phận trẻ em trong cuộc sống thường nhật hiện nay.
          Trong phần viết về thiên nhiên và các loài vật là 10 câu chuyện nhỏ nhưng hàm chứa ý nghĩa giáo dục. Đó là câu chuyện về một chiếc lá non vừa nhú ra trên cành cây cao. Chiếc lá non vì khát vọng ngông cuồng muốn bay lên như những đám mây nên đã cố nhô ra trước trận gió lớn. Cơn gió mạnh đã bứt đứt cuống chiếc lá non ấy đưa nó bay vút lên cao. Chiếc lá non bay lên được trên trời cao nhưng đã mất nguồn nhựa sống để tồn tại và bị rơi xuống dòng suối sâu, rách tả tơi héo rũ, bị nước cuốn đi. Khi nó hối hận thì đã quá muộn. Truyện “Chiếc lá biết bay” được tác giả chọn làm tựa đề của tập sách.
          Truyện “Bài học trong rừng” viết về một chú nhím con theo mẹ đi hái nấm trong rừng gặp lão lợn rừng hung tợn. Câu chuyện muốn đem đến cho các em một chân lý dễ hiểu là “đừng thấy những kẻ to lớn mà vội nghĩ mình là yếu đuối, nhỏ bé rồi buông xuôi, khuất phục, nhưng cũng đừng nhìn những kẻ nhỏ bé mà cho mình là vĩ đại, lên mặt hống hách”. Trong truyện “Ve sầu đi học” thì lại kể câu chuyện một chú ve sầu con, một chú dế con ham chơi chỉ học được mỗi một chữ đã nghĩ là mình biết chữ, là người “có học” mà kênh kiệu, lên mặt khinh người. Truyện “Một cuộc thi tài” kể về một cuộc thi nhảy cao để chọn ứng viên đi dự đại hội đầm sen. Tại cuộc thi, bọn ếch mới có chút thành tích ban đầu đã vội khoe khoang, ăn mừng chiến thắng ầm ĩ, không chịu tiếp tục rèn luyện nên cuối cùng phải thua lũ chẫu chuộc, nhái bén nhờ khổ luyện mà thành công. Những chuyện như “Bầu lãnh đạo”, “Lời thề chó sói”, "Đời lươn chạch” lại cho các bạn đọc nhỏ một sự hiểu biết, nhìn nhận về cuộc sống xung quanh ta. Có độc giả đã nhận xét đây là những chuyện “viết cho thiếu nhi nhưng người lớn nên đọc”. Hai truyện “Tại sao trâu đen, bò vàng” và “Chuyện của loài ngỗng” chỉ là giải thích vui vui về màu lông của trâu, bò và loài ngỗng nhưng lại ẩn chứa trong đó một ý nghĩa, đem lại cho các em hiểu biết về cuộc sống và sự đối nhân, xử thế ở đời. Có tính ngụ ngôn đó là truyện “Thi lại”. Đây lại là một cuộc thi chạy giữa rùa và thỏ. Với mánh khoé gian lận của mình, lão rùa già vẫn thắng được thỏ trong cuộc thi lại này mà không cần phải sử dụng nhiều lực lượng rùa ẩn nấp ở dọc con đường chạy thi để đánh lừa thỏ như lần trước nữa. Và đây cũng là một bài học cho sự cảnh giác của loài thỏ ngốc nghếch, cậy tài mà chủ quan trước mánh lới của loài rùa.
          Phần thứ hai gồm 6 truyện ngắn tác giả viết về những số phận trẻ em hiện tại. Đó là cuộc sống lầm lũi của thằng Mẫn trong “Chân trời xa”. Do tác động của cơ chế thị trường mà gia đình nó lâm vào hoàn cảnh khốn khổ. Thằng Mẫn ra đi tìm “một chân trời xa” với ước mơ nhỏ bé là kiếm đủ tiền mua cho em gái một cái váy để em được vào đội múa của lớp mẫu giáo. Đó là những tháng ngày lang thang trên đường phố của cô bé nhặt rác trong “Dòng sông chảy ngược”, của chú bé bán báo trong truyện “Chiếc đèn ông sao”. Niềm vui và ước mơ của các em thật nhỏ bé và trong sáng khiến người lớn chúng ta cũng thấy nao lòng. Cô bé Nhiên khi bới rác bất ngờ nhặt được một con vịt nhựa cụt mỏ sung sướng nghĩ ngay đến em gái đang ngồi nghịch cát ở nhà. Chú bé Tùng bán báo được bà bán hàng đồ chơi trung thu cho chiếc đèn ông sao bị hỏng của một thằng bé nhà giàu vứt đi mà mừng vui đến thế. Trong các truyện ngắn “Đêm sao sa” và “Chuồn chuồn bay thấp” lại là những trăn trở, nỗi buồn, nghĩ suy về số phận các em bé trong cuộc sống thường ngày quanh ta với những bất hạnh của các em khi gia đình lâm vào hoạn nạn. Nhưng qua các truyện ngắn này tác giả mong muốn các em luôn có một niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Riêng truyện ngắn “Tiếng sáo diều” là viết về một kỷ niệm thời ấu thơ của tác giả. Kỷ niệm ấy gắn với tiếng sáo diều dìu dặt trên bầu trời quê hương. Trong truyện có nhân vật lão Câm - một người thả diều. Lão Câm không nói được nhưng tiếng sáo diều của lão thật tuyệt vời. Nhân vật lão Câm cho bạn đọc nhỏ tuổi một suy nghĩ, một sự thương cảm xa xót.
          Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi tập truyện thiếu nhi Chiếc lá biết bay nhân dịp tết Trung thu 2012 sắp đến.
                                                                                                    Hà Nội, ngày 12/9/2012
                                                                                                               Trọng Bảo


Phần 1
Truyện đồng thoại
----

Một cuộc thi tài

            Buổi sáng, có tiếng loa rao vang khắp cánh đồng: “Thi tài… thi tài… chọn người tài giỏi đi dự đại hội đầm sen đây!”. Bọn ếch, nhái, chẫu chuộc lao xao gọi nhau đi thi. Lão cóc được đề cử làm trưởng ban giám khảo. Lão này có tiếng là công minh, chính trực. Việc gì sai trái là lão lập tức phê phán ngay. Ngày xưa lão còn dám lên tận thiên đình kêu kiện, đấu lý, ông trời cũng phải chịu thua lão.
            Lão cóc đứng chống nẹ tuyên bố:
            - Chúng ta sẽ thi môn nhảy cao!
            Cả bọn ồn ào khi lão cóc công bố thể lệ cuộc thi. Lũ châu chấu, niềng niễng, cào cào bị loại ngay không được dự thi vì chúng vừa nhảy, vừa bay, rất khó xác định được thật giả. Bọn cá buồn thiu không thể tham gia vì cuộc thi tiến hành ở trên cạn mà cá muốn nhảy được thì phải nhờ có nước. Đám rùa, cua, ốc, cà cuống thì chịu hẳn vì cả đời chúng có biết nhảy là gì đâu. Chỉ có đám ếch nhái là phấn khởi. Ếch tin mình chắc chắn là vô địch vì xưa nay nó vẫn nổi tiếng là nhảy cao, nhảy xa nhất cánh đồng.
            Cuộc thi bắt đầu. Lão cóc trịnh trọng phất cờ lệnh. Đúng như dự đoán, cả ba lần nhảy, đại diện của lũ ếch đều nhảy cao và xa nhất, chẫu chuộc xếp thứ nhì và nhái bén đứng thứ ba. Đám ếch huênh hoang reo hò ầm ĩ khắp cánh đồng:
- Số một… số… một… một… một… ếch… là… số… một…
            Lão cóc bảo:
            - Ếch vô địch! Nhưng hôm nay mới chỉ là vòng sơ khảo. Sau ba tháng nữa sẽ là vòng trung kết, quyết định thắng thua.
            Lũ chẫu chuộc, nhái bén lặng lẽ ra về. Trong khi đó thì dám ếch tưng bừng gọi nhau tổ chức ăn mừng chiến thắng râm ran khắp cả cánh đồng. Một trận mưa rào đổ xuống làm cho cuộc liên hoan của bọn ếch càng thêm ồn ào, hào hứng. Chúng hỉ hả chúc tụng nhau, mời nhau ăn uống no say, lúc nào cũng bàn luận về chiến thắng, về vinh quang chói lọi của loài ếch, chê bai thoả thích các loài khác. Tiệc tùng, ăn uống triền miên nên lũ ếch ngày càng béo ục ịch, chậm chạp hẳn đi.
            Trong khi đó thì ở ngoài rìa cánh đồng bọn chẫu chuộc và nhái bén lặng lẽ tổ chức luyện tập. Ngày này qua ngày khác chúng kiên trì tập nhảy. Những chú chẫu chuộc, nhái bén mồ hôi đầm đìa vì tập luyện vất vả. Có con còn bị ngã vỡ đầu, chảy máu. Nhưng bọn chúng vẫn không nản lòng, nhụt chí.
            Cuối mùa thu, vòng thi chung kết nhảy cao bắt đầu.
Bọn ếch xung phong vào nhảy trước. Nhưng sao thế này. Những chú ếch béo ục uỵch nhảy chồm chồm mãi không qua khỏi ngọn cỏ. Có chú còn ngã lăn ra đất mãi mới gượng dậy nổi. Thì ra do quá tự tin, mải say sưa ăn mừng thắng lợi bước đầu, không chịu thường xuyên luyện tập nên ếch không nhảy cao như trước được nữa. Trong khi đó những chú chẫu chuộc, nhái bén đều nhảy rất cao, rất gọn. Có chú chẫu chuộc chỉ cần nhún chân một cái đã vọt lên tận ngọn cây ngô đang trổ cờ.
Lão cóc kiểm tra cẩn thận từng mức xà rồi mới công bố kết quả:
            - Giải nhất, đứng số một là chẫu chuộc, giải nhì, xếp thứ hai là nhái bén, không có giải ba, giải khuyến khích là ếch. Chẫu chuộc và nhái được cử đi dự đại hội đầm sen mùa hè sang năm.
            Khán giả ồ lên ngạc nhiên khâm phục chẫu chuộc và nhái bén. Cũng có nhiều tiếng chê bai đám ếch chưa chi đã vội tự phụ với thành tích của mình, lên mặt coi thường người khác, không chịu thường xuyên tu dưỡng, luyện tập nên đã thất bại. Bọn ếch lủi thủi kéo nhau ra về. Chúng chui ngay vào trong hang phủ kín cửa nằm giấu mặt cho đỡ ngượng.
            Kể từ đó mỗi khi có mưa rào, nhớ lại giây phút huy hoàng, bọn ếch lại gọi nhau, tiếc muối nhắc lại chiến thắng vinh quang của mình: “Số… một… một… một…”. Lâu dần chúng kêu chệch đi thành “ộp… ộp… ộp…” như ngày nay.
                                                                                                            Ngày 1-6-2009
                                                                                                                 Trọng Bảo

Chiếc lá biết bay

            Có một chiếc lá non nhỏ bé vừa nhú ra trên cành cây cao. Nó ngạc nhiên thấy các anh chị nó sinh ra trước cứ xúm xít xúm vây quanh che chở cho nó mỗi khi có gió lớn. Ngó nhìn bầu trời rồi nó hỏi:
            - Tại sao mây lại bay được mà chúng ta lại cứ bám chặt trên cành cây mãi như thế này?
            - Vì ta là lá thì phải ở trên cành cây chứ!
            Một người chị của nó bảo. Chiếc là non nói:
            - Nhưng em muốn được bay như những đám mây cơ!
            - Em không thể bay được đâu!
            - Nhất định em sẽ bay… sẽ bay… sẽ bay…
            Chiếc lá non bướng bỉnh. Các anh chị khuyên giải thế nào nó không chịu nghe. Nó chỉ muốn được bay lên trời như những đám mây trắng kia. Nhất định khi bay lên cao nó sẽ tha hồ ngắm cảnh núi sông hùng vĩ, bao la. Nghĩ vậy nên nó không thèm nghe lời của các anh chị. Nó quyết tâm phải bay lên trời cao. Ý chí ấy luôn luôn nung nấu trong nó. Nó đã có cách.
            Hôm đó trời có giông bão lớn. Khi các anh chị gọi nó thu mình lại, nép vào các anh chị để tránh gió mạnh nhưng nó không nghe. Các anh chị ra đời trước cuống lá đã cứng cáp, bám rất chắc vào cành cây nên gió to, bão lớn không hề chi. Còn chiếc lá non thì cuống vẫn còn rất yếu, bám chưa vững vào cành cây. Nhưng nó không sợ. Vì muốn bay nên mặc lời khuyên nhủ của các anh chị, nó cứ nhô ra trước gió lớn.
Gió mỗi lúc một mạnh hơn. Chiếc là non reo lên:
            - Bay lên đi… bay lên đi…
            Mấy anh chị cố níu kéo nó vào lòng nhưng nó kiên quyết giằng thoát ra bằng được.
            - Bay lên đi… bay… lên…đi…
            Tiếng nó gào to hơn. Bỗng “phựt” một cái, chiếc là nhỏ bị cơn gió mạnh bứt rời cuống khỏi cành cây cuốn bay vút lên trời. “A! Thích quá! Thích quá!” - Nó reo to khi thấy mình bồng bềnh giữa những đám mây. Đất trời mênh mông quá. Nó cười khanh khách khi quay lại nhìn thấy các anh chị của nó vẫn đang rúm ró ôm lấy nhau bám chặt vào cành cây. Nó càng cười to hơn khi thấy một đàn chim đang bay nháo nhác gọi nhau sà xuống tìm những tán cây để tránh bão.
            Vùn vụt với tốc độ của gió, chiếc lá nhỏ đã bay lên tới tận lưng trời.
            Nhưng giữa khi chiếc lá non đang lâng lâng sung sướng vì nó hơn hẳn các anh chị là đã biết bay thì chợt nghe tiếng rào rào. Nó hốt hoảng khi thấy những hạt mưa đang ầm ầm trút xuống. Mưa to quá. Chiếc lá nhỏ bị mưa ném vào tới tấp, khiến nó quay cuồng rồi rơi xuống một dòng suối. Nước lũ réo ầm ầm cuốn nó trôi đi ngay. Một lúc sau chiếc lá non nhỏ bé đã rách nát, tơi tả. Nó vật vờ rạt vào bờ suối đầy bùn lầy, bẩn thỉu. Một lão cua lấp ló ở cửa hang giơ càng ra định kéo nó vào làm chỗ cho lũ con bò lên chơi. Bây giờ chiếc lá nhỏ mới thấy đói và rét. Nó bật khóc nức nở. Nó chỉ muốn quay về với các anh chị ở trên cành cây cao nhưng không thể được nữa rồi. Nó thấy vô cùng ân hận.
            Thế là, chỉ vì một sự ảo tưởng, ngông cuồng, bột phát của mình mà chiếc lá non đã phải trả giá. Một cái giá rất đắt.
                                                                                                         Hà Nội, ngày 1-6-2009
                                                                                                                    Trọng Bảo

Bài học trong rừng

            Buổi sáng, nhím con theo mẹ đi tìm nấm.
            Hai mẹ con đi vào một khu rừng cây cối xanh tươi. Nhím con xách chiếc làn nhỏ chạy tung tăng. Lúc thì nhím con chạy phía trước, lúc thì lùi lại phía sau, lúc thì rung cho cây sim rụng đầy trái chín, khi thì lại chui vào một bụi mâm xôi dày những chùm quả ngọt. Trong khi nhím mẹ cần mẫn nhặt nấm thì nhím con chỉ mải chơi. Giỏ nấm của nhím mẹ đã gần đầy mà chiếc làn của nhím con vẫn chỉ có mấy quả sim chín và vài bông hoa rừng héo quắt.
            Giữa lúc nhím con đang định gặm một ngọn măng vừa nhú lên khỏi mặt đất thì nghe “hộc” một tiếng và ai đó quát to:
            - Thằng nhãi kia! Ai cho mày xâm phạm vào khu rừng của tao hả?
            Nhím con giật mình hốt hoảng nhìn lên. Một lão lợn rừng lông lù xù dựng ngược trông rất bẩn thỉu đang trợn mắt đứng ngay trước mặt.
            - Cháu… cháu…
            Nhím con lắp bắp và sợ hãi lùi lại. Lão lợn rừng nhe nanh gầm gừ tiến đến. Nhím con run cầm cập gọi to: “Mẹ ơi! Cứu… cứu… con…”. Lão lợn rừng cào cào hai chân trước xuống đất rồi hung hăng phóng đến. Tiếng chân của lão phầm phập. Tiếng cành cây khô gẫy răng rắc. Nhím con sợ quá ôm mặt nhắm mắt lại ngã lăn ra đất. Chợt nhím con nghe tiếng lợn kêu “eng éc”. Nó mở mắt ra nhìn. Phía trước mặt nó là nhím mẹ đang xù lông tua tủa như chông che chở cho con. Lão lợn rừng hung hăng lao ngay vào những chiếc lông nhím nhọn hoắt. Lão đau đớn rú lên thảm thiết rồi quay đầu chạy mất. Nhím con lúc này mới hoàn hồn.
            Nhặt những chiếc nấm bị rơi ra bỏ vào giỏ, nhím mẹ dặn con:
            - Đừng chạy lung tung và nhớ luôn đi gần mẹ nhé!
            - Vâng ạ!
            Nhím con đáp và ngước đôi mắt trong veo nhìn mẹ vẻ khâm phục. Nó không ngờ lão lợn rừng to lớn hung dữ thế mà lại phải thua mẹ. Mẹ thật là dũng cảm. Mẹ thật là vĩ đại. Nhím con nghĩ. Thấy vui quá, nhím con líu lo hát bài hát “Buổi sáng trong rừng”. Trong khi đó nhím mẹ vẫn cặm cụi nhặt nấm.
            Chợt lại có tiếng nhím con kêu oai oái: “Mẹ ơi! Đau quá, mẹ ơi!”. Nhím mẹ vội chạy đến. Nhím con ngồi bệt xuống đất giơ chân lên giẫy giụa. Nhím mẹ nhìn kỹ, trong kẽ chân của nhím con có những chú kiến lửa đang ra sức dùng gươm giáo đâm chém loạn xạ.
            Thì ra, giữa lúc đang rất vui vì mẹ vừa đánh bại lão lợn rừng to lớn thì nhím con chợt nhìn thấy mấy con kiến lửa bé tí đang làm tổ. “A! Mấy thằng nhóc con…”- Nhím con nghĩ vậy và giơ chân đạp mạnh vào tổ kiến. Bị phá tổ, đội quân xung kích trong đàn kiến lửa lập tức cầm gươm giáo xông lên ngay.
            Vừa gỡ những chú kiến đang tức giận ra khỏi bàn chân của nhím con, nhím mẹ vừa nói:
            - Con phải nhớ là ở đời, đừng thấy những kẻ to lớn mà vội nghĩ mình là nhỏ bé, yếu đuối, buông xuôi, khuất phục. Nhưng cũng đừng nhìn những người nhỏ bé mà cho rằng mình to lớn, mạnh hơn rồi kiêu ngạo lên mặt hống hách coi thường họ con ạ!
            Nhím con vừa xoa xoa những chỗ đau vừa lí nhí đáp:
            - Vâng… vâng! Con… con đã hiểu rồi mẹ ạ!
            Buổi đi hái nấm trong rừng đã cho nhím con một bài học thật là thấm thía và bổ ích như thế đấy.
                                                                                                    Hà Nội, 1/6/2009
                                                                                                          Trọng Bảo

Tại sao trâu đen, bò vàng

          Trâu và bò ngày xưa là hai anh em kết nghĩa. Chúng cùng sinh ra ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Khi còn nhỏ cả hai đều có một bộ lông trắng rất đẹp và mịn màng.
          Lớn lên, trâu rất chăm chỉ làm việc. Mọi công việc đồng áng dù nặng nhọc vất vả đến đâu trâu đều không quản ngại. Ban ngày trâu kéo cày ở những đám ruộng bùn sâu lầy lội. Tối về nó lại chăm chỉ giúp người kéo trục đập lúa. Khi người làm nhà nó đảm nhiệm việc vào rừng kéo những cây gỗ dài và nặng. Một lần, lão hổ già đòi người phải cho xem trí khôn, trâu đã giúp người trói được lão hổ gian ác vào gốc cây. Hôm ấy lão hổ bị người chất rơm đốt nên lông hổ mới vằn vện như bây giờ.
          Trong khi đó thì bò lại rất lười biếng. Nó chỉ đi cày bừa ở những nơi ruộng nương cao ráo, đất tơi xốp và nhẹ. Đêm đêm khi trâu giúp người đập lúa thì bò nằm nghỉ ngơi và nhai rơm khô.
          Chính vì trâu chăm chỉ nên người mới yêu quý và giao cho trông coi cây rơm. Đó là thức ăn dự trữ mùa đông của trâu bò. Khi bò muốn đến ăn rơm đều phải xin phép trâu. Mùa đông năm ấy, trời rét lắm, sương muối rơi dày nên cỏ lụi hết. Bò đói quá năn nỉ:
          - Anh trâu ơi! Em đói quá, cho em thêm một bó rơm…
          - Mày là đồ lười biếng, hay trốn việc nên ăn ít thôi!
          Bị trâu mắng, bò tức lắm. Nó ôm cái bụng lép kẹp đi ngủ nhưng không làm sao ngủ được. Bò rất muốn đến ăn rơm nhưng trâu luôn nằm chắn canh chừng ngay cạnh cây rơm. Hai cái sừng nhọn hoắt chĩa ra. Mấy anh lợn toan đến rút trộm ít rơm để lót ổ cũng không dám lại gần.
          Bị đói, nằm không ngủ được nên bò rất oán hận trâu. Nó liền nghĩ cách trả thù. Một hôm, lừa cho trâu đi cày về mệt ngủ quên, bò liền châm lửa đốt cây rơm.
          Cây rơm bén lửa cháy đùng đùng, khói mù mịt. Trâu nằm đắp rơm lên cho ấm nên bị bén lửa ngay. Bộ lông trắng của trâu bị cháy đen thui. Nó hốt hoảng lăn ngay xuống vũng bùn cho đỡ nóng. Trong khi đó vì đói quá, bò liều mạng lao vào chỗ cây rơm đang cháy cố lôi lấy một ít rơm để ăn. Thành thử bộ lông trắng mượt và chải chuốt của bò cũng bị ám khói vàng khè.
          Sau lần bị cháy ấy, trâu mới có màu đen và bò mới có màu vàng như ngày nay.
                                                                                                               Ngày 29/5/2009
                                                                                                                    Trọng Bảo

Ve sầu đi học

            Trong khu vườn nọ có một gia đình nhà ve sầu. Một chú ve sầu con đang tuổi ham chơi. Suốt ngày chú là cà, lêu lổng lang thang khắp vườn. Chú làm quen được với một thằng dế mèn con. Cả hai quậy phá khắp nơi, khiến bố mẹ chúng phải thường xuyên phải nghe lời phàn nàn của hàng xóm, láng giềng.
            Một hôm, bố ve sầu bảo:
            - Ngày mai con phải đi học thôi!
            - Học để làm gì ạ?
            Ve con hỏi lại. Bố giải thích:
            - Học để biết chữ con ạ!
            Mẹ ve sầu thì âu yếm:
            - Mẹ sẽ mua cho con cuốn vở, cây bút và cả một cái cặp sách thật đẹp nhé!
            Thế là ve sầu con chuẩn bị đi học. Nhưng nó lại nghĩ đi học rồi thì không biết có còn được đi chơi nữa không, mà không được đi chơi thì học để làm gì nhỉ.
            Buổi sáng hôm sau, mẹ phải gọi mãi ve con mới tỉnh giấc. Nó quáng quàng ăn sáng rồi vội vàng đeo cặp sách đến lớp. Đang đi, nó chợt nghe tiếng gọi giật:
            - Này! Đi đâu mà vội vã thế!
            Nó nhìn quanh. Thì ra đó là thằng bạn thân dế mèn đang khua thanh gươm gỗ chém lia lịa trong đám cỏ non bên đường.
            - Tớ đi học đây!
            - Học để làm gì?
            - Thì… học là để biết chữ! Cậu cũng phải đi học đi…
            Dế con băn khoăn:
            - Nhưng tớ không có sách vở. Cậu đợi tớ chạy về nhà lấy nhé!
            Ve sầu con đứng chờ dế con. Mãi chả thấy dế con ra, nó đành một mình đi đến lớp trước. Trong lớp, các bạn kiến, chuồn chuồn, ong mật đang chăm chú học bài. Thầy giáo đã dạy đến chữ “e”. Ve sầu con vội vàng ghi luôn chữ “e” vào vở rồi hí hửng chạy luôn ra khỏi lớp. Vừa chạy nó vừa reo to:
            - A… a… mình… đã… biết… chữ… biết… chữ… rồi…
            Lúc đó dế con mới cầm cuốn vở nhàu nát chạy đến. Nhìn thấy ve con, dế con vừa thở vừa hỏi:
            - Cậu đã học được chữ chưa?
            - Được… được rồi! Cậu vào lớp ngay đi, thầy vẫn còn đang dạy đấy!
            Dế con len lén bước vào lớp học. Lúc này thầy giáo đã dạy đến chữ “i”. Dế con cũng vội ghi ngay lấy chữ “i” vào vở và lao luôn ra khỏi lớp gào to:
            - Biết…biết… chữ… đã biết chữ rồi…!
            Dế con gặp ve con ở bãi cỏ. Cả hai rất phấn khởi vì đã biết chữ. Chúng đâu có hiểu là ngoài chữ e và chữ i ra còn có nhiều chữ khác nữa mà chúng chưa biết. Chúng liền xé luôn sách vở, ném bút đi, coi sự học hành như thế là đã đủ rồi, xong rồi. Từ đó chúng thường xuyên rủ nhau trốn học, đi chơi. Gặp ai chúng cũng tự hào khoe khoang là mình biết chữ, là người có học. Càng ngày chúng càng trở nên kênh kiệu và tỏ vẻ khinh người ra mặt.
            Cũng bởi ngộ nhận và lười biếng vậy, cho nên cả đời ve con và dế con mỗi đứa chỉ biết đúng có một chữ duy nhất. Vì thế ngày ngày trên cành cây cao chỉ nghe thấy tiếng ve sầu ra rả đọc mãi một chữ “e…e…e… e…” và dưới mặt đất thì dế chỉ biết ri rỉ lẩm nhẩm mỗi một chữ “i…i…i… i…” mà thôi.
                                                                                                                  Ngày 1/6/2009
                                                                                                                      Trọng Bảo

Bầu lãnh đạo

          Khu rừng nọ có nhiều loại muông thú cùng chung sống. Mỗi loại một cách kiếm ăn, sinh hoạt khác nhau. Tuy vậy, chúng đều phải tuân thủ sự lãnh đạo của chúa tể khu rừng. Đó là lão Gấu già. Muôn loài phục tùng lão răm rắp. Lão Gấu quanh năm chẳng phải làm gì vẫn có bọn dê, cừu, hươu, nai, cáo, chồn, chim chóc, ong bướm phục dịch. Lão thèm ăn cái gì là bọn chúng đều phải đem đến cung phụng. Chỉ cần lão kêu nhạt miệng là lũ ong dâng mật. Lão bảo đói bụng là bọn khỉ, tê tê, chuột chũi đưa các loại quả, củ ngon lành tới ngay.
            Chính vì thế mà vị trí lãnh đạo khu rừng của lão rất nhiều người mong được ngồi vào. Năm nay, lão Gấu đã quá già và ốm yếu lắm rồi. Nhất là sau cái bận lão sơ ý bị bọn thợ săn bắn thuốc mê rồi hút gần hết túi mật. Vì thế lão muốn từ chức, nhường vị trí lãnh đạo cho con khác trong khu rừng. Ý lão muốn bàn giao quyền lực cho anh Hổ. Nhưng anh Hổ cứ khăng khăng từ chối. Lâu nay anh rất ngại xuất hiện trước đám đông. Anh thường trốn biệt tận hang sâu nơi rừng xanh núi đỏ. Anh sợ bọn thợ săn nhìn thấy “đòm” cho một phát rồi đưa vào nồi nấu cao. Vì nghe nói xương của anh chữa được bách bệnh. Anh Tê Giác cũng vậy. Sừng của anh chữa được ung thư nên khi làm lãnh đạo đi lại nghênh ngang nhỡ con người mà bắt gặp thì khó mà tháo chạy.
            Trong khi Hổ và Tê Giác từ chối ngôi vị chủ soái khu rừng thì các loài khác lại tranh nhau đòi lên làm lãnh đạo. Loài này ra sức nói xấu, chê bai, hạ uy tín loài kia. Khỉ chê chó ăn bẩn. Mèo chê cáo gian manh. Bò chê trâu chậm chạp. Rùa chê thỏ hèn nhát… Lão Gấu đâm lúng túng, khó nghĩ, không biết chỉ định ai kế vị. Vì thế, cuộc tìm kiếm, lựa chọn lãnh đạo khu rừng càng trở nên khó khăn. Chú sóc con thông minh bèn rỉ tai lão Gấu:
            - Bác cứ tổ chức bầu cử là hay nhất! Ai có phiếu cao thì sẽ lên làm lãnh đạo!
            Lão Gấu gật gù khen:
            - Đúng… đúng… sáng kiến của chú mày thật hay!
            Thế là quyết định bầu lãnh đạo được ban bố, niêm yết khắp khu rừng. Mỗi loài sẽ được cử một đại diện tham gia tranh cử. Tuy vậy đến ngày chốt danh sách có nhiều loài không ứng cử. Bọn voi đắc chí vì chúng nghĩ chỉ có mình mới xứng đáng, chắc chắn phen này sẽ lên làm lãnh đạo. Lũ trăn cũng chủ quan nghĩ rằng chỉ có chúng đủ sức mạnh trị vì. Đám khỉ ngồi ngất ngưởng trên cành cây cao thì cho rằng chỉ có chúng mới đủ trí thông minh để cai quản khu rừng. Voi, trăn, khỉ quảng bá ầm ầm khắp rừng về chương trình hành động của chúng nhằm lôi kéo các cử tri.
            Trong khi đó thì thằng Chuột trù lặng lẽ đi đến từng nhà. Với vẻ mặt buồn bã nó nói với đàn hươu:
            - Các bác thương em cả đời gặm nhấm, chui lủi, không ngẩng mặt lên được. Em làm sao mà sánh được bác Voi to lớn, anh Khỉ thông minh và chú Trăn dẻo dai. Em không thể làm lãnh đạo được đâu… Nhưng em đã lỡ ứng cử rồi cũng xin các bác bỏ cho “một phiếu danh dự” để khi thất cử cũng đỡ xấu hổ.
            Gặp lũ trâu, đàn bò, bọn cầy, đám sơn dương, lợn rừng, Chuột trù đều năn nỉ nói như vậy. Tất cả bọn này cũng đều nhận thấy Chuột trù không thể làm lãnh đạo được. Tuy vậy lúc bỏ phiếu chúng đều thương hại, bỏ cho Chuột trù một phiếu. Bởi chúng nghĩ chỉ với một lá phiếu của mình Chuột trù không thể trúng cử được. Nhưng khi kiểm phiếu, bọn chúng mới ngã ngửa ra là Chuột trù có số phiếu cao nhất. Thì ra, tất cả các loài đều bỏ cho Chuột trù một lá “phiếu danh dự” thế là nó có số phiếu cao nhất.
            Chuột trù trở thành chúa tể khu rừng nhờ vậy. Nhưng với tính cách của loài chuyên gặm nhấm, ăn bẩn như Chuột trù làm lãnh đạo thì chỉ làm tình hình khu rừng ngày càng trở nên hỗn loạn hơn.
                                                                                          Ngày 6/4/2010
                                                                                               Trọng Bảo

Chuyện của loài ngỗng

            Những chú ngỗng con nở ra đều có bộ lông màu trắng tinh. Vì chúng đều xuất thân từ  những quả trứng rất trắng của mẹ. Mỗi lần nghịch bơi lặn ở ao nước bẩn thỉu, có bị lấm bẩn thì mẹ chúng chỉ cần dội qua nước sạch thì bộ lông của chúng lại trắng tinh như mới. Chính vì thế mà bọn ngỗng con luôn tự hào và hay khoe khoang là chúng có bộ lông trắng đẹp nhất.            
            Đến tuổi phải đi học, bọn ngỗng con rất hào hứng. Chúng được mẹ sắm sửa cho sách bút, thước kẻ rất đầy đủ. Nhưng bọn chúng rất hay nói chuyện riêng, ăn vặt trong lớp, không chú ý nghe thầy giáo giảng bài. Đã thế, chúng lại hay chê bai các loài khác như lũ gà, ngan, vịt con.
            Một hôm, thầy giáo thiên nga đem đến lớp một cái lọ rất đẹp. Đó là một lọ mực quý. Thầy tuyên bố:
            - Trong lớp, em nào làm bài kiểm tra đạt điểm cao nhất sẽ được thầy thưởng cho lọ mực này. Các em cố gắng lên nhé!
            - Chúng em sẽ cố gắng ạ!
            Bọn vịt gà ngan ngỗng đồng thanh đáp. Chúng lập tức vùi đầu vào học. Ai cũng quyết tâm dành điểm cao nhất để được nhận phần thưởng của thầy.
            Bọn ngỗng con quả là rất sáng dạ. Khi chúng đã tập trung học tập thì thì quả nhiên kết qủa cao nhất lớp. Tuy nhiên do tính kiêu căng, tự phụ không chịu chia xẻ, nhường nhịn nhau nên nhận phần thưởng của thầy giáo về bọn chúng tranh cướp nhau chí choé. Chẳng may do tranh nhau bọn ngỗng con hất tung lọ mực lên cao. Mực đổ tung toé làm bẩn bộ lông trắng tinh của chúng. Nhiều con bị mực nhuộm làm đen kịt cả bộ lông. Có con thì dính mực loang lổ. Những con đứng xa thì may mắn vẫn còn giữ được bộ lông trắng.
Lũ ngỗng con kêu khóc ầm ĩ chạy về gọi mẹ.
Mẹ ngỗng lấy nước sạch tắm cho lũ ngỗng con. Nhưng mọi cố gắng của mẹ cũng chỉ làm cho bộ lông của chúng bớt đen đi đôi chút.
          Chính vì thế mà đến tận bây giờ trong đàn ngỗng có con lông rất trắng, có con màu xám tro như ngày nay. Vì thế bọn ngỗng rất bực tức. Ra đường gặp trẻ con là chúng hay gây gổ, đuổi theo doạ cắn. Chính là chúng sợ bọn trẻ con chúng ta cười chê loài ngỗng đấy!                                      
                                                                                         Ngày 31/1/2010
                                                                                               Trọng Bảo

Lời thề chó sói

          Trong khu rừng nọ có nhiều loài chung sống. Bọn chúng sống hoà hợp, thương yêu nhau. Duy chỉ có thằng chó sói là cả rừng ai cũng ghét vì nhà nào sơ hở là nó lẻn vào ăn cắp ngay. Chó sói bị cô lập, thui thủi một mình, chả ai thèm chơi với nó.
          Một hôm, chó sói đi lang thang trong rừng tìm bạn. Nhưng các loài vừa nhìn thấy nó là lảng tránh ngay. Nhiều loài còn ném theo ánh mắt khinh bỉ và những lời dè bửu khiến nó vừa nhục lại vừa tức. Đến cuối khu rừng nó chợt gặp lão cáo già ốm yếu hom hem đang ngồi gặm một khúc xương khô. Lão này cũng là một tên gian manh, thủ đoạn nhất ở trong rừng. Nhìn điệu bộ của sói, lão biết ngay là nó đang bị các loài khinh ghét, cô lập. Lão bèn ậm è hắng giọng rồi bảo:
          - Đi kiếm cho tao cái gì ăn được rồi tao bày cách cho...
          - Bác bày cách gì ạ?
          - Cách để mày được mọi loài trong rừng kính nể, tôn trọng!
          - Thế ạ! Có đúng là bác giúp cháu được như vậy không ạ!
          - Được chứ! Mày không tin tao à?
          - Tin... cháu tin... tin...
          Thằng chó sói đáp rồi phóng đi luôn. Chỉ một lát sau nó đã xoáy được của gà rừng một ổ trứng, của lũ khỉ vài nải chuối, của đàn ong mấy bầu mật ngọt đem về cho lão cáo già. Lão cáo cười tít cả mắt vồ ngay lấy những thứ thằng chó sói vừa ăn cắp được. Ăn uống ngon lành, no nê xong lão mới bảo:
          - Để được mọi loài tôn trọng dứt khoát chú mày phải lên làm lãnh đạo...
          Thằng sói vừa nghe đã giãy nảy kêu lên:
          - Cháu... cháu làm sao mà lên làm lãnh đạo được! Mà có muốn thì các loài trong rừng cũng chả ai tín nhiệm cháu đâu!
          - Vấn đề là ở chỗ đó! Mày quen ăn cắp vặt nên mới mất uy tín. Mày đã biết câu chuyện về con mèo cắp miếng thịt và con hổ tha con lợn chưa?
          - Có, cháu có biết ạ!
          - Thế đấy! Làm quan lấy cả con lợn chả sao, làm dân ăn vụng một miếng thịt thì bị đập chết ngay. Hiểu không?
          - Vâng...
          - Vậy nên... bây giờ tao bày cho mày cách thế này. Tại buổi họp toàn khu rừng sắp tới mày phải kiểm điểm nghiêm túc và xin thề sẽ tu tỉnh lại mình, không bao giờ trộm cắp nữa. Sau đó mày phải làm đúng như thế. Từ từ rồi tao sẽ tìm cách giới thiệu để mày làm trợ lý cho ngài sư tử chúa rừng.
          Tại buổi kiểm điểm, thằng sói khóc lóc vẻ ân hận và luôn miệng xin thề sẽ sửa chữa khuyết điểm khiến muôn loài đều thương cảm. Riêng mụ cá sấu thì bữu môi cười nhạo. Quả đúng như lão cáo già tính toán, một thời gian sau không còn ai ghét và xa lánh chó sói nữa. Muôn loài đã cả tin vào lời thề chó sói. Lão cáo già tìm cách tiếp cận giới thiệu, thuyết phục chúa sơn lâm thu nhận nó làm trợ lý. Chó sói oai hẳn. Nó cung phụng chúa sơn lâm rất chu đáo nên ngày càng được tin dùng. Bây giờ thì nó chẳng thèm ăn cắp vặt nữa. Dựa thế sư tử nó làm toàn những phi vụ lớn. Mọi loài đều biết nhưng không làm gì được chó sói vì chứng cứ không đầy đủ và cũng sợ uy của chúa sơn lâm nữa. Đánh chó phải ngó mặt chủ. Mụ cá sấu vốn liều lĩnh mấy lần phục kích định trị cho nó một trận. Nhưng chó sói biết và tránh được. Nó nghĩ cách xúi bẩy để chúa sơn lâm điều cả nhà cá sấu đi canh đê ở mãi tận dưới đồng bằng nên bị con người săn lùng đến gần tiệt chủng.
          Tình hình khu rừng ngày càng thêm xấu đi. Chúa rừng bị che mắt bởi thằng sói gian manh thao túng. Nó tranh thủ vơ vét nhiều khoản đóng góp của các loài nói là để phục vụ chúa rừng, nhưng sư tử được một thì nó ăn hai. Trước tình hình ấy, chú sóc thông minh bèn hiến kế:
          - Hiện nay loài người đang chống tham nhũng. Họ có rất nhiều kinh nghiệm tốt, chúng ta nên cử chuyên gia đi gặp loài người để học hỏi kinh nghiệm.
          Muôn loài trong rừng đều cho đó là ý kiến hay. Bọn chúng quyết định cử một số loài thông minh nhất khu rừng như hổ, báo, khỉ, thỏ, rắn, rùa đi học tập kinh nghiệm chống tham nhũng. Chú vẹt biết ngoại ngữ, nói được tiếng người nên được giao nhiệm vụ làm phiên dịch.
          Không biết đoàn đi học chống tham nhũng của loài vật kết quả thế nào thì phải đến hồi sau mới rõ.
                                                                                  Ngày 10/5/2010
                                                                                      Trọng Bảo

Đời lươn chạch

            Tại khu đầm lầy ngập nước có rất nhiều loại cá hoang. Nổi tiếng ngang tàng hay quậy phá là hai anh em nhà lươn chạch. Bọn chúng cậy có thân hình dài và nhẵn như một mũi tên nên bơi nhanh vun vút. Trong đầm có việc gì xảy ra bao giờ chúng cũng có mặt trước tiên. Phát hiện ra nơi nào có thức ăn là chúng liền lao ngay đến xí phần trước. Do nhiều lần đoạt giải nhất các cuộc thi bơi nên chúng lên mặt coi thường các loại cá khác. Lúc nào chúng cũng khoe khoang tự phụ, cho mình là thông minh, tài giỏi nhất.
            Một hôm trong khu đầm lầy xuất hiện một mụ cá sấu. Mụ này bị con người săn lùng lấy da làm ví đựng tiền đâm trượt nên chột mất một mắt. Mụ ta phải đeo một mảnh lá sen che bên mắt chột nên trông như một tên cướp biển. Mọi loài cá trong đầm lầy đều cảnh giác vì mụ cá sấu rất thâm hiểm, gian giảo. Mụ ta đi đến đâu các loài đều lảng tránh, đề phòng. Một bữa mụ đang lừ lừ bơi giữa đầm thì gặp anh em nhà lươn chạch. Mụ ta khích:
            - Chúng mày cứ khoe là bơi nhanh nhưng tao thấy bọn cá trôi, cá chép, cá chuối còn bơi nhanh hơn rất nhiều!
            Hai anh em lươn chạch sửng cồ:
            - Chúng cháu bơi nhanh nhất… nhanh nhất…
            - Chưa chắc! Tao không tin!
            - Bà không tin thì xem chúng cháu bơi nhé!
            - Tao sẽ tin nếu chúng mày dám thi bơi với các bọn cá khác đủ tám vòng quanh hồ.
            - Thi thì thi… chúng cháu sợ gì? Chúng cháu sẽ chấp các loài cá khác một vòng đầm.
            Lươn và chạch nói và đi tìm các loại cá khác để thách đấu thi bơi. Chúng lên giọng chê bai, dè bửu khiến nhiều loài cá thấy rất tự ái vì bị xúc phạm. Họ đều ghét lươn và chạch nên gọi nhau đi thi rất đông quyết làm cho hai thằng này một phen bẽ mặt. Lão rùa có kinh nghiệm sau lần thi chạy với thỏ nên hăng hái nhận làm trọng tài.
            Bọn cá sẽ thi bơi việt dã tám vòng quanh đầm lầy. Toàn những con cá béo khoẻ dự thi. Lão rùa phất cờ lệnh. Bọn cá ào ào lao vào đường bơi trong khi lươn chạch thì đủng đỉnh. Với thân hình nhọn như mũi tên chúng chỉ cần co người bắn một phát là vượt tất cả bọn cá khác. Khi bọn cá đã bơi được một vòng lươn chạch mới bắt đầu xuất phát. Sau ba vòng đầm lầy lươn và chạch đã bơi kịp bọn kia rồi vượt lên dẫn đầu. Đến vòng thứ bảy thì bọn cá đã thấm mệt. Nhiều con bơi lờ đờ miệng thở ra toàn bong bóng. Ở khu vực đích rất nhiều bố mẹ bọn cá đang háo hức chờ để đón đoàn thi bơi về đích. Không ai để ý mụ cá sấu lặng lẽ lùi lại phía sau và bơi lảng đi. Mụ ta vòng sang bên kia bờ đầm đón đoàn cá thi bơi về vòng cuối cùng. Mụ nấp sau một bụi cỏ rậm. Mỗi khi có con cá nào bơi qua chỉ cần ngoác mồm ra đớp một cái mụ đã nuốt gọn vào bụng. Gần như cả đoàn cá thi bơi đến vòng cuối cùng đều lọt vào cái miệng há ngoác to của mụ cá sấu chột mắt.
            Chờ mãi không thấy con cá nào bơi cán đích ngoài hai thằng lươn chạch đoạt giải nhất và giải nhì bố mẹ bọn cá tham dự thi mới đổ đi tìm. Lũ cá hốt hoảng khi gặp những cái vây, cái vảy cá trôi rải rác dọc đường bơi. Nhưng tiếng gọi con thảng thốt sủi bong bóng lên khắp đầm lầy. Mụ cá sấu chột mắt bụng no tròn đang nằm phơi nắng trên bờ cười sằng sặc bảo:
            - Đừng gọi nữa, lũ nó đã nằm trong bụng tao cả rồi. Hãy nhớ lấy hôm nay chính là ngày giỗ của bọn chúng… hi… hi… hi…
            Mụ cá sấu nói thêm:
            - Cám ơn hai thằng lươn chạch đã tổ chức cuộc thi này giúp tao có một bữa ngon. Tao công nhận là chúng mày bơi nhanh nhất… he… he… he…
            Đám cá bố mẹ kêu khóc và quay lại đuổi đánh lươn và chạch. Lươn chạch lao về nhà gọi bố mẹ chạy trốn. Nhưng biết chạy đi đâu. Cả nhà lươn chạch vội chui sâu xuống bùn để trốn tránh. Sau vụ thảm sát ở đầm lầy ấy, bọn cá quyết định khai trừ lươn chạch ra khỏi cộng đồng.
            Kể từ đó loài lươn chạch phải sống chui rúc dưới bùn. Thi thoảng khi các loài cá khác không để ý chúng mới dám nhoáng nhoàng ngoi lên đớp vội một chút không khí rồi lại chui ngay xuống lớp bùn bẩn thỉu ẩn náu. Sống chui lủi mãi dưới bùn đen thiếu ánh sáng nên đôi mắt của lươn và chạch trở nên ti hí lờ đờ. Chuyện đời lươn chạch là như vậy. Và đến nay thì chúng không thể bơi nhanh được nữa.
                                                                                                       Ngày 12/5/2010
                                                                                                            Trọng Bảo

Thi lại

            Cuộc thi bơi của cá trong khu đầm lầy kết thúc bằng một vụ thảm sát (*). Mụ cá sấu được bữa chén no bụng các vận động viên. Lươn và chạch phải chui xuống tận bùn đen để trốn tránh sự tức giận của loài cá. Lão rùa già làm trưởng ban giám khảo cũng bị cả làng cá trong đầm nguyền rủa thậm tệ vì công tác tổ chức quá kém, lại tự ý đưa cả mụ cá sấu vào bộ phận giám sát để mụ ấy có cơ hội tiếp cận, chén thịt hết các vận động viên. Các loài thuỷ sản còn dè bửu lão rùa gian lận nên mới giành được chiến thắng trong cuộc thi chạy với thỏ năm xưa.
            Lão rùa già tức lắm. Lão quyết tâm bò lên bờ đi tìm loài thỏ để thách đấu thi lại. Đi mãi, đi mãi, lão rùa mới gặp được hai anh em nhà thỏ đang ngồi gặm cà-rốt ở góc ruộng. Vừa nhìn thấy lão, anh em nhà thỏ đã ngọt nhạt:
            - Chào bác rùa! Bác lại chiến thắng ở cuộc thi nào mà có vẻ vui thế?
            - Lâu nay tao có thi thố gì đâu mà chiến thắng!
            - Ồ... đúng vậy! Cuộc thi chạy với ông nội chúng cháu năm xưa bác quá thừa thãi sự vinh quang rồi còn gì!
            - Sau cuộc thi chạy với ông chúng mày năm ấy các loài đều chê bai tao gian lận, bố trí họ hàng nằm ém sẵn dọc đường đánh lừa loài thỏ nên mới chiến thắng. Bây giờ tao muốn thi lại để chứng minh loài rùa vẫn luôn luôn chiến thắng.
            Anh em nhà thỏ phá lên cười ngặt nghẽo:
            - Bác ơi! Bác già cả lú lẫn, lẩm cẩm quá mất rồi! Bây giờ cây cối rừng rú bị con người chặt phá hết sạch, đường xá trống trơn, họ hang nhà bác làm gì còn chỗ ẩn nấp trong các bụi rậm ven đường để lừa chúng cháu được nữa mà đòi thi lại? Hi... hi...
            - Thế chúng mày có dám thi chạy lại với tao không?
            - Thi thì thi... lần này bác thua là chắc chắn rồi!
            Hai anh em nhà thỏ vênh vang chủ quan. Lão rùa liền đưa bản thể lệ cuộc thi ra. Hai anh em nhà thỏ chẳng thèm xem kỹ đã ký đồng ý ngay. Chúng không chú ý ngón tay lão rùa che lấp mất một chữ trong văn bản.
            Giao kèo với anh em nhà thỏ xong, lão rùa bò ra bãi đất trống nằm im chờ đợi. Một mụ diều hâu đậu tít trên đỉnh núi cao trừng trừng ngó xuống quan sát. Tưởng là một con rùa chết, mụ ta liền sà xuống định rỉa thịt ăn. Lão rùa tóm ngay được chân mụ diều hâu. Mụ ta hốt hoảng cuống cuồng đập cánh bay lên nhưng không được. Lão rùa gìm giữ chặt chân mụ ta. Mụ cuống quýt van xin:
            - Bác... bác tha cho em... em còn con nhỏ ở nhà...
            - Đừng sợ... đừng sợ... Ta không đớp gãy chân của chị đâu! Ta đang muốn nhờ chị một việc đây!
            - Việc gì ạ?
            - Ngày mai ta sẽ lại thi chạy với bọn thỏ nên nhờ chị đến giúp sức!
            - Em bay trên trời thì được, chạy trên mặt đất thì chậm chạp lắm, làm sao mà giúp bác được ạ?
            - Không cần chị thi hộ. Chỉ cần chị đậu ngay trên ngọn cây gần vạch xuất phát, khi có hiệu lệnh của ta thì lao xuống sát đầu hai thằng thỏ làm như sẽ chộp quắp bọn chúng bay đi hiểu không!
            - Thế em sẽ chén thịt bọn chúng luôn chứ ạ?
            - Không được làm bậy! Chỉ cần dọa cho hai thằng thỏ hoảng sợ là được!
            - Vâng... vâng... em nhớ rồi.
            Lão rùa thả cho mụ diều hâu bay đi.
            Hôm sau cuộc thi bắt đầu. Nhiều loài kéo đến xem rùa và thỏ thi chạy. Anh hổ ở tít tận trong rừng sâu cũng mò ra bìa rừng chứng kiến. Lão rùa và hai anh em nhà thỏ vào vạch xuất phát. Khi thằng trâu rừng được giao làm giám khảo mở bản điều lệ cuộc thi ra đọc anh em nhà thỏ mới ngớ người ra. Đây là một cuộc thi chạy... chậm. Thì ra hôm qua lúc đưa bản điều lệ ra cho anh em nhà thỏ xem lão rùa cố ý dùng ngón tay che kín chữ "chậm" nên anh em thỏ không biết.
            - Cũng chả sao! - Anh em nhà thỏ bảo nhau: - Không phải cố chạy càng đỡ mỏi mệt...
Thế là hai anh em thỏ nằm lăn ra vạch xuất phát nghỉ ngơi và tranh thủ gặm cà-rốt. Lão rùa già cũng nằm im không nhúc nhích. Đây là cuộc thi chạy chậm nên ai rời khỏi vạch xuất phát trước tức là thua. Lão rùa khẽ quay đầu lại ngước mắt lên nhìn. Mụ diều hâu đã đậu sẵn trên cành cây. Lão ngoắc tay một cái, mụ ta liền rít lên, ngoác to cái mỏ, xòe bộ móng vuốt nhọn hoắt ra lao xuống. Hai anh em nhà thỏ ngoái đầu lại nhìn thấy mụ diều hâu đang sà xuống thì hốt hoảng phóng vọt ngay lên phía trước. Muôn loài thấy thế reo ầm lên:
            - Thỏ thua rồi... thỏ thua rồi... th... u... a... r...ồ...i...
            Thế là dù thi chạy nhanh hay thi chạy chậm thì thỏ vẫn cứ bị thua rùa.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét