Cha mẹ không hiểu con cái hay con cái không hiểu cha mẹ, ông bà, theo tôi, đều bắt đầu từ một nguyên nhân: cái tôi quá lớn! Từ cái tôi đó, cha mẹ luôn muốn con cái phải suy nghĩ giống mình và làm những gì mình muốn, và ngược lại.
Một học sinh nam, lớp 10, trường Lương Thế Vinh (quận 1) nhiều năm trước, đã tâm sự với tôi - cô giáo của em: “Mẹ em không cần biết em nghĩ gì, cứ bắt em làm theo ý mẹ, từ ăn mặc đến học hành, giải trí và kết bạn. Mọi mối quan hệ bạn bè của em, mẹ đều ngăn cản, chỉ muốn em tập trung vào một điều duy nhất là việc học”. Cuối cùng em “bung” ra, gia nhập nhóm bụi đời để được tự do. Lỗi đó, trước khi nói về em, hãy nghĩ lại thái độ giáo dục của người mẹ: bắt thằng con trai 14 tuổi có suy nghĩ và hành động của một bà mẹ 40 tuổi!
Cha tôi và tôi rất thân nhau dù hai cha con cách nhau đến hơn 40 năm. Tôi nhớ ngày trước đi học về, tôi thường kể cho ông nghe về những người bạn, về bài học của thầy cô giáo, những va chạm giữa bạn bè trong lớp… Mọi chuyện ông đều giúp tôi giải quyết êm đẹp. Ông không áp đặt tôi phải làm thế này, không được làm thế kia mà luôn hỏi ý tôi trước, xem tôi muốn giải quyết thế nào, sau đó mới phân tích và trao đổi cùng tôi. Sài Gòn thập niên 60 thế kỷ trước có phong trào mặc mini jupe bị nhiều người lên án, trong đó có mẹ tôi. Vậy mà ông thuyết phục mẹ may cho hai chị tôi những chiếc mini jupe. Chúng tôi luôn nhớ lời ông nói với mẹ tôi: “Đặt mình vào vị trí con gái mới lớn, thích ăn diện, sẽ thấy chẳng có gì đáng quan tâm hơn niềm vui của con cái”.
Ba tôi mất đi, chúng tôi vẫn luôn nhớ lời ông. Tôi đã áp dụng câu nói của ông vào chính mối quan hệ với mẹ tôi, khi bà cao tuổi, trái tính trái nết: hãy đặt mình vào vị trí của mẹ để biết tại sao mẹ giận dỗi khi các con “bung” ra đi làm, để mẹ ở nhà một mình. Đặt mình vào vị trí mẹ để biết sao mẹ không thích uống thuốc khi bệnh mà chưa có đứa con cháu nào hỏi thăm. Chẳng những thế, chúng tôi còn đặt mình vào vị trí con cháu để hiểu sao chúng thích học ngành này mà không học ngành kia, sao chúng thích bộ phim này, phim kia, thức suốt đêm để xem cho hết…
Vì thế, tôi nghĩ, mâu thuẫn giữa các thế hệ là do bên nào cũng giữ cái tôi của mình quá lớn, không “hạ mình” đặt bản thân vào vị trí con cái nếu là cha mẹ, hay ngược lại, để hiểu, để yêu thương, để cảm thông… Tất cả sẽ qua hết nếu mỗi thế hệ chịu “nhường bước” một chút, vì hạnh phúc chung của gia đình.
NGUYỄN NGỌC HÀ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét