Nghệ thuật ở đời: Làm người khó

Ngày xưa, nhà hiền triết có một không hai phương Đông – Khổng Tử đã nói một câu chí lý. Vị nhân nan, làm người thì khó !



Lời nói này ngàn xưa cho đến bây giờ luôn luôn được coi như là một khuôn vàng thước ngọc, một định luật bất dịch trong kiếp sống con người. Đã sinh ra làm người tự nhiên vấn đề đạo đức đã khép chặt vào đời sống, con người tự dính liền vào bản ngã thiên nhiên. Vấn đề đạo đức trở thành một vấn đề tối yếu cho riêng mỗi con người. Không thể vì một lý do này hay một lý do khác con người có thể đặt cho mình một giới hạn của đạo đức, cuộc sống con người cũng không thể tách rời ra khỏi hai tiếng đơn sơ ấy.

Đạo đức từ ngày ấy đã làm thành một cột trụ để kiến tạo cuộc đời. Chúng ta không có quyền từ chối, không chấp nhận đạo đức nữa, nó đã trở thành một khuôn thước tinh thần nếu chúng ta ngày nào còn đón nhận cuộc sống là ngày ấy còn phải chấp nhận giá trị của luân lý cổ nhân.
Giá trị của đạo đức là như thế.

Trở lại phạm vi giới hạn của cuộc đời, chúng ta có thể tự tìm lấy cho mình một hy vọng trong tương lai cũng như chính mình sẽ có thể tự đào sẵn một ngôi huyệt để hủy diệt cuộc đời nếu có hoặc không đạo đức.

Trên bình diện xử thế, đạo đức làm thành một cái gạch nối liền giữa người này và người khác, giữa gia đình này và gia đình khác cũng như làm nổi bật cá tính mỗi người trong nghệ thuật xử thế.

Đối với cá nhân, cuộc sống tinh thần của con người có làm cho người khác kính trọng hay không đều do nghệ thuật xử thế mà ra.

Một nhà hiền triết khác đã nói:
“Khôn cũng chết.
Dại cũng chết.
Duy chỉ có biết thì sống !”

Chính con người có tạo được thành công cho tương lai không là do sự hiểu biết. Đối với cuộc sống cơ năng hiện hữu với một xã hội bon chen luôn luôn lọc lừa tráo trở thì “cái biết” lại càng thêm quan trọng. Trong xã hội đã có biết bao nhiêu người khôn ngoan bản lĩnh, tài sức có thừa thế mà vẫn chết, vẫn thất bại chua cay; chỉ có những con người luôn luôn biết hướng thiện, biết thực lực của mình và ý kiến của người mà họ đã tạo được thành công. Đối với họ, sự thành công không phải là một chuyện thiên nan vạn nan mà là dễ dàng, nhưng cái dễ dàng ấy không phải ai cũng tạo được mà thực sự chỉ có ai “biết” mới thành công.

Làm bất cứ chuyện gì, con người luôn luôn suy nghĩ đắn đo. Thế nhưng! Có một điều tai hại là suy nghĩ đắn đo nhưng không phải làm như vậy là đã thành công mà vẫn luôn luôn thất bại.

Vậy làm thế nào để tránh?
Nguyên nhân nào đã giúp họ thành công?

Liều thuốc duy nhất giúp họ tránh khỏi thất bại và đem lại thành công là do nghệ thuật xử thế và khuyến dụ lòng người mà ra. Con người muốn tạo được thành công về mọi mặt phải có một sở trường về xử thế và khuyến dụ lòng người.

Đứng trước cuộc đời bạn hãy bình tĩnh và sáng suốt để thăm dò đối tượng của bạn. Khi đó, bạn hãy uyển chuyển để tạo sự hòa nhã, ấm êm. Bạn hãy cố tình làm vui lòng kẻ khác để gây thêm thiện cảm và sau đó bạn hãy hướng dẫn tương lai, có thế mới đạt được thành công mong muốn.

Từ trang đầu đến giờ tôi chỉ đặt cho bạn một phương thức, vạch cho bạn một con đường mà ở đó còn nhiều chông gai hiểm trở khác mà bạn cần phải theo. Sau đây là một vài trở ngại mà bạn hãy cố gắng, cố tập luyện cho mình thành một thói quen trước khi xử thế.

Những tiêu đề dưới đây là những quy tắc cần thiết mà tất cả mọi người nếu muốn thành công trên đường đời đều không thể thiếu.

1) Huấn luyện cuộc đời hay tìm cho mình một nghệ thuật sống.

Trước nhất chúng ta muốn thành công trên đường đời chúng ta phải tự huấn luyện cuộc đời, làm cho cuộc đời trở nên sôi động có ý nghĩa mà không phải khô khan cằn cỗi. Nói một cách khác là trước khi muốn thành công trên đường đời chúng ta phải lý tưởng hóa cuộc đời, nghệ thuật đó còn gọi là một nghệ thuật SỐNG.

Trong cuộc sống, chúng ta có nhiệm vụ cấu tạo những đức tính cần thiết để tự tạo cho mình một sự thành công trong đời sống cá nhân đối với xã hội, cũng như sự sống của chúng ta phải thích hợp với sự sống thực tế bên ngoài. Sự cấu tạo những đức tính đó mang đến cho chúng ta những sức mạnh về vật chất, những năng lực của tinh thần, những tài ba cá nhân và những bản ngã siêu việt. Tất cả những thứ ấy tạo cho chúng ta một nguồn sinh khí, gây cho cá nhân chúng ta những hậu thuẫn tinh thần và đào thải những gì vô ích cho đời sống. Ngoài ra các thứ ấy còn tạo cho chúng ta những kết quả của cuộc đời như biến chúng ta thành quyến rũ, gây ảnh hưởng và làm người khác mến phục.

Cốt yếu của nghệ thuật chinh phục cuộc đời là phải biết cách lợi dụng bản thân - khai thác đúng mức và đúng chỗ những khả năng và khuynh hướng của riêng mình - để tự tạo cho mình một thế đứng, gây cho mình một hậu thuẫn, tự làm cho đời mình có một mục tiêu, phải biết khai thác để tạo được cho đời mình có một mục tiêu, tức là đã tìm được cho mình một lý tưởng, giúp cho cuộc đời càng thêm có ý nghĩa nhiều hơn, là lúc ấy con người của cá nhân sẽ không còn là một thứ hàng vô dụng mà ngược lại nó là một thứ vật đa năng.

Tạo được cho mình một lý tưởng tức là tự mình khai thác một lối đi. Sống trong cuộc đời chúng ta phải tự tin ở chính mình trước khi tin vào người khác. Bạn hãy tự vẽ cho bạn một con đường trước khi có người hướng đạo. Cuộc đời có nghĩa hay không là như thế, chúng ta hãy tự tin vào bản năng của riêng mình trước khi có người khác giúp đỡ. Tin tưởng vào cá nhân để rồi tùy theo khả năng và mục đích của riêng mình mà tạo sự thành công trong tương lai sắp đến. Bạn hãy tập cho quen dần để đến một ngày nào bạn sẽ tự an lòng mà tạo lập tương lai.

2) Hướng đến tương lai.

Cuộc đời nào cũng có quá khứ, quá khứ ấy có thể là vàng son nhưng cũng có thể là thê lương đen tối. Con người trước khi muốn đi vào tương lai phải xa dĩ vãng, thực tại của cuộc đời là đáng nói và ghi nhận. Trong quy luật kiến tạo tương lai nếu muốn thành công con người phải hướng mắt nhìn thẳng vào tương lai, tin tưởng tuyệt đối, con người phải sống như thế và làm như thế mới mong thành công. Người nào chỉ hoài vọng quá khứ chối bỏ tương lai như thế thành công chỉ là cái bóng.

Nhưng làm thế nào biết tạo cho mình một nghệ thuật sống và cần phải có điều kiện gì để thành công trong nghệ thuật xử thế? 

Trích "Tinh hoa xử thế" - Lâm Ngữ Đường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét