Đã được gần một thập kỉ kể từ khi game online bén rễ vào nước ta, bắt đầu phát triển để trở thành một ngành công nghiệp ăn nên làm ra như hiện nay. Một chặng đường dài đã qua, làng game Việt trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió với vô số biến động.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, có lẽ chúng ta vẫn chưa thực sự là một thị trường hoàn toàn bền vững. Hãy nhìn lại một vài biến động trong những năm qua để ngẫm lại sự phát triển của làng game Việt Nam.
Trào lưu “game thuần Việt” đã hết
Đã một thời, “game thuần Việt” trở thành một trào lưu mà các NPH Game nước nhà rất háo hức. Khởi đầu khi VNG đầu tư làm Thuận Thiên Kiếm, nhưng phải đến năm 2010 thì phong trào này mới thực sự nở rộ khi hàng loạt công ty nhảy vào làm game. Họ đầu tư vào các studio để sản xuất game và ào ạt tuyển nhân viên.
Sự phát triển ồ ạt này một phần lí do nằm ở doanh thu béo bở mà game online mang lại khiến các doanh nghiệp “tay mơ” cũng ham muốn nhảy vào. Một phần nữa, đó là thời điểm mà nhiều cá nhân tâm huyết với game đã có đủ kinh nghiệm cũng như nguồn lực để làm game. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là năm 2010, bộ Thông tin – Truyền thông đã quyết định tạm ngừng cấp phép cho các game nhập ngoại, khiến các doanh nghiệp làm game tin rằng tự sản xuất game sẽ là phương hướng đúng đắn nhất.
Ngỡ như “game thuần Việt” sẽ là một thế lực mạnh ở thị trường nước nhà trong tương lai, thế như thật đáng tiếc, trào lưu này nhanh chóng lụi tàn bởi nhiều lí do.
Thứ nhất, game thủ không quá quan tâm nguồn gốc game, mà họ mong muốn game phải hay. Và với lí do đó, các game của chúng ta sản xuất vẫn còn là những con bài non tơ, chưa thể sánh với “hàng ngoại”.
Thứ hai, các studio của nước nhà vẫn còn lúng túng trong việc làm game, từ ý tưởng, sản xuất cho đến việc tìm đầu ra, trong khi các game nước ngoài thì làm rất trơn tru bởi kinh nghiệm sản xuất game rất nhiều.
Thứ ba, lí do quan trọng nhất là cơn bão webgame, game lậu đã và đang tràn ngập thị trường đã cướp mất thị phần của các game thuần Việt. Với ưu điểm rẻ và đồ họa chấp nhận được, các NPH game lớn nhỏ trong nước thi nhau mua webgame về phát hành thay vì phải mất công sản xuất. Thêm vào đó, một số công ty game có nguồn gốc Trung Quốc hoặc do doanh nghiệp Trung Quốc đỡ lưng đã tuồn rất nhiều game vào phát hành lậu với những thủ đoạn rất bỉ ổi.
Xu thế 3D dần lên ngôi
Được thắp lên từ lâu, nhưng ngay cả cuộc đổ bộ quy mô năm 2008 với 3 cái tên đình đám Atlantica, Granado Espada và Twelle Sky 2 vẫn không thể giúp cho xu thế 3D vượt mặt được đồ họa 2D đơn giản mà dễ nhìn. Nhưng quãng thời gian sắp tới sẽ hoàn toàn khác hẳn.
Nhìn ra thị trường game thế giới, chúng ta đều thấy hàng loạt các sáng tạo về công nghệ nhắm đến việc đưa game đến gần hơn với cuộc sống. Từ PS4, WiiMote cho đến Xbox One… và có lẽ chẳng mấy chốc nữa những sáng tạo như thế này sẽ tiến qua thế giới game online. Hiện nay, toàn bộ những game đỉnh cao trên thế giới đều đã 3D hóa hoàn toàn với đồ họa rực rỡ, nhằm đưa người chơi hòa vào thế giới game một cách chân thực nhất.
Khi xu thế 3D lên ngôi, khía cạnh cày kéo cũng dần bị bài xích. Sẽ không còn cảnh 1 máy cắm nhiều account một lúc, mà thay vào đó là việc mỗi người chơi sẽ tập trung vào một tài khoản, một nhân vật duy nhất để tận hưởng tất cả những tính năng của trò chơi. Auto cũng sẽ dần được loại bỏ khỏi game.
Chúng ta có thể thấy thời gian qua, hàng loạt game 3D liên tục được nhập về, chẳng hạn như VLTK phiên bản 3D, Cửu Âm Chân Kinh, Thần Ma Đại Lục… Chúng được chấp nhận và dần có chỗ đứng trên thị trường. Trong thời gian tới, chắc chắn chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của nhiều game online 3D hơn nữa.
Xu hướng tiến ra nước ngoài
Game online là một thị trường tuy không còn mới nhưng vẫn còn non trẻ. Sự tăng trưởng thần tốc của những đơn vị kinh doanh loại hình này đã minh chứng cho sự ăn nên làm ra của ngành công nghiệp game. Và chắc chắn, họ sẽ không chịu dừng lại ở thị trường Việt Nam.
Khởi đầu từ VTC với Linh Vương US, Korea đã cho thấy lợi nhuận lớn từ thị trường nước ngoài với những món ăn lạ dành cho họ. Rồi việc tiến dần sang các nước láng giềng như Campuchia với những con bài chủ chốt như Audition, Đột Kích, VTC đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường game khu vực.
Việc VTC, FPT tiến đánh G-Star là một sự khởi đầu đáng mừng cho ngành công nghiệp game online Việt Nam. Họ cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi ở các hội chợ game khác. Cho dù họ không tạo được nhiều chú ý, nhưng dần dần, chính những sự cọ xát như thế sẽ giúp cho họ dần chuyên nghiệp hơn trong cách làm game của mình. VNG cũng sản xuất nhiều game nhỏ để phát hành tại nước ngoài mà Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên.
Một vài tên tuổi sẽ “về vườn”
Như đã phân tích, trong những năm tới thị hiếu giành cho 3D sẽ chiếm ưu thế,điều đó khiến cho những game 2D, 2,5D đứng bên bờ của sự đào thải. Khi đó, những tên tuổi lão làng sẽ phải lần lượt ra đi.
Thời gian qua, có nhiều game lão làng phải nói lời chia tay, chẳng hạn như Granado Espada VN hay Chinh Đồ... Chúng không phải là những game tồi, nhưng sự lặp đi lặp lại sẽ khiến cho người chơi lão làng cảm thấy chán, trong khi game đã có tuổi, rất khó để kiếm được người chơi mới.
Cơn lốc game mới ập đến lại càng làm cho tình hình bi đát hơn. Game dù có cộng đồng tốt đến đâu thì họ cũng khó có thể cứ gắn bó hoài với nó, trong khi hàng loạt bom tấn cứ liên tục xuất hiện. Mất khách là điều khó có thể tránh khỏi với những cây đại thụ của làng game Việt. NPH cho dù có tâm huyết với game cũng không thể duy trì mãi khi nó không thể sinh lời nữa.
Một điều hiển nhiên, sẽ chẳng có game nào có thể tồn tại mãi. Cái gì cũng chỉ có một thời thôi, thế nên khi mà làng game nước nhà đang đứng trên ngưỡng cửa của sự đổi mới, không khó để nhận ra tương lai của các lão làng không còn dài nữa. Có thể, trong vòng vài năm tới, biết đâu sẽ có một vài tên tuổi lớn khác phải đóng cửa.
Như vậy, bước sang thập kỉ mới, một loạt sự thay đổi mang tính cách mạng sẽ đến với thị trường nước nhà. Sẽ có những tín hiệu vui, và cả những điều không vui, nhưng cho dù thế nào, hãy sẵn sàng đón nhận sự đổi mới đó.
Vĩnh Hậu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét