“Trẻ con như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Nhưng không ít trẻ con thời nay từ một làng quê yên tĩnh đến thành phố đông đúc đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh thái nhân cách và tội ác. Người ta đã cùng nhau tìm ra nguồn gốc của bức tranh đáng buồn này xem nó từ đâu đến, ở đâu mà ra, ai là tác giả của nó?
Gia đình, nhà trường, xã hội, nghèo đói, kinh tế khủng hoảng, nạn dối trá tràn lan và không ít “bề trên” thiếu gương mẫu đến mức không còn biết xấu hổ, các loại game bạo lực sát thủ của tuổi thơ, xa hơn, không ít người quy cho xã hội tiêu dùng và niềm say mê kiếm tiền làm giàu và ăn chơi được cổ vũ, khuyến khích. Có lẽ tất cả lĩnh vực này đều có “tay nhúng chàm”, ít nhiều vẽ nên những bức tranh tội ác ta đang phải đau xót nhìn ngắm và nếm trải.
Điều lạ lùng mà cũng là sự thật là không ít người trong lớp trẻ ngày nay bỗng cảm thấy gia đình quá chật chội, gia đình luôn mâu thuẫn với tuổi teen và khuynh hướng muốn sớm thoát khỏi sự kiềm tỏa của gia đình càng sớm càng tốt. Họ sớm yêu đương và cũng sớm chán gia đình. Họ muốn nương tựa vào bạn bè hơn cha mẹ, muốn chìm đắm sâu vào thế giới ảo của các loại game độc hại. Nói cách khác, gia đình không còn là tổ ấm đầy trìu mến khi gần và thương nhớ khi xa.
Tình yêu gia đình, nghĩa là tình yêu ông bà, bố mẹ, anh chị em, họ hàng, rộng hơn chút là bà con quê hương lối xóm, dần phai nhạt. Những sợi dây trói tinh thần truyền thống xưa nay vẫn giữ chân tay những thiên thần tuổi nhỏ thừa năng động và thiếu khôn ngoan, dễ bất trắc trong quỹ đạo luân lý, đạo đức như danh dự gia đình, dòng họ đang bị đứt từng mảng một. Không có nền tảng từ tình yêu gia đình làm sao có thể vun đắp những tình cảm lớn lao hơn? Những bậc huynh trưởng thông minh nhận ra trước hết mình hãy tự cứu con cái mình trước khi chờ trời cứu. Họ tìm đủ mọi cách để kéo con cái sát gần lại với gia đình. Và không ít người đã nhìn thấy sự thật đáng buồn: Thì ra trước nay chính bản thân họ và nhà trường cũng như xã hội đã xem nhẹ việc dạy cho trẻ tình yêu gia đình, xao nhãng việc dạy cho con em mình yêu những người ruột thịt và cuộc sống trong cái nôi ấm áp của chúng trước khi yêu những thứ lớn lao khác bên ngoài.
Một khi đã được giáo dục tốt để biết yêu gia đình, người trẻ trước khi tung cánh lên trời cao hay bôn ba năm châu bốn biển, đã sẵn một trái tim biết yêu thương người thân, yêu thương con người cụ thể chứ không chỉ là những khái niệm. Và từ tình yêu con người, những người trẻ ấy sẽ dễ dàng đến với Tổ quốc, nhân loại và cả thiên nhiên, đất trời.
Vì vậy, thật vui khi nghe Hội nghị T.Ư 8 bàn về cải cách giáo dục đã kết luận nhấn mạnh đến tình yêu gia đình đầu tiên, sau đó là “tình yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”. Và dạy trẻ con yêu gia đình không chỉ có thầy cô hay sách vở. Bài học thấm thía nhất, sâu sắc nhất là những tấm gương chúng thường soi vào, trong nhà và ngoài xã hội. Và tình yêu thương gia đình là sự cứu vớt hàng triệu tổ ấm trên đất nước đang bị đe dọa trước phong ba bão táp thời cuộc đâu có dễ dàng. Đó là chuyện của tất cả mọi người và của mỗi người, chứ không chỉ của riêng ai.
NGUYỄN QUANG THÂN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét