Bây giờ, nói với con trẻ rằng internet thật nguy hiểm, cảnh báo chúng rằng hãy tránh xa mạng xã hội như tránh một khu rừng đầy cạm bẫy, có vẻ không ổn. Bởi, nếu nói như thế, chính người lớn dường như cũng đang thể hiện sự bảo thủ của mình. Như mẹ tôi ở nhà, thấy cháu gái cầm điện thoại chơi game, nghe cứ nhịp nhàng ình ình xoẹt xoẹt; rồi thấy cháu năm bảy ngày thay một vỏ mới cho điện thoại, thì phát hãi, nhìn cái điện thoại như nhìn một sinh vật biết đổi màu, biết kêu la. Nói thế nào thì nói, bà chẳng bao giờ đụng vào “cái của ghê người” ấy.
<!-- more -->Tôi biết, một phần quan trọng trong thế giới của con gái lại đang “sống” trong “cái của ghê người” ấy, là mạng xã hội, là quan hệ bạn bè, là cả những kết nối công việc và học tập… Nên chối bỏ hay lánh xa nó tức là tự mình tước đi quyền được gần gũi và thấu hiểu con. Chính con cũng là người hướng dẫn tôi từng bước đăng nhập, lập tài khoản Facebook, hướng dẫn tôi cách xem hình ảnh mới của con, hay “like”, “comment” những gì con chia sẻ. Một thế giới sống động và khác lạ, đôi khi khiến tôi giật mình: tại sao con mình thể hiện quá nhiều quan điểm, hình ảnh, tình cảm… trong thế giới này? Vậy thì tham gia Facebook, từ góc độ người mẹ như tôi, cũng là một cách đi vào đời sống nội tâm của con gái, nói vui thì như đang… đọc lén nhật ký của nó, nhưng là “đọc lén công khai”.
Có lần cơm chiều đã bày ra bàn xong mà con gái vẫn lúi húi trước màn hình máy tính, gọi hai ba lần vẫn không nhúc nhích. Lúc ăn cơm, tôi đùa: “Con cứ như cô bé quàng khăn đỏ ấy!”. “Là sao hả mẹ?”. “Cô bé quàng khăn đỏ trong cổ tích thì đi vào rừng, mải mê đuổi bướm hái hoa; còn con lên mạng, tạt chỗ này một chút, tạt chỗ kia một chút, lang thang không biết đâu là điểm dừng, rồi trễ bữa cơm của mẹ”. Không biết thích thú điều gì trong so sánh đó, mà con bé cười nắc nẻ. Sau lần đó, tôi thấy con tiến bộ hơn, không sa đà khi lên mạng.
Thật ra, khi ví von con gái là cô bé quàng khăn đỏ, cũng là tôi đang sợ trong rừng có sói. Sự nhạt nhẽo vô vị, sự giận dữ ích kỷ của đám đông, sự hào nhoáng thuần hình thức… là một phần của đời sống ảo, làm sao tránh được. Mà dấu vết của con tôi sẽ lưu lại ở khắp nơi nó đã đi qua, trong mỗi câu nói nó chia sẻ với hàng trăm hàng nghìn người, trong mỗi hình ảnh đùa vui… Con sói của đời sống ảo đi theo dấu vết ấy.
Tôi nhớ lại một “sự cố”, đã lâu lắm rồi, khi mình còn đang là học sinh lớp 12. Ngày ấy, tôi là lớp phó học tập, được giao nhiệm vụ viết nhật ký lớp. Sau giờ học môn địa, tôi đã ghi vào nhật ký “Cô N. “khủng bố” lớp bằng một tiết học lê thê chịu không nổi!”. Chẳng hiểu thế nào mà cái câu ngắn ngủi ấy được cả lớp đồng cảm, rồi trang nhật ký ấy được lớp tôi chuyền tay nhau đọc, được photo chuyền sang cả lớp khác, lên cả bàn của thầy hiệu trưởng. Cô N. giận tôi lắm. Tôi không sao quên được cảm giác nhục nhã và… oan ức khi bị kiểm điểm trong giờ sinh hoạt lớp. Nghĩ lại thì câu chuyện ngày xưa đi học ấy cũng không khác lắm so với kiểu “vạ miệng” trên mạng bây giờ. Tốc độ lan truyền trên internet ngày nay còn khủng khiếp gấp trăm nghìn lần như thế. Con gái tôi, có thể gặp phải những tình huống nguy hiểm hơn.
Nhưng tôi vẫn nói với con, cuộc sống ảo cho mình quyền được quên đi những điều không mong muốn, để sống trọn vẹn với thế giới thật. Khi không muốn nhớ những phiền toái, ta có thể chủ động gạt bỏ nó ra khỏi sự quan tâm của mình. Tôi vẫn cùng lên mạng để theo sát con, nếu chẳng may một ngày con gặp “sự cố” trên mạng, tôi sẽ khuyên con dùng đến cái quyền cuối cùng ấy, quyền được quên đi, để bình yên rút lui trước những con sói xông ra từ rừng rậm ảo.
MAI SƯƠNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét