Home » , , » Matilda - Cô Bé Nghịch Ngợm chương 7

Matilda - Cô Bé Nghịch Ngợm chương 7

Chương 7 - Cô Honey

Matilda Cô Bé Nghịch Ngợm - Roald Dahl
Tác Giả: Roald Dahl
Thể loại: Dài, Tiểu Thuyết, Thiếu Nhi,
Quốc gia: Anh Mỹ
Truyện thiếu nhi Cô bé nghịch ngợm - Chương 05
 
Matilda bắt đầu đi học hơi trễ. Phần lớn, trẻ em vào trường tiểu học lúc năm tuổi (thậm chí còn sớm hơn chút xíu), nhưng bố mẹ Matilda chẳng hề quan tâm tới việc học của con gái, đã quên thu xếp mọi việc trước. Bởi thế, lần đầu tiên bé đến trường khi được năm tuổi rưỡi.
Ngôi trường làng dành cho trẻ em là một toà nhà ảm đạm xây bằng gạch, có tên trường Tiểu Học Cruchem. Sĩ số của trường khoảng hai trăm năm mươi em, tuổi từ năm tới dưới mười hai. Hiệu trưởng (tức người chủ trường) là một phụ nữ trung niên rất hung dữ được gọi là cô Trunchbull.
Matilda vào một lớp chỉ có mười tám đứa nhỏ vừa trai vừa gái bằng tuổi với bé. Cô giáo của lớp tên là cô Honey, và cô không thể nào nhiều hơn hai ba hoặc hai bốn tuổi được. Khuôn mặt nữ thánh xinh xắn của cô hơi nhợt nhạt với đôi mắt xanh và mái tóc màu nâu sáng. Thân hình cô mảnh mai tới nỗi người ta phải có cảm giác rằng, nếu bị ngã, cô sẽ bị vỡ tan thành ngàn mảnh như một bức tượng sứ.
Cô Jenifer Honey là một nhân vật điềm đạm cực kỳ. Chưa khi nào cô lên giọng với ai, và rất hiếm hoi cười, nhưng không hề nghi ngờ rằng, những em nào được cô dạy dỗ đều hết sức quý mến cô. Dường như cô thấu hiểu mọi bối rối và sợ hãi trong lần đến trường đầu tiên của các em. Khuôn mặt cô ánh lên vẻ ấm áp khi cô trò chuyện với đứa bé mới vào lớn học vẫn còn bỡ ngỡ và nhớ nhà.
Còn cô Trunchbull, hiệu trưởng, lại khác. Cô là người khổng lồ đáng sợ, một quái vật hung dữ, một kẻ làm cho không chỉ học trò mà cả giáo viên cũng khiếp sợ. Dẫu cô đứng từ phía xa, vẫn có vẻ gì đe doạ. Có khi cô lại gần, các bạn có thể cảm thấy sự toả nhiệt đầy nguy hiểm như bạn đang đứng cạnh một thanh kim loại nung đỏ. Lúc bước đi (cô Trunchbull không hề đi như chúng ta, cô sải dài chân như người lính đang đều bước), lúc cô bước đi dọc theo hành lang, bạn có thể nghe được tiếng khịt mũi của cô. Gặp nhóm trẻ nào đứng trước mặt, cô cứ lao bừa vào chúng như chiếc xe tăng, khiến bọn trẻ nhảy dạt qua trái hoặc qua phải để tránh né. Cám ơn chúa, loại người như cô không có nhiều trên đời này, mặc dù họ vẫn tồn tại, và chúng ta đều tình cờ gặp phải họ ít ra cũng một lần trong đời.
Chúng ta hãy tạm rời bỏ cô Trunchbull để quay về với Matilda và ngày đầu tiên bé học trong lớp cô Honey.
Sau công việc thường làm là điểm danh các em, cô Honey phát cho mỗi em một cuốn sách bài tập mới tinh khôi. Cô nói:
- Cô hy vọng các em đều mang theo bút chì của mình.
- Có ạ, thưa cô Honey.
Cả lớp hát lên.
- Tốt lắm. Hôm này là ngày học đầu tiên của các em, và cũng là ngày đầu tiên trong suốt quá trình mười hai năm học mà các em sẽ phải trải qua. Trong mười hai năm đó, các em sẽ học sáu năm đầu tiên tại trường Crunchem, mà vị hiệu trưởng là cô Trunchbull. Vì lợi ích của các em, cô sẽ nói vài điều về cô Trunchbull. Cô ấy đã ra một kỷ luật nghiêm khắc trong trường, và các em phải cố gắng cư xử thật tốt khi có mặt cô ấy. Không được cãi lại cô ấy. Hãy làm những gì cô ấy bảo. Nếu em không được cô ấy thích, em sẽ tả tơi như củ cà rốt bị đưa vào máy xay trong bếp. Không có gì để cười đâu, Lavender, đừng nhe răng ra như thế. Tất cả các em sẽ khôn ngoan mà nhớ rằng, cô Trunchbull giải quyết rất khắc nghiệt với những em nào bất tuân kỷ luật. Các em hiểu hết chứ?
- Hiểu ạ, thưa cô Honey.
Mười tám giọng nói ríu rít cùng vang lên.
- Bản thân cô muốn giúp đỡ các em học hành càng nhiều càng tốt ngay tại lớp này. Vì cô biết, về sau, mọi việc sẽ dễ dàng hơn đối với các em. Cô ví dụ, vào cuối tuần này, cô mong các em sẽ học thuộc lòng bảng cửu chương hai, và cuối năm học, cô mong chúng ta thuộc lòng bảng cửu chương thứ mười hai. Nào, trong số các em, ai thuộc bảng cửu chương hai rồi?
Matilda là đứa trẻ duy nhất giơ tay lên. Cô Honey nhìn kỹ vào đứa trẻ nhỏ xíu có mái tóc đen và khuôn mặt nghiêm nghị ngồi bàn nhì. Cô nói:
- Tuyệt lắm, em đứng lên và đọc những gì em nhớ.
Matilda đứng lên, đọc bảng cửu chương hai. Đọc tới 2 lần 12 là 24, bé không chịu dừng lại mà đọc tiếp tới 2 lần 13 là 26, 2 lần 14 là 28, 2 lần 15 là 30, 2 lần 16 là...
- Dừng lại!
Cô Honey bảo thế. Cô đã lắng nghe thật say sưa giọng đọc trôi chảy của bé, và hỏi bé:
- Em có thể đọc được tới đâu?
- Tới đâu hả cô? Em không biết, thưa cô, nhưng chắc chắn đọc được tới rất xa.
Cô Honey im lặng một lát rồi hỏi tiếp:
- Tức là em có thể biết 2 lần 28 là mấy?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- Là mấy?
- Là 56, thưa cô Honey.
- Thế, một số khó hơn nhé? 2 lần 487? Em biết chứ?
- Em nghĩ là biết ạ.
- Em chắc không?
- Chắc, thưa cô Honey.
- Vậy, 2 lần 487 là mấy?
- Là 974 ạ.
Matilda trả lời ngay. Giọng bé nhỏ nhẹ và lễ phép, không hề có chút dấu hiệu khoe khoang nào.
Cô Honey nhìn bé kinh ngạc, nhưng cô vẫn giữ giọng nói êm dịu bình thường:
- Thật là xuất sắc, nhưng tất nhiên là bảng cửu chương hai thì dễ hơn nhiều so với những con số lớn. Vậy em có biết các bảng cửu chương khác không?
- Em nghĩ là em biết, thưa cô Honey.
- Bảng nào, Matilda? Em biết tới đâu?
- Em... em không hiểu cô muốn hỏi gì ạ.
- Ý cô là, em biết bảng cửu chương 3 chứ?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- Còn cửu chương 4?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- Em biết bao nhiêu bảng cửu chương? Em biết tới bảng cửu chương thứ 12 chứ?
- Biết ạ, thưa cô Honey.
- 12 lần 7 là mấy?
- Là 84 ạ.
Cô Honey ngồi dựa lưng vào ghế. Cô thật sự xúc động bởi cuộc trò chuyện này, nhưng cô cố gắng không để cảm xúc bộc lộ ra ngoài. Cô chưa từng gặp một đứa bé năm tuổi (thậm chí mười tuổi) có thể nhân nhẩm trôi chảy như thế. Cô nói với cả lớp:
- Cô hy vọng các em đều nghe rõ. Matilda là một cô bé may mắn, có được ông bố bà mẹ tuyệt vời dạy em tính nhân với nhiều con số. Có phải mẹ em dạy em không, Matilda?
- Không phải ạ, thưa cô Honey.
- Vậy hẳn bố em dạy em rồi. Hẳn bố em là một thầy giáo tuyệt vời.
Giọng Matilda nhỏ đi:
- Ba em không dạy em điều gì cả, thưa cô Honey.
- Nghĩ là em tự học lấy?
- Em không biết ạ. Em thấy chẳng có gì khó khăn khi nhân một số này với một số kia.
Cô Honey hít một hơi dài rồi chầm chậm thở ra. Cô ngắm kỹ lần nữa đứa bé có đôi mắt sáng đứng nơi bàn trông thật nghiêm trang. Cô hỏi lại:
- Em nói, chẳng có gì khó khăn khi nhân một số này với một số kia. Em giải thích thêm được không?
- Em không chắc ạ.
Cả lớp im lặng chờ đợi. Cô Honey nói:
- Thí dụ nhé, nếu cô yêu cần em nhân 14 với 19... Không, khó quá đấy...
- Là 266 ạ.
Matilda dịu dàng tả lời. Cô Honey nhìn bé chăm chú. Rồi cô cầm cây viết chì và làm bài toán đó trên một tờ giấy. Cô ngước lên:
- Em nói đáp số là bao nhiêu?
266 ạ.
Cô Honey đặt bút chì xuống, gỡ cặp kính ra và chìu bằng miếng khăn giấy. Cả lớp im lặng, quan sát cô xem chuyện gì sắp xảy ra. Còn Matilda vẫn đứng im bên cạnh bàn.
Cô Honey vừa nói vừa chùi kính:
- Matilda, cho cô biết, cái gì chuyển động trong đầu em khi em làm một bài toán nhân như thế? Rõ ràng là em phải tính toán, nhưng dường như em tìm ra đáp số quá nhanh. Chẳng hạn như đáp số của 14 nhân với 19 vậy.
- Em... em... em chỉ đặt số 14 trong đầu và nhân với 19 thôi ạ. Em e là không biết phải giải thích như thế nào. Em luôn tự nghĩ, nếu cái máy tính bỏ túi làm được, sao mình không làm được?
- Sao lại không được? Trí óc con người là một điều rất đáng ngạc nhiên.
- Em nghĩ là nó còn giỏi hơn cái máy tính nữa ạ.
- Em nói đúng. Dù sao, trường chúng ta không cho phép học sinh dùng máy tính đâu.
Cô Honey cảm thấy toàn thân run rẩy. Không nghi ngờ rằng cô đã gặp một bộ óc toán học phi thường, những từ ngữ như "thần đồng" hoặc "năng khiếu lạ thường" lướt qua đầu cô. Cô biết những loại người kỳ diệu như thế này thỉnh thoảng xuất hiện trên thế giới, nhưng chỉ có chừng vài ba người trong một trăm năm mà thôi. Suy cho cùng, Mozart bắt đầu sáng tác nhạc cho đàn piano lúc mới lên năm và hãy xem những gì xảy ra cho ông ấy.
Bé Lavender lên tiếng:
- Không công bằng ạ. Sao nó làm được mà chúng em không làm được?
Cô Honey an ủi:
- Đừng lo, Lavender, các em sẽ bắt kịp bạn ấy.
Vào lúc này, cô Honey không thể cưỡng lại cái ý muốn khám phá thêm cái trí tuệ đáng kinh ngạc của đứa bé. Cô biết rằng mình nên chú ý tới những đứa trẻ khác trong lớp, nhưng cô quá xúc động để dẹp vấn đề đó qua một bên. Cô giả vờ như nói chung cho cả lớp nghe:
- Phần toán học thế là đủ, bây giờ để xem có em nào đã biết đánh vần nhé. Ai đánh vần được từ "mèo" thì giơ tay lên.
Có ba bàn tay giơ lên, đó là tay của Lavender, một bé trai tên Nigel và Matilda.
- Đánh vần từ "mèo" đi Nigel.
Nigel đánh vần được.
Cô Honey quyết định hỏi một câu mà chỉ có trong mơ người ta mới hỏi lớp học vào ngày đầu tiên. Cô hỏi:
- Cô muốn biết trong ba em đã biết đánh vần, em nào biết đọc cả một nhóm chữ dài để chúng kết thành một câu?
- Em biết.
Bé Nigel nói.
- Em cũng biết vậy.
Bé Lavender nói.
Cô Honey lên bảng, cầm phấn trắng, viết thành câu: "Tôi đã bắt đầu học cách đọc những câu dài". Cô cố ý viết câu khó, vì cô biết rằng chỉ có rất ít trẻ năm tuổi có thể đọc được câu này. Cô hỏi:
- Nigel, em có thể đọc câu này không?
- Khó quá, thưa cô Honey.
- Còn em Lavender?
- Từ đầu tiên là "Tôi" ạ.
- Có ai trong các em đọc được nguyên cả câu?
Cô Honey cất tiếng hỏi và cô mong nhận được từ "Có" nơi Matilda.
- Có ạ.
Matilda đáp.
- Đọc đi.
Matilda đọc nguyên cả câu, chẳng ngập ngừng chút nào.
- Giỏi lắm, Matilda. Em có thể đọc được bao nhiêu từ?
- Em nghĩ, là em có thể đọc tất cả, thưa cô Honey. Nhưng em e là em thường không hiểu ý nghĩa của chúng.
Cô Honey lướt nhanh ra khỏi phòng, và ba mươi giây sau, cô quay vào với cuốn sách dày cầm nơi tay. Cô mở đại một trang, đặt nó xuống bàn của Matilda, nói:
- Đây là cuốn thơ hài hước. Em có thể đọc to nó lên được không?
Không ngập ngừng, với tốc độ vừa phải, Matilda bắt đầu đọc:
- "Khách ăn trong hiệu giật mình,
Một con chuột lớn được ninh (trong) nồi hầm.
Gọi bồi, khách nói thì thầm:
"Xin đừng la lớn, cứ cầm lên xem.
Rồi đem treo nó cao lên,
Biết đâu cũng có người thèm, đòi ăn."
Một số trẻ hiểu được khía cạnh hài hước của bài thơ bèn cười lên. Cô hỏi Matilda:
- Em có biết bài thơ này được viết theo thể gì không?
- Theo thể lục bát ạ. Đây là bài thơ rất hay và rất hài hước.
- Một bài thơ rất nổi tiếng.
Cô Honey cầm cuốn sách lên, quay về bàn giáo viên, đặt trước mặt các học sinh, nói thêm:
- Thơ lục bát dí dỏm khó viết lắm. Nhìn thì thấy dễ, nhưng hầu như chẳng dễ chút nào.
Matilda đáp:
- Em biết ạ. Em đã cố làm vài lần, nhưng chẳng lần nào hay cả.
- Em đã cố làm à?
Cô Honey giật mình.
- Matilda này, cô rất muốn nghe em đọc một trong những bài thơ mà em đã làm. Em cố nhớ và đọc cho cả lớp nghe nhé.
Matilda lưỡng lự:
- Thật ra em đang cố nghĩ ra một bài viết về cô trong lúc chúng ta đang ngồi đây.
Cô Honey kêu lên:
- Viết về cô? Chà, chúng ta cần phải nghe bài thơ đó mới được, phải không các em?
- Nhưng em lại không muốn đọc ra, thưa cô Honey.
- Em hãy đọc đi, cô hứa cô không phiền đâu.
- Em nghĩ là cô phiền, thưa cô Honey, vì em phải dùng tên cô để làm thành bài thơ có vần. Vì thế, em không muốn đọc nó ra.
Cô Honey hỏi:
- Sao em biết tên cô?
- Trước khi vào lớp, em có nghe một giáo viên gọi cô là Jenny.
Cô Honey nở nụ cười:
- Cô nài nỉ được nghe bài thơ đó. Em hãy đứng lên và đọc đi.
Matilda ngại ngùng đứng lên, và rất chậm rãi, rất hồi hộp, bé đọc bài thơ của mình:
- "Bắc thang lên hỏi cánh diều
Ở trên dương thế có nhiều Jenny?
Một cô giáo thật nhu mì,
Khuôn mặt xinh xắn, hàng mi rợp buồn
Diều nghe xong, trả lời luôn:
Jenny duy nhất trong trường này thôi."
Khuôn mặt xanh xao dịu dàng của cô Honey ửng hồng lên màu hoa đào. Và cô mỉm cười thêm lần nữa. Nụ cười rạng rỡ. Nụ cười thích thú.
- Cám ơn Matilda, mặc dù không đúng sự thật, nhưng đó là bài thơ lục bát hay tuyệt. Trời ơi, cô phải cố nhớ bài thơ đó mới được.
Từ dãy bàn thứ ba, Lavender nói vọng lên:
- Nó hay quá, em thích nó ạ.
Bé trai tên Rupert chen vào:
- Nó nói đúng về cô ạ.
Bé Nigel tán đồng:
- Tất nhiên là đúng rồi.
Tất cả lớp đều bày tỏ thiện cảm với cô Honey, mặc dù cô chưa để ý tới bất cứ ai, ngoại trừ Matilda. Cô Honey hỏi:
- Ai dạy em đọc, Matilda?
- Em tự học lấy, thưa cô Honey.
- Cho cô biết em thích những cuốn gì?
- Em thích cuốn "Con Sư tử", "Phù thuỷ và cái tu". Theo em, ông C. S. Lewis là nhà văn hay, nhưng thiếu sót của ông ấy là, không có những tình tiết dí dỏm trong sách.
- Em nói đúng.
- Ông Tolkien cũng không viết những chi tiết khôi hài.
Cô Honey hỏi:
- Theo em, loại sách trẻ em cần có những tình tiết khôi hài à?
- Vâng ạ. Trẻ em không nghiêm trang như người lớn. Và trẻ em rất thích cười.
Cô Honey hoàn toàn sửng sốt trước sự khôn ngoan của đứa bé.
Cô hỏi:
- Đọc xong sách thiếu nhi rồi thì em định làm gì?
- Em đang đọc những cuốn sách khác ạ. Em mượn sách của thư viện. Bà Phelps rất tử tế với em. Bà ấy giúp em chọn sách.
Cô Honey tựa người lên bàn nhìn chăm chú đứa bé. Hầu như cô hoàn toàn quên bẵng mười bảy học sinh đang ngồi kia. Cô hỏi tiếp:
- Đó là những cuốn sách nào?
- Em rất thích Charles Dickens ạ. Ông làm em cười nhiều lắm, đặc biệt là nhân vật Pickwick.
Lúc này, tiếng chuông từ ngoài hàng lang vang lên, báo hiệu giờ học chấm dứt.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét