Chữ nhẫn

Bà mẹ dạy cô con gái trước khi cô về nhà chồng rằng, phải ráng mà học chữ nhẫn. Nhẫn một chút sóng yên biển lặng. Lùi một bước, biển rộng trời cao.
<!-- more -->
Hôn nhân là bức tranh tổng hợp đầy màu sắc tươi sáng và u buồn; đôi khi màu tối còn nhiều hơn màu sáng. Cuộc hôn nhân sẽ dài dằng dặc và mỏi mệtnếu người bạn đồng hành không chung tay gánh vác với mình. Tuy nhiên, không phải cứ có sự cố là một sớm một chiều đòi chia tay. Bà mẹ còn nhắc cô con gái hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của chính cha mẹ cô, hai mươi lăm năm cô khôn lớn bên cạnh cha mẹ, ắt hẳn cô cũng đã chứng kiến nhiều sự việc và đó là ít nhiều kinh nghiệm cho cô sau này. Bà kết luận, gia đình nào cũng vậy, quan trọng cả hai vợ chồng phải biết điều và nhất là người phụ nữ có biết học chữ nhẫn hay không?

Nhìn lại, bà mẹ đã học chữ nhẫn ra sao? Một ông chồng tuy không làm ra nhiều tiền nhưng lại gia trưởng, độc đoán. Mọi thứ đổ hết lên vai bà từ cơm áo cho đến nhà cửa. Ba mặt con, không học thuộc chữ nhẫn, bỏ qua hết mọi thứ làm sao tròn trịa đến bây giờ? Bà nhớ lại, gia đình là nơi chốn êm ấm nhất, nhưng ông luôn mang sóng gió từ bên ngoài về, biến nơi êm ấm thành nơi mà những người thân yêu nhất lại dè chừng nhau. Con cái sợ sệt cha, vợ e dè chồng, không biết còn cơn thịnh nộ nào nữa…

Đó là những chuyện bé tí và biết bao chuyện lớn lao như làm ăn thất bát, con cái bệnh hoạn… Gia đình bà dù sao cũng còn một gia đình hạnh phúc vì chồng không có quan hệ ngoài luồng. Nhiều bà vợ phải học chữ nhẫn, kéo chồng về khi chồng có người khác. Theo ý bà, bất cứ phụ nữ nào cũng phải học chữ nhẫn từ người được chồng yêu chiều cho đến người phải một nắng hai sương lo cho chồng con. Nhẫn ở đây là làm chủ được cảm xúc của mình. Không phải lúc nào cũng la hét nổi trận lôi đình với chồng cho dù mình là người đúng.

Một phụ nữ trẻ kể chuyện rằng trước đây cô rất cao ngạo với chồng, luôn cho là mình đúng, nếu không đúng cô cũng bằng mọi cách tỏ thái độ của người hả hê chiến thắng. Cô đã đẩy dần chồng ra khỏi nhà mà không biết. Đến khi, phát hiện ra chồng có người phụ nữ khác cô mới hiểu đó là do không biết nhẫn. Cô cam đoan chắc chắn đến 90% phụ nữ khi biết chồng ngoại tình đều có phản ứng như cô: khóc lóc, chưởi rủa, cấu xé chồng, hẹn gặp tình địch để nhục mạ, đến cơ quan chồng, gọi điện thoại cho mẹ đẻ, mẹ chồng…

Đó là giai đoạn qua lâu rồi mà mỗi khi nghĩ lại cô vẫn thấy kinh khủng. Rồi cô học chữ nhẫn từ lời khuyên của cả hai bà mẹ. Mẹ đẻ khuyên cô hãy xuống nước, tìm cách kéo chồng về nhà. Mẹ chồng khuyên cô: “Nhẫn nại, ôn hoà khi tức giận. Bình tĩnh sáng suốt lúc nguy nan”. Cô chợt nhận ra rằng, chồng yêu phụ nữ khác, bỏ nhà đi là do vợ không biết nhẫn. Vợ không biết nhịn chồng, cậy thế hơn chồng làm cho chồng bị xúc phạm… Vợ nghĩ sâu thêm rằng, chồng bỏ đi, vợ nào có sung sướng gì ngoài khóc, hận, khổ đau? Khi mọi thứ đã lắng xuống hết, vợ mới nhận ra, bao nhiêu năm vợ chỉ muốn chiến thắng chồng để làm gì? Chẳng có ý nghĩa gì hết ngoài việc đẩy chồng vào vòng tay người khác.

Sau đó thì cô vợ làm gì để thực hành chữ nhẫn? Đến xin lỗi người phụ nữ kia vì những sự việc “mất khôn” do quá nóng giận, xin lỗi chồng vì đã có lúc mất bình tĩnh làm chồng bị tổn thương. Xin lỗi những người bạn chồng vì những lời nói hàm hồ của mình trong lúc mất bình tĩnh… Học được chữ nhẫn, người vợ biết quên đi quá khứ mà trong đó lỗi không hoàn toàn ở chồng. Tuy đám mây đen đôi lúc vẫn cứ chập chờn ẩn hiện trong cuộc sống sau này của họ, nhưng dù sao, vợ cũng đã biết nhận ra rằng, không phải vợ không có lỗi và vấn đề quan trọng là con người phải biết bình tĩnh sáng suốt lúc nguy nan. Thời điểm ấy, cuộc hôn nhân của cô không đứng bên bờ vực thẳm là gì?

Nghe chuyện, có người nói, còn lâu mới tha thứ, bát nước đã đổ đi rồi! Thà không sống cùng nhau nữa chứ ngày ngày nhìn mặt nhau nhớ đến chuyện xưa, lại thấy vết thương nhói đau dù có học chữ nhẫn đến bao nhiêu. Như vậy, vẫn chưa gọi là nhẫn, nhẫn và tha thứ là hai phạm trù đi đôi, trong nhẫn có tha thứ, trong tha thứ có nhẫn. Có người cho rằng, người biết nhẫn không để cảm xúc che mờ lý trí nên họ luôn tỉnh táo, tâm hồn người nhẫn cũng khoẻ mạnh, họ thấy cuộc sống chậm hơn, thanh thản, an lạc, bình yên hơn. Ngược lại, sống với người biết nhẫn cuộc sống sẽ bình yên êm ả. Tuy nhiên, cũng cần biết một điều nhẫn quá không còn khôn nữa mà là nhịn nhục, dẫn đến phụ thuộc, quá hơn gọi là nô lệ!

Nhiều người còn cho rằng, sở dĩ phụ nữ phải biết học chữ nhẫn bởi vì không nhẫn được ở cuộc hôn nhân trước thì cuộc hôn nhân sau cũng phải biết nhẫn thôi, cho nên trước hết cứ phải nhẫn đi đã.


Bà mẹ (ở trên) kết luận với con gái, học chữ nhẫn không ở đâu xa hết, mỗi khi cần hãy nhìn vào ngón tay đeo nhẫn, chính chiếc nhẫn cưới trên tay nhắc nhở hai vợ chồng phải biết nhịn nhau trong hôn nhân. Đó là giá trị của chiếc nhẫn mà dù đám cưới của anh dân cày hay của một vị hoàng tộc không ai được phép bỏ qua thủ tục đeo nhẫn. Bà nói thêm, giá trị chiếc nhẫn còn ở chỗ càng giữ gìn được qua năm tháng sự quý giá càng tăng.

Kim Duy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét