"Tôi có biết yêu?", có bao giờ bạn tự hỏi mình như thế? Yêu có cần học hành không, hay con tim tự tìm lối đi ?
Bà Valerie Magnieux - chuyên gia tập huấn về tư duy tích cực, cộng tác viên Trung tâm các giá trị cuộc sống TP.HCM - sẽ chia sẻ với bạn về kiến thức yêu. Vì khi yêu cũng chính là lúc bạn phát triển bản thân!
+ Khi yêu nhau, người ta hay tuyên bố về sự sở hữu lẫn nhau. Theo bà, đây là ngôn ngữ chính thống của tình yêu?
<!-- more -->+ Khi yêu nhau, người ta hay tuyên bố về sự sở hữu lẫn nhau. Theo bà, đây là ngôn ngữ chính thống của tình yêu?
- Tuyên bố về sự sở hữu người yêu chỉ để biểu hiện một điều: "Tôi đang yêu và được yêu". Nhưng thật lòng bạn có muốn trở thành "của" người khác không? Bạn có muốn người mình yêu trở thành ông, bà chủ ban phát cho mình niềm vui hay nỗi buồn. Bạn có muốn giao phó trọn cuộc đời mình cho người mình yêu không? Hệ lụy của đau khổ là khi trong tình yêu xuất hiện chế độ sở hữu mà người ta hay ngộ nhận qua lời nói tưởng như là một lời thề "của nhau suốt đời".
Sở hữu trong tình yêu còn tùy thuộc văn hóa của từng vùng miền. Tưởng là đã thuộc về nhau nên họ "lười biếng" không tìm hiểu nhau, không khám phá nhau nữa, và ra sức trói buộc bằng mọi cách "tài sản" của mình! Đám cưới chỉ là một cơ chế bảo đảm quyền sở hữu, làm tăng thêm sự ràng buộc... Thất bại là khi người ta nghĩ tình yêu sẽ đảm bảo cho hạnh phúc.
+ Nhiều người cho rằng "yêu là bắt đầu một hành trình đau khổ" nên họ từ chối yêu, khép chặt trái tim mình để nó khỏi tổn thương. Liệu đó có phải là tư duy tích cực?
- Đó là một kiểu phản ứng của người ngoài cuộc dựa trên kinh nghiệm tình yêu đau thương của người khác, chứ không phải từ sự hiểu biết của chính họ. Nếu họ chứng kiến một lứa đôi hạnh phúc, họ sẽ phát biểu khác. Yêu hay không yêu không phải bạn muốn là được. Nhưng bạn phải biết yêu để không lúng túng, bị động và phải hối tiếc khi tình yêu đến bất ngờ.
+ Trong không ít trái tim tan nát, hận thù như vết dầu loang, dễ bắt cháy khi gặp cơ hội trả thù! Tại sao tình yêu lại có thể thay màu áo của tội ác?
- Nếu bạn thù ghét, muốn trả thù người mà bạn từng yêu, có nghĩa là bạn chưa bao giờ yêu họ thật sự. Đối phương đã thu hút bạn vì hình dáng bên ngoài, tiền bạc, địa vị… làm thỏa mãn các giác quan của bạn, chứ không hề làm con tim bạn rung động. Bạn không hề hỏi ý kiến của trái tim mà chỉ nghe theo nhu cầu của cảm giác. Trái tim không đòi hỏi phải chứng minh tình yêu bằng tiền bạc, tình dục... mà chính là các giác quan. Bạn "định giá” tình yêu bằng giác quan trong khi tình yêu là một phẩm chất, là một giá trị trong cuộc sống, để chia sẻ, để trao tặng.
Rắc rối xảy ra khi người này đòi hỏi, kỳ vọng.... quá nhiều vào người kia, vì không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Đi tìm người yêu như mình "mặc định" trong tâm tưởng là đi vào thất vọng. Và một khi không được đền bù, đáp trả..., các giác quan lên tiếng như một người chủ đòi người vay phải trả nợ. Lúc đó liệu bạn có dễ dàng bỏ qua nếu người vay thoái thác, trốn tránh....Nhiều người phải tìm cách làm cho người yêu cũ đau đớn, khốn khổ....chỉ để an ủi cảm giác bị phản bội, mất mát.
+ Nhưng tha thứ không là chuyện muốn làm ắt được. Trái tim cứ sưng tấy lên vì bị "nhiễm trùng". Làm sao để cứu trái tim ?
- Khi cái đầu ý thức được tha thứ mà trái tim vẫn không thực hiện được, đó là những trái tim bị tích tụ quá dày thương tổn. Muốn chữa lành cần có thời gian. Nhưng nhiều người khi trái tim bị đau mà còn chọc cho nó đau thêm chứ không lo chữa chạy. Khi một người bị tai nạn giao thông, họ sẽ làm gì? Chắc chắn trước hết họ sẽ chăm sóc, băng bó vết thương của mình, chứ không phải chạy theo bắt cho được kẻ gây tai nạn.
Thế nhưng không ít người có trái tim bị thương - lẽ ra phải ôm lấy trái tim, nâng niu, vỗ về nó, lắng nghe nhu cầu của nó - thì lại bỏ mặc nó lăn lóc vật vã và đi lùng cho ra kẻ làm cho nó bị đau. Trái tim đau, bị bỏ bê sẽ quằn quại đòi trả thù chứ không bao giờ chịu tha thứ. Yêu rồi đau khổ là một chu kỳ do chính bạn tạo ra, chứ không phải do "đối phương". Khá phổ biến ở giới nữ là kể lể với người này, người khác... lại làm vết thương trong tim loét ra thêm. Nói ra được đúng là nhẹ người.
Nhưng hãy cẩn trọng, bởi không phải ai nghe cũng biết chia sẻ, nâng đỡ bạn. Phần đông họ bàn luận, họ hỏi bạn đau ở đâu, tại sao đau... nên trái tim đang được "băng bó” lại bị tháo tung ra! Những lời nói lạ tai sẽ làm bạn suy nghĩ nhiều hơn, nên không chỉ nát tim mà rối cả tâm trí. Qui trình hoàn tất của tha thứ là phải biết quên đi những gì, những ai mà bạn vừa tha thứ.
+ Vậy yêu như thế nào là... chuyên nghiệp, là có kiến thức ?
- Yêu là trao đi, là dâng tặng những phẩm chất, giá trị của bạn. Bạn không thể trao cho người yêu những gì bạn không có. Vậy bạn phải cần biết rõ bản thân mình đang có phẩm chất nào cần phát huy, những tính xấu nào phải từ bỏ… Bạn kiểm tra lại và tích lũy "kho báu tâm hồn" của mình, nhưng phải biết sử dụng nó đúng nơi, đúng lúc khi bạn cần. Vì nếu khi tình yêu cần vị tha, hy sinh, nhân từ, tôn trọng, ngọt ngào… bạn không thể đi vay mượn được.
Khi yêu là bạn đang phát triển bản thân. Bạn đang giãi bày đức hạnh qua hành động, suy nghĩ. Mối quan hệ yêu đương được xác lập là nhằm tăng lên sức mạnh của mỗi cá nhân, để cùng nhau tạo dựng một cuộc sống mới. Không ai tỏ ra thua kém, cũng không ai muốn cầm quyền thì tình yêu mới bền vững. Bạn càng biết rõ bản thân mình, đối xử tốt đẹp với bản thân mình thì bạn càng thuận lợi trong giao tiếp với người mình yêu.
Nên nhớ rằng yêu là một động từ. Có nghĩa là bạn phải " lao động, sáng tạo" rất nhiều để tình yêu thăng hoa, nếu không nó sẽ kiệt quệ, tiêu điều.
Dả Quỳ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét