Home » » Thể hiện tình yêu với con

Thể hiện tình yêu với con

Tuổi học trò là lứa tuổi đầy sự phức tạp, mâu thuẫn. Những điều bạn nghĩ sẽ là tốt nhất cho con cái như một bữa cơm ngon, một ngôi trường tốt, một món quà “xịn”... đôi khi lại là sự khó chịu của các con. Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái nhưng yêu con như thế nào cho đúng cách và đúng sở nguyện của chúng lại không phải là dễ dàng.


1. Dành thời gian cho con
Rất nhiều cô bé, cậu bé gọi điện đến các trung tâm tư vấn chỉ là để được trò chuyện vì trong gia đình mình, các em hoàn toàn cô đơn, bố mẹ đi suốt ngày không chú ý đến các em.

Không thể đổ lỗi cho bận rộn mà bạn không có thời gian bên con. Nếu bạn thực sự coi con cái là ưu tiên hàng đầu thì bạn luôn biết cách làm thế nào để có thể ở bên chúng khi cần. Đôi khi chỉ là việc tận dụng giờ tan trường để đón con về hay đưa con đi học, hoặc ăn trưa với con lúc rảnh rỗi...

Có thể chỉ là 15 – 30 phút trong một ngày nếu công việc của bạn không cố định về thời gian, nhưng sự sắp xếp thời gian hợp lý là cách mà bạn thể hiện tình yêu rõ nhất với con mình và cho chúng thấy rằng chúng quan trọng với bạn như thế nào.

2. Kiên trì, gần gũi và tin cậy
Đa phần tuổi học trò đều dễ dàng tâm sự với một người mà chúng cảm thấy gần gũi, đáng tin, đủ kiên trì để nghe và cho chúng lời khuyên.

Các em đến với người lớn luôn bằng một thái độ dò xét. Khi đã vòng vo hỏi han, chúng cảm thấy yên tâm thì mới có thể bắt đầu câu chuyện. Em N. (Mỹ Đình - Hà Nội) nói rằng: “Chưa bao giờ bố mẹ em có thể nghe chuyện của em quá 10 phút, bố mẹ cho rằng đó là những chuyện trẻ con, nhảm nhí nên không quan tâm”.

Sự thực, nếu không thực sự kiên trì, cha mẹ không thể biết rằng đằng sau cái vỏ “nhảm nhí” đó bao giờ cũng là một thông điệp quan trọng mà trẻ định nói.

3. Lắng nghe một cách tích cực
Ai cũng biết rằng để thể hiện tình yêu với con, dành thời gian cho con hay kiên trì gần gũi với con thực chất cũng là để lắng nghe con. Nhưng vẫn có những bậc cha mẹ phàn nàn rằng: “Tôi dành thời gian lắng nghe con, động viên con và khuyên bảo con nhưng nó vẫn cứ trốn học, đàn đúm bạn bè và học hành giảm sút. Tôi không biết phải làm thế nào”

Tâm sự của một cậu con trai với nhà tư vấn đã lý giải điều này: “Mẹ có nghe em nói, quan tâm đến em nhưng... khi em kể về một người bạn nào đó, mẹ không cần nghe hết chuyện mà chỉ cần biết những thông tin như nó có ngoan không, học giỏi không, nhà nó có tử tế không. Cũng có những đứa bạn của em không học giỏi, có đứa nghịch ngợm nhưng chẳng lẽ như thế thì không được chơi à. Sau vài lần như thế em không kể gì nữa... Rồi mẹ rất hay so sánh em với người này người kia, tivi có tấm gương nào tốt là gọi em ra xem rồi khen họ thế này thế kia, em hiểu ý mẹ muốn gì nhưng điều đó làm em ức chế nhiều lắm”. Như vậy, chính người mẹ đã chặn đường giao tiếp với con, đã ngăn cản việc mở lòng của con trai chị và vô tình chị đã không thể bước chân vào tìm hiểu thế giới bạn bè của con chị để có thể đưa ra những lời khuyên hợp lý cho con.

4. Ôm hôn con
Trong văn hóa phương Đông, việc ôm hôn con cái, đặc biệt khi chúng đã lớn không được sử dụng nhiều như ở phương Tây. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, trẻ từ khi còn nhỏ cho đến lúc lớn lên, nhu cầu được ôm hôn vỗ về là không thay đổi, có chăng chỉ là thay đổi ở mức độ mà thôi.

Một cái ôm thật chặt trước khi con đi thi, một nụ hôn khen ngợi con hay một cử chỉ vỗ vai động viên con thôi... tất cả những tiếp xúc về cơ thể đó là cách ngắn nhất kết nối yêu thương giữa bạn và con cái. Đó chỉ là hành động của vài giây trong ngày nhưng nó sẽ đọng lại trong tim con bạn suốt cả cuộc đời.

Lê Thúy Bích  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét