Con chiên nhờ ăn cỏ mà được bộ lông mướt đẹp... ta hãy dùng lông nó, không cần phải để ý nó ăn cỏ nơi đâu?
Cầy cối sởn sơ bông trái, ta hãy ăn trái ngắm hoa, đừng để ý hỏi ngọn suối nơi đâu đã thấm nhuần nuôi nấng nó.
Đọc quyển sách này, các bạn cũng không cần phải để ý đến những lý thuyết tư tưởng nào đã giúp nó đơm hoa kết quả. Những học thuyết tư tưởng đã giúp nó sinh thành đối với tác giả nó, cũng như cỏ đối với chiên, nước đối với cây... đã bị biến hóa khí chất. Tìm nó, vô ích, vì nó không còn nguyên vẹn bản chất của nó nữa.
Quyển sách này viết cho riêng từng bạn. Bạn đừng lo nghĩ nó có ích lợi gì cho kẻ khác chăng? Bạn hãy tự hỏi: Nó có ích cho bạn chút nào không? Nếu có. Thế là đủ. Bằng không, bạn hãy dẹp nó lại một bên.
Bạn đừng đứng bên phương diện xã hội mà quan sát sự ích lợi của nó. Hãy đứng theo phương diện cá nhân, bạn sẽ ít thấy sự thất vọng hơn.
Đọc quyển sách này, các bạn bớt lo cho đời một chút, để tâm lo cho mình một tí, có lẽ sẽ không uổng công đọc nó. Và nhất là phải hết sức thành thực với mình mới đặng.
OoO
Tìm cái lẽ sống - cái sống thật của mình, không phải cái sống sai lầm của bản ngã - là phận sự duy nhất của mỗi một người chúng ta. Sống trong quan niệm lạc lầm của bản ngã, ta sống trong nô lệ, trong đau khổ. Sống trong chân thể của ta, mới thật là sống, sống trong tự do...
Đường giải thoát là con đường dẫn ta đi tìm cái lẽ sống chân thật của ta, là con đường duy nhất của những ai nhận chân đặng cái sống vô cùng đang ẩn núp nơi đáy lòng...
Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN, Sài thành, ngày 22 tháng 5 năm 1960
Sống là gì?
Có nhiều lý thuyết, nhưng tôi chỉ nhớ có thuyết đơn giản này: sống là tranh đấu.
Tôi nhận nó là chí lý là vì nói cho đúng ra, với thực nghiệm của bản thân suốt đời gian truân tranh đấu không ngừng, làm sao phủ nhận nó cho đặng?
Nhưng, trong khi tranh đấu, tranh đấu bất tận, tranh đấu gắt gao say cuộc, thét rồi lắm khi lại quên mất cả ý nghĩa cuộc tranh đấu của mình.
Ban đầu thì sự tranh đấu chỉ ở trong vòng rất chật hẹp là để mưu sống, cái sống về vật chất trước hết. Rồi cuộc tranh đấu tràn lan sang tinh thần. Trong khi tranh đấu ấy, rốt cùng lại chỉ thấy có mình, rồi với danh nghĩa là tranh đấu cho chính nghĩa, cho nhân loại mà thực ra ta chỉ lo tranh đấu cho mình. Trong khi tranh đấu ấy, ta chỉ còn nhớ cái khẩu hiệu “sinh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại” mà thôi. Hễ mạnh thì thắng, yếu thì thua, cho nên ta không ngần ngại gì, nếu có thể được, dùng đủ phương tiện miễn thành công thắng lợi là được.
Ta quên rằng có ta cũng phải có người. Sự tranh đấu của người văn minh phải khác với sự tranh đấu của giống sài lang, đi tìm cái thắng lợi cho mình trên sự tang tóc của đồng loại. “Sinh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại”, cái luật này là cái “luật của rừng rú”, cái luật của người bán khai, chưa phải là cái luật của người văn minh với cái nghĩa thanh cao tốt đẹp của nó.
Thời xưa, lúc con người còn man dã thì dùng mạnh để thắng yếu. Ngày nay, con người đã lên đến trình độ văn minh, tức là đã đến cái trình độ lấy sức mạnh mà bênh vực kẻ yếu, lấy cái nghĩa chung để trên cái lợi tư. Lẽ ra câu nói này của La Fontaine: “Cái lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng phải” đã tiêu biểu cho cái luật tranh đấu của thời man dã, tượng trưng cho cái luật của rừng rú, không còn tồn tại nữa trong thế hệ văn minh này. Nhưng than ôi, nó cũng vẫn còn chi phối cả văn minh loài người trên khắp mặt địa cầu.
Ta là người văn minh phải tranh đấu để thủ tiêu cái luật man dã ấy. Tất nhiên, cái ý nghĩa nhân sinh của ta về sự sống phải được thay chiều đổi hướng.
Đành rằng sống là tranh đấu.
Nhưng, tranh đấu để làm gì? Phải chăng để mưu cầu hạnh phúc? Mà mưu cầu hạnh phúc ngày nay đâu còn có nghĩa là lấy mạnh lấn yếu, lấy khôn mà hiếp dại, lấy sức mạnh oai vũ của mình để bắt buộc kẻ khác phải theo mình, phụng sự hạnh phúc cá nhân của mình, đem lý tưởng về điều phải lẽ quấy của mình làm “khuôn vàng thước ngọc” cho tất cả mọi người.
Mỗi người, dù mạnh hay yếu, hễ là người thì đều được quyền sống cả. Phải trả lại cho con người cái quyền sống ấy.
(Trích Phụ lục: Sống là gì?)
Mục Lục :
Lời nói đầu
Chương 1 : Sống
Chương 2 : Đi tìm cái sống
Chương 3 : Cái lẽ sống của ta
Chương 4 : Cái chân giá trị của sự vật
Chương 5 : Cách mạng cá nhân
Chương 6 : Cách mạng xã hội
Chương 7 : Lẽ Trời
Chương 8 : Vấn đề Thiện ác
Chương 9 : Đại giác và tiểu giác
Chương 10 : Hành động của kẻ giải thoát
Chương 11 : Tế độ quần sinh và con đường giải thoát
Chương 12 : Kết luận
Phụ lục:
- Sống là gì ?
- Cách ngôn
- Ngụ ngôn
Xin mời các bạn download Ebook (2 links tùy chon) :
1. Pdf : https://www.sendspace.com/file/4r912y
1. Pdf : http://www.mediafire.com/download/urnjfuamp7vdpnf
2. Prc : https://www.sendspace.com/file/4reblt
2. Prc : http://www.mediafire.com/download/0cdo428765rak1c
Chúc các bạn Thành Công và Hạnh Phúc trong cuộc sống.
P.S.: Tất cả các Ebook và Audiobook post ở CSYT đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Thanks các bạn nhiều nha.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét