Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngã Ba. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngã Ba. Hiển thị tất cả bài đăng

P04: Ngã ba - đoạn 8

Cái tin Khanh với Bích Hằng yêu nhau đã nhanh chóng loang ra khắp cơ quan. Lắm lúc có một mình, Khanh cũng thấy ngỡ ngàng. Tất cả diễn ra nhanh quá, như một giấc mơ vậy. Việc anh nói yêu Hằng cũng là sự liều lĩnh vì Khanh nghĩ người như mình, đâu phải là đối tượng để cô bận tâm.
Nghĩ vậy, nhưng anh vẫn nói với Bích Hằng tình cảm của mình. Và anh đã căng lên để chờ một lời từ chối, có thể là thẳng thắn, là mỉa mai từ phía Bích Hằng.
Ngờ đâu cô chỉ dịu dàng hỏi lại: “Có thật không?”. Lúc đó hai đứa đang đứng trên bancông phía sau nhà Bích Hằng. Khanh hối hả gật đầu: “Thật như việc anh đang đứng trước mắt em đây này”. Im lặng một thoáng, rồi Bích Hằng khúc khích: “Nói yêu em, sao anh cứ đứng ngây ra thế?”. Thật lạ là Khanh thấy mình bị cuốn về phía Bích Hằng kinh khủng nhưng sao yêu nhau anh lại có cảm giác rất rời rạc. Cả anh và Bích Hằng đều tỉnh táo đến không ngờ. Tự nhiên anh cứ phải nghĩ đến Nguyệt, đến tình yêu lãng mạn và đam mê thuở sinh viên. Nhưng rồi anh lại tự biện minh rằng mình đã qua thời lãng mạn. Cuộc sống khắc nghiệt đã dạy cả anh và Bích Hằng phải lý trí và tỉnh táo hơn nhiều. Trung là đứa biết chuyện anh với Bích Hằng yêu nhau gần như sau cùng (dĩ nhiên trừ mọi người ở quê và Nguyệt). Nó chỉ làu bàu: “Mới gặp cô ta có một lần nhưng tao biết cô ta sẽ quyết tâm hạ gục mày bằng được”. Khanh bật cười: “Mày nói nghe kinh quá. Cứ như tao rơi vào cái bẫy của Bích Hằng không bằng”. Tự dưng Trung đâm ngẩn ngơ, thở dài: “Thế là chuyện của mày với Nguyệt xong thật rồi đấy à?”. Khanh quay đi: “Hi vọng đây là lần cuối cùng mày hỏi tao câu ấy. Có phải tại tao cả đâu”. Ừ, chẳng đổ lỗi cho ai được. Mày đừng giận tao”. Khanh rất hay mơ thấy Nguyệt. Nhưng chưa lần nào anh thấy Nguyệt khóc. Cô chỉ im lặng nhìn anh với ánh mắt buồn buồn. Tỉnh dậy, Khanh có cảm giác mình cần Bích Hằng biết bao. Bên cô, anh rũ bỏ được nhiều ý nghĩ nặng nề. Hình như Bích Hằng đã trở thành cái phao cho anh bám víu giữa cuộc sống đầy rẫy những bất trắc và lắm chuyện đau đầu này.
Anh Quân về tận làng Giữa thăm Nguyệt. Hôm đó trường hợp hội đồng, lúc tan họp thì đã muộn. Nguyệt về, bác lái đò bảo có khách tìm cô từ chiều, là đàn ông, nhìn sang trọng và đẹp trai lắm. Nguyệt cứ ngạc nhiên và hoang mang, không biết ai đến thăm mình hay có việc gì. Đò chưa cập bến đã thấy tụi trẻ chờ sẵn cô giáo trên bờ. Chúng bắc loa tay gọi váng lên: “Cô ơi, cô có khách đấy!”. Trời chiều, bến sông gió bấc lồng lộng, lạnh ghê người mà tụi trẻ vẫn kiên nhẫn ngồi ngóng cô giáo hết chuyến đò này đến chuyến đò khác, cứ như thể Nguyệt đi đâu xa lắm. Cô hối hả bước lên bờ: “Cô có khách thật à? Ai vậy?”. “Em không biết, chú ấy đang ở nhà cô Nụ”. Thế là không về qua khu lớp học. Nguyệt rẽ luôn về nhà Nụ. Cô sững lại đầu sân khi nhìn thấy anh Quân. Anh Quân thật! Không ngờ anh lại về đây. Thấy Nguyệt cứ ngây người, mẹ Khanh bật cười: “Ơ kìa, anh em gặp nhau và cứ đứng nhìn thế à? Họp hành gì muộn thế, để anh ấy chờ cả buổi chiều”. Nguyệt vồ lấy tay anh lắc rối rít: “Em không đoán ra là anh đâu. Nghe bác lái đò với tụi trẻ kể, em chẳng thể đoán là ai. Mẹ khỏe không?”. Rồi Nguyệt khựng lại, thoáng tái mặt. Ừ nhỉ, mẹ… Hay mẹ làm sao mà anh Quân… Nhưng thật may, anh cười: “Khỏe. Mẹ cứ giục tao – rồi anh hạ giọng, nhìn theo mẹ Khanh đi khuất xuống bếp xem Nụ nấu nướng thế nào”. Mà tao cũng muốn về tận đây xem mày sống thế nào”. “Thế anh ra chỗ em ở chưa?”. “Rồi!”. Sợ anh Quân bình luận gì thêm, Nguyệt vội ấn anh ngồi xuống ghế: “Anh cứ ngồi đây em ra rửa chân tay một tí. Rét ghê. Đi qua đò gió tím cả mặt mũi”. Anh Quân làu bàu: “Thì ai đày ải mày”. Nguyệt không nghe hết lời anh, cô bước ra sân trong lòng thầm lo. Chẳng biết cả buổi chiều ngồi nói chuyện với mẹ Khanh, anh Quân có nói gì đến chuyện cô và Khanh không, có kêu ca phàn nàn gì không. Trời mùa đông chóng tối, ánh lửa từ bếp hắt ra sân giếng bập bùng. Cô cảm thấy mình và anh Quân khó nói chuyện với nhau trong hoàn cảnh này. Anh vẫn ngồi cạnh bàn uống nước với nét mặt vô cảm.
Mẹ Khanh làm cơm đãi khách bằng đôi gà ri ngon nhất đàn. Nhưng anh Quân ăn uể oải và hờ hững. Nhìn anh thế, Nguyệt lại thấy lo, chỉ sợ mẹ Khanh phật ý. Nụ lặng lẽ ăn, chẳng chuyện trò gì, còn mẹ Khanh lại luôn hỏi về tình hình sức khỏe và cuộc sống của mẹ Nguyệt. Bà cũng tránh không nhắc đến Khanh. Hình như chẳng ai cảm thấy ngon miệng. Nguyệt đã nghĩ giá như chỉ có mình với anh Quân thì sẽ thoải mái hơn. Nhưng ngay lúc cô vừa về, mẹ Khanh đã nhất quyết giữ cả hai ở lại ăn cơm. “Con Nụ nấu sắp xong rồi. Giờ về bên ấy lại lọ mọ nấu lúc nào mới được ăn. Mấy khi anh Quân về đây, không ăn với bác bữa cơm là bác giận đấy”. Cuối cùng thì bữa cơm cũng kết thúc. Nguyệt dẫn anh Quân sang căn phòng nhỏ của mình bên khu lớp học. Thấy anh cứ đứng giữa nhà, nhìn xung quanh bằng đôi mắt chăm chú, Nguyệt hỏi: “Có giống với tưởng tượng của anh không?”. “Cũng hơi giống”. Rồi Nguyệt lụi hụi châm bếp dầu đun nước. Anh Quân thở dài: “Mày đã quen cuộc sống ở đây chưa?”. “Em quen lâu rồi. Sao anh hỏi thế?”. “Lạ nhỉ, quen được à? Hôm nào cũng thế này sao?”. “Anh bảo thế này là thế nào?”. “Là tồi tàn, tạm bợ, thiếu thốn và buồn chán”. “Ôi! Ở đâu quen đấy. Không buồn đâu. Tối nào đám thanh niên cũng ở đây đến khuya cơ mà. Hôm nay có anh, chúng nó ngại không đến”. Anh Quân khẽ nhún vai, chẳng hiểu là anh không tin hay có ý gì khác. Cuối cùng Nguyệt bảo: “Thôi, đằng nào em cũng ở đây rồi. Anh đừng có nói gì nữa nhé. Bây giờ anh kể chuyện nhà mình đi. Tình hình mẹ thế nào? Chị Mến vẫn chăm mẹ vẫn chăm mẹ cẩn thận đấy chứ?”. Gợi chuyện đến thế mà anh Quân cũng chỉ ừ hữ. Rồi anh đột ngột vòng sang chuyện về Khanh: “Thằng Khanh có hay về không?”. Nguyệt cúi mặt khe khẽ: “Không! Chắc anh ấy cũng bận. Mà anh hỏi làm gì. Giữa em và anh ấy bây giờ…”. “Sao mày cứ phải bênh, phải nghĩ tốt cho nó thế? Nó không về là đúng. Nó có người yêu mới rồi. Tao cũng không ngờ thằng ấy thế mà đểu. Quá đểu. Nó tên là Khanh cũng phải. Sở Khanh!”. Như bị dội một gáo nước lạnh đột ngột, Nguyệt buông tay, chiếc gáo nhựa rơi thẳng xuống nền nhà. Cô mở to mắt nhìn anh Quân trân trân: “Anh nói gì?”. “Tao nói là thằng Khanh có người yêu mới”. Đến giờ thì Nguyệt hiểu. Cô ngồi thụp xuống, hai tay bưng mặt, tái tê. Khanh đã quên cô thật rồi. Bên anh bây giờ là người con gái khác. Giọng anh Quân vẫn đều đều như gõ búa vào tim cô: “Tao hay gặp lắm. Tao chỉ nhìn lướt qua thôi, nhưng chắc cũng xinh…”. Nguyệt cứ muốn gục xuống sau mỗi câu anh Quân nói. Nhưng tự nhiên cô đứng bật dậy. Không! Không thể để cho anh Quân thấy mình đau khổ và thất vọng thế này. Anh ấy sẽ kể với mẹ… Mình không phải là đứa yếu lòng. Vả lại chuyện với Khanh dù sao cũng đã qua rồi, anh ấy có quyền như vậy. Người khác sẽ hợp với anh ấy hơn. Nghĩ vậy, Nguyệt gượng cười: “Thực ra, em cũng không bất ngờ lắm đâu. Chúng em chia tay nhau rồi. Anh ấy yêu ai là quyền của anh ấy. Em không trách”. “Không trách? Mày vẫn cứ cao thượng một cách dở hơi thế. Việc gì phải tử tế cả với những đứa đã từng đểu với mình, dù chỉ là tử tế trong ý nghĩ. Không trách, nhưng mày có buồn chứ?”. Lần này thì Nguyệt gật đầu, rồi lại khe khẽ: “Nỗi buồn nào cũng qua mà”. Anh Quân bực bội đứng lên, bước ra cửa. Ấm nước nhỏ trên bếp dầu đang réo sôi. Nguyệt mím môi. Cô thấy mọi thứ xung quanh đều nhòe đi. Có phải cô khóc vì Khanh không? Đã từng nghĩ trước đến kết cục này mà sao cô vẫn thấy đau lòng đến thế! Có lẽ nào anh Quân cất công về đây chỉ để thông báo cho cô tin ấy? Có cần phải như thế không? Mẹ đã biết chuyện này chưa? Không ngờ tất cả mọi việc diễn ra nhanh thế.
Loanh quanh bên ngoài một lát, anh Quân lại bước vào. Nguyệt đang lúi húi pha trà, dù biết trước anh không uống. Anh kéo ghế ngồi đối diện cô, rồi ngó ra cửa trông ngược trông xuôi như thể sợ ai nấp đâu đó sẽ nghe trộm câu chuyện của mình sắp nói. Không thấy ai, anh Quân yên tâm quay vào. Ngón tay trỏ của anh cong cong gõ lên mặt bàn nhựa: “Nguyệt, nói thật đi, mày nghĩ gì khi biết chuyện thằng Khanh?”. Nguyệt cười gượng: “Nghĩ gì? Có lẽ em chẳng nên nghĩ gì”. Ngừng một lát, cô ngập ngừng tiếp: “Em cũng buồn. Đúng vậy. Nhưng… biết làm sao”. “Được rồi. Không nói chuyện buồn hay vui nữa. Bây giờ tao hỏi câu này lần cuối nhé: mày có định lên Hà Nội không?”. Nguyệt ngỡ ngàng nhìn anh Quân: “Lên Hà Nội? Để…”. “Nghĩa là bỏ quách cái xứ này, lên Hà Nội làm lại từ đầu”. Giờ thì cô đã hiểu. Cô lắc đầu: “Không!”. Chỉ chút nữa là anh Quân đấm mạnh tay xuống bàn, nhưng may mắn anh kìm lại được. Rồi anh nói như rên: “Mày vẫn thế. Tao hỏi mày bám lấy xứ này để làm gì? Trong khi thằng Khanh nó rũ mày rồi. Mọi người ở đây sẽ nghĩ thế nào? Họ sẽ cho rằng mày bị điên”. Giọng Nguyệt cương quyết: “Không bi đát như anh tưởng đâu. Mà có thế cũng chẳng sao. Ai nghĩ gì là quyền của họ. Em về đây đâu chỉ vì anh Khanh”. “Lại thế nữa… Thằng Khanh nó bỏ mày, có khi…”, anh Quân bỏ lửng câu nói, bước vội ra ngoài, như thể sợ ngồi thêm, anh và Nguyệt sẽ cãi nhau. Nguyệt hiểu câu nói đầy ẩn ý của anh. Chắc anh định nói Khanh bỏ cô có khi lại sáng suốt. Thật buồn khi người hiểu cô quá ít. Đến tận bây giờ anh Quân vẫn nghĩ cô có thể bỏ tất cả để về Hà Nội… Mà không hiểu người yêu mới của Khanh thế nào. Có đồng quan điểm sống với anh không? Nghĩ đến Khanh, Nguyệt lại thấy run người. Cô vội vã bước tới bàn làm việc, mở chiếc catxét nhỏ để át đi sự lặng lẽ đến nẫu lòng. Cô hiểu đêm nay mình sẽ mất ngủ vì nghĩ về Khanh. Đã tự nhủ đừng buồn, đừng day dứt nữa, thế mà sao vẫn cảm thấy xót xa đến thế. Khanh đã mãi mãi không còn là của cô… Tình yêu thật sự chỉ còn là kỷ niệm. Bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu vun đắp hóa dở dang rồi. Lỗi tại ai? Có phải tại cô không? Khanh ơi! Nếu biết trước tất cả sẽ thế này, thì chúng mình đừng quen biết, đừng yêu nhau nữa. Anh vẫn bảo sẽ không sống nổi nếu thiếu em. Vậy mà hóa ra trong cuộc đời này, cái gì cũng chỉ là tương đối, kể cả tình yêu. Anh không còn em nữa, anh quay sang người con gái khác ngay… Trái tim Nguyệt nghẹn lại khi cô tưởng tượng cảnh Khanh đang mê đắm với một cô gái khác, hệt như bên mình thuở xưa… Giá như đừng có anh Quân đang đứng ngoài kia, cô sẽ bật khóc thật to…
Văn sang tìm Nguyệt vào một buổi chiều gió bấc thổi tê tái. Mới bốn giờ chiều mà trời đã sập tối. Nguyệt đang ngồi chấm bài thủ công cho lũ trẻ. Thấy Văn, cô dẹp tất cả sang một bên, kéo ghế mời anh ngồi rồi xăng xái pha nước. Văn cứ ấp mãi chén trà nóng trong lòng tay. Thái độ của anh hôm nay thật lạ, không vui nhộn, vô tư như mọi ngày. Bỗng nhiên Nguyệt thấy chột dạ. Cô vội hỏi: “Có chuyện gì à, anh Văn?”. Văn ậm ờ không nói mà quay sang uống nước, mặc cho Nguyệt nhìn chờ đợi. Mãi sau anh mới bảo: “Ở đây, Nguyệt thân với ai nhất?”. Nguyệt lo lắng, không trả lời vào câu hỏi, mà nhắc lại điều mình thắc mắc từ lúc nãy: “Có chuyện gì đấy anh?”. Văn lắc đầu: “Không, chẳng có gì quan trọng cả. Là anh hỏi thế thôi”. “Hôm nay anh chỉ sang đây chơi thôi, hay là…”. Thấy vòng vo mãi không được, Văn đành đề cập thẳng vào chuyện: “Thực ra thì mình biết, Nguyệt thân với Nụ nhất. Nhưng chuyện mình hỏi Nguyệt lại khác cơ. Nó hơi tế nhị một chút. Nguyệt không thân với ai nhất?”. Nguyệt sững sờ nhìn Văn, không hiểu anh muốn nói gì nữa. Lúc thì hỏi người thân nhất, lúc lại hỏi người không thân. Thắc mắc lắm, nhưng cô quyết định không hỏi thêm mà trả lời đúng vào vấn đề Văn yêu cầu: “Không thân nghĩa là ghét chứ gì? Em chẳng biết gì nữa. Em không ghét ai, còn mọi người thì…”. Giọng Văn bỗng trở nên nghiêm trọng: “Có chuyện này… Cũng chẳng ghê gớm gì, nhưng mình vẫn phải nói với Nguyệt. Nguyệt có một lá thư tố cáo, gửi đến…”. Nguyệt giật mình: “Thư tố cáo là thế nào? Em có viết thư tố cáo ai bao giờ đâu. Anh nhầm đấy…”. Văn xua tay rối rít: “Không phải, không phải, Nguyệt chưa hiểu ý mình rồi. Nghĩa là có một lá thư tố cáo Nguyệt”. Nguyệt ngây người, thảng thốt: “Tố cáo em ấy à? Ai tố cáo? Mà vì tội gì mới được chứ? Em có làm gì sai đâu?”. “Thì thế mới nên chuyện. Mình chẳng biết là ai viết vì thư không ký tên, cũng chẳng có phong bì gì nữa cơ. Mình thấy vứt chỏng chơ trên bàn. Hỏi mấy ông bên ủy ban, ông nào cũng bảo chẳng thấy ai vào phòng trước anh cả”. Đến bây giờ thì Nguyệt thấy hoảng, cô hỏi dồn dập: “Đâu? Thư đâu? Trong thư ấy viết gì về em thế? Các bác bên ủy ban cũng biết à?. “Không, mình không nói. Mình cũng không tin những gì người ta viết trong thư. Có điều, mình muốn tìm ra người viết lá thư ấy. Hay ho gì chuyện nói xấu nhau, rồi bịa đặt”. Thấy Văn cứ nhẩn nha, Nguyệt nôn nóng: “Anh cho em xem thư đi nào”. Văn móc trong túi áo ngực ra một tờ giấy vở ô li dày đặc chữ, thứ chữ của chủ nhân hình như mới học hết tiểu học, vừa mất nét, vừa sai chính tả, diễn đạt lủng củng. Người viết lá thư ấy muốn tố cáo Nguyệt với một lô tội trạng, có những tội rất tức cười như hay đánh học trò ( sự thực thì chưa bao giờ Nguyệt nặng lời, cáu kỉnh với lớp) hay bớt xén thời gian dạy học, quan hệ trai gái không trong sáng, cụ thể là cô cố tình bỏ người yêu (là Khanh) để quyến rũ con ông hiệu trưởng trường nhằm mục đích tranh thủ sự nâng đỡ của lãnh đạo rồi tự tiện làm nhiều việc trái với qui định của trường (cụ thể là làm gì thì trong đơn không nói rõ). Nguyệt đọc xong, ngẩng lên nhìn Văn kinh ngạc như không tin vào những gì trước mắt. Văn thở dài: “Thế đấy, Nguyệt ạ. Chẳng hiểu sao lại có trò này. Lạ thật! Từ xưa đến nay, có bao giờ…”. Nguyệt bất bình: “Em cũng không hiểu. Nhưng anh Văn này, anh có tin những gì người ta viết không?”. “Không! Chẳng riêng anh, mà bất cứ ai biết chuyện này cũng đều rõ đó là những lời bịa đặt”. “Thế anh… anh định giải quyết việc này ra sao?”. “Chẳng sao cả, coi như chưa có chuyện gì. Rồi ai gửi lá đơn này họ cũng biết thái độ của mình. Mình nghĩ không cần phải đưa ra tập thể chuyện vớ vẩn này. Có điều, chỉ ngại cho Nguyệt. Hình như bên trường cũng nhận được lá đơn như thế này!”. Nguyệt lại sững sờ: “Bên trường nữa à?”. “Trước khi sang đây anh gặp chị Bình. Chị ấy nhờ nhắn Nguyệt sang. Chuyện trò một lúc, chị ấy kể…”. Đến tận lúc Văn về, Nguyệt vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô cứ trố mắt nhìn chằm chằm lá đơn Văn để lại trên bàn như nhìn một sinh vật lạ. Mọi cảm xúc cứ đan xen, vừa lo lắng, vừa bực dọc, lại vừa hoang mang. Không biết ai bày ra trò này và mục đích cuối cùng là gì. Đọc lại lá đơn lần nữa, giữa lúc tâm trí đang rã rời. Nguyệt chợt thấy lóe lên tia phán đoán. Trong đơn có nói đến chuyện cô quyến rũ Vinh, con trai ông hiệu trưởng, liệu rằng người viết đơn có mối quan hệ gì với Vinh hay không? Nhắc đến Vinh, Nguyệt lại thấy buồn. Sau buổi gặp mặt đầu tiên tại nhà ông hiệu trưởng anh ta hay đến chỗ cô. Những hôm trường họp hội đồng, Nguyệt sang, vừa tan họp đã thấy Vinh đợi sẵn ở cổng trường, cứ rủ cô lên phố huyện chơi hoặc đến nhà anh ta một lát. Lần nào Nguyệt cũng chối từ. Rồi Vinh qua đò sang sông, tìm đến tận nơi Nguyệt ở, toàn đến vào buổi tối. Nụ trêu: “Con ông hiệu trưởng cao giá lắm đấy. Gặp tụi em mặt cứ vênh như cái bánh đa nướng, bảo không thèm chấp với gái làng. Cành vàng lá ngọc đấy chị ạ”. Có vẻ tụi thanh niên làng Giữa không ưa Vinh, cứ thoáng thấy bóng anh ta ở phía bến đò, cả lũ lại nhấm nháy nhau kéo đến chỗ Nguyệt thật đông, có hôm không đủ ghế. Nguyệt phải trải chiếu xuống nền nhà cho mọi người ngồi. Tự dưng Vinh trở thành tấm bia để đỡ mọi lời đùa cợt, thậm chí có lần còn là khích bác của đám thanh niên. Nguyệt thấy tội tội cho Vinh. Thế mà Vinh vẫn đến. Có một lần Nguyệt tiễn riêng Vinh đến tận bến đò với ý định sẽ nói cho Vinh hiểu, để Vinh đừng đến nữa, nhưng cô lại chẳng biết mở lời ra sao, vì thực ra Vinh chưa hề nói với cô điều gì quan trọng. Thật may, Vinh lại chủ động nói trước. Anh bảo: “Hình như Nguyệt sợ anh thì phải?”. Nguyệt ngạc nhiên: “Sao anh Vinh nói thế?”. “Thì mỗi lần anh sang, em toàn phải gọi người đến bảo vệ thôi”. Nguyệt gượng cười: “Không phải đâu! Hôm nào mọi người chẳng sang chỗ em chơi. Em ở có một mình, buồn lắm”. Sau đó, Vinh viết thư cho Nguyệt, thổ lộ rằng anh yêu cô, rằng nếu cô đồng ý làm vợ anh, anh sẽ xin cho cô lên thị trấn dạy học và hai đứa mua nhà ở luôn đấy. Đọc thư xong, Nguyệt bật cười. Lại có người khác rủ cô ra khỏi làng Giữa, xui cô từ bỏ tất cả mọi thứ nơi này. Hình như ông hiệu trưởng có biết chuyện. Nguyệt có cảm giác rằng dạo này ông có vẻ để ý đến những gì liên quan đến mình hơn, thậm chí những lúc Nguyệt sang trường, ông còn quan tâm hỏi han đến đời sống tình cảm của cô, rằng còn nhớ nhà, nhớ mẹ nhiều không. Ở bên đó cô thấy có buồn không? Nguyệt cố tìm cách lảng chuyện, lảng luôn cả những lời hỏi thăm ân cần nơi ông. Cô biết trong trường có những ánh mắt nhìn mình như theo dõi. Mọi người vẫn chưa thật sự sẵn lòng cho Nguyệt hòa đồng, trừ cô Bình và ông hiệu trưởng. Nguyệt chưa thân được với ai, kể cả cánh giáo viên trẻ. Chính họ vẫn giữ một khoảng cách nhất định với cô. Đó là điều khiến Nguyệt buồn nhiều nhất, dù cô đã tự an ủi mình: “Chắc tại mình ít tiếp xúc với mọi người nên không có điều kiện để hiểu rõ về nhau. Một mình mình dạy bên kia sông, có đồng nghiệp nào đâu”. Hồi mới về đây, cô Bình cũng dặn: “Nội bộ trường mình phức tạp lắm cháu ạ. Có ít giáo viên nhưng lại năm bè bảy mối lắm cháu ạ. Người ta hay xét nét, bắt bẻ, thậm chí nhỏ nhen. Cô không nói xấu anh em, nhưng sự thật là thế. Cháu phải liệu”. Rồi sau này, cô lại bảo: “Suy cho cùng tất cả do cuộc sống thôi. Ở đây đời sống giáo viên thấp lắm, ngoài lương chính ra có gì đâu. Sống tù túng quen, thì dẫu có muốn, chúng ta cũng không nghĩ thoáng được”. Nghe cô Bình, Nguyệt đã gắng đến mức tối đa để hòa hợp với mọi người. Có những lúc cô mỏi mệt và chán nản thật sự. Cô có thể cố gắng khắc phục mọi trở ngại, mọi khó khăn về vật chất nhưng thái độ lãnh đạm của một số người trong trường đối với cô thì quá khó khắc phục. Nguyệt tâm sự chuyện này với Nụ. Nụ chỉ tặc lưỡi vô tư: “Kệ họ, chị bận tâm làm gì. Miễn là họ đừng làm gì ảnh hưởng tới mình”. Có đôi lúc Nguyệt thèm sự vô tư của Nụ, cái vô tư tuổi mười bảy, mười tám, chưa vấp ngã gì trong cuộc sống. Chuyện với Vinh, con trai ông hiệu trưởng càng khiến Nguyệt thấy lo. Đến bây giờ, chắp nối mọi chuyện, Nguyệt lờ mờ đoán ra có khi Vinh chính là nguyên nhân để có lá đơn kiện oái oăm kia. Liệu có ai đang thầm thương trộm nhớ anh không? Có khi biết chuyện Vinh hay sang làng Giữa thăm Nguyệt, cô gái nào đó hờn ghen rồi ghét Nguyệt. Nghĩ đến đây, Nguyệt thấy vững tin vào phán đoán của mình dù đang rối ruột chẳng hiểu mình có nên giải quyết chuyện này không, mà giải quyết ra sao? Nhưng chỉ một lát sau cô lại thấy hoang mang. Chắc gì giả định của mình đã đúng. Có lẽ tốt hơn hết là coi như không có chuyện gì xảy ra. Văn đã nói không đưa lá đơn nặc danh ấy ra tập thể làm gì. Chưa kịp yên tâm với ý nghĩ an ủi thì Nguyệt đã lại giật mình khi nhớ lại lời Văn nói, rằng hình như có một lá đơn tương tự được gửi sang bên trường. Cô có cảnh giác mình bắt đầu bị rơi vào vòng xoáy của những rắc rối. Cứ tưởng cuộc đời đơn giản như từ trước tới nay vẫn vậy. Cứ ngỡ chuyện cô với Khanh chia tay nhau là điều khiến cô hao tổn tâm trí nhất… Bây giờ, sẽ phải tiếp tục sống thế nào đây?
Sang nhà cô Bình suốt một buổi chiều, lúc về, Nguyệt rã rời đến mức không muốn lê bước, dù trước khi về, cô còn cười bảo cô Bình: “Kệ, cây ngay không sợ chết đứng, cô nhỉ?”. Đến bến đò, Nguyệt ngồi ngay xuống bậc gạch, nhìn theo con đò vừa rời bờ sông. Mọi hôm, lỡ chuyến đò là chuyện bình thường, nhưng hôm nay, tự dưng cô cảm thấy buồn vô hạn. Rất nhiều nỗi buồn cứ thế cộng hưởng, trĩu nặng và day dứt. Lúc trưa, lúc đến cổng nhà cô Bình, Nguyệt gặp Hân đi đâu đó ngang qua. Cô chào nhưng chẳng hiểu Hân không đáp lời, chỉ liếc cô rồi khinh khỉnh đi luôn. Ánh mắt Hân lúc ấy lạ lắm. Vừa dò hỏi, nghi ngờ lại vừa giễu cợt. Nguyệt biết trong trường Hân là một trong số những giáo viên không ưa gì mình, nhưng nguyên nhân tại sao thì chưa thể tìm ra. Nguyệt chưa bao giờ có hành vi, hay lời nói nào xúc phạm đến Hân, mặc dù Hân là đối tượng bị các giáo viên trẻ đùa cợt, châm biếm nhiều nhất. Hân béo nhất trường, nhưng hay mặc áo bó chật sát người , lằn lên từng múi thịt ninh ních, mọi người lại rinh rích bấm nhau: “Y như một khúc giò lụa biết đi”. Hân điệu đà, õng ẹo, mọi người ngắm nguýt. “Cưa sừng làm nghé thế, chẳng trách chưa ma nào nó rước”. Thế nhưng không hiểu sao trước mặt Hân , ai cũng vui vẻ, thân mật cả cứ như chưa bao giờ họ nói xấu, họ cười cợt Hân. Nguyệt thấy lạ cho cách đối xử của mọi người, nhưng chỉ lẳng lặng nghĩ một mình. Trong thâm tâm, cô chưa thấy mình hòa hợp với đám giáo viên trẻ trong trường một cách thật sự. Thoạt đầu, cô buồn vì điều đó, sau lại tự nhủ: “Ở lâu sẽ quen, mình mới về, còn lạ lẫm là phải”. Nhưng mọi cố gắng từ trước tới nay của Nguyệt như sụp đổ tan tành trong buổi chiều nói chuyện với cô Bình vừa qua. Cô Bình đã tận mắt được đọc lá đơn tố cáo Nguyệt ở bên trường. Nội dung không khác gì lá đơn gửi cho Đoàn thanh niên. Người viết còn đặc biệt nhấn mạnh vào chuyện Nguyệt quan hệ bất chính với con trai ông hiệu trưởng. Nghe cô Bình nói đến đây, Nguyệt hỏi một câu như hụt hơi: “Quan hệ bất chính là thế nào, cô?”. Cô Bình ái ngại: “Cháu đừng lo. Đấy là lá đơn nặc danh chứ đâu có phải sự thật đâu. Ai hơi đâu mà đi tin”. Nhưng rồi lát sau, khi Nguyệt mới hơi hơi lấy lại bình tĩnh, cô lại bảo: “Mới đầu, cô và bác Ân (ông hiệu trưởng) thống nhất là không lộ chuyện lá đơn. Đơn nặc danh, lại vô căn cứ thế, công bố làm gì. Nhưng không hiểu sao cả trường đều biết”. Đến đây thì Nguyệt choáng thật sự. Chào cô Bình ra về, nhung chân cô cứ lẫng cẫng như bước trên mây.
Đến nhà, Nguyệt đóng cửa, nằm vật ra giường, không bật điện và cũng chẳng thèm cơm nước. Cô khóc, khóc lặng lẽ và cay đắng. Chưa bao giờ Nguyệt có tâm trạng chán chường và bất lực đến thế. Hàng loạt câu hỏi cứ quay cuồng trong óc. Có phải mày đã quá ảo tưởng, quá ngây thơ không hả Nguyệt? Mày làm tất cả những việc này là vì ai? Vì ai mày bỏ gia đình, bỏ Hà Nội, bỏ cả người yêu để lao đầu về chốn này, nghiến răng chịu bao nhiêu thử thách. Cứ tưởng tất cả đều êm đẹp, ai ngờ… Rất có thể đây mới chỉ là những khổ sở bước đầu, còn những gì đợi mày sau đó nữa? Mày được nhận những gì sau cả chuỗi ngày gắng gỏi vừa qua? Có lẽ tất cả mọi người đều đúng, mày đã quá viển vông, quá dại dột, ngu ngốc không đâu… Tại sao lại nghiệm ra điều này muộn thế? Tại sao? Có lẽ mình không thể sống ở đất này được nữa. Mình phải đi… Tự nhiên cô lại nghĩ về Khanh. Anh có lý ư? Ý nghĩ dừng ngay lại trong chua xót. Khanh đã có người con gái khác. Có đúng là mình đã đạp đổ tất cả hạnh phúc trong tầm tay để tự nguyện vơ về bao nhiêu chua chát? Nếu biết tất cả những chuyện này, anh Quân, bố, mẹ và cả Khanh nữa, nghĩ gì? Lá thư trước gửi cho Lan còi lên đất Tuyên Quang xa xôi, Nguyệt đã say sưa kể về cuộc sống và công việc nơi đây của mình. Cô còn khuyên Lan còi hãy gắn bó, rồi sẽ yêu mảnh đất và ngôi trường của nó. Vậy mà… Đến khi khóc cạn nước mắt, Nguyệt đã đưa ra cho mình một giải pháp mà cô cho là tốt nhất: bỏ nơi này để về với mẹ. Cô sẽ trở về Hà Nội, cho dù có thể anh Quân sẽ giễu cợt và Khanh bíêt đâu chẳng cười thầm. Nhưng chẳng có gì níu giữ cô ở lại được nữa…
Ngay hôm sau Nguyệt ốm, phải nghỉ dạy. Không hiểu ai báo mà cô Bình biết, thu xếp sang dạy thay. Nằm bên này, nghe tiếng học trò ríu ran bên kia, cô lại ứa nước mắt. Ra chơi, cả lũ chạy ùa sang, vây quanh cô. Mỗi đứa hỏi thăm một câu khiến căn phòng nhỏ ồn ào như cái chợ. Phải vất vả lắm cô Bình mới xua được cả lớp về học tiếp. Tan buổi học, cô nán lại nấu cháo cho Nguyệt. Chắc cô định nói điều gì đó, nhưng có Nụ ở đấy lại thôi. Lúc về, cô chỉ bảo: “Cố lên Nguyệt ạ”. Nguyệt gật đầu khe khẽ, vẫn chưa hiểu ý cô nói “cố lên” trong chuyện gì? Chuyện ốm đau hay cú sốc tâm lý vừa rồi? Buổi trưa, Nguyệt kể với Nụ tất cả, kể cả ý định bỏ về Hà Nội, rồi lại khóc. Nụ cứ ngồi yên lặng, lúc bặm môi ra chiều tức tối, lúc lại thừ mặt thở dài. Sau rất nhiều sụt sịt của Nguyệt, Nụ mới phẫn nộ, nói gần như quát: “Nếu em biết thằng nào, con nào khốn nạn thế, thì em vả cho gẫy răng ngay lập tức. Cha bố cái loại gắp lửa bỏ tay người. Được rồi, chị cứ để đấy cho em. Em sẽ làm cho ra chuyện này”. Đang khóc, Nguyệt cũng phải bật cười bởi dáng điệu hùng hổ của Nụ. “Làm thế nào cơ?”. Nụ lại nghiến răng: “Ở trường chị, đứa nào ghét chị nhất?”. Nguyệt thở dài: “Chị không biết”. “Sao lại không? Chị phải biết chứ. Đến nước này mà chị…”. “Ừ hình như có chị Hân…”. “Á à, con mẹ béo trương béo nứt. Đúng nó rồi…”. Nguyệt hốt hoảng: “Em đừng hồ đồ, kệ chị. Cho qua tất cả đi. Đằng nào thì chị…”. Nụ hạ giọng: “Chị quyết về Hà Nội chỉ vì một chuyện này thôi à?”. “Thế là đủ, còn gì nữa!”. “Không! Nếu thế, chúng nó càng hả hê. Chị cứ ở lại đây. Nếu chỉ vì chuyện ấy thì chị đừng nên đầu hàng…”. Trước lý lẽ của Nụ, Nguyệt lại thấy lòng chùng xuống. Ừ nhỉ, mình nông nổi và bốc đồng quá. Mới vấp phải viên đá cỏn con đã ngã và không muốn đứng dậy đi tiếp nữa. Biết Nguyệt đã nguôi nguôi, Nụ không nói thêm chuyện đi hay ở của cô nữa nhưng vẫn tức tối lầm bầm: “Thế với chị em sẽ nghĩ cách tìm ra đứa nào viết đơn. Xem nó là ai to gan thế”. Nguyệt cố gượng cười. Cô thừa biết Nụ chỉ nói vậy cho đỡ tức. Chuyện đi - ở, ở - đi cứ dùng dằng mãi. Đến khi mẹ Khanh sang bảo: “Hay là con giận bác, giận thằng Khanh hả Nguyệt? Thôi thì con dại cái mang, con cho bác xin, chứ đừng bỏ đi mà tội lũ trẻ lắm” thì Nguyệt lại thấy bao nhiêu quyết tâm trở về Hà Nội đã tan ra thành nước. Đúng là cô khó có thể rời bỏ nơi này, cho dù có chuyện gì đi chăng nữa. Cánh thanh niên trong làng cũng bíêt chuyện. Buổi tối tập trung ở nhà Nguyệt, cả bọn cứ cay cú bàn nhau cách “truy tìm thủ phạm”. Nguyệt thấy mọi người nghĩ cho mình nhiều quá. Như thế, có lý gì cô lại ra đi?
Nụ hứa với Nguyệt: “Em thề sẽ tìm ra thủ phạm bôi nhọ chị”. Tưởng chỉ là lời an ủi, ai ngờ Nụ làm thật. Có điều, cô cứ giấu Nguyệt, chỉ chăm sang gặp gỡ Văn. Mới đầu, Nụ ghét Văn ra mặt, nhưng càng ngày, Nguyệt càng thấy Nụ cởi mở hơn với Văn. Có lẽ do Văn năng động và quan tâm sâu sát tới từng đoàn viên hơn. Một chiều, Nụ ôm về cả một chồng giấy trông như bài kiểm tra của học sinh. Vừa nhìn thấy Nguyệt ở cửa, Nụ đã hối hả thì thào: “Tìm ra rồi”. Nguyệt ngơ ngác: “Tìm ra cái gì?”. Thì đấy, thủ phạm định ám hại chị chứ còn ai. Vào đây, chị vào đây…”. Trước cặp mắt ngạc nhiên của Nguyệt, Nụ hớn hở vứt chồng giấy xuống giường: “Chị có nhớ bản khai lý lịch hôm nọ anh Văn bắt từng đoàn viên làm không? Không phải khai lý lịch để làm sổ Đoàn như anh ấy nói đâu”. “Thế để làm gì?”. Nguyệt vẫn chưa thôi ngơ ngác. “Chị không nghĩ ra thật à? Để lấy mẫu chữ, về so…”. Bây giờ thì Nguyệt hiểu. Không biết tại sao cô lại có cảm giác vô cùng hồi hộp. Nụ kéo Nguyệt ngồi xuống, vừa trịnh trọng vừa hí hửng giơ ra hai tờ giấy. Một là lá đơn, một là bản khai lý lịch đoàn viên: “Giống hệt nhau. Hai thứ chữ này là một. Chị nhìn xem! Em với anh Văn toét mắt suốt buổi chiều”. Nguyệt run run đón lấy hai tờ giấy trên tay Nụ, nhìn xoáy vào bản lý lịch: “Họ và tên: Nguyễn Thị Vân”. Cô nhíu mày: “Vân nào nhỉ?”. “Vân, em bà Hân trường chị đấy. Em gái ruột. Chắc chị không biết nó đâu. Bà chị béo trương béo nứt còn con em lại gầy như mèo hen. Mắt trắng, môi thâm. Thảo nào mà…”. Nguyệt sững sờ hỏi lại: “Em chị Hân à? Có chắc không?”. “Sao lại không? Cả xã này, có đứa thanh niên nào mà em không biết”. Nguyệt vẫn ngần ngại: “Chữ trong hai tờ giấy này là một, nhưng lỡ…”. Nụ lắc đầu quầy quậy: “Không lỡ gì đâu. Em với anh Văn đã gặp cái Vân nói chuyện rồi”. Tự dưng Nguyệt giật mình: “Sao? Lẽ ra em phải nói với chị trước…”. “Em biết ngay chị sẽ nói thế mà. Chị yên tâm, em với anh Văn không làm căng quá đâu. Nó thú nhận rồi, chính bà Hân xui nó viết”. Lại thêm nỗi ngạc nhiên nữa, Nguyệt cứ nhìn trân trân vào Nụ như để xác định lời Nụ nói có thật không. Lát sau cô mới rời rạc: “Sao chị ta phải làm thế nhỉ?”. Nụ vẫn gọn lỏn: “Chẳng sao cả chỉ ghen ăn tức ở thôi. Chị chưa biết à, bà Hân mê lão Vinh như điếu đổ. Suốt ngày săn đón, nhưng lão Vinh lại cứ tỉnh bơ. Bây giờ thấy lão Vinh hay qua bên đây tán tỉnh chị, nên bà tức. Thói đời, trâu buộc ghét trâu ăn mà”. Lập được “chiến công”, Nụ tưởng sẽ khiến Nguyệt vui, ai ngờ cô lại ôm đầu đau khổ: “Thế đấy, chỉ vì một chuyện cỏn con”. Nụ chép miệng nhẹ tênh: “Chuyện lớn thế mà chị bảo cỏn con. Nhưng đừng lo em chỉ bảo cái Vân là: về nói với bà Hân nhà mày rằng chị Nguyệt và tụi tao biết chuyện cả rồi đấy. Đừng bày thêm trò mèo gì nữa. Em tin là chị cũng sẽ chẳng nói gì với bà Hân đâu. Chị hiền quá. Phải tay em thì chết với em”. Đến tận khi Nụ về, Nguyệt vẫn chưa hết ngạc nhiên. Cô không ngờ Hân lại làm thế với mình, dù vài ngày trước, theo gợi ý của Nụ, cô cũng láng máng đoán ra. Đoán nhưng lại không dám tin đó là sự thật. Cô cứ quanh quẩn mãi trong ý nghĩ: “Tại sao Hân làm thế với mình? Rõ ràng tất cả mọi người đều biết mình không có mảy may tình ý gì với Vinh”. Cứ tưởng giải quyết xong chuyện này, cô sẽ nhẹ lòng, ngờ đâu tất cả còn trĩu nặng hơn… Tại sao con người ta không thể sống tốt với nhau? Ở một nơi nhọc nhằn và lam lũ thế này, con người sống với nhau tình nghĩa mặn mà đến thế mà vẫn có những chuyện đáng buồn. Luẩn quẩn nghĩ ngợi một hồi, Nguyệt lại bật cười một mình. Nếu ai cũng thánh thiện như mình mong muốn, thì có còn là cuộc sống muôn mặt nữa không? Chính bản thân mình nhiều lúc cũng chẳng tốt như mình từng nghĩ. Mới vấp có chuyện cỏn con mà đã thế. Trước kia mình cứ ngỡ, mình chỉ nghĩ cho tụi trẻ làng Giữa. Giờ mới thấy, mình còn lo cho cá nhân nhiều quá…
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

P02: Ngã ba - Mơ về làng Giữa

Anh kể thêm về quê anh, về gia đình anh đi! Để mấy hôm nữa về đó, em đỡ bỡ ngỡ. Không biết đây là lần thứ mấy trong buổi tối, Nguyệt ngước mắt nài nỉ Khanh. Anh chỉ khẽ vòng tay qua vai cô, giọng trầm ấm, nửa buồn, nửa dửng dưng! Có gì mà kể, em! Nói trước, anh sợ em… ngán, không muốn về. Anh nói rồi thôi, quê anh nghèo lăm.
Nguyệt xịu mặt. Khanh ngắt ngang lời cô, giọng cô tươi vui hơn chút ít.
- Thôi nào! Sốt ruột gì cơ chứ, còn có gần một tuần nữa chúng mình về rồi. Chắc chắn mẹ anh vui lắm. Nghe anh kể, mẹ cứ bảo có em về làm dâu rồi chết cũng yên lòng. Mẹ chỉ mơ có con dâu là cô giáo thôi đấy.
Nguyệt khúc khích cười:
- Anh lại kể xấu em với mẹ chứ gì?
Rồi cô thảng thốt:
- Em chưa xin phép bố mẹ, tuần sau chúng mình đi rồi. Lỡ bố mẹ không đồng ý cho em đi…
Khanh bật cười:
- Chờ em có mà đến tết tây. Cứ nước đến chân rồi mới nhảy. Hôm trước anh đã hỏi ướm ý các cụ rồi, hỏi cả anh Quân nữa, mọi người không phản đối đâu. Thậm chí, anh Quân còn bảo…
- Anh ấy bảo sao?
Khanh ngập ngừng:
- Rằng “Tụi mày yêu nhau bao năm rồi, sao giờ mới tính chuyện cho Nguyệt về ra mắt. Lẽ ra phải tiến hành từ lâu rồi kia”.
Nguyệt giật tay Khanh, giận dỗi:
- Đấy nhé, không phải mình em nghĩ thế. Anh thì lại cứ chần chừ. Hay là…
- Hay là sao…
Nguyệt ngồi im, đầu hơi cúi, mái tóc mềm xõa trên vai, vài sợi tóc bay trên má Khanh buồn buồn. Không hiểu Nguyệt đang nghĩ gì? Chắc cô đang lo đến chuyện về quê “ra mắt” gia đình và họ mạc nhà anh. Khanh chợt thấy nhớ nhà, nhớ mẹ đến cồn cào. Mẹ anh mới ngoài năm mươi tuổi, mà mái tóc đã bạc tới một phần hai. Mỗi lần anh về nghỉ, kể chuyện Nguyệt bà lại giục “Sao con không đưa con bé về chơi? Đã yêu thương nhau, còn ngại ngần nổi gì?”. Cũng có lần hỏi xong, bà lại ngồi lặng đi hồi lâu, rồi mắt rơm rớm nước: “Nhà mình nghèo thế này, quê mình khổ cực thế này, biết người ta có ưng không? Người thành phố sướng từ trong trứng sướng ra…”.
Khanh chỉ biết xót xa nhìn mẹ. Chắc hẳn trong óc bà, người thành phố là những gì cao quí lắm. Cả làng anh chỉ có nhà ông Vị có con làm ngoài thành phố. Thi thoảng vợ chồng con cái họ về chơi, làng lại xôn xao lên. Người thành phố khác xa với người làng anh. Lũ trẻ con cứ lằng nhằng bám theo những “người thành phố” nhà ông Vị. Những người lớn lại trầm trồ, vì nỗi con dâu ông Vị đi đôi giày gót cao và nhọn hoắt thế mà không ngã, rồi sao cổ và tay cô ta đeo nhiều vàng đến thế, ngay cả đứa con gái út mới tí tuổi đầu cũng đã được đeo vàng.
Có lần mẹ còn nửa đùa nửa thật bảo anh “Con cố học thành tài, ra được thành phố, đón mẹ ra. Ở thành phố một ngày là mẹ cũng mãn nguyện rồi”. Ngày đó, Khanh đã “vâng” thật hồn nhiên. Anh còn nhớ mình từng cao giọng nói với lũ bạn cùng làng rằng “Tao sẽ học lên đại học, tao sẽ ra thành phố ở”. Có đứa đã tròn xoe mắt phục lăn. Thậm chí thằng cu Mít còn mon men bảo: “Ra thành phố, rồi anh mua cho em cái ôtô nhựa nhé”. Khanh hào phóng hứa với tất cả lũ bạn.
Sau này, ước mơ ra thành phố học đại học thôi thúc anh cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Anh là đứa con đầu tiên của làng đỗ vào đại học, bõ công bao tháng ngày vượt sông đi học đầy khổ cực, hiểm nguy. Hôm anh đi, mẹ khóc nấc lên. Bà khóc vì sung sướng nhiều hơn vì sắp phải xa con. Từ ngày Khanh vào đại học, mẹ anh trở thành tấm gương cho các bà mẹ ở làng, anh trở thành tấm gương cho lũ trẻ các nhà. Sắp đủ 4 năm từ ngày anh xách túi ra đi làng vẫn chưa có thêm một sinh viên nào. Ngay lũ em anh, ba đứa thì đã có hai đứa bỏ học giữa chừng. Hôm vừa rồi, thằng cu Chiến út ít viết thư lên bảo: “Em muốn nghỉ học lắm rồi. Mỗi lần trời mưa, đi học cực lắm. Có hôm đò suýt bị lật, sách vở rơi hết xuống sông”. Đọc thư em trong góc lớp mà Khanh rơi nước mắt. Anh cũng chẳng dám khuyên nó câu nào.
Biết đôi vai gầy của mẹ có còn cáng đáng được nữa không? Cái Nụ mười bảy tuổi đã nhấp nhổm lấy chồng. Mơ ước lớn nhất của nó là được một lần mặc váy cưới, giống như các cô dâu trên phim ảnh. Có lần Khanh chót hứa: “Bao giờ đi  làm, anh sẽ gắng dành dụm đủ tiền cho mày thuê váy cưới trên thị xã về”. Tưởng con bé vui, ai dè nó trề môi ngấm nguýt: “Chờ anh đi làm có mà em thành gái già à?”, mặc dù đến lúc Khanh ra trường, nó cũng vừa đủ tuổi để có thể đăng ký kết hôn. Vừa tết năm ngoái, dành dụm được ít tiền, con bé rủ lũ bạn gái cùng làng ra thị xã chụp ảnh. Nó xúng xính trong váy cưới, áo dài, quệt thêm tí son phấn, tóc xõa ra, gài bông hoa giả, thế mà đem ảnh về làng khoe, đố ai nhận ra.
Cái Nụ treo ngay ảnh lên tường, bị mẹ anh chửi cho như tát nước vào mặt. Bà bảo: “Con gái con đứa, đú đởn vừa vừa thôi, ảnh uôm cái nỗi gì. Không cất đi, tao xé ra thì đừng có trách”. Nó khóc ti tỉ, gỡ xuống. Đợi lúc nguôi nguôi, mẹ anh mới tỉ tê: “Nhà nghèo thì giữ lấy nếp nghèo. Con đừng đua đòi kẻo xóm giềng cười chê. Con gái mà mang tiếng đua đòi thì nhà nào dám rước. Với lại, chúng mày chưa chồng mà dám mặc áo cưới để chụp ảnh, nó bó duyên có mà chết già”. Nghe ra, cái Nụ thôi không hậm hực, nhưng thỉnh thoảng, nó vẫn lén lấy mấy tấm ảnh ra ngắm với vẻ háo hức, say mê. Có lẽ điều nó mơ ước nhất là được trở nên xinh đẹp và sang trọng như trong ảnh.
Đưa Nguyệt về nhà, Khanh quay trở lại ký túc xá. Cả phòng đã ngủ. Cửa khép hờ. Khanh đưa tay tìm công tắc điện. Bị chói mắt, thằng Hải giường trên trở mình quay mặt vào tường, càu nhàu bằng giọng Nghệ An đặc sệt “Mi đi mô mà về muộn rứa?”. Phòng sáu đứa, hôm nay chủ nhật, chúng nó đi đâu hết, còn mỗi thằng Hải ở nhà. Khanh tống xe vào góc phòng, tắt điện. Nhưng lên giường rồi mà mãi anh không ngủ được. Tiếng thằng Hải giường trên ngáy như sấm, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức trên bàn càng làm anh thêm trằn trọc.
Nhưng hơn cả là anh nghĩ đến mẹ, đến Nguyệt. Nay mai đưa Nguyệt về thăm, chắc mẹ anh phải xuýt xoa: “Sao mà con bé xinh đến thế”. Hàng xóm nhà anh chắc sẽ sang chật nhà để xem mặt “cô con dâu thành phố nhà bà Vọng”. Rồi người ta sẽ khen anh giỏi, sẽ ngay lập tức có người lấy anh làm gương cho con cái một lần nữa. Lũ thanh niên trong làng sẽ nhìn anh và Nguyệt mà nuôi mơ ước. Còn cha anh nữa, dưới suối vàng hẳn người cũng mát lòng. Mẹ cứ kể đi kể lại rằng trước lúc nhắm mắt cha anh cứ dặn đi dặn lại bà hãy cố nuôi các con ăn học cho dù có khổ sở đến đâu. Ông còn bảo bà hãy thương các con, đừng có sang ngang lần nữa. Người thiên hạ, họ chẳng yêu thương con mình đâu…
Mỗi lần nhắc đến chuyện này, mẹ anh lại cười, dù mắt ầng ậc nước. “Rõ là ông ấy dở chết. Chứ tao đã ngoài bốn mươi, lại một đống con, có động rồ mà đi bước nữa”. Năm bố Khanh mất, thằng cu Chiến mới lên bốn, cái Nụ lên bảy còn cái Khánh lên mười. Thế mà đã mười năm trôi qua. Mười năm ấy, Khanh không nguôi mơ ước về một cuộc sống khá hơn, đỡ cực nhọc, vất vả hơn cuộc sống ở làng.
Năm kia, cái Khánh lấy chồng. Chồng nó là một cậu thợ xây làng An Hạ bên kia sông. Hôm đưa dâu, mẹ cứ đứng bên này sông khóc sụt sùi. Xóm giềng an ủi: “Con gái lớn phải lấy chồng chứ! Giữ nó ở nhà với mình cả đời được à? Rồi bà sẽ nguôi thôi”, thì mẹ anh lại bảo: “Tôi khóc vì mừng đấy chứ!”. Mà mừng thật. Cái Khánh thoát được khỏi làng Giữa là một may mắn cho đời nó. Còn ở trong làng là còn trong cái vòng luẩn quẩn khổ cực, đói nghèo… Rồi Khanh lại nghĩ ngay đến Nguyệt, không hiểu Nguyệt sẽ nghĩ gì khi đặt chân lên mảnh đất làng anh? Không hiểu hình ảnh anh trong mắt Nguyệt có thay đổi không khi cô về thăm làng Giữa.
Cũng có lần Khanh bộc bạch nỗi lo lắng ấy với Trung. Trung chỉ gạt phắt đi mà rằng: “Mày cạn nghĩ hơn cả đàn bà. Nguyệt không phải người như thế. Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội cơ mà! Huống hồ là cái sông cỏn con quê mày. Suy cho cùng, mày ra trường cũng có quê ở đâu mà lo”. Biết thế, nhưng Khanh vẫn không nguôi thấp thỏm. Anh vừa sốt ruột chờ đến ngày được dẫn Nguyệt về quê ra mắt mẹ, lại vừa thấy ngại ngần, lo lắng. Chẳng hiểu Nguyệt có rõ tâm trạng của anh lúc này?
Càng nghĩ lan man, càng thấy khó ngủ. Khanh muốn dậy viết bài nhưng lại ngại ánh đèn đánh thức Hải. Từ ngày nhận việc làm thêm ở một tòa báo trong thành phố, Khanh luôn là người thức khuya nhất phòng. Có tuần bài vở ngập đầu, anh phải thức trắng đêm. Gặp nhau, Nguyệt cứ xót xa bảo: “Anh tham công tiếc việc vừa vừa thôi”, còn tụi trong phòng mệnh danh anh là kẻ “cày khỏe hơn trâu”. Khanh đang nuôi hi vọng sau khi tốt nghiệp, được nhận về báo này. Ông tổng biên tập là đồng hương với anh, cứ xuýt xoa khen: “Dân làng Giữa mà bứt lên đi học được như cháu là giỏi lắm, có chí lắm”. Qua hơn một năm cộng tác, Khanh đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người trong tòa soạn. Con đường đời trước mặt anh đang đỡ gập ghềnh, heo hút hơn.
Nguyệt bần thần ngồi trước đống áo quần. Theo kế hoạch cô sẽ về chơi nhà Khanh ba ngày. Chỉ có ba ngày thôi, nhưng cô đã trăn trở từ mấy hôm nay rằng sẽ ăn mặc thế nào, mua những quà gì cho mọi người. Khanh bảo: “Làng Giữa của anh là một trong những làng nghèo nhất miền Bắc Việt Nam”. Nguyệt trề môi không tin, Khanh lại buồn buồn: “Anh không nói dối em đâu, thật đấy”, làm cô lại phải vui vẻ. “Thì em tin, nhưng nghèo hay giàu thì ảnh hưởng gì mà anh bận tâm nhiều thế”.
Qua lời kể của Khanh, Nguyệt gắng hình dung ra quê anh. Làng Giữa thực ra chỉ là một doi đất được bổi trong sự giao thoa của bốn dòng sông, sông Cầu – sông Thương – sông Lục Nam – sông Đuống, để rồi từ đó lại tách ra hai con sông nữa là sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Khanh cũng đã từng mở bản đồ, chỉ cho Nguyệt quãng Lục Đầu Giang quê anh.
Làng Giữa như một ốc đảo giữa mênh mông sông nước, rộng chừng ba cây số vuông. Vào mùa mưa bão, nước sông dâng cao, làng anh bị cô lập hoàn toàn. Năm nào nước cả, tháng bảy, tháng tám âm lịch nước dâng ngập đến ngang nhà, còn năm nước thấp, ngoài sân cũng lõm bõm ngang mắt cá. Người dân làng Giữa toàn sống chung với nước. Phương tiện duy nhất để ra khỏi làng là những chiếc thuyền nan mỏng mảnh. Khanh còn kể làng anh có những cụ già cả một đời chưa hề sang đến bên kia sông, chỉ quẩn quanh trong làng, mở mắt ra là thấy bốn bề sông nước.
Nghe Khanh kể, Nguyệt lại thêm háo hức. Từ nhỏ, cô ít khi được đi xa. Đến lúc mẹ bị bệnh, phải nằm một chỗ, cô càng hay quẩn quanh bên mẹ. Bao nhiêu lần lớp tổ chức tham quan du lịch là bấy nhiêu lần Nguyệt vắng mặt. Cô không muốn xa mẹ, không muốn để mẹ buồn vì thiếu sự chăm sóc của mình, dù chỉ một ngày. Bao nhiêu lần bố và anh Quân đòi thuê người giúp việc, Nguyệt đều gạt đi, tự nhận về mình phần chăm sóc mẹ. Anh Quân nhăn mũi bảo: “Mày có chăm mẹ được cả đời không? Còn phải đi lấy chồng nữa chứ! Dễ thường mày khiêng mẹ theo? Cứ làm như ngoài mày ra thì không ai đủ tiêu chuẩn phục vụ mẹ?”. Nguyệt nửa đùa nửa thật bảo: “Có chứ. Bao giờ anh lấy vợ, em sẽ trao trả chị dâu nghĩa vụ ấy”. Ai ngờ anh Quân xị mặt: “Có đứa nào nó dám lấy tao khi biết mẹ như thế? Thời nay, con dâu phải hầu mẹ chồng chỉ là điều không tưởng”. Nguyệt nghẹn họng nhìn anh.
Có những lúc cô cảm thấy anh Quân xa lạ với mình, cứ như thể không phải anh em ruột. Là phó phòng kinh doanh của Công ty vật tư, anh sống bận rộn và lạnh lùng, như thể tất cả các mối quan hệ chỉ là đối tác, bạn hàng. Không hôm nào anh có mặt ở nhà lúc ban ngày. Có khi suốt cả tuần anh cũng chẳng đáo qua phòng thăm mẹ một lần, đợi Nguyệt phải nói như van, anh mới vội vã lao vào bên mẹ, hỏi han vài câu nhạt thếch rồi đi. Cùng một nhà, nhưng mẹ ở tầng trên, anh Quân tầng dưới, cứ khoảng mười giờ đêm anh về lại cầm điện thoại nhấn chuông ầm ĩ lên phòng mẹ, chỉ hỏi: “Mẹ ngủ chưa?”. Sau Nguyệt bảo: “Vào giờ mẹ ngủ, anh lại gọi điện, toàn làm mẹ mất ngủ thôi. Từ mai gọi sớm hơn đi”. Anh thủng thẳng “Sớm hơn thì tao đã về nhà đâu. Gọi di động để mà đốt tiền à?”. Thế là từ hôm sau, thói quen gọi điện của anh lên phòng mẹ chấm dứt.
Lạ là mẹ cứ bồn chồn chờ và vẫn không ngủ được. Mười một giờ đêm Nguyệt ngồi học bài, vẫn thấy mẹ nhắc nhỏm: “Sao anh con về muộn thế?”. Cô bỏ sách, vào giường xoa lưng cho mẹ, thủ thỉ: “Anh ấy về lâu rồi, nhưng không gọi điện, vì con bảo đừng làm mẹ thức giấc”. Mẹ thở dài, buồn buồn: “Mẹ có ngủ được đâu, không có tiếng chuông điện thoại của nó lại thấy thiêu thiếu…”. Nguyệt ứa nước mắt vì thương mẹ. Bên mẹ chỉ còn có cô.
Bố cũng đi biền biệt suốt ngày đêm. Ở nhà, bố là bố nhưng đến cơ quan bố là giám đốc, là sếp của anh Quân. Bởi thế, anh luôn luôn đứng về phía bố và tìm mọi cách để bênh vực bố. Nguyệt nhớ có lần cô đã khóc lặng người đi khi nghe tin bố có người đàn bà khác, một kẻ chỉ hơn cô chừng dăm tuổi. Nguyệt tìm đến anh Quân, anh lại ráo hoảnh “Biết rồi. Có gì mà em ầm ĩ lên thế?”. Cô há hốc miệng, nhìn anh trừng trừng. Anh Quân vẫn thản nhiên: “Thì em cứ nghĩ xem, môi trường công việc của bố thế. Cũng chỉ qua đường gió thoảng thôi chứ có đá vàng son sắt gì đâu. Mà… mẹ bệnh tật nằm đấy sáu, bảy năm rồi. Em lớn rồi nên anh mới nói điều này, bố cũng là con người, là đàn ông chứ có phải gỗ đá gì cho cam. Anh em mình, và cả mẹ nữa cũng nên thông cảm cho bố”. Nguyệt không thể thông cảm theo kiểu tỉnh bơ của anh Quân, cô khóc vùi đến mấy ngày, thấy trong mình có sự đổ vỡ kinh khủng.
Mẹ đoán ra ngay. Bà cứ vỗ về cô: “Mẹ chấp nhận được, con đừng nghĩ nhiều quá. Suy cho cùng mẹ chỉ là gánh nặng. Bố con và các con phải thiệt thòi nhiều”. Nói xong bà cũng khóc. Bệnh viêm đa khớp dạng cấp đang ngày càng rút tỉa sức lực của bà. Hai bàn tay bà đang bị teo, co quắp, biến dạng. Dường như bố cũng sợ, mỗi khi vào thăm mẹ, ông chỉ kéo ghế ngồi đối diện, như thể họ chỉ là hàng xóm chứ không phải vợ chồng.
Cũng không ít lần Nguyệt gay gắt chất vấn: “Sao bố ít quan tâm đến mẹ thế?”. Ông chỉ khẽ lắc đầu, bảo: “Bố vẫn quan tâm đấy thôi. Có điều mẹ con cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Bố chưa để mẹ con thiếu thứ gì”. Cô trách bố thờ ơ với mẹ, thời gian chỉ dành cho công việc thì ông lại cười: “Con phải ở vào địa vị của bố, dù chỉ một ngày thôi, thì con sẽ thấy được bố phải chịu một áp lực lớn như thế nào từ phía công việc”. Bao giờ Nguyệt cũng phải thua trước những cuộc “luận đàm” như thế.
Dần dần cô buộc phải chấp nhận và quen dần với cách sống của bố và anh Quân. Gia đình có bốn người mà chia làm hai mảng. Cô thấy sợ khi nghĩ về mai sau. Đến lúc cô không bên mẹ được nữa, thì ai sẽ là người thay thế, khi bố và anh Quân chỉ như hai khách lạ giữa nhà mình. Nhưng rồi cô lại hoảng hơn khi linh cảm mẹ như một ngọn đèn sắp tắt… Có những hôm trở trời, mẹ nghiến răng chịu đau mà không nói. Những tiếng rên cố nén luôn luôn xát muối vào lòng Nguyệt. Bố và anh Quân chẳng biết đấy là đâu.
Nghĩa vụ của bố đối với mẹ chỉ là thỉnh thoảng dẫn về nhà một ông bác sĩ mới và những tờ đơn thuốc thay đổi xoành xoạch. Mẹ uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Nghĩa vụ của bố với Nguyệt là hằng tháng đưa tiền cho cô trang trải mọi thứ. Anh Quân cứ bảo: “Sướng nhất mày, cứ tiêu vô tư. Đầy đứa là sinh viên phải cong đuôi lên đi làm thêm”. Rồi nhân chuyện làm thêm, anh lại ngoái sang nói về Khanh khen Khanh nhanh nhẹn, thông minh: “Mày lấy nó là quá tốt rồi. Tụi tỉnh lẻ chăm chỉ lắm. Đừng có vớ mấy thằng công tử bột thủ đô, về hầu nó không xong”.
Có lúc anh còn cười hơ hớ bảo: “Kể ra có thằng em rể là nhà báo cũng lợi phết. Bọn kinh doanh như anh chỉ sợ nhất mấy bố công an, nhì là mấy bố nhà báo: “Nguyệt chán, chẳng buồn tranh luận thêm với anh. Hơi tí anh Quân lại bảo cô là “ếch ngồi đáy giếng”, rồi “Công chúa trong tủ kính”, chỉ biết ngơ ngơ với sách vở, không hiểu gì về thực tế cuộc đời. Anh còn cao giọng dạy dỗ: “Đời nó tàn nhẫn, khốc liệt lắm em ạ. May mà bên mày còn có thằng Khanh tháo vát đấy. Giá nó đừng học báo chí mà học kinh tế thì thế nào bố cũng kéo về cơ quan, đỡ lo khâu xin việc khi ra trường”.
Thấy Nguyệt cứ thừ người nghĩ ngợi, mẹ khẽ khàng “Sắp đồ xong chưa con? Sao ngẩn người ra thế? Cô giật mình: “Con thấy… lo lắm”, “Lo gì? Mà lần đầu tiên về nhà người ta, cái gì cũng phải chu đáo, ý tứ con nhé. Con đừng để lại ấn tượng gì xấu”. Nguyệt bỏ đống quần áo đang xếp dở, sà sang bên giường mẹ, và xót xa khi nhận thấy chân tay mẹ ngày càng teo đi. Tự nhiên cô buột miệng: “Mẹ này, nếu mai này… con lấy chồng thì mẹ cũng phải ở với con luôn nhé”. Mắt mẹ vui vui: “Chưa gì đã lo xa. Ở với ai mà chẳng được. Hôm trước thằng Khanh bảo khi nào ra trường xin việc xong sẽ đưa mẹ nó lên bàn chuyện cưới xin”. Nguyệt nguẩy người: “Còn lâu… Chưa gì đã…”.
Cô thấy rộn lên một niềm vui khó tả. Khanh từng bảo hai đứa ra trường xong sẽ cưới ngay. Còn nhớ hôm sinh nhật Nguyệt, trước mặt cả nhà, bố cô tuyên bố khi nào Khanh và Nguyệt cưới nhau, ông sẽ mua cho hẳn một căn nhà giữa trung tâm thành phố. Ai dè sau đó Khanh buồn buồn bảo: “Anh biết bố em rất ủng hộ chúng mình. Nhưng anh không muốn người khác nghĩ anh là kẻ cơ hội, bám lấy em để lợi dụng”. Nguyệt mắng anh là cả nghĩ, hay lo vớ vẩn, nhưng thực trong thâm tâm cô hiểu và tôn trọng lòng tự trọng của Khanh. Anh luôn muốn vươn lên bằng chính khả năng của mình, luôn muốn xây đắp cuộc sống bằng đôi tay của chính mình. Có phải cô yêu anh tha thiết cũng vì điều đó không?...
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

P03: Ngã ba - Nước mắt làng Giữa

Nguyệt đọc lại bản tóm tắt luận văn lần nữa, vẫn thấy trong lòng hồi hộp không yên. Tám giờ sáng mai cô bảo vệ. Dù đã chuẩn bị thật kỹ càng, cô vẫn thấy chưa yên tâm lắm.
Nguyệt cứ ngồi vẽ ra biết bao tình huống mà hội đồng phản biện có thể đưa ra để tự trả lời. Thấy Nguyệt lo lắng quá, mẹ cô cũng không ngủ được dù cố gắng nhắm mắt.
Thấy mẹ chốc chốc lại mở choàng mắt nhìn về phía mình, Nguyệt áy náy: “Con để đèn sáng quá, mẹ không ngủ được à?”. “Không phải thế, mẹ thấy con lo lắng nên…”. Nguyệt gấp sách sà đến bên giường: “Đâu có, con chỉ muốn chuẩn bị cho kỹ hơn thôi. Các thầy ở tổ lý luận văn học của con khó tính lắm. Ở tổ khác bao giờ điểm luận văn cũng cao hơn tổ lý luận. Họ được mười thì tụi lý luận chỉ được có chín thôi. Thầy hướng dẫn con với thầy phản biện chính lại luôn bất đồng quan điểm mới khó lựa”.
Rồi cô tặc lưỡi “Mà thôi, mặc kệ, không nghĩ đến luận văn nữa. Mai tám giờ nhưng con vẫn phải đến sớm, không biết tụi trong ký túc đã lo cắt chữ, rồi mua hoa chu đáo chưa. Các thầy tổ lý luận khó tính lắm mẹ ạ”. “Thế thì con đi ngủ đi. Mười một giờ rồi còn sớm sủa nỗi gì nữa”. Nguyệt buông màn, nhẹ nhàng nằm xuống bên mẹ. Mẹ cô rất muốn vuốt tóc con gái như ngày xưa, nhưng bà không thể điều khiển nổi đôi tay đã bắt đầu co quắp của mình. Bà chỉ biết xót xa thở dài nhè nhẹ.
Có nằm liệt một chỗ thế này mới thấy mình bé nhỏ và yếu đuối biết bao. Có những lúc bà thấy cạn hết nghị lực sống, thấy thời gian còn lại của cuộc đời mới thừa thãi, vô vị và tẻ nhạt biết bao. Bà gắng gượng chỉ vì Nguyệt. Con bé yêu mẹ bằng thứ tình yêu xả thân, sẵn sàng hi sinh mọi thứ thuộc về mình để bù đắp cho mẹ. Bà còn biết Nguyệt không chỉ đối với mẹ như thế, mà với bất cứ người thân nào cô cũng sống hết mình. Nhưng trong sâu thẳm linh cảm của người mẹ, bà run sợ trong ý nghĩ rồi đời con mình sẽ khổ. Những người chỉ biết quên mình như Nguyệt có khi lại phải khoác trăm nghìn day dứt thiệt thòi.
Nguyệt nhắm mắt mà không ngủ được. Tự nhiên cô cứ có cảm giác âu lo. Không hẳn là lo chuyện sáng mai bảo vệ luận văn thế nào. Chưa bao giờ cô rơi vào tâm trạng bồn chồn thế này. Nguyệt muốn trò chuyện cùng mẹ cho nhẹ lòng nhưng cô sợ làm mất giấc ngủ của mẹ, đành thôi. Cô lại nghĩ đến Khanh, đến làng Giữa bé nhỏ và lam lũ của anh. Gương mặt từng người trong gia đình Khanh lần lượt hiện lên trong óc Nguyệt. Cô nhớ nhất là thằng Chiến. Nhớ từ nước da đen cháy của nó đến vóc dáng còi còi, hàm răng sâu đến một phần ba. Cô nhớ đến cả giọng điệu láu táu và vui nhộn của thằng bé. Bên thằng Chiến, chẳng ai cảm thấy buồn…
Đang miên man suy nghĩ, Nguyệt chợt giật mình bởi tiếng chuông điện thoại réo vang. Nguyệt cầm máy, còn nghe mẹ lẩm bẩm: “Ai gọi thế không biết”. Cô ngạc nhiên khi thấy đầu máy bên kia là Khanh: “Nguyệt hả? Anh đây!”. Cô bật lên: “Sao anh gọi khuya thế?”. Khanh hối hả: “Chiều nay anh phải đi có chút việc bận. Vừa về thì tụi trong phòng bảo anh có điện thoại từ lúc 4 giờ chiều ở quê gọi ra. Tụi nó bảo mọi người nhắn anh phải về ngay, bằng mọi giá”. Nguyệt bàng hoàng: “Có chuyện gì nhỉ?”. “Anh về đây – giọng Khanh trở nên run run – anh chỉ sợ có chuyện gì chẳng lành. Mai em bảo vệ tốt nhé!”. Nguyệt vội vã: “Khoan đã, anh về bằng gì? Khuya rồi. Hay là…”. “Không, anh thấy lo lắng lắm. Anh đi xe máy với thằng Trung. Nó đang đến rồi. Thôi nhé!”.
Trong máy chỉ còn những tiếng “tút… tút…” dài. Nguyệt sững sờ… Mẹ cô cũng hốt hoảng: “Thằng Khanh gọi à? Có chuyện gì đấy con?”. “Con không biết, anh ấy nhận được điện báo phải về quê ngay. Anh ấy đi luôn bây giờ…”. Nghe giọng Nguyệt lạc hẳn đi, mẹ cô vội an ủi: “Chắc có vấn đề gì quan trọng, nhưng không lo con ạ. Có khi là chuyện vui cũng nên”. “Con không nghĩ thế… Hay là… có ai bị làm sao?”. “Bậy nào, con đừng nghĩ linh tinh. Thôi, đi ngủ đi. Đằng nào cũng không thể biết ngay được. Chờ nó lên đã”. Nguyệt thấy chân cứ rủn ra, khuỵu xuống. Cô ngồi ngay xuống đất, vẫn chưa hết bàng hoàng.
Khanh và Trung về làng Giữa ngay bây giờ. Đi xe máy có nhanh chắc cũng gần hai tiếng đồng hồ. Mà đò nào người ta còn thức để chở cả hai qua sông? Càng nghĩ, Nguyệt càng thấy rối bời. Nhận ra mẹ đang lo lắng nhìn mình, cô lại gắng leo lên giường nằm cạnh mẹ, ruột gan như có lửa đốt bên trong.
Lần thứ hai trong đời Nguyệt biết thế nào là thức trắng đêm vì âu lo và hốt hoảng. Lần thứ nhất là khi mẹ cô bắt đầu phải nằm liệt giường sau trận ốm dài, không đi lại được. Tưởng mình không qua khỏi, bà gọi chồng con đến dặn dò mọi chuyện. Nguyệt khóc như mưa như gió. Đến khi không còn nước mắt, cô chỉ nấc lên tức tưởi. Suốt cả đêm nằm bên mẹ Nguyệt không tài nào chợp mắt. Cô chỉ khư khư nắm lấy bàn tay mẹ như thể sợ mình buông ra, mẹ sẽ đột ngột biến đi… Lần này đầu óc cô quay cuồng, mụ mị trong biết bao tình huống giả thiết.
Đến khi đồng hồ báo thức réo chuông, Nguyệt bật dậy thật nhanh. Cô tưởng lầm đó là chuông điện thoại. Khi định thần lại, Nguyệt thở dài thất vọng. Đầu óc cô cứ ong ong, trống rỗng, chân bước đi thậm thõm như trên mây. Có một đêm không ngủ mà người cứ như người đi mượn của ai, hốc mắt trũng sâu. Mẹ không biết Nguyệt thức trắng đêm qua. Cô vào buồng tắm, rửa mặt rất lâu, trang điểm kỹ lưỡng mà vẫn lộ ra vẻ mặt bơ phờ và quầng mắt mỏi mệt hốc hác.
Gửi xe xong, Nguyệt hối hả lên giảng đường. Đúng tám giờ, các thầy trong tổ lý luận văn học đến. mấy đứa lăng xăng hét nhau pha nước. Vừa cầm cái phích ra đến cửa lớp, Nguyệt đã khựng ngay lại. Trung lao từ cầu thang lên, mặt bơ phờ. Nguyệt cuống quít hỏi dồn: “Anh Khanh đâu hả anh Trung? Sao lên sớm thế? Có việc gì không?”. Trung tựa lưng vào tường thở hổn hển một lúc. Nguyệt giậm chân sốt ruột: “Sao hả anh?”. Giọng Trung đầy âu lo: “Em bảo vệ chưa?”. “Chưa. Bây giờ các thầy mới đến, chắc phải mười lăm phút nữa. Thế…”. Trung xua tay: “Em đừng hỏi bất cứ câu gì, để anh thở đã. Em bảo vệ thứ mấy?”. “Thứ năm”. Trung trợn mắt: “Xin đổi lên thứ nhất đi, xong rồi anh em mình còn phải đi”.
Nguyệt lờ mờ đoán ra chuyện gì đó bất ổn. Cô thoáng tái mặt đi: “Vâng, nhưng anh phải…”. “Không nhưng gì cả. Nghe anh đi. Nửa tiếng nữa anh quay lại”. Trung lại lao xuống cầu thang như chạy trốn. Nguyệt suýt khóc. Cô cứ thấy bủn rủn cả chân tay trong một linh cảm chẳng lành. Khanh đâu? Sao Trung đến đây có một mình? Rồi còn đòi chở cô đi đâu nữa… Thấy Nguyệt cứ đứng trân trân ở cửa lớp, Lan Anh chạy ra: “Sao không xuống lấy nước đi. Phải pha ấm trà”. Nguyệt dúi cho Lan Anh cái phích, chẳng nói thêm câu gì. Lan Anh le te xách đi. Dãy hành lang nhộn nhịp. Hôm nay có tới ba tổ cùng bảo vệ. Bao nhiêu anh chàng tay ôm hoa, mặt ngơ ngác, ngó nghiêng. Chắc đến để cổ vũ và chúc mừng bạn gái.
Nguyệt đánh bạo đến chỗ thầy tổ trưởng: “Em xin lỗi thầy, thầy có thể cho em bảo vệ đầu tiên được không ạ?”. Thầy Hùng lấy ngón tay trỏ nâng cặp kính lên nhìn Nguyệt rồi lại nhìn vào tờ danh sách trước mặt: “Nguyệt hả? Sao phải xin bảo vệ đầu?”. Nguyệt nói như sắp khóc: “Thưa thầy… gia đình em… hôm nay có việc, bảo vệ xong em phải về ngay”. Thầy Hùng nhìn lại vẻ mặt đang nhợt đi của Nguyệt: Chuyện buồn hay sao mà lo lắng thế? Thôi được. Nhưng phải tuyệt đối bình tĩnh đấy. Tôi cho bắt đầu ngay bây giờ”. Đến lúc này Nguyệt mới thật sự cảm thấy cuống. Bao nhiêu chữ nghĩa bay biến đâu sạch. Cô lập cập mở cặp lấy bản tóm tắt.
Trình bày và trả lời câu hỏi xong, Nguyệt hấp tấp đi như chạy từ bục xuống dưới, cô chỉ kịp dặn lại Lan Anh: “Lúc nào xong, nhớ ghi điểm cho tao. Tao xin phép thầy Hùng rồi”. Trung chờ ngay cửa. Nguyệt vừa ra, anh đã cầm tay cô lôi tuột xuống cầu thang. Trung dừng lại ở chân cầu thang tầng 1, nhìn thẳng vào mắt Nguyệt: “Bình tĩnh nhé!”. Nguyệt đã thấy choáng thật sự: “Anh nói đi!”. “Thằng Chiến nhà Khanh đã…”. Nguyệt giật nảy người, lạc giọng “Thằng Chiến sao cơ?”. Giọng Trung cũng nghẹn lại: “Đò đắm… Tám đứa tất cả, toàn tụi học sinh…”.
Chưa bao giờ Nguyệt chứng kiến một đám tang lớn và thảm khốc đến thế. Cả làng Giữa trắng khăn tang và dậy tiếng khóc. Tám chiếc quan tài sơn đỏ chót được đưa ra đồng cùng một lúc. Tám bà mẹ rũ rượi ngất lên ngất xuống và các ông bố ngồi như đá tảng trước hiên nhà. Tục lệ ở đây bố mẹ không được đi đưa tang con cái. Mỗi quan tài có duy nhất một vòng hoa, những vòng hoa trắng đến lạnh người, đến xót lòng.
Nguyệt về làng Giữa trong tâm trạng hoảng loạn vô cùng. Suốt dọc đường về cô chỉ nghĩ đến thằng Chiến, đến chiếc xe bọ xít ngộ nghĩnh của nó cùng lời hẹn: “Bao giờ được nghỉ hè, chị về đây! Em sẽ cho chị xem chúng em đua xe. Vui cực kỳ". Khi xe dừng ở bên này sông, Nguyệt không đủ can đảm bước lên đò. Cô cứ run lên bần bật. Có vẻ Trung cũng hơi sờ sợ. Gửi xe máy xong, anh cố trấn an Nguyệt bằng giọng run run: “Cố lên em, Khanh nó đang rất cần em”.
Làng Giữa đông đúc hơn mọi ngày bởi có nhiều người bên kia sông đến thăm viếng những gia đình có con bị nạn. Đã hai ngày nay trẻ con làng Giữa nghỉ học. Và tất cả các bậc cha mẹ đều nói như dao chém đá, rằng họ quyết không cho con mình sang sông đi học nữa. Nhà Khanh cũng đông nghẹt những người. Nguyệt nhận ra đó là tấm ảnh của Chiến chụp hôm tết, tay đeo đồng hồ mượn của anh, đầu đội mũ lưỡi trai lệch, cười khoe cả hàm răng vừa sún vừa sâu. Lần trước cô về, thằng bé đã lôi tấm ảnh này ra khoe. Thế mà bây giờ nó thành ảnh thờ. Đến lúc đưa thằng Chiến ra đồng, Nguyệt không kìm được, cô bật khóc nức nở. Trung đi bên cạnh, dúi cho cô một chiếc khăn mùi xoa cũng đã ướt một góc. Tám đám tang đi cùng một lúc. Không kèn trống, chỉ có những tiếng khóc thất thanh rồi nghẹn lại, nấc lên tức tưởi.
Từ nhà ra nghĩa địa của làng, Nguyệt không nhìn thấy Khanh. Chỉ đến lúc nghe tiếng hô hạ huyệt, mới thấy Khanh òa lên ngay bên cạnh. Trung đỡ Khanh, mắt rơm rớm nước. Nguyệt không dám len vào vòng trong để chứng kiến giây phút vĩnh biệt tê tái ấy. Tiếng khóc của cái Nụ xát muối vào lòng mọi người: “Ơi em ơi là em ơi. Thế là em bỏ chị, bỏ anh, bỏ mẹ thật rồi…”. Không thể hiểu Nụ lấy đâu hơi sức mà khóc to đến thế. Từ lúc về, Nguyệt thấy Nụ khóc suốt, vừa khóc vừa kể lể, rồi lại gào lên đau đớn. Hạ huyệt xong mọi người tản về dần.
Nguyệt, Trung, Khanh và Nụ ngồi sát cạnh nấm đất vừa đắp, mùi cỏ tươi bị xới vẫn còn ngai ngái. Nụ thôi gào lên mà chỉ sụt sùi nho nhỏ. Khói hương nghẹn lại quẩn quanh. Không thể tin được rằng Chiến đang nằm đây, dưới lớp đất dày và vĩnh viễn lặng câm, vĩnh viễn không bao giờ mọi người còn được nhìn thấy nó. Cho đến tận lúc này Nguyệt vẫn chưa hết bàng hoàng… Bốn người lặng im, không ai nói với ai câu nào. Chỉ đến khi nắng nhạt, mọi người vế hết, Trung mới đứng lên: “Thôi, muộn rồi, về đi…”. Nguyệt đưa mắt nhìn khắp nghĩa địa. Tám ngôi mộ trẻ con liền nhau. Tám vòng hoa trắng đến rưng rưng… Cả lũ lầm lũi đi. Tự nhiên Nguyệt thấy lạnh người. Đây là lần đầu tiên cô đi đưa tang. Vẫn biết đời người có sinh có tử, mà sao lúc đối mặt với sự chia lìa vĩnh viễn thế này, trong lòng vẫn thấy đau đớn và hốt hoảng đến thế. Lần đầu tiên Nguyệt thật sự thấm thía sự ghê sợ của cái chết.
Đêm, làng Giữa nghẹn trong khói hương và những tiếng khóc nỉ non. Nguyệt sợ, sợ từ tiếng động nhỏ nhất đến ngọn gió mang mùi hương trầm đâu đó. Nụ trải chiếu giữa sân. Nguyệt cố thu người ngồi giữa mà vẫn mang cảm giác ớn lạnh. Không hiểu sao cô không thể dứt khỏi những ám ảnh về thằng Chiến. Có lẽ nào nó vĩnh viễn không còn. Tối tăm thế này, nó nằm lại ngoài đồng, dưới đất sâu. Chỉ nghĩ đến thế thôi, Nguyệt đã muốn khóc òa. Mẹ Khanh không ăn tối, nằm khóc lặng lẽ trong màn từ chiều. Khanh ngồi bó gối, bất động. Một lát sau, Nụ cũng bỏ vào nhà.
Nguyệt rất muốn nói một câu gì đó để phá vỡ sự im lặng nặng nề này, nhưng lại không thể cất lời. Mãi sau, Trung là người lên tiếng đầu tiên: “Thế… hôm ấy, sóng to quá, hay sao?”. Khanh vẫn không nói gì. Nguyệt có cảm giác nét mặt anh càng đanh lại. Cái Nụ lại ra, sà vào chiếu sụt sùi. “Sóng cũng vẫn thế thôi, nhưng chẳng hiểu thế nào. Có tám đứa… thì cả tám đứa… Nghe người ta bảo… tại mấy đứa trẻ con tranh nhau cái gì đấy ở trên thuyền, rồi chúng nó xô đẩy nhau, thuyền mới lật”. Nguyệt rời rạc hỏi: “Tụi nó… không… biết bơi à?”. “Biết chị ạ. Chỉ có mấy đứa lớp hai bé quá, không biết bơi. Nhưng, đò lật bất ngờ, lại giữa sông… Bác Năm lái đò kể, thằng Chiến… Thằng Chiến…”. Nụ lại bật khóc: “Nó bơi được một đoạn rồi đấy chứ… nhưng lại quay ra để cứu tụi kia… Rồi tất cả…”.
Trung hỏi như hụt hơi: “Thế đứa bé nhất học lớp mấy?”. “Con chị Vinh, mới lớp một. Hồi đầu năm học, chị ấy cứ bảo chưa cho đi học, chờ nó khoảng bảy, tám tuổi lớn hơn hẳn đi, nhưng anh ấy cứ bắt con đi học đúng tuổi”. Không ai nói gì thêm. Trong những lúc thế này, mọi lời an ủi động viên đều trở nên thừa, mọi lời an ủi động viên đều trở nên thừa. Nguyệt tìm tay Khanh, nắm chặt như xẻ chia. Suốt từ chiều tới giờ, anh chẳng nói câu nào. Trung cứ cúi mặt, mân mê mãi mảnh gạch vụn vừa nhặt được. Nguyệt vẫn có cảm giác Chiến còn quanh đâu đây, nó sắp sửa chạy ào ra, nói đủ thứ chuyện không biết mệt.
Trước khi trở lại trường, Nguyệt, Khanh, Trung ra mộ thằng Chiến thắp hương. Trời đổ mưa như trút nước, đường làng trơn trợt, Nguyệt cố bấm ngón chân xuống mặt đường mà thỉnh thoảng vẫn bị trượt, suýt ngã. Không thể thắp hương vì mưa to quá, ba đứa đứng cúi đầu lặng lẽ một lát rồi quay về. Nguyệt nhìn vào mắt Khanh, thấy được nỗi đau, thấy được sự mỏi mệt, thấy được cả những chán nản ngập tràn. Nụ đi đón ba anh em ở ngang đường, giục: “Các anh chị về ăn cơm rồi đi kẻo muộn. Trời này không tạnh được đâu”. Khanh quay sang Trung bảo: “Mày cứ về trước đi”, rồi kéo Nguyệt ra phía bờ sông. Hai đứa lùng nhùng trong chiếc áo mưa, đi lầm lũi.
Khanh nhìn mặt sông mênh mang trong làn mưa trắng xóa, rồi nhìn sang Nguyệt: “Từ bé tí, anh đã bơi trên sông này… Nó thân thuộc với anh biết bao. Đi xa anh nhớ làng Giữa, nhớ dòng sông cồn cào. Thế mà bây giờ…”. Thấy Khanh im lặng, Nguyệt lại ngước mắt nhìn anh chờ đợi. “Thế mà bây giờ… Anh chỉ muốn đi, đi thật xa và không bao giờ ngoảnh lại…”. Nguyệt thấy sờ sợ khi nhìn vào mắt Khanh. Dường như đôi mắt ấy đang trút hết mọi đau đớn lên dòng sông. Cô kéo tay Khanh: “Về anh, không mọi người lại phải chờ”. Khanh vẫn đứng như đá tảng: “Anh quí thằng Chiến nhất nhà. Không phải vì nó là con út đâu. Còn nhỏ, nhưng nó biết điều nhất. “Vâng! Em hiểu. Mình về thôi”. Nguyệt giục thêm mấy bận nữa, Khanh mới rời chỗ. Từng bước chân anh như trĩu nặng hơn.
Nguyệt ngoảnh lại nhìn dòng sông. Mưa vẫn giăng trắng xóa. Phía bờ bên kia, con đò nhỏ đang chuẩn bị rời bến. Biết bao giờ làng Giữa mới có một cây cầu? Bắc cầu qua khúc sông rộng và chảy xiết này đâu phải đơn giản. Bao đời nay người dân ở đây ra khỏi làng, hòa nhập với cộng đồng chỉ bằng con đò nhỏ. Khanh đã từng kể với Nguyệt rằng làng anh năm nào cũng có người chết đuối, nhưng phải đến bây giờ Nguyệt mới thấy điều đó khủng khiếp đến thế nào.
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

P01: Ngã ba - chọn lựa để là mình

Ngã ba, bao giờ cũng nói lên một sự chọn lựa. Chỉ có một trong hai con đường. Cũng như hầu hết người trẻ khi vào đời, hai nhân vật chính trong câu chuyện này cùng lúc đứng trước ngã ba đầu tiên của đời mình. Họ yêu nhau. Nếu cả hai cùng rẽ về một hướng thì đã không có truyện này.
Rất khó để nói ngay ai đúng trong sự chọn lựa này. Con đường nào cũng có sự gập ghềnh của nó, và mọi thành công trên đời này đều có cái giá. Quan trọng nhất là mỗi người hãy làm được điều tốt mình muốn, không chỉ cho mình. Và quan trọng hơn nữa, trên đường đi mình vẫn là mình…
Nhiều người sẽ không tin tính thực tế của Ngã ba. Thời buổi này làm gì có một cô gái như thế! Toàn bộ truyện đầy ắp chi tiết về cuộc vào đời đầy gai góc của giới trẻ hôm nay, rồi cuộc sống nhộn nhịp xô bồ ở thủ đô bên cạnh sự yên ả bình dị của một làng quê… Tất cả đều được quan sát bằng một cặp mắt tinh tế và được kể lại bằng một giọng văn giản dị, thuyết phục. Chỉ trừ một điều: trên đời này liệu có còn cô gái nào như cô Nguyệt trong truyện này không?
Nếu trả lời không, bạn sẽ thấy Ngã ba chẳng khác nào một chuyện cổ tích năm 2005. Nếu tin rằng có, tôi xin chúc mừng bạn.
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA