Hiển thị các bài đăng có nhãn Sống xanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sống xanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Phần 03: Không có lối sống “GATO”! - Mang theo chai đựng nước

Ban đầu, nghe nói người này người kia “GATO”, tôi tưởng họ đề cập tới một loại bánh, sau mới biết nó là viết tắt của “Ghen Ăn Tức Ở”.
Có thể nói, trong xã hội đang tồn tại rất nhiều người như thế này. Bất cứ chuyện gì hay bất cứ người nào, dù tốt đẹp mấy, qua con mắt của những người có lối sống GATO thế nào cũng mắc sai trái. Điểm chung của họ là luôn hằn học, nhìn đâu đều thấy toàn tiêu cực và phủ nhận những mặt tích cực cũng như thành công của người khác.
Tôi tin các bạn độc giả của mình không có lối sống như vậy và hi vọng các bạn đừng để những ai có lối sống đó ảnh hưởng đến cách nhìn của mình.
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
=====================================
Mang theo chai đựng nước
Trung bình một chai nhựa đựng nước mất 450 năm để phân hủy. Nghĩa là tới đời con của con của con của con bạn, chai nước bạn mua dọc đường, uống xong rồi ném đi vẫn còn đâu đó trên một bãi rác, ngấm những chất độc hại vào môi trường.
Thật ra đâu cần phải uống nước đóng chai? Nguồn nước ở Việt Nam không tốt và phần lớn không thể uống trực tiếp, nhưng nếu nấu sôi rồi để nguội có thể uống được bình thường. (Đó là tôi chưa kể đến việc kiểm tra độ an toàn vệ sinh tại các cơ sở nước đóng chai Việt Nam chưa được nghiêm nhặt cho lắm!). Nhưng dù là sản phẩm chính hãng của những nhãn hiệu lớn hay không chính hãng, bạn cũng không cần thiết phải uống nước đóng chai. Đi đâu bạn nhớ mang theo chai nước của chính mình, cố hạn chế mua chai nước mới. Vào quán ăn, bạn yêu cầu nước sôi để nguội chứ đừng hỏi mua nước đóng chai.
Nếu công ty bạn sử dụng ly tách nhựa cho nhân viên (loại dùng xong rồi bỏ), bạn góp ý để công ty đưa những loại ly tách bằng sành sứ thủy tinh dùng lâu được, tốt cho môi trường hơn nhiều.
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
===================================
Không để tivi ở chế độ Standby
 Các bạn ở chung nhà với tôi hay nói nửa đùa nửa thật: “Muốn biết Uyên có nhà hay không, chỉ cần nhìn hai tivi ở hai phòng khách là biết”, vì tôi chuyên đi kiểm tra xem tivi đã tắt hẳn chưa hay còn để ở chế độ standby (nghĩa là tắt tivi nhưng còn ánh sáng đỏ).
Phần lớn mọi người để tivi ở chế độ standby vì làm biếng, chỉ cần dùng điều chỉnh từ xa chứ không chịu tắt bằng nút tắt tivi.
Có lần tôi đi công tác và nghỉ đêm ở khách sạn, trước khi ngủ tôi tắt hẳn tivi. Người bạn cùng phòng nói: “Ừ, đúng đó, tivi ở standby có thể tốn tới 80% lượng điện so với để tivi mở đó!”. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Sao biết?” “V. nói cho biết!”. Tôi vui như mở cờ, vì nội dung trên là lúc trước tôi nói cho V biết chứ đâu.
Vậy là thêm được người biết nữa!
Đọc xong rồi, bạn nói cho người khác biết điều này đi nhé.
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

Phần 02: Đạp xe đạp - “Bước qua lằn ranh”

Đạp xe đạp
 Tôi là một người ủng hộ rất nhiệt tình chủ trương đi xe đạp - phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhất (có lẽ chỉ thua đi bộ), không tốn lít xăng nào, không gây ồn ào khói bụi.
Ở Anh, đồng nghiệp thấy tôi đi xe đạp lấy làm ghen tị lắm, vì họ ý thức được đi xe đạp tốt cho sức khỏe và không gây ô nhiễm. Họ bảo ai đi xe đạp nhìn cũng rất “quý phái” (noble). Ở Việt Nam, đồng nghiệp thấy tôi đi xe đạp thì kêu “Làm sao ra nông nỗi này?”.
Nếu bạn có vài trăm ngàn đồng, theo tôi, bạn nên mua một chiếc xe đạp ngay. Chỉ cần đạp một tháng là đảm bảo lại vốn tiền xăng, giảm cân, tốt cho tim mạch, tốt cho thành phố, nói tóm lại chỉ có tốt mà thôi.
À, sẵn đây kể bạn nghe về chiến dịch “World Naked Bike Ride” (tạm dịch: Diễu hành xe đạp khỏa thân toàn thế giới), được tổ chức hàng năm và có hơn 70 thành phố trên 20 quốc gia như Canada, Hi Lạp, Nhật, Tây Ban Nha, Anh,  Nga… tham dự, trong đó người tham gia diễu hành bằng xe đạp có thể mặc quần áo hoặc hoàn toàn khỏa thân, như một dạng biểu tình chống khói bụi ô nhiễm và việc lệ thuộc vào dầu lửa.
Dù thích ý tưởng này cách mấy, ở Việt Nam hiện giờ tôi khuyên  bạn nên mặc quần áo khi đạp xe đạp ngoài đường, nếu không bị công an bắt ráng chịu!
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN
===========================================================
“Bước qua lằn ranh”
Trong một khóa huấn luyện của công ty, người huấn luyện kể về Tiger Woods, tay đánh gôn lừng danh thế giới.
Ông nói: “Tiger Woods trả cho người huấn luyện của mình một triệu đô mỗi năm, không phải để huấn luyện kỹ năng chơi gôn, vì cái này anh có thừa. Cũng không phải huấn luyện ước mơ chiến thắng, vì khả năng này anh cũng không thiếu. Điều ông huấn luyện cho Tiger là biết “bước qua lằn ranh”.
Nếu xem Tiger Woods thi đấu trên tivi, sẽ thấy mỗi lần đánh trật (trái banh không vào đúng lỗ), anh lại vung tay lên, nói “Damn!” với thái độ rất bực dọc, đầu cúi gằm xuống. Nhưng rất nhanh, anh bước đi mấy bước và trở thành một người khác hẳn. Vẻ bực dọc chỉ cách đó tích tắc đã biến mất, đầu anh ngẩng cao, trên gương mặt chỉ thấy nét tự tin và quyết đoán. Có thể nói Tiger Woods đã trả 1 triệu đô mỗi năm để học cách bước qua một lằn ranh vô hình, quên đi thất bại trước đó và biết tập trung vào việc sắp sửa diễn ra.
Hôm nay bạn bị sếp la, khách hàng phàn nàn, vợ bỏ, bạn bè chơi xấu (thêm phần “bị báo lá cải bêu riếu” - nếu bạn là người nổi tiếng) làm tâm trạng bạn rối bời, thấy cuộc sống sao mà khốn khổ khốn nạn! Lúc đó hãy tập “bước qua lằn ranh” như Tiger Woods, bỏ lại những phiền hà đằng sau để tập trung vào việc phía trước.
Tiger Woods trả 1 triệu đô mỗi năm để học bí quyết này, công ty tôi trả mấy chục ngàn bảng Anh để người huấn luyện đến dạy tôi bắt chước Tiger Woods. Bạn chỉ tốn mấy chục ngàn đồng để mua cuốn sách cũng học được “bí kíp”, vậy phải áp dụng liền nghe!
NGÔ THỊ GIÁNG UYÊN

Phần 01: Lời giới thiệu - Sống xanh

Lời giới thiệu - Sống xanh
Khát vọng cho một hành tinh xanh!
[Image]
TTO - Đến hôm nay, Ngô Thị Giáng Uyên đã là một tên tuổi quen thuộc với giới trẻ Việt Nam. Sau tập du ký châu Âu mang phong vị lãng mạn Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, khá đông độc giả hay nhắc nhở Uyên phải viết thêm điều gì mới chứ!
Thật sự, ý tưởng về một “môi trường xanh - thái độ sống thân thiện giữa con người với nhau” là đề tài Uyên hằng ấp ủ. Trong mail gửi cho nhóm thực hiện tập sách, Uyên luôn đau đáu một nỗi niềm trăn trở lớn: môi trường sống của Việt Nam đang xuống cấp ở mức đáng báo động. Chỉ vì lợi ích trước mắt, con người đã hủy hoại ghê gớm các tài sản vô giá do thiên nhiên ban tặng. Hạn hán, bão lũ… ngày càng xuất hiện dồn dập theo cấp số nhân, nào phải ngẫu nhiên! Bởi lẽ, rừng đầu nguồn đã bị đốn chặt không thương tiếc, đất đai xói mòn nghiêm trọng, còn đâu lá chắn phòng vệ hữu hiệu… Chỉ vì lợi nhuận béo bở, không ít người sẵn sàng làm hàng gian, hàng dỏm; sẵn sàng “đạp” lên nhau mà sống…
Lướt qua dòng đầu tiên của mỗi mẩu chuyện nho nhỏ, cảm nhận bao trùm là sự nhẹ nhõm và thú vị - những gì Uyên viết chẳng khác nào lời chia sẻ giữa những người bạn tâm giao. Này nhé, ở phần đầu Uyên đã mời gọi mọi người “Làm đám cưới nhỏ, thân mật” thôi, “thỉnh thoảng nên ăn chay”, “làm một món quà bằng tay” tặng bạn bè, lâu lâu chịu khó “đi thang bộ” - “đi xe đạp”, rồi thỉnh thoảng nhớ “đọc truyện cổ tích” hoặc “tìm đọc lại những kiệt tác văn học”… Ở đoạn khác, Uyên nhẹ nhàng nhắc nhở bạn “nói không với bọc nilông”, “hạn chế tối đa trò chơi vi tính ở trẻ con”, “đừng đua theo mốt”, “không để tivi ở chế độ standby”, “không ăn động thực vật quí hiếm”, “tận dụng nước mưa”…  Lúc khác, Uyên lại động viên “không học đại học cũng không sao hết”, dặn dò bạn đừng quên “mua hàng ở những cửa hàng vì cộng đồng” và thường xuyên “tạo điều kiện cho người khuyết tật”…
Như vậy, không khó lắm để nhận ra thông điệp Uyên muốn gửi gắm đến mọi người. Đấy là lối sống giản dị, chừng mực, hài hòa với thiên nhiên, trân trọng những giá trị tinh thần, bớt lệ thuộc vào vật chất, hư danh; tẩy chay kiểu sống chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ.
Những lời chia sẻ của Uyên không mới mẻ, cao xa gì, nhưng ít ra sau khi chia tay với dòng chữ cuối cùng, chắc chắn lòng bạn sẽ vui hơn, trí sẽ sáng hơn và trên hết là bạn có dịp nhìn lại chính mình, thấu đáo được hành động dù nhỏ nhất của từng cá nhân đều ảnh hưởng đến tương lai “ngôi nhà chung - Trái đất của chúng ta”! 
Tủ sách TUỔI TRẺ và NXB TRẺ