Hiển thị các bài đăng có nhãn TÙY BÚT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÙY BÚT. Hiển thị tất cả bài đăng

THƯ GỬI THẦY



 THƯ GỬI THẦY

Trải qua hai năm ở trường, người con chưa gặp đã thấy ghét cay đắng là...thầy. Thầy chủ nhiệm lớp chuyên Toán, hàng xóm của tụi con - đám con gái lớp Văn. Những ngày đầu con thấy rất lạ vì mỗi lần đi ngang qua lớp Văn là thầy lại nhìn vào với một vẻ mặt nửa tò mò, nửa khó chịu trong khi tụi con thậm chí còn không biết tên thầy. Mãi cho đến một hôm, nhỏ bạn học chuyên Sinh của con xuống chơi và than vãn:

- Chết thật, bị ông thầy Toán ghét rồi.

- Sao vậy?

- Thì ngủ trong giờ của ổng.

- Trời đất. - Con giật mình - Có vụ đó nữa sao?

- Tại ổng giảng không hiểu gì hết. - Nhỏ nhăn nhó - Toán học càng ngày càng khó. Đang ngồi chết lên chết xuống tự nhiên ổng kêu lên bảng làm bài.

- Rồi sao? Làm được không?

- Sai hết mấy chỗ.  Bị ổng phán cho một câu: "Em học lộn chỗ rồi!"

- Là sao? - Con chưng hửng chẳng hiểu ra làm sao.

- Ý thầy là Mai phải đổi xuống học chuyên Văn mới đúng...Tại hôm bữa con An lên bảng cũng không làm bài được, thầy mới la nó: "Học còn ngu hơn chuyên Văn"...- Nhỏ bạn nhìn con với chút ái ngại -... Bao giờ cũng vậy, cứ gặp đứa nào dốt là ổng lại so sánh với lớp Văn...

Con bỗng nhớ ra cách đây không lâu, mình cũng từng cảm thấy bị xúc phạm như lúc này. Đó là khi nghe một cậu bạn chuyên Toán ngồi sát bên trong lớp học thêm nóng nảy hét lên: "Cá với mày là tao làm bài này không sai. Nếu không, mày cứ gỡ cái biển "11 Toán" trước cửa lớp rồi thay bằng hai chữ "11 Văn" lên đó cho tao" Thì ra quan niệm "chuyên Văn dốt" không phải chỉ có ở học sinh mà cả giáo viên cũng vậy..Nhưng thôi, con không nói về nỗi ấm ức ấy của mình lúc này. Con sẽ nói tiếp về thầy, về suy nghĩ của con.....

Từ ngày đó tự nhiên thấy ghét và giận thầy ghê gớm. Nhưng không biết trời xui đất khiến thế nào mà qua lớp 12 thầy lại được phân công dạy toán lớp 12 Văn mới chết. Tin dữ làm tất cả tụi con hoang mang. Một đứa khoanh tay ngạo nghễ bảo: "Ghét của nào trời cho của nấy. Đáng đời ổng, quả báo!"  Lại có người bác: "Chết tụi mình thì có. Những giờ toán giờ đây sẽ biến thành ác mộng. Trời ơi!". Tất cả đều lo lắng, đều hồi hộp và chờ đợi...

"Cả lớp ngồi xuống", thầy vẫy tay sau khi vào chỗ. Tụi con run rẩy ngồi xuống và lấm lét đưa mắt nhìn nhau. Sự căng thẳng nhanh chóng kết thúc ngay khi bài giảng bắt đầu. Thầy cuốn tụi con vào từng con số, từng phép toán bằng một giọng nói đầy hóm hỉnh. Thầy dạy tụi con cách tập suy nghĩ hơn là cách giải những dạng toán. Nhiều lần cả lớp phải bật cười khi đang nói say sưa thầy đột ngột trừng mắt, cao giọng hỏi: "Ủa, tui nói gì hiểu không?" Toán học được thầy đem so sánh với những điều thật gần gũi trong cuộc sống. Nói chung, về mặt giảng dạy, con thấy thầy là số một, thầy tuyệt vời, thầy vĩ đại quá!

Nhưng, có lắm lúc thầy làm tụi con không còn biết giấu mặt vào đâu. Mỗi lần học xong giờ Toán của thầy là trong đầu con chỉ còn lại duy nhất một ý nghĩ: "Mình thi rớt đại học là cái chắc" Tại sao?

Thầy viết bài tập lên bảng. Cả lớp không đứa nào làm ra. Câu nói xanh rờn của thầy làm tụi con méo mặt "Đúng rồi, bài này tụi 10 toán trầy trật lắm mới giải được. Lớp mình làm không ra cũng phải" Rồi lâu lâu thầy bảo: "Tôi nói cho cả lớp biết. Những bài này chỉ là trình độ thi Tú Tài. Còn Đại Học thì không bao giờ dễ như thế này đâu" Thầy đang cố tình "khủng bố" tinh thần để tụi con học hành chăm chỉ hơn hay tại tụi con đúng là "học dở không chịu nổi" như thầy đã từng nói trước lớp?.

"Học hành phải tăng tốc lên. Thỏ chạy đua với rùa, vì ham chơi mà còn thua cuộc. Đằng này, rùa chạy đua với ốc sên mà ốc sên còn làm biếng không chịu bò thì lấy đâu..." Trời ơi, thầy làm đau lòng tụi con quá, thầy ơi!

Ai mà chẳng có lúc hiểu sai về một vấn đề nào đó. Khi một trong số tụi con nói sai, thầy lại bảo: "Các em học mà không hiểu gì hết. Giống như nghe người ta nói hai nhân ba bằng sáu thì gật lấy gật để "ừ ừ, đúng đúng". Hỏi tại sao. Không biết" hay có khi thầy nói một câu gọn lỏn:"Thua cả mấy đứa học trò lớp ba. Xuống học lại đi!"

Đọc tới đây, có lẽ thầy sẽ nghĩ tụi con ghét thầy lắm, lúc nào cũng thi nhau nguyền rủa thầy. Đúng là có đôi lúc con nghe tụi nói thầm vái "Lạy trời hôm nay thầy Tuấn bị té gãy chân, không lên lớp được", "Vái trời hôm nay thầy bị bệnh, lớp mình được nghỉ hai tiết Toán". Nhưng thầy ơi, học trò tụi con thấy vậy mà "rộng lượng" hơn thầy nghĩ nhiều.

Có lần lớp than van: "Trời ơi, hôm nay có tới ba tiết Toán. Diễm (cô học trò được thầy thương nhất trong lớp) gọi điện nói thầy hôm nay cho nghỉ đi!" Cô nàng Diễm nghe vậy liền chỉnh trang lại quần áo, giả bộ đưa tay lên miệng nói: "A lô, Tuấn ca hả? Hôm nay Tuấn ca ở nhà đi. Đừng lên lớp nha!" Thế là cả đám cười ầm lên. Ai bảo tụi con ghét thầy chứ?... Kể từ hôm đó, mỗi khi chỉ có lớp với nhau, tụi con lại gọi thầy bằng cái tên thân mật ấy. Đứa nào cũng một Tuấn ca, hai cũng Tuấn ca. Giá như thầy có mặt lúc ấy thì thầy sẽ nhận ra không đứa nào có ý xúc phạm mà tụi con đứa nào cũng vậy, không biết từ lúc nào, đã xem thầy như một người thân thiết.

 Tụi con buồn thầy đó rồi cũng quên mau thôi, vì lúc thầy giảng cả lớp đều nhìn thấy ở đó là tất cả tâm huyết, là nổ lực. Tình cảm  thật kì lạ quá phải không thầy. Thầy có thể dạy tụi con chỉ vì nghĩa vụ, thầy có thể rất ghét và xem thường tụi con, thầy cũng có thể la mắng tụi con tùy ý nhưng tụi con vẫn nghĩ mình thật may mắn vì đã được là học trò của thầy và thầy mãi mãi vẫn là thầy của tụi con.

Phạm Tiểu Vân

Đại Học

 

ĐẠI HỌC

Giờ này năm trước mình vẫn đang trong tâm trạng lo lắng cho kì thi đại học. Còn nay? Hả hê hết chỗ chê. Nhìn mấy em 12 nổ lực học tập thấy vừa thương vừa khoái chí một cách xấu xa (>.<) Bé nào tình cờ đọc được những dòng này thì cũng đừng đánh chị nha em. Chị nói sự thật thôi, he he. Một ngày nào đó, có lẽ các em cũng thấy như chị bây giờ!

Rời xa mái trường để bước vào đại học là một tâm trạng rất phức tạp. Nó có cái luyến tiếc của thời cấp ba đã qua, có sự háo hức được bước vào một vùng trời mới. Nó là sự giằng co giữa quá khứ và tương lai, giữa cái cũ và cái mới.


Photobucket Hồi cấp ba, sáng nào vô lớp cũng hồi hộp, sợ bị thầy cô gọi lên bảng. Mình nhớ mỗi lần thầy mở sổ, vừa gọi xong một cái tên là cả lớp (trừ "kẻ được chọn") lại thở phào nhẹ nhỏm. Còn bây giờ, đi học với cái mặt tươi tỉnh, phớn phở khác thường vì chẳng còn ai trả bài ta nữa. Lần đầu tiên mình được thầy cô đánh giá là "người lớn", "học hay không là quyền lợi của các anh các chị" Sướng thì sướng thật nhưng chợt thấy thương thương những người vẫn thường nỗi giận trước sự lười biếng, bất cẩn của lũ học trò. Mình thương vì đến bây giờ mới hiểu rằng thầy cô thương mình...


Photobucket Giảng viên thường kết thúc bài giảng bằng câu "Các bạn về nhà đọc thêm sách nhé!" Trước giờ đã quen sách giáo khoa là chân lý, lời thầy cô là số một. Nay mới hay, "số một" cũng có khi sai,  giáo trình không phải viết gì cũng đúng. Trước đây học hết sách giáo khoa thì yên tâm thi được 10 điểm. Bây giờ giáo trình đọc hết ba bốn cuốn cũng thấy chưa an lòng...Càng học thấy càng ngu. Sao lạ quá!!!


Photobucket Ngày đó nhức đầu, mệt mỏi mà bài học chưa xong thì cũng ráng thức cho đến một hai giờ sáng. Bây giờ, vừa buồn ngủ một tí đã lập tức động viên mình bằng câu "Hôm nay không thì ngày mai học cũng được mà" Nhưng vấn đề nằm ở chỗ có quá nhiều cái "hôm nay không" trong khi "ngày mai học" lại cực kì hiếm. Nhờ vậy mà thi cử đến, mình có dịp sống lại những ngày quen thuộc thời cấp ba, he he


Photobucket Trước giờ vô phòng thi, sinh viên ngồi "lê lết" tụng bài khắp nơi. Gương mặt ai cũng hiện lên vẻ lo lắng, miệng lẩm nhẩm như người đọc kinh. Thì ra "người lớn" mà lo lắng chuyện thi cử thì cũng y chang "con nít".


Photobucket Nếu hồi trước làm bài không được cũng chỉ than thở một câu: "Phen này điểm thấp rồi" Còn bây giờ phải rên "Chuẩn bị tiền đi học lại môn này thôi" thì mới hợp hoàn cảnh. Vì học hành tính theo tín chỉ. Rớt môn nào đóng tiền "học lại" môn đó chứ chẳng có chuyện "thi lại" đâu.


Photobucket Ngày đó, lớp học như gia đình. Ai vắng, vắng vì lí do gì, rỉ tai nhau một lát thì cả lớp đều biết. Ngày nay, giảng đường rộng thênh thang, hơn trăm sinh viên cùng nghe giảng. Mình có đột ngột qua đời cũng chưa chắc đứa nào biết.  Quen nhau, câu đầu tiên người ta hỏi là "Ấy thi vào đây được mấy điểm?" À thì ra tụi nó "chọn bạn mà chơi" bằng cách này. Mình bỗng thấy nhớ tha thiết lớp học cũ. Có gì thì cùng nhau than, vất vả cũng cùng nhau uể oải. Tuy học rất mệt nhưng bạn bè lại gắn bó với nhau chứ không đơn giản là nói chuyện xã giao như bây giờ.


Photobucket Giữa lúc tình bạn ngày một trở nên khó tìm thì "tình yêu" lại nảy sinh một cách nhanh chóng. Chỉ ba tuần là đủ cho hai người cùng nhau thề non hẹn biển, gọi anh xưng em và mơ về "ngôi nhà với những đứa trẻ" Tuổi học trò, mình cũng rung động trước một anh chàng đẹp trai, học giỏi nhưng không bao giờ dám để mọi người phát hiện. Lên Đại học mới hay "Bây giờ thời buổi tự do, yêu nhau là chuyện trời cho chúng mình"


Photobucket Chưa hết, lên Đại học còn nảy sinh một thứ làm tiêu tốn tiền bạc kinh khủng - điện thoại di động. Mỗi đứa gửi một hai tin nhắn cũng không sao. Nhưng khổ nỗi đâu phải chỉ có một hai đứa, hic hic...Là sinh viên, nếu ai đó xin số mà bạn trả lời "Mình không có" thì cũng tương đương với câu "Tôi không muốn cho bạn số điện thoại của tôi" Chẳng giống như học sinh, cả lớp chỉ được vài đứa có điện thoại của riêng mình...


Photobucket "Ai muốn làm lớp trưởng nào?" Mười mấy người lũ lượt bước lên, mặt mày hớn hở. "Bạn nào muốn tham gia cuộc thi Hoa khôi của trường?" Các cô lập tức xếp hàng, chen chúc nhau đến chóng mặt. Sao thiên hạ họ tự tin mà dạn dĩ thế nhỉ? Chẳng bù với cái nhút nhát của mình. Đứng lên nói chuyện trước đám đông còn không dám nữa là mấy chuyện này...


Trải qua sáu tháng làm quen, mình đã có nhiều cảm nhận. Vui buồn thật phức tạp. Trước những gì mới lạ, người ta thường hay so sánh nó với cái cũ, để rồi bị cuốn vào sự luyến tiếc quá khứ mà quên mất thực tại từ lúc nào chẳng hay. Mình giữ cấp ba là một kỷ niệm đẹp và tiếp tục đón nhận những gì mà cuộc sống mới này đem lại. Hãy để mình được nói câu này, một câu đáng lẽ phải nói từ rất lâu: "Đại học ơi, xin chào!"

Phạm Tiểu Vân (Năm nhất)