"NHẬT BÁO"
PN - Đàn ông hay hỏi đùa nhau: “Ông thế nào, có được “nhật báo” không, hay lại “bán nguyệt san” đó?”. Có lần, người viết bất ngờ nghe một chị chia sẻ: “Ông ấy cứ đòi “nhật báo”, chịu hổng xiết, tui phải tích cực đi công tác để trốn bớt”. Hóa ra, khái niệm vui “nhật báo” khá phổ biến. Có người không được “đọc nhật báo” thì ước ao, có kẻ phải “đọc nhật báo” lại ngán ngẩm. Việc “xuất bản” đều đặn mỗi ngày, thực sự có tốt cho đời sống gối chăn?
Một số người vợ không “hầu” nổi chồng mỗi ngày, đâm ra nghi ngờ: “Có phải anh ấy bị bệnh nghiện sex? Người bình thường sao nhu cầu cao dữ vậy?”. Thực tế, cần phân biệt những anh “nhật báo” với người nghiện sex. Những người nghiện tình dục là những người hầu như lúc nào cũng nghĩ đến “chuyện ấy”, thậm chí còn có biểu hiện kích động, không kiềm chế như thốt ra những lời nói tục tằn dù không muốn. Nhiều khi, vì ham muốn quá lớn, không kiềm chế được, người nghiện sex dễ quờ quạng bậy bạ, trở thành người thiếu tư cách. Còn những anh “nhật báo” thì không bệnh, chẳng qua là có sức khỏe tốt, ham muốn cao, gặp điều kiện ngoại cảnh tốt (như mới cưới vợ, còn háo hức chẳng hạn).
Vấn đề mấu chốt ở đây là “cung không gặp cầu” và ngược lại. Nếu như anh ta “xuất bản” đều mỗi ngày, mà “độc giả” vẫn “đọc” một cách thích thú, lại còn háo hức chờ đến ngày mai để có “báo” mới, thì chẳng có gì phải bàn. Thế nhưng, “báo” thì “in” đều đặn, nhưng “người đọc” thờ ơ, thậm chí chưa thấy “báo” đã ngán là nguy. Ngược lại, cũng có nhiều “độc giả” cần có “báo” mỗi ngày hoặc cách nhật, nhưng “tòa soạn” lại chỉ có thể cho ra “bán nguyệt san”, khiến họ thất vọng.
Gối chăn là một cuộc chơi chung, không thể mạnh ai nấy làm. Cách dung hòa dễ đạt hiệu quả là mỗi người hy sinh một chút, để gần với cái chung hơn. Nếu người nam có nhu cầu mỗi ngày, thì nên cần “lắng nghe” nhu cầu của bạn đời, xem họ có theo kịp mình không. Nếu không chịu chậm lại chờ một chút, chắc chắn anh sẽ cô độc trên con đường của mình. Lúc đó, dù là người trong cuộc, người nữ cũng chỉ có cảm giác chịu trận mà thôi.
Người ta hay nhắc đến “nhật báo” để chỉ số lượng. Có người phấn đấu chạy theo số lượng (có vẻ) đáng mơ ước ấy, nhưng cũng có người thấy số lượng đó là quá khủng khiếp. Vì vậy, số lượng bao nhiêu không quan trọng bằng con số mà cả hai cảm thấy thoải mái khi chấp nhận.
Ngoài số lượng, vấn đề nội dung của “báo” cũng rất cần được quan tâm. Tòa soạn nào cũng cần không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, thay đổi chuyên mục để độc giả cầm tờ báo ấy trên tay bao nhiêu năm vẫn không thấy chán. “Chuyện ấy” cũng vậy. Có anh tự hào mình là “nhật báo” nhưng nội dung sơ sài, nhàm chán, thì có gì để "đọc". Có người chỉ là “tuần báo”, “bán nguyệt san”, nhưng nội dung phong phú, hấp dẫn, vẫn hơn hẳn “nhật báo”.
Nếu xem ái ân là chất men xúc tác của tình yêu, thì nhất thiết phải làm cho nó “lên men” thật sự. Cái hay của một lần “lên men” thành công là mang lại thỏa mãn tức thời cho người trong cuộc, đồng thời tạo được dư âm dai dẳng. Không ít phụ nữ bày tỏ, họ không cần nhiều, một tháng mà được một lần “ra trò” đã thấy đủ! “Một lần cho chín, còn hơn chín lần” là vậy.
THS-BS MAI BÁ TIẾN DŨNG
(QUYỀN TRƯỞNG KHOA NAM HỌC - BV BÌNH DÂN TP.HCM)
Nguồn: phunuonline.com.vn