Hiển thị các bài đăng có nhãn Trốn Để Được Tìm Thấy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trốn Để Được Tìm Thấy. Hiển thị tất cả bài đăng

P03: Để quên đi một người - Chiếc ô trong mưa

Để quên đi một người 
Thầy tốt nghiệp trước trò ba khóa. Năm 3, trò gặp thầy trong buổi đón tân sinh viên. Thầy nhận lớp chủ nhiệm mới, nhìn trò lạ lẫm.
- Lâu lắm không gặp em.
- Dạ. Thầy...
Thầy ngửng lên sửng sốt nhìn trò, ngơ ngác và xa cách.
- Thầy hả?
- Dạ...
- Ừ...
Trò lỉnh xuống cuối hội trường, len lén nghe thầy phát biểu nhận lớp mới. Hai năm?  Ba? Hay lâu hơn nữa mới có thể quên được những điều người ta từng dựng lên như trò chơi xây lâu đài cát?
Trò đứng nghiêm trang trước thầy, giữa đống bàn ghế và dây nhợ nhằng nhịt.
- Muốn gặp em một chút...
- Có gì không thầy?
- Không. Nhưng...
- Để hôm khác thầy hen. Em phải dọn hội trường trả cho lớp học chính trị buổi chiều.
- Ừ. Hôm khác vậy.
Thầy dấn bước bắt kịp các giảng viên khác. Trò nuốt ực một khối không khí khô khan qua thanh quản. Thấy khó khăn, và mệt nhọc như vừa phải bước qua một điều tiếc nuối khủng khiếp lắm.
Thầy trợ giảng ở lớp trò buổi đầu. Trò còn đang ở Phan Thiết chưa về. Buổi thứ hai, trò cắm đầu vào cái máy cuối lớp viết bài về biển. Thầy đứng trước mặt, đằng hắng khẽ khàng.
- Thế giới bên ngoài nhiều hấp lực ghê, em nhỉ?
Trò nháy đại vào một cửa sổ web bên dưới, che trang word đã viết gần xong.
- Không nhiều lắm đâu thầy. Nhưng nếu chịu khó tìm thì cũng không ít.
Ánh mắt thầy đứng sững trên sống mũi hênh hếch của trò. Có khi người ta không ngờ được rằng, có những thứ lâu như vậy mà vẫn không thay đổi được. Cũng có những hình ảnh giấu kỹ, lật qua lật lại sau vô vàn những lần dọn dẹp mà vẫn không phai mờ được, cho dù bụi phủ nhiều, và ở những chỗ bị nằm yên đôi khi khiến lòng người thấy trống trải.
Trò ngồi đợi thầy đóng cửa văn phòng dưới Văn khoa. Quán cũ. Những người qua lại nhiều khi cũng cũ kỹ, nhưng có lẽ lâu không gặp khiến trò có cảm giác có cái gì đó sáng láng hơn. Trò duỗi những ngón tay dài, gõ nhịp nôn nóng trên mặt bàn. Vẫn không khí thâm thấp, mờ tối và đầy nhạc. Nhưng hình như những người bồi bàn đã mang những khuôn mặt nạ mới, chủ quán đứng sau quầy thu tiền và điều chỉnh nhạc cũng có những đường nét khang khác. Thầy vẫn chưa xuống. Trò bối rối hơn, khi những người đi lại lạ lẫm lượn lờ quanh mình. Cảm giác... Chỉ là cảm giác thôi mà!
Thầy kéo ghế rột roạt trước mặt làm trò giật mình.
- Đợi anh lâu không?
- Dạ, không lâu lắm thầy...
- Ở đây không cần gọi thầy đâu.
- Dạ.
- Em vẫn uống như cũ?
- Dạ. Không. Cho em trà nóng. Em bị đau họng.
- À... Một trà. Một đen đá.
Trò khúc khắc ho, cho lý do viêm họng có vẻ thật.
- Thầy khỏe không?
- Khỏe. Như em vẫn thấy. Và cũng đừng gọi thầy nữa. Nghe già quá! - Giọng thầy trách móc.
- Em xin lỗi...
- Xa lạ. Và hơi cằn cỗi.
- Em không có ý đó đâu thầy.
- Không có ý đó. Nhưng có lẽ sự thật là như vậy đó. Anh... Thầy không bao giờ xanh trẻ kịp với em nữa.
- Thầy à...
Cà phê tới. Những ngụm trà vàng lợt tắc nghẹn trong cuống họng. Có lẽ cơn đau họng bịa đặt làm trò đau. Đau ở đâu đó trong vòm họng, trong thanh quản. Dốc ngược ly trà, nỗi đau vốc thẳng từ đáy ly, chạy vụt vào tim. Im lặng, thênh thang giữa tiếng guitar lưng tưng nhảy từng nốt nhạc điệp khúc. Thầy nhìn xoay một bên vai của trò, đăm đắm về một góc xa mờ vô vọng.
- Muốn gặp lại em một lần, thử lại cảm giác của lòng mình. Lúc tưởng tượng về em trong cuộc gặp gỡ, thầy bật ra được nhiều thứ cảm xúc lạ lùng và mãnh liệt. Nhưng ngồi bên cạnh em, thầy không biết nói gì nữa...
Trò xoay đáy ly, thảng thốt cười. Những tiếng thầy khó nhọc và khô khan còn treo lơ lửng trong không khí.
- Vậy không gặp nhau có tốt hơn không thầy?
- Có thể sẽ tốt hơn. Nhưng sẽ buồn hơn.
Nhạc tắt lịm trên ánh nắng chiều nhợt nhạt buông thả. Thỉnh thoảng trong một không gian ít người và hiu hắt thế này, trò lại sợ. Sợ cảm giác mê mải của buổi chiều thầy hôn trò qua mặt bàn, qua những lớp không khí đặc mùi quán xá níu chặt tay chân trò. Khi đó thầy còn là anh sinh viên năm cuối, mơ ra trường sẽ làm phóng viên ở một tờ báo lớn.
Trò mới vô trường những tháng ngày đầu tiên, ước ao rằng được học giỏi như thầy, được nhiều người ngưỡng mộ và xuýt xoa như thầy. Ngày đó trò thường háo hức lẽo đẽo theo thầy cặm cụi ở mấy giá sách ngang dọc mang máng mùi giấy mốc cũ trong phòng tư liệu. Thầy chúi mũi vào những trang giấy ngả màu chi chít chữ. Trò ôm sách thở dài, ngao ngán nhìn ngước lên những lối đi hẹp dài giữa hai giá sách.
- Anh ơi, em khó thở.
- Hả?
Thầy ngửng lên, cuống quýt lướt qua đồng hồ và những dòng chưa đọc. Nhìn lên đôi mắt lờ đờ mệt mỏi của trò, thầy hấp tấp đặt vào một miếng đề can hình chữ nhật, trả lại cuốn sách lên lỗ hổng. Ánh mắt thầy bối rối dịu dàng sau cặp kính cận loang loáng ánh sáng nhập nhoạng buổi chiều.
- Để mai anh quay lại đọc tiếp.
- Dạ.
Trò hăm hở gật đầu, lôi thầy đi phăng phăng qua những khoảng không hẹp và dài chỉ vừa chỗ cho một người rưỡi. Trò bước chân ra hành lang trước, hít hà những hơi dài khoan khoái.
- Chiều mai không học, em sẽ lên đọc tiếp với anh.
Thầy cười, ngoái nhìn những khung cửa đổ đầy sinh viên tan học. Trò hí hửng giữa ánh sáng không khí, không ngừng líu lo về những kế hoạch ngày mai. Thầy kéo trò vào quán.
- Chờ thưa người chút em. Giờ mà chen nhau thì mệt chết.
Trò thả cặp xuống chiếc ghế trống, nhìn những dòng người chen nhau ở những bãi gửi xe, rồi lần lượt đổ đầy ra hai cổng trường chật hẹp. Thầy gọi cà phê, một cho thầy, một cho trò, cần mẫn cắm cúi pha. Những tiếng đá chạm ly thìa lanh canh lọt thỏm trong không khí hỗn loạn phía bên kia hàng rào như tiếng kim khí thoát ra giữa một cuộc sụp đổ lớn, lạc lõng lạnh lòng. Bất giác trò thở ra, nhìn vào đôi kính cận của thầy.
- Ngày nào cũng ngồi rịt trong phòng đọc, anh không mệt à?
- Thỉnh thoảng. Nhưng nhẹ nhàng hơn không khí hỗn tạp bên ngoài này nhiều. Em thấy chán hả?
- Một chút thôi. Em thích chạy nhảy một chút...
- Vậy sao còn cố bám trụ với anh?
- Em không biết. Có lẽ ở đó cũng bình yên hơn bên ngoài...
Trò cúi mặt, mân mê hình ông già tuyết trên móc khóa. Bỗng dưng có cảm giác không khí quanh mình đông đặc hết lại. Những âm thanh hỗn loạn bên ngoài rì rầm, rì rầm nhỏ dần rồi lịm hẳn. Thầy cúi hôn trò bên hai ly cà phê chưa kịp chạm môi.
Trò học ở Thủ Đức, những ngày không có lớp lếch thếch vác cặp lên quận 1 loanh quanh với thầy trong thư viện. Càng về cuối năm, thầy càng bận bịu trong kho sách dày sụ và bám mùi khó chịu đó. Trò giận.
- Anh chẳng có gì gọi là dành cho em hết.
Thầy ôm sách, ngửng lên, gương mặt chìm trong khoảng trống tranh sáng tranh tối.
- Anh bận một thời gian thôi. Một thời gian nữa rồi những chuyện này cũng sẽ kết thúc.
Thầy bẹo má trò, nhăn nhó khổ sở. Trò nũng nịu xốc lại balô.
- Em biết rồi. Anh đọc tiếp đi. Em về.
Trò rồ ga khi xe chạy tới ngoại thành. Đôi khi bất giác ngoái nhìn lại, ngỡ rằng gương mặt của thầy cũng đang ở ngay phía sau lưng. Trò buồn, nhưng vẫn ngưỡng mộ và kỳ vọng thầy như một thần tượng. Người khác yêu cần trực giác, cảm tính, và những mối liên hệ, tin nhắn, gặp gỡ lằng nhằng. Trò chỉ đơn giản bằng lòng với những điều trò tin và nghĩ về thầy. Chỉ có vậy thôi.
Khi đứng tán dóc với trò trong ngày trò nhập học, thầy nói rằng trò có quá nhiều bướng bỉnh để có thể làm một nghề trầm lặng. Thầy báo trước, mai mốt báo chí sẽ khổ sở với một phóng viên như trò. Khi ấy trò chỉ cười trừ. Sau này trò cũng chỉ biết cười trừ. Nhưng hình như nỗi quan ngại của thầy nhiều hơn sau mỗi lần dẫn trò đi viết bài. Một lần, trong chuyến tàu nửa đêm về từ Nha Trang, thầy đã đứng tần ngần bên cửa lên xuống, một tay gạt gió bên tai trò, nói nghèn nghẹt trong những luồng gió ngược.
- Nghề nào cũng cần sự cố gắng có giới hạn em ạ. Đôi khi anh sợ sự ngang tàng lạnh lùng của em...
Tàu đi qua khúc quanh, nghiến vào đường ray sàn sạt. Những chuỗi âm thanh cuối cùng trong câu nói của thầy rơi hẫng trong tiếng gió ào ào, nghiến vụn dưới thân tàu 14 toa.
Những chuyến đi của trò dày lên, nỗi buồn cũng dài thêm khi khoảng trống giữa thầy và trò càng ngày càng không lấp đi được. Nó không đơn giản chỉ là một vết nứt sơ sài có thể gắn lại bằng keo dán.
Thầy ra trường, đi làm hơn nửa năm rồi quay lại khoa. Ngày gặp gỡ đột ngột trong khuôn viên trường làm trò sửng sốt đến độ muốn chạy trốn.
- Anh làm gì ở đây?
- Anh xuống gặp các thầy cô trong khoa. Có lẽ... anh sẽ về dạy tại trường.
- Vậy hả?
- Ừ.
- Mai mốt gặp anh là phải gọi bằng thầy rồi.
Thầy trò cười xòa, rủ nhau đi uống cà phê. Quán vẫn cũ, nhưng những ngày cũ đã không còn. Trò nhìn vào những đồ đạc sơ sài bày biện trên bàn và quanh bốn bức vách. Mắt thầy vẫn sáng và đầy đặn thương yêu sau lần kính cận. Nhưng có lẽ ký ức về những nụ hôn và những lần hẹn hò cũ cũng đã mờ mịt như bị phủ một lớp sương. Một lớp sương không dày nhưng bao phủ được hết thảy.
Có lẽ, tại con người ta lớn lên, những khúc xạ hình ảnh qua đôi mắt và tâm hồn của họ cũng thay hình đổi dạng. Trò không thể đứng yên với hình ảnh thầy ngày qua ngày cần mẫn trong thư viện, rồi đều đặn lên lớp kêu học trò của mình phải đi và viết thật nhiều. Trò cười khảy, mỗi khi nghĩ đến đó, rồi tự thấy chua chát khi những gì thầy để lại trong trò còn quá đầy và quá dày.
Những ngày đi xa, ngắm nhìn thế giới và viết lách, trò cứ tưởng như có bàn tay oan nghiệt nào cắt xén, dứt từng mảng lớn những hình ảnh về thầy trong lòng trò ra. Thỉnh thoảng cảm giác đó khiến trò ngộp thở, như bị một cơn đau tim. Những cơn đau triền miên như một người bị bệnh kinh niên. Nó còn nghiền nát, còn vụn vỡ khi nào trò còn thở, tim trò còn phập phồng thở những nhịp tha thiết níu lấy cuộc sống bên ngoài...
Ngày xưa, thầy dắt trò đi những bước đầu tiên nhìn ra thế giới, để chỉ ra rằng những thứ thuộc về thế giới ấy không phải là hoàn hảo, và cũng không chỉ là phù du. Thầy mở cho trò một cánh cửa khép hờ, nhưng không bao giờ thầy còn đủ sức để đóng cánh cửa ấy lại được nữa. Đôi khi cũng giống như yêu một người, đã đi qua họ rồi, nhưng để quên đi vĩnh viễn thì lại không bao giờ có thể. Thầy nói rằng, rất có thể trò đã sai lầm khi đặt niềm tin và tình yêu đầu tiên vào một người như thầy. Trò lặng lẽ khóc. Không có tình yêu nào là sai lầm đâu thầy ạ. Có chăng chỉ là cách chúng ta bám víu để phủ nhận chúng đi thôi.
Đôi khi cần tự đặt cho mình những giả thuyết và viễn cảnh, như cách chúng ta yêu một người và tưởng tượng ra những điều sẽ nói khi không còn yêu người ta nữa. Đôi khi dạy nhau yêu thương được, nhưng mỗi người phải tự học cách từ bỏ, sao cho không làm đau mình và tổn thương những người đã từng được yêu thương.
Thầy đã từng dạy trò cầm bút, dạy cách yêu một người, dạy cả cách hôn để người ta không quên mình được. Nhưng thầy không dạy trò cách thức để quên đi một người mà không phải đớn đau.
Để mai trên sân trường cất câu chào: “Thầy ơi!” bỗng thấy lòng quặn thắt.

TIÊU SA
================================================================
Chiếc ô trong mưa 

1. Chiều nay Bankstown lại mưa. Không ào ào, không sấm chớp và cũng chẳng bất chợt như mưa Sài Gòn nhưng không hiểu sao rất buốt. Chiếc ô vẫn xếp gọn ghẽ nơi góc phòng.
Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy ai đó che ô đi dưới những tán cây, tôi ước gì mình giống thế để là thiếu nữ dịu dàng. Trong trí tưởng tượng của tôi, một cô gái tóc dài, váy trắng, áo trắng và giày cũng trắng, cầm chiếc ô, là hình ảnh của một thiếu nữ đẹp mà tôi luôn ước muốn đó là mình. Cô gái sẽ đứng đợi một lúc cho đến khi có một chàng trai đến và cả hai cùng đi dưới mưa. Bên dưới chiếc ô ấy là một cặp yêu nhau.
Vậy mà mùa mưa về, tôi lại cố tình không nhớ. Tôi thích cảm giác đứng trước tòa building chờ mưa tạnh để tự mình có cớ không vội vã. Tôi chỉ mỉm cười nhẹ nhàng khi thấy một cô gái đi trong mưa với chiếc ô xinh xắn. Ý nghĩ đi trong mưa cùng một chàng trai chỉ còn là một vệt rất mờ trong ký ức. Như anh, người yêu cũ của tôi trước khi tôi đi du học, cũng chỉ là một cái gì rất xa xôi...
2. Tôi qua Úc đã gần tám tháng nhưng vẫn chưa có một người bạn thân, phần vì trường tôi học không có người Việt, phần vì tôi sống khép mình. Trong mắt tụi sinh viên quốc tế, tôi là đứa khó gần với cái mặt nghiêm - ít cười và có vẻ mệt mỏi.
Có một cô sinh viên người Việt như tôi nhưng cô ấy lại không bao giờ nói tiếng Việt. Ngày tôi mới vào trường vài tháng, tôi đã chủ động làm quen với cô ấy vì vẻ ngoài châu Á của cô. Khi tôi tự giới thiệu mình là người Việt Nam, cô ấy nhìn tôi một lúc rồi mới nói khẽ: “Me too!”. Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng nhưng cô ấy nghiêm mặt: “Tuyệt đối không được nói với ai chuyện này. Vy không thích!”.
Cô bảo rằng lúc cô mới sang, học ở trường trung học, khi cô nói mình là người Việt, bạn bè đã cười nhạo, rằng người Việt toàn làm những nghề thấp hèn mà chẳng ai chịu làm, người Việt mê đi nước ngoài vì nghèo đói. Lúc ấy cô đã bật khóc. Sự tủi nhục cho bản thân thì ít mà nỗi lòng tự ái dân tộc thì nhiều. Một khoảng thời gian cô bị cô lập bởi một nhóm “xã hội đen” trong lớp. Thế là cô chuyển trường và từ đó về sau cô chỉ sử dụng tiếng Anh, nói mình là người Trung Quốc.
Chẳng thể trách móc được ai khi những điều họ nói có phần đúng. Nhưng tự nhiên tôi lại thấy cô ta hèn nhát. Nếu là tôi, sẽ chẳng bao giờ tôi chuyển trường. Sao không thử một lần nói lên những điều mình nghĩ hơn là để người khác nghĩ sai về mình! Có lẽ vì chuyện ấy mà tôi không thể nào chơi thân với cô ta được, mặc dù tôi thèm muốn có một người bạn Việt Nam biết bao.
3. Tôi bắt đầu đi làm thêm ở tiệm giặt ủi của một phụ nữ góa chồng. Bà rất tốt, ít ra không đến nỗi vắt kiệt sức người làm thuê như nhiều chủ khác tại Bankstown. Tôi làm sáu giờ một ngày. Khi nào rảnh là chạy đến lao vào đống quần áo, bột giặt và thuốc tẩy. Lúc đầu tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng thể nào làm công việc này lâu được. Chỉ là tôi muốn giết thời gian. Tôi không muốn mình có những khoảng trống để suy nghĩ, nhớ nhà, nhớ kỷ niệm những ngày ở Việt Nam...
Vậy mà rồi tôi vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến nay đã là hơn sáu tháng. Ngẫm lại thấy lời cô bạn người Việt nói cũng đúng, tụi sinh viên cùng lớp chẳng ai ngoài tôi chịu ngồi làm công việc này cả.
Có đôi lần xong việc sớm, đi bộ ra trạm xe lửa, tôi lại miên man suy nghĩ không hiểu vì sao mình quyết định ra đi khi đã là sinh viên năm 3 của một trường đại học danh tiếng. Vì anh? Nếu là vì anh thì có lẽ tôi là một đứa con bất hiếu và ích kỷ nhất trên đời. Tôi vì trốn tránh nỗi đau mà rời xa gia đình để ra đi. Còn vì tương lai? Tương lai của tôi sẽ thế nào? Một cô gái Việt Nam thấp bé đầy tự ti vào bản thân. Lúc ở Việt Nam, tôi vốn đã là một người có chiều cao thấp hơn so với lũ bạn, vẫn thường hay bị gọi là bé Tí hon. Sang đây, tôi lại càng trở nên dị biệt. Liệu rằng sau khi tốt nghiệp, có công ty nào chịu nhận tôi vào làm không.
4. Sau kỳ nghỉ lễ, tôi phải làm báo cáo nhóm môn quản lý 100. Tôi vào nhóm của ba bạn nam: một ở Nam Phi, một Bangladesh và một còn lại là một gã tôi không đoán chắc được ở đâu. Cậu ta có mái tóc vàng nhưng đôi mắt đen rất châu Á. Khuôn mặt mang một vẻ mặt lạnh lùng khó hiểu và không hề tỏ ra mình là một người thân thiện. Tên hắn là Jim. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi  có cảm tình với hai bạn kia bao nhiêu thì tôi ghét hắn bấy nhiêu. Thô bỉ, ra vẻ công tử, chỉ biết “tận hưởng cuộc sống”... là những gì người khác đánh giá khi gặp hắn.
Khi nhóm họp để giới thiệu về bản thân, một bạn đã hỏi: “Bạn là người Hoa?”. Tôi nhấn mạnh: “Tôi không phải người Hoa. Tôi là người Việt Nam!”. Và Jim đột nhiên lên tiếng: “Hầu hết người châu Á trông giống người Hoa!”. Tôi tức và cãi: “Tại sao bạn không nói người Hoa trông giống người châu Á?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn như chẳng sợ điều gì. Hắn nhìn tôi là lạ. Sau đó, theo lời mấy bạn trong lớp tôi mới biết Jim là người Trung Quốc lai Pháp và được sinh ra ở Mỹ.
Hắn không đến nỗi quá tồi như tôi nghĩ. Chẳng ai tẩy chay tôi, tôi vẫn đi học và làm việc theo nhóm với hắn. Chỉ có điều hắn luôn là kẻ trêu chọc tôi: “Hey! A tiny girl” (Ê! Cô gái bé xíu!) hoặc “Too small, too strange!” (Quá nhỏ, quá lạ!), và đám  bạn của hắn phá lên cười. Những lần như thế, tôi chỉ im lặng và tiếp tục công việc của mình.
Một lần tôi bị sốt, cổ họng đau rát mà vẫn đến trường học. Giờ giải lao, lại tiếp tục nghe điệp khúc cũ: “Too small, hey child!” và những tiếng cười quái ác. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại quay sang nhìn thẳng vào mắt hắn một lúc và không cách nào kềm lại dòng nước mắt lăn dài. Tôi không hiểu vì sao mình lại yếu đuối như vậy, vì trước đây chưa bao giờ tôi phải khóc vì một chuyện đại loại như thế. Tôi chạy nhanh ra cửa rồi bắt xe lửa về thẳng nhà. Hắn không đuổi theo, lũ sinh viên xì xầm.
Suốt khoảng thời gian ngồi trên xe lửa, tôi cứ khóc mãi như vậy. Để rồi sau khi bình tĩnh tôi lại thấy ngại. Không biết ngày mai tôi gặp hắn thì sẽ như thế nào.
Tối đó, Jim gọi điện cho tôi. Ngần ngừ mãi đến cuộc gọi thứ ba tôi mới bắt máy. Jim xin lỗi tôi, Jim nói không biết rằng tôi đang bệnh, mãi đến khi tôi quay sang thấy mặt tôi đỏ gay và đôi mắt đờ đẫn mới biết tôi bị sốt. Hắn bảo hắn cũng không có nhiều bạn, muốn làm bạn với tôi nhưng không biết phải nói thế nào nên đã cố tình trêu chọc tôi. Rồi hắn kêu tôi đi bác sĩ, đừng ỷ lại vào sức khỏe. Tôi không hiểu sao Jim lại giải thích nhiều như vậy.
Cũng không hiểu vì sao trong tối đó, tôi và Jim lại có thể tâm sự nhiều điều cho nhau nghe về bản thân, gia đình... đến hơn ba giờ sáng mới đi ngủ. Sau đêm đó, tự dưng tôi thấy mình không còn ghét Jim nữa. Sáng ra, tôi dậy trễ. Thay đồ và vội vã đến trường, chạy lạch bạch lên cầu thang thì thấy Jim cũng y như tôi, hai đứa đột nhiên nhìn nhau cười.
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng nhận được những cú phone và tin nhắn của Jim hỏi tôi đang làm gì, ăn chưa, đang ở đâu...  Cảm giác có được một người bạn quả là một điều hạnh phúc lớn ở thành phố buồn tẻ này.
5. Thứ ba là ngày tôi đi làm. Tan học là tôi chạy tất tả ra trạm xe lửa. Dạo ấy trời Sydney lạnh kinh khủng. Bảy giờ tối mà cứ ngỡ như đã khuya lắm, tôi mệt mỏi lơ ngơ ngồi đợi xe lửa. Tự dưng thấy ấm áp sau lưng, quay lại thấy Jim đang đứng từ bao giờ và cởi cái jacket đưa cho tôi, còn Jim thì vẫn mặc cái áo ngắn tay dưới cái rét 7 độ C.
- Sao Jim không mặc áo đi, trời lạnh!
- Không cần, Jim khỏe lắm, thấy mát mẻ!
Tôi im lặng. Jim cũng im lặng. Hai đứa ngồi ở đó mà chẳng nói được câu nào cho đến khi tôi chuẩn bị lên xe lửa. Jim nhoẻn miệng cười và bắt tay tôi, bảo rằng khi nào về đến nơi nhớ nhắn tin cho Jim biết để an tâm.
Tối đó, Jim lại gọi điện. Jim  đề nghị đưa đón tôi vì từ nhà hắn qua nhà tôi chỉ mất có mười phút  đi xe hơi và vì... từ ga xe lửa lội bộ về nhà tôi gần nửa tiếng và hơi vắng. Jim bảo Jim không an tâm. Từ đó, lúc nào hai đứa cũng đi cùng nhau. Mối quan hệ giữa chúng tôi diễn ra tốt đẹp đúng mức bạn bè. Chưa bao giờ vượt qua giới hạn, thậm chí chỉ là một cái nắm tay.
Trong một lần chở tôi về, Jim bảo tôi cùng chơi một trò chơi nhỏ, Jim hỏi, tôi trả lời nhanh, không được suy nghĩ. Jim hỏi về gia đình, bạn bè... xong, câu cuối Jim hỏi: "Bạn có biết là tôi thích bạn không?". Tôi hơi bất ngờ  và đáp:  "Không". Jim bảo tiếp: “Và bây giờ bạn biết rồi đó”. Tôi hỏi Jim "Thích" là gì... Jim nói đó là “hình thức đầu tiên của tình yêu”. Và Jim bảo sẽ chứng minh cho tôi thấy điều đó.
Hôm ấy là một ngày  trăng tròn, đẹp lắm, Jim đã chở tôi đi vòng vòng mấy con đường yên tĩnh có nhiều cây to. Sau đó Jim dừng lại và bảo tôi đợi một lúc. Jim ra ngoài và tìm gì đó ở cốp xe. Và tôi bất ngờ khi Jim vừa ôm đàn guitar, vừa hát. Giọng của Jim thật ấm và nhẹ nhàng. Tối hôm đó khi đã về nhà, tôi lại thấy nhớ Jim một cách lạ lùng. Một cái gì rất kỳ diệu, thân thương cứ len lỏi trong trái tim tôi suốt đêm hôm ấy.
6. Jim tặng tôi một chiếc ô màu đen, bảo rằng trời Bankstown dạo này dễ mưa, nên mang một cây ô theo. Những lần thấy tôi đứng đợi mưa, Jim đến gần và che ô cho tôi, không quên trách móc sự đểnh đoảng của tôi. Tôi chỉ cười và cùng bước đi với Jim dưới những cơn mưa lạnh buốt. Chiếc ô tôi có mang theo nhưng không bao giờ mang ra dùng vì biết sẽ có Jim đến. Đã thật lâu rồi tôi không đi dưới mưa cùng ai từ ngày chia tay anh trước đây.
Jim bảo rằng Jim ấn tượng về cô gái Việt Nam thấp bé nhưng “ngang như cua” là tôi. Jim thấy thích cách tôi trả lời Jim và muốn thử khám phá xem một cô gái như tôi có gì đặc biệt.
Chúng tôi tiếp tục có những khoảng thời gian thật vui vẻ cùng nhau. Nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn chưa dám nói gì thêm với Jim về tình cảm của mình. Tuy nhiên tôi biết Jim là người đã giúp tôi có thể lấy lại niềm tin sau bao nhiêu đổ vỡ. Tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ yêu ai được nữa khi lòng tin đã bị xói mòn quá nhiều. Nhưng Jim đã làm tôi tin rằng đừng bao giờ khép lòng mình lại khi cuộc sống vẫn còn tiếp diễn.
Có một lần, chủ nhà đi du lịch suốt mấy tuần liền. Một đêm, trời mưa và lạnh. Nhìn ra ngoài chỉ thấy những tán cây xào xạc, tạo nên những thanh âm buồn tẻ. Đột nhiên tôi lại thấy cô đơn kinh khủng. Không hiểu sao trong lúc đó tôi lại nhớ tới Jim và nhắn tin: “Jim, buồn và cô đơn quá!”. Jim nhắn tin bảo tôi hãy nhắm mắt và nghe ba bài nhạc mà tôi thích nhất. Khi tôi nghe hết ba bài hát đó thì có điện thoại. Jim bảo: “Làm ơn mở cửa, tôi ở bên ngoài”. Tôi ngạc nhiên mở cửa và thấy Jim đang co ro với cái áo ngắn tay. Trời rất lạnh, tôi trách Jim sao không mặc áo ấm, Jim chỉ cười và bảo vì vội quá nên quên.
Jim chỉ ngồi nói chuyện với tôi suốt một tiếng rồi về. Trước khi về, Jim hỏi tôi có thể ôm chào tạm biệt Jim một cái không. Tôi suy nghĩ một lúc rồi gật đầu. Với tôi, đó là cái ôm đầu tiên và ấm áp nhất mà suốt đời tôi không thể nào quên từ ngày sang Úc.
Jim hay dành thời gian rảnh để dạy Anh văn cho tôi. Jim chê tôi dở tiếng Anh quá, sao lại có thể học hàng top trong lớp? Tôi chỉ cười, có lẽ do người Việt Nam đã quen với việc siêng năng chăm chỉ học hành ngay từ khi mới lớp 1 chăng. Jim dạy cho tôi rất nhiều câu thành ngữ hay và những từ vựng mới. Trông một tên Jim lạnh lùng thường ngày và một Jim kiên nhẫn ngồi giải thích bằng những từ đồng nghĩa trong tiếng Anh cho tôi mà thấy khác nhau nhiều. Tôi đột nhiên phì cười mà không rõ lý do. Jim cau mày: “Tại sao bạn cười?”. Tôi lại đáp: “Bạn dễ thương quá!”. Jim đỏ mặt và không thèm dạy tôi nữa.
Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi hay dắt Jim đi ăn phở tại một quán Việt Nam mà tôi biết. Thật may mắn khi quán này bán phở rất ngon nên tôi không phải xấu hổ giải thích: “Ở Việt Nam món này mới ngon” như tụi bạn tôi đi du học kể lại lúc tôi còn ở Việt Nam. Tôi thích cách Jim cố nói tiếng Việt chữ “phở” và điều đặc biệt là luôn muốn đọc đúng tên tiếng Việt của tôi: “Thuyên”. Cứ mỗi lần nghe Jim gọi tôi, tôi lại bật cười. Jim đỏ mặt và cứ hỏi đi hỏi lại: “Có gì sai?”. Tôi lặp lại câu nói cũ: “Bạn dễ thương quá!”.
7. Jim bảo hết học kỳ này Jim sẽ phải về nước luôn. Jim nói cha mẹ muốn Jim quay về, quản lý công ty. Dù rất buồn nhưng tôi vẫn an ủi Jim, rằng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Kể từ hôm ấy, chúng tôi càng thân thiết nhau, rất hạnh phúc. Jim nói thật sự Jim không muốn xa tôi. Nghe câu nói ấy thôi tôi đã thấy ấm lòng.
Thứ bảy. Tôi lên thư viện và bỏ quên điện thoại ở nhà. Tôi đã gần như thấp thỏm không yên khi nghĩ đến  việc Jim sẽ lo lắng cho tôi thế nào khi nhắn tin và gọi điện cho tôi không được. Nhưng tôi không thể về vì phải xong bài tiểu luận sớm. Đến chiều về, tôi đã nghĩ trong đầu giải thích thế nào cho Jim và chắc chắn Jim sẽ giận tôi lắm.
Nhưng khi về đến nhà, tôi thật sự bất ngờ khi điện thoại không tin nhắn, không cuộc gọi nhỡ nào. Tôi vội vàng nhắn tin và gọi cho Jim nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Từ hôm đó, tôi không nhận được tin nhắn và cuộc gọi nào từ Jim nữa. Tôi cũng không cách nào liên lạc được với Jim. Sang ngày thứ năm, tôi gặp Jim ở trường. Jim nhìn tôi cười nhẹ rồi đi thẳng, không nói chuyện cùng tôi như mọi khi. Tôi không hiểu đã có chuyện gì xảy ra, suốt buổi học tôi cứ suy nghĩ miên man nhiều điều và thỉnh thoảng lại quay sang nhìn Jim. Jim không nhìn lại tôi, khuôn mặt Jim cứng đơ như tượng.
Jim phải học thêm một môn nữa nên đến hơn 7 giờ tối mới kết thúc. Tôi về sớm và ngồi ở trạm xe lửa đợi Jim như thường lệ, không quên mua một cây “tre may mắn” để tặng Jim. Tôi nghĩ vấn đề riêng của Jim chắc có lẽ khó khăn lắm nên mới khiến Jim như thế. Một tiếng rồi hai tiếng, tôi đợi mãi mà không thấy Jim đâu. Tôi nhắn tin rằng đợi Jim đã hai tiếng rồi, lát sau Jim xuất hiện, nhận cây “tre may mắn” từ tôi rồi lên xe về thẳng. Jim không chở tôi về nhà như những lần trước nữa. Tôi ngẩn ngơ mãi một lúc rồi leo lên xe lửa về nhà. Lần ấy, tôi đã khóc nức nở suốt quãng đường về. Cảm giác bị bỏ rơi khiến tôi đau hơn bao giờ hết.
Tối đó, Jim nhắn tin xin lỗi tôi, Jim bảo Jim đã có bạn gái. Cô ấy sang thăm Jim mấy ngày hôm nay. Tất cả những gì Jim đối với tôi, Jim nhận ra chỉ là sự ngộ nhận. Jim nói rằng con người ta ai cũng có những phút giây ngộ nhận. Và khi đã biết mình ngộ nhận thì phải trở về với hiện thực.
Tôi không rõ trong mối quan hệ giữa tôi và Jim, ai là người ngộ nhận. Có thể tôi, có thể Jim. Và dù người ngộ nhận là ai đi chăng nữa thì tôi vẫn thấy mình bị tổn thương. Nhưng dù sao tôi vẫn cảm ơn Jim vì Jim là người đã giúp tôi có những ngày sống vui vẻ, dù ngắn ngủi tại xứ người.
Hiện thực của tôi chỉ là một con bé Việt Nam nhỏ bé, tự ti, không bạn bè, người thân. Hiện thực của Jim là một chàng trai giàu có đã có người  yêu, rất chung thủy. Và Jim không nên là một người phản bội.
Sau sự ngộ nhận, tất cả đều phải tỉnh giấc.
Đêm đó, những niềm tin đang chuẩn bị nảy mầm cũng đã mất hết.
Tôi mỉm cười nhớ lại ngày trước lúc ở Việt Nam, anh từng bảo với tôi y như Jim bây giờ: “Tất cả chỉ là ngộ nhận!”. Có nhiều điều tôi không hiểu, vì sao có thể biết được mình đang ngộ nhận dễ dàng như anh, như Jim? Và thế nào mới là không ngộ nhận?
8. Jim về nước thật. Ngày Jim đi, tôi vẫn tiễn Jim. Jim ôm tôi và bật khóc. Tôi không khóc. Nước mắt đã rơi hết vào đêm Jim bỏ tôi lại trạm xe lửa và nhắn tin cho tôi. Jim im lặng không nói gì thêm với tôi. Tôi cũng chỉ nhìn Jim, lòng vẫn nhói đau không hiểu vì sao.
Tôi cắt tóc. Mái tóc dài đen trở nên ngắn củn. Nhìn vào gương mà tôi còn không nhận ra chính mình. Thế là cái thú ngồi chải tóc mỗi sáng thức dậy không còn. Nhưng tôi vẫn thức dậy sớm, nhìn chăm chú vào khuôn mặt buồn bã của mình và thấy đầu óc xáo trộn nhiều ý nghĩ. Bước vào lớp chợt thèm nghe tiếng trêu chọc của Jim ngày nào, nhưng không. Chỉ có đám bạn cùng lớp ngạc nhiên tiếc rẻ mái tóc dài của tôi.
Học kỳ mới lại bắt đầu. Sự chuẩn bị bài vở ngang bằng con số không trong khi giờ làm thêm tăng nhiều hơn trước. Rã rời nhìn lại năm tháng đã qua, chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ mấy vết phỏng lốm đốm trên bàn tay. Một, hai , ba... sáu vết nằm cạnh nhau tạo nên "không gian cà phê" mà dụng cụ pha chế là mấy cái máy ủi dập hơi nước. Đúng là chẳng nghề nào dễ cả. Nhiều lúc muốn nghỉ nhưng nghĩ tới mồ hôi của ba mẹ lại thôi. Không đứa con nào có quyền dửng dưng với nỗi nhọc nhằn đó cả. Nhìn những vết sẹo đó, đôi khi lại làm tôi tự nhắc mình nhiều điều. Vì trước khi hình thành vết sẹo xấu xí, bao giờ cũng là những cơn đau.
Những lần ngồi xe lửa, tôi lại mông lung nghĩ về anh, về Jim. Ừ thôi, rồi tất cả sẽ chỉ là những vệt mờ trong ký ức...
9. Chiều nay Bankstown lại mưa. Không ào ào, không sấm chớp và cũng chẳng bất chợt như mưa Sài Gòn nhưng không hiểu sao rất buốt. Chiếc ô vẫn nằm gọn ghẽ ở góc phòng. Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy ai đó che ô đi dưới những tán cây, trong mưa, em ước gì mình như thế để được một lần nữa là thiếu nữ dịu dàng....

HÀ THANH PHÚC

P02: Mùa sầu đông trổ hoa - Trốn để được tìm thấy

Mùa sầu đông trổ hoa 
Nơi tôi trọ ở cuối con đường đá sỏi và quen em bởi mỗi ngày qua lại chiếc cổng có giàn hoàng lan hoa vàng. Em thường cười và nheo mắt tinh nghịch khi thấy tôi cọc cạch chiếc xe đạp cũ mèm, hoen gỉ, rồi gọi: “Này, chàng Đôngkisốt, hôm nay không đến lâu đài...”.
Chả là, tôi dạy thêm sinh ngữ cho các cậu ấm cô chiêu ở những nơi cần quản thúc giờ giấc các quí tử trong biệt thự ven sông. Một lần, chiếc xe giở trò bệnh hoạn bung xích.
Tôi thở dài cuốc bộ ra đầu đường vừa nhẩm tính thời gian lên lớp, vừa canh cho kịp đến kèm hai cô nương và cũng vừa thò tay lục lọi kiếm tiền đi xe ôm thì:
- Này nhóc!
Tôi ngẩng lên. Em rà xe sát cạnh, hếch mũi, buông giọng:
- Cho quá giang đoạn đường, tội nghiệp hiệp sĩ!
Tôi cười. Chuyền túi xách đeo bên người sang tay lái khi em dịch chuyển chỗ ngồi. Vừa đi, tôi vừa quan sát em qua kính chiếu hậu. Khuôn mặt có vẻ hiền hiền thêm nốt ruồi nơi cằm lẹm tạo vẻ tinh quái mỗi khi nheo mắt. Em khẽ đập vai: Ê...
- Gì?
- Chú ý lái xe, cấm nhìn nghe nhóc!
Lại cười trừ và gật cho đến trường. Em bước xuống nheo mắt nhìn tấm bảng và dãy băngrôn quảng cáo chằng chịt, phán thẳng:
- Chào sư phụ, nơi này loa giấy hơi nhiều, bai nhé!
Tôi hơi uất nhìn theo bóng em khuất dần trên con đường xanh bóng cây, lung linh những giọt nắng.
Em ngồi kề bên, chiếc xích đu xoay nhè nhẹ và tiếng hát nho nhỏ. Khoảng vườn đầy bóng cây qua ánh trăng mười sáu với hương dạ lan thoang thoảng, tĩnh lặng. Tôi nhìn em, nhỏ nhắn tóc xõa ngang vai mặt ngước ra phía đường thấp thoáng bóng người qua lại. Tôi hỏi:
- Ê nhỏ!
- Gì nhóc?
- Thế nhỏ tên gì?
Em không nói. Yên lặng một thoáng rồi chỉ ra hàng cây ven đường:
- Đố nhóc biết cây gì?
- Sầu đông.
- Gì nữa?
- Thầu đâu!
Em bật cười khúc khích do kiểu gọi tên loại cây quê tôi rồi lắc đầu nhẹ: “Gì nữa?”.
Tôi ậm ờ “Xoan”, em gật: “Ừ, tên đó”. Một tuần làm quen tôi được biết tên em và bên ngoài hàng sầu đông đã bắt đầu trổ hoa trắng xen cùng màu tím dìu dịu.
Xoan học y năm ba khi tôi đã năm cuối của sư phạm ngoại ngữ. Vào lúc rảnh với xe cà tàng đã được sửa lại, cả hai lang thang cùng khắp. Mũ bêrê xanh da trời, quần jean bạc nước biển, thêm chiếc áo lửng và cũng chẳng son phấn. Xoan hòa nhập nếp sống của những đứa con trai xa nhà đi học như tôi. Cũng khoái ngồi cơm bụi, uống tí cà phê độn bắp và sửa lưng thẳng thừng khi bị đùa quá đà. Bọn bạn gọi Xoan: “Công chúa lộn sòng”. Còn Xoan thì im lặng gật gù dõi mắt nhìn theo giề lục bình trôi nổi và buồn buồn nhìn những người cào hến trên bãi sông lúc chiều buông tím sẫm.
Một lần, Xoan đến tìm tôi khi tôi đang “rèn” hai cô chiêu trong biệt thự ven sông. Cô chủ lớn ra mở cửa nhìn từ gót đến đầu “Công chúa lộn sòng” rồi mời vào trên lối đi trải sỏi. Tôi tạm ngừng để xuống thì các cô chiêu liền bá vai, ôm cổ ngả ngớn. Thoáng nhíu mày, Xoan lẳng lặng trao tôi cuốn sách đang cầm rồi từ biệt ra về. Một ngày, hai ngày cánh cổng có giàn hoàng lan khép kín.
Đến ngày thứ ba, buổi tối nơi vườn nhà, Xoan im lặng trên chiếc xích đu không còn đong đưa. Một chập, khẽ nói: “Anh làm hiệp sĩ thích không?”. Tôi đưa chùm sầu đông hết hoa đang ra quả căng mọng bảo Xoan cắn thử. Tôi cũng cắn. Đắng chát, tê tê đầu lưỡi, Xoan nhăn mặt. Tôi nói: “Đắng lắm. Nhưng biết làm sao, sinh viên xa nhà đứa nào…”. Xoan vội bịt miệng và đặt nhẹ bàn tay ấm nóng lên tay tôi trong gió rì rào.
Thành phố nơi tôi trọ học đổi mùa và đêm đêm gió lạnh rú rít thổi đến khi bầu trời đen thẫm không vì sao sáng. Tôi đang dịch bản tin cho ba Xoan để kịp lên khung báo và việc đi rèn đã giao cho đứa thất nghiệp khác. Qua các tờ báo Xoan đưa lại, tôi biết quê nhà đang có lũ đầu mùa. Xoan từng mở to mắt lắng nghe tôi kể những cơn lũ ào ạt, sôi réo cuồn cuộn cuốn phăng tất cả trong dòng nước bạc và cũng nhấn chìm tất cả khi ra giữa dòng với gió buốt căm căm và mưa đổ mịt mùng.
Sau lũ, vườn nhà xơ xác, đồng ruộng bị cát và phù sa lấp kín, trơ cỏ. Xoan run run nắm tay tôi, cô bé y khoa hay châm chọc thiên hạ và cả tôi cũng chẳng tha với đủ ngôn từ: “Chàng chăn trâu trìu mến” hay “Gã bù nhìn thương yêu”. Đang miên man nhớ thì có tiếng gõ dồn dập. Tôi vứt viết chạy vội ra cửa. Nam ào ào giơ cao bức điện thở dồn: “Đọc đi Hải”. Tôi đọc vội tờ giấy vi tính không dấu: “Về gấp, mẹ mất khi bão. Cậu Sáu”.
Tiếng Nam âm u bên tai: “Đi. Thằng Khải mua vé tàu trên ga”. Nó lục lọi, xới tung, nhét lấy nhét để rồi quàng tay sang tôi đưa ra cửa và quay vào dắt chiếc xe đạp cà tàng dìu tôi lên yên rướn người đạp thẳng. Sân ga sáng choang ánh điện, nhóm bạn đưa vội lên tàu. Nam vuốt tóc cài lại áo và nhét vào túi tôi vật gì cồm cộm, nhắc nhở: “Bình tĩnh đi Hải”. Tàu hú còi giục giã, chuyển dịch và loang loáng ánh điện. Tôi bật khóc.
Quê nhà trơ trọi với ba cơn bão cùng hai cơn lũ đi qua. Lũy tre bao bọc bờ sông rũ rượi, vàng úa và chằng chịt những mẫu vật sót lại treo lủng liểng bay phần phật theo gió. Phía bên dưới nước vẫn đỏ ngầu cuồn cuộn chảy trong chiều mờ tối. Con mực hực lên khi có người lạ và nhận ra tôi nó khẽ rít.
Để cho cha hiện ra nơi khung cửa xiêu vẹo đến bên bật khóc, đứa em gái choàng thức chạy ra ôm chặt: “Anh Hai về, mẹ ơi”. Hôm sau, tôi lên đồi vắng, những nấm mộ mới lại xuất hiện trải dài trong sương sớm. Phía xa, dòng sông Ba vẫn mênh mang chảy uốn khúc quanh những khóm lau rập rờn, không hề cảm nhận mùa lũ đi qua.
Tôi ngồi bên mộ mẹ đến chiều. Khi nghe tin nhiều phái đoàn đến xã. Tôi chợt nhớ Xoan, hàng sầu đông ven phố và những đứa bạn chuẩn bị mùa thi. Và Xoan đến, lúc tôi đang mơ màng trên võng. Tôi thoáng thấy bóng người hiện ra nơi khung cửa còn ẩm mốc nước ngập lâu ngày thì Xoan khóc, bấu chặt lấy tôi. Tôi vuốt tóc và ôm lấy đôi vai gầy nhỏ. Khi Xoan ngẩng lên, đôi mắt đỏ hoe với làn mi cong sũng nước nhìn tôi. Tôi lắc đầu im lặng.
Buổi chiều, thả bộ trên đồi vắng, Xoan nói khẽ: “Nhỏ đến, thấy bức điện vội lên thì đã muộn. May sao, có đoàn khám về xã...”. Qua ngõ rẽ đầu dốc có nhiều bụi sim tím, Xoan nắm lấy tay tôi: “Giờ nhỏ mới thấy tội nhóc”. Chờ nhang tàn nơi mộ mẹ, tôi đưa Xoan sang bãi soi trải vàng hoa mướp nhưng giờ là bãi cát trắng phau, chơ vơ lau sậy. Tôi chỉ soi nhà: “Mẹ hay ra đó, lúc nhỏ mình thường vượt sông thăm mẹ”. Xoan bíu vai tôi: “Ôi, nhóc”. Tôi quay lại nhìn Xoan, đôi mắt thẳm trong gió chiều lồng lộng và đăm đắm, lần đầu tiên tôi hôn nhẹ lên đó.
Đêm, dọc rìa làng trong gió heo hút và con sông nước chảy rì rào. Xoan đi sát cạnh mở ẩn trong sương với những vì sao trên đầu le lói. Rồi Xoan nhìn hàng cây trước mắt, những thân cây khẳng khiu trơ cành cụt ngọn, vươn thẳng lên bầu trời đen thẫm, hất ngược về phía hai đứa hình ảnh cô đơn trong dáng cam chịu và đẹp một cách trầm mặc của mùa đông về. Xoan dừng lại, tôi trả lời:
- Sầu đông.
- Không, thầu đâu của nhóc...
Tôi dựa vào Xoan để cảm nhận hơi thở nén chặt trong nhịp tim rộn ràng, để nghe tiếng thở dài và câu nói thoát ra trong gió:
- Về phố, học lại đi anh?
Tôi lắc đầu:
- Năm sau, anh sẽ lên...
Xoan im lặng lúc trên đầu hai đứa có những giọt mưa đổ xuống và sấm chớp đã rạch nhì nhằng đỉnh núi đá mờ mờ phía xa.
Tôi nhận thư Xoan lúc làng quê đã bắt đầu cuộc sống ổn định. Bức thư và những cánh sầu đông vàng nhạt sau những ngày di chuyển. Tôi ra rìa làng, hàng sầu đông hoa nở trắng, xen kẽ màu tím trải dài dọc theo triền sông chang nắng và như một bức thảm hiền hòa khẽ chao trong gió. Tôi đặt bàn tay chai sần lên thân cây sầu đông mà Xoan đã từng dựa vào rồi ngẩng mặt nhìn dòng sông xanh thẫm, hiền hòa uốn khúc mà nhớ Xoan với con đường đá sỏi có hàng sầu đông ven phố.
Năm sau, tôi nhập trường lúc Xoan đã ra nước ngoài hoàn chỉnh chương trình. Để năm sau và năm sau nữa khi tôi trở thành phóng viên của tờ báo do ba Xoan đảm trách thì mỗi năm Xoan luôn gửi thư về trong mùa sầu đông trổ hoa. Tôi trả lời với nhiều hư cấu định hình bởi biết rằng nơi Xoan ở, con đường đã mở rộng và hàng sầu đông cũng chẳng còn.
Tháng ba năm nay Xoan về nước.
Tháng ba mỗi năm. Hàng sầu đông vẫn trổ hoa trắng cùng màu tím nhạt trải dài nơi ngã ba sông quê nhà. 

HUỲNH THẠCH THẢO
====================================================================
Trốn để được tìm thấy 

 Cần tìm một người kiên nhẫn, biết cách chơi trốn tìm. Lương cao. Tôi đọc đi đọc lại mẩu tin đó, nghe cứ như đùa. Có nên tin vào những trang web tìm việc không nhỉ? Số nhà rõ ràng, điện thoại rõ ràng, mức lương và giờ làm việc rõ ràng…
Tôi tự cho mình là người kiên nhẫn, trốn tìm thì ai chẳng biết chơi, thế thì sao lại không thử nhỉ? Nếu là trò đùa, tôi cũng chỉ mất một ít thời gian, còn may mắn là sự thật tôi sẽ có một mức lương khá với hai giờ làm việc mỗi ngày. Quá hời còn gì?
Sau khi gọi điện để xác minh độ chính xác của mẩu tin, tôi được hẹn chiều nay đến thử việc. Mặc bộ đồ tươm tất nhất, cầm mảnh giấy ghi địa chỉ trên tay, tôi dắt xe ra khỏi nhà rất sớm. Ngày đầu nhận việc, tôi không muốn mình đến trễ vì bất cứ lý do gì.
Vòng vèo một hồi, cuối cùng địa chỉ tôi cần tìm cũng hiện ra. Đó là tòa biệt thự nằm ở cuối một con hẻm rộng và yên tĩnh, hình như đây là khu nhà cao cấp của cán bộ. Có một không khí gì đó rất riêng, trầm lặng khác hẳn cuộc sống náo nhiệt ngoài phố. Tôi dựng xe, ngắm nghía nơi mình sẽ làm việc. Kiến trúc đã cũ nhưng tòa nhà vẫn chưa nhuốm màu thời gian, chứng tỏ nó được chăm sóc rất kỹ. Ấn tượng lớn nhất là màu xanh đến mềm lòng của cây cối.
Tôi ngây người như đang đứng trước khu rừng xinh xắn. Những cây to cho bóng mát được trồng viền quanh bờ tường và lối đi trải sỏi. Hai bên hông và đằng trước nhà ngập tràn trong những bồn hoa đủ loại, đủ màu. Ngay cả những ban công và cửa sổ cũng được dây thường xuân leo kín. Tất cả có vẻ rất tự nhiên, nhưng nhìn kỹ sẽ nhận ra chúng được cắt tỉa thường xuyên. Tôi còn chưa kịp nhấn chuông thì thình lình cánh cổng lớn hé mở. Một người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt lặng lẽ thò đầu ra:
- Cậu đến nhận việc?
- Vâng, hi vọng cháu không đến trễ chứ?
- Không, rất đúng giờ! Có thể coi tôi là quản gia ngôi nhà này, cậu theo tôi!
Tôi dắt xe đi theo người quản gia. Ông mặc đồ làm vườn, chắc đang làm dở công chuyện. Gió rì rào luồn qua những tán cây, mát rượi. Ông quản gia dắt tôi vào phòng khách lớn rồi chỉ tay lên lầu:
- Cậu lên hết cầu thang, rẽ trái, đi thẳng đến cuối hành lang thì nhìn bên tay phải, có một căn phòng cửa gỗ màu xanh biển. Cậu cứ bước vào, cô chủ đợi cậu ở đó!
Tôi chưa kịp phản ứng thì quản gia đã biến mất, lặng lẽ như chính nét mặt của ông. Xem nào, “cô chủ” à? Hóa ra người thuê tôi lại là một cô gái! Mong rằng đó không phải là một tiểu thư đỏng đảnh, rỗi việc nên tìm cách bày trò. Tòa nhà thật kỳ lạ, có rất nhiều phòng, mỗi phòng lại sơn cửa một màu khác nhau. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người. Tôi hơi hồi hộp khi gõ cánh cửa màu xanh biển.
Không có tiếng trả lời. Tôi thử đẩy cánh cửa, nó không khóa nên tôi bước vào trong. Một căn phòng xinh xắn, gọn ghẽ và ngăn nắp. Có vẻ đây là phòng làm việc hoặc phòng học, vì tôi thấy bàn viết và máy tính. Tôi nhìn quanh quẩn, chẳng có ai cả. Vậy là sao? Tôi hơi căng thẳng. Chợt phát hiện màn hình chờ của máy tính là một dòng chữ kỳ lạ “Tôi ở gần đây thôi, hãy đi tìm tôi!”. Công việc là thế này ư? Chơi trốn tìm với một người con gái chưa biết mặt - hình như tôi đang vướng phải một trò đùa giỡn nào đó?
Tôi thấy hơi bực tức trong lòng, nhưng đúng lúc dợm quay lưng bỏ về thì ánh mắt chợt bắt gặp một gấu váy con gái màu hồng thập thò qua khe chiếc tủ đứng kê cạnh cửa sổ. Được rồi, tôi sẽ tóm cô, xem cô bày trò gì nào? Tôi nhón gót đi thật khẽ về phía chiếc tủ, đếm nhẩm trong đầu từ một đến ba rồi lấy hết sức giật tung cửa tủ ra. Những thứ đập vào mắt khiến tôi đỏ bừng mặt vì xấu hổ và tức giận, vội vàng đóng tủ lại ngay.
Trong đó toàn đồ nội y con gái treo lủng lẳng, chỉ duy nhất chiếc váy dài màu hồng được cố tình nhét giấu qua khe tủ. Rõ ràng tôi đang bị đùa giỡn, lòng tự trọng của một thằng con trai bị tổn thương nghiêm trọng! Tôi xẵng giọng nói to:
-  Một trò đùa thô thiển, xin lỗi, tôi không có hứng thú!
Đáp lời tôi là tiếng sột soạt rất khẽ phía cây móc đồ gần cửa ra vào - loại dùng để treo nón và áo khoác. Có một vài chiếc áo được cố tình treo trên đó. Tôi nói “cố tình” vì chúng là những chiếc áo khoác dài kiểu măngtô của người xứ lạnh, trong khi thành phố này mùa đông cũng có thể mặc áo cộc tay ra đường. Tiếng sột soạt lại vang lên. Một chiếc áo hơi phồng lên và chuyển động nhẹ. Ra là cô ta trốn trong đó!
Tôi bước nhanh lại, giật phắt chiếc áo xuống. Đồ tiểu thư đáng ghét, tôi sẽ cho cô ta một trận mới hả dạ. Đâu phải có tiền là muốn làm gì cũng được? Grừ! Tôi bị bất ngờ té ngửa ra sàn. Con chó lông xù trắng muốt biến mất ngay sau khi để lại cho tôi một vết cào ran rát nơi bả vai. Tôi cứ ngồi thần người như thế. Đầu óc ngổn ngang về những thứ điên rồ vừa trải qua. Tại sao tôi lại vướng vào chuyện này cơ chứ? Cái nguyện vọng chính đáng là làm ra đồng tiền để trang trải việc học của một đứa sinh viên nghèo bị chà đạp thê thảm. Tôi buồn đến nỗi quên cả tức, đứng dậy lầm lũi đi về. Bất chợt tôi nhìn thấy một cây vĩ cầm rất đẹp treo trên tường.
Thuở cha còn sống, người đã kịp dạy tôi kéo được vài bản. Đã lâu lắm rồi, từ khi cha mất, tôi không chơi lần nào nữa. Tôi tháo cây đàn xuống, vuốt ve lớp gỗ quí bóng loáng, thốt nhiên rất muốn nhớ về cha bằng một đoạn nhạc ngăn ngắn. Tôi bước lại phía cửa sổ, kê đàn lên vai rồi say sưa kéo. Ráng chiều nhuộm vàng khung cửa. Mùi cây cỏ và mùi hương hoa thoảng lẫn trong mùi gió, yên bình đến dễ chịu.
Bỗng con chó lông xù từ đâu xuất hiện, cắt đứt đoạn nhạc của tôi bằng cách chồm hai chân trước lên bệ cửa sổ rồi sủa nhặng lên. Chắc hẳn có điều gì đó ngoài kia? Tôi thấy lạ nên thò đầu ra cửa sổ xem thử. Ánh mắt tôi giật nảy, ngạc nhiên đến lặng người. Nó vừa chạm phải một ánh nhìn trong suốt, xanh như biển. Cô gái ấy co ro trong bồn hoa rậm rì dây thường xuân, mái tóc xoăn màu hạt dẻ, làn da trắng và lạnh như sứ. Vị trí ngồi đó rất nguy hiểm! Tôi lắp bắp:
- Bạn… bạn là…
- Sa Phi! Cậu gặp may đấy, con Bito cứ tưởng cậu đánh cắp cây đàn của tôi nên mới sủa dữ thế. Thôi được, cậu đã được nhận vào làm. Ngày mai cậu đến nhận việc tiếp, còn công việc hôm nay kết thúc ở đây, cậu có thể về!
Tôi bị ám ảnh bởi tòa nhà và cô gái kỳ lạ. Ánh mắt của Sa Phi xoáy lấy tâm trí tôi. Rất mơ hồ thôi nhưng dường như tôi nhận ra một thứ ấm áp loé lên khi tôi tìm thấy cô ấy. Tôi không lý giải được điều đó và bao nhiêu câu hỏi quấn lấy tôi. Có lẽ, tôi sẽ tiếp tục công việc…
Mỗi ngày, đúng giờ và đều đặn, tôi lại bấm chuông cửa, ông quản gia mở cổng dắt tôi vào, sau đó chỉ cho tôi biết mình sẽ phải tìm Sa Phi trong căn phòng cửa gỗ màu gì. Tôi đã dần quen và không còn bực tức với những trò kỳ lạ của Sa Phi nữa, nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên sao cô ấy nhiều trò thế nhỉ? Nhiều lúc đã mệt nhoài tìm kiếm mà cô ấy vẫn không xuất hiện, tôi phải dùng đến hạ sách cuối cùng là kéo vĩ cầm để con Bito chỉ chỗ chủ nó. Sa Phi không trách tôi vì việc đó, cứ miễn sao tôi tìm ra cô ấy trong hai giờ làm việc. Tôi vẫn mơ hồ nhận ra điều ấm áp lóe lên khi tìm ra Sa Phi.
Chính điều ấy khiến tôi cần mẫn với công việc của mình. Sau gần một tháng làm việc, điều tôi ngạc nhiên lớn nhất là ngoài Sa Phi, ông quản gia và một bà làm bếp, tôi chưa gặp ai khác trong tòa nhà thênh thang này. Những thắc mắc đều không được giải đáp vì tôi không nói chuyện được với ai cả.
Ông quản gia và bà bếp luôn lặng lẽ với công việc của mình, chỉ xuất hiện khi cần thiết. Còn Sa Phi thì ngay sau khi được tôi tìm ra luôn nói duy nhất câu “Cậu có thể về, hẹn ngày mai!”. Chỉ đôi lần cô ấy mỉm cười với tôi, khuôn mặt trắng sứ hồng lên một chút. Nhưng cũng chỉ thế, tôi chưa kịp nói gì thì Sa Phi đã bỏ đi. Nhiều lúc tôi lẩm bẩm không biết cô ấy có thật không nhỉ?
Tôi cứ bị cuốn vào công việc kỳ lạ đó, chỉ để được nhận một điều ấm áp mơ hồ không lý giải nổi. Cho đến một ngày, khi tôi tìm ra Sa Phi đằng sau gốc hoàng lan cổ thụ cuối vườn, ánh mắt trong suốt của cô ấy nhìn tôi long lanh nước. Tôi chỉ biết nắm bàn tay bằng sứ của Sa Phi thật chặt. Nó lạnh ngắt! Tôi không nói câu gì nhưng trong lòng đã quyết định phải tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi của mình.
Sáng hôm sau, tôi nghỉ học một buổi để đứng trước cửa nhà Sa Phi. Đợi ông quản gia lái xe chở Sa Phi đi học rồi quay về, tôi lao ra chặn trước đầu xe. Ông chỉ nhướng mày ngạc nhiên một chút rồi khuôn mặt lại trở về trạng thái lặng lẽ như cũ. Tôi đến gõ cửa kính xe rồi lễ phép xin được nói chuyện với ông về Sa Phi. Chúng tôi đi vào trong nhà và giữa khu vườn đầy gió, ông kể cho tôi nghe một câu chuyện lạ lùng…
“Sa Phi không mang trong người dòng máu Việt. Vì một lý do nào đó, con bé bị bỏ rơi trước cô nhi viện từ khi mới lọt lòng. Sa Phi lớn lên, khác biệt và lạc lõng trước những người bạn tóc đen da vàng. Con bé xinh xắn và ngoan hiền nhưng hầu như không chịu nói chuyện, chỉ thích nhất trốn vào các ngóc ngách, bụi cây để mọi người cuống lên đi tìm. Một ngày nắng đẹp, Sa Phi trốn vào bụi cúc dại rồi ngủ quên trong đó.
Khi con bé mở mắt, bắt gặp hai khuôn mặt hiền hậu đang mỉm cười với mình. Người phụ nữ nắm tay Sa Phi, hỏi con bé có muốn làm con của họ không. Đó chính là ông bà chủ tòa nhà này. Họ không thể có con nên đã nhận Sa Phi về nuôi. Con bé hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ nuôi, trở thành một đứa trẻ hồn nhiên và hoạt bát như những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tưởng rằng cuộc đời cứ thế êm đềm trôi, ai ngờ ông bà chủ phát hiện mình bị mắc một căn bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.
Sau khi giao cho tôi - người quản gia thân tín - chăm sóc Sa Phi và một hệ thống các cửa hàng hoa tươi trong thành phố, họ đã bỏ đi đâu không ai rõ. Sa Phi mới có ba mẹ trong một thời gian ngắn lại trở thành đứa bé mồ côi. Cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo thênh thang, con bé sốc nặng và lại bắt đầu đi trốn.
Khi tìm được thì nó đã lả đi vì đói. Nhà chỉ có tôi và bà bếp, chúng tôi đều đã có tuổi nên không thể suốt ngày đi tìm con bé. Cuối cùng chúng tôi nghĩ ra cách tìm một người có khả năng “tìm thấy” Sa Phi. Đã có vài người đến thử nhưng đều bỏ cuộc, chỉ đến khi cậu tình cờ làm được điều ấy. Sa Phi có vẻ đã khá lên nhiều, cậu thấy đấy, những chỗ ẩn nấp của con bé không còn khó tìm như trước nữa…”.
Giờ thì tôi đã hiểu cái điều ấm áp mơ hồ mỗi khi tìm thấy Sa Phi. Đó chính là cảm giác hạnh phúc khi sự tồn tại của mình được ai đó nhận ra, bắt gặp và giữ lấy. Sa Phi đang co cuộn trong sự cô đơn của mình. Cô ấy khao khát được ai đó tìm thấy, như đã từng được ba mẹ nuôi tìm thấy.
Buổi chiều, tôi đến sớm hơn giờ làm việc mọi hôm. Không cần phải nhấn chuông, ông quản gia đã đợi sẵn mở cổng cho tôi. Tôi men theo lối đi trải sỏi để ra vườn theo lời chỉ dẫn của ông. Sa Phi đang loay hoay trước bụi ngâu và chuẩn bị chui vào. Tôi vội chạy nhanh lại, giữ chặt bàn tay cô ấy:
- Cậu không cần trốn nữa đâu. Vì tôi đã tìm thấy cậu rồi! Cậu biết không, người được tìm thấy chưa chắc là người hạnh phúc nhất. Những người “đi tìm” như tôi và ba mẹ nuôi của cậu khi tìm ra cậu cũng thật sự hạnh phúc. Cậu hiểu không? Nếu muốn trốn, hãy để tôi tìm ra cậu, đồng ý nhé?
Ánh mắt xanh như biển xuyên thấu tôi, trong veo nước. Sa Phi mấp máy môi “Cảm ơn…” rồi nhoẻn cười. Một điều ấm áp đang len lỏi vào tôi, rất rõ ràng. Bàn tay bằng sứ đã không còn lạnh nữa… 

NGỌC NGA

P01: Lời giới thiệu: Trốn để được tìm thấy - Cúc Hương ngốc dại

Nhân kỷ niệm tuyển tập thơ văn Áo Trắng bộ mới tròn hai năm (15-5-2007 - 15-5-2009), chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc tập truyện Trốn để được tìm thấy, tuyển chọn những truyện ngắn hay nhất đã in trên Áo Trắng trong thời gian gần đây.
Hai mươi tám truyện ngắn của hai mươi tám tác giả trẻ. Có người cộng tác với Áo Trắng từ bộ cũ: Trần Tùng Chinh, Huỳnh Hải Âu, Nguyễn Thị Thanh Bình, Cấn Vân Khánh, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Thiên Ngân...
Có người cộng tác với Áo Trắng từ bộ mới: Phan Danh Hiếu, Nguyễn Anh Dân, Văn Thành Lê, Trương Anh Quốc, Lê Thùy Vân, Hà Thanh Phúc, Nguyễn Thị Yến Linh...
Có tác giả đã in riêng hai, ba tập truyện. Có tác giả chỉ mới có truyện được chọn in lần đầu. Sự khác biệt đó khiến tuyển truyện này trở nên phong phú về cách viết và phong phú về đề tài.
Tuổi áo trắng hiện nay không chỉ là sinh viên, học sinh cắp sách đến trường mà còn có những bạn trẻ phải vào đời sớm. Cho nên viết về họ không chỉ viết về gia đình, học đường mà còn viết về những mối quan hệ trong xã hội. Sống trong thời hội nhập, tình yêu của tuổi trẻ cũng thoáng hơn. Yêu một người nước ngoài không còn là chuyện lạ lẫm.
Hai mươi tám truyện ngắn được tuyển chọn trong tập này không phải là những tảng đá xây nền móng cho một lâu đài văn chương. Đó chỉ là hai mươi tám cánh diều nhiều sắc màu được thả lên bay lượn trong bầu trời văn chương. Những cánh diều đó đã làm vui lòng người thả diều (người viết) và hi vọng chúng cũng sẽ làm vui lòng người xem diều (người đọc).
"Hạnh phúc là khi sự tồn tại của mình được ai đó nhận ra, bắt gặp và giữ lấy". Ngọc Nga đã viết như vậy trong truyện Trốn để được tìm thấy. Chúng tôi cũng mong bạn đọc sẽ "bắt gặp và giữ lấy" những điều thú vị trong tuyển tập truyện ngắn này, như "giữ lấy" những kỷ niệm đẹp một thời áo trắng của mình.
Hè 2009
ĐOÀN THẠCH BIỀN ( Tuổi Trẻ )

Cúc Hương ngốc dạ. 
Nhà Tuân khá xa nhà tôi. Có những tối Tuân đi học tiếng Anh về, ghé ngang nhà đưa cho tôi một thỏi chocolate rồi lại tất tả đạp xe đi. Lúc nào cậu ấy cũng vội vã, một cái vẻ vội vã rất buồn cười vì đôi khi chẳng có gì để vội cả. Có lẽ, Tuân không giỏi che giấu xúc cảm, nên cậu ấy thường quay đi khi bị tôi nhìn sâu vào mắt.
Thành phố vào mùa mưa. Những buổi sớm thức dậy nghe mưa rì rầm ngoài cửa sổ, tôi thích thú vô cùng. Không hiểu sao tôi thích màu xám xịt u buồn của bầu trời nặng mây hay mưa giông. “Vì An biết đằng sau nó vẫn luôn có mặt trời”, Tuân từng nói như vậy khi tôi chia sẻ suy nghĩ của mình. Tôi không rõ. Có lẽ Tuân suy nghĩ hơi quá trầm trọng theo chiều hướng trong những cuốn tiểu thuyết cậu ấy hay đọc. Đơn giản chỉ là tôi thích bầu trời màu chì, thế thôi.
Những ngày mưa, tôi ngồi lì bên bancông, nhấm nháp mẩu chocolate Tuân mang đến. Tuân luôn mua loại dark chocolate, bất chấp tôi than van rằng mình chỉ thích loại chocolate sữa hoặc có nhân hạt dẻ. Đó là điều duy nhất Tuân làm trái ý tôi. Riết rồi tôi cũng quen ăn chocolate đắng từ lúc nào không rõ. Và tôi thấy Tuân đúng. Tẻ nhạt biết bao những thỏi chocolate không đắng! Nếu quen thuộc và dễ chịu với cảm giác bình yên một mẩu chocolate sữa mang lại,  làm sao bạn có thể nhận ra rằng dư vị của mẩu chocolate đắng trên miệng rất lâu sau đó bao giờ cũng rất ngọt ngào. Ngọt ngào bất ngờ, kỳ lạ.
Thi thoảng Tuân đến, cùng tôi ngồi trên bancông, yên lặng nhìn mưa. Cậu cẩn thận vun lại mấy chậu cúc hương be bé xinh xinh rồi kéo vào sát chân tường. “Thử tưởng tượng cơn mưa nặng trình trịch đó giáng xuống mấy khóm hoa mỏng manh này, thương quá!” - Tuân lúng túng giải thích khi tôi nhìn cậu đầy ngạc nhiên, thích thú. Hai đứa ngồi đong đưa chân, đôi lúc giật bắn mình khi nước mưa lạnh toát nhỏ trúng đỉnh đầu và hít đầy lồng ngực không gian mênh mang mưa pha lẫn mùi cúc hương hăng hắc gần gũi đến tê dại.
Hoàng xuất hiện trong cuộc sống của tôi, mang đến một làn gió mới. Tôi quen cậu ta ở lớp nhảy hiện đại, cái lớp mà tôi đã nài ép Tuân đi học chung hàng trăm lần nhưng cậu ấy nhất mực không đồng ý. Không còn những chiều chống cằm mơ màng đọc tiểu thuyết Tuân mang đến, không còn những cuộc nói chuyện lơ mơ chẳng đi về nơi đâu...
Tôi cùng Hoàng lang thang những quán cà phê cóc trong thành phố, nghe Hoàng kể về những chuyến đi xa. Đôi lần Hoàng gửi xe Honda đâu đó, xuất hiện trước nhà tôi với chiếc xe đạp thể thao, hăm hở rủ tôi đi dạo buổi chiều. Những vòng xe bất giác nhắc tôi về Tuân, thoáng chút ăn năn. Ghé nhà không gặp tôi, Tuân gửi lại chocolate đắng cho mẹ. 
Một buổi chiều mưa hiếm hoi gặp nhau, tôi rạng rỡ thông báo với Tuân:
- Mình đã thích một người!
- Thế à?!  - Tuân trả lời ra vẻ thờ ơ nhưng tôi cũng không để ý đến.
- Cậu không biết bạn ấy đâu - tôi tiếp tục hồ hởi.
- Vậy ư?
- Cậu còn cú pháp nào thú vị hơn nữa không? Vậy ư? Thế à? Sao nữa? Thật chứ?!  - tôi bắt đầu tức giận.
Tuân nhảy phóc xuống bancông nhìn tôi bằng đôi mắt buồn tênh, và giọng nói cũng buồn tênh:
- Mình biết điều đó trước cả khi cậu nói ra.
Rồi đau xót, cậu ta quét mắt sang chậu cúc hương dưới bancông. Tôi hoảng hốt nhìn theo. Chúng đã héo rũ, vàng bợt ra từ lúc nào. Trời thì đầy mưa. 
Tuân biến mất với những chậu cúc hương héo rũ. Nhiều ngày sau đó cậu ấy không ghé nhà tôi nữa. Tôi nhận ra vì không còn những thỏi chocolate đắng nghét mang dư vị ngọt ngào gửi lại. Hoàng thì vẫn mới mẻ và thú vị như một trang truyện phiêu lưu. Tôi quên dần Tuân, cũng dần bỏ quên cảm giác thèm da diết một thanh chocolate đắng.
Cuối mùa mưa đó, Tuân xuất hiện ở nhà tôi như chưa hề biến mất. Tay Tuân cầm một chậu cúc hương be bé xanh non chúm chím những nụ vàng li ti. Tôi ngượng ngùng bối rối.
- Mình không biết chăm sóc, chúng lại chết nữa thôi.
Tuân im lặng đặt nó vào chỗ cũ, nheo mắt nói với tôi:
- An quên chăm sóc, chứ không phải là không biết.
Không hiểu sao tôi muốn khóc. Thế là nước mắt tôi trào ra, rồi tôi khóc rưng rức như bị đòn oan. Tuân bối rối, nhưng cậu ấy không cuống quýt dỗ dành như mọi lần bị tôi mè nheo. Cậu ấy vỗ nhẹ lên vai tôi, nhẹ nhàng:
- Mình đùa thôi, An đừng khóc. Cúc hương là giống thân thảo mong manh, nở hết một mùa hoa, nó sẽ héo, để hạt rơi xuống mọc lên cây khác. Chậu cúc hương này mình gieo từ những hạt mùa cũ đấy. Giá như An thấy chúng từ lúc nảy mầm, dễ thương lắm!
Tôi vẫn khóc nhiều, mãi lâu sau mới bình tĩnh trở lại. Thậm chí bản thân tôi cũng không hiểu vì sao. Tuân cứ bình tĩnh đến lạ lùng. Tôi phá tan bầu không khí ngượng ngùng bằng cách hỏi chỏng Tuân:
- Còn chocolate đắng đâu?
Tuân cười:
- Bấy nay, mình tưởng An đã “cai nghiện” nó rồi?!
Tôi đột nhiên muốn khóc trở lại. Tuân thản nhiên như không biết gì, chậm rãi thông báo - vô tâm hệt như cái ngày tôi nói với Tuân về Hoàng.
- An này, cuối tuần này mình bay. Ba mình sẽ đón mình ở Canberra. Đôi lúc mình cảm thấy lo lắng, không hiểu mình sẽ phải cư xử thế nào với dì và các em con dì. Rồi mình sẽ mất bao lâu để không còn thấy lạc lõng ở nơi xa lạ đó. Thậm chí mình muốn ở lại, muốn tung hê tất cả những gì ba đã chuẩn bị cho mình: những ngày miệt mài học tiếng Anh, giấy tờ thủ tục... Nhưng bây giờ thì mình biết, mình phải đi... 
Tôi không nhớ mình đã làm gì trong buổi chiều Tuân đi. Tôi chỉ nhớ cảm giác trống trải lạ lùng, và tôi khóc một cách vô ý thức. Bất cứ một điều gì gợi về Tuân cũng khiến tôi thổn thức, dù có khi đó chỉ là một chiếc lá vàng rơi trong khoảng trời im lặng. Những thanh dark chocolate tôi tự mua không còn để lại dư vị ngọt ngào. Cảm giác đắng nghét, đắng khủng khiếp đọng lại mãi mãi trong tôi, tựa như một bản nhạc đang lên đến đỉnh điểm thì bất ngờ bặt câm khiến người ta ngơ ngẩn, hụt hẫng đến vô chừng.  Hoàng hỏi vì sao tôi bỗng nhiên buồn bã, nhưng làm sao tôi có thể nói cho Hoàng hiểu được.
Bốn năm đại học trôi qua như chớp mắt, không có quá nhiều sự kiện. Tôi và Hoàng chia tay, kết thúc một mối tình trong sáng nhưng quá nhiều trúc trắc tiềm ẩn mà cả hai tự biết mình không thể nào hóa giải nổi. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đi chơi cùng nhau như hai người bạn đầy thấu hiểu. Tôi thích như vậy hơn. Một quyển sách phiêu lưu dù thú vị bao nhiêu, thì kết cục cũng đã bị phơi bày khi gấp lại. Có chăng, đó chỉ là một quyển sách hay và đáng nhớ chứ người ta không thể nào đọc mãi.
Tuân không liên lạc từ ngày đó. Tôi đã vượt qua cảm giác trống rỗng từ rất lâu, nhưng mỗi ký ức về Tuân đều làm tôi thấy lòng chùn lại, tựa như một phím đàn hoang phế vụt run rẩy khi một lần được phủi bụi và rung lên sau bao nhiêu mùa quên lãng. Hai mươi mấy tuổi, tôi không còn là một cô bé mười tám khờ khạo không thấy được lòng Tuân, cũng không hiểu rõ lòng mình.
Có thể tôi yêu Tuân mà đến mãi sau này mới nhận ra, cũng có thể tôi chỉ mang một hình bóng trọn vẹn của quá khứ ra để lừa dối những dại khờ trong tình cảm hiện tại của mình. Nhưng có một điều tôi biết, rằng sau tất cả những cuộc nổi loạn, rốt cục cảm giác bình yên của tôi cũng chỉ nằm lại mãi mãi trong những chiều mưa ngồi bên Tuân, đong đưa bàn chân trên ban công, nghe cậu ấy kể những câu chuyện hoang đường nhưng êm đềm và hít đầy mùi hăng hắc mát dịu của khóm cúc hương đẫm mưa... 

NGUYỄN THIÊN NGÂN