Hiển thị các bài đăng có nhãn goc-tam-hon. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn goc-tam-hon. Hiển thị tất cả bài đăng

Mùa cá cóng

Bé út viết thư kể chuyện 2 tuần liền ăn cơm với cá đồng, tự nhiên lại thấy rưng rưng nhớ mùa cá cóng. Những con cá suýt chết rét có khi hiện diện trên mâm cơm nhà tôi suốt cả chục ngày liền.

Hơn chục năm trước, quê tôi nghèo lắm, người dân chỉ biết bám ruộng, bám đồng mưu sinh. Ngày ấy, gần như mọi thực phẩm nuôi sống gia đình đều do tự tay người dân nuôi trồng, chăm bẵm. Cái thủa nghèo khó ấy, con gà nuôi được cũng không dám làm thịt ăn mà chỉ dám mang ra chợ bán, lấy tiền mua mắm, mua cá hay sang hơn thì mua ít lạng thịt ba chỉ nấu với bầu khô.
Mùa hè, chủ lực trong mỗi bữa ăn vẫn là rau muống và cà pháo muối dòn. Sau này khi lớn lên, được đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn không thấy ở đâu món cà muối lại đậm đà, trắng muốt và dòn như cà muối xứ Nghệ quê mình.
Nhưng vào những ngày mưa dầm gió bấc hay rét mướt, khi vạt rau muống tàn lụi, khi vại cà của mẹ vơi dần thì tiếng thở dài của cha lại vang lên trong từng bữa cơm. Lũ chúng tôi, trệu trạo ngồi ăn cơm với nước mắm. Bữa nào sang hơn, mẹ phi hành mỡ thơm lừng lên rồi đổ nước mắm vào, mấy chị em hít hà ăn cơm như tằm ăn rỗi.
Trời rét, cả nhà ngồi co ro quanh bếp lửa. Mẹ rầu rĩ xúc mấy bơ gạo nấu cơm. Rét quá, rau cũng chẳng mọc được hoặc lụi dần đi rồi chết hẳn thành ra bữa cơm lại chỉ có nước mắm hay gộc chuối muối. Rét đến nỗi chị em tôi ngồi nghịch, cứ há miệng ra thở để… xem khói.
Những bàn tay tê cóng hơ hơ trước bếp lửa. Cha vụt đứng dậy, xách cái giỏ tre ra đi. Đi bắt cá cóng! Trời rét, nước buốt, những con cá rô, cá diếc cũng lạnh cóng, lờ đờ trôi trong nước. Những chú cá tinh ranh hơn biết bám vào các hang cua, những bụi cỏ để tránh rét nhưng rồi cũng chịu chung số phận như đồng loại của chúng.
Cha đi dọc bờ mương, thò bàn tay to bè chai sạn vào từng vũng nước để vớt cá. Khi bàn tay bắt đầu lạnh cóng như tảng đá, chuyển sang màu thâm xì thi giỏ cũng đã lưng lưng cá. Không gian chật hẹp, những con cá “sưởi ấm” cho nhau, chẳng mấy chúc chúng hồi sinh, giãy tanh tách.
Cha về, đổ cái giỏ vào chậu. Đôi môi thâm xì vì rét nở một nụ cười. Mẹ nhặt nhạnh những con cá to để nướng, chị em tôi được một bữa “tươi”. Số còn lại mẹ kho khế, để dành ăn dần trong mấy ngày mưa rét. Hôm nào cha bắt được nhiều cá cóng, mẹ lại luộc lên rồi bỏ vào mâm, hong trên bếp củi làm “lương khô” ăn dần.
Cá rô đồng là giống cá tinh khôn, mùa cày vỡ, từng đàn rủ nhau ẩn dưới những vai cày. Cha chỉ việc lật tảng đất lên, có khi hốt cả nắm cá. Giống cá quả tinh khôn không kém. Nó ẩn mình sâu trong những hang hốc, nhiều khi phải thò cả cánh tay vào. Hôm nào may mắn, cha bắt được vài con cá quả to bằng cán liềm, cả nhà sẽ có một nồi cá kho tộ cực ngon dưới bàn tay khéo léo của mẹ.
Cứ như thế, những con cá cóng nuôi chị em tôi đi qua mùa rét mướt.
Có những đợt mưa rét kéo dài, cá cóng cha bắt về nhiều đến nỗi cứ tới bữa cơm nhìn thấy cá là chúng tôi chết khiếp. Ngày đó, cá dưới đồng nhiều đến nỗi bắt mang ra chợ bán chẳng ai mua. Thành ra, bữa cơm ngày cuối đông hết cá nướng đến cá kho khế, cá nấu canh chua ăn đến xót cả ruột.
Chị em tôi đi học xa, thi thoảng gọi điện về nhắc cha giữ ấm ngày rét lại nghe giọng con út buồn buồn “Mấy ngày ni toàn ăn cơm cá”. Tôi lại mường tượng ra cái dáng còng còng của cha đang mò mẫm dưới dòng nước buốt. Bàn tay gầy guộc thâm xì vục xuống nước, vớt những con cá đã cứng đơ vì rét…

Tháng ba về

Tháng ba về, mưa trở mình xoay nghiêng theo làn gió. Còn chút mưa phất phơ như giăng mắc bao nỗi niềm riêng mang, sâu tận lòng người. Bầu trời những ngày xám xịt đã dần quang mây, vén màn u tối nhường chỗ cho sắc tinh khôi trên gương mặt phố xá.

 
Tháng ba về
Sắc hồng ôm lên má em, dìu dịu nở bừng nụ cười ngày mới, rộn ràng và háo hức, hân hoan và rạng rỡ. Hồn người dường như cũng tươi mới hơn sau chuỗi ngày dài ngâm mình trong màn mưa tháng hai lê thê, não nề. Tháng ba về để thắp bừng lên niềm tin, nao nức, hy vọng như sau cơn mưa kia, ánh cầu vồng sẽ hiện.

Tháng ba, ta nắm chặt trong tay mình hoài niệm, gói ghém nâng niu và gìn giữ về một màu trắng hoa sưa buốt hồn, nhưng nhức nhớ thương, ký ức. Sẽ lại trở về trên những con đường rợp bóng sưa, mềm mượt những cánh hoa tinh khiết rải trên hè phố, đi trong cơn mưa hoa bình yên cùng năm tháng. Biết rằng, mùa ấm áp đang gọi mời, đang chở che.

Tháng ba cũng là lúc ngày hội trường sắp tới. Nơi nơi, người người, những hình ảnh bạn bè, thầy cô, trường lớp cứ khiến ta muốn bước chân quay về bên mái trường xưa yêu dấu. Sống lại những năm tháng học trò hồn nhiên, sáng trong. Những bài viết, những bức hình xưa xa cho ta niềm tự hào về một mái trường cấp ba ta từng học, từng gắn bó.

Này tháng ba, nắm tay ta nhé, cùng ngang qua màu hoa gạo đỏ chói của làng quê thương mến, hồn hậu, bình dị. Hoa gạo của quê hương, của mẹ, của chị, của những đứa trẻ chân đất đầu trần, lấm lem chạy chơi đùa nhặt những bông gạo au đỏ kết vòng, nâng niu trên tay. Hoa thắp lửa trên bầu trời, hoa tắm đẫm ký ức đứa con xa quê và cháy lên dạt dào nỗi nhớ.

Dạt trôi miên man tận chân trời kỷ niệm, nhưng nhớ dặn lòng đừng hoài chênh vênh, chân vẫn cần giữ nhịp thăng bằng nơi hiện tại. Cộng thêm những tháng ngày khắc khoải để ta nhận ra những thương yêu, những đồng cảm quanh mình. Đã cất rồi mảnh chơi vơi, chống chếnh, đằm mình trong cuộc sống chảy dài, để ta trân trọng hơn chữ “thương” dành cho nhau. Sau tất cả, sau xúc cảm ban đầu, “thương” và “hiểu” sẽ cùng ta đi đến tháng ngày mới, chậm rãi thôi nhưng an yên sau giông tố.

Tháng ba, vẫy chào bình an!

Đường xưa lối cũ

Mùa thu khai trường, đường phượng bay vàng úa. Đường xa tít tắp, mùa hạ rót nắng chói chang, mùa đông lao xao lá đổ, mùa xuân chúm chím cúc vàng. Đường cũ đến trường đã bao mùa nằm đợi bước chân. Tháng năm không ở lại, tôi bây giờ mãi xa.

 
Đường xưa lối cũ
Thuở nhỏ, tôi đến trường bằng chiếc xe cup của ba. Tôi ngồi sau xe, tay khư khư ôm cặp sách, đôi khi ngắm lưng áo ba rồi dụi đầu vào đấy lơ mơ ngủ, đôi khi háo hức tìm mấy gương mặt quen thuộc cũng đang tản bộ hoặc ngồi trên xe máy, xe đạp, xe ba gác đến trường. Mỗi sớm mai, khi mặt trời thơm thảo ban phát những tia nắng vàng óng, khi gà trống đỏ mặt tía mào rống cổ gáy, con đường làng lại bắt đầu nhịp sống rộn rã. Trẻ con tíu tít gọi nhau đi học. Người lớn hối hả gánh rau xanh mướt, gánh khoai sắn lấm đất nâu vàng, gánh những lo toan, nhọc nhằn ra chợ. Bác nông dân lùa đàn trâu thủng thẳng ra sông tắm mát. Bà cụ rục rịch dọn hàng nước bé xíu dưới gốc cây già nua. Những hàng quán bày vài thức quà dân dã như kẹo lạc, bánh khoai, chè bột lọc và thứ nước trà pha đường phèn ngọt mát ấy luôn là niềm mê mẩn của tuổi thơ tôi. Thỉnh thoảng đi học sớm, ba ghé vào đấy cho tôi ăn kẹo và nhấp nháp trà ngọt còn ba trầm ngâm hút thuốc. Tôi mê tít những sáng yên bình như thế, đời ba tôi chẳng mấy khi thong thả nhìn con gái nhai kẹo, toét miệng khoe răng sún đen sì.

Đấy chỉ là ngày đẹp trời, quê tôi không thiếu những mùa thiên tai. Có năm hạn kéo dài, buổi trưa hai ba con chở nhau về nhà không đằng hắng nổi một tiếng dưới cái nắng trưa im ắng đến ngột ngạt. Nắng rát da, rát thịt bất chấp mọi lớp áo mũ khoác lên người, gió Lào hun hút thổi, cuộn lớp bụi đỏ bay tung mù. Tôi nép sau lưng ba, không dám hỏi bụi có làm mắt ba cay xè, không dám phá vỡ thứ im lặng bao quanh người ba. Những trưa như thế ba nghĩ nhiều về giếng nước nhà tôi, về giếng nước nguồn của làng. Có năm hạn to, cả làng lặng lẽ sống qua từng ngày khô khốc, nín thở chờ đợi từng cơn mưa. Mùa lũ, chiếc xe cúp ít khi được dùng, ba đón tôi bằng một chiếc ghe nhỏ, loại ghe tự chế hầu như nhà nào cũng có. Mấy đứa trẻ hàng xóm cũng đi ké ghe của ba tôi, ba mẹ chúng bận đi cứu hồ tôm trong cơn nước xả. Chúng tôi thích thú ngắm dòng nước lũ đỏ ngầu, thỉnh thoảng đụn lên từng vòng xoáy lăn tăn, huyền hoặc và bất tận. Tôi khoe với ba bất kỳ vật thể nào vớt lên được như cây bèo tây nở hoa tím ngắt hay chiếc giỏ mây của nhà nào đấy bị lũ cuốn. Ba mỉm cười nhưng ánh mắt chẳng bao giờ hết đăm chiêu.

Cấp ba, tôi trọ học xa nhà, ba sắm cho tôi một chiếc xe đạp, từ đấy một mình tôi tới trường. Tôi đi qua nỗi nhớ nhà, đi qua thời thiếu nữ trong veo. Nhà trọ tôi ở cách trường gần hai cây số. Mỗi sáng, vén làn sương mù thâm u và tinh khiết, tôi đạp xe ra khỏi thành nội bằng một trong những cửa thành cũ kỹ. Ngang cầu Tràng Tiền, sương đã tan nửa vời, trời cao và trong hơn, tôi thấy bình minh lẳng lơ dát bạc lên dòng Hương Giang sâu thẳm. Cổng trường trầm mặc đứng đó, sau đoạn đường xanh mướt vòm cây long não. Tôi thích ngày đầu tuần, con đường đến trường mong manh những tà áo trắng, tôi thấy tim mình cũng mong manh và hư hao ít nhiều trong những ngày như thế, tâm trí tôi còn lang thang hơn cả vạt áo dài phấp phới trong gió. Tôi nghĩ về đời sống, nghĩ đến tương lai, số phận, đôi khi nghĩ cả những nghệ sĩ sống xa tôi nhiều thập kỉ, họ để lại tiếng thở dài yêu thương nhưng đầy trăn trở. Sau này tôi biết tim mình đã không hư hao, chỉ là nó biết cuộn thành đường gấp. Tôi tin rằng tim cũng như não, nếp gấp phải chắt chiu từng ngày.

Sau này, tôi có thêm mấy đứa bạn thân, chúng tôi cùng đường đến trường, cùng chia nỗi lo lắng bài vở, chia những tiếng cười và mộng ước khờ khạo. Có lần cả lũ rủ nhau trốn học, đạp xe ngược lên Đập Đá, lang thang khắp vùng Vĩ Dạ yên bình. Tôi đã nghĩ những ngày tháng tươi đẹp ấy sẽ không bao giờ kết thúc. Rồi thời gian dạy tôi không gì là mãi mãi. Vào ngày cuối cùng đạp xe trên con đường đến trường, tôi nhận được lá thư để quên trong giỏ rằng có một người vẫn theo tôi đi, về nhiều ngày, nhiều tháng. Tôi đã không bao giờ biết mặt người chung đường đó nhưng tôi chưa từng quên nét chữ run run và mấy dòng thơ ngây ngô đề tặng.

Giờ tôi không còn đi đường xưa lối cũ, đường đời tôi bước rộng lớn nhưng rối ren hơn nhiều. Khi vấp ngã tôi thường nhớ ba mẹ đã lam lũ cả đời, mở cho tôi con đường đến trường, con đường chiêm nghiệm cuộc sống, chiêm nghiệm chính lòng mình. Đi qua là để lại. Tôi chưa để lại gì ngoài nhỏ bé và tuổi trẻ, tôi còn phải đi nhiều, để gửi lại yêu thương.

Đi qua cánh đồng

Mỗi lần đi qua cánh đồng, anh nghe bốn mùa theo đó chậm rãi vắt mình trên biển lúa. Nghe tiếng ru hời từ nhà nào bên xóm: “À ơi, mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”…

Có nhiều người giống như anh, lớn lên trên những cánh đồng, sau rồi bởi tháng năm và xa cách nên đôi lúc quên mất bông lúa trổ đòng ra sao, mạ non thơm ngái thế nào. Cứ như bạn cũ, chỉ khi gặp lại, nhận ra nhau rồi mới bồi hồi xúc động vì bao ký ức vùng trời tuổi thơ.
 
Đi qua cánh đồng

Anh nhớ những chiều chân đất, ngồi trên triền đê chơi đá gà bằng cọng cỏ, cánh đồng phía trước xa xăm tít tắp cho đến tận chân trời. Nơi lưng chừng núi, đoàn tàu mỗi lần ngang qua lại rít lên từng hồi như bản nhạc rộn rã trộn lẫn vào thanh âm đang rất đỗi yên bình. Cánh đồng được những người chân chất gọi theo cách dễ nhớ là “đồng nhất” và “đồng nhì”. Anh là con nhà nông, vạt ruộng nhà anh được cấp từ mấy đời trước. Cũng như tất thảy các bậc cha mẹ khác, ba mẹ anh luôn mong muốn con cái thoát khỏi nghiệp nhà nông của mình. Từ nhỏ, anh đã quen với việc đồng áng, quen với rơm vàng, thóc vãi, rạ khô, càng lớn càng thấy xót xa với từng hình ảnh ấy.

Sáng sớm khi chú gà trống vừa cất tiếng gáy, mấy mệ đã lục đục dậy nhen bếp nấu ấm nước chè. Người ta đi ra đồng cứ như đi theo năm tháng đã định sẵn. Này thì hôm nay ra đồng gieo sạ, hôm kia nhổ cỏ, hôm khác phun thuốc rồi thì gặt, sau rồi lại gieo.

Anh nhớ cả mùi lúa non ngọt ngào như thể thứ nước cơm mà chị cả mỗi khi đợi cơm sôi, thường chắt nước rồi pha đường cho mấy đứa em uống. Ngọt ngào, đằm thắm là thế, nhưng chẳng ai muốn gắn bó tha thiết với nơi mình đã lớn lên, khi ăn bữa trưa vừa xong đã thấp thỏm mà lo bữa tối.

Anh vào đại học, vẫy tay chào những cánh đồng lúa khắp nẻo đường ngang qua rồi chập chững làm quen với thành phố ồn ã, xô bồ. Hôm đầu tiên lên phố, cứ thao thức mải miết vì những ánh đèn vàng, những ngôi nhà cao tầng che hết cả trời sao. Gió ở phố mang theo nhiều bụi bặm, tạp nham chứ chẳng trong lành thanh mát như ở quê. Thao thức đôi chút rồi thôi, con người ta cần quen, cần thích nghi mới có thể sống.

Anh ra trường, ngoái đầu về quê phân vân chốn lập nghiệp. Vì đời vốn nhiều lẽ, nên lại cấp tập mà ở lại phố, cũng nhà trọ nơi này nơi kia để gửi tấm thân gầy.

Anh yêu quê mình lắm chứ, yêu cánh đồng trước mặt nhà, yêu cả những tảo tần mùa vụ. Song, bảo anh bỏ nghề đang làm, bỏ áo quần đẹp đẽ mà lội xuống ruộng, chân lấm tay bùn với nắng mưa thì anh không đủ can đảm và cũng chưa từng có ý định. Thế nên, đôi lúc bần thần, anh tự hỏi, không lẽ hết thời của ba mẹ anh, há dễ còn mấy ai làm nông dân. Thế hệ 8x, 9x như bọn anh, đâu ai thiết tha với ruộng đồng.

Khi còn trẻ, ta chẳng có điều gì để băn khoăn và lo lắng về năm tháng đi qua. Có chăng, ý niệm thời gian cùng lắm được đem ra suy xét mỗi khi gặp lại bạn cũ, người xưa. Đã khi nào anh chợt lo lắng, chợt xao lòng vì cái chuồng bò ở nhà đã thủng mái hay lúa năm nay mất mùa mà mình chưa về kịp.

Để rồi bôn ba nhiều năm, va vấp trái ngang ở đời, bỗng dưng lại muốn quay về, cúi gầm mặt mà nâng bông lúa chờ ngày ra hạt. Bão giông, mưa nắng của trời có lẽ cũng đắng đót, khổ cực như bão tố trở ngại ở đời chừng ấy. Cũng như chiều nay, khi trở lại thành phố được đôi ngày, anh nhớ cảm giác đi qua cánh đồng hôm nọ. Nhớ đêm nằm, nghe ếch kêu văng vẳng mà thấy lòng chộn rộn xôn xao. Chỉ ước giờ đang nằm trên cái chõng tre giữa sân, ngước mặt lên nhìn cả bầu trời và tìm ngôi sao lớn nhất. Hẳn là thoáng qua vậy thôi, cảm xúc ấy là dư âm về quê của những ngày Tết ít ỏi. Độ vài hôm, con người bận rộn trong anh lại bắt nhịp với sự năng động cần có nơi phố thị.  Ừ thì, cánh đồng vẫn nằm ở đó, như hôm nào anh đã đi qu

Có chuyến đi dài hơn đất trời

Chẳng có giấc mơ nào day dứt và nông nổi như giấc mơ được đi. Những chuyến đi dài hơn đất trời, dài hơn cả tuổi trẻ vì tháng năm kéo thanh xuân xa mãi mà khát vọng đi cùng trời cuối đất có bao giờ cạn vơi.

 
Có chuyến đi dài hơn đất trời
Tôi không quan tâm người ta gọi đó là du lịch hay “phượt”, tôi chỉ biết rằng mình đang được đi. Đi nhưng chưa bao giờ đến. Đứng trước bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, làm sao khám phá hết tạo hóa đã dùng những màu sắc gì, bắt gặp một nụ cười, làm sao biết nước mắt đã bao lần rơi mặn đắng trên khóe môi tươi rói ấy. Bởi không thấu hết nhân gian nên cứ mải mê đi, mải mê nhìn ngắm rồi mải mê nghĩ ngợi, khóc cười.

Bước chân ham vui rong ruổi từ danh lam thắng cảnh huyên náo khách du lịch tới những góc giản dị mà đẹp đến ngỡ ngàng. Nhiều khi một con hẻm nhỏ í ới tiếng người ra vào, thơm phức mùi thức ăn dân dã từ mấy gánh hàng rong, chỏng chơ vài chiếc xe đạp nằm nghe nắng mưa rơi đều lại sống động gấp bội khu di tích quốc gia ở bên cạnh. Nhiều khi đôi mắt sâu thẳm như nỗi ngơ ngác vào đời của em bé bán báo dạo lại cuốn hút hơn nhiều chuỗi cửa hàng đồ hiệu nằm san sát trên hè phố em lang thang bước qua.

Đi để khám phá nhiều khung trời lạ lẫm, để biết thân ta bé nhỏ và để sống sâu hơn. Tôi thấy mình được sống cuộc đời khác mỗi lần ghé qua một chốn lạ. Những mùa tuyết lạnh giá ngồi đón giao thừa một mình, những đêm uống rượu ngô cay nồng giữa trời sao Tây Bắc, những sáng lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ, vén sương mù để bồng bềnh trôi cùng dòng Hương Giang. Cảnh vật thiên nhiên vẽ nên cung đường bất tận còn con người tạc nên nỗi nhớ khôn nguôi.

Có những người chỉ gặp một lần trong đời, đến rồi đi nhưng họ mãi ở lại trong lòng tôi. Một thầy mo người H’mông đếm tuổi mình bằng tuổi cây pơ mu đại thụ, tay run run cầm tấm ảnh chụp chung với Võ đại tướng, giọng trầm mặc kể chuyện chiến trường xưa. Một cô bé ăn xin dưới chân tượng Phật đứng, người đàn bà tự xưng là mẹ lén lút véo em đến bầm tím lưng, lạnh lùng cướp trên tay em mấy đồng tiền bố thí. Nước mắt chỉ một thoáng rơm rớm rồi lại ráo hoảnh, chẳng biết vui hay buồn em cất giọng trong veo “em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha...”. Tôi nhiều đêm thao thức nhớ nụ cười ngượng nghịu của cô gái Thái đến lớp học chữ vẫn địu con theo, nhớ ánh mắt dại khờ của các em nhỏ ở trung tâm trẻ down, nhớ mái đầu cháy nắng thằng bé du mục chạy thoăn thoắt giữa mênh mông đồi cỏ, nhớ màu áo lam yên bình dưới mái chùa cổ, các sư cô đang cặm cụi quét lá hoặc râm ran đọc kinh chiều. Lòng cồn cào thế nên sớm mai thức dậy lại sờ túi tiền, lo tính toán dè sẻn rồi hăm hở những chuyến đi.

Không gì choáng ngợp bằng nỗi sợ sông rộng đèo cao. Nhưng cũng không gì ám ảnh bằng khát vọng chinh phục núi sâu, biển thẳm. Giới hạn thiên nhiên nhiều khi chính là giới hạn của lòng người nên có những chuyến đi còn dài hơn đất trời. Lên đỉnh đèo mới biết “lòng như nắng qua đèo”, ta bỏ lại sau lưng những yêu thương xưa cũ, đứng trên đèo nhìn lui thấy kỉ niệm sâu hút, nhìn trước thấy tháng ngày chơi vơi. Lênh đênh giữa biển khơi mới tự hỏi đang say sóng hay say tình, đời người cũng như sóng biển, người đời có bao giờ tỉnh táo bước đi? Thôi thì cứ đi trong men say, để biết yêu những miền rong ruổi, yêu thêm cả người dưng.

Vòng tròn vôi của ông nội

Đi gần hết một đời người, ông nội vẫn giữ thói quen vẽ hình “cót thóc” đầy ăm ắp bằng vòng vôi ở giữa sân mỗi khi Tết đến để cầu mong một năm mới đủ đầy, no ấm.

Thấm thoắt đã gần 10 năm cô mới trở về quê ăn Tết. Những năm ở xứ người, nhìn qua vô tuyến cô biết quê hương đổi khác, giàu đẹp hơn đặc biệt là trong cách mọi người chuẩn bị đón Tết. Duy chỉ có ông nội, gần hết một đời người, ông vẫn giữ thói quen vẽ cót thóc đầy ăm ắp bằng vòng vôi ở giữa sân mỗi khi Tết đến để cầu mong một năm mới đủ đầy, no ấm.
Cót thóc được vẽ bằng vôi của ông nội với hi vọng năm mới đủ đầy, no ấm.
"Cót thóc" được vẽ bằng vôi của ông nội với hi vọng năm mới đủ đầy, no ấm.
Đấy là thói quen, hay nói đúng hơn là ý niệm đã đi vào tiềm thức của ông từ những ngày bé xíu. Ông kể ngày xưa đói kém, thóc không đủ ăn nên ngày Tết ở quê nhà nào cũng chỉ mơ ước sang năm mới được mùa để không bị đói. Nghĩ là làm nên từ thời cụ, kị đã có thói quen vẽ một vòng tròn lớn ở giữa sân với những chấm nhỏ li ti ở trong thể hiện cót thóc đầy ăm ắp cho vụ sắp tới.
Tết thủa ấy không có giò, không thịt, có những lúc không có cả cặp bánh chưng để lên bàn thờ Tổ tiên nhưng nhà nào cũng vậy nhất nhất phải có cho được cái hình “cót thóc” ấy thì mới yên tâm đón Tết. Ông nói: “Kể cũng kì lạ, mấy anh chị em bụng đều réo lên vì đói ấy vậy mà ngồi ngắm cái vòng tròn ấy cũng thấy vui vì nghĩ Tết sang năm nồi cơm sẽ luôn đầy ắp trong mỗi bữa ăn”.
Ngoài cái hình “cót thóc” ấy, nhà nào cũng vẽ thêm hình mũi tên với chiều bắn ra ngoài ngõ với suy nghĩ mọi điều xui xẻo sẽ được đẩy hết ra ngoài trong năm mới. Thủa nhỏ theo chân ông mỗi lần ông vẽ, cô đều thắc mắc: “Có năm nào mà điều ước ấy không thành sự thật không ông?”. Ông chỉ cười, xoa đầu cô bảo: “Không đâu cháu, ông trời không phụ công những người nông dân chân lấm, tay bùn đâu”.
Lớn lên rồi, chứng kiến cảnh bần hàn của gia đình mỗi khi mất mùa, cô dần hiểu cái vòng tròn tròn bằng vôi ở giữa sân ấy cũng chỉ là để mọi người yên tâm và hi vọng thôi chứ không phải điều chắc chắn sẽ ấm no trong năm tới. Có lẽ cũng vì nhiều lần “trời không chiều lòng người ấy” mà mọi người dần quên bẵng thói quen gửi niềm tin vào thói quen vẽ “cót thóc” ở giữa sân như ngày xưa.
Mũi tên với hướng ra ngoài cổng với mong muốn mọi điều xui xẻo sẽ qua đi.
Mũi tên với hướng ra ngoài cổng với mong muốn mọi điều xui xẻo sẽ qua đi.
Quê hương đổi khác, không còn cảnh đói kém như xưa, nhà nhà cũng xúng xính đi sắm đồ những ngày giáp Tết, duy chỉ có ông nội vẫn cần mẫn vẽ cho được cái “cót thóc” của ngày xưa. Ông già rồi, mắt mờ, chân chậm thành thử cái vòng tròn ông vẽ của méo mó, chỗ lồi ra, lõm vào ấy vậy mà ông vui lắm. Cô hỏi: “Giờ no ấm rồi, ông cũng không còn sức khỏe để cấy, cầy mà mơ vụ mùa bội thu nữa, vẽ chi vòng tròn cho mất công hả ông?”, ông nội chỉ cười nhìn nói: “Trong cuộc đời, có những điều rất khó để lí giải cháu ạ. Bây giờ không thiếu ăn nữa nhưng ông còn mơ ước nhiều điều khác cho các con, các cháu…”.
Câu chuyện của cô với ông nội cứ thế mải miết trong cả mấy ngày Tết đều xunh quanh cái vòng tròn vôi ấy. Và cô chợt hiểu cái “cót thóc” của ngày xưa ấy vẫn sẽ đi theo ông nội cho đến mãi sau này bởi nó không chỉ là mơ ước về một sự no đủ trong từng bữa ăn mà còn gieo cho ông nội nhiều hi vọng cho một năm mới viên mãn, tròn đầy hơn. Thế mới biết, Tết không chỉ về trong những cành đào, cây quất hay gói bánh, gói kẹo tặng nhau mà đôi khi lại âm thầm, giản dị trong suy nghĩ và ước mơ cho nhau một năm mới tràn ngập may mắn và hạnh phúc.