Hiển thị các bài đăng có nhãn tình nghĩa vợ chồng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tình nghĩa vợ chồng. Hiển thị tất cả bài đăng

LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỢ VỢ !

Ừ, vợ ta – ta sợ chứ có gì đâu mà mắc cỡ!
Khối kẻ huênh hoang lên mặt mắng nhiếc ta rằng: "Đàn ông mà răm rắp nghe lời vợ, sợ vợ một phép thế kia thì có mà vứt!". Nhưng để ta phân tích cho mà nghe nhé!

Đến tháng, lương lãnh mang về, ta mang gửi hết cho vợ. Vợ "phát" lại cho ít trăm dằn túi. "Hẻo" quá nên ta nào dám hào phóng cho các cuộc vui bù khú với bạn bè. Ngày thường, ngoài cà-phê, ta phải tính toán để cắt giảm hết các khoản linh tinh như thuốc lá, cá độ.


Mua sắm cái gì cũng đã phải bàn bạc với vợ, nghe vợ cân nhắc tính toán thiệt hơn. Chẳng thế mà tuy lương chẳng phải thuộc hàng "đại gia", nhưng chỉ sau ít năm cùng vợ tiết kiệm chi tiêu, nhìn lại vợ chồng ta đã có đầy đủ xe tay ga, tivi màn hình phẳng… Thử hỏi, nếu không sợ vợ, có bao nhiêu xài thả cửa hết bấy nhiêu, làm gì có chuyện nhà cao cửa rộng?

Sợ vợ nên ta (chắc sẽ) sống thọ hơn!

Ta vừa cầm điếu thuốc, vợ đã quắc mắt "nạt": "Anh biết hút thuốc có hại cho sức khỏe không?". Muốn đi nhậu với bạn bè, vợ tiễn ra tận cổng: "Anh uống ít thôi! Xỉn về là biết tay em!". Thôi thì đành nghe theo. Mấy thằng bạn bĩu môi: "Đúng là thứ sợ vợ!".

Ấy thế mà, đến lúc khám sức khỏe định kỳ cơ quan, trong khi khối cậu cuống cuồng lên vì gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu, tăng huyết áp… (toàn mấy "món" có được nhờ thuốc lá, rượu chè) thì ta khoái chí với lời khen của bác sĩ: "Giữ sức khỏe tốt!". Đấy, không công của vợ thì ai vào đây?

Sợ vợ nên… con ta gần gũi ta hơn!

Hết giờ làm là phải về nhà. Thay vì xem đá banh chờ đến lúc vợ dọn cơm mời ăn như đám bạn bè "tốt phước", ta phải lọ mọ vào bếp cùng với vợ. Vợ nấu cơm thì ta lặt rau. Vợ rửa chén thì ta quét nhà. Con ta "tội nghiệp" bố nên cũng xắn tay vào giúp bố. Hai bố con vừa dọn dẹp vừa cười đùa với nhau như hai "thằng bạn".

Ừ, cũng nhờ chuyện này, thay vì dán mắt vào màn hình tivi, ta được vợ "bắt" chơi với con, dò bài cho con. Bố con ta vô tình có thời gian gần gũi nhau nhiều hơn. Chả thế mà cu cậu lúc nào cũng hớn hở: "Bố về, bố về!", "Yêu bố nhất trên đời!". Riêng khoản này thôi, ta cũng ăn đứt mấy thằng bạn rồi.

Và sợ vợ, nên ta giúp xã hội tốt hơn lên!

Có gã đàn ông sợ vợ nào dám bạo hành với vợ, đánh vợ, đánh con không? Có gã đàn ông sợ vợ nào dám lăng nhăng bên ngoài, bồ bịch lung tung không? Cứ xem tỷ lệ bạo hành, ngoại tình, ly hôn thì biết. Đàn ông càng sợ vợ càng ít dám phạm vào các chuyện "động trời" này. Chẳng phải điều đó giúp gia đình yên ấm, xã hội ổn định hơn sao? Sợ vợ, ta biết cách chia sẻ việc nhà, để cho vợ có thêm thời gian nghỉ ngơi, giải trí, học hành. Vợ chồng con cái gần gũi nhau hơn.

Ôi, nhìn lại chừng ấy lợi ích thôi, ta cũng đủ thấm thía hết chuyện sợ vợ đã mang đến cho ta những gì. Thế nên tặng lại các chiến hữu mấy câu thơ được truyền miệng nhau này:

"Dù không sinh đẻ ra ta

Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao

Khi ta đau ốm xanh xao

Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay

Sợ ta đi trật đường ray

Vợ liền theo dõi kéo ngay về nhà

Khi ta tán tỉnh ba hoa

Vợ liền "quát nạt" để mà răn đe

Lời vợ dạy phải lắng nghe

Mai sau "khôn lớn" mà khoe mọi người

Nói ra xin hãy chớ cười

Vợ ta ta sợ, vợ người… còn lâu!".

TRUYỆN NGẮN: TÌNH YÊU KHÔNG NHÌN THẤY

Blog truyện - BlogTM giới thiệu đến các bạn truyện ngắn sưu tầm với tựa đề: "Tình yêu không nhìn thấy". Chúc các bạn một tuần mới đầy niềm vui!

Tại một quán bún phở bình dân dành cho những người lao động nghèo nằm khuất sâu trong ngõ nhỏ, mỗi ngày vào buổi trưa, luôn có một đôi vợ chồng đứng tuổi đến ăn bữa trưa.

Người vợ bị mù. Còn người chồng, cũng chỉ còn một bên mắt là còn nhìn thấy.

Họ là một cặp vợ chồng tàn tật, mưu sinh qua ngày bằng nghề kéo nhị hát rong trên đường phố.

Mỗi lần đến ăn trưa, sau khi dìu vợ ngồi xuống ghế, người chồng luôn hướng về phía chủ quán và gọi lớn: "Hai suất bún, bát to!" .

Sau đó ông quay người lại, tháo cây nhị đeo bên hông ra, cẩn thận dựng sát vào tường, rồi cúi xuống nói với vợ: “Mình chờ một chút nhé, tôi đi lấy đũa!”.

Nói xong, người chồng bước nhanh vào phía trong lấy đũa và giấy ăn, tiện thể trả tiền luôn cho chủ quán, đồng thời nói với chủ quán mấy điều gì đó nghe không thật rõ lắm.

Người chồng trở về bàn và ngồi xuống. Một lát sau, hai bát bún được mang lên, và cứ thế cả hai bắt đầu dùng bữa.

Một ngày sau đó.

Hai vợ chồng lại đến ăn bữa trưa.

Người chồng vẫn như thường lệ, dìu người vợ ngồi vào chỗ, hướng về phía chủ quán và gọi lớn: "Hai suất bún, bát to!". Đồng thời, tháo cây nhị đeo bên hông ra, cẩn thận dựng sát vào tường, đi lấy đũa, trả tiền, nói với chủ quán mấy câu gì đó nghe không thật rõ, sau đó quay về bàn, ngồi xuống và chờ đợi.

Một lát sau, hai bát bún được mang lên. Người chồng cho thêm gia vị, giúp vợ trộn đều, sau đó đưa bát bún về phía tay vợ, cầm đôi đũa đặt vào bàn tay còn lại của vợ và nói:

- Mình đói rồi đúng không, ăn nhanh lên, kẻo nguội mất sẽ mất ngon.

Sau đó, người chồng cũng cho gia vị vào trộn đều bát bát bún của mình và ăn từng miếng lớn.

Người vợ hỏi:

- Mình ăn thế có đủ không? Mình là đàn ông, phải ăn nhiều hơn. Để tôi gắp sang một ít!

Người chồng vội nói:

- Không cần, không cần! Tôi ăn hết một bát to bự thế này đã no lắm rồi. Mình cố gắng ăn nhiều vào, để còn có sức cho buổi chiều...

Lúc này, ngay ở bàn ăn bên cạnh, có một cậu bé từ đầu đến giờ cứ chăm chú nhìn cặp vợ chồng.

Cứ như thể hai vợ chồng đang có điều gì đó lạ lùng lắm.

Thế rồi, ngay lập tức như không kìm nổi sự ngạc nhiên, cậu bé liền chạy sang bàn của hai vợ chồng và nói:

- Ông ơi, bát phở của ông như thế này là không đúng! Ông gọi hai bát lớn đúng không? Nhưng bát này của ông là bát bé cơ mà. Rõ là người ta đã nhầm lẫn, ông nhanh mang đổi sang bát to đi!

Người vợ tỏ vẻ ngạc nhiên không kém:

- Mình vừa rồi bảo bát của mình cũng là bát to cơ mà?

Người chồng vỗ vỗ nhẹ vào tay người vợ, trấn an nói:

- Đúng thế, của tôi là bát to đấy thôi. Người ta nói không phải là nói tôi đâu!

Cậu bé lại đứng lên phân bua:

- Không phải! Ông ơi, cháu là cháu đang nói ông đấy. Ông ăn bát này không phải là bát to, mà là bát nhỏ. Bát nhỏ thì ít tiền hơn. Ông nhanh nhanh nói rõ với chủ quán đi.

Thế là cả quán ăn đều quay sang nhìn hai vợ chồng. Tất cả đều tỏ ra rất hiếu kỳ, vì rõ ràng trước mặt người vợ là bát bún to, trước mặt người chồng là bát bún nhỏ.

Còn cậu bé, cậu liền chạy một mạch về phía người phục vụ và thanh minh:

- Cô ơi, cô làm sai rồi. Ông ở bàn kia gọi hai bát to, cô lại mang lên một bát to và một bát nhỏ. Cô nhanh đổi lại cho người ta đi!

Người chủ quán ăn nghe xong, liền nói:

- Không sai đâu cháu ạ. Mỗi lần ông ấy đến quầy trả tiền đều bảo cô đổi ngay sang một bát nhỏ.

Người chồng bỗng trở nên lúng túng. Ông không biết phải phân minh như thế nào. Người vợ đưa tay ra và rất nhanh, đã tìm thấy bát của người chồng. Rõ ràng là bát nhỏ.

Đôi mắt người vợ bỗng chốc đã ầng ậng nước. Những giọt nước mắt như chực trào ra:

- Mình dối tôi! Mình vẫn cứ thế, luôn luôn dối tôi!

Người chồng trở nên lúng túng thực sự:

- Là thế này, không, tôi không đói, thực sự là không đói! Mình đừng như thế, mọi người nhìn vào, sẽ chẳng ra làm sao cả!

Nói xong, ông đứng vội lên, vụng về lấy tay áo thấm khô những giọt nước mắt đang lăn tròn trên khóe mắt người vợ.

Người chồng lại cần mẫn lặng lẽ dìu người vợ rời khỏi quán…

Hai chiếc bóng tròn xoe giữa trưa nắng hè.

Hai chiếc bóng cứ chầm chậm lăn tròn bên nhau trên những con đường có vỉa hè lát bằng đá cẩm thạch rất rất là tráng lệ, rất rất là tinh tươm của thành phố...
Sưu tầm

Truyện ngắn: Chồng ơi! Bắt máy đi. Vợ sắp phải đi rồi...

Blog truyện - BlogTM hân hạnh giới thiệu đến các bạn một truyện ngắn rất cảm dộng: "Chồng ơi! Bắt máy đi. Vợ sắp phải đi rồi..."
Mỗi lần được bạn bè, họ hàng giới thiệu bạn gái, anh lại đây đẩy chối từ. Anh đã góa vợ 7 năm nay nhưng chưa bao giờ người ta thấy anh nói đến chuyện sẽ đi bước nữa.
Dường như nỗi đau từ cái chết của vợ vẫn chưa thôi rỉ máu trong trái tim anh. Ngày vợ mất, anh như hóa điên. Anh tự đổ lỗi cho mình trước cái chết của chị và có lẽ sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân.
Vợ anh mất bởi một vụ tai nạn giao thông, khi anh vẫn đang mê mải say sưa bên bàn nhậu với bạn hữu. Anh không gây ra cái chết cho chị, đó là một tai nạn mà không ai ngờ tới nhưng anh không bao giờ có thể chấp nhận được việc mình đã không có mặt bên vợ trong những phút cuối cùng của cuộc đời chị, khi mà chị cần anh nhất. Anh vẫn còn nhớ như in cái đêm định mệnh ấy.
7 năm qua, chưa một đêm nào anh ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt lại là từng chi tiết lại hiện lên trong đầu anh, rõ mồn một. Anh như thể đã sống lại đêm đó, rất nhiều lần, nhưng anh chẳng thể làm gì để thay đổi mọi việc, anh không thể làm vợ mình sống lại. Mỗi ngày qua đi là một ngày lương tâm anh bị dằn vặt, cắn rứt. Anh mắc kẹt trong nỗi đau của quá khứ mà không sao thoát ra được.
Người chồng mắc kẹt trong quá khứ

Thỉnh thoảng anh lại lấy ảnh chị ra ngắm nhìn, anh ngắm chị nhiều tới nỗi bức ảnh bạc cả màu. Trong ảnh, chị vẫn cười thật tươi, thật hiền từ. Rồi anh lại tự hỏi: "Ở trên trời, chị vui hay buồn? Chị có tha thứ cho anh không?" Nhưng anh thì không thể tha thứ cho mình. Từ ngày chị mất, anh không hề thay đổi bất cứ một vật dụng gì trong nhà, bởi mỗi đồ vật đều nhắc anh nhớ tới chị, như thể chị vẫn còn đâu đây. Và như thế, những ngày hạnh phúc của anh chị dường như vẫn còn rất mới.
Anh cứ tự ru ngủ mình trong một quá khứ mơ hồ để níu kéo hình bóng của chị. Chị là mối tình đầu của anh. Anh chị yêu nhau từ thời còn ngồi trên ghế phổ thông. Tình yêu của họ đã trải qua đủ mọi cung bậc của cảm xúc, cả ngọt ngào lẫn đắng cay. Chị đã chờ đợi anh đến khi anh tốt nghiệp Đại học, có việc làm ổn định rồi mới tiến tới hôn nhân. Dù tình yêu đã trải qua rất nhiều thử thách, những tưởng rằng đã đến lúc chín muồi, nhưng hôn nhân lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Những ngày đầu mới cưới, cũng như bao đôi uyên ương trẻ khác, đời sống của đôi vợ chồng trẻ rất mặn nồng, thắm thiết. Nhưng rồi, như một câu nói hài hước nhưng đầy triết lý: "Tình yêu là ánh sao trên trời, còn hôn nhân là cái hố mà khi mải ngắm sao người ta sa chân vào", cuộc sống lứa đôi bắt đầu nảy sinh bao điều phiền nhiễu, rắc rối.
Hồi ấy, dù mới ra trường nhưng anh đã có một công việc khá tốt với mức lương mà nhiều người phải mơ ước. Anh thừa sức để lo cho gia đình một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Bởi vậy mà anh đề nghị chị bỏ công việc kế toán với mức lương bèo bọt để ở nhà nghỉ ngơi, có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Vợ anh vốn là người quảng giao, chị không muốn nghỉ việc, nhưng để chiều lòng chồng, chị vẫn gật đầu đồng ý.
Bốn bức tường và công việc nội trợ ngày nào cũng như ngày nào nhanh chóng khiến chị thấy nhàm chán. Cả ngày, chị chẳng có thú vui gì khác ngoài việc ngóng chồng về. Anh trở thành mối quan tâm duy nhất của chị.
Nhưng chị lại không phải mối quan tâm duy nhất của anh. Ngoài vợ ra, anh còn bao nhiêu chuyện khác phải lo nghĩ. Anh còn công việc, còn sự nghiệp, còn bước đường thăng tiến. Anh không thể lúc nào cũng về nhà đúng giờ và không tỏ ra mỏi mệt. Anh không thể tối nào cũng ăn những bữa cơm chị nấu. Anh còn phải giao lưu, nhậu nhẹt với bạn bè, tiếp khách với cấp trên… Nhưng vợ anh thì không thể thông cảm điều ấy. Chị yêu và lo lắng cho anh rất nhiều. Chị sợ rằng anh uống rồi say xỉn, tự đi xe sẽ rất nguy hiểm. Chị sợ rượu bia nhiều sẽ làm hại sức khỏe của anh.
Bởi vậy mà mỗi khi anh về muộn, chị lại liên tục gọi điện hỏi han, nhắc nhở. Có nhiều lần, chị còn tới tận nơi anh đang uống rượu để chờ đưa anh về. Chị không ồn ào, chỉ nhẫn nại và kiên trì quan tâm anh, nhưng với anh, đó là cả một sự nhiễu nhương. Anh khó chịu vì sự chăm lo thái quá của vợ. Anh xấu hổ với bạn hữu khi được vợ đưa về. Những cuộc điện thoại của chị là sự quấy rối đối với anh. Anh cảm thấy mình mất tự do vì bị vợ "quản lý". Giữa hai vợ chồng bắt đầu nảy ra những cuộc cãi cọ.
Anh chị cãi nhau ngày càng nhiều hơn. Chị giận dỗi, còn anh vẫn nhậu nhẹt như cũ. Dù biết rằng động cơ của vợ chỉ là tình yêu với mình, nhưng anh vẫn không thể gạt khỏi đầu những nỗi bực tức, khó chịu. Chán nản cảnh chồng vợ lạnh nhạt, anh càng đi nhiều hơn, mải miết hơn với những cuộc bia rượu. Anh biết rằng mỗi khi trở về, chờ đón anh sẽ là bộ mặt nhăn nhó và những lời nhiếc móc của vợ, dù rằng sau đó chị có chăm sóc anh chu đáo thế nào đi nữa, nhưng thái độ của chị vẫn luôn khiến anh cảm thấy nặng nề.
Anh chỉ ước gì chị niềm nở chào đón anh, nói với anh những lời yêu thương ngọt ngào, dịu dàng và trừu mến với anh như trước đây, nhưng chị đã không làm thế. Chị đã không hiểu được nỗi lòng của anh, cũng như anh đã không thấu hiểu cho chị. Khoảng cách giữa hai người cứ dần giãn ra trong khi tình yêu vẫn còn sâu đậm. Không ai cố gắng để nói với ai, họ chỉ âm thầm đau khổ.
Nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi
Rồi vào cái đêm định mệnh ấy, anh ngồi nhậu với bạn như bao lần khác. Càng về khuya, cuộc rượu càng vào hồi rôm rả. Khi rượu đã ngà ngà, những người đàn ông mới nói đủ thứ trên trời, dưới bể, và chuyện gì cũng thật hấp dẫn, hay ho và có duyên cả, bởi vậy, dù đồng hồ đã điểm sang ngày hôm sau, nhưng vẫn chẳng ai muốn bỏ cuộc vui.
Và cũng như bao lần khác, máy điện thoại của anh rung lên bần bật bởi những cuộc điện thoại của vợ. Anh biết, nếu nhấc máy lên, như bao lần khác, anh sẽ nghe ở đầu dây bên kia những lời thúc giục, ca cẩm đến sốt ruột của chị. Bởi vậy, anh nhăn nhó chuyển máy sang chế độ im lặng rồi nhanh chóng đút lại chiếc điện thoại vào chỗ quen thuộc của nó trong túi quần. Anh vẫn say sưa nhậu tiếp với bạn, quyết không để những lời phàn nàn của vợ làm cuộc vui đứt quãng. Nhưng điện thoại không ngừng rung khiến cho anh cáu kỉnh, bực tức, lầm rầm chửi rủa, anh tắt máy. Thế là yên chuyện! Cuộc nhậu lại vào hồi say sưa, vui vẻ.
Nhưng ở đầu dây bên kia, vợ anh đang cố gọi cho anh bằng chút sức lực cuối cùng. Đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, trong đầu chị chỉ có hình bóng của anh. Ước nguyện của chị chỉ là được nhìn thấy anh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, được nói với anh một lời yêu thương cuối. Nhưng anh đã không bắt máy. Đáp lại chị chỉ có những tiếng tút dài vô cảm đến vô tận. Chị đã không gặp được anh. Chị đã đối diện với cái chết bằng sự cô đơn đến cùng cực. Chị đã ra đi vĩnh viễn.
Còn anh, sau cuộc nhậu trở về, anh đã say xỉn tới mức lăn ra ngủ khi vừa bước chân về tới nhà. Anh không còn đủ tỉnh táo để nhận ra sự vắng mặt của vợ. Nhưng giấc ngủ của anh nhanh chóng bị đánh thức bởi những tiếng gọi thất thanh của mẹ. Mẹ anh với vẻ mặt thất thần, đôi mắt sưng húp nhòa nước báo cho anh cái tin dữ: vợ anh đã mất vì một vụ tai nạn giao thông. Cái tin vợ chết như một gáo nước buốt giá dội thẳng vào anh, làm tan hết hơi rượu. Anh sực tỉnh, hoảng hốt lao đi tìm vợ. Nhưng khi anh đến thì đã quá muộn. Chị nằm đó, hai mắt nhắm nghiền, toàn thân lạnh toát, sự sống đã rời bỏ chị, và anh tưởng rằng nó cũng đang rời bỏ anh.
Người ta kể lại rằng chị bị một tay tài xế ngủ gật đâm phải khi một mình ra đường giữa đêm. Anh quặn lòng khi biết khi ấy chị đang đi tìm anh. Thứ cuối cùng của chị người ta đưa cho anh là chiếc điện thoại xây xát. Họ bảo rằng khi xe cấp cứu đến, chị vẫn còn khá tỉnh táo, chị giữ chặt điện thoại trong tay và liên tục gọi, gọi đến khi chị ngất lịm và rơi vào hôn mê. Anh run rẩy cầm chiếc điện thoại của vợ, thấy trong đó có 16 cuộc gọi đến máy của anh và một tin nhắn còn chưa kịp gửi. Chị đã viết, vẻn vẹn rằng: "Em xin lỗi vì tất cả. Yêu anh".
Chỉ vài chữ ấy thôi nhưng là tất cả sức lực còn lại của chị, anh biết điều ấy. 16 cuộc điện thoại của vợ, anh đã lạnh lùng không nghe một cuộc nào vì nghĩ rằng đó là chuyện nhảm nhí. Giờ đây, khi đứng trước di ảnh của chị, anh đau tới mức không thể rơi nổi nước mắt. Cả cuộc đời này, có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ tha thứ được cho bản thân.
Truyện ngắn sưu tầm