Đó là những ngày mưa bão thâu đêm suốt sáng. Không đi sửa xe được, ba ở nhà lục mấy miếng gỗ cũ đóng đồ chơi, lấy ống hút bày cho mấy chị em thắt “bánh ú” xâu màn cửa, dạy chị hai nhồi bông gòn vào vải vụn thành mấy cô gái Nhật điệu đàng trong chiếc kimono sặc sỡ. Ba lại tỉ mẩn ngồi xếp con diều bằng giấy tập học trò.
Má không ra ruộng hái rau vì trời mưa chợ ế, ở nhà lục đục đổ bánh xèo bằng bột mì. Bánh xèo da cuốn trong mấy đọt bạc hà non chấm nước mắm tỏi ớt ngon thấu trời đất. Buổi trưa mấy cha con hè nhau tát nước. Nước trên trời đổ xuống. Nước dưới đất chui lên. Nước từ mấy thửa ruộng rau muống bên kia xóm tràn vào. Mảnh sân trước nhà như một dòng sông nhỏ gặp cơn lũ cuốn. Nước cuộn ào ào đổ xuống cái hà làng (*). Thằng út cởi truồng đứng ngập mông chỗ dòng nước xiết, nước cuộn vào “chỗ nhột”, nhột quá nó khoái tỉ cười nắc nẻ.
Chị hai thấy vậy xăn quần làm thử, bị ba cú cái cốc: “Lớn đầu hổng nên thân. Phụ ba tát nước nè. Nước tới nóc nhà bây giờ”. Buổi chiều mưa ngớt hột. Ngoài sân mấy con cá sặc từ dưới hà lãng lội ngược dòng nước lạch bà lạch bạch. Lũ trẻ reo hò. Ba làm chỉ huy thu “chiến lợi phẩm”. Buổi tối, cơm nóng, cá sặc chiên giòn dầm nước mắm tỏi chấm rau muống luộc. No nê, cả đám lên giường trùm mền nghe má kể chuyện đời xưa. Đời xưa thiệt, đời xưa giả nghe mê tơi.
Má kể: “Hồi đó má còn nhỏ, chừng bằng chị hai bây giờ. Tối nào bà ngoại cũng gói bánh ít để sáng đem ra chợ bỏ mối. Má ngồi chơi bên ngoại trên bộ vạt cau. Ngó xuống đất thấy cái mặt vằn vện bự bằng cái nia chao qua, chao lại trên mặt đất, má sợ quá khóc thét lên kêu ngoại. Bà ngoại nhìn không thấy. Ông ngoại nhìn cũng không thấy. Không ai nhìn thấy.
Chỉ một mình má thấy hoài. Cứ trời sụp tối là má thất thần. Ông ngoại rước ông thầy cúng bên Long Hưng qua. Ổng lấy cây chổi cùn quét chuồng heo đập mấy cái lên đầu má, miệng niệm thần chú “úm ba la, úm ba la”. Đêm sau má vẫn thấy. Mỗi ngày cái mặt vằn vện càng thêm rùng rợn. Ông ngoại dọn nhà đi chỗ khác. Má hết thấy.
Căn nhà mới cửa day ra sông cái. Trước nhà là một khoảng sân rộng. Ở giữa sân có cái bàn ông thiên làm bằng mấy miếng vạt cau ghép lại đặt lên trên cái cháng ba cây gòn sống. Góc sân bên phải chỗ lối mòn dẫn ra bờ sông có cây mận xanh, trái bằng cái chung con rồng, da xanh miết, càng chín càng xanh, vỏ mỏng, ruột xốp, ngọt ngán cần cổ. Gian nhà dưới cất kiểu chữ đinh, cũng day cửa ra mé sông.
Ngoài cửa bước vô là đụng cái bàn ăn hình chữ nhựt kê dựa vô cái “trảng xê” tấn bằng bao cát. Một đêm, nhà chuẩn bị đám giỗ. Bà ngoại với mấy bà gói bánh ở nhà dưới. Ông ngoại với mấy ông uống trà ở nhà trên. Má với dì Ba ngồi học bài chỗ bàn ăn cơm.
Gió ngoài sông thốc vô rào rào, thổi tắt ngọn đèn dầu làm bằng cái lon thiếc. Má sợ quá khóc rum. Ông ngoại từ nhà trên xuống, bật cái ống quẹt đá xẹt xẹt cả chục cái lửa mới bắt vô được cục bông gòn, rồi ngó quanh quất: “Ủa! con Ba đâu rồi?”. Cả nhà tá hỏa đi tìm, kêu khản cả tiếng, không thấy dì Ba trả lời. Từ kẹt cửa tới chuồng gà, bồ lúa... chỗ nào cũng bị lục tung lên.
Ông ngoại lật úp cái thùng thiết vỗ xèng xèng. Xóm trong túa ra. Xóm ngoài túa vô. Xóm bên sông lộp cộp chống xuồng qua. Kẻ trên bờ. Người lội rạch. Đuốc lá dừa đỏ rực nhấp nhá. Tiếng bàn tán xôn xao. Bỗng má nghe như có tiếng thở đằng sau cánh cửa, tiếng thở nghe quen lắm. Má la lên: “ Em nè ba ơi!”. Ông ngoại chạy vô. Người trên bờ ùa vào. Người dưới sông lóp ngóp bò lên. Bà ngoại kéo cửa ra. Dì Ba đứng co ro, run lập cập, điếng hồn một hồi mới khóc ré lên. Mấy người đàn bà lao nhao: chỗ này nãy kiếm rồi mà, bà có kéo cửa ra hôn, có sao không, sao nãy không thấy.
Bà ngoại dỗ dành: “Sao má kêu con hổng dạ?”. Dì Ba nhỏ nhẻ: “Nghe má kêu con tính dạ mà bị ai bóp miệng lại con dạ hổng được”. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Trong bụng ai cũng nghĩ dì Ba bị ma giấu mà không dám nói ra. Sau đó dì Ba bị sốt mấy ngày li bì mê sảng ú ớ suốt đêm. Ông ngoại lại bàn chuyện dọn nhà đi chỗ khác”.
Mấy thằng nhóc sợ quá lấn nhau, vuột mền, níu kéo, gây gổ. Má không thèm kể nữa, vỗ cho mỗi đứa vào mông mấy cái bẹp bẹp. Cả lũ nằm êm re. Chẳng mấy chốc đã nghe chúng ngáy o...o... Chị Hai không sợ ma, nhưng không biết sao không ngủ được, nằm lăn qua trở lại nghe tiếng mưa rơi nghĩ ngợi mông lung. Má lên tiếng: “Sao hổng ngủ đi Hai?”. Chị Hai đẩy thằng Ut ra, nằm chen vào gần chỗ má: “Bộ có ma thiệt hả má?”. “Ờ! Má cũng hổng biết, nhưng cái mặt vằn vện má có thấy thiệt. Dì Ba bị ma giấu má cũng có thấy thiệt.
Còn chuyện cậu Tư... Ờ! bữa đó má hổng có ở nhà chỉ nghe kể lại”. Chị Hai bỗng thấy ớn sống lưng. Chị nhích sát vô người má. Hơi má ấm và tóc má thơm mùi xà bông Cô Ba làm chị thấy dễ chịu. Chị hỏi: “Chuyện cậu Tư sao má?”. Má ngáp cái ơ: “Ờ... Bữa đó, ông ngoại đang lui cui tát nước xuồng bằng cái bẹ chuối áp sát vô be tát nước ra sàn sạt, nghe cậu Tư kêu tiếng được tiếng mất: “Ba ơi! Con đi câu với anh Hai Bọ nghe”.Ông ngoại lúc này đã ngừng tay.
Mưa đêm qua rỉ rả hổng thấy gì mà nước muốn nửa xuồng, tát kiểu này biết chừng nào. Ông quăng cái bẹ chuối vô bờ, đứng dang chân lên hai bên be xuồng lắc mạnh, nước sóng sánh tràn ra ngoài. Ông trả lời cậu Tư cũng tiếng được tiếng mất: “Ờ! Đi về sớm sớm nghe mậy”. Hồi ông ngoại nói câu đó cậu Tư đã xách cần câu với cái đục đi qua khỏi gò đất đằng sau chuồng trâu rồi.
Chiều. Ông ngoại đi thăm ruộng về. Nắng đã tuột khỏi ngọn cây rơm cao ngất ngưởng. Mấy con cò trắng táo tác dưới chân ruộng phóng lên lũ lượt có bầy. Nước theo tiếng con bìm bịp kêu đổ về mang theo mấy giề lục bình bông tím trôi lừ đừ. Chuông mõ công phu bên chùa bà vãi Thông chậm rãi buông từng tiếng một.
Cậu Tư cũng chưa về. Ông ngoại hỏi vói sang nhà ông Năm: “Anh Năm ơi! Thằng Bọ đi câu về chưa anh Năm?”. Tiếng ông Năm ho khùng khục: “Thằng Bọ bữa nay vô trong xẻo Lá phụ giậm lúa với chị hai nó, đâu có ở nhà mà đi câu”. Vậy là mọi người lại một phen thất kinh hồn vía hơ hãi đi tìm. Cũng kẻ trên bờ, người dưới sông. Sợ là nó bị vọp bẻ, chớ cái thằng lội như rái sao mà chết chìm được.
Má ngừng kể, trở mình đưa tay đấm vô lưng thùm thụp. Chị hai thò tay ra sau lưng má: “Con đấm cho. Má kể tiếp đi”. “Ờ! Chừng con trăng non mỏng hơn cái lưỡi liềm lú lên khỏi ngọn cây lờ mờ tranh sáng tranh tối thì cậu Tư xách cái đục cá thơ thẩn từ hướng vàm Long Thủy đi vô. Cần câu đâu hổng thấy, còn cái đục đựng toàn đất sét. Miệng cậu Tư cũng toàn đất sét. Cậu nói anh Hai Bọ rủ đi câu rõ ràng.
Hai đứa câu đầy một đục cá. Chừng về tới bụi trâm bầu, thấy chị Sáu bưng xề bánh cồng bánh cam đi bán. Chỉ rủ ăn. Ăn mấy cái cũng hổng nhớ, rồi lăn ra ngủ. Chừng thức dậy, thấy cứng ngắc một họng, móc ra toàn đất sét. Ông ngoại chạy qua nhà chị Sáu. Chỉ nói bữa nay con chỉ bịnh, chỉ hổng có đi bán. Từ đó con nít trong xóm bị cấm không cho chơi chỗ bụi trâm bầu. Còn người lớn hổng ai cấm cũng làm như không có chuyện gì cần đi ngang chỗ đó. Bụi trâm bầu tha hồ mọc, gốc cả người ôm, tán rợp um tùm”.
Mưa đã ngừng rơi, chỉ còn tiếng gió sườn sượt thổi rung rinh mấy tàu lá dừa làm rớt nước xuống mái nhà nghe lốp đốp rời rạc. Bên ngoài đivăng tiếng ba chép miệng: “Thôi nghỉ được rồi ông trời ơi. Mưa bão hoài chết đói hết con người ta”. Chị nghe má thở đều đều, thỉnh thoảng hắt một hơi mạnh ro ro trong cổ họng , biết má đã ngủ say.
Rồi trời cũng thôi bão. Nắng như những sợi tơ trời vàng óng giăng kín cả không gian. Vạn vật trở nên tươi tắn ấm áp. Khoảng sân trước nhà khô ráo mịn màng. Ba lại xách thùng đồ nghề ra lề đường đội nắng, đội gió, bàn tay lấm lem dầu mỡ. Má tất bật luôn tay luôn chân. Không còn bão, không còn những ngày mưa lê thê, có nghĩa là không còn những ngày ba nghỉ làm ở nhà cắt giấy tập dán diều, lấy gỗ vụn đóng đồ chơi, làm trâu làm bò cho mấy thằng nhóc cỡi. Má không còn ở không đổ bánh xèo da gói đọt bạc hà chấm nước mắm tỏi ớt. Tối không còn trùm mền nghe má kể chuyện đời xưa, đời xưa thiệt - đời xưa giả. Thằng út tiếc quá ước gì bão hoài bị má la: “Trông bão hoài đặng chết đói hả?”. Ba bênh: “Nó còn nhỏ, biết gì”.
Ba mươi năm sau, xóm nhỏ ngoại ô trở thành thị tứ. Không còn dấu vết mấy thửa ruộng rau muống. Hai cái ao sen lớn cũng không còn. Hàng phuợng vĩ già nua sần sùi bị cắt ngọn cho dây điện cao thế chạy qua. Một bóng dừa xanh cũng không còn. Chỉ toàn nhà cửa. Nhà lầu, nhà trệt, nhà lớn, nhà nhỏ, chen chúc, chồng chéo nhau như những đường chỉ tay ngoằn ngoèo trong sách tử vi của ông thầy Huỳnh Liên.
Ngày mưa bão, ba ngồi trong ngôi nhà khang trang uống trà, nhìn ra khoảng sân ngắm những chậu bông giấy đỏ rực, tím ngắt. Giàn thiên lý trổ bông thơm ngát. Mấy giò phong lan đung đưa. Lan vũ nữ nhảy múa điệu đàng. Lan hồ điệp rập rờn như cánh bướm. Má nằm trên ghế bố xem truyền hình. Cô đào Lệ Thủy hơn năm mươi tuổi giọng ca vẫn còn mượt mà truyền cảm, vóc dáng vẫn còn xuân sắc, diễn vai Tô Ánh Nguyệt ngồi thêu áo gối uyên ương không biết mấy chục lần, mà lần nào cũng lấy được nước mắt của má.
Thằng cháu nội chạy vô khoe con diều bằng ni lông hình con bươm bướm với những hoa văn sặc sỡ mới mua hai chục ngàn đồng. Thả hết cuồn nhợ năm ngàn nữa là nó bay tới tận mây xanh. Ba nói: “Sao hổng nói ông nội dán cho khỏi tốn tiền”. Đời giờ ai chơi diều bằng giấy tập - nó nghĩ trong bụng mà không dám nói ra. Chậc! Mưa hoài hổng biết sao thả diều nữa, rầu thúi ruột! Hết tuồng cải lương. Tô Ánh Nguyệt được con lại mất chồng. “Phụ nữ thời nào cũng khổ!”. Câu này má nói hoài. Mưa vẩn còn rỉ rả, rỉ rả.
Thỉnh thoảng trời hé một chút nắng lợt nhớt rồi lại mưa, rồi lại nắng. Má nói: “Mưa nấm mối đó ông”. Ba cười: “Má mày lẩn thẩn, nấm mối nào ở đây”. Má quay mặt đi, mắt ngân ngấn nước. Má giận ba. Chắc vậy. Không thèm nói chuyện với ba nữa, má gọi con cháu ngoại lại nằm gần nghe bà kể chuyện đời xưa. Con bé phụng phịu: “Mấy chuyện đó cô giáo kể rồi. Con đang xem Harry Potter mà bà ngoại”. Nói xong nó chạy tuốt lên lầu.
Bây giờ chỉ mình chị Hai là còn thích nghe má kể chuyện đời xưa, thích nằm gần má để nghe hơi má ấm, tóc má thơm. Chỉ tiếc là không phải mùi xà bông Cô Ba như hồi đó. Cái cục xà bông màu xanh ngọc bích in hình cô Ba búi tóc đã quá vãng tự lâu rồi nhưng mùi hương của nó cứ dịu dàng gợi nhớ trong chị mỗi lần nằm bên má. Tuổi già của má nhờ có chị mà vui. Chị Hai nhờ có má mà có chỗ quay về.
Thằng Út nói: “Nhà này có hai bà cụ. Bà cụ già là má. Bà cụ non là chị Hai”. Chị Hai cười hiền khô. Nụ cười một thời làm nao lòng mấy anh hàng xóm. Má lườm thằng Út: “ Mày nói chị mày vậy hả? Hồi đó một tay nó ẵm bồng tắm rửa mày đó nghe thằng quỉ sứ”. Thằng Út ráng cãi: “ Vậy mà bày đặt chê sếp con già hổng ưng. Lựa qua lựa lại riết, hổng có một góc tư tình vắt vai với người ta”. Biết nó nói chơi sao chị Hai vẫn thấy chạnh lòng. Nó nói vậy là nói thách cho chị Hai rồi. Thật ra chị cũng đã từng có hơn một góc tư tình đó chớ, bằng hai lần như vậy lận. Nói cho đúng hơn chị cũng từng có một mối tình.
Người ấy yêu chị bằng nửa trái tim, cho chị phân nửa hạnh phúc và lấy đi của chị hết nửa cuộc đời. Chị biết ngay hồi chị mới yêu anh. Anh không hề giấu chị. Chị vui vẻ chấp nhận thứ tình yêu ngọt ngào mà anh ban tặng cho chị giống như người ta ăn một trái bắp có tẩm đường hóa học. Biết ăn vô lâu ngày lục phủ ngũ tạng sẽ “banh ta lông” nhưng vẫn ăn bởi vì nó ngon, nó sướng miệng. Còn hơn phải cạp ba cái thứ lôm côm nhạt nhẽo, xảm xì dù biết nó vô hại. Chị nói: “Ở đời làm gì có cái vừa ngon lại vừa lành”. Thằng Út: “Xí! Tại chị không biết kiếm”. Má thì: “Tại cái số nó vậy”. Ba chẳng ra trách, không ra thương: “Con gái bày đặt văn chương chữ nghĩa cho lắm, chỉ khổ cái thân”.
Sau lần đó, chị Hai về ở với má. Chị không trách ai hết, không giận ai hết. Nhưng thỉnh thoảng cũng thấy tội nghiệp cho mình. Nhất là vào những ngày mưa bão lê thê, nỗi cô đơn cứ như một thứ dây leo còn sót lại một mắt rễ, chỉ chực mưa xuống là vươn vòi quấn riết lấy con tim bé nhỏ yếu ớt của chị. Nhìn mưa chị khóc. Trùm chăn kín lại nghe mưa chị cũng khóc. Vậy sao hồi nhỏ ước trời mưa bão hoài hổng biết. Biết chị Hai chưa quên người cũ, má không còn hát ru câu “trồng trầu” mỗi bận đưa con thằng Út ngủ, sợ chị đau lòng. Chị Hai lại sà vào lòng má, lại bắt má kể chuyện đời xưa, đời xưa thiệt - đời xưa giả. Chuyện đời xưa của má đi vào thơ vào truyện của chị.
Chữ nghĩa làm tâm hồn chị cứng cáp hơn lên. Chị không còn chảy nước mắt khi má hát lại câu “Trồng trầu thì phải khai mương...”. Chị cũng không còn sợ những ngày mưa bão triền miên. Mỗi khi nhớ anh chị quẹt ngang nước mắt đứng dậy mỉm cười. Nhớ câu anh hay nói: “Tự mình ngã, tự mình phải đứng dậy”. Còn chị, chị bị người ta xô ngã mà cũng ráng tự đứng dậy, có sao đâu. Chị thấy mình không còn nông nổi dại khờ cả tin. Chắc là nhờ có những câu chuyện đời xưa của má.
Năm tiếp quản, chỗ bụi trâm bầu ngoài vàm Long Thủy nhà nước cho xây cái đài tưởng niệm bên trong dựng tấm bia ghi dòng chữ: “Nơi này từ năm 1969 đến 1975 là nơi hội họp của Đảng bộ huyện”. Cạnh đó là một tấm bia khác ghi tên liệt sĩ, trong đó có tên cậu Tư. Cả nhà mới vỡ lẽ, bữa đó không phải cậu Tư bị ma dắt cho ăn đất sét. Té ra là không có ma. Nhưng chị Hai không tin. Chị nhất định: “Không có ma quỷ thần thánh làm sao có truyện cổ tích. Không có truyện cổ tích lấy gì má kể cho nghe”.
Ờ! mà thiếu gì chuyện cổ tích không có ma, sao chị Hai nói vậy. Cũng như chuyện tình của chị Hai, mai mốt cũng trở thành cổ tích: “Ngày xưa, có hai người yêu nhau tha thiết nhưng chàng trai chỉ có một trái tim mà phải xếp chỗ cho hai người phụ nữ. Anh cứ loay hoay mãi với lẽ công bằng mà tình yêu thì không cân đo đong đếm được. Nên rốt cuộc có một người thua thiệt lặng lẽ buồn hiu quay về với má, nghe má kể chuyện đời xưa.
(Bến Tre, những ngày bão tháng 6-2004)
(*) chỗ nổi nước lênh láng bên cạnh sông rạch nhưng không sâu
NGÔ THỊ THU VÂN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét