Hiển thị các bài đăng có nhãn Muộn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Muộn. Hiển thị tất cả bài đăng

P04: Muộn

Bây giờ đây khi con gái tôi đã lên mười tuổi, xinh đẹp ngoan ngoãn và giỏi giang, tôi mới thấy mình may mắn vì ngày đó tôi đã không đặt cho con cái tên là Bất Hạnh hay Trường Hận hoặc Căm Thù gì đó, mà trong nỗi tuyệt vọng tơi bời tôi đã buồn bã điền vào tờ giấy chứng sanh bốn chữ: Ngô Phan Luyến Thương.
“Anh chỉ muốn em thuộc về anh để chứng minh tình yêu em dành cho anh mà em cứ tiếc thì thôi… Anh là con trai, nếu chỉ để thỏa mãn thì anh kiếm đâu mà chẳng được. Tại anh yêu em nên anh mới…” Quang còn nói thêm những gì, tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ nhớ lúc đó tôi rất sợ anh giận, anh sẽ không yêu tôi, thậm chí anh sẽ đi tìm người khác.
Vậy là tôi nhìn anh, khẽ gật đầu và nhắm mắt lại (không biết Quang có thấy không vì đêm đó là một đêm ba mươi mà vườn nhà anh thì rộng, toàn chôm chôm được trồng xỉa tiền (*) nhau, những cây chôm chôm hẳn đã hơn hai mươi năm tuổi, thân to, tán rộng, lại nhằm ngay mùa cây đang cơi đọt, lá ken dày). Nhưng tôi thì cần thiết gì chuyện đó. Bởi vì lúc ấy tôi chỉ toàn nhắm mắt thôi mà. Cũng vì nhắm mắt nên tai tôi nghe rất rõ mọi thứ (tôi mới hiểu ra tại sao người mù rất thính tai). Tôi nghe tiếng gió.
Gió thì thầm trên ngọn cây, gió sột soạt trong đống lá khô dưới cái hà lãng, gió mơn man trên đám cỏ, gió liếm láp da thịt tôi trống trải. Tôi nghe tiếng con cá quảy dưới mương vườn, nghe tiếng dế ri ri ngoài bụi cây, tiếng vặn mình è è của con tắc kè trong căn nhà hoang. Tôi nghe tiếng trống ngực Quang dội thình thịch, nghe rất rõ những âm thanh rạo rực phát ra kèm theo tiếng thở anh dồn dập (những âm thanh lần đầu tiên tôi mới nghe thấy) và… cuối cùng là tiếng thảng thốt của một con chim cú mèo đúng vào lúc Quang ghìm người lại rồi đổ ập xuống. Con chim cú làm tôi giật mình (chắc vậy).
Tôi hoảng hốt bấu vào lưng Quang và chỉ dám mở mắt ra khi  anh đã mặc lại quần áo cho tôi và tự mặc lại quần áo cho mình. Rồi anh hôn tôi, nụ hôn có vẻ như cập rập, bối rối (điều này mãi về sau tôi mới nhận ra), nhưng tôi vẫn thấy ngọt và thơm. Lần đầu tiên tôi biết nụ hôn ngọt và thơm, biết da thịt con trai săn và ấm, biết tim con trai đập nhanh và mạnh, hơi thở con trai nồng và say.
Và cũng lần đầu tiên từ khi trở thành thiếu nữ tôi biết quan tâm chờ đợi kỳ kinh của mình. Một ngày, hai ngày rồi một tuần, hai tuần...Cắm cái que quickstick vào trong ly nước tiểu mà tay tôi cứ run lên bần bật. Cả người tôi mướt rịn mồ hôi, lạnh toát. Hình như khi nhắm mắt con người ta cảm thấy an toàn hơn. Bởi người ta sẽ không thấy cái gì đang đến với mình từ mọi phía.
Vậy là tôi nhắm mắt lại, đếm thời gian trôi qua bằng chính nhịp đập của trái tim mình. Lạ kỳ thay, tim tôi thì đập rất nhanh mà thời gian lại trôi qua rất chậm. Một phút… hai phút… rồi năm phút… tôi từ từ mở mắt ra. Trước mắt tôi, hai vạch màu hồng thắm bình thản nằm sóng đôi nhau trên cái que thử. Tôi quị xuống sàn gạch ướt, cái que rơi khỏi bàn tay tôi bủn rủn. Nước mắt ứa ra, tôi chạy đi tìm Quang. Anh ôm tôi trong tay, hơi anh ấm và ngực anh êm, anh vỗ về tôi như đứa trẻ bị ăn hiếp:
- Em ngoan nào! Ngày mai mình đi bệnh viện. Anh hứa là sẽ cẩn thận không để xảy ra như vầy nữa.
Nhưng rồi, một lần khác, tôi lại sợ Quang giận, lại sợ anh sẽ không yêu tôi, sợ anh bỏ đi tìm người con gái khác. Tôi lại nhìn anh, khẽ gật đầu và nhắm mắt lại… Đó là đêm trước hôm anh lên thành phố chuẩn bị nhập học.
- Ngày mai anh đi sớm phải không?
- Ừ!
- Vậy rồi chừng nào anh về?
- Đây đó có bao xa. Chừng vài ba tuần anh sẽ về thăm nhà, thăm em.
- Anh lên đó cảnh thành phố cái gì cũng đẹp cũng sang, anh đừng quên em nha.
Anh cười chọc quê tôi:
- Em tính hát tuồng Lan và Điệp hả?
Tôi mắc cỡ dụi đầu vào ngực anh:
- Nhưng chừng nào thì mình cưới nhau anh?
- Ừ! thì bề gì cũng phải chờ anh ra trường chứ, phải không?
- Anh đừng bỏ em nghe.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy hai cái vạch màu hồng quen thuộc là  vào một buổi chiều khi tôi sửa soạn ra cầu bắc đón Quang trở về trên chuyến xe tốc hành từ thành phố. Đó là mùa hạ cuối cùng trong cuộc đời cắp sách của anh. Cũng như bao nhiêu lần trước, anh ôm tôi trong tay, vỗ về:
- Em ngoan nào, ngày mai mình đi bệnh viện. Anh đã bảo em cẩn thận rồi mà.
- Em cũng không biết. Nhưng em sợ lắm. Anh đã tốt nghiệp ra trường rồi, mình cưới nhau đi. Anh hứa như vậy mà phải không?
- Còn phải chờ anh kiếm việc làm đã chứ. Cưới nhau bây giờ lấy gì mà nuôi nhau. Em ngoan đi, một lần này nữa thôi.
Không phải là lần đầu tiên, nhưng không hiểu sao hôm ấy tôi hồi hộp lạ lùng. Ngồi một mình trong phòng chờ đợi (cũng như mấy lần trước Quang không theo tôi vào bệnh viện vì sợ gặp người quen), cách một tấm vách ngăn, tôi tựa đầu vào thành ghế, nhắm mắt lại (hình như khi nhắm mắt con người ta cảm thấy an toàn hơn, bởi người ta sẽ… hình như ý này tôi đã nói rồi…). Cũng vì nhắm mắt nên tai tôi nghe rất rõ mọi thứ (tôi mới biết người mù… hình như ý này tôi cũng đã nói rồi mà…).
Tôi nghe tiếng cởi quần áo sột soạt, tiếng dao kéo khua loảng xoảng trên cái mâm inox, tiếng rên hư hử của bệnh nhân, tiếng vỗ về khe khẽ của vị bác sĩ. Tôi nắm chặt  hai bàn tay lại như thể không như thế thì hai cánh tay kia sẽ vuột khỏi tôi. Lần đầu tiên, tôi nghĩ về Quang, thấy không yêu không ghét. Một chị ngồi bên cạnh nhìn tôi hồi lâu rồi cất giọng dè dặt:
- Mặt em xanh quá. Em có sao không?
Tôi lắc đầu. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi mở điện thoại tìm messaging. Tay tôi run run lướt trên bàn phím: “anh toi don em ve”. Nhấn nút send và không đợi tín hiệu trả lời, tôi lao ra cổng bệnh viện, đứng chờ anh dưới cơn mưa mùa hạ dai dẳng. Điện thoại Quang đã hơn mười lần xọc vào tai tôi cái âm thanh đáng nguyền rủa: ò e í…
Người ta hay ca ngợi người phụ nữ Việt Nam với nhiều đức tính tốt đẹp trong đó có lòng vị tha. Tôi tự nhận mình là người đàn bà có tấm lòng khoan dung độ lượng, ít ra là với bản thân tôi, vì tôi đã biết tự tha thứ cho mình, tha thứ những lỗi lầm một thời tuổi trẻ nông nổi, dại khờ và cả tin của một đứa con gái quê mùa ít học. Và chắc tôi sẽ luôn nghĩ mình là một phụ nữ hết lòng vị tha, nếu như không có một ngày tôi gặp lại Quang.
Anh  nhìn tôi ngỡ ngàng. Quang của mười năm xa cách, trở nên bệ vệ, phong trần tự tin và lịch lãm trong vai trò là một CEO của công ty mà tôi mới vừa được tuyển dụng.
- Hết giờ làm việc anh mời em đi uống cà phê. Anh muốn mình nói chuyện với nhau một chút, đã lâu rồi không gặp, được không em?
- Anh nghĩ tôi và anh còn có gì để nói với nhau sao? Nếu anh muốn giải thích vì sao ngày đó anh bỏ rơi tôi thì xin lỗi tôi không có nhu cầu.
Mặc dù trả lời Quang như vậy nhưng tôi vẫn đi cùng anh vì một chút hiếu kỳ và cái chính là tôi muốn chứng tỏ mình, tôi muốn cho Quang thấy tôi bây giờ sau mười năm không phải chỉ đứng dậy mà còn đi tới.
Chọn một góc ngồi sát ô cửa kính trong Skyview, Quang kêu cho tôi một cam vắt không đường và cho anh một cà phê đá (cám ơn anh vẫn còn nhớ sở thích này của tôi). Từ trên tầng thứ mười ba của Diamond Plaza nhìn xuống, một góc Sài Gòn vừa lên đèn hiện ra huyền ảo, lung linh bởi sắc màu. Mảng thảm xanh rờn mà Công viên 30/4 trải ra giữa lòng thành phố làm cho đêm Sài gòn dịu dàng một thoáng hoang sơ.
Thành phố này với tôi từ lâu đã là nơi cưu mang, nâng đỡ và chia sớt vui buồn. Tôi ơn Sài Gòn, ơn mảnh đất đã cho tôi một cuộc đời thứ hai. Sài Gòn giống như một tòa lâu đài có hai cánh cổng. Cánh cổng trước mở ra một thế giới đầy quyền lực với đủ sự hào nhoáng, sành điệu. Và một cánh cổng sau là chốn dung thân của những phận đời cơ cực nhọc nhằn, lặn lội mưu sinh. Mười năm trước, tôi đã một mình bước qua cánh cổng sau của Sài Gòn.
Trái đất thì tròn nhưng Sài Gòn muôn nẻo, tôi lang thang trên khắp các ngả đường lật mặt từng người đàn ông lên để tìm Quang đến mỏi mòn kiệt sức. Đã có một lần tôi nghĩ đến cái chết, bỗng dưng tôi đưa tay sờ lên bụng mình rồi nghĩ đến số phận. Hôm ấy ở bệnh viện, chỉ cần tôi nán lại một vài phút nữa thôi thì cái sinh linh bé nhỏ này đây đã không còn cơ hội có mặt trên cõi đời này nữa. Chắc chắn số phận đã dành tặng nó cho tôi. Thế là tôi quyết định sống.
Ngày trở dạ, một mình tới bệnh viện sinh con, một mình ôm con trở về nhà trọ. Nhìn gưong mặt thiên thần bé bỏng đang mê giấc trong tay, tôi thấy ở đó một sức mạnh vô biên và tôi biết từ đây tôi sẽ không cô độc trên đường đời. Chị chủ nhà trọ là một người đàn bà nhân hậu, cám cảnh mẹ con tôi chị hay qua lại hỏi xem tôi có cần giúp gì không. Một bữa, chị sang chơi nhằm lúc tôi đang cho con bú, con bé ngoạm đầy vú mẹ, trân mình nuốt ừng ực, trán vã mồ hôi. Chưa hết sữa một bên vú, nó đã no nê ngủ thiếp ngon lành. Bên vú còn lại, sữa chảy ròng ròng. Chị chắt lưỡi:
- Chèn ơi, em mát sữa ghê, sữa chảy vầy uổng quá. Chẳng bù con gái chị mới sanh có bốn tháng mà đã mất sữa. Hỗm rày nó đi làm, chị tập cho thằng nhỏ bú bình, chưa quen, cu cậu quậy dữ quá. Hay chị ẵm thằng nhỏ qua em cho nó bú thép với nghe.
- Dạ! Nếu chị không chê em rất sẵn lòng.
- Quí quá chớ chê nỗi gì. Em thiệt tình…
Cùng với Luyến Thương thằng bé lớn nhanh bụ bẫm khoẻ mạnh, tôi được trả công bằng miễn phí tiền nhà, cũng không phải lo bữa ăn cho đến khi hai đứa nhỏ tới tuổi cai sữa mẹ. Tội nghiệp Luyến Thương, vừa sinh ra đời đã biết san sẻ gánh nặng áo cơm với má. Nó xinh đẹp, dễ thương như vậy nhất định phải được sống tử tế ăn học đàng hoàng. Nghĩ là làm, tôi gởi nó vào nhà trẻ, ban ngày đi phụ quán cơm, ban đêm tới trung tâm giáo dục thường xuyên học bổ túc. Luyến Thương được nhà trường tội nghiệp cho theo má vào lớp.
Nó ngoan ngoãn nằm bên cạnh ngủ ngon lành cho má học. Mỗi khi thấy mình đuối sức, tôi nhìn con, nghe giọng nói, tiếng cười là bao khó nhọc tiêu tan. Đó là những ngày tôi có thể vừa học vừa làm mỗi ngày hai mươi tiếng, có thể ăn mì gói liền tù tì trong hai tuần lễ. Khi Luyến Thương vào học lớp ba thì tôi cũng vừa tốt nghiệp đại học.
Tôi đang nghĩ không biết có nên kể cho Quang nghe câu chuyện của mười năm bắt đầu từ cái ngày mưa dai dẳng đó không. Tôi muốn xem anh sẽ phản ứng như thế nào khi biết tôi đã rời khỏi bệnh viện trước khi cô y tá kịp gọi tên mình. Tôi muốn anh chứng kiến một tôi hoàn toàn khác xưa, kiên cường, thành đạt và hãnh tiến.
Tôi muốn cho anh thấy bỏ rơi tôi là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời anh. Không phải tôi nhận lời đi cùng với anh vì mục đích ấy hay sao? Trong khi tôi còn chưa kịp nhận ra tôi xa lạ với chính mình thì anh lên tiếng, giọng ngập ngừng:
- Em uống nước đi. Em sống sao rồi?
Tôi nhìn Quang, ngạc nhiên trước câu hỏi nghe thật đơn giản như một lời thăm hỏi của hai người bạn bình thường lâu ngày mới gặp. Một cái gì đó giống như sự hụt hẫng, hay là nỗi thất vọng ê chề, khiến tôi tức nghẹn, tôi trả đũa :
- Tôi sống thế nào tới bây giờ anh mới muốn biết sao? Trước đây, tôi sống như  thế nào thì tôi cũng đã sống qua rồi. Còn sắp tới, tôi chưa sống tới nên làm sao biết được.
Có lẽ Quang bất ngờ trước thái độ của tôi. Anh lúng túng, dè dặt.
Tôi cũng thấy mình cần thoát ra khỏi tình cảnh này:
- Xin lỗi, tôi chợt nhớ ra tôi có cái hẹn. Cám ơn anh, xin phép anh tôi về trước.
Tôi tuột xuống đất, đi lang thang dọc phố. Tôi cần lấy lại cân bằng trước khi trở về nhà, nơi con gái đang chờ tôi. Sài Gòn không có mùa đông, chỉ có một chút lạnh se se của thời khắc giao mùa. Gió liu riu đủ để những chiếc lá trên tán me già kia thầm thì với nhau về những điều bí ẩn của cuộc sống và đủ để làm ngọn lửa trong lòng tôi dịu lại.
Không phải từ lâu tôi đã không còn sân si với quá khứ rồi sao. Tôi về đến nhà, con gái đang ngồi chơi xếp hình với cu Bin (thằng bé đã từng bú chung với nó hồi nhỏ), chị chủ nhà ngồi xem tivi đang hát cải lương tuồng Lan và Điệp. Thấy tôi về chị xởi lởi:
- Thấy tối quá mà em chưa về, chị với cu Bin qua chơi cho bé Thương đỡ buồn.
Thương chạy lại ôm tôi nói chen vào:
- Con đã nói với cô Hai rồi, con không sợ đâu, con rất “kiên cường”  mà cô Hai không tin đó má.
Chị Hai chủ nhà và tôi cùng cười xòa vì cách nói của Luyến Thương. Bây giờ tôi và chị đã giống như ruột thịt. Mười năm, dãy nhà trọ đã không biết bao nhiêu lần tiễn người đi, đón người về. Tôi vẫn gắn bó với nơi đây và xem nó như ngôi nhà của chính mình, bởi rất nhiều lẽ, nhưng trên hết là vì ở đây tôi đã tìm thấy sự ấm áp thâm tình mà chị Hai đã dành cho hai má con tôi. Thấy tôi từ trong nhà tắm bước ra, chị nhìn tôi một lượt từ trên xuống và dừng lại nơi khuôn ngực đầy đặn nhấp nhô đằng sau làn vải mỏng tanh của chiếc đầm ngủ màu hồng nhạt. Chị ý nhị đưa tay tắt truyền hình (vì biết tôi không thích tuồng Lan và Điệp) rồi nheo mắt:
- Mày vậy mà cứ ở một mình hoài phí của trời quá. Tao thấy còn muốn động lòng… ham.
- Chị nói nghe ghê thấy bà. Thời buổi này hai người cùng phái mà nhìn nhau quá một giây là có vấn đề rồi chứ đừng nói còn “phát biểu cảm tưởng” kiểu đó.
Rồi tôi lại ngồi kề bên, ghé tai chị:
- Em vừa mới gặp lại ba bé Thương.
Chị tròn mắt nhìn tôi thì thào:
- Thiệt hả? Rồi sao?
- …Vậy đó. Chắc em đi kiếm chỗ khác làm quá chị.
- Hai năm nay em cứ đi làm tạm bợ chỗ này chỗ nọ, giờ mới được tuyển vào một công ty danh giá lại đúng với chuyên môn em nghĩ dễ dàng mà có cơ hội vậy sao. Việc họ họ làm, việc mình mình làm, thủng thẳng rồi tính tiếp.
- Dạ.
- Thôi khuya rồi chị về cho cu Bin ngủ.
Một tháng sau đó tôi không thấy Quang lần nào nữa. Anh có việc phải ra nước ngoài. Cuối năm việc công ty bề bộn. Tôi không có nhiều thời gian dành cho mình. Tôi xếp lại những ý nghĩ loanh quanh về Quang. Trần gian  bao la, biển người vô tận, làm sao mà tôi lại gặp Quang đúng vào lúc tôi đang bắt đầu công việc thuận lợi và tốt đẹp như vậy. Sao tôi lại về đúng chỗ của anh mà không phải là một nơi nào khác cơ chứ. Lại còn Luyến Thương nữa, nó là đứa trẻ có cá tính.
Từ bé, Luyến Thương luôn được tôi chỉ cho thấy những đứa con phải sống trong gia đình có người cha vô trách nhiệm, nát rượu, bê tha, bạo lực là như thế nào. Tôi luôn kể cho nó nghe về tấm gương học giỏi thành đạt của những đứa bé mồ côi cha. Tôi không thích người ta trầm trọng hóa vấn đề không cha của một đứa trẻ. Tôi  muốn con gái tôi nghĩ có cha hay không có cha điều ấy đối với một con người không có gì là nghiêm trọng lắm. Không có cha vẫn tốt hơn có một ông bố không ra gì. Luyến Thương tiếp thu rất tốt.
Nó chưa bao giờ hỏi tôi về người đàn ông đã dự phần vào công việc tạo ra nó. Nhưng đó là khi tôi nghĩ không bao giờ hai má con tôi còn gặp lại Quang trong suốt cuộc đời này. Còn bây giờ thì người cha bằng xương bằng thịt của con tôi đang ở ngay đây. Tôi phải làm gì bây giờ?
Quang về, mang theo thắng lợi lớn về một hợp đồng với nước ngoài. Lễ tổng kết cuối năm kết hợp với ăn mừng sự kiện trọng đại đó, được tổ chức thật hoành tráng ở một nhà hàng sang trọng . Sau phần nghi thức, là thời gian dành cho cuộc liên hoan. Người ta chúc tụng hoan hô, tâng bốc nhau lên tới tận mây xanh. Thức ăn được lần lượt mang ra sực nức đủ thứ mùi vị. Sâm banh khui lốc bốc. Tiếng cốc chạm nhau. Những ly bia sóng sánh sắc vàng. Tôi đưa mắt tìm Quang, anh lẫn giữa đám đông vây quanh, và chìm trong những âm thanh ầm ào huyên náo. Tôi dắt tay con gái ra ngoài.
Hai mẹ con ngồi xuống cạnh hồ cá trong hoa viên nhà hàng. Luyến Thương thích thú ngắm say sưa những chú cá đủ màu sắc đang lượn lờ dưới mặt nước phản chiếu ánh đèn lung linh. Gần đó có một phụ nữ mặc chiếc váy hoa bên ngoài phủ một lớp voan mỏng dài tận gót, phía trên hở một mảng vai rộng, đẹp kiêu sa và quyến rũ. Đôi mắt với rèm mi dài và suôn làm cho gương mặt phúc hậu của chị đượm vẻ buồn hiu hắt. Chị rời chiếc ghế đá kê dưới gốc cây sứ già đi lại phía chúng tôi. Chị cười thật tươi, nhưng vẫn không đủ làm cho gương mặt rạng rỡ hơn lên một chút:
- Con gái cô phải không? Sao hai mẹ con ra về sớm vậy?
Tôi nghĩ đó là một câu xã giao hơn một lời thăm hỏi nên  chỉ khẽ gật đầu đáp lại mà không nói gì. Chị  ngồi xuống cạnh bên nhẹ nhàng đưa tay vuốt tóc Luyến Thương, con bé ngẩng lên nhìn chị mỉm cười. Tôi thoáng thấy trong mắt chị ánh lên một thứ tình cảm lạ lẫm, một cái gì đó như muốn vỡ oà  lại như  muốn dồn nén. Chị ngước nhìn tôi không giấu được cảm xúc:
- Cháu dễ thương quá.
- Cám ơn chị đã khen. Chị là khách mời? (nhìn cách ăn mặc của chị tôi áng chừng như vậy).
- Tôi đi cùng nhà tôi, anh Phan Quang đó.
Thì ra, đây chính là tình địch của tôi. Tự nhiên tim tôi đập mạnh và nhanh đến nỗi tôi phải đưa tay lên giữ nó lại.
- Xin lỗi. Tôi mới vào làm nên chưa được biết chị. Chị thông cảm.
Chị không trả lời tôi, ánh mắt chị dịu dàng chứa chan tình cảm, chị nhìn Luyến Thương như là ngắm nghía, như là tận hưởng. Thì ra, Luyến Thương mới chính là nguyên nhân khiến chị bắt chuyện làm quen với tôi. Tôi thăm dò:
- Anh chị có mấy cháu ?
Chị lắc đầu cười, nụ cười như cố:
- Chúng tôi không có con cô ạ!
Tôi bị bất ngờ trước câu trả lời của chị đến nỗi không biết nói gì để đừng trở thành vô duyên. Tôi vụng về lấp liếm:
- Có nhiều khi do chậm con đó chị. Tôi còn biết có người đến năm, sáu năm mới sinh con.
Chị chừng đã quen với kiểu an ủi lấy lệ như vậy:
- Chúng tôi lấy nhau đã mười năm rồi đó chứ.
Đã thấy mọi người lần lượt đi ra, trong kia chắc tiệc đã tàn. Tôi vội vã chào chị để tránh một cuộc chạm mặt, nhưng không kịp. Quang đến bên vợ:
- Mình về thôi em.
Ánh mắt anh chạm vào tôi, một thoáng thật nhanh đủ cho người đàn ông từng trải như anh đẩy lên đầu những cảm xúc của con tim. Anh nhìn tôi xa lạ:
- Chào em. Tôi đưa bà xã về trước.
Tôi nhìn theo anh, ứ nghẹn. Rồi tôi sẽ cho anh biết anh cũng có một đứa con, nó là khát khao cháy bỏng của cuộc đời anh, lớn hơn cả sự nghiệp, tài sản, địa vị mà anh hiện có, và nó đang ở trong tay tôi. Một quyết định mà trước đây mấy phút tôi còn chưa nghĩ tới.
Tôi mang ý nghĩ ấy vào cả trong giấc ngủ. Sáng dậy, còn thấy hai bàn tay mình nắm chặt. Tôi xòe tay ra cho mọi thứ lọt qua kẽ ngón. Còn lại nỗi đau đớn, hờn ghen và tủi phận, tôi úp mặt vào gối khóc nức nở, khóc tự nhiên, khóc như… người ta vẫn thường khóc khi cần khóc, khóc rũ rượi, khóc mềm người ra, bao nhiêu nước mắt bị nuốt ngược vào trong suốt mười năm (mười năm tôi không cho phép mình khóc) giờ được dịp tuôn ra.
Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra chính tôi, không cố lên gân, không cố ra vẻ. Và khi chính thật là mình thì tôi không thể chối cãi được: tôi vẫn còn yêu Quang biết chừng nào. Tôi không thể chối cãi được, tôi cũng từng khát khao có một người đàn ông đi bên cạnh cuộc đời mình. Cũng từng  nghĩ về người cha cho mọi đứa trẻ trên đời, dù đó là một ông bố không hoàn hảo.
Trong khi tôi đang loay hoay với suy nghĩ đó thì Quang vẫn kiên trì với những cuộc hẹn gặp không bao giờ được tôi đáp lại, những tin nhắn không bao giờ được tôi trả lời, mặc dù ngày tôi vẫn thường xuyên mở email chờ thư, đêm vẫn đều đặn đợi nghe âm báo tin nhắn, tôi đọc thấy ở đó nguyên vẹn sự thương yêu và tin cậy. Tôi biết mình đã tha thứ cho anh.  
Sinh nhật lần thứ mười một của Luyến Thương. Buổi sáng, chị Hai giúp tôi đi chợ mang về mấy món thức ăn đã được Luyến Thương và cu Bin lên thực đơn từ tối hôm trước. Thấy tôi đang lui cui cắt tỉa mấy nhánh cát tường để cắm vào lọ, chị lên tiếng:
- Sao giờ này em chưa đi lấy bánh?
- Em dặn đằng cửa hàng lát nữa họ mang lại cho mình rồi chị.
- Ừ, vậy cũng tiện.
Rồi chị ngồi xuống bên tôi ra vẻ bí mật:
- Luyến nè. Hồi sáng bé Thương dặn chị mua cho nó ba cây nến.
Chị vừa nói vừa lấy trong giỏ ba cây nến mở ra cho tôi xem. Tôi ngạc nhiên:
-  Nến em đã mua rồi, mười một ngọn chứ, sao lại ba cây?
-  Chị cũng không biết mà nó dặn chị phải mua đủ ba màu vàng, xanh, hồng, còn dặn chị giữ bí mật.
- Vậy mà chị nói với em.
- Ừ hén!
Chị Hai như sực nhớ, chị cười ngất.
Mười năm qua, khách mời sinh nhật của Luyến Thương không hề thêm bớt, vẫn là chị Hai và cu Bin. Bé Thương mặc áo đầm trắng, giày trắng, vớ trắng, đội trên đầu một vòng hoa trắng trông xinh xắn như một thiên thần trong đêm thánh lễ. Nó chắp tay thì thầm cầu nguyện. Đêm vời vợi trong ánh nến lung linh. Lòng tôi ngập tràn hạnh phúc như thể bấy nhiêu cũng là quá đủ cho một đời người. Chị Hai “đại diện” cu Bin tặng quà sinh nhật cho Luyến Thương, một chú gấu bông thật to. Chị nói:
-  Chúc mừng sinh nhật Luyến Thương, cô Hai chúc con gái chóng lớn, xinh đẹp, khoẻ mạnh, học giỏi và ngoan ngoãn. Bây giờ tới tiết mục văn nghệ đi. Luyến Thương tâm sự với cô Hai có bí mật mà phải không?
Luyến Thương cười rạng rỡ, nó chạy vào trong mang ra ba ngọn nến đặt lên bàn, cúi chào điệu nghệ và nắm bàn tay lại đưa lên miệng giả làm micro:
- Sau đây ca sĩ  Luyến Thương xin hát tặng mọi người bài hát Ba ngọn nến lung linh: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, la là lá la la, thắp sáng một gia đình…” Tôi như con ốc mềm muột không còn cõng nổi trên lưng mình cái vỏ cứng cáp nặng nề. Tim tôi thắt lại. Lòng tôi tan nát. Mắt tôi cay xè.
Quang từ đâu hiện ra ngang cửa, chỉ một mình tôi biết người đàn ông ấy và người phụ nữ đi bên cạnh anh là ai. Trong khi tôi còn sững sờ chưa kịp phản ứng thì chị Hai lên tiếng:
- Khách nhà mình hả Luyến? - Rồi chị quay qua hai người - Mời cô chú vào nhà.
Tôi nhanh trí níu lấy mối quan hệ đồng sự để hóa giải tình thế:
- Em giới thiệu với chị Hai, đây là sếp của em, anh Phan Quang và chị nhà. Còn đây là chị Hai chủ nhà trọ, thằng bé cháu ngoại của chị Hai, còn đây là con gái tôi.
Ngoài miệng tôi đang giới thiệu mọi người với nhau nhưng trong đầu tôi lại cố đoán xem chuyện gì sắp xảy ra. Nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ ra được một chút gì.
Trước mặt tôi không phải là một Quang với cái vẻ đường bệ, tự tin  và khí thế. Anh e dè, bối rối, mỏng manh. Người phụ nữ tôi đã gặp một lần, hôm nay không còn nét kiêu sa diễm lệ, chị đẹp bình dị, chân phương và phảng phất buồn. Câu chuyện bắt đầu từ chị.
Chị bắt đầu câu chuyện lan man, rối rắm, lộn xộn. Và kết thúc bằng cái lần chị nhìn thấy Luyến Thương. Lập tức chị thấy nó vô cùng quen thuộc, gần gũi và yêu thương. Nó đánh thức giác quan thứ sáu trong người phụ nữ của chị. Cảm giác bất an, chị để ý lắng nghe những lời xì xầm của mọi người. Chị tìm hiểu thông tin về tôi. Chị quan sát anh, kiểm tra tin nhắn điện thoại (điều này thật dễ dàng vì anh không hề cảnh giác bởi đó không phải là thói quen của chị).
Chị không biết bắt đầu từ đâu để khởi sự cho cuộc ghen tuông này. Chị ngắc ngứ như gà mắc tóc. Nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ cho một người đàn ông bản lĩnh như anh nhận ra vấn đề. Anh thẳng thắn thừa nhận đó là một cuộc tình thời trai trẻ mà anh đã nông nổi để lại cho bạn mình sự mất mát lớn lao và anh biết mình có lỗi. “Vậy còn…”. “Em muốn nói còn cái gì?”. Chị kịp nhận ra anh không hề biết đến sự có mặt của một đứa trẻ. Chị im lặng. Sự im lặng không làm cho lương tâm chị an nhàn. Con bé xinh đẹp là vậy, vừa gặp chị đã thấy thương quá chừng.
Nó giống Quang như đúc. Đó là một đứa trẻ, nó không dự phần vào những sai lầm của người lớn, nó cần có cha. Cũng như Quang, anh cần có một đứa con… Không. Rồi “tình cũ không rủ cũng tới”, huống gì giữa họ còn có một đứa con, sợi dây cốt nhục thiêng liêng ấy làm sao mà không nối họ lại. Chị thấy mình không đủ rộng lượng, không đủ cao thượng, bác ái và từ bi, không đủ đức tin về sự “ở hiền gặp lành”. Nhiều lần chị xua đi và không ít lần chị nghĩ đến, cứ vậy những ý nghĩ đan xen, chồng chéo, rối ren thường trực trong đầu làm chị ngột ngạt.
Chị nghĩ tới Quang, tới một đứa con mà chị không thể cho anh, tới niềm hạnh phúc vô biên của đứa trẻ tìm thấy được cha… Khi không còn loay hoay chỉ nghĩ cho riêng mình, khi mở lòng ra nghĩ đến mọi người, lòng chị thật nhẹ nhàng. Chị thấy mình hạnh phúc hơn  niềm hạnh phúc lớn lao mà chị sẽ mang lại cho Quang.
Câu chuyện dài quá, nó làm chị gắng sức, chị không khóc nhưng có đôi chỗ lạc hẳn giọng. Chị bấu chặt tay Quang. Luyến Thương hình như loáng thoáng hiểu được câu chuyện có liên quan đến nó. Riêng tôi, từ ngày gặp lại Quang, tôi biết tôi sẽ phải đối mặt với những ngày không bình yên, ít ra là với chính mình.
Nhưng quả thật sự việc xảy ra ngày hôm nay là một sự đường đột vô cùng mà tôi không xử sự nổi. Quang nhìn vợ với ánh mắt hàm ơn, tôi chịu không nổi ánh mắt ấy. “Phật dạy, lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung, Luyến ạ! Vì con đi em!”. Chị Hai nói với tôi, thật khẽ, nhưng cũng đủ làm Quang nghe rõ. Câu nói tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho anh:
- Luyến, anh biết bây giờ mọi lời nói và việc làm của anh, tất cả đều không thể chuộc lại những tội lỗi mà anh đã gây ra. Anh thật lòng xin lỗi em. Anh bất ngờ đến không tưởng tượng nổi khi nghe vợ anh kể về... con… Anh đã tức tốc chạy vào công ty xem lại hồ sơ cá nhân của em ở phòng quản lý nhân sự. Anh mới biết hôm nay là ngày sinh nhật con. Hãy vì con mà tha thứ cho anh. Cho anh có cơ hội nhìn nhận nó.
Trong khi anh nói, chị ràn rụa nước mắt như một người bị dằn vặt, khổ sở vì lâm vào cảnh tình ngang trái, nhưng gương mặt chị không vì thế mà buồn hơn. Chị cầm tay tôi khẩn khoản:
- Luyến bằng lòng nghe. Tôi xin cô.
Ánh mắt mọi người đổ dồn về phía tôi. Giờ đây, khi tất cả đã qua rồi, tôi vẫn không biết tôi đã nghĩ gì khi đó. Tôi nhìn Quang và khẽ gật đầu. Trên bàn, ba ngọn nến lung linh, lung linh. Chị Hai đưa tay vẫy Luyến Thương, con bé nãy giờ ngồi thu lu ở một góc nhà quan sát mọi người. Nó chạy lại ôm siết lấy tôi. Tôi đọc thấy trong ánh mắt con sự cầu cứu được che chở. Quang thấp thỏm cựa quậy trên ghế. Chị Hai gỡ tay Luyến Thương ra khỏi tôi, chị dắt nó lại chỗ Quang:
- Đây là ba ruột của con, con kêu ba đi.
Quang đưa tay ra. Mọi người nín thở chờ đợi cái khoảnh khắc Luyến Thương chồm tới ngã chúi vào vòng tay ôm của Quang gọi ba ơi. Vậy mà không phải. Nó nhìn Quang, rồi ngước nhìn chị Hai:  
- Con không có ba.
(*) trồng cành mắc vào nhau
NGÔ THỊ THU VÂN

P02: Những ngày mưa bão

Bão! Đêm mưa. Ngày mưa. Mưa rả rích, ậm ừ, lắt lay. Gió liu riu lạnh. Bầu trời cứ ngân ngấn nước. Mưa có lúc như oán giận, làm mình làm mẩy với ai, có lúc lại như lặng lẽ cam chịu. Nhớ câu hát cũ: “Đời từ muôn thuở tiếng mưa có vui bao giờ”. Vậy mà có đó.
Đó là những ngày mưa bão thâu đêm suốt sáng. Không đi sửa xe được, ba ở nhà lục mấy miếng gỗ cũ đóng đồ chơi, lấy ống hút bày cho mấy chị em thắt “bánh ú” xâu màn cửa, dạy chị hai nhồi bông gòn vào vải vụn thành mấy cô gái Nhật điệu đàng trong chiếc kimono sặc sỡ. Ba lại tỉ mẩn ngồi xếp con diều bằng giấy tập học trò.
Má không ra ruộng hái rau vì trời mưa chợ ế, ở nhà lục đục đổ bánh xèo bằng bột mì. Bánh xèo da cuốn trong mấy đọt bạc hà non chấm nước mắm tỏi ớt ngon thấu trời đất. Buổi trưa mấy cha con hè nhau tát nước. Nước trên trời đổ xuống. Nước dưới đất chui lên. Nước từ mấy thửa ruộng rau muống bên kia xóm tràn vào. Mảnh sân trước nhà như một dòng sông nhỏ gặp cơn lũ cuốn. Nước cuộn ào ào đổ xuống cái hà làng (*). Thằng út cởi truồng đứng ngập mông chỗ dòng nước xiết, nước cuộn vào “chỗ nhột”, nhột quá nó khoái tỉ cười nắc nẻ.
Chị hai thấy vậy xăn quần làm thử, bị ba cú cái cốc: “Lớn đầu hổng nên thân. Phụ ba tát nước nè. Nước tới nóc nhà bây giờ”. Buổi chiều mưa ngớt hột. Ngoài sân mấy con cá sặc từ dưới hà lãng lội ngược dòng nước lạch bà lạch bạch. Lũ trẻ reo hò. Ba làm chỉ huy thu “chiến lợi phẩm”. Buổi tối, cơm nóng, cá sặc chiên giòn dầm nước mắm tỏi chấm rau muống luộc. No nê, cả đám lên giường trùm mền nghe má kể chuyện đời xưa. Đời xưa thiệt, đời xưa giả nghe mê tơi.
Má kể: “Hồi đó má còn nhỏ, chừng bằng chị hai bây giờ. Tối nào bà ngoại cũng gói bánh ít để sáng đem ra chợ bỏ mối. Má ngồi chơi bên ngoại trên bộ vạt cau. Ngó xuống đất thấy cái mặt vằn vện bự bằng cái nia chao qua, chao lại trên mặt đất, má sợ quá khóc thét lên kêu ngoại. Bà ngoại nhìn không thấy. Ông ngoại nhìn cũng không thấy. Không ai nhìn thấy.
Chỉ một mình má thấy hoài. Cứ trời sụp tối là má thất thần. Ông ngoại rước ông thầy cúng bên Long Hưng qua. Ổng lấy cây chổi cùn quét chuồng heo đập mấy cái lên đầu má, miệng niệm thần chú “úm ba la, úm ba la”. Đêm sau má vẫn thấy. Mỗi ngày cái mặt vằn vện càng thêm rùng rợn. Ông ngoại dọn nhà đi chỗ khác. Má hết thấy.
Căn nhà mới cửa day ra sông cái. Trước nhà là một khoảng sân rộng. Ở giữa sân có cái bàn ông thiên làm bằng mấy miếng vạt cau ghép lại đặt lên trên cái cháng ba cây gòn sống. Góc sân bên phải chỗ lối mòn dẫn ra bờ sông có cây mận xanh, trái bằng cái chung con rồng, da xanh miết, càng chín càng xanh, vỏ mỏng, ruột xốp, ngọt ngán cần cổ. Gian nhà dưới cất kiểu chữ đinh, cũng day cửa ra mé sông.
Ngoài cửa bước vô là đụng cái bàn ăn hình chữ nhựt kê dựa vô cái  “trảng xê” tấn bằng bao cát. Một đêm, nhà chuẩn bị đám giỗ. Bà ngoại với mấy bà gói bánh ở nhà dưới.  Ông ngoại với mấy ông uống trà ở nhà trên. Má với dì Ba ngồi học bài chỗ bàn ăn cơm.
Gió ngoài sông thốc vô rào rào, thổi tắt ngọn đèn dầu làm bằng cái lon thiếc. Má sợ quá khóc rum. Ông ngoại từ nhà trên xuống, bật cái ống quẹt đá xẹt xẹt cả chục cái lửa mới bắt vô được cục bông gòn, rồi ngó quanh quất: “Ủa! con Ba đâu rồi?”. Cả nhà tá hỏa đi tìm, kêu khản cả tiếng, không thấy dì Ba trả lời. Từ kẹt cửa tới chuồng gà, bồ lúa... chỗ nào cũng bị lục tung lên.
Ông ngoại lật úp cái thùng thiết vỗ xèng xèng. Xóm trong túa ra. Xóm ngoài túa vô. Xóm bên sông lộp cộp chống xuồng qua. Kẻ trên bờ. Người lội rạch. Đuốc lá dừa đỏ rực nhấp nhá. Tiếng bàn tán xôn xao. Bỗng má nghe như có tiếng thở đằng sau cánh cửa, tiếng thở nghe quen lắm. Má la lên: “ Em nè ba ơi!”. Ông ngoại chạy vô. Người trên bờ ùa vào. Người dưới sông lóp ngóp bò lên. Bà ngoại kéo cửa ra. Dì Ba đứng co ro, run lập cập, điếng hồn một hồi mới khóc ré lên. Mấy người đàn bà lao nhao: chỗ này nãy kiếm rồi mà, bà có kéo cửa ra hôn, có sao không, sao nãy không thấy.
Bà ngoại dỗ dành: “Sao má kêu con hổng dạ?”. Dì Ba nhỏ nhẻ: “Nghe má kêu con tính dạ mà bị ai bóp miệng lại con dạ hổng được”. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Trong bụng ai cũng nghĩ dì Ba bị ma giấu mà không dám nói ra. Sau đó dì Ba bị sốt mấy ngày li bì mê sảng ú ớ suốt đêm. Ông ngoại lại bàn chuyện dọn nhà đi chỗ khác”.
Mấy thằng nhóc sợ quá lấn nhau, vuột mền, níu kéo, gây gổ. Má không thèm kể nữa, vỗ cho mỗi đứa vào mông mấy cái bẹp bẹp. Cả lũ nằm êm re. Chẳng mấy chốc đã nghe chúng ngáy o...o... Chị Hai không sợ ma, nhưng không biết sao không ngủ được, nằm lăn qua trở lại nghe tiếng mưa rơi nghĩ ngợi mông lung. Má lên tiếng: “Sao hổng ngủ đi Hai?”. Chị Hai đẩy thằng Ut ra, nằm chen vào gần chỗ má: “Bộ có ma thiệt hả má?”. “Ờ! Má cũng hổng biết, nhưng cái mặt vằn vện má có thấy thiệt. Dì Ba bị ma giấu má cũng có thấy thiệt.
Còn chuyện cậu Tư... Ờ! bữa đó má hổng có ở nhà chỉ nghe kể lại”. Chị Hai bỗng thấy ớn sống lưng. Chị nhích sát vô người má. Hơi má ấm và tóc má thơm mùi xà bông Cô Ba làm chị thấy dễ chịu. Chị hỏi: “Chuyện cậu Tư sao má?”.  Má ngáp cái ơ: “Ờ... Bữa đó, ông ngoại đang lui cui tát nước xuồng bằng cái bẹ chuối áp sát vô be tát nước ra sàn sạt, nghe cậu Tư kêu tiếng được tiếng mất: “Ba ơi! Con đi câu với anh Hai Bọ nghe”.Ông ngoại lúc này đã ngừng tay.
Mưa đêm qua rỉ rả hổng thấy gì mà nước muốn nửa xuồng, tát kiểu này biết chừng nào. Ông quăng cái bẹ chuối vô bờ, đứng dang chân lên hai bên be xuồng lắc mạnh, nước sóng sánh tràn ra ngoài. Ông trả lời cậu Tư cũng tiếng được tiếng mất: “Ờ! Đi về sớm sớm nghe mậy”. Hồi ông ngoại nói câu đó cậu Tư đã xách cần câu với cái đục đi qua khỏi gò đất đằng sau chuồng trâu rồi.
Chiều. Ông ngoại đi thăm ruộng về. Nắng đã tuột khỏi ngọn cây rơm cao ngất ngưởng. Mấy con cò trắng táo tác dưới chân ruộng phóng lên lũ lượt có bầy. Nước theo tiếng con bìm bịp kêu đổ về mang theo mấy giề lục bình bông tím trôi lừ đừ. Chuông mõ công phu bên chùa bà vãi Thông chậm rãi buông từng tiếng một.
Cậu Tư cũng chưa về. Ông ngoại hỏi vói sang nhà ông Năm: “Anh Năm ơi! Thằng Bọ đi câu về chưa anh Năm?”. Tiếng ông Năm ho khùng khục: “Thằng Bọ bữa nay vô trong xẻo Lá phụ giậm lúa với chị hai nó, đâu có ở nhà mà đi câu”. Vậy là mọi người lại một phen thất kinh hồn vía hơ hãi đi tìm. Cũng kẻ trên bờ, người dưới sông. Sợ là nó bị vọp bẻ, chớ cái thằng lội như rái sao mà chết chìm được.
Má ngừng kể, trở mình đưa tay đấm vô lưng thùm thụp. Chị hai thò tay ra sau lưng má: “Con đấm cho. Má kể tiếp đi”. “Ờ! Chừng con trăng non mỏng hơn cái lưỡi liềm lú lên khỏi ngọn cây lờ mờ tranh sáng tranh tối thì cậu Tư xách cái đục cá thơ thẩn từ hướng vàm Long Thủy đi vô. Cần câu đâu hổng thấy, còn cái đục đựng toàn đất sét. Miệng cậu Tư cũng toàn đất sét. Cậu nói anh Hai Bọ rủ đi câu rõ ràng.
Hai đứa câu đầy một đục cá. Chừng về tới bụi trâm bầu, thấy chị Sáu bưng xề bánh cồng bánh cam đi bán. Chỉ rủ ăn. Ăn mấy cái cũng hổng nhớ, rồi lăn ra ngủ. Chừng thức dậy, thấy cứng ngắc một họng, móc ra toàn đất sét. Ông ngoại chạy qua nhà chị Sáu. Chỉ nói bữa nay con chỉ bịnh, chỉ hổng có đi bán. Từ đó con nít trong xóm bị cấm không cho chơi chỗ bụi trâm bầu. Còn người lớn hổng ai cấm cũng làm như không có chuyện gì cần đi ngang chỗ đó. Bụi trâm bầu tha hồ mọc, gốc cả người ôm, tán rợp um tùm”.
Mưa đã ngừng rơi, chỉ còn tiếng gió sườn sượt thổi rung rinh mấy tàu lá dừa làm rớt nước xuống mái nhà nghe lốp đốp rời rạc. Bên ngoài đivăng tiếng ba chép miệng: “Thôi nghỉ được rồi ông trời ơi. Mưa bão hoài chết đói hết con người ta”. Chị nghe má thở đều đều, thỉnh thoảng hắt một hơi mạnh ro ro trong cổ họng , biết má đã ngủ say.
Rồi trời cũng thôi bão. Nắng như những sợi tơ trời vàng óng giăng kín cả không gian. Vạn vật trở nên tươi tắn ấm áp. Khoảng sân trước nhà khô ráo mịn màng. Ba lại xách thùng đồ nghề ra lề đường đội nắng, đội gió, bàn tay lấm lem dầu mỡ. Má tất bật luôn tay luôn chân. Không còn bão, không còn những ngày mưa lê thê, có nghĩa là không còn những ngày ba nghỉ làm ở nhà cắt giấy tập dán diều, lấy gỗ vụn đóng đồ chơi, làm trâu làm bò cho mấy thằng nhóc cỡi. Má không còn ở không đổ bánh xèo da gói đọt bạc hà chấm nước mắm tỏi ớt. Tối không còn trùm mền nghe má kể chuyện đời xưa, đời xưa thiệt - đời xưa giả. Thằng út tiếc quá ước gì bão hoài bị má la: “Trông bão hoài đặng chết đói hả?”. Ba bênh: “Nó còn nhỏ, biết gì”.
Ba mươi năm sau, xóm nhỏ ngoại ô trở thành thị tứ. Không còn dấu vết mấy thửa ruộng rau muống. Hai cái ao sen lớn cũng không còn. Hàng phuợng vĩ già nua sần sùi bị cắt ngọn cho dây điện cao thế chạy qua. Một bóng dừa xanh cũng không còn. Chỉ toàn nhà cửa. Nhà lầu, nhà trệt, nhà lớn, nhà nhỏ, chen chúc, chồng chéo nhau như những đường chỉ tay ngoằn ngoèo trong sách tử vi của ông thầy Huỳnh Liên.
Ngày mưa bão, ba ngồi trong ngôi nhà khang trang uống trà, nhìn ra khoảng sân ngắm những chậu bông giấy đỏ rực, tím ngắt. Giàn thiên lý trổ bông thơm ngát. Mấy giò phong lan đung đưa. Lan vũ nữ nhảy múa điệu đàng. Lan hồ điệp rập rờn như cánh bướm. Má nằm trên ghế bố xem truyền hình. Cô đào Lệ Thủy hơn năm mươi tuổi giọng ca vẫn còn mượt mà truyền cảm, vóc dáng vẫn còn xuân sắc, diễn vai Tô Ánh Nguyệt ngồi thêu áo gối uyên ương không biết mấy chục lần, mà lần nào cũng lấy được nước mắt của má.
Thằng cháu nội chạy vô khoe con diều bằng ni lông hình con bươm bướm với những hoa văn sặc sỡ mới mua hai chục ngàn đồng. Thả hết cuồn nhợ năm ngàn nữa là nó bay tới tận mây xanh. Ba nói: “Sao hổng nói ông nội dán cho khỏi tốn tiền”. Đời giờ ai chơi diều bằng giấy tập - nó nghĩ trong bụng mà không dám nói ra. Chậc! Mưa hoài hổng biết sao thả diều nữa, rầu thúi ruột! Hết tuồng cải lương. Tô Ánh Nguyệt được con lại mất chồng. “Phụ nữ thời nào cũng khổ!”. Câu này má nói hoài. Mưa vẩn còn rỉ rả, rỉ rả.
Thỉnh thoảng trời hé một chút nắng lợt nhớt rồi lại mưa, rồi lại nắng. Má nói: “Mưa nấm mối đó ông”. Ba cười: “Má mày lẩn thẩn, nấm mối nào ở đây”. Má quay mặt đi, mắt ngân ngấn nước. Má giận ba. Chắc vậy. Không thèm nói chuyện với ba nữa, má gọi con cháu ngoại lại nằm gần nghe bà kể chuyện đời xưa. Con bé phụng phịu: “Mấy chuyện đó cô giáo kể rồi. Con đang xem Harry Potter mà bà ngoại”. Nói xong nó chạy tuốt lên lầu.
Bây giờ chỉ mình chị Hai là còn thích nghe má kể chuyện đời xưa, thích nằm gần má để nghe hơi má ấm, tóc má thơm. Chỉ tiếc là không phải mùi xà bông Cô Ba như hồi đó. Cái cục xà bông màu xanh ngọc bích in hình cô Ba búi tóc đã quá vãng tự lâu rồi nhưng mùi hương của nó cứ dịu dàng gợi nhớ trong chị mỗi lần nằm bên má. Tuổi già của má nhờ có  chị mà vui. Chị Hai nhờ có má mà có chỗ quay về.
Thằng Út nói: “Nhà này có hai bà cụ. Bà cụ già là má. Bà cụ non là chị Hai”. Chị Hai cười hiền khô. Nụ cười một thời làm nao lòng mấy anh hàng xóm. Má lườm thằng Út: “ Mày nói chị mày vậy hả? Hồi đó một tay nó ẵm bồng tắm rửa  mày đó nghe thằng quỉ sứ”. Thằng Út ráng cãi: “ Vậy mà bày đặt chê sếp con già hổng ưng. Lựa qua lựa lại riết, hổng có một góc tư tình vắt vai với người ta”. Biết nó nói chơi sao chị Hai vẫn thấy chạnh lòng. Nó nói vậy là nói thách cho chị Hai rồi. Thật ra chị cũng đã từng có hơn một góc tư tình đó chớ, bằng hai lần như vậy lận. Nói cho đúng hơn chị cũng từng có một mối tình.
Người ấy yêu chị bằng nửa trái tim, cho chị phân nửa hạnh phúc và lấy đi của chị hết nửa cuộc đời. Chị biết ngay hồi chị mới yêu anh. Anh không hề giấu chị. Chị vui vẻ chấp nhận thứ tình yêu ngọt ngào mà anh ban tặng cho chị giống như người ta ăn một trái bắp có tẩm đường hóa học. Biết ăn vô lâu ngày lục phủ ngũ tạng sẽ “banh ta lông” nhưng vẫn ăn bởi vì nó ngon, nó sướng miệng. Còn hơn phải cạp ba cái thứ lôm côm nhạt nhẽo, xảm xì dù biết nó vô hại. Chị nói: “Ở đời làm gì có cái vừa ngon lại vừa lành”. Thằng Út: “Xí! Tại chị không biết kiếm”. Má thì: “Tại cái số nó vậy”. Ba chẳng ra trách, không ra thương: “Con gái bày đặt văn chương chữ nghĩa cho lắm, chỉ khổ cái thân”.
Sau lần đó, chị Hai về ở với má. Chị không trách ai hết, không giận ai hết. Nhưng thỉnh thoảng cũng thấy tội nghiệp cho mình. Nhất là vào những ngày mưa bão lê thê, nỗi cô đơn cứ như một thứ dây leo còn sót lại một mắt rễ, chỉ chực mưa xuống là vươn vòi quấn riết lấy con tim bé nhỏ yếu ớt của chị. Nhìn mưa chị khóc. Trùm chăn kín lại nghe mưa chị cũng khóc. Vậy sao hồi nhỏ ước trời mưa bão hoài hổng biết. Biết chị Hai chưa quên người cũ, má không còn hát ru câu “trồng trầu” mỗi bận đưa con thằng Út ngủ, sợ chị đau lòng. Chị Hai lại sà vào lòng má, lại bắt má kể chuyện đời xưa, đời xưa thiệt - đời xưa giả. Chuyện đời xưa của má đi vào thơ vào truyện của chị.
Chữ nghĩa làm tâm hồn chị cứng cáp hơn lên. Chị không còn chảy nước mắt khi má hát lại câu “Trồng trầu thì phải khai mương...”. Chị cũng không còn sợ những ngày mưa bão triền miên. Mỗi khi nhớ anh chị quẹt ngang nước mắt đứng dậy mỉm cười. Nhớ câu anh hay nói: “Tự mình ngã, tự mình phải đứng dậy”. Còn chị, chị bị người ta xô ngã mà cũng ráng tự đứng dậy, có sao đâu. Chị thấy mình không còn nông nổi dại khờ cả tin. Chắc là nhờ có những câu chuyện đời xưa của má.
Năm tiếp quản, chỗ bụi trâm bầu ngoài vàm Long Thủy nhà nước cho xây cái đài tưởng niệm bên trong dựng tấm bia ghi dòng chữ: “Nơi này từ năm 1969 đến 1975 là nơi hội họp của Đảng bộ huyện”. Cạnh đó là một tấm bia khác ghi tên liệt sĩ, trong đó có tên cậu Tư. Cả nhà mới vỡ lẽ, bữa đó không phải cậu Tư bị ma dắt cho ăn đất sét. Té ra là không có ma. Nhưng chị Hai không tin. Chị nhất định: “Không có ma quỷ thần thánh làm sao có truyện cổ tích. Không có truyện cổ tích lấy gì má kể cho nghe”.
Ờ! mà thiếu gì chuyện cổ tích không có ma, sao chị Hai nói vậy. Cũng như chuyện tình của chị Hai, mai mốt cũng trở thành cổ tích: “Ngày xưa, có hai người yêu nhau tha thiết nhưng chàng trai chỉ có một trái tim mà phải xếp chỗ cho hai người phụ nữ. Anh cứ loay hoay mãi với lẽ công bằng mà tình yêu thì không cân đo đong đếm được. Nên rốt cuộc có một người thua thiệt lặng lẽ buồn hiu quay về với má, nghe má kể chuyện đời xưa.
(Bến Tre, những ngày bão tháng 6-2004)
(*) chỗ nổi nước lênh láng bên cạnh sông rạch nhưng không sâu
NGÔ THỊ THU VÂN

P03: Mùa gió chướng

Thà chống xuồng qua bên kia sông, mua một xị đế với con khô sặc lò tho, lựa chỗ khuất bóng cây gừa de ra mé sông, nó lấy mũi dầm lách qua sợi dây luộc buộc chỗ be xuồng thọc mạnh xuống sình nghe cái éc, neo xuồng lại.
Một mình Thà ngồi uống nỗi đau ngược vào trong bụng. Nào giờ có biết uống rượu đâu, cho nên mới lưng chai nó đã nằm xải lai dưới khoang xuồng. Chừng tỉnh dậy, trăng nhuộm vàng cả một khúc sông. Ngó qua bên kia bờ, thấy ánh đèn măngxông còn sáng giới, lại nghe tiếng đờn ca rôm rả, nó biết đám cưới chưa tan.
Đứng trước cái cảnh trời nước mênh mang giữa đêm khuya thanh vắng, người bình thường còn nôn nao bổi hổi cõi lòng, huống gì một thằng đang thất tình tan nát con tim như Thà. Nó ngồi bó gối  nhìn trời nhìn đất nghĩ ngợi  mông lung.
Nghĩ thương ông già nó suốt tháng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cả cuộc đời lẽo đẽo theo sau đuôi con trâu. Mấy năm mặc không cũ cái áo bà ba vải tám. Còn má nó tuổi mới ba mươi đã nách bốn đứa con. Đẻ chưa đầy tháng, nửa đêm lội dọc mé sông mò từng con hến.
Đang nghĩ tới đây, hổng biết thằng nào bên đám cưới bắt chước giọng Út Trà Ôn mùi rệu: “Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai!”. Tự nhiên lòng dạ thằng Thà giống hệt có ai lấy kim xăm nát như người ta xăm củ gừng trước khi xên mứt. Trong giây phút cám cảnh phận mình ấy, bỗng nhiên nó nhớ đứt ruột mái tóc dài thoảng mùi bông bưởi, nhớ màu da bánh mật với đôi mắt lá răm lúng la lúng liếng của con Hường, người con gái đang bận áo cô dâu đứng kế thằng Phúc - chú rể đáng băm vằm kia, cái thằng bạn đã cùng Thà trải qua một thời thơ ấu với biết bao kỷ niệm buồn vui sướng khổ trên cái doi đất cheo leo này.
Nhưng nghĩ cho cùng thằng kia đâu có lỗi gì. Chỉ tại Thà mặc cảm nhà nghèo nên thương thầm nhớ trộm không dám nói ra, mà cũng tại má nó nữa, chớ chi mỗi lần đưa thằng Út ngủ bả đừng có một câu hát hoài “Ví dầu nhà dột cột xiêu. Muốn đi nói vợ sợ nhiều miệng ăn”…  Nghĩ tới nghĩ lui, chịu hổng thấu, nó rút cây dầm lên nghe cái ọt dạo dạo xuống nước rồi vít mũi xuồng đâm thẳng ra vàm Cai Tổng bơi riết… bơi riết...
Xúc động bởi tấm chơn tình của anh bán chiếu, rồi nghĩ mình cũng na ná như vậy, cũng ôm một mối tình trọn đời không dễ gì phai, thằng Thà dông tuốt vô Cà Mau mua chục đôi chiếu bỏ xuống xuồng bơi vô mấy xóm trong rao bán. Ai có tiền nó lấy tiền. Ai có lúa nó đổi lúa. Lúa đem vô nhà máy chà ra gạo, bơi về chợ Cà Mau đong lại cho bạn hàng.
Tính ra một vốn bốn lời. Bỏ nghề bán chiếu nó day qua làm hàng xáo. Nhưng cái thân đàn ông con trai ở một mình cũng giống như có cái đăng mà không có cái đó, nên tiền kiếm được bao nhiêu sạch nhách bấy nhiêu. Thà quyết định quay về. Ai có tha hương mới biết cái tình quê nó lạ lắm, nó như núm níu bước chân người ta bắt phải quay trở lại.
Thà trở về đúng vào mùa gió chướng, mới hay má nó đã qua đời. Đêm thao thiết trở mình nghe tiếng gió, tiếng tàu dừa quơ ràn rạt, hương lúa trổ đòng thơm mùi con gái, nghe tiếng chày quết bánh phồng thình thình, tiếng mái dầm khua lõm bõm, Thà giật mình bấm đốt ngón tay, buông tiếng thở dài “Sắp tết!”. 
Nhà không có đàn bà, chái bếp trống huơ. Con mèo mướp chê tàn tro lạnh đêm đêm sang nhà hàng xóm tìm chỗ ấm thân. Cái lò tráng bánh không biết tự bao giờ thành ổ cho gà đẻ trứng. Thương bàn tay anh đàn ông vụng về, xót thằng bạn số phần hiu quạnh, thằng Phúc cho con Hường qua gói giùm mấy đòn bánh tét, quết cho vài chục bánh phồng, kho giúp nồi thịt heo, muối sẵn mấy cây dưa cải…
- Anh Thà đi đâu mà biệt tăm biệt tích mấy năm trời dữ vậy?
- Tui vô trong Cà Mau.
- Mần giống gì ở trỏng?
- Có mần gì đâu. Tui đi để quên…
- Quên cái gì? Rồi anh có quên được hôn?
- Quên cái gì tui cũng hổng biết. Mà rốt cuộc có quên được gì đâu.
- Anh trả lời kiểu gì trớt quớt vậy?
- Thì đó, trớt quớt…
Hường bặm môi, nó nhón chân nắm chặt cái quai đảo mạnh chảo nếp xào trên bếp chuẩn bị gói bánh.
Những tưởng bỏ đi bốn năm trời cái tình của thằng Thà đối với con Hường đã nguội. Dè đâu gặp lại, Thà như hột lúa giống khô quắt khô queo trong bồ giờ gặp nước nứt nanh bung vỏ. Ba mươi sáu chước nó đã dùng chiêu bỏ chạy rồi. Không xong. Giờ biết làm sao đây trời!
- Mưa rồi kìa. Sao anh ngồi thừ đó? Chạy ra quơ mấy tàu lá vô để ướt.
Ông trời dã man thiệt, tháng chạp mà mưa. Hổng hiểu nổi (thiệt ra, chỉ có con người phàm tục ở cái chỗ nhân gian đầy lộn xộn này mới hổng hiểu, chớ ông trời ổng mà ra tay làm cái gì thảy đều có ý đồ riêng của ổng). Mưa bất thình lình, con Hường sợ thằng Thà gom lá không kịp, nó lật đật bắc chảo nếp xuống chạy ra gom phụ.
- Sao không lấy cái nón đội lên, ướt lạnh làm sao? - thằng Thà nói trống không.
- Mưa lắt rắt mà ướt át gì. - con Hường cũng trả lời trống không.
- Để lá tui rọc cho. Khăn nè lau đi. Nước mưa thấm vô ngực bệnh đó.
Hường nhìn xuống chỗ ngực áo nó bị nước mưa bết dính vào. Nó bối rối. Thằng Thà làm như mải mê rọc lá. Nhưng tình thiệt là nó đang rọc vô tay, máu nhểu từng giọt. Hường hoảng quá, buông khăn chụp ngón tay thằng Thà đưa lên miệng. Trống ngực thằng Thà dội binh binh. Con Hường nhắm mắt lại nút miết...
Chừng nghe ngộp thở đuối sức, Hường quảy đạp hai chân làm mấy xấp lá chuối rớt xuống đất nghe cái sạt. Nó thảng thốt, cảm giác như có cái cối đá đang xoay tròn nghiền nát cơ thể nó. Nó cong người lại như con tôm nằm trên lửa. Hai tay quờ quạng bấu víu vào khoảng không bơ vơ. Ông trời nhìn thấy ráo trọi, ổng cười cười hất nguyên một xô nước xuống tối mặt tối mũi.
Hường về tới nhà trời cũng vừa nhá nhem tối. Thằng Phúc ra mở cửa:
- Cơm anh nấu rồi, em tắm rồi ra ăn.
- Thôi! Anh bới một tô ăn đi. Em ăn bên nhà anh Thà rồi. Em đi tắm cái đã.
Thằng Phúc thấy hình như  nó còn vụng về hơn cả thằng Thà. Chiên có con cá mà cũng để cho khét lẹt đắng nghét. Giờ bưng tô cơm vít hoài nuốt không vô. Nghe tiếng xối nước ào ào trong nhà tắm, Phúc thấy thương vợ quá, nhưng nghĩ lại thấy thương mình hơn. Nó vô buồng nằm ngó lên nóc mùng nghĩ ngợi lan man. Chừng đã lâu không thấy vợ vô, nó lên tiếng:
- Hường ơi! Em vô anh nói chuyện này, cái gì để đó mai làm. Người tính hổng bằng trời tính đâu.
Hường bước vô giở mùng nằm xuống cạnh bên. Thấy chồng làm thinh miết, nó hồi hộp tính hỏi  nhưng lại lo lắng không biết chuyện gì nên thôi.
Không ai biết vì sao thằng Thà lại bỏ xứ ra đi lần nữa. Người thì nói mấy năm ở Cà Mau chắc nó có vợ ở trỏng. Kẻ lại đồn rằng nó thiếu nợ bị người ta tìm tới xứ để đòi, sợ mang xấu nên bỏ đi. Chỉ có con Hường là biết tại sao. Có điều nó không ngờ thằng Phúc cũng biết. Nó không ngờ cũng phải, bởi cái bữa ông trời cười cười hất nguyên xô nước xuống tối mặt tối mũi, thằng Phúc đứng ngay sau liếp cửa nhà thằng Thà chớ đâu, ổng còn hổng thấy (là do bữa đó vô tình thấy trời mưa nó chống xuồng đem cái áo mưa qua tính rước vợ về).
Không ai ăn rồi ở không đi bàn chuyện thiên hạ, nhưng ngặt nỗi trong thiên hạ lại không ngớt chuyện phải bàn. Cũng như chuyện con Hường lấy chồng bốn năm không đẻ. Bà già chồng nó đi ra đi vô mắng chó chửi mèo. Thằng Phúc thương vợ, cũng muốn nghe lời người ta đi khám bác sĩ coi thử ra làm sao. Nhưng sợ nếu lỗi tại con Hường thì vô tình làm cho vợ nó phải gánh thêm áp lực “cây độc không trái gái độc không con”. Còn nếu như lỗi tại nó thì làm cái thằng đàn ông mà không có khả năng truyền giống còn đâu là sĩ diện. Nó lần lữa mãi… Vậy rồi, cuối cùng con Hường cũng có thai.
Hơn  chín tháng sau ngày thằng Thà bỏ đi, con Hường trở dạ sinh con. Thằng Phúc lính quýnh chạy tới chạy lui láng lình cả một khúc hành lang nhà bảo sanh. Chừng nghe tiếng trẻ oe oe, nó nhào vô nựng nịu con Hường rồi xoay qua mân mê đứa nhỏ, nói thầm trong bụng: “Con của vợ mình đẻ là con mình. Thây kệ”.
Đêm đó con Hường thấy bụng đau nhoi nhói, Phúc an ủi vợ: “Chắc là đau bụng máu, anh thấy hồi đó má sanh thằng Út cũng bị như vậy”. Nói rồi nó lấy chai nước nóng ủ trong cái khăn lông lăn qua lăn lại trên bụng vợ. Bụng con Hường ngày càng đau. Hừng sáng, lúc cô mụ tới thăm thì con Hường đã đuối sức.
Ghe chở nó lên bệnh viện tỉnh vừa ra tới đầu vàm, nó leo lét nhìn chồng như muốn nói điều gì. Thằng Phúc ghé sát tai vào miệng vợ. Con Hường cố lấy hết sức nói mấy câu gì đó không ai nghe rõ, chỉ thấy thằng Phúc kịp gật đầu: “Anh biết rồi,  anh hứa… anh hứa” trước khi vuốt mắt cho vợ…  Ghe quay trở về.
“Mới bước đầu tháng mười mà chướng non đã liu riu. Điệu này năm nay mưa dứt sớm đây”. Câu nói bâng quơ không biết của ai, có lẽ để làm cho không khí bớt yên ắng thê lương, không dè thằng Phúc gào lên: “Mưa gió gì tháng chạp mà còn mưa. Trời ơi là trời…”. Nó úp mặt vô ngực vợ khóc rống. Mọi người nghĩ nó quá đau lòng nên nói sảng. Cái máy Yanmar xả hết tốc lực, mũi ghe chồm lên  rồi lao đi. Sương sớm đậu trên mấy vạt bần bị ngọn  chướng non liu riu thổi phà ra lãng đãng.
- Con nhỏ đó là con. Ba thương nó ở vậy làm chuột trống nuôi con (ba tuổi con chuột mà)… đúng chưa? Một năm ba kể cho con nghe chuyện này chắc chừng tám lần mà hai mươi năm như vậy ba nhắm coi, có tối dạ như đêm ba mươi cũng thuộc lòng, chứ đừng nói thông minh học giỏi như con gái của ba. À! Mà hồi chiều ba biểu con chuẩn bị mai hai cha con mình về quê, quê nào vậy ba?
- Thì quê nội con chớ quê nào.
- Sao ba nói hồi chiến tranh nhà nội bị giặc bỏ bom trúng hầm chết hết rồi đâu còn ai.
- Ừ ba thì không còn ai nhưng con thì còn.
Hạnh tròn mắt nhìn ba nó. Hai mươi năm qua Phúc chưa bao giờ kể cho con bé nghe đoạn kết của câu chuyện. Hôm nay anh quyết định nói ra sự thật cũng là để thực hiện lời hứa với người đã khuất. Anh đưa cho Hạnh xem tấm ảnh nó chụp hồi mới lên ba, đầu quấn dải khăn  tang, đôi mắt mở tròn xoe ngơ ngác. Hạnh ngắm nghía hồi lâu rồi như sực nhớ điều gì, nó hỏi anh:
- Sao ba nói má chết hồi mới vừa sinh ra con mà?
Phúc không trả lời câu hỏi của con. Anh kể tiếp câu chuyện còn dở dang của hai mươi năm về trước.
Mất hết người thân, Phúc một tay ôm con, một tay ôm hũ hài cốt của vợ bỏ xứ ra đi để tránh thói đời thị phi và nỗi đau số phận. Nó làm đủ thứ công việc để nuôi con. Hai năm sau, tình cờ Phúc gặp một người cùng quê, mới hay lần Thà bỏ đi sau này là đi theo quân giải phóng và đã hi sinh cách đó không lâu. Phúc thương bạn, ngồi ôm con nhìn miết di ảnh của vợ trên bàn thờ. Nước mắt  thằng đàn ông ở vào hoàn cảnh như nó mà chảy được ra ngoài mới lạ.
Chiều đó, Phúc ra chợ mua một vuông vải trắng về quấn lên đầu con Hạnh, nấu mâm cơm cúng thằng Thà, dạy con nhỏ cầm mấy cây nhang xá xá vô khoảng không trước mặt khấn: “Con là bé Hạnh con của ba Thà, ba về nhận con phù hộ cho con mạnh giỏi mau lớn…”. Con bé lọng ngọng lặp lại lời cha, không biết cái gì khiến nó ngồi buồn rười rượi. Phúc chạy qua tiệm chụp hình kế bên kêu thợ chụp cho nó một tấm để dành sau này nó hiểu tấm lòng của Phúc, là Phúc nghĩ vậy. Trên bàn thờ Hường từ đó có thêm cái chén đôi đũa. Con Hạnh được ba giao mỗi bữa đốt  cho má hai cây nhang cho má vui, tới lớn thành quen lệ, nó chưa bao giờ hỏi ba nó về điều đó.
Đúng vào ngày sinh năm con Hạnh mười tám tuổi, Phúc đã định cho nó biết và dắt nó về quê nhận họ hàng bên nội. Nhưng anh sợ, sợ làm xáo trộn cuộc sống của nó, sợ ảnh hưởng tới kỳ thi đại học của con bé. Nhưng thiệt ra cũng có phần anh sợ cho anh. Từ lâu rồi Hạnh đã là máu thịt, là một phần đời của anh. Anh sợ biết ra anh không phải là ba ruột của nó, nó sẽ không còn thương anh như trước nữa. Biết làm vậy là thất hứa với Hường, vậy là ích kỷ nên hôm nay Phúc quyết định nói ra. Cũng một phần anh sợ mình không còn sống được bao lâu với chứng bệnh nan y mà bấy lâu anh đã cố giấu Hạnh.
Khúc sông này là nơi ba người đã sống những ngày thơ trẻ bên nhau. Nhánh bần này là nơi Hường hay ngồi vắt vẻo vỗ tay la hét cổ động cho Phúc và Thà “thủy chiến” với nhau. Tới khi cả hai thằng lỗ mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc mới ấm ức phát hiện không biết Hường ở phe nào. Còn ở chỗ cây cầu bê tông bắc qua con rạch kia, ngày xưa là cây cầu khỉ có cái tay gượng bằng cây tầm vông.
Rằm tháng tám trẻ quê không có lồng đèn bánh mứt, ba đứa xin tiền má mua đèn cầy, đêm tối đốt lên gắn dọc cái tay gượng, khoái chí ngồi nhìn ánh sáng rọi xuống mặt nước lung linh như  chốn thần tiên trong mấy câu chuyện đời xưa của má. Dưới chân cầu là cái bến nước, nơi lớn lên một chút, chiều chiều Hường hay ra đó giặt đồ. Bên kia sông chỗ có cây gừa nằm ngã ngọn de ra mặt nước là nơi Thà đã neo xuồng một mình uống “quắc cần câu” bữa đám cưới của Phúc với Hường.
Tất cả là cảnh vật một thời trong hoài niệm của Phúc. Chớ hai mươi năm rồi sao cảnh cũ còn y vậy được. Chỉ có cái liu riu bổi hổi của ngọn chướng non là vẫn còn nguyên hơi hướm cũ. Đêm. Một chút bàng bạc của trăng suông, một chút mênh mang của mặt nước sông đầy. Phúc ôm dầm  cho xuồng trôi theo con nước xuôi. Anh ước mình giống như chiếc xuồng kia nhàn tản, an nhiên giữa trời đất bao la. Hạnh ngồi trước mũi xuồng nhưng quay mặt về phía cha. Hai cái hũ sành đựng hài cốt của ba Thà, má Hường nó cẩn thận để dưới khoang xuồng.
- Má xin ba khi nào con lớn cho con nhìn cha rồi mang tro cốt của má rải theo khúc sông này (câu này Phúc nói với con). Không biết hai người họ có gặp nhau dưới đó không (còn câu này là Phúc tự nói với mình).
- Con thấy ông nội thương con, con cũng có cảm tình với ông nội. Nội biểu, con không dám cãi. Nhưng đem tro cốt của ba Thà rắc chung xuống đây với má con thấy… thương ba…
Nỗi niềm riêng bấy lâu Phúc giấu tận đáy lòng giống như người ta giấu kỹ ngón chân đau sợ ai giẫm phải, giờ nghe con nói vậy, anh bật khóc không cầm được:
- Ba cám ơn con gái vì con vẫn thương ba. Ba không sao, con hãy yên tâm. Má con mất đi mang theo nỗi ân hận vì đã có lỗi với ba dù má không cố ý. Phải chi má biết ba đã tha thứ cho má lâu rồi. Còn ba Thà con vì nước hi sinh mà không hề biết trên đời mình đã có một đứa con gái giỏi giang xinh đẹp. Chắc dưới suối vàng nó cũng dày vò vì nỗi mình có tội với bạn. Chỉ mình ba là hạnh phúc nhất, vì ba có con. Nếu không có con thì giờ này ba bơ vơ cô độc biết chừng nào.
Xuồng trôi gần tới chỗ giáp nước, Hạnh bốc từng nắm tro cốt của má thả nhẹ theo dòng nước. Má sẽ mãi mãi theo con nước lớn ròng, nghe tiếng bìm bịp kêu, không còn than thở nhớ nhà nhớ quê nữa nha má. Dưới trăng mặt nước lờ nhờ một màu xám đục. Hạnh ôm hũ cốt của Thà lên ngần ngừ một chút rồi bước lại đưa cho Phúc. Anh không vốc từng nắm mà đưa cây dầm cho Hạnh rồi đứng dậy giơ hũ lên cao từ từ nghiêng cho tro trong hũ bay ra.
Lạ lùng thay, chướng đang rắc riu bỗng nhiên lùa qua một vòng xoáy tròn cuốn theo nắm tro cốt của Thà bay lên cao, lên cao qua khỏi ngọn bần chỗ bầy đom đóm đang chong đèn nhấp nháy rồi mất hút. Hạnh bỗng thấy sống mũi mình cay cay. Cho đến tận bây giờ nó mới mơ hồ cảm nhận được mối quan hệ thiêng liêng giữa nó và nắm tro vừa bay lên trên bầu trời kia. Nó thò tay khỏa khỏa mặt nước rồi ngước mặt nhìn lên chỗ mấy ngọn bần, thì ra ba Thà của nó cũng là một người bạn tốt.
- Ba nói cho má biết ba đã tha thứ cho má lâu rồi,  đi ba!
Phúc nhìn  chỗ hai con nước giáp nhau. Anh gật đầu, nhưng lại nói với Hường một lời nguyện khác: “Hường ơi! Em ráng chờ anh với. Mình hẹn kiếp sau nghe em”. Rồi Phúc quay mũi xuồng lại:
- Mình về thôi con. Hình như chướng sắp già rồi.
(Bến Tre, mùa gió chướng 2005)
NGÔ THỊ THU VÂN

P01: Lời giới thiệu tập truyện ngắn "Muộn"

Truyện đọc thích nhất trong tập truyện ngắn này có lẽ là Những ngày mưa bão. Một gia đình nghèo, vào những ngày mưa bão thâu đêm suốt sáng, người cha không thể ra ngoài sửa xe đạp, bà mẹ không thể ra ruộng hái rau đi bán, vậy là cả nhà - cha mẹ và mấy đứa con nhỏ - quây quần bên nhau bên bếp lửa đổ bánh xèo da “cuốn mấy đọt bạc hà non chấm nước mắm tỏi ngon thấu trời”.
Rồi cha con tát nước tràn vô nhà, đi bắt cá sặc, tối đến “ăn cơm nóng, cá sặc chiên giòn dầm nước mắm tỏi chấm rau muống luộc. No nê, cả đám lên giường trùm mền nghe má kể chuyện đời xưa”. Ai mà không mỉm cười khi đọc những dòng hạnh phúc lấp lánh trên từng con chữ ấy!
Song phía sau niềm vui cũng không thiếu những nỗi ngậm ngùi. Như cô con gái lớn trong gia đình, nhiều năm sau bất hạnh trong tình yêu đã “lặng lẽ buồn hiu quay về với má, nghe má kể chuyện đời xưa”. Như nỗi tiếc nhớ cái xóm nhỏ ngoại ô rồi trở thành thị tứ, “một bóng dừa xanh cũng không còn, chỉ toàn nhà cửa”.
Có một miền quê sông nước chảy qua các sáng tác của Ngô Thị Thu Vân; ở đó có mùa gió chướng tràn về mang theo một mối tình tay ba nhưng cả ba ai cũng yêu thương nhau; có mùa chôm chôm chín gọi cô gái chớm sa chân xuống bùn trở về với mối tình đầu; có một dòng sông quê tím ngắt cánh lục bình và tiếng bìm bịp kêu con nước lớn khiến kẻ ly hương cứ khắc khoải ngày trở lại quê nhà.
Tình hoài hương là một chủ đề rõ nét trong tập truyện này - “ai có tha hương mới biết cái tình quê nó lạ lắm, nó như núm níu bước chân người ta bắt phải quay trở lại” (Mùa gió chướng). Chú Tiểu Tâm trong Biển đỏ, hai  mẹ con trong Bông cỏ may, chị Hai trong Cây mận của ba đi xa tít xứ người để rồi cũng núm níu trở về chốn xưa cảnh cũ.
Nhưng có người mẹ xa con sang xứ người kiếm sống thì trở về trong chiếc hũ đựng cốt đau thương (Đón má về). Thân phận người phụ nữ trong những giông bão cuộc đời và bất trắc tình yêu được cảm thông, chia sẻ đã làm nên âm hưởng chủ đạo của tập truyện. Cô gái nhẹ dạ mang thai một mình nuôi con. Người đàn bà đi làm ôsin chết vì lao lực bên đảo Đài Loan. Mấy cô gái quê lên thành phố bán bia ôm, rồi sa ngã, bán thân…
Người phụ nữ trong mắt của cây bút xứ dừa Bến Tre Ngô Thị Thu Vân dẫu có can đảm vượt qua trắc trở và nghịch cảnh như Luyến (Muộn) hay cô trưởng ấp Lan (Về nơi xa ngái) thì cuối cùng cũng cần được yêu thương, bảo bọc, chở che bởi “không có người đàn bà mạnh mẽ. Chỉ có người đàn bà cố giấu đi sự yếu đuối của mình” (Cô Miên). Đồng ý hay không đồng ý với tác giả về nhận định ấy thì vẫn dễ nhận định tập truyện ngắn này - với vài truyện đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Tuổi Trẻ Xuân 2005  - là rất đáng đọc.

NGUYỆT CẦM