Home » » P06: Giai điệu tương lai - Vũ Nhật Tân: "Giao hưởng cải lương"

P06: Giai điệu tương lai - Vũ Nhật Tân: "Giao hưởng cải lương"

Giai điệu tương lai 

 Hai thầy trò có một khoảng cách lớn về tuổi tác, học vấn, vị trí xã hội.
- Thầy: Đặng Đình Áng, 64 tuổi, giáo sư tiến sĩ toán, trưởng ban toán Đại học Khoa học Sài Gòn (1960-1975), hiện là giáo sư toán Đại học Tổng hợp, chủ tịch Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh. Đã giảng dạy ở nhiều trường đại học nước ngoài (Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Malaysia...).
- Trò: Nguyễn Phi Long, 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất khoa toán, Đại học Tổng hợp. Giải nhì toán lớp 9 cấp quốc gia, giải nhì toán lớp 9 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, giải nhất toán lớp 12 Thành phố Hồ Chí Minh. Học bổng Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh, học bỗng chương trình Vì ngày mai phát triển, học bổng Công ty Fideco.
Dồn sức đầu tư ngay từ thời trẻ
“... Dáng dấp, phong thái của thầy tựa như một... phương trượng Thiếu Lâm phúc hậu trong phim võ hiệp!”. So sánh khá ngộ nghĩnh, nhưng đúng là ấn tượng rất thật nơi Long trong lần đầu gặp thầy hồi tháng 9-1992. Thầy nói: “Thấy em đỗ cao, có nền toán cơ bản do sự đỡ đầu của thầy cô từ thời phổ thông, thầy muốn giúp em tiến xa trên con đường toán học...”. Trưa hôm ấy, về nhà, Long nói như reo lên với bố mẹ: “May quá, con được thầy Đặng Đình Áng nhận đỡ đầu...”.
Buổi đầu tiên làm việc với thầy, Long ngỡ ngàng. Cách hướng dẫn của thầy lạ quá và chỉ diễn ra trong năm phút. Thầy đưa hai cuốn nhập môn giải tích và tích phân lebesgue, chỉ bảo một số ý và dặn Long cố gắng đọc xong trong... một tháng. Tuần sau, cũng vào sáng thứ tư, thầy trò gặp lại cũng chỉ trong từng ấy thời gian. “Em đọc đến đâu? Chỗ nào khó hiểu, cần thầy giải thích?”. Thế thôi, rồi về. Giờ thì Long hiểu thế nào là tinh thần đại học: tự nghiên cứu, tự học là chính.
Cứ thế Long mày mò đọc, suy nghĩ, tự phân tích và cuối cùng hoàn tất việc đọc hai cuốn sách kịp thời hạn. Thầy khen Long, nhưng cũng chỉ có ba từ: Thế là được! Long ra về với sách mới và chương trình toán dành cho sinh viên năm thứ hai. Nhưng rồi do tiêu phí thời gian vào những chuyện bồng bột nên Long trượt kế hoạch thầy giao.
Lần đó, thầy trò gặp nhau đúng một phút và thầy chỉ nghiêm nét mặt, nói nhẹ nhàng: “Đem về xem tiếp khi nào xong thì mới lên gặp thầy”. Một phút thôi song quá đủ để Long cảm nhận: Thầy không bằng lòng mình, cần phải tự chấn chỉnh ngay để có thể học tiếp với thầy.
Có lần thầy kể với Long: “Hồi trước thầy cũng tự mày mò mà học, chứ không được như em bây giờ là có các thầy cô trong khoa tận tình tạo điều kiện. Đôi khi gặp bài toán khó, thầy cũng nản, nhưng phải cố gắng thức đêm thức hôm đánh vật cùng nó. Rồi cũng xong”. Lần khác thầy đưa cho Long xem bài báo viết về ông Fefferman, 19 tuổi đã là tiến sĩ toán, 22 tuổi đã là giáo sư thực thụ tại Đại học Chicago, và vào tuổi 30 đoạt giải Field - giải thưởng về toán trao cho những người dưới tuổi 40, có thể so sánh với giải Nobel.
Long ngẫm nghĩ: phải chăng thầy muốn Long thấm thía hơn về một lời dạy trước đó: “Trong học tập nên dồn sức đầu tư ngay từ thời tuổi trẻ. Đợi đến già dễ bị xơ cứng, cùn mòn”. Hãy như Fefferman, cố mà phấn đấu ở cái tuổi học tốt nhất. Qua gợi ý của thầy cùng sự giúp đỡ của giảng viên Trần Thị Lệ - chủ nhiệm khoa toán - Long đã dự giờ các lớp năm thứ hai, thứ tư. Dù học khá dồn dập nhưng Long không quên lời thầy, nắm thật sâu! Học cái nào ra cái ấy!...
Không chỉ có toán học
Thuở nhỏ trên quê hương Đà Nẵng, mỗi sớm cậu học trò Phi Long ra biển bơi. Ở thành phố Hồ Chí Minh, cứ 4 giờ sáng, chàng sinh viên lại chạy bộ từ công viên Đầm Sen ra nhà hát Hòa Bình, rồi chơi đá banh hoặc đánh cầu lông. “Cần thường xuyên rèn luỵên sức khỏe, vì đó là một điều kiện để học tập minh mẫn”. Thầy hay nhắc đi, nhắc lại lời đó. Yêu toán, thích thể thao, song Long lại “chúa ghét” văn chương, âm nhạc.
Phát hiện thầy khuyên bảo ngay: “Một khiếm khuyết lớn. Cần chấn chỉnh. Muốn học cao bất kỳ môn nào cũng cần phải có kiến thức rộng cho nhiều lĩnh vực. Người ta không thể khoan sâu cả kilômet mà bán kính chỉ vài phân!”. Ngày khai giảng năm học mới, Long từng sửng sốt khi nhìn thấy thầy trên sân khấu say sưa thổi sáo Tây (flute). Hiện Long đang quen dần với việc đọc tác phẩm văn học và nghe nhạc. Anh muốn nối gót thầy, mở rộng tâm hồn.
Người viết bài này đã hai lần trao đổi với giáo sư Đặng Đình Áng. Vị thầy giáo khả kính nói về người học trò của mình không nhiều, song đủ cảm nhận được tấm lòng của ông bấy lâu - chứa đựng cả tình cảm của một người cha. Chẳng hạn: “Tuần rồi không thấy Long đến. Chẳng biết nó có bị cảm không. Mùa này thời tiết thay đổi đột ngột, nhiều người dễ bệnh lắm”.
Nghe Long được dự tuyển đi học ở Úc năm 1993, thầy nghĩ ngay đến cái vốn ngoại ngữ của Long, động viên Long theo học tại trung tâm ngoại ngữ Đại học Nông lâm, và dặn dò: “Tiếng Anh chỗ nào khó, em nói chưa chuẩn thì đàm thoại trực tiếp với thầy, để nếu có thể thầy giúp em”.
Nói chuyện với tôi, Long không giấu giếm ước mơ trở thành một nhà toán học Việt Nam nổi tiếng. Ước mơ của Long cũng là ước mơ của thầy. Đi giảng nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc sinh viên nhiều nước, giáo sư Đặng Đình Áng rút kết luận: không thể so sánh sinh viên nước này giỏi hơn nước kia.
Tài năng nước nào cũng có, song số lượng phát triển tùy thuộc điều kiện, phương pháp đào tạo. Có điều giáo sư khẳng định: “Sinh viên Việt Nam thích học toán”. Có thích, có say mê bao giờ cũng dễ thành công.
... Quả lắc thời gian vẫn chậm rãi đong đưa! Thời gian Long đi Úc chẳng còn bao xa. Thầy tận tụy hướng dẫn. Long dồn tâm trí học tập. Nói theo cách của thầy: hai thầy trò đang chơi một bản hòa tấu nhịp nhàng. Đất nước đang cần có nhiều hơn những bản hòa tấu như thế. Những bản hòa tấu vì một ngày mai phát triển toán học Việt Nam nói riêng và những ngành học khác nói chung.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
===========================================================
Vũ Nhật Tân: "Giao hưởng cải lương"

Một buổi trưa cách đây năm năm, tôi đang nằm mơ màng trên giường... bỗng từ chiếc máy hát đĩa của bố tôi vang lên tiếng nhạc réo rắt. Nhạc dồn dập lôi tôi đi thật nhanh vào cánh đồng vô tận... nhạc nhẹ nhàng khoan thai, đưa tôi trôi bồng bềnh trên sông...
Tôi bật dậy: “Bố ơi, nhạc gì thế?”. “Nhạc tài tử Nam bộ đó con”. Khi yêu người ta sẵn sàng sống hết mình cho tình yêu.
Theo học Nhạc viện, Vũ Nhật Tân có lợi thế tìm hiểu phong trào ca nhạc tài tử, sau phát triển thành âm nhạc cải lương. Tân đã tìm đọc từ những quyển sách tìm hiểu âm nhạc cải lương, bài bản cải lương (của Đắc Nhẫn, Ngọc Thới), đến những bài báo, công trình nghiên cứu về nhạc cải lương.
Tân ngồi lặng hàng giờ thưởng thức các bản độc tấu, hòa tấu của cải lương qua băng, đĩa. Anh vẫn nghe quen và phân biệt được các ngón đờn bậc thầy của Văn Vĩ, Văn Giỏi, Tư Chơi... Anh thấm thía nhận ra giai điệu nhạc cải lương rất độc đáo và chiếm ưu thế trong lối hòa tấu nhạc dân tộc. Các bè hòa tấu độc lập nhưng vẫn hòa trộn với nhau thành một khối thống nhất. Và anh bắt đầu mày mò sáng tác những bản hòa tấu ngắn.
“Ở trường tôi được tham gia nhiều cuộc trao đổi với các giáo sư âm nhạc Pháp, Đức, Anh, Úc... Các vị ấy nhận xét giống nhau quá: thế giới hiện nay đang đưa nhạc dân tộc thành nhạc bác học. Tôi rất thấm ý giáo sư Tôn Thất Tiết (hiện đang sống ở Pháp): “Ta càng làm nhạc dân tộc thì ta lại càng khỏe. Và Tây càng hiện đại thì càng gần ta”.
Đất nước mình có hơn 60 sắc tộc, hơn 60 nguồn nhạc phong phú. Đâu có ai ngáng trở mình tạo thế mạnh riêng bằng cách đưa nhạc dân tộc vào nhạc giao hưởng? Nhạc sĩ Nguyện Thiện Đạo ở Pháp há chẳng từng nổi tiếng bằng một tác phẩm đậm đà chất dân tộc, nói về cuộc chiến anh hùng của du kích Củ Chi đó sao?”.
Có người nghe ước muốn của Tân đã kêu lên: “Ôi, chuyện mộng mơ”. Nhưng Tân lại tin đó là một khả năng trong tầm tay với tới. Anh đang học năm thứ hai Nhạc viện Hà Nội, khoa lý luận - sáng tác. Một giáo sư Pháp đã xin anh một bản độc tấu piano. Một giáo sư Hong Kong đã đem về nước bản tứ tấu đàn của anh.
Một số bản hòa tấu nhạc dân tộc của anh đã được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng... Năm 1992, anh đã đoạt giải thưởng hòa tấu nhạc dân tộc với sáng tác dành cho năm loại nhạc cụ: sáo, nhị, nguyệt, tranh, bộ gõ. Tân vừa gửi một tác phẩm tham dự cuộc thi giải thưởng âm nhạc giao hưởng quốc gia 1993. Chàng trai Bắc bộ này tiết lộ: “Trong tác phẩm đó có tiếng nhạc cải lương Nam bộ ngân vang”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU


0 nhận xét:

Đăng nhận xét