Hiển thị các bài đăng có nhãn Bật Một Que Diêm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bật Một Que Diêm. Hiển thị tất cả bài đăng

P06: Giai điệu tương lai - Vũ Nhật Tân: "Giao hưởng cải lương"

Giai điệu tương lai 

 Hai thầy trò có một khoảng cách lớn về tuổi tác, học vấn, vị trí xã hội.
- Thầy: Đặng Đình Áng, 64 tuổi, giáo sư tiến sĩ toán, trưởng ban toán Đại học Khoa học Sài Gòn (1960-1975), hiện là giáo sư toán Đại học Tổng hợp, chủ tịch Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh. Đã giảng dạy ở nhiều trường đại học nước ngoài (Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Malaysia...).
- Trò: Nguyễn Phi Long, 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất khoa toán, Đại học Tổng hợp. Giải nhì toán lớp 9 cấp quốc gia, giải nhì toán lớp 9 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, giải nhất toán lớp 12 Thành phố Hồ Chí Minh. Học bổng Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh, học bỗng chương trình Vì ngày mai phát triển, học bổng Công ty Fideco.
Dồn sức đầu tư ngay từ thời trẻ
“... Dáng dấp, phong thái của thầy tựa như một... phương trượng Thiếu Lâm phúc hậu trong phim võ hiệp!”. So sánh khá ngộ nghĩnh, nhưng đúng là ấn tượng rất thật nơi Long trong lần đầu gặp thầy hồi tháng 9-1992. Thầy nói: “Thấy em đỗ cao, có nền toán cơ bản do sự đỡ đầu của thầy cô từ thời phổ thông, thầy muốn giúp em tiến xa trên con đường toán học...”. Trưa hôm ấy, về nhà, Long nói như reo lên với bố mẹ: “May quá, con được thầy Đặng Đình Áng nhận đỡ đầu...”.
Buổi đầu tiên làm việc với thầy, Long ngỡ ngàng. Cách hướng dẫn của thầy lạ quá và chỉ diễn ra trong năm phút. Thầy đưa hai cuốn nhập môn giải tích và tích phân lebesgue, chỉ bảo một số ý và dặn Long cố gắng đọc xong trong... một tháng. Tuần sau, cũng vào sáng thứ tư, thầy trò gặp lại cũng chỉ trong từng ấy thời gian. “Em đọc đến đâu? Chỗ nào khó hiểu, cần thầy giải thích?”. Thế thôi, rồi về. Giờ thì Long hiểu thế nào là tinh thần đại học: tự nghiên cứu, tự học là chính.
Cứ thế Long mày mò đọc, suy nghĩ, tự phân tích và cuối cùng hoàn tất việc đọc hai cuốn sách kịp thời hạn. Thầy khen Long, nhưng cũng chỉ có ba từ: Thế là được! Long ra về với sách mới và chương trình toán dành cho sinh viên năm thứ hai. Nhưng rồi do tiêu phí thời gian vào những chuyện bồng bột nên Long trượt kế hoạch thầy giao.
Lần đó, thầy trò gặp nhau đúng một phút và thầy chỉ nghiêm nét mặt, nói nhẹ nhàng: “Đem về xem tiếp khi nào xong thì mới lên gặp thầy”. Một phút thôi song quá đủ để Long cảm nhận: Thầy không bằng lòng mình, cần phải tự chấn chỉnh ngay để có thể học tiếp với thầy.
Có lần thầy kể với Long: “Hồi trước thầy cũng tự mày mò mà học, chứ không được như em bây giờ là có các thầy cô trong khoa tận tình tạo điều kiện. Đôi khi gặp bài toán khó, thầy cũng nản, nhưng phải cố gắng thức đêm thức hôm đánh vật cùng nó. Rồi cũng xong”. Lần khác thầy đưa cho Long xem bài báo viết về ông Fefferman, 19 tuổi đã là tiến sĩ toán, 22 tuổi đã là giáo sư thực thụ tại Đại học Chicago, và vào tuổi 30 đoạt giải Field - giải thưởng về toán trao cho những người dưới tuổi 40, có thể so sánh với giải Nobel.
Long ngẫm nghĩ: phải chăng thầy muốn Long thấm thía hơn về một lời dạy trước đó: “Trong học tập nên dồn sức đầu tư ngay từ thời tuổi trẻ. Đợi đến già dễ bị xơ cứng, cùn mòn”. Hãy như Fefferman, cố mà phấn đấu ở cái tuổi học tốt nhất. Qua gợi ý của thầy cùng sự giúp đỡ của giảng viên Trần Thị Lệ - chủ nhiệm khoa toán - Long đã dự giờ các lớp năm thứ hai, thứ tư. Dù học khá dồn dập nhưng Long không quên lời thầy, nắm thật sâu! Học cái nào ra cái ấy!...
Không chỉ có toán học
Thuở nhỏ trên quê hương Đà Nẵng, mỗi sớm cậu học trò Phi Long ra biển bơi. Ở thành phố Hồ Chí Minh, cứ 4 giờ sáng, chàng sinh viên lại chạy bộ từ công viên Đầm Sen ra nhà hát Hòa Bình, rồi chơi đá banh hoặc đánh cầu lông. “Cần thường xuyên rèn luỵên sức khỏe, vì đó là một điều kiện để học tập minh mẫn”. Thầy hay nhắc đi, nhắc lại lời đó. Yêu toán, thích thể thao, song Long lại “chúa ghét” văn chương, âm nhạc.
Phát hiện thầy khuyên bảo ngay: “Một khiếm khuyết lớn. Cần chấn chỉnh. Muốn học cao bất kỳ môn nào cũng cần phải có kiến thức rộng cho nhiều lĩnh vực. Người ta không thể khoan sâu cả kilômet mà bán kính chỉ vài phân!”. Ngày khai giảng năm học mới, Long từng sửng sốt khi nhìn thấy thầy trên sân khấu say sưa thổi sáo Tây (flute). Hiện Long đang quen dần với việc đọc tác phẩm văn học và nghe nhạc. Anh muốn nối gót thầy, mở rộng tâm hồn.
Người viết bài này đã hai lần trao đổi với giáo sư Đặng Đình Áng. Vị thầy giáo khả kính nói về người học trò của mình không nhiều, song đủ cảm nhận được tấm lòng của ông bấy lâu - chứa đựng cả tình cảm của một người cha. Chẳng hạn: “Tuần rồi không thấy Long đến. Chẳng biết nó có bị cảm không. Mùa này thời tiết thay đổi đột ngột, nhiều người dễ bệnh lắm”.
Nghe Long được dự tuyển đi học ở Úc năm 1993, thầy nghĩ ngay đến cái vốn ngoại ngữ của Long, động viên Long theo học tại trung tâm ngoại ngữ Đại học Nông lâm, và dặn dò: “Tiếng Anh chỗ nào khó, em nói chưa chuẩn thì đàm thoại trực tiếp với thầy, để nếu có thể thầy giúp em”.
Nói chuyện với tôi, Long không giấu giếm ước mơ trở thành một nhà toán học Việt Nam nổi tiếng. Ước mơ của Long cũng là ước mơ của thầy. Đi giảng nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc sinh viên nhiều nước, giáo sư Đặng Đình Áng rút kết luận: không thể so sánh sinh viên nước này giỏi hơn nước kia.
Tài năng nước nào cũng có, song số lượng phát triển tùy thuộc điều kiện, phương pháp đào tạo. Có điều giáo sư khẳng định: “Sinh viên Việt Nam thích học toán”. Có thích, có say mê bao giờ cũng dễ thành công.
... Quả lắc thời gian vẫn chậm rãi đong đưa! Thời gian Long đi Úc chẳng còn bao xa. Thầy tận tụy hướng dẫn. Long dồn tâm trí học tập. Nói theo cách của thầy: hai thầy trò đang chơi một bản hòa tấu nhịp nhàng. Đất nước đang cần có nhiều hơn những bản hòa tấu như thế. Những bản hòa tấu vì một ngày mai phát triển toán học Việt Nam nói riêng và những ngành học khác nói chung.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
===========================================================
Vũ Nhật Tân: "Giao hưởng cải lương"

Một buổi trưa cách đây năm năm, tôi đang nằm mơ màng trên giường... bỗng từ chiếc máy hát đĩa của bố tôi vang lên tiếng nhạc réo rắt. Nhạc dồn dập lôi tôi đi thật nhanh vào cánh đồng vô tận... nhạc nhẹ nhàng khoan thai, đưa tôi trôi bồng bềnh trên sông...
Tôi bật dậy: “Bố ơi, nhạc gì thế?”. “Nhạc tài tử Nam bộ đó con”. Khi yêu người ta sẵn sàng sống hết mình cho tình yêu.
Theo học Nhạc viện, Vũ Nhật Tân có lợi thế tìm hiểu phong trào ca nhạc tài tử, sau phát triển thành âm nhạc cải lương. Tân đã tìm đọc từ những quyển sách tìm hiểu âm nhạc cải lương, bài bản cải lương (của Đắc Nhẫn, Ngọc Thới), đến những bài báo, công trình nghiên cứu về nhạc cải lương.
Tân ngồi lặng hàng giờ thưởng thức các bản độc tấu, hòa tấu của cải lương qua băng, đĩa. Anh vẫn nghe quen và phân biệt được các ngón đờn bậc thầy của Văn Vĩ, Văn Giỏi, Tư Chơi... Anh thấm thía nhận ra giai điệu nhạc cải lương rất độc đáo và chiếm ưu thế trong lối hòa tấu nhạc dân tộc. Các bè hòa tấu độc lập nhưng vẫn hòa trộn với nhau thành một khối thống nhất. Và anh bắt đầu mày mò sáng tác những bản hòa tấu ngắn.
“Ở trường tôi được tham gia nhiều cuộc trao đổi với các giáo sư âm nhạc Pháp, Đức, Anh, Úc... Các vị ấy nhận xét giống nhau quá: thế giới hiện nay đang đưa nhạc dân tộc thành nhạc bác học. Tôi rất thấm ý giáo sư Tôn Thất Tiết (hiện đang sống ở Pháp): “Ta càng làm nhạc dân tộc thì ta lại càng khỏe. Và Tây càng hiện đại thì càng gần ta”.
Đất nước mình có hơn 60 sắc tộc, hơn 60 nguồn nhạc phong phú. Đâu có ai ngáng trở mình tạo thế mạnh riêng bằng cách đưa nhạc dân tộc vào nhạc giao hưởng? Nhạc sĩ Nguyện Thiện Đạo ở Pháp há chẳng từng nổi tiếng bằng một tác phẩm đậm đà chất dân tộc, nói về cuộc chiến anh hùng của du kích Củ Chi đó sao?”.
Có người nghe ước muốn của Tân đã kêu lên: “Ôi, chuyện mộng mơ”. Nhưng Tân lại tin đó là một khả năng trong tầm tay với tới. Anh đang học năm thứ hai Nhạc viện Hà Nội, khoa lý luận - sáng tác. Một giáo sư Pháp đã xin anh một bản độc tấu piano. Một giáo sư Hong Kong đã đem về nước bản tứ tấu đàn của anh.
Một số bản hòa tấu nhạc dân tộc của anh đã được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng... Năm 1992, anh đã đoạt giải thưởng hòa tấu nhạc dân tộc với sáng tác dành cho năm loại nhạc cụ: sáo, nhị, nguyệt, tranh, bộ gõ. Tân vừa gửi một tác phẩm tham dự cuộc thi giải thưởng âm nhạc giao hưởng quốc gia 1993. Chàng trai Bắc bộ này tiết lộ: “Trong tác phẩm đó có tiếng nhạc cải lương Nam bộ ngân vang”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU


P05: “Con sãi ở chùa” sẽ thôi “quét lá đa”

“Con sãi ở chùa” sẽ thôi “quét lá đa”

 Thời xa xưa, câu ca dao đó là một tiên đoán về tương lai tiên định của một lớp con trẻ: con nhà quyền thế rồi lại tiếp tục cảnh thế quyền, con nhà dân dã nghèo khó rồi lại tiếp tục vị trí cùng đinh...
Thời đại hôm nay, “lời tiên tri” trên có thể vẫn còn đúng ở một số trường hợp: cha mẹ có quyền thế, với của cải đỡ đầu, “các cậu ấm, cô chiêu” quý tộc mới hiên ngang bước vào đời một cách thênh thang, êm ái. Nhưng còn những “con sãi ở chùa” mà không chịu thúc thủ trước hoàn cảnh thì sao?...
Trong buổi tập thể dục ở trường ngày 13-4-1991, em Phạm Hoàng Vân Hạc (13 tuổi, lớp 7A2 Trường Đoàn Kết, quận 6) bị ngất xỉu. Lý do: Hạc suy dinh dưỡng từ nhỏ, sức khỏe không khá hơn chút nào ở tuổi thiếu niên do hoàn cảnh quá túng thiếu, khó khăn của gia đình. Cha Hạc, nhân viên hợp đồng ở Công ty Ăn uống dịch vụ quận Sáu. Mẹ là giáo viên cấp II. Thu nhập hai người vỏn vẹn 160.000 đồng cho một gia đình có bốn miệng ăn.
Mẹ em phải bày bán cà phê trước nhà. Xóm nghèo, đường nhỏ, khách ít, quán cà phê quá vắng, thu nhập thêm không là bao. Dù sức khỏe yếu kém nhưng ngoài giờ học hằng ngày Hạc vẫn phải phụ bán cà phê và giúp mẹ trông em nhỏ. Tình cảnh ấy, nếu Hạc học kém cũng chẳng có gì đáng nói. Đáng ngạc nhiên Hạc lại là học sinh xuất sắc năm năm liền ở cấp I và là học sinh giỏi hai năm lớp 6, lớp 7. Không những thế, em còn là học sinh giỏi văn (lớp 7) cấp quận. Sự nghèo khó không trì kéo được sự say mê, quyết chí học tập của em...
Trong danh sách ứng cử viên học bổng chương trình “Bảo trợ tài năng trẻ”, tại các tỉnh thành miền Nam nhiều thiếu niên cũng gặp hoàn cảnh khó khăn chẳng kém Hạc. Và thật đáng ngợi khen biết bao, khi ở lứa tuổi 10, 11, 12... các em đã có những nỗ lực vượt bậc không kém người đã trưởng thành.
Gia đình Phan Thị Nguyên Thủy lên vùng kinh tế mới (Hưng Lộc, Thống Nhất, Đồng Nai) từ năm 1975 đến nay. Nhà cách quốc lộ ba cây số, đường đến trường phải qua ba ngọn đồi, lội qua ba con suối. Mưa lầy, nắng bụi để đến trường thật vất vả biết bao. Thủy tâm sự: “Mỗi lần đi về cực như vậy, thấy chữ nghĩa như văng mất hết”. Có hôm mưa to, phải đợi nước suối xuống, Thủy và các bạn mới về nhà được. Cha mẹ suốt ngày ở rẫy, không còn hơi sức, thì giờ kèm Thủy học hành.
Vậy mà suốt ba năm lớp 6, 7, 8 Thủy luôn đứng đầu lớp. Ở lớp 5, Thủy đi thi toán cấp quận và đoạt giải... Năm tới Thủy sẽ vào lớp 10, sẽ phải lên huyện học. Đường về rồi sẽ dài thêm hơn 20 cây số. Nhưng Thủy vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học và sẽ học tới cùng.
Trong chuyến đi về các tỉnh nhằm tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của từng em, chúng tôi chú tâm tìm hiểu động cơ học tập nơi các em. Tuổi còn nhỏ, phần đông các em chưa thể lý giải rành rẽ nỗ lực học tập của mình. Nguyễn Thị Thanh Hiền (lớp 9 Trường cấp II Thủ Thừa, Long An), học sinh giỏi văn cấp tỉnh Long An trả lời ngắn gọn: “Nhà nghèo, nhưng em không muốn học kém các bạn”.
Còn Nguyễn Yên Ngọc (lớp 8A1 Trường cấp II Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang), học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 8, ngượng ngập: “Tại em thích học...”. Học, học thật giỏi là say mê của Ngọc, như say mê thú nhảy dây mà Ngọc vẫn thường chơi. Riêng em Nguyễn Thị Bắc (14 tuổi, ở xã Mỹ Xuyên, Long Xuyên) vừa học vừa phụ bán sinh tố với mẹ, thì có vẻ chững chạc, người lớn trước tuổi: “Em muốn có nhiều kiến thức...”.
Tuổi thiếu niên là tuổi các em bắt đầu biết mơ ước và không ít em đã hiểu ra học tập là điều kiện cần thiết để chắp cánh cho mơ ước. Trần Lê Kha (12 tuổi, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp cấp I, tỉnh Cửu Long 1989 - 1990, thủ khoa kỳ thi đệ nhất đẳng taekwondo của Sở Thể thao Cửu Long) mơ rất bình thường: “Học thật giỏi để đủ sức...chữa bệnh suyễn cho mẹ...”.
Kha còn mơ được như Nguyễn Thụy Song Hà (tài năng trẻ Thành phố Hồ Chí Minh về võ thuật, đồng thời là sinh viên y khoa) được đi thi đấu quốc tế đem huy chương về cho Cửu Long và cho đất nước.
Say mê, cần mẫn học tập, dám ước mơ... tất cả đã giúp các em không bằng lòng với hiện tại của mình. Cho dù Trần Lê Kha đã nhiều phen nghẹn ngào khóc bên giường mẹ, khi mẹ lên cơn suyễn không tiền mua thuốc; Nguyễn Thị Thanh Hiền rầu rĩ vì thèm mua một quyển sách mới mà không có tiền hoặc mặc cảm của Mai Thị Mỹ Phương (12 tuổi, huyện Hòa Thành, Tây Ninh), khi cầm vé số đi bán mà gặp bạn bè cùng lớp đang tung tăng dạo chơi...
Dẫu sao mặc lòng, trên một quãng đường với cặp sách trên tay, các em đã tự chứng tỏ được mình. Những gian khổ vất vả hôm nay, mai này rồi sẽ được đền bù. Không quá lạc quan, chúng tôi vẫn tin rằng tương lai những trẻ em nghèo - những “con sãi ở chùa” nhưng hiếu học - sẽ không thể lại là cảnh quét lá đa.
Những kết quả học tập hôm nay đang là các nấc thang để các em vươn tới những cảnh đời sáng đẹp hơn. Và nếu được xã hội quan tâm chăm sóc, chắc chắn lời tiên đoán năm xưa sẽ trở nên lỗi thời với các em, bởi các em xứng đáng được phần thưởng của những bà tiên hiện đại.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
=========================================================
Những "nhà lãnh đạo" chưa qua tuổi 18

Đêm trăng trên bãi biển Non Nước (Đà Nẵng) thật đẹp. Một nhóm bạn trẻ ngồi bệt dưới cát, say sưa đàn hát, hết bài này sang bài khác.
Người đàn là Huỳnh Minh Sơn, bí thư Đoàn Trường PTTH Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Kèm hai bên Sơn là Trần Ngọc Quang, bí thư Đoàn Trường Phổ thông trung học Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bùi Thu Huệ, ủy viên Ban chấp hành Đoàn Trường PTTH Phan Đình Phùng (Hà Nội).
Cả ba đều ở tuổi 17, đang chuẩn bị lên lớp 12 và vừa quen nhau trong Hội nghị cán bộ Đoàn trường học và Hội Sinh viên Việt Nam.
Sơn cho biết: “Đàn hát là một “tài lẻ” mà người cán bộ Đoàn học sinh cần có để dễ hòa nhập với đoàn viên thanh niên”. Nhưng tại hội nghị, cùng với ba bí thư Đoàn trường khác: Nguyễn Thị Hồng Thủy - phổ thông trung học số 1 Vĩnh Linh (Quảng Trị), Trần Vũ Tài - Trường Phan Đăng Lưu (Nghệ Tĩnh), Lê Thị Thiệu Hạnh - phổ thông trung học Sa Đéc, các bạn đã gây được sự chú ý mạnh mẽ không chỉ ở “tài lẻ”.
Họ đã báo cáo hoạt động Đoàn của trường một cách rất sinh động: tổ chức câu lạc bộ theo sở thích, trại giao lưu, thi bí thư chi đoàn giỏi, làm văn nghệ dưới hình thức sân khấu hóa... Đáng kể hơn là trước những câu chất vấn hóc búa của các anh chị, những nhà lãnh đạo Đoàn trẻ tuổi này rất bình tĩnh và bản lĩnh trong đối đáp.
Chẳng hạn một anh nhận xét: “Xem ra hoạt động giáo dục chính trị, lý tưởng cho đoàn viên thanh niên chắc chưa được gì?”. Các bạn sôi nổi vặn lại: “Chính trị, lý tưởng với tuổi học trò là gì? Là học tập, là yêu trường, yêu lớp. Hoạt động mà anh gọi là bề nổi, thực tế dẫn đến những mục đích gần gũi trên. Vậy là chính trị, lý tưởng rồi...”.
...Đêm trước ngày chia tay, tôi làm một bàn tròn tọa đàm bỏ túi với những người bạn trẻ này. Điều trao đổi đầu tiên: Là học sinh, khi làm việc với ban giám hiệu có “rét” không? Sơn thú nhận: “Sợ thì không sợ, nhưng dù sao cũng có khoảng cách về tuổi tác, vai vế. Nhất là ở trường Sơn, thầy hiệu trưởng mới về, chưa hiểu, không tin tưởng ở bí thư Đoàn là học sinh...”. Thái độ dè dặt, nghi ngờ nơi thầy cô, bạn nào cũng gặp phải, không ít thì nhiều.
Cách thuyết phục, chứng minh tốt nhất theo các bạn vẫn là bằng hoạt động, công tác. Lúc đầu chưa tạo được niềm tin thì phải khéo léo. Chẳng hạn trước hội đồng giáo viên: “Ban chấp hành tụi em muốn làm chương trình như thế này. Thầy cô xem có thể giúp đỡ tụi em không”. Và đừng quên nhờ vào sự hỗ trợ của giáo viên trợ lý thanh niên - một yếu tố quan trọng.
Về bí quyết thành công của công tác Đoàn, các bạn đề cập đến lòng nhiệt tình, cách làm việc hợp lý, chính xác, làm ra làm, chơi ra chơi. Trước mỗi buổi họp, Quang suy tính đề mục chương trình, hướng dẫn các bạn chuẩn bị trước, vào họp chỉ trình bày, trao đổi rụp rụp. Có thế mới còn thời gian cho học tập.
“Chứ là như Đoàn cấp trên thì “chết” - Mời họp bảy giờ mà bảy giờ rưỡi, tám giờ các anh chị vẫn còn rung đùi uống trà”. Hay dự một hội nghị cỡ to như thế này, sáu bạn đều hi vọng, chờ đợi học hỏi nhiều điều. Cuối cùng như lời Huệ thỏ thẻ: “Chẳng có vấn đề nào “vỡ” ra. Cứ nói chung chung, hoặc cãi qua cãi lại rồi thôi...”.
Một yếu tố thành công khác, theo những nhà lãnh đạo Đoàn nhỏ tuổi, là lôi kéo được các bạn theo mình, vừa bằng năng lực, vừa bằng tình cảm, sự gần gũi. “Thầy cô luôn muốn tụi em lúc nào cũng ra vẻ bí thư Đoàn, phải khác học sinh. Đồng ý có những lúc cần như thế, nhưng cũng lại cần những giờ phút bình thường vui đùa bên các bạn cùng lứa tuổi”. (Điều này tôi rất “thấm thía”, khi tọa đàm xong, một chiếc dép của tôi bị biến mất và Quang, Huệ “ra giá” cho tôi chuộc lại...).
Điều đáng nói ở những người bạn trẻ này là các bạn không chỉ biết lao vào làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Hạnh vừa tốt nghiệp lớp 12 và mùa hè, Hạnh không phủi tay, coi như “thoát nợ”. Cô mở lớp tập huấn cho những bạn mà cô đã tính toán đưa vào đội dự bị cho Ban chấp hành mới.
Sơn cũng đầu tư sẵn người thay mình và khi “dự những cuộc họp như “ri”, em phải ghi chép cẩn thận bao kinh nghiệm, về nói lại cho Ban chấp hành... Các bạn cũng nói về ước mơ, nguyện vọng làm sao để Đoàn đừng đánh mất niềm tin trong thanh niên và lôi cuốn được nhiều thanh niên vào công tác xã hội... Làm sao tìm những nét mới cho hoạt động Đoàn...
Các bạn Sơn, Quang, Hạnh, Tài, Huệ, Thủy đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho Đoàn. Nhưng Hội nghị toàn quốc cán bộ Đoàn trường học hơn trăm người mà chỉ vỏn vẹn có sáu đại biểu là học sinh, cán bộ Đoàn chưa qua tuổi 18, cũng là một thể hiện mất cân đối vai trò của lớp trẻ mới lớn.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn trong độ tuổi 20? Và nhìn rộng hơn, hôm nay không gieo trồng, chăm sóc cho những “nhà lãnh đạo đoàn thể nhỏ tuổi, thì ngày mai làm sao có những thứ trưởng, bộ trưởng ở tuổi 30 như nước ngoài?”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU

P04: Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình

Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình  

Sự xuất hiện của cô gái Hà Nội Ninh Thị Tuyết, một bác sĩ trẻ, trên một nông trường ở vùng rừng núi nam Tây nguyên dễ khiến nhiều người chú ý và thắc mắc: Tại sao cô lại chịu từ bỏ thủ đô để đến một miền xa hoang vắng?
Thật ra năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Y ở Hà Nội, Tuyết đã vào với anh chị ở Sài Gòn và cũng có người mách cho cô nước đi ngắn gọn, miễn là gia đình chịu tốn kém một chút. Tuyết không chọn giải pháp đó. Cô muốn bước vào đời một cách hợp pháp.
Sâu xa hơn, từ nhỏ đến lớn Tuyết chỉ sống trong những môi trường chật hẹp. Cô muốn thử một lần đi xa để xem người ta sống như thế nào và cô cho rằng trong cuộc hành trình đó cô sẽ được rèn luyện nhiều mặt hơn. Thế là giữa năm 1988 cô đặt chân đến Tây nguyên.
Rừng núi Tây nguyên không là một nửa cảnh Sài Gòn, lại không thể là một nửa cảnh Hà Nội. Những ngày đầu tiên Tuyết cứ ngỡ ở đây khó tìm thấy mặt trời bởi những cơn mưa rừng cứ kéo dài bất tận. Và nỗi buồn nhớ nhà, nhớ bạn bè cũng dai dẳng không kém gì những cơn mưa. May mà có công việc. Miền rừng núi này rất cần bác sĩ nên Tuyết có khối việc để làm.
Theo dõi chặt chẽ việc uống thuốc chống sốt rét mỗi tháng một lần (bệnh sốt rét vốn dĩ là chuyện thường ngày ở đây)... Tìm cách cắt cơn sốt rét ác tính ở một người nào đó... Khám, điều trị những bệnh thông thường... Cấp cứu những bệnh tật, tai nạn đột xuất bất kể giờ giấc... Ngoài việc chăm lo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên nông trường, Tuyết còn chữa bệnh cho cả bà con quanh khu vực.
Chị Nguyễn Thị Khương ở xã Quảng Tân cho biết: “Chị Tuyết lên đây đỡ cho bà con trong vùng biết bao. Hồi trước, ai có bệnh gì phải đi ba, bốn cây số ra xã... xin giấy giới thiệu, rồi lại ra khám bệnh ở ngã ba Kiến Đức, rất vất vả. Có khi thuốc lại không có đủ. Còn bây giờ tất cả giải quyết ngay tại chỗ”... Bệnh sốt không “chọc thủng được tuyến phòng bệnh ở Nông trường 6”.
Sự tin cậy của bà con xung quanh, những giò lan rừng của bệnh nhân gửi tặng... đó là những điều được Tuyết nhắc đến bằng một cái tên chung: hạnh phúc nghề nghiệp. Cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào, có bóng dáng hạnh phúc người ta dễ sống biết bao. Tuyết cũng thế, cô bắt đầu đi vào những thú vui bên lề của cuộc sống nơi nông trường: cùng bạn bè đi vào các thôn người dân tộc chơi, xách cần câu ra hồ câu cá, lên đồi ngắm cảnh thiên nhiên, xuống “nhà thủy tạ” khiêu vũ...
Một buổi sáng, khi đột nhập vào “thư phòng” của cô bác sĩ trẻ này, tôi bắt gặp trong mớ hành trang mà Tuyết mang từ thành phố lên có hai quyển sách chuyên môn hồi sức nội khoa, cấp cứu nhi khoa.
Thúy Liễu, cô bạn gái của Tuyết, cho biết thêm ngoài việc ôn luyện nghề nghiệp, Tuyết còn có chương trình tự học Pháp văn mỗi ngày. Đúng là cô bác sĩ này quyết tâm thực hiện nguyện vọng của mình: sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà một bác sĩ trẻ muốn “làm ăn” được phải giỏi chuyên môn.
Thông thường, do yêu cầu của công tác quản lý hành chính xã hội, việc tự ý chuyển đổi hộ khẩu theo ý muốn riêng thường khó được dư luận ủng hộ. Nhưng riêng trong trường hợp và cách làm của cô bác sĩ trẻ này cần có một cách nhìn ngược lại.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
================================================================
“Huyền thoại Đào Mai”

Cái tên Đào Mai bắt đầu “nổi” trước đám đông, trên mặt báo từ năm 1986, qua cuộc thi hùng biện ở Nhà văn hóa Thanh niên “Sức mạnh của chúng ta là ở chỗ nói thật”.
Bao năm trôi qua, cô gái này vẫn trung thành với cách tìm kiếm sức mạnh mà mình đã chọn. Mùa thu 1990, cái tên Đào Mai lại nổi lên qua cuộc thi “Điểm sáng quanh tôi”. Phần thi giới thiệu, Đào Mai tạo tranh luận sôi nổi. Một số bạn băn khoăn: vài hành động của Đào Mai khó tin là có thật... Bạn khác lại ví von: “Chuyện kể về Đào Mai, nghe như là huyền thoại!”...
Trong lai lịch của Đào Mai có một chi tiết gây thắc mắc: năm 1979, Mai học một lúc hai trường đại học: Tài chính - kế toán và Bách khoa. Thời ấy, làm gì có chuyện thi nhiều trường một lúc mà Mai đậu và được học ở hai nơi. Chẳng qua bạn thêu dệt để thổi phồng hình ảnh Đào Mai.
Thế mà lại là chuyện có thật 100%. Hồi ấy, mùa hè 1978 có hai cô bạn thân, cùng tên Mai, vừa giã từ quê nhà lên Sài Gòn thi đại học. Rồi cả hai cùng tình nguyện phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam. Một trong hai người đã không còn trở lại. Thương, nhớ bạn, khi về lại thành phố Đào Mai đã nảy ra ý tưởng kỳ quặc: đi học thay cho bạn.
Mỗi ngày, Mai học liên tục hai nơi, sáng Đại học Bách khoa, chiều Đại học Tài chính - kế toán cho mình. Được đâu một năm, Đại học Bách khoa phát hiện “Mai giả” và đuổi khỏi trường... Rải rác trong phần đời đã qua của Đào Mai, còn có những dẫn chứng khác về việc Mai sống có tình với bạn bè.
Bích Vân, phường 12, quận 3, nhớ hoài có đêm hơn 10 giờ khuya, Mai đến, nằng nặc kéo qua nhà một bạn trong tổ công tác xã hội của Mai (tổ 2, đội Công tác xã hội Thành đoàn) ở cầu chữ Y. Nhà bạn ấy vừa có người thân bị mất, sáng mai chôn sớm, Mai lại nghe tin muộn nên giờ phải cố đi cho bằng được để kịp chia buồn. Đêm đó, mãi tới hai giờ sáng Mai mới chịu về. Tình cảm của Mai dành cho bạn bè trong tổ công tác xã hội đều ghi nhận.
Trong chuyến đi công tác ở huyện Duyên Hải (Cần Giờ), khi nhìn thấy một gia đình sống trong chòi rách nát, suốt một ngày nhịn đói vì không còn lấy hạt gạo để nấu cháo, trên gương mặt Mai chỉ biểu lộ sự thương cảm bình thường như bao đội viên khác. Nhưng rồi sau đó, Mai lặng lẽ ra phía sau chòi, buông thả sự kìm nén, mặc cho những giọt nước mắt lăn dài. Đến lúc bạn bè tìm ra, Mai ôm chầm lấy bạn nghẹn ngào: “Dân mình sao nghèo khổ đến thế!”.
Vì cuộc đời còn nhiều đồng loại bất hạnh mà buổi sáng Mai đứng trên giảng đường uy nghiêm thì buổi chiều Mai lại cầm cả ngàn tờ vé số lang thang đi bán, gây quỹ tình thương. Cùng với các bạn trong tổ công tác xã hội, Đào Mai thường xuyên đến với các em bé bụi đời, thất học ở bến xe miền Đông, các bạn mù ở Trường Nguyễn Đình Chiểu...
Phải chăng tiếng reo hò hớn hở của trẻ mồ côi ở Mầm Non I khi được chụp hình, những giọt nước mắt trào dâng của các bé Mầm Non 6 khi được các anh chị đến thăm tặng quà... đã củng cố thêm nhiệt tình cho Đào Mai. Mai cứ đi, đi hoài, nghe có công tác xã hội là đi.
Một tính cách nổi bật của Đào Mai là thấy cái gì bất công, sai trái thì bạn ấy kiên quyết đấu tranh đến cùng”. Lời nhận xét vang lên ở cuộc thi Điểm sáng quanh tôi không chút gượng ép. Là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tài chính - kế toán, Mai đã nhiều lần tham gia đóng góp tích cực, mong làm sáng tỏ những nghi vấn về chế độ tài chính, việc chấm thi tốt nghiệp, việc lộ đề thi... Đó là chuyện trong phạm vi công tác.
Còn có nhiều việc gây bất ngờ cho bạn bè hơn. Nghe tin ở đường Nguyễn Du có một ổ mại dâm hạng sang, hoạt động trá hình dưới dạng quán giải khát, Đào Mai rủ một bạn gái cùng đi thám thính. Mấy đêm liền, trong lúc cô bạn gái của Mai đánh lô tô trong bụng vì sợ bọn ma cô phát hiện, đánh dằn mặt, thì Mai rất thản nhiên, vào quán uống nước hay ngồi bên lề đường giả vờ chữa xe đạp. Chắc chắn đúng ổ rồi, Mai báo cho công an...
Một đêm phát hiện có trộm trèo tường vào khu tập thể, sợ hô lên trộm chạy mất, Mai lặng lẽ bám theo. Lúc bám tay leo lên tường, bị trộm phát giác lấy cây dần đến tím tay, Mai cắn răng chịu, quyết tâm không bỏ cuộc...
Bạn bè còn nhắc đến hai chuyến đi công tác đáng nhớ về Đào Mai. Một, Dakmil. Đến nơi, Mai tách khỏi đoàn, vào lán trại sống với anh em. Sau đó về thành phố, Mai lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt vấn đề nghe nói ngân sách rót xuống cho học viên lao động cải tạo mà tại sao không đến tay anh em?...
Hai - cũng một chuyến đi cứu đói ở Duyên Hải. Đội đem xuống được một tấn gạo, song danh sách các hộ do xã xác nhận cần cứu trợ quá nhiều. Mai đề nghị đến từng nhà, xem nhà nào khó khăn thật sự. Một số anh em cho rằng làm như thế quá đáng, dễ gây mích lòng địa phương. Mai cương quyết: làm công tác xã hội thì phải tới nơi, tới chốn, không thể máy móc. Thế rồi Mai thuyết phục được vài bạn cùng cô lội mấy cây số đường ruộng, dưới trời nắng chang chang đi “kiểm tra”. Cuối cùng, nhóm đã gạch bỏ một số nhà không thật sự thiếu đói...
Những việc làm đại loại như thế của Đào Mai có rất nhiều mà theo các bạn trong tổ 2 Đội Công tác xã hội không bút mực nào tả hết. Chỉ có tiếp xúc và công tác cùng thì mới hiểu rõ. Trong số những việc ấy, xét cho cùng có nhiều việc không phải trách nhiệm của một cán bộ giảng dạy, lại càng không thích hợp với một cô gái. Song Đào Mai đã làm, kiên định và lặng lẽ. Vì như lời Mai tâm sự với một cô bạn thân: “Mình muốn góp phần cụ thể làm sạch đẹp xã hội!”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU

P03: Lời "giao lưu" cuối cùng gửi Nguyễn Kiều Liên

Nguyễn Kiều Liên - giáo viên, điều hành Câu lạc bộ Tình yêu - hôn nhân, đã vĩnh viễn ra đi trong một buổi chuẩn bị cho các bạn trẻ giao lưu tình cảm.
Mùa mưa cách đây bốn năm, tôi quen với Nguyễn Kiều Liên, một giáo viên ở Trường Phổ thông cơ sở Tân Quy Tây, huyện Bình Chánh. Hồi ấy Câu lạc bộ Tình yêu - hôn nhân (Nhà Văn hóa Thanh niên) vừa mới thành lập và Kiều Liên là một trong những thành viên đầu tiên.
Thoạt nhìn, xem chừng Kiều Liên không phải người có thể làm hạt nhân các loại sinh hoạt câu lạc bộ. Vóc người gầy yếu, lối nói chuyện không hoạt bát cho lắm... khiến Kiều Liên dễ trở thành một thành viên chìm lẫn trong tập thể. Nhưng năm tháng trôi qua đã khẳng định ngược lại...
“Các bạn ơi, mình có ý kiến như thế này nha...”, “Các bạn ơi, buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về đề tài...”. Giọng nói của Kiều Liên không sôi nổi, song lại mềm mại và rất phù hợp với một câu lạc bộ trao đổi những quan hệ tình cảm. Hồi ấy, câu lạc bộ còn sinh hoạt vào mỗi thứ sáu hàng tuần, từ 19 giờ. Dù nhà ở tận Gò Vấp, khá xa Nhà Văn hóa Thanh niên, và bận công tác hằng ngày, phải đi lại nhiều rồi, song có những đêm, buổi sinh hoạt đã tan từ lâu, phần đông các bạn đã ra về mà Kiều Liên vẫn còn ngồi nán lại bàn tiếp công việc với ban điều hành câu lạc bộ.
Một lần, tôi đùa: “Liên ốm yếu mà vẫn chịu miệt mài như thế này, “sung” quá vậy!”. “Công việc vui, thú vị nên quên luôn cái mệt”. Liên cười, nụ cười hiền từ. Rồi câu lạc bộ mở rộng hoạt động, tìm đến những tập thể bạn bè mới ở các vùng xa, Kiều Liên vẫn tích cực đeo bám...
Lần đi giao lưu với nông trường Thanh niên xung phong ở Duyên Hải, sau cuộc hành trình đó tôi thấy Kiều Liên có vẻ bơ phờ lắm, vậy mà đò vừa cập bến lại thấy chị xăng xái nhảy lên, tìm gặp các anh thanh niên xung phong bàn bạc việc bố trí ăn ở cho anh chị em. Đêm ấy, bên ánh lửa trại bập bùng, Kiều Liên lại hát một lúc hai bài, vẫn với chất giọng mượt mà tình cảm của mình...
Khi giao lưu kết bạn phát triển gần như một phong trào của tuổi trẻ thì công việc của câu lạc bộ ngày càng nặng nề hơn. Công bằng mà nói, với vai trò trưởng ban điều hành và trước yêu cầu nâng cao chất lượng của loại hình sinh hoạt mới này, khả năng riêng của bản thân Kiều Liên tuy có nhưng chưa đủ sức đáp ứng trọn vẹn. Song cái hay của Kiều Liên là biết bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách dựa vào chất xám của các bạn trong ban điều hành, của các nhà chuyên môn.
Sự năng động, nhiệt tình, chặt chẽ trong khâu tổ chức thực hiện, phối hợp với sức mạnh của người khác giúp Kiều Liên điều hành tốt sinh hoạt của câu lạc bộ. Những địa chỉ đơn vị giao lưu mới, những thành viên mới trong câu lạc bộ càng phát triển. Hình thức sinh hoạt cũng phong phú hơn: giao lưu về đêm trong quán cà phê, giao lưu theo nhóm lứa tuổi, trại giao lưu ở Thủ Đức, Đà Lạt...
Tất cả, ít nhiều đều có dấu ấn Nguyễn Kiều Liên. Có lần tôi tò mò hỏi chị: Ở cái tuổi ba mươi chín chắn, sao Kiều Liên vẫn say mê với các loại hình sinh hoạt vốn thích hợp nhiều với lứa tuổi còn mộng mơ, bay bổng này? Kiều Liên trả lời thật gọn: “Mình ưa hoạt động xã hội. Hơn nữa sinh hoạt này giúp mình biết thêm cách xử thế, rèn luyện tác phong dạn dĩ, linh hoạt...”.
Sau ngày đi trại giao lưu ở Đà Lạt về, Kiều Liên qua tòa soạn tìm tôi, không gặp, có nhắn giấy lại: “Cần gặp anh gấp để bàn chương trình giao lưu của Đoàn Liksin ngày 26-8 và trại 2-9 ở Thủ Đức. Hẹn gặp anh tại tòa soạn sáng thứ tư 23-8...”. Lời hẹn đó không thành. Tối thứ ba 22-8, Kiều Liên đạp xe vào sân bay, bàn với Đoàn Phòng không 367 về chương trình ngày trại 2-9. Khoảng 20 giờ chị đạp xe ra về và bị một chiếc xe Honda tông phải, ngã xuống đất, va đầu vào nền đường đá...
Buổi sáng đưa chị về nghĩa trang, có đông đảo bạn bè trong Câu lạc bộ giao lưu - kết bạn và cả những cá nhân, đơn vị có mối quan hệ với câu lạc bộ. Không ít bạn gái đã không cầm được nước mắt ở những giây phút chia tay cuối cùng với chị. Đào Lệ, cán bộ Nhà Văn hóa Thanh niên phụ trách mảng giao lưu, thì ngẩn ngơ: “Biết đến bao giờ mới tìm được một người vừa nhiệt tình vừa có năng lực như Kiều Liên...”.
Riêng tôi không khỏi sững sờ khi biết rằng Kiều Liên đã góp sức vun đắp cho mối quan hệ tình cảm của bao người, còn bản thân chị lại chịu một nỗi đắng cay về tình cảm riêng mà ít ai hiểu thấu để giúp đỡ. Kiều Liên nói với tôi rằng chị đã có một tổ ấm gia đình, nhưng thật ra thì ngược lại...
Và cũng vì Kiều Liên rất ít nói về cái riêng của mình nên mãi đến sau hai năm quen chị, tình cờ nhìn vào lý lịch trích ngang trong danh sách ứng cử vào ban điều hành tôi mới biết từ lâu chị đã là một đảng viên. Người đảng viên trẻ ấy luôn thể hiện vai trò của mình ở tính cách: năng nổ, nhiệt tình và luôn đi đầu trong mọi công tác. 

LƯU ĐÌNH TRIỀU
==========================================================
Ngô Đình Đức: “Không thể sống mà không có niềm tin”

Lên tám là tuổi thích hợp với những hòn bi lăn trên mặt đất, cánh diều bay vút giữa trời cao... Thế nhưng với Ngô Đình Đức tám tuổi là những bước chân đi rong trên đường phố, trong xóm chợ, ở các bến xe với tập vé số cầm tay...
Cũng như nhiều bạn “đồng nghiệp” khác, Đức có một hoàn cảnh khá hẩm hiu.
Và điều đó đã được Đức ghi nhớ trong phần mở đầu quyển nhật ký của mình: “VỀ NGUỒN. Có lẽ cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết được mình ở đâu. Theo khai sinh ghi ở Đông Hòa Hiệp, Cái Bè, Định Tường. Và thật đau lòng, cho đến nay mình vẫn chưa biết mẹ ruột của mình là ai, chỉ biết cái tên: Đào Thị Hòa. Mình mong sau này sẽ được gặp người đó. Mình tiếp nhận được sự dạy dỗ, nuôi nấng - và nó đã hình thành tính cách của mình - từ bà nội...”.
Lên 11 tuổi bà mất, Đức tìm về ở với cha (đã có gia đình riêng). Để nuôi sống bản thân, Đức làm đủ nghề: phụ bán phở, bánh cuốn, bánh tráng nướng, nhồi bột làm bánh, vác gạo, xách nước thuê. Trong xã hội nay vẫn có nhiều thiếu niên lâm vào cảnh ngộ như Đức. Điều đáng nói là tuy bận rộn, cọ xát nhiều với đời song Đức vẫn không hư hỏng. Sống ở nhiều môi trường phức tạp, có lúc phải dựa vào một băng du đãng, nhờ họ đỡ đầu để yên ổn bán hàng ở bến xe thế mà Đức chưa một lần trộm cắp.
Đáng phục hơn: suốt tám năm dài đăng đẵng, Đức vẫn cắp sách đến trường và lên lớp đều đặn. Năm học rồi Đức là một trong hai học sinh tiên tiến của lớp 10A4 Trường Phổ thông trung học Thanh Đa. Ngoài ra Đức còn phải cáng đáng công tác Đoàn của lớp và lại rất hào hứng tham gia với tờ Mực Tím. Quả không là đơn giản. Đức đã phải rất chật vật, đấu tranh với đời, với chính bản thân mình từng ngày, từng tiết học và cũng không kém phần cay đắng.
3 giờ 30 sáng mỗi ngày, trong lúc mọi người còn yên giấc Đức đã lui cui đạp xe ba bánh đi nhận và bỏ mối nước đá cho đến 9-10 giờ sáng. Có hôm nhận hàng quá trễ phải hối hả làm, vừa xong việc là Đức ba chân bốn cẳng chạy đến trường. Đức thường bị trễ học và cũng nhiều lần ngủ gục trong lớp. Ngày bế giảng niên học rồi Đức đến trễ, cổng trường đã khóa. Đức đứng ngoài khóc ngon ơ. Có khi công việc kiếm sống căng thẳng, vừa chở đá thuê vừa mài kéo, Đức không còn thời gian ôn tập bài vở.
Trong học kỳ I, năm vừa rồi, có lần Đức bị điểm 0 môn lý vì không thuộc bài - đó là nỗi cay đắng đầu tiên trong đời đi học. Thời gian bươn chải kiếm sống không cho phép Đức sống hồn nhiên với lứa tuổi của mình. Vì vậy, ngôi trường, lớp học, bạn bè là thế giới, là phút giây cho Đức hòa nhập sống gấp, sống vội cùng những tâm trạng lứa tuổi. Vì vậy Đức hay tán chuyện nhiều và lắm lúc bị thầy cô phê bình.
Mà bạn bè nào phải ai cũng đồng cảm với Đức. Vẫn có bạn không hiểu ra nỗi buồn của Đức: ngày chủ nhật, ngày lễ, bao chàng trai, cô gái cùng trang lứa vui chơi còn Đức thì hì hục làm thêm hoặc xách cần câu đi kiếm cá. Lắm lúc Đức cũng mặc cảm về cảnh đời của mình và ôm mặt khóc thầm. Nhiều đêm cúp điện, một thân một mình nằm co ro, trằn trọc không ngủ được, Đức bỏ ra ngoài đi lang thang trong mưa. Cảnh đời chưa tận cùng khổ cực, vẫn đủ khiến Đức có lúc xa đời...
Nhưng rồi định tâm lại, Đức hiểu: “Ta vẫn cứ mơ, cứ tin đời sẽ tốt hơn, vì không thể sống mà không có niềm tin. Hãy cố yêu đời mà sống!... Không thể tụt sâu vào vực thẳm, phải cố ngoi lên...” (trích nhật ký) và Đức đã cố ngoi lên bằng nỗ lực làm việc để có đủ tiền đi học, bằng thức hôm thức khuya để học. Nghị lực bản thân, sự giúp đỡ chân tình của bà con lối xóm, của những thầy cô, bạn bè hiểu Đức là sức đẩy cho Đức ngoi lên...
Một chiều mưa, tôi tìm đến chơi tại “tư gia” của Đức. Có thể gọi là nhà không? Một diện tích khoảng 2m2, vốn là một bô rác cũ nằm dưới lô nhà cao tầng. Một bếp điện, vài cái xoong, một xô nước, một cái bàn nhỏ đủ để chiếm hết diện tích nhà. Một miếng vạt giường dựng đứng đêm đến được ngả ra nền làm giường ngủ...
Chính ở cái chỗ chật chội đó, Đức lại cười vui nói với tôi về tương lai rộng lớn: sang năm lên lớp 11, học ban ngày, khó mà đi bỏ đá thuê nên Đức dự tính sẽ đi học nghề hớt tóc. Ước mơ lớn của Đức là sẽ vào đại học. Dẫu sao con đường đi tới vẫn còn dài và không thiếu cam go, liệu Đức có thể vượt qua khó khăn, mặc cảm để đạt lấy ước mơ?
Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên tôi tin, rất tin Đức sẽ thành công. Bởi tám năm căng thẳng nhất Đức đã vượt qua và cứ thế ngoi lên, cố mà ngoi lên nhé Đức!

LƯU ĐÌNH TRIỀU

P02: Người như anh sao lại chết ở tuổi 20?

Người như anh sao lại chết ở tuổi 20?

Tôi đứng sững người trước cánh cửa nhỏ nhà anh, khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong: một thiếu phụ gầy ốm, khuôn mặt hốc hác, xanh xao, tóc xõa dài, hất một bên vai, ngồi bệt trên nền nhà, ngước mắt nhìn lên bàn thờ anh, những dòng nước mắt nhẹ ứa ra, lăn dài...
Tròn một tuần lễ đã trôi qua, cái chết của anh không thể nguôi ngoai trong lòng chị. Thật xót xa, lúng túng khi trong tình cảnh như thế tôi lại phải khơi dậy nỗi đau nơi chị, qua câu chuyện về những tháng ngày còn đủ vợ, đủ chồng. Những ngày ấy, chị nhớ lại:
“Thời gian hai vợ chồng gần gũi có là bao. Sáng, anh đưa cháu Vinh (bốn tuổi) đến mẫu giáo, rồi đi làm. Trưa lại về ăn vội vài chén cơm, ngả lưng chốc lát, lại bật dậy đi. Chiều, đón con về, ăn cơm xong, chơi với con một chút rồi đạp xe vào cơ quan và dặn ở nhà cứ đóng cửa ngủ trước, khi nào anh về thì gọi (thường là 11 - 12 giờ đêm). Có tối, trước khi ngủ, anh còn dặn hai, ba giờ sáng em có thức giấc kêu giùm anh dậy để đi kiểm tra việc trực gác cơ quan. Được rảnh có mỗi ngày chủ nhật, nhưng có khi cũng chẳng yên. Dù anh đã hứa ngày đó sẽ ở nhà, lợp lại cái mái nhà bị dột, nhưng rồi có việc phải chạy vào cơ quan... Thời gian một ngày của anh chủ yếu chỉ là dành cho công việc...”.
Những đồng nghiệp khi nhắc về anh cũng nhấn mạnh cái tính tích cực, “ham việc” nơi anh. Chị Trịnh Thị Bích, một cộng sự gần gũi với anh, cho biết: “Anh Lễ đúng là người miệng nói, tay làm. Là phó chủ nhiệm, ngoài công việc điều hành, lãnh đạo ra, bất kỳ công việc lớn nhỏ nào khác của cơ quan cần là anh nhúng tay vào. Dạo nhà văn hóa mới thành lập, chính anh cùng mọi người khiêng từng bao ximăng, sửa từng cánh cửa”... Lo lắng cho tiến độ sinh hoạt của nhà văn hóa, anh để ý đến mọi khâu và trong tình trạng rất thiếu người, anh xốc vào chia sẻ mọi việc."
"Lớp năng khiếu học viên đông quá, anh qua hỗ trợ sắp xếp, nhắc nhở các em giữ trật tự. Công tác dựng sân khấu khó khăn, anh Lê Thanh - người chịu trách nhiệm hơi nản, anh đến động viên, rồi cùng Thanh đi vận động các đơn vị cùng tham gia dựng. Những đêm diễn, đông khán giả quá, anh chạy ra cổng để phụ giúp anh em bảo vệ... Và người ở cơ quan lại càng khó quên những đêm khuya, anh đạp xe từ nhà đến, leo cổng vào để kiểm tra, nhắc nhở anh em việc canh gác...
Tinh thần nhiệt tình, tận tụy với công việc của anh như được nung nấu thêm sức mạnh từ ngày 14-6-1985. Đó là ngày mà từ cơ quan, anh hối hả chạy về nhà, vừa gặp vợ đã la lên: “Anh được kết nạp Đảng rồi em ơi!”. Chị Nguyễn Thị Hoa, vợ anh, khi nhắc lại điều này, trong ánh mắt lóe lên chút tự hào: “Có lần tôi than thở anh đi suốt ngày, ít ngó ngàng nhà cửa. Anh giải thích: Mình là đảng viên thì cũng phải làm việc cho xứng đáng!”.
Còn chị Diệu Huyền, chủ nhiệm Nhà Văn hóa quận 11, nhận xét: “Nếu dạo trước, anh còn thiếu cái tầm nhìn khái quát, thì gần đây đã thể hiện nó nhuần nhuyễn hơn trong công việc”... Có tối anh ngồi bên cửa sổ nhìn xuống khu vực sinh hoạt, nói với chị Trịnh Thị Bích, lúc đó đang cặm cụi ghi chép sổ sách mà như tự nói với mình: “Phải gấp rút mua thêm khỉ, chim, làm cái quầy phục vụ trò chơi, thiếu nhi... để chuẩn bị đưa nhà văn hóa của mình đi vào sinh hoạt cả ban ngày”...
Càng yêu sự nghiệp mà mình và các đồng nghiệp đeo đuổi, anh càng căm phẫn trước những hành động gây rối, phá phách, làm mất trật tự của bọn lưu manh đi ngược lại nếp sống văn hóa mới. Tuy không trực tiếp đối mặt với bọn “chợ đen”, côn đồ, nhưng anh lại thường là người sau cùng đứng ra giải quyết nhiều vụ việc.
Theo lời kể của anh Kim Phi - nhân viên bảo vệ - thì trong bọn xấu đã có lời ra, tiếng vào hăm he: “chơi” thì “chơi” cái gốc, chứ không “chơi” cái ngọn! Vợ anh, thấy anh đi khuya nhiều quá cũng đâm lo nhắc chừng: “Anh đi làm đêm nhớ cẩn thận, cố sắp xếp về sớm sớm...”. Những lần ấy anh chỉ cười: “Việc đúng mình làm, người ta sẽ hiểu, không đến nỗi nào đâu mà em lo”. Nói với vợ như thế chứ thật ra trong lòng anh đã từng nghĩ đến chuyện bất trắc.
Lê Duy Tuấn, ngươi được coi là cặp bài trùng với anh, chưa quên lời anh tâm sự: “Chưa biết ngày nào tụi xấu nó đâm mình. Nghĩ cũng hơi ớn ớn, nhưng chẳng lẽ để tụi nó lộng hành. Có gì Tuấn nhớ dạy nhạc cho thằng Vinh, đủ tuổi là cho nó đi theo làm “đệ tử” nghen...”. Anh không hề tính đến chuyện co thủ, yên ổn để chỉ lo cho tương lai đứa con. Vinh thông minh và rất mê hát.
Chẳng là chiều nào anh cũng hay đệm đàn cho con hát những bài ca cô dạy ở trường. Trong đó không phải bé mà là anh, rất thích bài Vườn cây của ba. Bài ca chứa chất nỗi lòng của người phó chủ nhiệm trẻ tuổi này. Cây ba trồng sống lâu, lâu thiệt là lâu. Những bồn hoa, cây kiểng mà chính tay anh xới đất vun trồng ở nhà văn hóa, anh muốn rồi cũng sẽ sống lâu, thiệt là lâu cho đến ngày con anh lớn... Nhưng anh có ngờ đâu, cây anh trồng thì sẽ sống lâu, còn đời anh không kéo dài hơn được nữa. Chỉ trong một buổi tối, ngày 22-10-1986...
Về những giờ phút cuối đời anh, xin nhường lời lại cho anh Mã Vĩnh Lạc, nhân viên bảo vệ nhà văn hóa, người có mặt từ đầu đến cuối khi xảy ra sự cố.
“... Lúc 18 giờ 30, tên Thái Hữu Đức, ở trần, mặc quần đùi, đi cùng một người đàn bà xông vào nhà văn hóa hành hung anh Liêm bảo vệ, vì anh này có tham gia ngăn chặn hành động phá rối của em tên Đức vào đêm trước. Từ lâu gia đình này, nhất là mấy anh em tên Đức, thường gây rối, tham gia ăn cắp vật tư xây nhà văn hóa, bán vé chợ đen ở khu này. Sau đó, đã bị công an giữ lại, song tên này vẫn cùng mẹ mắng chửi, thách đố nhân viên nhà văn hóa. Thấy tình hình như vậy, anh Lễ mới đề nghị công an lập biên bản, rồi đi cùng công an đưa tên Đức về quận.
Sau đó 20 phút anh lại quay về để viết báo cáo, rồi mang lên công an quận nộp. Lúc về, anh rủ một số anh em chúng tôi sang quán Cây Dừa trước mặt nhà văn hóa uống nước. Khoảng 22 giờ 10, chúng tôi nghe ngoài đường tiếng của Đức và mẹ anh ta: “Về rồi, về rồi. Bắt rồi cũng thả, có ngon làm gì coi...”.
Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Sau đó, anh Lễ định lấy xe về nhà có nói sẵn ghé qua đội công an trật tự hỏi lại xem sao lại thả tên đó ra... Anh Lễ ra trước, vừa dắt xe bước xuống đường thì tên Thái Hữu Thiện, là em ruột của Đức, từ sau chạy tới, đâm một nhát dao, anh ngã quỵ ngay tại chỗ...”.
Oan nghiệt sao! Chỉ một nhát dao thôi mà đã chấm dứt đời anh. Cái chết của anh nào chỉ là một tổn thất, tiếc nuối cho cả ngành văn hóa và gia đình. Bà con nhân dân quanh khu vực rất căm phẫn và xót thương cho một cán bộ nhà nước trẻ tuổi, nhiệt tình, tận tụy. Trong sổ tang còn ghi rõ tên những người lao động bình thường đến phúng điếu: Anh Minh chạy xe ba gác, má Nguyễn Minh, dì Sáu bán bánh canh hẻm 220, chị Hai bán cà phê,...
Vào một buổi trưa yên ắng, theo những lối đi quen thuộc mà anh đã từng qua, tôi đã tìm đến cái “thế giới” thân yêu của anh - khu vực sinh hoạt chính của Nhà Văn hóa quận 11. Bên cạnh cái sân khấu ngoài trời với những bồn cỏ, vườn cây nho nhỏ xanh ngắt sự sống. Cạnh đó, trong cái chuồng lớn mà anh đã bỏ những buổi chiều đứng ra hướng dẫn thợ làm, hai chú khỉ nhởn nhơ ngồi nhai cơm và chếch sang bên kia, con chim khướu mà anh đã hào hứng trích tiền thưởng của mình ra mua vẫn vô tư nhảy chuyền trên thân tre khô.
Chị Kim Anh, phó phòng Văn hóa Thông tin đi cùng, chỉ cho tôi nơi mà anh dự tính xây hòn non bộ, xây những nhà chòi... để làm một khu vực tĩnh cho người già ra nghỉ ngơi; nơi mà anh sẽ dựng sân khấu lắp ghép cho các em thiếu nhi; nơi sẽ là sân bóng chuyền của các phường tranh tài... Ôi, ước mơ về bước phát triển sự nghiệp văn hóa thật thiết thực, gắn bó với nhu cầu người dân, từ già đến trẻ biết bao. Vậy mà... Có lòng ai không khỏi quặn đau một khi nhớ về điều cay đắng: anh không còn nữa?
Thật “phi lý”, người như anh sao lại chết ở lứa tuổi hai mươi (!?). Lẽ ra những người đảng viên trẻ tuổi, nhiệt tình, tận tụy, miệng nói tay làm như anh lại càng cần phải sống, sống thật dài, thật lâu để hoàn thành ước mơ, sự nghiệp của mình...
Nghĩ về điều này càng thêm cảm thông, bức xúc trước đòi hỏi khẩn thiết của đồng đội, bạn bè anh và bà con xung quanh: Nhà nước ta truy tặng liệt sĩ, nêu cao tấm gương người đảng viên cán bộ văn hóa rất trẻ, còn hung thủ và đồng bọn cần phải sớm bị xử trị nghiêm khắc trước pháp luật!

LƯU ĐÌNH TRIỀU
================================================================
Thúy Thúy: Không chịu thua số phận

Nhân ngồi bàn luận quyển Tiếng gọi vĩnh cửu (Anatoli Ivanov - NXB Cầu Vồng 1986), cô em họ tôi kể: “Em có nhỏ bạn tên Dương Thúy Thúy, rất thích quyển sách này, vì nhỏ bắt gặp trong đó tâm trạng của một nhân vật giống mình, cũng bị chủ nghĩa lý lịch ngáng đường vươn lên."
"Tội nghiệp! Thúy học tiếng Nga giỏi lắm, được một lô giấy chứng nhận, giấy khen đủ các cấp - từ trường đến sở, bộ, từ Quận đoàn đến Ủy ban Nhân dân quận 3.
Vào học Đại học Sư phạm năm rồi cũng khá. Lẽ ra, căn cứ vào kết quả học tập Thúy có thể được đi học ở Liên Xô, kẹt cái ông già là sĩ quan chế độ cũ... Tiếc ghê... Ở Thúy có cái hay là tuy cũng có lúc buồn chán, mặc cảm về lý lịch, song nhỏ vẫn lạc quan, tin yêu cuộc đời như thường... Thật đấy! Em không tô vẽ đâu...”.
Nếu có thể gọi những tình huống xấu và không thể né tránh được trong cuộc đời là số phận, thì số phận đã giáng xuống đầu Thúy Thúy từ khi cô mới chào đời. Năm ấy, 1968, bố mẹ Thúy Thúy ly dị. Thúy Thúy sống với mẹ trong suốt quãng đời thơ ấu của mình. Bố Thúy Thúy là thiếu tá quân nhu chế độ cũ, nên sau giải phóng ông phải đi học tập cải tạo. Cũng lúc ấy, Thúy Thúy bắt đầu sang ở cùng mấy chị. Năm 1981, bố về.
Hai bố con ôm chầm nhau. Sau 13 năm, Thúy Thúy mới thật sự biết bố, gần bố. Thế mà chẳng lẽ Thúy Thúy phải chia phần trách nhiệm về những việc làm sai trái của bố trước đây? Nếu đúng vậy, có thể nói một lần nữa số phận đã giáng xuống Thúy Thúy.
Năm lớp 12, chuẩn bị thi đại học, biết mình bị xếp loại 11, thoạt đầu Thúy Thúy cũng hơi lo - lo nhất là cô lại ghi danh thi vào khoa Nga.
Bạn bè khuyên nên đổi khoa đi vì khoa này thường chỉ có con cán bộ học, sợ... Mười bảy tuổi, lần đầu tiên trong đời Thúy Thúy biết trở trăn, ray rứt trước ngưỡng cửa vào đời. Nhưng rồi Thúy Thúy vẫn giữ nguyên quyết định vì trong cô có một niềm tin mãnh liệt: mình học giỏi thì dứt khoát phải thi đậu thôi!
Và tôi nghĩ mà phục Thúy Thúy - cô học giỏi thật, nhất là tiếng Nga. Từ năm lớp 6, do chị gợi ý Thúy Thúy đi học tiếng Nga một cách gượng ép. Hai năm sau đó, cô bắt đầu mê thứ ngôn ngữ này. Đến lớp 9, Thúy Thúy theo học ngôn ngữ của Lênin ở Nhà hữu nghị Việt - Xô.
Cuối niên học này, 1983, Thúy Thúy hồi hộp và háo hức khi quyết định tranh tài với các bạn đồng trang lứa trên toàn quốc về môn tiếng Nga. Kết quả Thúy Thúy chỉ chịu nhường bước trước hai người. Ba năm sau, lại thêm một lần tranh tài. Lại đạt như lần trước. “Hết lớp 12, theo quy định của Bộ Đại học, là học sinh giỏi toàn quốc, lại tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm 37, em được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm.
Song khi em làm đơn, được sở xác nhận, nhưng đem lên ban tuyển sinh được hẹn lần hẹn lữa mãi mà không có giấy xác nhận, em lo lo. Hay là tại lý lịch nên không được. Thôi thì cứ đi thi cho chắc...”. Nghe Thúy Thúy kể lại việc này, lòng tôi xót xa. Một người học sinh giỏi phải lặng lẽ từ bỏ quyền ưu tiên theo chế độ chỉ vì mặc cảm, để lao vào cuộc tranh đua với bao người khác ở vị trí thua thiệt hơn - nhóm 4 loại 11.
Niềm tin nơi Thúy Thúy trở thành sự thật: cô thi đậu.
Năm học đầu tiên trong đời sinh viên đã trôi qua. Rất thật lòng, Thúy Thúy tâm sự: “Hình như đúng lời bạn học nói, lớp em phần lớn là con em cán bộ không hà. Nhưng các bạn ấy đối xử với em rất tốt. Nhiều thầy cô cũng thương em. Bởi vậy nên mặc cảm lý lịch trong em lắng đi.
Cho tới cuối năm... Em lại lo. Ở khoa, em biết một vài anh chị ở lớp trên, học rất giỏi, có người là bí thư chi đoàn, nhưng vì kẹt lý lịch nên không được đi học nước ngoài. Em dù kết quả học tập tốt, nhưng chắc cũng thế” - Giọng Thúy Thúy chùng xuống...
Chiều 30-6 vừa rồi, rất tình cờ, tôi được ngồi nghe và rồi trở thành người tham dự vào cuộc trò chuyện giữa Thúy Thúy và một chị bạn.
- Đến nay đã có tin tức gì về việc đi học Liên Xô chưa?
- Chưa, nhưng mà chắc không được quá chị ơi. Tại vì em nghe nói có một văn bản của Bộ đã quy định trường hợp có lý lịch như em thì không được đi. Buồn ghê!
- Buồn đến rơi nước mắt không?
- Khóc, không làm được gì! Nhưng nói thật em có khóc trong mơ...
- Bản thân em có xuống tinh thần không?
- (Lắc đầu). Em nghĩ dần dần rồi mọi việc sẽ chuyển đổi tốt hơn. Như hồi mới giải phóng, con em sĩ quan ngụy có mấy ai vào đại học. Bây giờ thì có nhiều rồi. Gần đây báo chí cũng nói đến chuyện bình đẳng ở ngưỡng cửa vào đời, em càng hi vọng. Có điều nghĩ cũng tức. Công nhận bố em hồi trước phục vụ chế độ cũ, là có tội, nhưng bố đã trả giá về tội của mình, còn bây giờ bố đã được phục hồi quyền công dân và sáu năm qua bố là công nhân viên nhà nước, làm tốt.
Các chị em, người là giáo viên, người là Thanh niên xung phong, người là trưởng ban Văn hóa thông tin phường. Em là đoàn viên Thanh niên Cộng sản (Thúy Thúy vào Đoàn từ năm 15 tuổi, rồi được cử đi học lớp đoàn viên ưu tú của trường), chẳng lẽ Nhà nước lại không tin em... Phải tin chứ! Năm nay chưa thì sang năm. Chỉ cần em tiếp tục duy trì mức học.
Cái giọng nói vừa bức xúc, vừa tự tin và đầy lạc quan của Thúy Thúy đã làm lây sang tôi niềm tin rằng một lần nữa cô gái này sẽ chế ngự được cái gọi là “số phận”.

LƯU ĐÌNH TRIỀU

P01: Lời giới thiệu "Bật một que diêm để làm ra ánh sáng"

Ở đây có thể là sự kết hợp giữa nhu cầu công việc của một tờ báo dành cho tuổi trẻ với ý thức tự nguyện của người viết báo đã dẫn đến sự chọn lựa và quan tâm bền bỉ của một ngòi bút. Từ những bài báo đầu tay cho đến gần đây, quả là Lưu Đình Triều chủ yếu hướng về tuổi trẻ ước mơ và khát khao cống hiến.
Đó là những thủ khoa trong các kỳ thi đại học, là những công nhân góp cho đời đôi bàn tay vàng, là những thương binh không cam chịu sống cuộc đời tầm gửi, là những nhà khoa học và doanh nhân trẻ luôn xem lòng tự trọng của sự nghiệp cao hơn danh tiếng...
Có thể lý giải điều đó một phần từ con đường nhập cuộc vào xã hội mới của chính tác giả những bài báo này. Hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một “nhân vật” tiêu biểu của thế hệ đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975. “Không ai chọn cửa mà sinh ra” là câu ông Võ Văn Kiệt hay nói những năm tháng đó. Với Lưu Đình Triều và những người cùng thế hệ với anh, có thể nói thêm: không ai chọn thời mà sinh ra.
Đó là cái thời mà cha con, anh em, bạn bè... do run rủi của số phận có thể đứng hai bên bờ chiến tuyến. Cái thời đó đã khép lại và nỗ lực của những người thiện chí là mở ra một thời kỳ mới cho sự hòa giải và hòa hợp, bởi vì vẫn nói như ông Võ Văn Kiệt: “Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 31-5-2009).
Tôi hiểu những bài báo có tính chất biểu dương nhân tố mới của Lưu Đình Triều nằm trong một phối cảnh rộng hơn của hoạt động khẳng định chỗ đứng của thế hệ trẻ miền Nam sau chiến tranh, điều mà những tờ báo giàu lý tưởng như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã làm một cách xuất sắc.
Thật không có gì lạ khi một người có hoàn cảnh “tréo ngoe” như Lưu Đình Triều đã được chọn để đi sâu phản ánh và thể hiện ý chí phấn đấu của một lớp trẻ đầy tâm tư giằng xé. Ở đây, điều quan trọng là sự thấu hiểu và đồng cảm của một ngòi bút tự đặt mình vào vị thế của người trong cuộc.
Khi tập hợp những bài báo này nhân dịp 21-6, có lẽ Lưu Đình Triều chỉ muốn giữ lại như một kỷ niệm gửi đến bạn đọc. Rõ ràng đây chưa phải là một “bản sơ kết” hành trình làm báo. Đây cũng không phải là một “bản tổng kết” những tấm gương điển hình cho sự vượt khó và vươn lên.
Đường đời dài lắm, nhiều khúc quanh, ghềnh thác, người từng tự tin băng qua lối đi hẹp để tìm đến chân trời cũng có lúc chồn chân dừng lại giữa đường. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Điều mà chúng ta có thể tổng kết được chính là sự chọn lựa và thái độ dứt khoát không chịu làm người bàng quan và vô tâm trước những đổi thay, dù chỉ là khiêm tốn “bật một que diêm” để làm ra ánh sáng.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
========================================================
Đường du học của một học sinh nghèo

Một anh bạn quen với gia đình Nguyễn Công Tuấn (người đỗ thủ khoa trong kỳ thi đại học của Trường Đại học Tổng hợp năm 1987) cho biết: “Nhà Tuấn nghèo lắm. Có khi cả mấy tháng trời không hề biết miếng thịt là gì. Vậy mà Tuấn vẫn học giỏi và nghe đâu sắp đi du học ở Liên Xô”.
Đáng phục thật! Tò mò tôi hỏi thăm địa chỉ, tìm đến nhà Tuấn.
Ngôi nhà của gia đình Tuấn có cấu trúc khá đặc biệt. Đúng ra nó chỉ là một “cái lõm” không gian rộng khoảng 15m2 giữa những bức tường của các ngôi nhà bao quanh. Để vào “cái lõm” đó, tôi phải đi qua một lối đi hẹp, dài, được tạo thành bởi một bức tường và một hàng rào của hai ngôi nhà khác.
Lúc tôi đến, Tuấn đang cởi trần, ngồi đọc một quyển sách tiếng Nga. Tuấn giải thích: “Nhà nóng quá nên mặc thế cho mát”. Sau này hỏi ra mới biết Tuấn chỉ có hai bộ quần áo tươm tất để mặc khi ra đường. “Nhà chật thế này Tuấn học ở chỗ nào?”.
Tuấn chỉ lên trần, nơi có mấy tấm ván đóng sơ sài gọi là gác lửng. Tôi chui lên. Trên gác, một cái bàn học nhỏ, thấp mà đứng cạnh nó tôi chỉ cần với tay là chạm được những tấm tôn lợp nhà. Mới 9 giờ sáng, đứng ở đó một lúc, tôi đã thấy người hầm hập nóng.
Vậy mà, cậu học sinh 18 tuổi này đã ngồi chịu trận ở đây, miệt mài cùng những trang sách để rồi giật lấy vòng nguyệt quế trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Tổng hợp. Hôm đó, trước khi chia tay Tuấn, tôi đành làm kẻ bất lịch sự, xộc vào góc bếp. Trong chạn gỗ, trơ trọi một đĩa trứng nhỏ chiên loãng - vì đổ nhiều nước. Đó là món ăn duy nhất cho bữa trưa của hai anh em Tuấn (anh Tuấn là bộ đội, đang về phép).
Vài lần ghé chơi sau đó, càng lúc tôi càng hiểu hơn về hoàn cảnh và con người Tuấn. Mẹ Tuấn là nhân viên hộ lý của Bệnh viện Phụ sản. Ba Tuấn là thợ cơ khí ở một cơ sở sản xuất vừa ngưng hoạt động và ông phải chạy vạy đi kiếm tiền chạy ăn từng bữa. Thu nhập của gia đình ít ỏi như thế tất nhiên khiến việc học của Tuấn gặp không ít khó khăn. Tuấn rất mê văn học, nhưng chỉ biết thòm thèm khi đi ngang qua những quầy sách.
Ngay cả chuyện bút mực, tập vở Tuấn cũng phải dè sẻn, chỉ khi nào bức bách lắm mới dám ngửa tay xin tiền ba má. Cảnh khó, cảnh khổ là thế, vậy mà khi nhắc đến Tuấn chỉ cười xòa: “Bạn Tuấn có đứa còn khổ hơn. Cái chính là mình biết nhìn thẳng vào nó để khắc phục”.
Rất bất ngờ, người học sinh giỏi văn này lại nói một câu rất văn hoa: “Sự thiếu thốn là lời mời gọi vươn tới”... Tuấn nói có vẻ thanh thản và tự tin. Nhưng thật ra suy nghĩ đó chỉ là “kết quả nghiệm thu” sau khi Tuấn đã vượt qua chặng đường khó khăn và những đợt sóng trăn trở trong lòng
Sự trăn trở đó, tôi tìm thấy trong quyển sổ tay của Tuấn. Ở trang đầu tiên là những câu thơ:
Sống thế nào đây?
Nên sống thế nào?
Câu hỏi ngỡ nhàm rồi vẫn luôn nóng bỏng
Dựng hồn người như sóng
Cứ mỗi ngày khẩn thiết, khắt khe hơn.
(Bùi Minh Quốc)
Và ở một trang khác: Đến trường từng ngày, niềm vui quá hẹp bên dòng chảy kinh tế, xã hội nóng bỏng, sôi sục mà dấu ấn, sự cụ thể hóa những khó khăn ấy nằm trên vầng trán, gương mặt của những người thân yêu nhất trong gia đình... Bích Phi, cô bạn thân thời học phổ thông với Tuấn, cho tôi biết thêm: “Tuấn không hề mặc cảm vì cảnh nghèo, nhưng lại rất bức xúc, muốn nhanh chóng ra đời, tìm việc làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình bớt phần túng thiếu. Song ba mẹ Tuấn không đồng ý”.
Tuấn kể lại, ba Tuấn nói rằng ông sẵn sàng làm thuê, làm mướn nhưng không cho phép Tuấn bỏ học hoặc học dở. Thế là Tuấn mới tạm yên tâm lao đầu vào việc học, với quyết tâm bằng con đường học tập mở hướng tương lai. Bích Phi còn cho biết thêm có lần ngồi tâm sự Tuấn tỏ vẻ tiếc cho một số bạn cùng lớp, gia đình khá giả mà lại chểnh mảng việc học, giá như Tuấn được như vậy thì...
Cái “giá như” đó là điều không thể có. Ở lớp học dự bị đại học - dành riêng cho những học sinh dự tuyển đi học nước ngoài, Tuấn vẫn cứ phải tiếp tục đọc sách Tây mà sống bằng cái nghèo của ta. Song bù lại, sự giàu có về nghị lực, lòng khát khao muốn đền đáp công ơn mẹ cha vẫn giúp Tuấn học, sống một cách đúng hướng.
Và điều đó đã giúp Tuấn giành được thành công trong những kỳ kiểm tra cuối cùng trong cuộc tuyển chọn đi học ở Liên Xô. Những ngày chuẩn bị làm hộ chiếu lên đường du học, một lần nữa cảnh nghèo lại tấn công vào sự trăn trở trong lòng Tuấn. Chuyện sắm sửa đồ đạc lại gây không ít khó khăn cho gia đình, nhất là bộ đồ veste. Tất nhiên ba mẹ Tuấn phải vay đầu này, mượn đầu nọ để Tuấn có được bộ đồ tương đối tươm tất mà lên đường.
Thế rồi ngày 5-8-1988 vẫn từ trong “cái lõm” nhà chật chội ấy, Nguyễn Công Tuấn xách vali băng qua lối đi hẹp, dài quen thuộc đã bao năm. Và ở đầu con hẻm, một chân trời mới đang rộng mở chào đón người học trò nghèo, nhiều nghị lực này. 

LƯU ĐÌNH TRIỀU