Home » » P01: Lời giới thiệu "Bật một que diêm để làm ra ánh sáng"

P01: Lời giới thiệu "Bật một que diêm để làm ra ánh sáng"

Ở đây có thể là sự kết hợp giữa nhu cầu công việc của một tờ báo dành cho tuổi trẻ với ý thức tự nguyện của người viết báo đã dẫn đến sự chọn lựa và quan tâm bền bỉ của một ngòi bút. Từ những bài báo đầu tay cho đến gần đây, quả là Lưu Đình Triều chủ yếu hướng về tuổi trẻ ước mơ và khát khao cống hiến.
Đó là những thủ khoa trong các kỳ thi đại học, là những công nhân góp cho đời đôi bàn tay vàng, là những thương binh không cam chịu sống cuộc đời tầm gửi, là những nhà khoa học và doanh nhân trẻ luôn xem lòng tự trọng của sự nghiệp cao hơn danh tiếng...
Có thể lý giải điều đó một phần từ con đường nhập cuộc vào xã hội mới của chính tác giả những bài báo này. Hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một “nhân vật” tiêu biểu của thế hệ đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975. “Không ai chọn cửa mà sinh ra” là câu ông Võ Văn Kiệt hay nói những năm tháng đó. Với Lưu Đình Triều và những người cùng thế hệ với anh, có thể nói thêm: không ai chọn thời mà sinh ra.
Đó là cái thời mà cha con, anh em, bạn bè... do run rủi của số phận có thể đứng hai bên bờ chiến tuyến. Cái thời đó đã khép lại và nỗ lực của những người thiện chí là mở ra một thời kỳ mới cho sự hòa giải và hòa hợp, bởi vì vẫn nói như ông Võ Văn Kiệt: “Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 31-5-2009).
Tôi hiểu những bài báo có tính chất biểu dương nhân tố mới của Lưu Đình Triều nằm trong một phối cảnh rộng hơn của hoạt động khẳng định chỗ đứng của thế hệ trẻ miền Nam sau chiến tranh, điều mà những tờ báo giàu lý tưởng như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã làm một cách xuất sắc.
Thật không có gì lạ khi một người có hoàn cảnh “tréo ngoe” như Lưu Đình Triều đã được chọn để đi sâu phản ánh và thể hiện ý chí phấn đấu của một lớp trẻ đầy tâm tư giằng xé. Ở đây, điều quan trọng là sự thấu hiểu và đồng cảm của một ngòi bút tự đặt mình vào vị thế của người trong cuộc.
Khi tập hợp những bài báo này nhân dịp 21-6, có lẽ Lưu Đình Triều chỉ muốn giữ lại như một kỷ niệm gửi đến bạn đọc. Rõ ràng đây chưa phải là một “bản sơ kết” hành trình làm báo. Đây cũng không phải là một “bản tổng kết” những tấm gương điển hình cho sự vượt khó và vươn lên.
Đường đời dài lắm, nhiều khúc quanh, ghềnh thác, người từng tự tin băng qua lối đi hẹp để tìm đến chân trời cũng có lúc chồn chân dừng lại giữa đường. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Điều mà chúng ta có thể tổng kết được chính là sự chọn lựa và thái độ dứt khoát không chịu làm người bàng quan và vô tâm trước những đổi thay, dù chỉ là khiêm tốn “bật một que diêm” để làm ra ánh sáng.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
========================================================
Đường du học của một học sinh nghèo

Một anh bạn quen với gia đình Nguyễn Công Tuấn (người đỗ thủ khoa trong kỳ thi đại học của Trường Đại học Tổng hợp năm 1987) cho biết: “Nhà Tuấn nghèo lắm. Có khi cả mấy tháng trời không hề biết miếng thịt là gì. Vậy mà Tuấn vẫn học giỏi và nghe đâu sắp đi du học ở Liên Xô”.
Đáng phục thật! Tò mò tôi hỏi thăm địa chỉ, tìm đến nhà Tuấn.
Ngôi nhà của gia đình Tuấn có cấu trúc khá đặc biệt. Đúng ra nó chỉ là một “cái lõm” không gian rộng khoảng 15m2 giữa những bức tường của các ngôi nhà bao quanh. Để vào “cái lõm” đó, tôi phải đi qua một lối đi hẹp, dài, được tạo thành bởi một bức tường và một hàng rào của hai ngôi nhà khác.
Lúc tôi đến, Tuấn đang cởi trần, ngồi đọc một quyển sách tiếng Nga. Tuấn giải thích: “Nhà nóng quá nên mặc thế cho mát”. Sau này hỏi ra mới biết Tuấn chỉ có hai bộ quần áo tươm tất để mặc khi ra đường. “Nhà chật thế này Tuấn học ở chỗ nào?”.
Tuấn chỉ lên trần, nơi có mấy tấm ván đóng sơ sài gọi là gác lửng. Tôi chui lên. Trên gác, một cái bàn học nhỏ, thấp mà đứng cạnh nó tôi chỉ cần với tay là chạm được những tấm tôn lợp nhà. Mới 9 giờ sáng, đứng ở đó một lúc, tôi đã thấy người hầm hập nóng.
Vậy mà, cậu học sinh 18 tuổi này đã ngồi chịu trận ở đây, miệt mài cùng những trang sách để rồi giật lấy vòng nguyệt quế trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Tổng hợp. Hôm đó, trước khi chia tay Tuấn, tôi đành làm kẻ bất lịch sự, xộc vào góc bếp. Trong chạn gỗ, trơ trọi một đĩa trứng nhỏ chiên loãng - vì đổ nhiều nước. Đó là món ăn duy nhất cho bữa trưa của hai anh em Tuấn (anh Tuấn là bộ đội, đang về phép).
Vài lần ghé chơi sau đó, càng lúc tôi càng hiểu hơn về hoàn cảnh và con người Tuấn. Mẹ Tuấn là nhân viên hộ lý của Bệnh viện Phụ sản. Ba Tuấn là thợ cơ khí ở một cơ sở sản xuất vừa ngưng hoạt động và ông phải chạy vạy đi kiếm tiền chạy ăn từng bữa. Thu nhập của gia đình ít ỏi như thế tất nhiên khiến việc học của Tuấn gặp không ít khó khăn. Tuấn rất mê văn học, nhưng chỉ biết thòm thèm khi đi ngang qua những quầy sách.
Ngay cả chuyện bút mực, tập vở Tuấn cũng phải dè sẻn, chỉ khi nào bức bách lắm mới dám ngửa tay xin tiền ba má. Cảnh khó, cảnh khổ là thế, vậy mà khi nhắc đến Tuấn chỉ cười xòa: “Bạn Tuấn có đứa còn khổ hơn. Cái chính là mình biết nhìn thẳng vào nó để khắc phục”.
Rất bất ngờ, người học sinh giỏi văn này lại nói một câu rất văn hoa: “Sự thiếu thốn là lời mời gọi vươn tới”... Tuấn nói có vẻ thanh thản và tự tin. Nhưng thật ra suy nghĩ đó chỉ là “kết quả nghiệm thu” sau khi Tuấn đã vượt qua chặng đường khó khăn và những đợt sóng trăn trở trong lòng
Sự trăn trở đó, tôi tìm thấy trong quyển sổ tay của Tuấn. Ở trang đầu tiên là những câu thơ:
Sống thế nào đây?
Nên sống thế nào?
Câu hỏi ngỡ nhàm rồi vẫn luôn nóng bỏng
Dựng hồn người như sóng
Cứ mỗi ngày khẩn thiết, khắt khe hơn.
(Bùi Minh Quốc)
Và ở một trang khác: Đến trường từng ngày, niềm vui quá hẹp bên dòng chảy kinh tế, xã hội nóng bỏng, sôi sục mà dấu ấn, sự cụ thể hóa những khó khăn ấy nằm trên vầng trán, gương mặt của những người thân yêu nhất trong gia đình... Bích Phi, cô bạn thân thời học phổ thông với Tuấn, cho tôi biết thêm: “Tuấn không hề mặc cảm vì cảnh nghèo, nhưng lại rất bức xúc, muốn nhanh chóng ra đời, tìm việc làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình bớt phần túng thiếu. Song ba mẹ Tuấn không đồng ý”.
Tuấn kể lại, ba Tuấn nói rằng ông sẵn sàng làm thuê, làm mướn nhưng không cho phép Tuấn bỏ học hoặc học dở. Thế là Tuấn mới tạm yên tâm lao đầu vào việc học, với quyết tâm bằng con đường học tập mở hướng tương lai. Bích Phi còn cho biết thêm có lần ngồi tâm sự Tuấn tỏ vẻ tiếc cho một số bạn cùng lớp, gia đình khá giả mà lại chểnh mảng việc học, giá như Tuấn được như vậy thì...
Cái “giá như” đó là điều không thể có. Ở lớp học dự bị đại học - dành riêng cho những học sinh dự tuyển đi học nước ngoài, Tuấn vẫn cứ phải tiếp tục đọc sách Tây mà sống bằng cái nghèo của ta. Song bù lại, sự giàu có về nghị lực, lòng khát khao muốn đền đáp công ơn mẹ cha vẫn giúp Tuấn học, sống một cách đúng hướng.
Và điều đó đã giúp Tuấn giành được thành công trong những kỳ kiểm tra cuối cùng trong cuộc tuyển chọn đi học ở Liên Xô. Những ngày chuẩn bị làm hộ chiếu lên đường du học, một lần nữa cảnh nghèo lại tấn công vào sự trăn trở trong lòng Tuấn. Chuyện sắm sửa đồ đạc lại gây không ít khó khăn cho gia đình, nhất là bộ đồ veste. Tất nhiên ba mẹ Tuấn phải vay đầu này, mượn đầu nọ để Tuấn có được bộ đồ tương đối tươm tất mà lên đường.
Thế rồi ngày 5-8-1988 vẫn từ trong “cái lõm” nhà chật chội ấy, Nguyễn Công Tuấn xách vali băng qua lối đi hẹp, dài quen thuộc đã bao năm. Và ở đầu con hẻm, một chân trời mới đang rộng mở chào đón người học trò nghèo, nhiều nghị lực này. 

LƯU ĐÌNH TRIỀU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét