Tôi đứng sững người trước cánh cửa nhỏ nhà anh, khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong: một thiếu phụ gầy ốm, khuôn mặt hốc hác, xanh xao, tóc xõa dài, hất một bên vai, ngồi bệt trên nền nhà, ngước mắt nhìn lên bàn thờ anh, những dòng nước mắt nhẹ ứa ra, lăn dài...
Tròn một tuần lễ đã trôi qua, cái chết của anh không thể nguôi ngoai trong lòng chị. Thật xót xa, lúng túng khi trong tình cảnh như thế tôi lại phải khơi dậy nỗi đau nơi chị, qua câu chuyện về những tháng ngày còn đủ vợ, đủ chồng. Những ngày ấy, chị nhớ lại:
“Thời gian hai vợ chồng gần gũi có là bao. Sáng, anh đưa cháu Vinh (bốn tuổi) đến mẫu giáo, rồi đi làm. Trưa lại về ăn vội vài chén cơm, ngả lưng chốc lát, lại bật dậy đi. Chiều, đón con về, ăn cơm xong, chơi với con một chút rồi đạp xe vào cơ quan và dặn ở nhà cứ đóng cửa ngủ trước, khi nào anh về thì gọi (thường là 11 - 12 giờ đêm). Có tối, trước khi ngủ, anh còn dặn hai, ba giờ sáng em có thức giấc kêu giùm anh dậy để đi kiểm tra việc trực gác cơ quan. Được rảnh có mỗi ngày chủ nhật, nhưng có khi cũng chẳng yên. Dù anh đã hứa ngày đó sẽ ở nhà, lợp lại cái mái nhà bị dột, nhưng rồi có việc phải chạy vào cơ quan... Thời gian một ngày của anh chủ yếu chỉ là dành cho công việc...”.
Những đồng nghiệp khi nhắc về anh cũng nhấn mạnh cái tính tích cực, “ham việc” nơi anh. Chị Trịnh Thị Bích, một cộng sự gần gũi với anh, cho biết: “Anh Lễ đúng là người miệng nói, tay làm. Là phó chủ nhiệm, ngoài công việc điều hành, lãnh đạo ra, bất kỳ công việc lớn nhỏ nào khác của cơ quan cần là anh nhúng tay vào. Dạo nhà văn hóa mới thành lập, chính anh cùng mọi người khiêng từng bao ximăng, sửa từng cánh cửa”... Lo lắng cho tiến độ sinh hoạt của nhà văn hóa, anh để ý đến mọi khâu và trong tình trạng rất thiếu người, anh xốc vào chia sẻ mọi việc."
"Lớp năng khiếu học viên đông quá, anh qua hỗ trợ sắp xếp, nhắc nhở các em giữ trật tự. Công tác dựng sân khấu khó khăn, anh Lê Thanh - người chịu trách nhiệm hơi nản, anh đến động viên, rồi cùng Thanh đi vận động các đơn vị cùng tham gia dựng. Những đêm diễn, đông khán giả quá, anh chạy ra cổng để phụ giúp anh em bảo vệ... Và người ở cơ quan lại càng khó quên những đêm khuya, anh đạp xe từ nhà đến, leo cổng vào để kiểm tra, nhắc nhở anh em việc canh gác...
Tinh thần nhiệt tình, tận tụy với công việc của anh như được nung nấu thêm sức mạnh từ ngày 14-6-1985. Đó là ngày mà từ cơ quan, anh hối hả chạy về nhà, vừa gặp vợ đã la lên: “Anh được kết nạp Đảng rồi em ơi!”. Chị Nguyễn Thị Hoa, vợ anh, khi nhắc lại điều này, trong ánh mắt lóe lên chút tự hào: “Có lần tôi than thở anh đi suốt ngày, ít ngó ngàng nhà cửa. Anh giải thích: Mình là đảng viên thì cũng phải làm việc cho xứng đáng!”.
Còn chị Diệu Huyền, chủ nhiệm Nhà Văn hóa quận 11, nhận xét: “Nếu dạo trước, anh còn thiếu cái tầm nhìn khái quát, thì gần đây đã thể hiện nó nhuần nhuyễn hơn trong công việc”... Có tối anh ngồi bên cửa sổ nhìn xuống khu vực sinh hoạt, nói với chị Trịnh Thị Bích, lúc đó đang cặm cụi ghi chép sổ sách mà như tự nói với mình: “Phải gấp rút mua thêm khỉ, chim, làm cái quầy phục vụ trò chơi, thiếu nhi... để chuẩn bị đưa nhà văn hóa của mình đi vào sinh hoạt cả ban ngày”...
Càng yêu sự nghiệp mà mình và các đồng nghiệp đeo đuổi, anh càng căm phẫn trước những hành động gây rối, phá phách, làm mất trật tự của bọn lưu manh đi ngược lại nếp sống văn hóa mới. Tuy không trực tiếp đối mặt với bọn “chợ đen”, côn đồ, nhưng anh lại thường là người sau cùng đứng ra giải quyết nhiều vụ việc.
Theo lời kể của anh Kim Phi - nhân viên bảo vệ - thì trong bọn xấu đã có lời ra, tiếng vào hăm he: “chơi” thì “chơi” cái gốc, chứ không “chơi” cái ngọn! Vợ anh, thấy anh đi khuya nhiều quá cũng đâm lo nhắc chừng: “Anh đi làm đêm nhớ cẩn thận, cố sắp xếp về sớm sớm...”. Những lần ấy anh chỉ cười: “Việc đúng mình làm, người ta sẽ hiểu, không đến nỗi nào đâu mà em lo”. Nói với vợ như thế chứ thật ra trong lòng anh đã từng nghĩ đến chuyện bất trắc.
Lê Duy Tuấn, ngươi được coi là cặp bài trùng với anh, chưa quên lời anh tâm sự: “Chưa biết ngày nào tụi xấu nó đâm mình. Nghĩ cũng hơi ớn ớn, nhưng chẳng lẽ để tụi nó lộng hành. Có gì Tuấn nhớ dạy nhạc cho thằng Vinh, đủ tuổi là cho nó đi theo làm “đệ tử” nghen...”. Anh không hề tính đến chuyện co thủ, yên ổn để chỉ lo cho tương lai đứa con. Vinh thông minh và rất mê hát.
Chẳng là chiều nào anh cũng hay đệm đàn cho con hát những bài ca cô dạy ở trường. Trong đó không phải bé mà là anh, rất thích bài Vườn cây của ba. Bài ca chứa chất nỗi lòng của người phó chủ nhiệm trẻ tuổi này. Cây ba trồng sống lâu, lâu thiệt là lâu. Những bồn hoa, cây kiểng mà chính tay anh xới đất vun trồng ở nhà văn hóa, anh muốn rồi cũng sẽ sống lâu, thiệt là lâu cho đến ngày con anh lớn... Nhưng anh có ngờ đâu, cây anh trồng thì sẽ sống lâu, còn đời anh không kéo dài hơn được nữa. Chỉ trong một buổi tối, ngày 22-10-1986...
Về những giờ phút cuối đời anh, xin nhường lời lại cho anh Mã Vĩnh Lạc, nhân viên bảo vệ nhà văn hóa, người có mặt từ đầu đến cuối khi xảy ra sự cố.
“... Lúc 18 giờ 30, tên Thái Hữu Đức, ở trần, mặc quần đùi, đi cùng một người đàn bà xông vào nhà văn hóa hành hung anh Liêm bảo vệ, vì anh này có tham gia ngăn chặn hành động phá rối của em tên Đức vào đêm trước. Từ lâu gia đình này, nhất là mấy anh em tên Đức, thường gây rối, tham gia ăn cắp vật tư xây nhà văn hóa, bán vé chợ đen ở khu này. Sau đó, đã bị công an giữ lại, song tên này vẫn cùng mẹ mắng chửi, thách đố nhân viên nhà văn hóa. Thấy tình hình như vậy, anh Lễ mới đề nghị công an lập biên bản, rồi đi cùng công an đưa tên Đức về quận.
Sau đó 20 phút anh lại quay về để viết báo cáo, rồi mang lên công an quận nộp. Lúc về, anh rủ một số anh em chúng tôi sang quán Cây Dừa trước mặt nhà văn hóa uống nước. Khoảng 22 giờ 10, chúng tôi nghe ngoài đường tiếng của Đức và mẹ anh ta: “Về rồi, về rồi. Bắt rồi cũng thả, có ngon làm gì coi...”.
Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Sau đó, anh Lễ định lấy xe về nhà có nói sẵn ghé qua đội công an trật tự hỏi lại xem sao lại thả tên đó ra... Anh Lễ ra trước, vừa dắt xe bước xuống đường thì tên Thái Hữu Thiện, là em ruột của Đức, từ sau chạy tới, đâm một nhát dao, anh ngã quỵ ngay tại chỗ...”.
Oan nghiệt sao! Chỉ một nhát dao thôi mà đã chấm dứt đời anh. Cái chết của anh nào chỉ là một tổn thất, tiếc nuối cho cả ngành văn hóa và gia đình. Bà con nhân dân quanh khu vực rất căm phẫn và xót thương cho một cán bộ nhà nước trẻ tuổi, nhiệt tình, tận tụy. Trong sổ tang còn ghi rõ tên những người lao động bình thường đến phúng điếu: Anh Minh chạy xe ba gác, má Nguyễn Minh, dì Sáu bán bánh canh hẻm 220, chị Hai bán cà phê,...
Vào một buổi trưa yên ắng, theo những lối đi quen thuộc mà anh đã từng qua, tôi đã tìm đến cái “thế giới” thân yêu của anh - khu vực sinh hoạt chính của Nhà Văn hóa quận 11. Bên cạnh cái sân khấu ngoài trời với những bồn cỏ, vườn cây nho nhỏ xanh ngắt sự sống. Cạnh đó, trong cái chuồng lớn mà anh đã bỏ những buổi chiều đứng ra hướng dẫn thợ làm, hai chú khỉ nhởn nhơ ngồi nhai cơm và chếch sang bên kia, con chim khướu mà anh đã hào hứng trích tiền thưởng của mình ra mua vẫn vô tư nhảy chuyền trên thân tre khô.
Chị Kim Anh, phó phòng Văn hóa Thông tin đi cùng, chỉ cho tôi nơi mà anh dự tính xây hòn non bộ, xây những nhà chòi... để làm một khu vực tĩnh cho người già ra nghỉ ngơi; nơi mà anh sẽ dựng sân khấu lắp ghép cho các em thiếu nhi; nơi sẽ là sân bóng chuyền của các phường tranh tài... Ôi, ước mơ về bước phát triển sự nghiệp văn hóa thật thiết thực, gắn bó với nhu cầu người dân, từ già đến trẻ biết bao. Vậy mà... Có lòng ai không khỏi quặn đau một khi nhớ về điều cay đắng: anh không còn nữa?
Thật “phi lý”, người như anh sao lại chết ở lứa tuổi hai mươi (!?). Lẽ ra những người đảng viên trẻ tuổi, nhiệt tình, tận tụy, miệng nói tay làm như anh lại càng cần phải sống, sống thật dài, thật lâu để hoàn thành ước mơ, sự nghiệp của mình...
Nghĩ về điều này càng thêm cảm thông, bức xúc trước đòi hỏi khẩn thiết của đồng đội, bạn bè anh và bà con xung quanh: Nhà nước ta truy tặng liệt sĩ, nêu cao tấm gương người đảng viên cán bộ văn hóa rất trẻ, còn hung thủ và đồng bọn cần phải sớm bị xử trị nghiêm khắc trước pháp luật!
LƯU ĐÌNH TRIỀU
================================================================
Thúy Thúy: Không chịu thua số phận
Nhân ngồi bàn luận quyển Tiếng gọi vĩnh cửu (Anatoli Ivanov - NXB Cầu Vồng 1986), cô em họ tôi kể: “Em có nhỏ bạn tên Dương Thúy Thúy, rất thích quyển sách này, vì nhỏ bắt gặp trong đó tâm trạng của một nhân vật giống mình, cũng bị chủ nghĩa lý lịch ngáng đường vươn lên."
"Tội nghiệp! Thúy học tiếng Nga giỏi lắm, được một lô giấy chứng nhận, giấy khen đủ các cấp - từ trường đến sở, bộ, từ Quận đoàn đến Ủy ban Nhân dân quận 3.
Vào học Đại học Sư phạm năm rồi cũng khá. Lẽ ra, căn cứ vào kết quả học tập Thúy có thể được đi học ở Liên Xô, kẹt cái ông già là sĩ quan chế độ cũ... Tiếc ghê... Ở Thúy có cái hay là tuy cũng có lúc buồn chán, mặc cảm về lý lịch, song nhỏ vẫn lạc quan, tin yêu cuộc đời như thường... Thật đấy! Em không tô vẽ đâu...”.
Nếu có thể gọi những tình huống xấu và không thể né tránh được trong cuộc đời là số phận, thì số phận đã giáng xuống đầu Thúy Thúy từ khi cô mới chào đời. Năm ấy, 1968, bố mẹ Thúy Thúy ly dị. Thúy Thúy sống với mẹ trong suốt quãng đời thơ ấu của mình. Bố Thúy Thúy là thiếu tá quân nhu chế độ cũ, nên sau giải phóng ông phải đi học tập cải tạo. Cũng lúc ấy, Thúy Thúy bắt đầu sang ở cùng mấy chị. Năm 1981, bố về.
Hai bố con ôm chầm nhau. Sau 13 năm, Thúy Thúy mới thật sự biết bố, gần bố. Thế mà chẳng lẽ Thúy Thúy phải chia phần trách nhiệm về những việc làm sai trái của bố trước đây? Nếu đúng vậy, có thể nói một lần nữa số phận đã giáng xuống Thúy Thúy.
Năm lớp 12, chuẩn bị thi đại học, biết mình bị xếp loại 11, thoạt đầu Thúy Thúy cũng hơi lo - lo nhất là cô lại ghi danh thi vào khoa Nga.
Bạn bè khuyên nên đổi khoa đi vì khoa này thường chỉ có con cán bộ học, sợ... Mười bảy tuổi, lần đầu tiên trong đời Thúy Thúy biết trở trăn, ray rứt trước ngưỡng cửa vào đời. Nhưng rồi Thúy Thúy vẫn giữ nguyên quyết định vì trong cô có một niềm tin mãnh liệt: mình học giỏi thì dứt khoát phải thi đậu thôi!
Và tôi nghĩ mà phục Thúy Thúy - cô học giỏi thật, nhất là tiếng Nga. Từ năm lớp 6, do chị gợi ý Thúy Thúy đi học tiếng Nga một cách gượng ép. Hai năm sau đó, cô bắt đầu mê thứ ngôn ngữ này. Đến lớp 9, Thúy Thúy theo học ngôn ngữ của Lênin ở Nhà hữu nghị Việt - Xô.
Cuối niên học này, 1983, Thúy Thúy hồi hộp và háo hức khi quyết định tranh tài với các bạn đồng trang lứa trên toàn quốc về môn tiếng Nga. Kết quả Thúy Thúy chỉ chịu nhường bước trước hai người. Ba năm sau, lại thêm một lần tranh tài. Lại đạt như lần trước. “Hết lớp 12, theo quy định của Bộ Đại học, là học sinh giỏi toàn quốc, lại tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm 37, em được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm.
Song khi em làm đơn, được sở xác nhận, nhưng đem lên ban tuyển sinh được hẹn lần hẹn lữa mãi mà không có giấy xác nhận, em lo lo. Hay là tại lý lịch nên không được. Thôi thì cứ đi thi cho chắc...”. Nghe Thúy Thúy kể lại việc này, lòng tôi xót xa. Một người học sinh giỏi phải lặng lẽ từ bỏ quyền ưu tiên theo chế độ chỉ vì mặc cảm, để lao vào cuộc tranh đua với bao người khác ở vị trí thua thiệt hơn - nhóm 4 loại 11.
Niềm tin nơi Thúy Thúy trở thành sự thật: cô thi đậu.
Năm học đầu tiên trong đời sinh viên đã trôi qua. Rất thật lòng, Thúy Thúy tâm sự: “Hình như đúng lời bạn học nói, lớp em phần lớn là con em cán bộ không hà. Nhưng các bạn ấy đối xử với em rất tốt. Nhiều thầy cô cũng thương em. Bởi vậy nên mặc cảm lý lịch trong em lắng đi.
Cho tới cuối năm... Em lại lo. Ở khoa, em biết một vài anh chị ở lớp trên, học rất giỏi, có người là bí thư chi đoàn, nhưng vì kẹt lý lịch nên không được đi học nước ngoài. Em dù kết quả học tập tốt, nhưng chắc cũng thế” - Giọng Thúy Thúy chùng xuống...
Chiều 30-6 vừa rồi, rất tình cờ, tôi được ngồi nghe và rồi trở thành người tham dự vào cuộc trò chuyện giữa Thúy Thúy và một chị bạn.
- Đến nay đã có tin tức gì về việc đi học Liên Xô chưa?
- Chưa, nhưng mà chắc không được quá chị ơi. Tại vì em nghe nói có một văn bản của Bộ đã quy định trường hợp có lý lịch như em thì không được đi. Buồn ghê!
- Buồn đến rơi nước mắt không?
- Khóc, không làm được gì! Nhưng nói thật em có khóc trong mơ...
- Bản thân em có xuống tinh thần không?
- (Lắc đầu). Em nghĩ dần dần rồi mọi việc sẽ chuyển đổi tốt hơn. Như hồi mới giải phóng, con em sĩ quan ngụy có mấy ai vào đại học. Bây giờ thì có nhiều rồi. Gần đây báo chí cũng nói đến chuyện bình đẳng ở ngưỡng cửa vào đời, em càng hi vọng. Có điều nghĩ cũng tức. Công nhận bố em hồi trước phục vụ chế độ cũ, là có tội, nhưng bố đã trả giá về tội của mình, còn bây giờ bố đã được phục hồi quyền công dân và sáu năm qua bố là công nhân viên nhà nước, làm tốt.
Các chị em, người là giáo viên, người là Thanh niên xung phong, người là trưởng ban Văn hóa thông tin phường. Em là đoàn viên Thanh niên Cộng sản (Thúy Thúy vào Đoàn từ năm 15 tuổi, rồi được cử đi học lớp đoàn viên ưu tú của trường), chẳng lẽ Nhà nước lại không tin em... Phải tin chứ! Năm nay chưa thì sang năm. Chỉ cần em tiếp tục duy trì mức học.
Cái giọng nói vừa bức xúc, vừa tự tin và đầy lạc quan của Thúy Thúy đã làm lây sang tôi niềm tin rằng một lần nữa cô gái này sẽ chế ngự được cái gọi là “số phận”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét