Home » » Phần 03: Những giấc mơ nhỏ nhoi

Phần 03: Những giấc mơ nhỏ nhoi

-“Vậy là được rồi chứ đòi gì nữa?” - ông Trần Văn Thái, một lão làng xe ôm “quốc tế” ở cạnh bến xe miền Đông nói vậy khi tôi than hôm qua chạy cả ngày mà chỉ kiếm được 30.000 đồng.
Ông Thái tính toán: “Ngày nào đắt khách lắm cũng cỡ bảy, tám chục là cùng. Trừ chi phí xăng cộ, tiền chợ cho cả nhà thì cũng dư được mấy đồng. Gặp bữa trời mưa cả ngày trời chạy một hai, cuốc, xem như lỗ chắc, mà dạo này xăng lên quá ai cũng rên cả…”.
Bữa cơm chiều của tôi và ông Thái tại một quán cơm bình dân dành cho cánh xe ôm trên đường Nguyễn Xí giá chỉ  3.000 đồng một đĩa, vài cọng rau xào với một miếng đậu hủ mỏng dính, lạt nhách, cơm thì khô khốc, chén canh lõng bõng toàn nước. Tôi không nuối nổi vì mệt còn ông Thái cứ xì xụp ngon lành. Ông đã sống đạm bạc như thế gần 10 năm rồi còn gì!
Gần 10 năm trước, vợ chồng ông Thái rời bỏ quê nhà miệt Cà Mau lên Sài Gòn. Không có nghề ngỗng gì, ông chạy xe ôm để trụ lại nơi đô hội nuôi vợ bệnh nan y suốt năm năm trời. Vợ ông mất vì bệnh ung thư năm 2000. Hai đứa con trai của ông Thái cũng nối nghiệp cha hành nghề xe ôm, một chạy ở bến xe Chợ Lớn, một chạy bến Nơ Trang Long. Cả gia đình xe ôm ấy, ban ngày mỗi người mỗi ngả, nữa đêm mới tụ về trong căn nhà nhỏ thuê trong một hẻm sâu hun hút trên đường Cây Trâm, Gò Vấp. Ba cha con ông Thái qui định với nhau hàng ngày sẽ cố dành dụm ra 10.000 - 20.000 đồng để cuối năm cho người con lớn lấy vợ, cô dâu tương lai cũng là một phu xe ôm! Vậy mà cái cuối năm của cha con ông Thái đã kéo dài gần ba năm rồi, hồi đầu năm ông bị đụng xe gãy chân, tiền thuốc thang đã ngốn đứt 2 triệu trong số 3 triệu đồng cha con ông đã dành dụm…
Đã hai ngày rồi không thấy ông Thái ra bến, tôi hỏi anh Minh, một đồng nghiệp trẻ cùng bến “quốc tế”, anh Minh thở dài: “Ổng lại bị tông xe nữa rồi, tội nghiệp ông già xui gì mà xui dữ vậy”. “ Sao vậy anh?”. “Ổng bị bọn choai choai quỵt tiền, còn đạp ổng té nữa chứ, tội nghiệp ông già chỉ có mấy đồng mà rước họa vào thân. Cái nghề này khốn nạn lắm, không gặp cướp cũng gặp trấn lột hay ăn quịt, tui cũng bị quịt cả chục lần rồi, may là chưa đụng cướp thôi…”. Chiều, tôi tìm đến thăm ông Thái, sâu hút trong con hẻm lầy lội  là một căn gác nhỏ rộng chỉ hơn 10 m2 vừa đủ để kê cái chiếu làm chỗ ngả lưng của ba cha con, ngoài ra hầu như không có một vật dụng nào khác có giá trị. Ông Thái bị gãy chân ngay chỗ cũ, mặt ông trắng bệt vì kiệt sức, không hề nói về vụ tai nạn mà ông chỉ than thở mà nước mắt lưng tròng: “Vậy là đám cưới thằng con lại hoãn nữa rồi, tội nghiệp nó cứ theo nghề cha, khổ thân…”.
Hôm nhập “bến” khu vực Hàng Xanh tôi rất quý ông Kỳ, người hiền lành, dễ gần, có mối nào sộp là ông nhường cho đám phu xe trẻ như tôi. Ai cũng nói ông Kỳ may mắn khi được bà chủ nhà lầu ba tầng đầu hẻm “hợp đồng” đưa hai đứa con của bà đi học, hai đứa học hai trường, mỗi tháng được trả 400.000 đồng. Để có được cái hợp đồng may mắn này, ông Kỳ buộc phải để đứa con gái ông đi bộ đến trường. Thấy ai có cái xe đạp cũ là ông lò dò đến hỏi mua, nhưng cái nào ông cũng lắc đầu: “Mắc quá, mắc quá…”. Ông nói với tôi: “Ráng chạy đến cuối năm mua cho đứa con gái cái xe đạp cũ”. Tôi cầu mong giấc mơ mua chiếc xe đạp cũ cho con gái của ông sớm trở thành sự thật...
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM, trong ba năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xảy ra từ 60 - 70 vụ cướp xe ôm. Từ đầu năm 2005 đến nay đã xảy ra 32 vụ cướp xe ôm, trong đó có ba nạn nhân bị giết chết. Nghề chạy xe ôm được xem là một nghề nguy hiểm nhất trong những nghề tự do. Người chạy xe ôm thường bị đánh cướp và giết ở các địa bàn vùng ven như quận 2, 7, 9, 12, Hóc Môn, Bình Chánh…
Thượng tá Nguyễn Văn Liêm, Phó trưởng Công an quận 12, địa bàn làm điểm trong phong trào quần chúng phòng chống cướp xe ôm cho biết, các vụ cướp ngày càng hung tợn, táo bạo hơn. Gần đây, thủ đoạn mới của bọn cướp còn là dùng đối tượng nữ giả khách đi xe ôm sau đó đưa nạn nhân đến các khu vực tối, vắng để đồng bọn phục sẵn ra tay rồi tẩu thoát…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
====================
Những bông hồng trên đường gió bụi
Trong những ngày gió bụi cùng giới xe ôm, tôi phát hiện một điều: ở bến xe nào cũng xuất hiện những bóng hồng – những phụ nữ chạy xe ôm, có  những cô gái vừa mới bước sang tuổi đôi mươi. Và họ cũng quần quật với công việc lẽ ra chỉ dành cho nam giới …
Bữa đó, nhìn thấy ông khách già vừa bước ra khỏi cổng, tôi vội rà xe tới; chưa kịp cất tiếng mời thì một chiếc xe đâm xẹt vào giữa tôi và ông khách rồi một giọng nữ cất lên: “Đi đâu chú, con chở cho, con chạy xe đằm lắm, không ẩu như mấy cha nội này đâu!”. Đó là một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi, trông còn khá xinh với nụ cười rất tươi trên môi. Chờ chị  đưa khách đi rồi quay lại bến, tôi bước đến với giọng trách móc: “Sao chị giành khách của tôi vậy?”. Ngay lập tức chị dạy cho tôi một bài học về cạnh tranh: “Anh phải nhanh miệng hơn chứ, cứ đứng thần người ra vậy thì khó mà kiếm được khách… Khách ít, người chạy xe đông mà chậm như anh thì có mà ăn... cám!”.  Hồ Thị Oanh là tên chị phu xe ấy.
Buổi trưa ế khách, tôi mời Oanh ăn cơm chung. Chị tự giới thiệu: “Anh là lính mới chứ cả bến này ai cũng biết tôi, tôi ra xe đã được năm năm rồi, đường thành phố này tôi thuộc như lòng bàn tay!”. Vào nghề lâu như vậy nhưng Oanh không vào bất kỳ bến nào cố định, cứ làm dân “quốc tế” mà rong ruổi suốt. Gần sáu năm trước, Oanh cũng có một mái ấm gia đình khá hạnh phúc với một người chồng là con một gia đình khá giả ở Tuy Hòa, Phú Yên. Nhưng rồi người chồng nghiện cờ bạc, gia đình tán gia bại sản, Oanh quyết định chia tay, dẫn theo hai cô con gái đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ sắp tròn 2 tuổi vào Sài Gòn kiếm sống. Thời gian đầu, Oanh bán bánh mì dạo, thuốc lá dạo ở bến xe nhưng thu nhập ít mà lại không ổn định. Thấy mấy anh, mấy chú chạy xe ôm có đồng ra đồng vô nên Oanh quyết định theo nghề. Như bao người phu xe nghèo khó không một đồng vốn, Oanh thuê chiếc xe gắn máy mỗi ngày 20.000 đồng.
“Thời gian đầu, tôi chỉ rước khách vào ban ngày. Chẳng dám chạy khuya khoắt vì còn con nhỏ, phần vì sợ cướp… Nhưng rồi cũng phải chạy cả ban đêm mới đủ sống. Khổ lắm, phụ nữ cực chẳng đã mới đi làm phu xe, dành dụm mãi mà vẫn chưa mua được cái xe Trung Quốc để chạy, chứ thuê xe mất đứt 20.000 đồng một ngày, đau quá!”. Mẹ chạy xe khuya khoắt, hai đứa nhỏ phải ở nhà tự lo cho nhau, đến tối khuya Oanh mới tranh thủ chạy về mua cơm hộp cho hai con. Nhiều bữa con bị sốt không dám bỏ con ở nhà một mình nên đành chở theo xe. Rước được khách thì Oanh cho con ngồi phía trước, khách ngồi phía sau, cứ thế mà đứa nhỏ cứ mê man theo mẹ đi cùng khắp.
Năm năm trời chạy xe ôm ở đất Sài Gòn, Oanh đã đối mặt với bao nhọc nhằn, cả chuyện bị gạ gẫm, sờ mó đến bị quịt tiền, trấn lột dọc đường… Tai nạn mà chị nhớ nhất là một lần gần 10 giờ đêm, một ông khách nam lớn tuổi, ăn mặc lịch sự nhờ chị chở về Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đến đoạn đường vắng gã đàn ông bắt đầu sờ soạng rồi ôm xiết lấy Oanh. Hoảng hốt, Oanh đành buông cả tay lái làm xe ngã sóng xoài ra bên đường. Vừa may lúc đó, lực lượng dân quân địa phương đi tuần ngang, gã đàn ông lí nhí xin lỗi và đồng ý trả tiền xe rồi chuồn thẳng!
Những ngày ra xe ở khu vực bến xe miền Đông, tôi có được một đồng nghiệp nữ rất đáng quý, chị luôn chỉ dẫn cho tôi những bí quyết rước khách, cách luồn những con hẻm để đi đường tắt, tiết kiệm xăng nhất. Chị Đỗ Thị Minh đã ngoài 40, chỉ chạy xe vào ban đêm vì ban ngày chị  phải dành trọn thời gian chăm sóc cho cô con gái đang học năm thứ 4, khoa tin học Trường đại học Khoa học tự nhiên. “Trước đây chị làm nghề giác hơi, còn ổng thì chạy xe ôm, từ hồi ổng bị gai cột sống, không thể chạy nhiều, chị  mới ra xe phụ ổng…” - chị Minh tâm sự. Cả hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi mới mua được chiếc Citi cũ, mà cũng phải trả góp tới nay vẫn còn mang nợ. Hồi mới ra xe chị Minh cũng ngại chở khách nam vì người lạ hoắc ngồi sau lưng lại ôm cứng lấy mình, nhưng rồi khách chọn mình chứ mình đâu có quyền chọn khách, chị chấp nhận chở khách nam. Do chị chạy xe khá cẩn thận nên nhiều khách buôn bán liên tỉnh tin tưởng, trở thành “mối ruột” của chị.
Tôi đến thăm nhà chị Minh, một căn nhà tình thương nằm trong hẻm sâu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Trong nhà chỉ có một cái giường lót ván là nơi ngủ, ăn, sinh hoạt của cả gia đình. Ngôi nhà chật cứng vậy mà hai vợ chồng chị cũng nhín ra, dành riêng một góc học tập cho con. Mỗi chiều, sau khi chở con đi học về, cơm nước xong là chị lại cùng chồng ra bến xe miền Đông sẵn sàng cho những chuyến xe đêm.
Chị Minh nói, chạy xe đêm cực khổ và nguy hiểm nhưng được cái tiền công cao hơn ban ngày mới mong đủ tiền cho con ăn học. Tháng nào con cái ốm đau, xe cộ hư hỏng chị lại phải vay nóng để trang trải. Anh Tài, chồng chị Minh, than thở: “Lắm lúc thấy vợ chạy xe ôm khuya khoắt, đủ thứ nguy hiểm mà xót cả dạ, tui kêu bả nghỉ đi nhưng bả không chịu, cứ nằng nặc đòi đi xe phụ tôi. Bả cứ nói đời mình khổ vậy rồi chắc không khổ hơn được nữa, thôi thì ráng làm cho con cái có danh có phận với đời…”.
Chị Phạm Thị Diễm Phúc, một trong những phu xe nữ thâm niên nhất ở bến xe Miền Đông, cho biết chị từng thấy nhiều đồng nghiệp sớm bỏ nghề vì không chịu nổi cái khắc nghiệt của nghề phu xe nữ. Chồng chị Phúc cũng chạy xe ôm nhưng anh phải thừa nhận chị vợ “cày” ác chiến hơn anh; lâu lâu anh còn nghỉ vì đau ốm trong khi chị chưa một ngày rời tay lái. Câu chuyện về một phu xe nữ ở bến xe miền Đông bị bọn đạo tặc trói giữa đồng trống ở quận 12 rồi cướp xe đã làm hàng loạt chị bỏ nghề. Trong số các chị xe ôm tôi đã gặp, khá nhiều chị đã lớn tuổi và thường có chồng cùng nghề. Có chị nói: “Còn trẻ thì đố đứa con gái nào dám ra xe đón khách, mắc cỡ lắm!”. Vậy mà hôm chở khách đi tới cầu vượt ngã tư Bình Phước, tôi gặp một đồng nghiệp nữ rất trẻ chỉ mới 20 tuổi. Quê ở Cái Bè, Tiền Giang, gia đình rất nghèo, học hết lớp 9, Nguyễn Thị Hoa bỏ lên Sài Gòn kiếm sống. Ban đầu cô xin vào làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sóng Thần nhưng lương thấp lại tăng ca liên tục, thấy mấy anh xe ôm ngày nào cũng có khách, thu nhập đều đều, Hoa cùng một cô bạn đồng hương chợt nghĩ: Sao con gái lại không thể chạy xe ôm nhỉ? Cả hai cùng dành dụm mua xe và gia nhập đội quân xe ôm đông đúc. Hành nghề mới có một năm mà cả Hoa và cô bạn gái đã gặp tai nạn khủng khiếp. Một gã bất lương đánh thuốc mê cô bạn gái Hoa, khi tỉnh dậy cô thấy mình đang nằm tại một nhà nghỉ ở Lái Thiêu. Chiếc xe Trung Quốc, cái cần câu kiếm cơm đã biến mất cùng với đời con gái! Còn Hoa bị một trận đòn ghen thừa sống thiếu chết khi chở một vị khách nam, bà vợ ông này nghi Hoa là tình nhân của chồng mình! Sau tai nạn, cô bạn bỏ đi biệt tích, Hoa vẫn tiếp tục theo nghề nhưng với một nguyên tắc: không bao giờ chở khách nam!
Giữa trưa nắng chang chang, Hoa vẫn đứng đón khách dưới chân cầu vượt, cô kể: “Em có bạn trai rồi, ảnh làm trong khu công nghiệp, ảnh không bao giờ cho ai biết bạn gái mình chạy xe ôm đâu, em cũng thấy hơi ngại ngại nhưng rồi em nghĩ nghề nào cũng tốt, miễn sao tự lo được cuộc sống cho mình là quý rồi. Em định chạy vài năm nữa dành ít tiền làm vốn ra mở tiệm uốn tóc. Tính thì tính vậy chứ chưa biết khi nào mới đủ tiền đây, xe ôm bây giờ ra nhiều quá, phải mau mồm mau miệng lắm mới bắt được người khách…”. Một người đàn bà che dù đi tới, Hoa gạt chống xe thật nhanh và rồ ga phóng tới trước cả những đồng nghiệp nam, cô nói vọng lại: “Cuốc này em đi cho, từ sáng tới giờ chưa được cuốc nào…”. Bà khách có vẻ mãn nguyện khi thấy cô xe ôm trẻ, yên lòng ngồi lên xe…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét