Anh Nguyễn Văn Hùng, người phu xe đã cưu mang tôi trong những ngày ở bến xe miền Tây cứ dặn đi, dặn lại rằng: “Nghề nào cũng phải có đạo đức của nó. Đừng vì tham tiền mà chém khách, nhất là dân vừa dưới quê lên. Nên nhớ mình cũng xuất thân từ quê ra…”. Tôi đã từng được nghe những đồng nghiệp kể chuyện anh Hùng “khai trừ” một phu xe vì dắt mối cho gái mại dâm và từng phóng xe đuổi bắt bọn cướp giật trên đường.
Dẫn tôi về căn nhà nhỏ chỉ chừng 20 m2 trong con hẻm trên đường Lý Chiêu Hoàng, anh Hùng chỉ cho tôi xem tấm bằng khen của công an quận về thành tích bắt cướp của anh, được treo trang trọng cùng với các tấm bằng khen về thành tích học tập của hai cậu con trai đang học lớp 6 và lớp 8. Nhiều đồng nghiệp trẻ gọi anh Hùng là Lục Vân Tiên, còn anh chỉ nói đơn giản: “Thấy chuyện bất bình ngoài đường là tao không chịu nổi, phải ra tay thôi”. Vợ anh bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ, ba cha con thay phiên nhau chăm sóc. “Khổ thì khổ nhưng không để người đời khinh khi, có người thấy mấy tấm bằng khen bảo tao háo danh, nhưng đối với mấy đứa nhỏ thật quan trọng. Cha chúng chạy xe ôm có gì mà xấu ?” - anh Hùng nói. Một lần, câu con trai anh nhặt được cái bóp của ai làm rơi trước cổng trường, trong có 800.000 đồng, cậu bé mang về khoe với cha. Anh Hùng bắt con đem vào trường nộp lại cho ban giám hiệu: “Nghèo thì nghèo, không phải của mình thì không nên lấy con ạ”.
Trong đợt tổng kết “Phong trào quần chúng tham gia bắt cướp” của quận 12, thượng tá Nguyễn Văn Liêm, phó trưởng công an quận, cho biết: “Thật bất ngờ, khi chúng tôi thống kê, cả quận có trên 1.500 người hành nghề xe ôm thì đã có hơn 200 người trực tiếp tham gia bắt cướp hay thu thập, cung cấp các nguồn tin giá trị cho công an phá án trong hai năm qua. Anh Phạm Văn Sang, ngụ khu phố 3, phường Thạnh Xuân, quận 12, chạy xe ôm ở ngã tư An Sương, đã tham gia bắt cướp đến ba lần, trong đó có lần đã lao thẳng xe vào để bắt cho bằng được bọn cướp cạn”.
=========================
Những vòng xe nuôi ước mơ
Một buổi trưa đang ngồi chờ khách ở bến Đinh Bộ Lĩnh, tôi thấy một đồng nghiệp có tuổi móc trong bao nilông ra một quyển giáo trình đại học môn triết học Mác- Lênin. Tò mò, tôi lân la làm quen, ông Nguyễn Văn Chật, người phu xe ấy, không giấu vẻ hãnh diện: “ À, của con gái tao đó.
Nó nhờ tao mua giùm, đang đọc xem người ta viết gì trong đó. Nó mới vào đại học, tao mừng ghê!”. Cả buổi sáng ông Chật cứ nói về cô con gái mới đậu đại học với mọi người ở bến, thậm chí đến lượt xe ông cũng chẳng màng. Tôi hiểu được niềm vui lớn của người phu xe một đời lam lũ. Thật ra, ba người con lớn của ông đều đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm, cô con gái út Nguyễn Thị Hồng vừa mới trúng tuyển vào đại học. Gần 15 năm ông khổ nhọc chạy xe ôm, vợ ông bán nước sâm ven đường, hai ông bà đưa cả bốn con vào đại học - quả là một kỳ công lớn.
Bây giờ ông Chật đã có được niềm vui riêng: căn nhà nhỏ ở ngay khu chợ An Nhơn, phường 17, quận Gò Vấp của ông đã được những người con lớn góp tiền lương dành dụm xây lại khang trang chứ không còn dột nát như trước. Dù các con đã nhiều lần khuyên ông thôi nghề xe ôm nhưng ông vẫn tiếp tục vì không muốn nhờ vả các con: “Vả lại cái nghề đã theo mình hàng chục năm nay, nuôi cả gia đình bỏ không đành”.
Anh Huỳnh Cường, chạy xe ôm “quốc tế” ngay tại ngã tư Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng, cũng đang dồn hết những đồng tiền kiếm được lo cho hai con còn đi học. Vợ anh ở nhà chăm lo cho bà mẹ già, con lớn của anh chị học trường nghề đã ra trường, hai đứa nhỏ hơn đứa học cao đẳng, đứa học phổ thông. Mấy năm trước, để có tiền cho con ăn học, anh Cường chạy xe liên tục từ sáng tinh mơ hôm trước đến nửa đêm hôm sau không nghỉ, nhiều đêm anh ngủ ngục ngay trên hè phố. Anh kể, có lần gặp phải hai tên trấn lột, chúng lục túi lấy 300.000 anh dành dụm mấy ngày để cho con đóng học phí. Lo cho con, anh nài nỉ bọn trấn cướp: “Số tiền này tui dành dụm cho đứa con gái ngày mai đi đóng học phí, không có tiền thì nó bị đuổi học…”. Không hiểu có phải vì động lòng trước nỗi khốn cùng của người phu xe mà bọn trấn cướp trả lại tiền và bỏ đi...
Huỳnh Thu Hà, cô con gái của anh Cường đang học năm thứ nhất Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại, còn cậu con trai út đang học lớp 7. Anh Cường kể, ngày bé Hà thi đậu vào trường cao đẳng, gia đình anh vui như tết, anh dành cả ngày chở Hà đi một vòng khắp thành phố như một phần thưởng cho con. Từ hơn một năm nay, vị khách quan trọng nhất của anh Cường chính là cô con gái của anh. Cứ đúng 6 giờ sáng, dù khách sộp đến đâu anh cũng từ chối để đưa con gái tới trường, đến 5 giờ chiều lại lo đón con về. “Để nó đi xe đạp thì tội nghiệp và không yên tâm. Tôi thấy nhiều đứa trong trường nó cũng đi xe ôm, sao nhà có xe ôm mà không đi?” - anh Cường lý sự và cười thật to.
Tôi quyết định “bỏ nghề” sau gần ba tuần lễ cùng sống với giới xe ôm. Tôi lục túi, đếm tiền: trừ chi phí xăng cộ, bến bãi, trong khoảng thời gian ấy tôi kiếm được gần 400.000 đồng. Dự định chiều nay mời những đồng nghiệp đi làm một chầu chia tay, nhưng anh Hùng khoát tay: “Thôi thôi, chiều nay tao phải về đưa thằng nhỏ đi học thêm rồi, hôm khác đi…”.
Nói rồi anh Hùng phóng xe vào dòng người giờ tan tầm…
Ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương có một đội xe ôm mang tên “Đội xe ôm cứu nạn”. Những người phu xe nơi này tình nguyện đứng ra làm những người cứu nạn, cứu thương cho khách qua lại đoạn đường nguy hiểm như quốc lộ 1K, quốc lộ 1A… Đã có hơn 50 nạn nhân bị tai nạn giao thông được những phu xe sơ, cấp cứu, chở đến bệnh viện chữa trị kịp thời. Những thành viên trụ cột của đội, các anh Nguyễn Thành Hưng, Vũ Xuân Linh…, phần lớn đều ở nhà trọ, cuộc sống hết sức chật vật, bữa no, bữa đói nhưng họ vẫn quên mình vì tình người. |
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét