Kiểm soát suy nghĩ
"Cuộc sống của bạn là một chuỗi kết quả của những gì bạn lựa chọn. Đời người có hai cách để sống: theo cách này, chẳng có điều gì kỳ diệu xảy ra; còn với cách kia, mọi thứ trên đời đều kỳ diệu."
Albert Einstein
Chúng ta phải là "người kiểm định chất lượng" cho chính tâm trí chúng ta. Chúng ta phải "lọc" từng ý nghĩ đến với tâm trí ta, và phải lựa chọn để có thể chấp nhận hoặc bác bỏ những ý nghĩ tương ứng với từng hành động dự kiến sẽ xảy ra. Chúng ta luôn suy nghĩ, vì thế phải bảo đảm là "bộ lọc" của chúng ta đang hoạt động hiệu quả để "kiểm tra chất lượng" của từng ý nghĩ và kịp thời từ chối bất cứ ý nghĩ nào "không có lợi" hoặc "có hại".
Bài tập 1:
Ngồi một cách thoải mái và thư giãn. Điều này cho phép bạn từ từ nhớ lại mình đã bắt đầu một ngày như thế nào. Ý nghĩ nào xuất hiện đầu tiên khi bạn thức dậy sáng nay? Đó là loại suy nghĩ gì? Tích cực, tiêu cực hay cần thiết...? Bạn đã có loại suy nghĩ nào khi gặp gỡ và tiếp xúc với mọi người trong ngày? Hãy theo dõi chính bạn trong suốt buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Những suy nghĩ tích cực chiếm bao nhiêu thời gian trong ngày? Ghi lại chúng một cách ngắn gọn.
Nếu bạn có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực trong ngày, hãy quyết tâm thực tập suy nghĩ tích cực vào ngay ngày hôm sau. Hãy cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của những suy nghĩ tiêu cực đó. Chẳng hạn, khi bạn phát hiện ra rằng suy nghĩ tiêu cực ấy chính là kết quả của thái độ chỉ trích đối với người khác - bạn hãy thực hành phát triển một thái độ chấp nhận và thấu hiểu hơn, rồi những suy nghĩ tiêu cực sẽ tự động được thay thế bằng những suy nghĩ tích cực.
Bài tập 2:
Để kiểm soát những suy nghĩ, "thủ thuật" SOS(*) sau đây có thể giúp ích cho bạn rất nhiều:
Trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu tôi thực hành "Standing back" (Lùi lại) trước tình huống, tạo ra cho mình một khoảng không trong tâm trí hoặc tách rời khỏi tình huống đó, tôi có thể hướng tới một viễn cảnh mới mẻ và rõ ràng hơn là việc cứ để mình bị tác động bởi hoàn cảnh.
Sau đó, tôi "Observe" (Quan sát) loại suy nghĩ do tâm trí tôi đang tạo ra và tôi nhớ rằng mình có quyền lựa chọn những gì mình nghĩ.
Cuối cùng, tôi "Steer" (Lèo lái) suy nghĩ một cách có ý thức theo sự chọn lựa của mình. Và điều này sẽ giúp tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và luôn trong trạng thái chủ động kiểm soát ý nghĩ.
(*) SOS: Standing back: Lùi lại, Observe: Quan sát, Steer: Lèo lái.
Bài tập 3:
Những nghiên cứu mới đây ở Anh cho biết, trong suốt cuộc đời, chúng ta đã dành trung bình 80% thời gian hoặc hơn thế để nghĩ và nói về những điều không thể kiểm soát hay thay đổi được, chẳng hạn như về thời tiết, về quá khứ hay về người khác. Hành động này luôn khiến chúng ta cảm thấy thất vọng, vỡ mộng, giận dữ và căng thẳng trong các mối quan hệ.
Một bài tập đơn giản dưới đây sẽ giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng và có thể phản ứng một cách bình tĩnh và hiệu quả hơn trước những thử thách.
1. Nhìn thẳng vào tình huống.
2. Nhận dạng những gì ta có thể kiểm soát được.
3. Nhận dạng những gì ta không thể kiểm soát được.
4. Tập trung thời gian và năng lượng vào những gì ta có thể kiểm soát được.
5. Chấp nhận và phát triển những kỹ năng cần thiết để có thể chủ động ứng phó trước những gì ta không thể kiểm soát được.
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
Chương 3: Khẳng định ý nghĩ tích cực
Bảy bước chuyển phản ứng tiêu cực thành tích cực
"Ly nước đầy một nửa hay vơi một nửa là tùy vào thái độ của người quan sát nó."
Khuyết danh
Bước 2:
Nếu bạn đang có ý nghĩ chỉ trích và phản ứng lại những người khác, hãy thay thế ngay bằng những ý nghĩ, phản ứng hữu ích và tích cực.
Bước 3:
Bất cứ khi nào có những ý nghĩ tiêu cực về chính mình, về người khác hay về hoàn cảnh, bạn hãy tập trung nhìn vào những khía cạnh tốt và tích cực của mình, của người khác và của hoàn cảnh hiện tại.
Bước 4:
Khi đối mặt với những thử thách, hãy chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi và tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp có lợi và hiệu quả.
Bước 5:
Ghi lại những điểm tích cực của mọi người xung quanh và tập sống tốt giống như vậy.
Bước 6:
Xác định rằng những sức mạnh, khả năng cùng với mục tiêu của cuộc đời bạn là thực tế, không quan tâm tới những gì có thể khiến bạn nản lòng; sẽ không có tác động nào có thể ảnh hưởng đến bạn trên con đường tự khẳng định hạnh phúc sẵn có của mình.
Bước 7:
Ghi nhớ rằng dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, bạn cũng hoàn toàn tự do lựa chọn thái độ của mình và thái độ này sẽ quyết định cách bạn xử lý tình huống như thế nào.
"Chúng ta phải là tấm gương của những điều ta mong nhìn thấy thay đổi ở thế giới này."
Gandhi
Bài tập:
Nếu coi tâm trí của mình như một người bạn tốt nhất, bạn sẽ đối xử với "bạn ấy" như thế nào?
1. Bạn có thể luôn có những suy nghĩ cũng như những hồi đáp tích cực không?
2. Nêu ra 5 phẩm chất tốt đẹp của một người mà bạn đang có những vướng mắc với họ.
3. Hãy luôn ghi nhớ "thủ thuật" SOS!
4. Luôn ý thức bạn là một "diễn viên". Liệt kê những điểm tích cực mà bạn thường áp dụng cho từng "vai diễn" trong cuộc sống của mình.
5. Tạo ra những thói quen tích cực cho bạn. Ví dụ: "chỉ nhìn thấy điều tốt đẹp ở người khác" hay "luôn luôn sử dụng ngôn ngữ tích cực".
Nhớ dành cho bạn một sự lựa chọn! Hãy nhìn vào điều tốt đẹp nhất của mình và của những người khác!
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
Những công cụ trợ giúp để duy trì trạng thái tích cực
"Chuyện gì xảy ra không quan trọng bằng cách chúng ta phản ứng với nó như thế nào."
Thaddeus Golas
1. Sức mạnh Hình dung: Khi thiếu một cái nhìn tích cực, chúng ta thường mường tượng ra các tình huống khó khăn và luôn lo sợ mình sẽ thất bại trong những tình huống ấy.
Vì trong tinh thần luôn tiềm ẩn nỗi sợ hãi và năng lượng tiêu cực nên khi đối mặt với những tình huống khó khăn thật sự, những cảm xúc tiêu cực cùng nỗi sợ hãi đó lại trỗi dậy và thường mang lại thất bại như những gì chúng ta đã mường tượng trước đó.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát suy nghĩ của mình và dùng sức mạnh của sự hình dung tích cực để tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ rằng mình sẽ vượt qua, sẽ thành công trong bất cứ tình huống khó khăn nào. Đây là cách tập luyện tạo ra những cảm xúc tích cực và tự tin giúp chúng ta thành công khi đối diện với thực tế.
2. Tiếng nói bên trong - Hãy biến nó thành bạn của bạn:
Tất cả chúng ta đều có tiếng nói bên trong: hãy lắng nghe nó. Chẳng hạn khi bạn đang nghĩ đến việc thực hiện một điều gì mới hay đứng trước một thử thách mới, những dạng suy nghĩ nào sẽ xuất hiện trong đầu bạn? "Không làm được đâu! Lần trước mình cũng đã thử sức một chuyện tương tự và đã thất bại" hay "Được thôi. Sao lại không thử và cố gắng hết sức mình?". Tiếng nói trong ta có thể là bạn hoặc là thù. Nó được hình thành qua thời gian và chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người có quan hệ mật thiết với chúng ta - bố mẹ, thầy cô và sau này là bạn bè. Những lời nhận xét hay và dở từ những người xung quanh thường xuyên tác động đến chúng ta trong suốt quá trình trưởng thành, vô tình định hình nên nhận thức của chúng ta về bản thân mình. Nhận thức này chính là nền tảng cho cách chúng ta suy nghĩ và nó quyết định mức độ tự tin của chúng ta.
Tôi nhớ đến một người mà tôi đã giúp xử lý stress. Đó là một người đàn ông trung niên, giám đốc một công ty lớn. Dù giàu có và sở hữu nhiều của cải, ông vẫn cảm thấy bất hạnh. Ông uống rượu nhiều và điều đó đang đe dọa hiệu quả công việc của ông. Khi chúng tôi trao đổi về thời thơ ấu, ông kể người cha chỉ thương yêu người anh trai và luôn miệng nói rằng ông là một đứa vô tích sự, sẽ chẳng làm được việc gì nên thân. Giờ đây, dù đã trưởng thành, nhưng mỗi khi nhìn vào gương ông vẫn tự bảo: "Ngươi chẳng làm gì ra hồn cả. Ta ghét ngươi!". Tiếng nói trong ông như một kẻ thù, khiến ông trở nên căm ghét bản thân. Trò chuyện thêm, tôi mới vỡ lẽ rằng bố ông cũng là người sợ và căm ghét chính mình. Hiểu ra như thế, ông đã có thể chuyển hóa tiếng nói trong ông từ thù thành bạn. Mỗi khi giọng nói tiêu cực bắt đầu chê bai chỉ trích, ông lại tự bảo: "Nào, để xem người bạn hữu ích của mình nói gì với mình đây?". Ông biến tiếng nói ấy thành chỗ dựa và dần dần giành lấy lòng tự tin, tình yêu thương bản thân, tự giúp mình vượt qua nỗi bất hạnh.
Nhiều khi, thầy cô là những người có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến lòng tự tin của chúng ta. Tôi còn nhớ hồi bảy tuổi, đứng trong đội đồng ca, tôi đã hát rất to với niềm tự tin, hăng hái, say sưa. Được nửa bài, cô giáo bước đến chỗ tôi và đưa ngón tay lên môi ra hiệu cho tôi. Có hai cách hiểu, một là tôi hát quá to, hai là hàm ý tôi hát không hay. Ngay lập tức, tôi chấp nhận hàm ý thứ hai là thật và suốt trong nhiều năm sau đó, tôi không bao giờ hát trước mọi người. Và nghĩ sao thì ra vậy, giọng hát của tôi như bị nhốt vào một chiếc lồng sắt và không thể nào thoát ra được, nếu có thì cũng chỉ là những âm thanh ư ử được phát ra từ cổ họng yếu ớt!
Cho dù môi trường xung quanh từ thuở thiếu thời khiến chúng ta mạnh mẽ hay yếu đuối thì việc xây dựng một tiếng nói bên trong sẽ khuyến khích và tạo dựng sự tự tin trong mỗi chúng ta.
Bước đầu tiên là lắng nghe. Chúng ta cần lắng nghe "cuộc tự trò chuyện bên trong mình". Nếu nhận ra giọng nói ấy đang chỉ trích hay làm nản chí thì chúng ta cần quyết tâm chuyển nó thành tiếng nói hỗ trợ, khuyến khích.
Sự quyết tâm rất quan trọng vì chúng ta rất hay tạo được vài suy nghĩ truyền sức mạnh cho bản thân nhưng rồi sau đó lại không quan tâm để tiếp tục điều đó. Như thế chẳng khác gì chúng ta để ngỏ cửa cho những suy nghĩ yếu đuối, tiêu cực quay trở lại. Nếu đã quen có những suy nghĩ như "Mình sẽ thất bại" hay "Mình không có hy vọng đâu" thì nay chúng ta cần tạo thói quen suy nghĩ rằng "Mình sẽ thành công" hay "Mình rất xứng đáng".
3. Xem những khó khăn là bài học:
Một chìa khóa quan trọng để duy trì cách nhìn tích cực là khả năng học hỏi từ những khó khăn, không để thất bại che phủ tương lai hoặc bào mòn lòng tự tin của chúng ta. Nếu đã mắc sai lầm, hãy coi đó như một bài học và tự hỏi: "Tôi có thể học được kinh nghiệm gì từ chuyện này cho tương lai?". Một tấm gương điển hình tuyệt vời về khả năng này là Thomas Edison, người đã thử 2.000 chất liệu khác nhau trong quá trình sáng chế bóng đèn tròn. Sau 2.000 lần thất bại, phụ tá của ông ca cẩm: "Tất cả công sức của chúng ta thế là vô vọng! Ta chẳng học hỏi được điều gì cả". Edison đã đáp lại rất tự tin: "Chúng ta học được rất nhiều và đã tiến bộ nhiều. Giờ đây, chúng ta đã biết rằng có 2.000 chất liệu không phù hợp để dùng chế tạo bóng đèn tròn".
"Được khen không mừng, bị chê không khó chịu - một tính cách xuất chúng cần phải tự biết rõ những phẩm chất và thế mạnh của mình."
Nguồn: Tư duy tích cực - First News và NXB Văn Hóa Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét